1

Ai cần làm xét nghiệm HIV?

Phát hiện sớm HIV sẽ có thể điều trị kịp thời, ngăn chặn virus gây tổn hại đến hệ miễn dịch và tránh vô tình lây truyền bệnh sang người khác.
HIV test Ai cần làm xét nghiệm HIV?

Tại sao cần xét nghiệm HIV?

Theo Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), có khoảng 38 triệu người đang sống chung với HIV vào năm 2019. Trong số đó có 36.2 triệu người lớn và 1.8 triệu trẻ em (dưới 15 tuổi). Khoảng 20% người nhiễm HIV không biết mình đang mang virus.

Những người này không chỉ không nhận được sự điều trị cần thiết mà còn có thể vô tình truyền virus sang người khác. Trên thực tế, trong số những trường hợp nhiễm mới HIV thì có đến 40% là do lây truyền từ những người chưa được chẩn đoán.

Và mặc dù đã có rất nhiều Tổ chức Y tế lớn trên Thế giới đưa ra khuyến nghị xét nghiệm HIV định kỳ nhưng hầu như không ai làm được điều này.

Bất kỳ ai chưa từng xét nghiệm HIV nên cân nhắc đến bệnh viện làm xét nghiệm càng sớm càng tốt. Phát hiện sớm sẽ có thể điều trị kịp thời, ngăn chặn virus gây tổn hại đến hệ miễn dịch và tránh vô tình lây truyền HIV sang người khác.

Ai nên xét nghiệm HIV?

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC khuyến nghị tất cả mọi người từ 13 – 64 tuổi nên làm xét nghiệm HIV khi đi khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là nếu còn làm xét nghiệm đồng thời các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.

Những người thuộc nhóm có nguy cơ lây nhiễm HIV cao nên làm xét nghiệm ít nhất một lần mỗi năm.

Nhóm này gồm có:

  • Người có nhiều bạn tình hoặc quan hệ với người có nhiều bạn tình
  • Người thường xuyên quan hệ tình dục không dùng bao cao su hoặc các biện pháp bảo vệ khác
  • Người có bạn tình nhiễm HIV hoặc có nguy cơ nhiễm HIV
  • Người tiêm chích ma túy
  • Người mắc một bệnh lây truyền qua đường tình dục khác
  • Người làm việc trong môi trường dễ lây nhiễm, ví dụ như bác sĩ và điều dưỡng

Xét nghiệm HIV cũng được khuyến nghị thực hiện trong những trường hợp:

  • trước khi quan hệ tình dục với một người mới
  • đang mang thai
  • có các triệu chứng của bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục khác

Không giống như trước đây, nhờ những tiến bộ trong y học mà nhiễm HIV hiện nay đã là một tình trạng sức khỏe có thể kiểm soát được, đặc biệt là nếu bắt đầu điều trị từ sớm.

Nếu một người bị nhiễm HIV thì việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp:

  • chuẩn bị tinh thần điều trị tốt hơn
  • giảm tác động của virus lên cơ thể
  • ngăn chặn bệnh tiến triển sang giai đoạn cuối hay AIDS
  • giảm nguy cơ lây truyền virus sang người khác

Theo một nghiên cứu, tuổi thọ của những người nhiễm HIV bắt đầu điều trị từ sớm cũng tương đương với người không nhiễm HIV. Do đó, khi có nguy cơ đã bị phơi nhiễm với HIV thì cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Nếu vừa mới tiếp xúc với HIV bác sĩ sẽ kê thuốc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP). Các loại thuốc can thiệp khẩn cấp này giúp giảm nguy cơ nhiễm HIV sau khi đã tiếp xúc với virus nhưng cần dùng trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm phơi nhiễm.

Các phương pháp xét nghiệm sàng lọc và chẩn đoán HIV

Có một số phương pháp xét nghiệm được sử dụng để sàng lọc và chẩn đoán HIV. Các xét nghiệm này được thực hiện trên mẫu máu hoặc mẫu nước bọt. Mẫu máu có thể được lấy bằng cách chích ngón tay hoặc lấy máu tĩnh mạch.

Vào năm 2012, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê chuẩn bộ dụng cụ xét nghiệm HIV tại nhà OraQuick. Đây là phương pháp xét nghiệm nhanh HIV đầu tiên có thể thực hiện tại nhà bằng cách sử dụng mẫu dịch miệng (nước bọt ở lợi).

Sau khi bị nhiễm HIV, có thể phải sau ​​từ 1 đến 6 tháng thì các phương pháp xét nghiệm tiêu chuẩn mới cho kết quả dương tính.

Các xét nghiệm này phát hiện kháng thể kháng HIV chứ không phải sự hiện diện của chính virus. Kháng thể là một loại protein được hệ miễn dịch tạo ra để chống lại mầm bệnh.

Theo Avert (tổ chức từ thiện phi chính phủ cung cấp thông tin và hỗ trợ về HIV/AIDS) , các xét nghiệm HIV thế hệ thứ ba (xét nghiệm ELISA) phải được thực hiện sau ít nhất 3 tháng kể từ khi tiếp xúc với HIV thì mới cho kết quả dương tính.

Lý do là bởi cơ thể cần 3 tháng để tạo ra một số lượng kháng thể đủ để xét nghiệm có thể phát hiện.

Các phương pháp xét nghiệm HIV thế hệ thứ tư phát hiện bệnh bằng cách tìm kiếm kháng thể và kháng nguyên p24. Những phương pháp này có thể cho kết quả dương tính chỉ sau 1 tháng kể từ khi phơi nhiễm. Kháng nguyên là những chất gây ra đáp ứng miễn dịch trong cơ thể.

Theo một nghiên cứu của Đại học Columbia thì sau 3 tháng, 97% người nhiễm HIV đã tạo ra một lượng kháng thể đủ để xét nghiệm có thể phát hiện. Mặc dù đôi khi phải mất đến 6 tháng nhưng điều này rất hiếm khi xảy ra.

Nếu nghi ngờ mình đã bị nhiễm HIV thì vẫn nên đến bệnh viện ngay. Có thể tiến hành xét nghiệm đo tải lượng virus để xác định xem có bị nhiễm HIV gần đây hay không.

Các xét nghiệm theo dõi

Khi một người đã có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV thì sẽ cần đi tái khám thường xuyên.

Bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm theo dõi và 2 phương pháp phổ biến nhất là xét nghiệm đếm số lượng tế bào CD4 và xét nghiệm đo tải lượng virus.

Xét nghiệm đếm số lượng tế bào CD4

HIV nhắm đến và phá hủy các tế bào CD4. Đây là một loại tế bào bạch cầu có vai trò rất quan trọng đối với chức năng của hệ miễn dịch. Nếu không điều trị, số lượng tế bào CD4 sẽ giảm theo thời gian do bị virus tấn công và phá hủy.

Khi số lượng tế bào CD4 trong cơ thể giảm xuống dưới 200 tế bào/mm3 thì người đó đã bước sang HIV giai đoạn cuối hay AIDS.

Điều trị sớm và nhất quán sẽ giúp duy trì số lượng tế bào CD4 ở mức khỏe mạnh và ngăn ngừa HIV tiến triển sang giai đoạn cuối.

Nếu điều trị có hiệu quả thì số lượng tế bào CD4 sẽ được giữ ở mức ổn định hoặc tăng lên. Số lượng tế bào này cũng là một chỉ số cho thấy chức năng miễn dịch tổng thể.

Nếu số lượng tế bào CD4 của một người giảm xuống mức thấp thì người đó sẽ có nguy cơ cao mắc một số bệnh nhiễm trùng.

Dựa trên số lượng tế bào CD4 của người bệnh mà bác sĩ có thể sẽ kê thuốc kháng sinh dự phòng để ngăn ngừa những bệnh này.

Xét nghiệm đo tải lượng virus

Tải lượng virus là thước đo lượng HIV có trong máu. Bác sĩ sẽ làm xét nghiệm đo tải lượng virus để theo dõi hiệu quả điều trị và tình trạng bệnh.

Khi tải lượng virus của một người ở mức thấp hay không thể phát hiện được thì sẽ gần như không có nguy cơ tiến triển sang HIV giai đoạn cuối và bị rối loạn chức năng miễn dịch do AIDS. Điều này cũng làm giảm đáng kể nguy cơ lây truyền virus sang người khác.

Tuy nhiên, những người có tải lượng virus không phát hiện được vẫn nên tiếp tục sử dụng bao cao su và các biện pháp bảo vệ khác khi quan hệ tình dục để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Xét nghiệm phát hiện đột biến kháng thuốc HIV

Bác sĩ cũng có thể sẽ yêu cầu làm các xét nghiệm để kiểm tra xem một chủng HIV có khả năng kháng các loại thuốc được sử dụng trong phác đồ điều trị hay không. Điều này sẽ giúp bác sĩ xác định được những loại thuốc phù hợp.

Các xét nghiệm khác

Ngoài những xét nghiệm kể trên thì có thể còn phải thực hiện thêm một số xét nghiệm khác để theo dõi xem người bệnh có gặp phải các biến chứng thông thường của HIV/AIDS hoặc tác dụng phụ của thuốc điều trị hay không. Một số xét nghiệm này gồm có:

  • Xét nghiệm chức năng gan
  • Xét nghiệm chức năng thận
  • Các phương pháp kiểm tra chức năng tim mạch và trao đổi chất

Ngoài ra, một số trường hợp sẽ cần khám lâm sàng và làm một số xét nghiệm để kiểm tra xem có đang mắc các bệnh khác liên quan đến HIV hay không, chẳng hạn như:

  • Bệnh lây qua đường tình dục khác
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Bệnh lao

Số lượng tế bào CD4 dưới 200 tế bào/mm3 không phải là dấu hiệu duy nhất cho thấy HIV đã tiến triển thành AIDS. HIV giai đoạn cuối cũng có thể được xác định bằng sự hiện diện của một số bệnh nhiễm trùng cơ hội, ví dụ như:

  • Nhiễm nấm, chẳng hạn như bệnh nấm coccidioidomycosis (sốt thung lũng) hay nhiễm nấm cryptococcosis
  • Nhiễm trùng nấm men hay nhiễm nấm candida ở phổi, miệng hoặc thực quản
  • Nhiễm nấm Histoplasma - một dạng nhiễm nấm ảnh hưởng đến phổi
  • Viêm phổi do nhiễm trùng bào tử Pneumocystis carinii
  • Viêm phổi tái phát
  • Bệnh lao
  • Nhiễm phức hợp mycobacterium avium, một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn
  • Mụn rộp hay herpes mãn tính (kéo dài quá một tháng)
  • Isosporiasis và nhiễm cryptosporidium - các bệnh đường ruột
  • Nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn salmonella
  • Nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma - một bệnh ảnh hưởng đến não
  • Bệnh não chất trắng đa ổ tiến triển (PML)
  • Ung thư cổ tử cung xâm lấn
  • Ung thư Kaposi
  • Ung thư hạch hay u lympho
  • Hội chứng suy mòn hay sụt cân nghiêm trọng

Triển vọng điều trị HIV

Quá trình nghiên cứu về HIV/AIDS vẫn đang tiếp tục ở nhiều quốc gia trên Thế giới và đã đạt được một số bước tiến nhất định. Các nhà khoa học hy vọng rằng sẽ sớm tìm ra vắc-xin ngăn ngừa và phương pháp chữa khỏi căn bệnh này trong vòng vài năm tới.

Tính đến năm 2020, đã có hơn 40 loại thuốc kháng virus đã được phê chuẩn đưa vào sử dụng. Ngoài ra còn nhiều công thức và phương pháp điều trị mới vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Các phương pháp xét nghiệm hiện tại chỉ có thể phát hiện được các dấu hiệu của HIV (kháng thể, kháng nguyên) chứ không phát hiện được virus một cách trực tiếp. Tuy nhiên, khoa học đang nghiên cứu cách mà virus này có thể ẩn náu trong các tế bào của hệ miễn dịch. Điều này sẽ cho phép hiểu rõ hơn và từ đó tìm ra được vắc-xin chống lại HIV.

HIV biến đổi nhanh chóng và đó là một trong những lý do khiến quá trình chế tạo vắc-xin gặp phải nhiều trở ngại. Các phương pháp như cấy ghép tế bào gốc (hay cấy ghép tủy xương) để điều trị ung thư hạch đang được thử nghiệm về khả năng điều trị HIV.

Cần làm gì khi có xét nghiệm HIV dương tính?

Khi xét nghiệm HIV cho kết quả dương tính thì cần phải theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của mình và báo ngay cho bác sĩ khi có bất kỳ thay đổi nào.

Các triệu chứng mới có thể là dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng cơ hội hay các bệnh khác phát sinh do hệ miễn dịch suy yếu. Trong một số trường hợp, đó có thể là dấu hiệu cho thấy phác đồ điều trị HIV không hiệu quả hoặc tình trạng bệnh đã tiến triển.

Chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả sẽ làm giảm hoặc ngăn chặn sự tiến triển của HIV và giảm nguy cơ lây truyền bệnh.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Xét nghiệm HIV tại nhà có chính xác không?
Xét nghiệm HIV tại nhà có chính xác không?

Trước đây, cách duy nhất để xác định một người có bị nhiễm HIV hay không là đến bệnh viện để làm xét nghiệm. Hiện nay đã có rất nhiều lựa chọn để có thể tự kiểm tra tình trạng nhiễm HIV ngay tại nhà.

Bao lâu sau khi quan hệ không dùng bao cao su thì có thể xét nghiệm HIV?
Bao lâu sau khi quan hệ không dùng bao cao su thì có thể xét nghiệm HIV?

Bao cao su là một phương pháp hiệu quả để ngăn ngừa lây truyền HIV khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, nhiều người lại không sử dụng bao cao su hoặc sử dụng không đúng cách. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ lây truyền HIV và các bệnh lây qua đường tình dục (STD) khác.

Độ chính xác của các phương pháp xét nghiệm HIV
Độ chính xác của các phương pháp xét nghiệm HIV

Với các phương pháp xét nghiệm HIV hiện nay thì việc chẩn đoán sai là điều rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên trong một số ít trường hợp, xét nghiệm HIV cho kết quả dương tính giả hoặc âm tính giả.

Khi nào cần làm xét nghiệm đếm số lượng tế bào T?
Khi nào cần làm xét nghiệm đếm số lượng tế bào T?

Xét nghiệm đếm số lượng tế bào T được thực hiện trong những trường hợp có các triệu chứng của rối loạn suy giảm miễn dịch, chẳng hạn như HIV.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây