Xét nghiệm HIV tại nhà có chính xác không?
HIV là gì?
HIV (virus suy giảm miễn dịch ở người) là một loại virus tấn công các tế bào CD4 (một loại tế bào bạch cầu trong cơ thể) và làm suy yếu hệ miễn dịch. Nếu không được điều trị, HIV sẽ tiến triển thành AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải) và dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, có khoảng 15 - 20% tổng số người đang sống chung với HIV không hề biết mình đang mang virus.
Chỉ khi biết được tình trạng nhiễm HIV của mình thì người bệnh mới có thể bắt đầu các phương pháp điều trị cần thiết để có thể sống khỏe mạnh và kéo dài tuổi thọ, đồng thời ngăn ngừa lây truyền virus sang người khác.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) khuyến cáo rằng tất cả mọi người ở độ tuổi từ 13 đến 64 đều nên làm xét nghiệm HIV ít nhất một lần.
Và nên đi xét nghiệm thường xuyên nếu:
- quan hệ tình dục mà không dùng bao cao su
- quan hệ tình dục với nhiều người
- có bạn đời nhiễm HIV
- tiêm chích ma túy
- làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao
Khi nào có thể làm xét nghiệm HIV?
Một số phương pháp xét nghiệm HIV phát hiện virus bằng cách tìm sự hiện diện của các kháng thể - loại protein được cơ thể tạo ra để chống lại mầm bệnh. Chỉ khi có đủ lượng kháng thể trong máu thì xét nghiệm mới phát hiện được và cho kết quả dương tính. Quá trình này sẽ phải mất một thời gian, từ 2 đến 8 tuần hoặc thậm chí là lâu hơn sau khi nhiễm HIV. Khoảng thời gian kể từ khi phơi nhiễm cho đến khi có kết quả xét nghiệm dương tính được gọi là thời kỳ cửa sổ.
Khi làm xét nghiệm ngay trong thời kỳ cửa sổ thì có khả năng cao là sẽ nhận được kết quả âm tính dù thực sự đã bị nhiễm virus do chưa có đủ lượng kháng thể (âm tính giả). Và để xác nhận kết quả chính xác thì cần chờ đủ 2 - 3 tháng và đi xét nghiệm lại.
Các phương pháp xét nghiệm nhanh HIV tại nhà
Trước đây, cách duy nhất để xác định một người có bị nhiễm HIV hay không là đến bệnh viện để làm xét nghiệm. Hiện nay đã có rất nhiều lựa chọn để có thể tự kiểm tra tình trạng nhiễm HIV ngay tại nhà.
Một số phương pháp xét nghiệm HIV, dù thực hiện tại nhà hay tại cơ sở y tế, có thể cho kết quả chỉ trong vòng 30 phút. Đây được gọi là các phương pháp xét nghiệm nhanh.
Bộ dụng cụ xét nghiệm OraQuick In-Home HIV Test hay vẫn thường được gọi là que thử OraQuick hiện là phương pháp xét nghiệm nhanh tại nhà duy nhất được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê chuẩn. Bộ dụng này được bán trực tuyến và tại các hiệu thuốc.
Một bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh tại nhà khác là Home Access HIV-1 Test System cũng đã được FDA chấp thuận nhưng sau đó đã bị ngừng sản xuất kể từ năm 2019.
Ngoài OraQuick, các bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh HIV tại nhà khác hiện đang được sử dụng trên thế giới còn có:
- Atomo HIV Self Test: xét nghiệm mẫu máu. Sản phẩm này đã được Cơ quan Quản trị Dược phẩm Úc chấp thuận, có thể cho kết quả sau 15 phút.
- autotest VIH: xét nghiệm mẫu máu, được sản xuất tại Pháp và cho kết quả trong vòng 15 đến 20 phút.
- BioSure HIV Self Test: xét nghiệm mẫu máu, cho kết quả trong vòng 15 phút.
- INSTI HIV Self Test: được sản xuất và đưa vào sử dụng tại Hà Lan từ năm 2017, có thể cho kết quả chỉ trong vòng 60 giây. Dụng cụ này cũng sử dụng mẫu máu.
- Simplitude ByMe HIV Test: ra mắt vào tháng 7 năm 2020, sử dụng mẫu máu và cho kết quả trong vòng 15 phút.
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh HIV tại nhà khác nhau nhưng không phải sản phẩm nào cũng được FDA chấp thuận. Việc sử dụng các sản phẩm chưa được FDA chấp thuận có thể tiềm ẩn rủi ro và không đem lại kết quả chính xác.
Phương pháp xét nghiệm mới
Một nghiên cứu vào năm 2016 đã giới thiệu về một phương pháp xét nghiệm HIV mới có thể cho kết quả trong vòng chưa đầy 30 phút bằng cách sử dụng một dụng cụ giống như chiếc USB và mẫu máu lấy từ ngón tay. Đó là kết quả của nỗ lực hợp tác giữa Đại học Hoàng gia London và công ty công nghệ DNA Electronics.
Hiện phương pháp xét nghiệm này vẫn chưa được đưa vào sử dụng chính thức và cũng chưa được FDA chấp thuận. Tuy nhiên, các thử nghiệm ban đầu đã cho thấy kết quả đầy hứa hẹn với độ chính xác lên đến khoảng 95%.
Xét nghiệm HIV tại nhà bằng OraQuick
Mỗi một sản phẩm xét nghiệm HIV tại nhà lại có cơ chế hoạt động hơi khác nhau một chút.
Không giống các sản phẩm khác, que xét nghiệm HIV tại nhà OraQuick sử dụng mẫu nước bọt chứ không cần lấy máu. Người dùng chỉ cần quẹt que thử dọc theo nướu để lấy mẫu nước bọt theo như hướng dẫn rồi sau đó nhúng vào trong ống đựng dung dịch đi kèm.
Kết quả sẽ có sau khoảng 20 phút. Nếu que thử hiện 1 vạch thì có nghĩa là kết quả âm tính còn 2 vạch có nghĩa là kết quả dương tính. Khi có kết quả dương tính thì cần đến bệnh viện để làm xét nghiệm xác nhận.
Xét nghiệm HIV tại nhà có chính xác không?
Xét nghiệm tại nhà là một cách thuận tiện và chính xác để kiểm tra xem có bị nhiễm HIV hay không. Tuy nhiên, so với phương pháp xét nghiệm được thực hiện tại bệnh viện thì phương pháp xét nghiệm tại nhà bằng que thử OraQuick phát hiện được HIV muộn hơn. Có nghĩa là phải sau một thời gian dài hơn kể từ khi phơi nhiễm thì dụng cụ này mới cho kết quả dương tính.
Lý do là bởi nồng độ kháng thể kháng HIV trong nước bọt thấp hơn nồng độ kháng thể kháng HIV trong máu. Do đó, que xét nghiệm HIV tại nhà OraQuick sẽ không phát hiện được HIV sớm như xét nghiệm máu.
Lợi ích của xét nghiệm HIV tại nhà
Nhiều người dù nghi ngờ mình đã tiếp xúc với HIV nhưng ngại đến bệnh viện xét nghiệm, dẫn đến bỏ lỡ thời điểm tốt nhất để bắt đầu điều trị. Các sản phẩm xét nghiệm HIV tại nhà đảm bảo sự riêng tư tuyệt đối và từ đó giúp nhiều người phát hiện được bệnh sớm hơn. Việc điều trị và kiểm soát HIV sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu được bắt đầu từ sớm.
Các phương pháp xét nghiệm HIV tại nhà cho kết quả gần như ngay lập tức, đôi khi chỉ trong vòng vài phút mà không cần phải chờ đợi trong thấp thỏm.
Phát hiện sớm là điều cần thiết để có thể điều trị hiệu quả HIV và ngăn bệnh tiến triển sang giai đoạn cuối hay AIDS.
Các phương pháp xét nghiệm tại nhà cho phép mọi người biết được kết quả nhanh hơn so với các phương pháp xét nghiệm tại bệnh viện. Điều này giúp hạn chế ảnh hưởng của virus lên cơ thể và tránh tiếp tục lây truyền sang những người khác.
Điều trị sớm và đúng cách sẽ làm giảm tải lượng virus xuống mức không thể phát hiện được và lúc này HIV sẽ không còn khả năng lây truyền. Theo CDC, khi số lượng virus ở mức dưới 200 bản sao/ml máu thì được xác định là không thể phát hiện.
Các phương pháp xét nghiệm tại nhà khác
Ngoài những bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh HIV tại nhà kể trên thì còn có hai phương pháp cũng giúp kiểm tra tình trạng nhiễm HIV mà không cần đến bệnh viện là Everlywell và LetsGetChecked.
Tuy nhiên, không giống như các xét nghiệm nhanh HIV, hai phương pháp xét nghiệm này không cho kết quả trong ngày và cũng không phải được thực hiện hoàn toàn tại nhà. Mẫu bệnh phẩm sẽ được lấy tại nhà nhưng sau đó được gửi đến phòng thí nghiệm. Kết quả sẽ được gửi đến khách hàng trong vòng 5 – 7 ngày.
Những người có kết quả xét nghiệm dương tính sẽ được các chuyên gia tư vấn và hướng dẫn các bước cần thực hiện tiếp theo.
Xét nghiệm Everlywell sử dụng mẫu máu từ đầu ngón tay.
Bộ dụng cụ xét nghiệm LetsGetChecked có thể phát hiện được cả những bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, gồm có HIV, giang mai và HSV. Phương pháp xét nghiệm này sử dụng cả mẫu máu và mẫu nước tiểu.
Các dấu hiệu ban đầu của HIV
Trong vài tuần đầu tiên sau khi bị nhiễm HIV, cơ thể thường xuất hiện các triệu chứng tương tự như bệnh cúm, gồm có:
- Đau mỏi cơ
- Sốt
- Ớn lạnh
- Nhức đầu
- Sưng hạch bạch huyết quanh cổ
- Đau rát họng
Trong giai đoạn đầu, được gọi là giai đoạn nhiễm trùng cấp tính, HIV rất dễ lây truyền sang người khác.
Nên làm xét nghiệm HIV nếu gặp phải các triệu chứng này sau khi:
- quan hệ tình dục mà không sử dụng bao cao su, đặc biệt là với một người mới
- tiêm chích ma túy hoặc đi xăm
- được truyền máu hoặc phẫu thuật ghép tạng (hiện nay HIV hầu như không còn lây qua những con đường này nữa)
Bước tiếp theo sau xét nghiệm
Kết quả âm tính
Nếu đã qua hơn 3 tháng kể từ khi thời điểm phơi nhiễm và xét nghiệm cho kết quả âm tính thì có thể khá chắc chắn là không bị nhiễm HIV.
Nếu làm xét nghiệm trong vòng 3 tháng kể từ khi phơi nhiễm và có kết quả âm tính thì cần chờ đủ 3 tháng rồi xét nghiệm lại để xác định chắc chắn. Trong thời gian đó vẫn phải sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc tốt nhất là ngừng quan hệ tình dục hoàn toàn.
Kết quả dương tính
Nếu nhận được kết quả dương tính khi làm xét nghiệm tại nhà thì nên đến bệnh viện làm xét nghiệm lại. Nếu xét nghiệm tại bệnh viện và có kết quả dương tính lần đầu thì bác sĩ cũng sẽ tiến hành xét nghiệm lại, có thể là trên cùng một mẫu bệnh phẩm trước đó hoặc lấy một mẫu mới. Nếu xét nghiệm lần hai cho kết quả dương tính có nghĩa là đã nhiễm HIV.
Trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị.
Mặc dù hiện tại chưa có cách chữa khỏi HIV nhưng có thể điều trị bằng thuốc kháng virus (thuốc ARV) để kiểm soát tình trạng và giúp người bệnh có thể sống khỏe mạnh hơn. Những người nhiễm HIV phải bắt đầu điều trị bằng thuốc ARV ngay lập tức sau khi nhận được chẩn đoán. Những loại thuốc này giúp ngăn chặn HIV tiến triển sang AIDS và có thể giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác. Khi tuân thủ đúng phác đồ điều trị mà bác sĩ chỉ định, tải lượng virus có thể được giảm xuống mức không thể phát hiện và nguy cơ HIV lây truyền sang người khác là gần như bằng 0.
Nên tạm thời ngừng quan hệ tình dục hoặc sử dụng bao cao su khi quan hệ trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm hoặc cho đến khi tải lượng virus trong cơ thể giảm xuống mức không thể phát hiện được.
Gọi điện đến đường dây nóng để nói chuyện với tư vấn viên hoặc tham gia một nhóm hỗ trợ, dù trực tuyến hay gặp trực tiếp ở bên ngoài sẽ giúp đối phó với những vấn đề về tâm lý, cảm xúc khi bị chẩn đoán nhiễm HIV. Mặc dù hiện đã có thể kiểm soát được HIV và sống khỏe mạnh bình thường nhưng việc nhận được chẩn đoán nhiễm HIV vẫn là một cú sốc lớn và đây là điều rất khó mở lời với ngay cả những người thân nhất.
Nói chuyện với một người không quen hoặc tham gia cộng đồng gồm có những người khác cũng đang trong hoàn cảnh giống như mình sẽ giúp giảm bớt đi phần nào sự hoảng sợ, lấy lại sự bình tĩnh để bắt đầu điều trị và học hỏi những kinh nghiệm chuẩn bị cho một cuộc sống mới.
Các biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục, chẳng hạn như bao cao su và màng chắn miệng sẽ giúp ngăn ngừa sự lây truyền các bệnh xã hội, bao gồm cả HIV. Đối với những người bị nhiễm HIV thì những biện pháp này lại càng cần thiết để bảo vệ bạn tình khỏi bị lây nhiễm.
Có thể xét nghiệm các bệnh lây qua đường tình dục khác tại nhà không?
Có thể kiểm tra các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, chẳng hạn như bệnh lậu và chlamydia tại nhà nhưng quy trình làm xét nghiệm không được thực hiện hoàn toàn tại nhà và cũng không cho kết quả ngay lập tức như các bộ dụng cụ xét nghiệm HIV mà phải lấy mẫu nước tiểu hoặc mẫu dịch từ bộ phận sinh dục rồi gửi đến phòng thí nghiệm để làm xét nghiệm. Kết quả sẽ được gửi trả lại đến khách hàng sau vài ngày.
Nếu nhận được kết quả dương tính hoặc kết quả âm tính nhưng vẫn gặp các triệu chứng bệnh thì nên đến bệnh viện làm xét nghiệm lại để xác nhận kết quả chính xác.
Quan hệ không thâm nhập có bị HIV không? Đây là một hình thức quan hệ tình dục khá an toàn, giúp tránh mang thai ngoài ý muốn và giảm nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Phát hiện sớm HIV sẽ có thể điều trị kịp thời, ngăn chặn virus gây tổn hại đến hệ miễn dịch và tránh vô tình lây truyền bệnh sang người khác.
Xét nghiệm ELISA được khuyến nghị cho những trường hợp đã phơi nhiễm với HIV hoặc có nguy cơ bị lây nhiễm HIV.
Quan hệ bằng miệng có bị HIV không? Đây không chỉ là câu hỏi mà còn là vấn đề cũng được rất nhiều bạn trẻ quan tâm và chú ý. Để tìm kiếm và giải đáp câu trả lời này. Hãy tham khảo nội dung bài viết dưới đây!
Mặc dù ho khan là một triệu chứng phổ biến của HIV nhưng không phải lúc nào bị ho khan cũng có nghĩa là đã nhiễm virus này.