1

Thời kỳ cửa sổ của HIV là gì?

Thời kỳ cửa sổ của HIV là gì? Thời kỳ cửa sổ của HIV là gì?

Thời kỳ cửa sổ là gì?

Khi một người bị nhiễm HIV (virus suy giảm miễn dịch ở người), thời gian làm xét nghiệm sẽ ảnh hưởng đến kết quả. Mặc dù các xét nghiệm hiện nay đã chính xác hơn nhiều so với trước nhưng vẫn chưa có phương pháp nào phát hiện được HIV ngay sau khi bị nhiễm.

Các cơ chế phòng vệ của cơ thể bắt đầu hoạt động sau khi nhiễm HIV. Hệ miễn dịch sẽ tạo ra các kháng thể để tấn công virus. Một trong các phương pháp xét nghiệm HIV là xét nghiệm tìm các kháng thể này. Quá trình sản sinh kháng thể kháng HIV được gọi là giai đoạn chuyển đảo huyết thanh và khoảng thời gian kể từ khi bị nhiễm virus cho đến khi cơ thể sản sinh đủ kháng thể để xét nghiệm có thể phát hiện và cho kết quả dương tính được gọi là thời kỳ cửa sổ. Nếu làm xét nghiệm trong thời gian diễn ra giai đoạn này thì sẽ không phát hiện được. Do đó mà xét nghiệm sẽ cho kết quả âm tính giả.

Xét nghiệm tìm kháng thể kháng HIV chỉ cho kết quả dương tính khi cơ thể tạo ra đủ lượng kháng thể.

Thời kỳ cửa sổ kéo dài bao lâu?

Vì hệ miễn dịch của mỗi người là khác nhau nên quá trình để sản sinh ra đủ lượng kháng thể và thời gian diễn ra thời kỳ cửa sổ là không giống nhau.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu ra các phương pháp xét nghiệm máu để phát hiện HIV từ những ngày đầu khi đại dịch HIV/AIDS mới bùng phát. Hiện nay, có thể phát hiện kháng thể kháng HIV cũng như là các thành phần khác của HIV sớm hơn so với trước đây. Theo Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, trong hầu hết những trường hợp nhiễm HIV thì xét nghiệm thường cho kết quả dương tính sau khoảng vài tuần kể từ thời điểm bị nhiễm. Tuy nhiên cũng có những trường hợp phải mất đến 12 tuần.

Dấu hiệu, triệu chứng trong thời kỳ cửa sổ

Trong thời kỳ cửa sổ, người bệnh thường có các dấu hiệu, triệu chứng giống như bệnh cúm hoặc các bệnh do virus thông thường như:

  • Sưng hạch bạch huyết
  • Nhức đầu
  • Nổi mẩn
  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Đau rát họng
  • Mỏi cơ

Các triệu chứng này có thể kéo dài từ vài ngày cho đến vài tuần và có mức độ từ nhẹ đến nặng khác nhau, tùy cơ thể từng người. Cũng có nhiều người trải qua giai đoạn ban đầu sau khi nhiễm HIV mà không biểu hiện bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào. Do đó mà trong thời gian này, nhiều người không hề biết rằng mình đã nhiễm HIV.

HIV có lây truyền trong thời kỳ cửa sổ không?

Cho dù có triệu chứng hay không thì HIV vẫn lây truyền trong thời kỳ cửa sổ.

Khoảng thời gian từ khi phơi nhiễm cho đến khi hệ miễn dịch có những phản ứng ban đầu là giai đoạn nhiễm trùng cấp tính hay HIV giai đoạn đầu. Trong thời gian ngay sau khi bị nhiễm HIV, số lượng virus trong cơ thể ở mức cực kỳ cao. Hơn nữa, cơ thể vẫn chưa tạo ra các kháng thể cần thiết để chống lại virus và người bệnh vẫn chưa biết để bắt đầu điều trị, kiểm soát bệnh. Do đó mà sẽ rất dễ lây truyền virus sang người khác trong giai đoạn này.

Trong giai đoạn HIV cấp tính, hầu hết mọi người đều không biết rằng mình đã nhiễm virus. Ngay cả khi có đi xét nghiệm thì cũng thường nhận được kết quả âm tính giả. Điều này sẽ dẫn đến chủ quan và vô tình tiếp tục lây truyền HIV, chẳng hạn như khi quan hệ tình dục mà không dùng bao cao su – đây là một trong những con đường chính lây truyền HIV.

Bất kỳ ai nghi ngờ mình mới bị nhiễm HIV gần đây nên đến bệnh viện ngay. Bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm đo tải lượng virus HIV và kê thuốc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) để dùng trong một tháng nhằm làm giảm nguy cơ lây nhiễm.

Các bước cần làm sau khi phơi nhiễm với HIV

Khi nghi ngờ có thể mình đã tiếp xúc với người bị HIV thì nên đến bệnh viện ngay và cho bác sĩ biết về thời gian bị phơi nhiễm để được hướng dẫn làm xét nghiệm. Tuy nhiên, nếu xét nghiệm vào lúc này thì có thể sẽ nhận được kết quả âm tính giả và cần chờ sau 2 – 3 tháng rồi xét nghiệm lại để xác nhận kết quả.

Bước tiếp theo, bác sĩ sẽ kê thuốc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP). Thuốc này chỉ có tác dụng nếu được bắt đầu dùng trong vòng 72 giờ sau khi phơi nhiễm với HIV và cần uống liên tục dùng trong 28 ngày.

Nên tạm thời ngừng quan hệ tình dục hoặc sử dụng bao cao su khi quan hệ cho đến khi chắc chắn rằng mình không nhiễm HIV. Ngoài ra, cần tránh để người khác tiếp xúc với vết thương hở và đụng chạm vào những vật dụng có dính máu của mình.

Các phương pháp xét nghiệm HIV

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến nghị tất cả những người trong độ tuổi từ 13 đến 64 nên làm xét nghiệm HIV ít nhất một lần. Những người có các yếu tố nguy cơ dưới đây nên làm xét nghiệm định kỳ hàng năm hoặc thường xuyên hơn:

  • Quan hệ tình dục mà không sử dụng bao cao su
  • Có bạn tình bị nhiễm HIV
  • Nam giới quan hệ tình dục đồng tính
  • Người có nhiều bạn tình
  • Tính chất công việc có nguy cơ lây nhiễm cao
  • Bị mắc một bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như giang mai, lậu, mụn rộp, chlamydia,…
  • Dùng chung bơm kim tiêm để tiêm chích ma túy

Các xét nghiệm HIV rất chính xác, nhưng không có xét nghiệm nào có thể phát hiện ra virus ngay sau khi bị nhiễm. Thời gian mà xét nghiệm có thể phát hiện được HIV sẽ tùy thuộc vào cơ chế của từng phương pháp xét nghiệm: tìm kháng thể, kháng nguyên và kháng thể hay chính sự hiện diện của virus.

Xét nghiệm HIV có thể được thực hiện trên mẫu máu lấy từ tĩnh mạch, đầu ngón tay hoặc dịch miệng (nước bọt). Loại mẫu bệnh phẩm cần sử dụng phụ thuộc vào phương pháp xét nghiệm cụ thể.

Có 3 phương pháp xét nghiệm chính để sàng lọc, chẩn đoán HIV là:

  • Xét nghiệm kháng thể: Xét nghiệm này tìm sự hiện diện của kháng thể kháng HIV – một loại protein mà cơ thể tạo ra sau khi bị nhiễm HIV để chống lại virus. Hầu hết các xét nghiệm nhanh HIV và xét nghiệm HIV tại nhà đều sử dụng phương pháp phát hiện kháng thể. Xét nghiệm này dược thực hiện trên mẫu máu lấy từ tĩnh mạch, chích ngón tay hoặc nước bọt.
  • Xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể: Xét nghiệm này tìm sự hiện diện của cả kháng nguyên và kháng thể kháng HIV. Kháng nguyên là chất kích hoạt hệ miễn dịch trong giai đoạn nhiễm trùng cấp tính sau khi nhiễm HIV. Kháng nguyên được giải phóng trước khi kháng thể được tạo ra nên xét nghiệm này có thể phát hiện được HIV sớm hơn. Xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể cũng sử dụng mẫu máu từ tĩnh mạch, chích ngón tay hoặc nước bọt.
  • Xét nghiệm axit nucleic (NAT): Xét nghiệm này có thể phát hiện vật chất di truyền của virus trong mẫu máu. Xét nghiệm NAT thường được sử dụng để xác nhận kết quả dương tính hoặc cho những trường hợp có nguy cơ phơi nhiễm cao. NAT thường sử dụng mẫu máu từ tĩnh mạch hoặc nước bọt lấy từ bên trong má. Phương pháp này có chi phí cao hơn so với xét nghiệm kháng thể và xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể.

Xét nghiệm kháng thể và xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể thường được ưu tiên sử dụng đầu tiên vì ít tốn kém hơn và dễ thực hiện hơn. Hai xét nghiệm này cũng có thể phát hiện các dấu hiệu của HIV sớm hơn. Xét nghiệm NAT thường được thực hiện để xác nhận khi hai xét nghiệm trên cho kết quẩ dương tính hoặc khi có kết quả âm tính nhưng vẫn nghi ngờ đã nhiễm HIV.

Xét nghiệm HIV tại nhà

Hiện nay, đến bệnh viện làm xét nghiệm không phải là cách duy nhất để biết bản thân có bị nhiễm HIV hay không mà còn có một lựa chọn nữa là xét nghiệm tại nhà. Xét nghiệm tại nhà giúp biết được tình trạng nhiễm HIV một cách thuận tiện và đảm bảo được sự riêng tư. Trên thực tế, một khảo sát đã cho thấy việc xét nghiệm tại nhà đã làm tăng số trường hợp HIV được phát hiện sớm và giúp nhiều người tuân thủ theo khuyến nghị về việc xét nghiệm thường xuyên, đặc biệt là ở nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao. Có thể lựa chọn một trong hai hình thức xét nghiệm HIV tại nhà dưới đây.

Hình thức thứ nhất là mẫu máu sẽ được lấy tại nhà rồi sau đó gửi đến phòng thí nghiệm để làm xét nghiệm. Bệnh nhân có thể tự mua dụng cụ rồi chích lấy máu ở đầu ngón tay theo như hướng dẫn và gửi đến phòng thí nghiệm hoặc hiện nay, một số bệnh viện, phòng khám có dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tại nhà. Chỉ cần liên hệ với bệnh viện để nhân viên y tế đến nhà, lấy mẫu máu và sau đó đem về làm xét nghiệm. Kết quả sẽ được gửi đến tận nhà khách hàng sau một vài ngày.

Cách thứ hai là sử dụng các bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh HIV tại nhà như OraQuick. Những dụng cụ này cho kết quả chỉ trong vòng khoảng 20 phút và cũng chính xác không kém xét nghiệm tại bệnh viện. Tùy từng sản phẩm mà xét nghiệm được thực hiện trên mẫu máu từ ngón tay hoặc mẫu nước bọt nhưng đa phần là sử dụng mẫu nước bọt. Que xét nghiệm OraQuick là sản phẩm được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Người dùng chỉ cần quẹt que thử dọc theo nướu răng để lấy mẫu nước bọt rồi sau đó nhúng vào trong ống dựng dung dịch thử và chờ trong khoảng 20 phút là sẽ có kết quả. Nếu que thử hiện 1 vạch thì có nghĩa là kết quả âm tính còn nếu que thử hiện 2 vạch thì có nghĩa là kết quả dương tính.

Tuy nhiên, các bộ dụng cụ này thường phát hiện HIV muộn hơn so với xét nghiệm được thực hiện tại bệnh viện, thường phải sau 3 tháng kể từ khi bị nhiễm thì mới cho kết quả dương tính. Nếu thực hiện trong vòng 3 tháng sau khi phơi nhiễm và có kết quả âm tính thì nên chờ qua 3 tháng rồi xét nghiệm lại. Nếu có kết quả dương tính thì cần đến bệnh viện làm xét nghiệm máu để xác nhận chính xác.

Điều trị HIV

Những người có kết quả xét nghiệm HIV dương tính sẽ được bác sĩ kê thuốc điều trị.

Bất cứ ai nhận được chẩn đoán nhiễm HIV đều phải bắt đầu điều trị ngay lập tức để bảo vệ hệ miễn dịch. Tuyệt đối không được trì hoãn. Càng bắt đầu điều trị sớm thì hiệu quả càng cao và điều này sẽ giúp người nhiễm HIV sống lâu hơn và khoẻ mạnh hơn.

Mặc dù hiện vẫn chưa có cách chữa khỏi HIV nhưng có thể điều trị bằng thuốc kháng virus (thuốc ARV) để kiểm soát tình trạng bệnh, ngăn virus nhân lên trong cơ thể, giảm tác động lên hệ miễn dịch và giúp cho người bệnh không phải bước vào giai đoạn cuối của HIV – giai đoạn AIDS. Việc tuân thủ điều trị còn giúp ngăn chặn sự lây truyền HIV sang người khác.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi một người nhiễm HIV điều trị bằng thuốc kháng virus đều đặn theo chỉ định thì sẽ có thể làm giảm tải lượng virus xuống mức không thể phát hiện được và lúc này sẽ không còn khả năng lây HIV sang bạn tình khi quan hệ tình dục. Điều này dẫn đến kết luận “K=K”, có nghĩa là “Không thể phát hiện = Không thể lây truyền”.

Khi một người có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV thì phải thông báo cho tất cả những người đã từng quan hệ tình dục cùng để họ cũng đi xét nghiệm. Và kể cả khi đã điều trị bằng thuốc ARV thì vẫn nên sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục để đảm bảo an toàn một cách tối đa.

Tóm tắt bài viết

Bất cứ ai nghi ngờ mình đã bị phơi nhiễm với HIV cũng nên đến bệnh viện ngay để được tư vấn làm xét nghiệm.

Hiện nay vẫn chưa có xét nghiệm nào có thể phát hiện HIV ngay sau khi bị nhiễm. Có thể phải sau đến 12 tuần thì xét nghiệm mới có thể phát hiện kháng thể kháng HIV trong máu.

Khi nhận được kết quả âm tính sau lần xét nghiệm đầu tiên thì bác sĩ sẽ hẹn lịch quay lại làm xét nghiệm lần hai để xác nhận kết quả.

Và cần nhớ rằng, HIV vẫn có thể lây truyền sang người khác ngay cả khi không có triệu chứng hay xét nghiệm chưa phát hiện được và sau khi đã bắt đầu điều trị bằng thuốc kháng virus. Chỉ khi tải lượng virus giảm xuống mức không thể phát hiện được thì một người nhiễm HIV mới không còn khả năng lây truyền bệnh. Khi nhiễm HIV thì cần thực hiện đầy đủ các biện pháp để bảo vệ người xung quanh, ví dụ như quan hệ tình dục an toàn và không để người khác tiếp xúc với máu của mình.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: thời kỳ, cửa sổ

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây