7 Tác Dụng Phụ Khi Uống Giấm Táo Để Giảm Cân
Giấm táo là một loại nguyên liệu nấu ăn nhưng từ lâu đã được chứng minh là đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, trong đó có hỗ trợ giảm cân.
Tuy nhiên, bên cạnh những lời khuyên uống giấm táo mỗi ngày để giảm cân thì nhiều người lại lo ngại về tính an toàn của phương pháp này và các vấn đề có thể xảy ra.
Bài viết này sẽ đưa ra 7 tác dụng phụ khi uống giấm táo và kèm theo hướng dẫn về cách sử dụng giấm táo an toàn.
Giấm táo được làm như thế nào?
Giấm táo là một loại giấm được tạo ra bằng cách lên men táo.
Sau khi được trộn với táo, men chuyển hóa đường thành rượu. Sau đó, vi khuẩn được thêm vào hỗn hợp và chúng lên men rượu thành axit axetic.
Axit axetic chiếm khoảng 5 - 6% trong giấm táo. Axit này được phân loại vào nhóm "axit yếu" nhưng khi có nồng độ cao thì vẫn có tính chất axit khá mạnh.
Ngoài axit axetic, giấm táo còn chứa nước và một lượng lớn của các axit khác, vitamin và khoáng chất.
Một số nghiên cứu trên động vật và con người đã cho thấy rằng axit axetic và giấm táo có thể thúc đẩy quá trình đốt cháy mỡ trong cơ thể và giảm cân, giảm lượng đường trong máu, tăng độ nhạy insulin và cải thiện nồng độ cholesterol.
Tóm tắt: Giấm táo được làm từ táo lên men, có chứa axit axetic và nhiều chất khác mang lại một số lợi ích cho sức khỏe, ví dụ như giảm cân, giảm lượng đường trong máu và mức cholesterol.
7 tác dụng phụ của giấm táo
Mặc dù có nguồn gốc tự nhiên nhưng giấm táo vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ, đặc biệt là khi dùng quá nhiều.
Uống một ít giấm táo mỗi ngày sẽ tốt cho sức khỏe nhưng lạm dụng sẽ gây hại và thậm chí còn nguy hiểm.
1. Làm chậm quá trình thức ăn rời dạ dày
Giấm táo giúp ngăn chặn lượng đường trong máu tăng đột biến bằng cách giảm tốc độ thức ăn rời khỏi dạ dày và đi vào phần bên dưới của đường tiêu hóa. Điều này sẽ làm chậm sự hấp thụ đường vào trong máu.
Tuy nhiên, tác động này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của chứng liệt dạ dày - một tình trạng phổ biến ở những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1.
Khi mắc chứng liệt dạ dày, các dây thần kinh trong dạ dày không hoạt động bình thường, vì vậy nên thức ăn sẽ ở trong dạ dày quá lâu.
Các triệu chứng thường gặp của chứng liệt dạ dày là ợ chua, chướng bụng và buồn nôn. Đối với những bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 bị chứng liệt dạ dày, rất khó xác định thời điểm tiêm insulin vì không thể dự đoán thời gian tiêu hóa và hấp thụ thức ăn.
Một nghiên cứu đã đánh giá tác động của việc uống giấm táo ở 10 bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 và chứng liệt dạ dày. Kết quả cho thấy 2 muỗng canh (30ml) giấm táo pha với nước khiến cho thời gian thức ăn lưu lại trong dạ dày tăng lên đáng kể so với khi uống nước lọc thông thường. Mặc dù điều này giúp ích cho những người đang muốn giảm cân vì duy trì cảm giác no lâu hơn nhưng lại khiến cho tình trạng bệnh liệt dạ dày trở nên nghiêm trọng.
Tóm tắt: Giấm táo đã được chứng minh là có khả năng làm chậm tốc độ thức ăn rời khỏi dạ dày. Điều này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh liệt dạ dày và khiến việc kiểm soát lượng đường trong máu trở nên khó khăn hơn ở những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1.
2. Tác dụng phụ về tiêu hóa
Ở một số người, giấm táo có thể gây ra các triệu chứng khó chịu ở đường tiêu hóa.
Các nghiên cứu trên người và động vật đã phát hiện ra rằng giấm táo và axit axetic có thể làm giảm cảm giác thèm ăn và duy trì cảm giác no lâu, từ đó giúp ăn ít đi và dẫn đến giảm lượng calo nạp vào.
Tuy nhiên, một nghiên cứu đã cho thấy rằng trong một số trường hợp, nguyên nhân giảm thèm ăn và giảm lượng thức ăn tiêu thụ lại là giảm do chứng khó tiêu.
Những người uống 25 gram giấm táo pha với nước đã cho biết họ bớt thèm ăn nhưng cũng có cảm giác buồn nôn.
Tóm tắt: Giấm táo có thể giúp làm giảm cảm giác thèm ăn nhưng cũng có thể gây ra chứng khó tiêu và buồn nôn.
3. Giảm nồng độ kali và dẫn đến mất xương
Mặc dù vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của giấm táo đối với nồng độ kali trong máu và sức khỏe của xương nhưng đã từng có một số trường hợp báo cáo về lượng kali trong máu thấp và mất xương sau khi uống nhiều giấm táo trong thời gian dài.
Một phụ nữ 28 tuổi đã uống 250ml giấm táo pha loãng với nước hàng ngày trong 6 năm.
Sau khi người này được đưa vào bệnh viện và làm xét nghiệm máu, các bác sĩ đã phát hiện nồng độ kali thấp và các bất thường khác trong chỉ số xét nghiệm.
Hơn nữa, người phụ nữ này còn bị loãng xương – tình trạng mà mật độ xương giảm, rất hiếm khi xảy ra ở những người trẻ tuổi.
Các bác sĩ điều trị cho rằng việc uống lượng lớn giấm táo hàng ngày trong thời gian dài đã khiến cho các khoáng chất của xương bị rửa trôi và làm tăng độ axit trong máu.
Các bác sĩ còn cho biết độ axit cao sẽ làm giảm sự hình thành xương mới.
Tất nhiên, bệnh nhân trong trường hợp này tiêu thụ lượng giấm táo quá nhiều so với bình thường và hơn nữa, điều này còn tiếp diễn trong suốt nhiều năm.
Tóm tắt: Uống quá nhiều giấm táo có thể làm giảm nồng độ kali và gây ra chứng loãng xương.
4. Ăn mòn men răng
Các loại thực phẩm và đồ uống có tính axit cao có thể làm hỏng men răng.
Mặc dù loại đồ uống được nghiên cứu chủ yếu là nước ngọt và nước trái cây nhưng một số nghiên cứu cho thấy axit axetic trong giấm táo cũng có thể gây ra ra vấn đề này.
Ở một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, men răng khôn được ngâm trong các loại giấm khác nhau với độ pH dao động từ 2.7 – 3.95. Mức độ mất khoáng chất trong răng là từ 1 – 20% sau 4 tiếng.
Nghiên cứu này được thực hiện trong phòng thí nghiệm nên sự ăn mòn thực tế có thể không đến mức như vậy vì trong khoang miệng có nước bọt giúp làm giảm độ axit. Tuy nhiên, uống dung dịch giấm táo quá đặc và trong thời gian dài vẫn có thể gây mòn men răng.
Thực tế cũng đã có trường hợp bị sâu răng nghiêm trọng sau một thời gian uống đều đặn một cốc (237ml) giấm táo không pha loãng mỗi ngày để giảm cân.
Tóm tắt: Axit axetic trong giấm táo có thể làm suy yếu men răng, dẫn đến mất khoáng chất và sâu răng.
5. Bỏng cổ họng
Giấm táo có khả năng gây bỏng thực quản (cổ họng).
Một khảo sát về các loại chất lỏng có hại mà trẻ em thường vô tình nuốt phải đã cho thấy axit axetic từ giấm là loại axit phổ biến nhất gây bỏng cổ họng.
Các nhà nghiên cứu đã khuyến cáo rằng giấm được coi là một “chất ăn mòn da mạnh” và phải để xa tầm tay trẻ em.
Không chỉ có trẻ nhỏ, đã từng có một trường hợp viên uống giấm táo cô đặc gây bỏng thực quản sau khi bị mắc trong cổ họng của một phụ nữ. Người phụ nữ này cho biết cô vẫn còn cảm thấy đau rát và khó nuốt trong suốt 6 tháng sau khi sự cố xảy ra.
Tóm tắt: Axit axetic trong giấm táo đã gây bỏng cổ họng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
6. Tương tác thuốc
Một số loại thuốc có thể tương tác với giấm táo và gây ra vấn đề không mong muốn:
- Thuốc điều trị tiểu đường: Ở những người dùng insulin hoặc các loại thuốc kích thích giải phóng insulin, giấm táo có thể gây hạ đường huyết hoặc giảm nồng độ kali xuống mức quá thấp và gây nguy hiểm cho sức khỏe.
- Digoxin (Lanoxin): Thuốc này làm giảm nồng độ kali trong máu. Việc uống giấm táo trong thời gian dùng thuốc sẽ khiến cho lượng kali càng giảm hơn nữa.
- Một số loại thuốc lợi tiểu: Một số loại thuốc lợi tiểu khiến cơ thể bài tiết kali. Để tránh lượng kali bị giảm xuống quá thấp thì không nên dùng giấm táo trong thời gian uống những loại thuốc này.
Tóm tắt: Giấm táo có thể tương tác với một số loại thuốc, ví dụ như insulin, digoxin và một số loại thuốc lợi tiểu.
7. Bỏng da
Mặc dù không phải tác dụng phụ khi uống giấm táo để giảm cân nhưng bỏng có thể xảy ra khi dùng giấm để điều trị một số vấn đề về da.
Do tính axit mạnh nên giấm táo có thể gây bỏng rát và tổn thương khi bôi trực tiếp lên da.
Trong một trường hợp, bé gái 14 tuổi bị loét trên mũi sau khi dùng giấm táo để tẩy nốt ruồi.
Trong một trường hợp khác, một bé trai 6 tuổi đã bị bỏng chân sau khi mẹ của bé điều trị nhiễm trùng chân bằng giấm táo.
Ngoài ra còn có nhiều trường hợp khác cũng đã bị bỏng do bôi giấm táo lên da mà không pha loãng.
Tóm tắt: Giấm táo có thể gây bỏng khi bôi lên da.
Cách dùng giấm táo an toàn
Đa số các vấn đề kể trên đều xảy ra do uống quá nhiều giấm táo. Khi sử dụng đúng cách thì giấm táo rất an toàn và còn đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nếu muốn giảm cân bằng giấm táo thì bạn nên thực hiện theo những hướng dẫn dưới đây:
- Uống vừa đủ: ban đầu chỉ nên uống ít và tăng dần lên nhưng chỉ được uống tối đa 2 thìa canh (30ml) giấm mỗi ngày, tùy thuộc vào khả năng chịu đựng của cơ thể và phải pha loãng với nước.
- Giảm thiểu sự tiếp xúc giữa răng và giấm: bằng cách uống qua ống hút hoặc súc miệng sau khi uống. Để tránh làm hỏng men răng thêm, hãy đợi ít nhất 30 phút sau khi uống mới đánh răng.
- Không uống nếu bị liệt dạ dày: Tránh hoàn toàn giấm táo hoặc chỉ uống tối đa 1 thìa cà phê (5ml) giấm táo pha loãng với nước mỗi ngày.
- Lưu ý khi bị dị ứng: Dị ứng với giấm táo rất hiếm khi xảy ra nhưng hãy ngừng dùng ngay nếu có biểu hiện bất thường như mẩn đỏ, ngứa ngáy…
Tóm tắt: Để sử dụng giấm táo một cách an toàn thì chỉ được uống lượng vừa phải mỗi ngày, pha loãng với nước và tránh hoàn toàn nếu bị dị ứng hoặc liệt da dày.
Tóm tắt bài viết
Giấm táo mang lại một số lợi ích cho sức khỏe.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và ngăn ngừa các tác dụng phụ thì phải chú ý lượng tiêu thụ và theo dõi cẩn thận khi dùng.
Mặc dù uống một lượng nhỏ giấm táo mỗi ngày rất tốt nhưng uống quá nhiều sẽ có thể gây hại.
>>> Tham khảo: Liều Dùng Giấm Táo: Bạn Nên Uống Bao Nhiêu Mỗi Ngày?
Nước không những hoàn toàn không chứa calo mà còn giúp cơ thể đốt cháy nhiều calo hơn và làm giảm cảm giác thèm ăn nếu uống trước bữa ăn.
Khi được kết hợp cùng với những thay đổi lành mạnh trong chế độ ăn và lối sống, một số loại đồ uống sẽ giúp thúc đẩy hiệu quả giảm cân.
Dầu dừa được cho là mang lại nhiều lợi ích khác nhau cho sức khỏe, từ dưỡng ẩm và làm mềm da cho đến giảm lượng đường trong máu. Giảm cân cũng nằm trong danh sách những lợi ích của dầu dừa. Vì lý do này nên nhiều người có mong muốn giảm cân đã thêm dầu dừa vào các món ăn, đồ uống và thậm chí là uống trực tiếp dầu dừa hàng ngày.
Chạy bộ là một hình thức tập thể dục đơn giản nhưng có hiệu quả giảm cân tuyệt vời vì giúp đốt cháy rất nhiều calo, điều này thậm chí còn có thể tiếp tục sau khi đã ngừng tập.