1

Nhồi máu não: Cách điều trị, biến chứng và triển vọng hồi phục

Nhồi máu não: Cách điều trị, biến chứng và triển vọng hồi phục Nhồi máu não: Cách điều trị, biến chứng và triển vọng hồi phục

Nhồi máu não là gì?

Nhồi máu não hay đột quỵ thiếu máu não cục bộ là một trong ba loại đột quỵ. Nguyên nhân là do tình trạng tắc nghẽn trong động mạch cung cấp máu cho não làm giảm sự lưu thông máu và oxy đến não, dẫn đến tổn thương hoặc chết các tế bào não. Nếu sự lưu thông máu không được khôi phục kịp thời thì não sẽ bị tổn thương vĩnh viễn.

Khoảng 87% của các ca đột quỵ là do thiếu máu não.

Loại đột quỵ thứ hai là đột quỵ xuất huyết, hay xuất huyết não, xảy ra khi một mạch máu trong não bị vỡ và gây chảy máu, chèn ép lên mô não, làm hỏng hoặc giết chết các mô.

Loại đột quỵ thứ ba là cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA), hay còn được gọi là cơn đột quỵ nhẹ (mini stroke). Loại đột quỵ này là do tình trạng gián đoạn hoặc giảm lưu lượng máu tạm thời đến não. Các triệu chứng thường chỉ kéo dài trong thời gian ngắn và tự biến mất.

Các triệu chứng

Các triệu chứng của nhồi máu não phụ thuộc vào vùng não bị ảnh hưởng nhưng hầu hết các ca nhồi máu não đều có các triệu chứng phổ biến như:

  • Vấn đề về thị lực, chẳng hạn như mờ hay mù một mắt hoặc cả hai hoặc chứng song thị (nhìn một vật thành hai)
  • Yếu hoặc tê liệt tay chân, có thể ở một hoặc cả hai bên, tùy thuộc vào động mạch bị ảnh hưởng
  • Hoa mắt, chóng mặt
  • Đầu óc lơ mơ
  • Mất khả năng phối hợp các hoạt động
  • Tê liệt ở một bên mặt

Khi các triệu chứng này xuất hiện, bệnh nhân cần được điều trị càng nhanh càng tốt để giảm thiểu nguy cơ xảy ra các biến chứng vĩnh viễn. Nếu bạn nghi ngờ một người nào đó bị đột quỵ thì có thể xác định bằng quy tắc FAST như sau:

  • Face - Khuôn mặt: Một bên mặt có bị xệ xuống, tê cứng hoặc méo miệng hay không?
  • Arm - Cánh tay: Cánh tay có bị yếu và khó cử động không?
  • Speech – Lời nói: Nói chuyện có bị khó khăn, nói ngọng hay có biểu hiện khác lạ nào về ngôn ngữ không?
  • Time - Thời gian: Nếu có các biểu hiện này thì cần gọi cấp cứu ngay.

Mặc dù cơn thiếu máu não thoáng qua chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn và thường tự khỏi nhưng cũng cần phải can thiệp kịp thời bởi đây có thể là dấu hiệu cảnh báo của nhồi máu não.

Nguyên nhân gây nhồi máu não

Nhồi máu não xảy ra khi một động mạch mang máu đến não bị tắc nghẽn do cục máu đông hoặc mảng bám. Tình trạng tắc nghẽn này có thể xảy ra trong các mạch máu ở cổ hoặc não.

Cục máu đông thường bắt đầu hình thành trong tim và di chuyển qua hệ tuần hoàn, sau đó nó có thể tự vỡ ra hoặc bị kẹt trong động mạch. Khi nó làm tắc nghẽn động mạch não, não sẽ không nhận được đủ máu mang oxy và chỉ trong vòng vài phút, các tế bào sẽ bắt đầu chết đi.

Nhồi máu não cũng có thể xảy ra khi mảng bám trong động mạch vỡ ra và đi đến não. Mảng bám cũng có thể tích tụ trong các động mạch cung cấp máu cho não, khiến các động mạch đó bị thu hẹp lại và dẫn đến nhồi máu não.

Thiếu máu toàn bộ não, một dạng nghiêm trọng hơn của đột quỵ thiếu máu não cục bộ, là tình trạng xảy ra khi lưu lượng máu đến não bị giảm đáng kể hoặc ngừng hoàn toàn. Nguyên nhân thường là do nhồi máu cơ tim nhưng cũng có trường hợp là do các vấn đề hoặc sự cố khác, ví dụ như ngộ độc carbon monoxide.

Các yếu tố nguy cơ

Các vấn đề về tuần hoàn máu là yếu tố nguy cơ lớn nhất gây nhồi máu não. Lí do là bởi vì các vấn đề này làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông hoặc tích tụ chất béo trong động mạch. Những vấn đề này gồm có:

  • Cao huyết áp
  • Xơ vữa động mạch
  • Cholesterol cao
  • Rung nhĩ
  • Từng bị nhồi máu cơ tim
  • Thiếu máu hồng cầu hình liềm (sickle cell anemia)
  • Rối loạn đông máu
  • Dị tật tim bẩm sinh

Ngoài ra còn có các yếu tố nguy cơ khác như:

  • Bệnh tiểu đường
  • Hút thuốc
  • Thừa cân, đặc biệt là khi có nhiều mỡ bụng
  • Lạm dụng rượu
  • Sử dụng các chất kích thích, ví dụ như cocaine hoặc methamphetamine

Nhồi máu não thường xảy ra phổ biến hơn ở những người có tiền sử gia đình hoặc bệnh sử cá nhân bị nhồi máu não. Nam giới có nguy cơ gặp phải vấn đề này lớn hơn phụ nữ và nguy cơ cũng tăng dần theo tuổi tác.

Chẩn đoán nhồi máu não

Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng và đánh giá tiền sử gia đình để chẩn đoán nhồi máu não. Dựa trên các triệu chứng, bác sĩ cũng có thể biết được vị trí mạch máu bị tắc nghẽn.

Nếu bạn có các triệu chứng như nhầm lẫn hay nói không rõ chữ, bác sĩ sẽ làm xét nghiệm đường huyết vì đây cũng là những triệu chứng của hiện tượng tụt đường huyết nghiêm trọng.

Tìm hiểu thêm về ảnh hưởng của tụt đường huyết đối với cơ thể

Chụp cắt lớp vi tính sọ não cũng là phương pháp giúp phân biệt nhồi máu não với các vấn đề khác cũng gây chết mô não, chẳng hạn như xuất huyết hoặc có khối u não.

Khi đã đưa ra kết luận là nhồi máu não thì bác sĩ sẽ xác định vấn đề bắt đầu xảy ra từ khi nào và nguyên nhân gốc rễ là do đâu. Chụp cộng hưởng từ MRI là cách tốt nhất để xác định thời điểm bắt đầu cơn nhồi máu não. Mặc khác, các xét nghiệm thường được sử dụng để xác định nguyên nhân gốc rễ của vấn đề gồm có:

  • Điện tâm đồ (ECG hay EKG) để kiểm tra nhịp tim bất thường.
  • Siêu âm tim để kiểm tra tim xem có cục máu đông hay vấn đề bất thường nào hay không.
  • Chụp mạch máu não để phát hiện những động mạch bị tắc nghẽn và mức độ nghiêm trọng của tình trạng tắc nghẽn.
  • Xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ cholesterol và các vấn đề đông máu.

Biến chứng của nhồi máu não

Nếu tình trạng nhồi máu não không được điều trị kịp thời thì sẽ dẫn đến tổn thương não hoặc thậm chí tử vong.

Phương pháp điều trị

Mục tiêu đầu tiên của các phương pháp điều trị là khôi phục nhịp thở, nhịp tim và huyết áp về mức bình thường. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc để giảm áp lực trong não.

Phương pháp điều trị chính cho các ca đột quỵ do thiếu máu não là tiêm chất hoạt hóa plasminogen mô (tPA) nhằm phá vỡ cục máu đông. Theo hướng dẫn được ban hành vào năm 2018 của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) và Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ (ASA), tPA có hiệu quả cao nhất khi được tiêm trong vòng 4.5 tiếng kể từ khi bắt đầu cơn đột quỵ và không nên tiêm khi đã bị đột quỵ quá 5 tiếng. Vì tPA có thể gây chảy máu nên chất này không được sử dụng cho những người:

  • Từng bị đột quỵ xuất huyết
  • Có tiền sử chảy máu não
  • Mới trải qua một ca đại phẫu hoặc chấn thương vùng đầu
  • Đang dùng thuốc chống đông máu

Trong trường hợp tPA không hiệu quả thì sẽ cần phẫu thuật để loại bỏ cục máu đông. Quy trình này có thể được thực hiện trong vòng 24 giờ sau khi xuất hiện các triệu chứng đột quỵ.

Các phương pháp điều trị lâu dài gồm có dùng aspirin hoặc thuốc chống đông máu để ngăn ngừa sự tái hình thành cục máu đông.

Nếu nguyên nhân gây đột quỵ là do một vấn đề như cao huyết áp hoặc xơ vữa động mạch thì sẽ cần phải điều trị những vấn đề đó. Ví dụ như đặt stent để mở rộng động mạch bị thu hẹp do mảng bám hoặc dùng statin để hạ huyết áp.

Sau cơn nhồi máu não, bạn sẽ phải ở lại bệnh viện để theo dõi vài ngày. Nếu đột quỵ gây ra tê liệt hoặc yếu cơ nghiêm trọng thì bạn sẽ cần đến các phương pháp phục hồi chức năng.

Phục hồi sau đột quỵ

Phục hồi chức năng là điều cần thiết để lấy lại các kỹ năng vận động và phối hợp của cơ thể. Bệnh nhân đột quỵ có thể cần đến liệu pháp nghề nghiệp, vật lý trị liệu và trị liệu ngôn ngữ để giúp lấy lại các chức năng bị mất.

Sau một năm kể từ khi bị đột quỵ, nếu còn chức năng nào đó chưa khôi phục thì thường vĩnh viễn không thể trở lại bình thường.

Ngoài ra, đột quỵ do thiếu máu não còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác.

Tìm hiểu thêm về phục hồi sau đột quỵ

Triển vọng sau đột quỵ

Nhồi máu não là một tình trạng nghiêm trọng và cần điều trị khẩn cấp. Tuy nhiên, khi được điều trị kịp thời, hầu hết bệnh nhân đều có thể phục hồi và duy trì đầy đủ chức năng để tự thực hiện các hoạt động cơ bản hàng ngày. Việc nhận biết các dấu hiệu của nhồi máu não sẽ giúp tăng khả năng sống sót của bạn hoặc những người xung quanh.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây