Sưng nề sau hút mỡ: nguyên nhân và cách xử lý
Hình ảnh thực tế (Click xem ảnh to)
Sưng nề sau hút mỡ làm che mờ kết quả và làm khách hàng lo lắng hút mỡ đã không đạt hiệu quả. Ngay sau hút mỡ thân hình khách hàng thon gọn và đẹp, nhưng vài ngày sau đó lại thấy thân hình to lên giống như trước phẫu thuật - là do sưng nề. Hãy kiên nhẫn chờ đợi vài tháng tiếp theo của quá trình hồi phục và đọc bài viết này để hiểu rõ hơn về thời gian sưng nề.
Nguyên nhân của sưng nề
Ngay sau khi làm phẫu thuật bạn sẽ bị sưng. Có 2 nguyên nhân góp phần vào sưng nề
- Phản ứng viêm tự nhiên của cơ thể khi bị tổn thương (do phẫu thuật)
- Hệ bạch huyết bị gián đoạn (hệ bạch huyết có chức năng dẫn thoát dịch)
Sưng nề thường sẽ khỏi hoàn toàn sau 6 tháng và hiếm khi tiến triển thành bệnh lý mạn tính. Vì thế nếu muốn thấy kết quả cuối cùng sau hút mỡ, bác sĩ thường khuyên bệnh nhân chờ khoảng 6 thàng.
Trái với lầm tưởng của nhiều người, hút mỡ là một quá trình khá xâm lấn. Các kỹ thuật hút mỡ, dù là phương pháp hút mỡ truyền thống tumescent hay các kỹ thuật và máy móc hiện đại hơn như hút mỡ laser Smartlipo, hút mỡ sóng siêu âm Vaser,..., đều sẽ gây ra tổn thương ở vùng được hút mỡ - gây viêm. Cơ thể phản ứng với điều đó bằng cách bơm máu đến vùng tổn thương ( tạo nhiều dịch rỉ viêm) để hỗ trợ quá trình hồi phục, dẫn đến hiện tượng phù nề hay phình to ở vùng bị viêm. Quá trình này diễn ra ngay sau khi làm phẫu thuật, đạt mức sưng cao nhất trong 24-48 giờ, có thể kéo dài thêm 3-5 ngày tùy vào mức độ xâm lấn của ca hút mỡ, rồi giảm dần.
Đi kèm với sưng còn có các triệu chứng khác của viêm như đỏ, đau, nóng và hạn chế cử động. Tuy nhiên những triệu chứng đó (ngoại trừ hạn chế cử động) thường được kiểm soát bởi những loại thuốc mà bạn được cho sử dụng trong và sau phẫu thuật, vậy nên thường thì bạn sẽ không cảm nhận được những điều này, giúp quá trình hồi phục nhẹ nhàng hơn.
Diễn ra đồng thời với quá trình sưng viêm, đó là sự gián đoạn của hệ bạch huyết. Mạch bạch huyết có chức năng dẫn lưu phần dịch sót lại ở kẽ tế bào từ quá trình vi tuần hoàn về với tĩnh mạch. Trong quá trình hút mỡ, mạng lưới mạch bạch huyết bị tổn thương, khiến chức năng dẫn lưu này tạm thời gián đoạn. Dịch kẽ không được dẫn lưu ứ đọng tại khoảng gian bào, gây sưng. Góp phần vào hiện tượng này còn là do lượng dịch được tiêm/truyền cho bạn trong quá trình phẫu thuật, mặc dù sau đó nó sẽ được hút ra ngoài cùng hút mỡ, nhưng nghiên cứu cho thấy lên đến ~70% lượng dịch này được cơ thể hấp thụ. Nó sẽ đi vào khoảng gian bào và nằm ở đó cho đến khi hệ bạch huyết hồi phục và dẫn lưu dịch. Sưng do gián đoạn hệ bạch huyết sau phẫu thuật là phù bạch huyết thứ phát ( khác với phù bạch huyết nguyên phát), nó thường sẽ biến mất sau vài tuần đến vài tháng (3-6 tháng) khi hệ bạch huyết hồi phục và quay trở lại hoạt động.
Có thể tóm tắt như sau:
- Sưng nề sẽ xuất hiện ngay sau khi bạn làm phẫu thuật
- Sưng to nhất trong 1-5 ngày sau hút mỡ (tùy vào từng ca bệnh cụ thể)
- Cộng thêm việc hệ bạch huyết bị gián đoạn, dịch sẽ tiếp tục ứ đọng nội mô, có thể có biểu hiện tăng nhẹ sưng nề trong 10-14 ngày sau khi sưng nề chạm đỉnh trong vài ngày đầu.
Trong thực tế sau giai đoạn sưng to nhất thì sưng nề sẽ giảm không đều đặn, tức là có ngày sẽ sưng to, có ngày lại gần như biến mất. Sáu tháng là mốc thời gian cần chờ để sưng nề hết hẳn. Nếu sau giai đoạn này mà sưng nề vẫn kéo dài thì cần đến gặp bác sĩ để được xác định nguyên nhân và đưa ra biện pháp thích hợp.
Biểu hiện sưng nề
Tất nhiên, vùng bị sưng sẽ phình to ra, trông da căng bóng.
Thường thì ở giai đoạn đầu, vùng sưng nề mềm, đau nhẹ hoặc không đau.
Sau 2-3 tuần, cơ thể đã hấp thụ lại dịch được tiêm vào, dịch kẽ, mỡ hòa tan, nên vùng sưng nề chuyển sang trạng thái cứng rắn hơn, rồi lại mềm dần ra và trở về trạng thái bình thường sau 3-6 tháng. Hiếm khi xảy ra, nhưng nếu kéo dài dai dẳng thì nó có thể tạo ra nhiều mô sẹo, mô xơ và thường dẫn đến biến dạng đường nét trên bề mặt.
Vị trí sưng nề
Sưng nề thường xuất hiện tại vị trí làm phẫu thuật, nhưng cũng có thể xuất hiện ở các vị trí khác ngoài khu vực làm phẫu thuật (thường là vị trí thấp hơn vùng hút mỡ do trọng lực làm ứ dịch xuống thấp).
Các mạch bạch huyết từ khắp nơi trên cơ thể sẽ đổ về các hạch bạch huyết gần đó, hút mỡ ở những khu vực này “chặn” hạch bạch huyết, giống như chặn cửa ngõ thoát dịch vậy, khiến cho lượng bạch huyết bên dưới bị ứ đọng gây sưng nề ở những vùng không làm phẫu thuật. Các hạch bạch huyết chủ yếu tập trung ở vùng cổ, xương đòn, nách, vùng bẹn và quanh rốn. Hút mỡ ở những vùng đó sẽ dễ gây sưng nề ở chân (toàn bộ hoặc một phần), cánh tay. Ngoài ra, dịch ứ đọng cũng dễ chịu tác động của trọng lực, vậy nên nó có thể bị kéo xuống và tích tụ ở những bộ phận nằm ở vị trí thấp như bàn tay, bàn chân, cẳng chân, vùng bụng dưới, vùng mu.
Sưng nề thường sưng đều hai bên hoặc có chênh lệch nhỏ, nếu thấy sưng không đối xứng ở hai bên mà chênh lệch lớn (nhất là ở chân, vì dễ là huyết khối tĩnh mạch sâu nguy hiểm) thì nên báo cho bác sĩ biết để khám và đảm bảo mọi thứ vẫn bình thường; hoặc nếu có vấn đề thì can thiệp kịp thời.
Phân biệt sưng nề với các biến chứng phổ biến gây phình lồi tại chỗ
Có rất nhiều biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật mà có biểu hiện như sưng nề. Tụ dịch, tụ máu hoặc mỡ thừa sót lại sau hút cũng sẽ làm khu vực đó dày lên.
Tụ dịch
Về mặt vị trí, sưng nề có thể xuất hiện ở những chỗ không làm phẫu thuật, như cánh tay, cẳng chân... Còn tụ dịch là dịch tích tụ ở khoang trống dưới da để lại sau hút mỡ, nên nó sẽ nằm ở vị trí làm phẫu thuật.
Về mặt biểu hiện bên ngoài, ổ tụ dịch nhỏ có thể hơi khó phát hiện và khó phân biệt với sưng nề, nhưng nếu thế thì cũng không cần lo vì cơ thể sẽ tự hấp thụ loại tụ dịch này dễ dàng; còn với ổ tụ dịch to, lượng dịch tích tụ bên dưới da sẽ làm cho vùng da bên trên ổ tụ dịch (giai đoạn đầu trước khi hình thành nang bao bọc) có biểu hiện như đệm nước, vỗ nhẹ sẽ thấy da lùng nhùng như gợn sóng. Trái với đó, khi bị sưng nề da sẽ căng và không di chuyển dễ dàng. Sưng nề sau hút mỡ cũng thường là kiểu sưng nề không lún, tức là lấy ngón tay ấn vào sẽ không thấy để lại vết lún. Tuy nhiên sưng nề cũng có thể là loại sưng nề lún, sau khi ấn da sẽ lún vào một lúc khá lâu (vài chục giây đến vài phút) sau khi đã ngừng tạo áp lực. Vậy nên bạn có thể nhìn vào phản ứng của da để phân biệt sưng nề và tụ dịch.
Mỡ thừa sót lại
Vốn sưng nề sẽ kéo dài 3-6 tháng nên khó có thể đánh giá chính xác ngay trong giai đoạn này. Hơn nữa nếu thực sự có là mỡ thừa thì bạn vẫn phải đợi ít nhất 6 tháng, đến 1 năm sau, thì bác sĩ mới đồng ý làm hút mỡ lần hai cho bạn, nên nếu có nghi ngờ thì bạn cũng chẳng thể làm gì tốt hơn ngoài thả lỏng và chờ đợi cho hết khoảng thời gian này, sau đó đến gặp bác sĩ và xin tư vấn.
Tuy nhiên có thể chỉ ra sự khác biệt giữa sưng nề và mỡ dư đó là mỡ thì mềm và túm- nắm được, còn sưng nề thì không. Bạn thường sẽ thấy căng ở vùng sưng nề và không dễ dàng bóp nắn nó như mỡ. Vào giai đoạn sau, sưng nề sẽ mềm ra và lúc này cũng khó đánh giá nó là mỡ hay sưng nề, vậy nên vẫn phải dựa vào kinh nghiệm của bác sĩ khi khám trực tiếp và có thể là chụp chiếu để xác định chắc chắn.
Tụ máu
Tụ máu có thể có biểu hiện như bầm tím trên da và khi đó dễ dàng phân biệt nó với sưng nề. Tuy nhiên, tụ máu cũng có thể nằm sâu dưới da và không có biểu hiện cụ thể. Nếu nó lồi lên thì thường sẽ lồi theo dạng cục, thay vì sưng đều toàn bộ như sưng nề.
Nhưng quả thật, để xác định chắc chắn nhất thì các biện pháp chẩn đoán hình ảnh (ví dụ như siêu âm...) sẽ cho thấy rõ nhất bạn bị tụ máu, tụ dịch hay sưng nề.
Tóm lại, từ những thông tin trên, nếu bạn thấy nghi ngờ, xin hãy liên hệ với bác sĩ để được xử lý một cách chuyên nghiệp nhất với những công cụ chuyên dụng.
Cách giảm sưng nề
Như đã nói từ đầu, sưng nề là vô cùng phổ biến và gần như được dự trù trước. Vậy nên để hạn chế sưng nề đến mức tối đa, tránh để nó tác động lên kết quả sau hút mỡ (và cũng là để hỗ trợ hồi phục), bác sĩ sẽ cho bệnh nhân sử dụng đồ bó/băng ép/gen nịt ngay sau khi làm phẫu thuật, cung cấp cho bệnh nhân một danh sách những lời khuyên/quy tắc cần tuân thủ sau phẫu thuật và kê những loại thuốc giúp hạn chế tối đa khó chịu sau phẫu thuật.
Hãy nhớ, tuân thủ lời dặn và quy định của bác sĩ là cách tốt nhất để đảm bảo quá trình hồi phục của bạn diễn ra suôn sẻ. Chúng tôi có thể tổng hợp lại một số lời khuyên thường gặp khi đối phó với sưng nề để bạn tham khảo, tuy nhiên hãy trao đổi kỹ với chính bác sĩ của bạn và làm đúng theo lời họ khuyên.
Các quy tắc bệnh nhân thường cần tuân thủ là:
- Mặc đồ nịt/quấn băng ép thường xuyên trong giai đoạn đầu sau phẫu thuật, chỉ bỏ khi tắm và giặt. Thường là 24/7 trong 2-3 tuần đầu, sau đó là 12h/7 trong 3 tuần tiếp theo.
- Uống nhiều nước, đi vệ sinh nhiều.
- Hạn chế ăn muối, vì nó sẽ làm tích nước trong mô.
- Ăn lành mạnh. Không được ăn kiêng vì cơ thể cần năng lượng để hồi phục. Đặc biệt chú trọng ăn nhiều protein, cũng giúp hạn chế tích nước trong mô.
- Chườm lạnh có thể giúp kiểm soát sưng nề trong 1-2 ngày đầu. Tránh chườm nóng hoặc ấm. Ý kiến của các bác sĩ về điều này vô cùng khác nhau, có khá nhiều bác sĩ cấm bệnh nhân dùng các biện pháp chườm nhiệt vì lo ngại tổn thương mô (do da vẫn còn tê dại nên không cảm nhận được để kiểm soát nhiệt), nhưng có những người cho phép, miễn là bệnh nhân thấy thoải mái, mặc dù họ cũng chú ý là tác dụng không cao, chỉ là biện pháp để bệnh nhân yên tâm hơn. Nếu muốn chườm thì nên chườm qua đồ nịt thay vì chườm trực tiếp lên da.
- Mát-xa mạch bạch huyết. Hãy trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn hoặc tìm chuyên gia. Về căn bản, mát-xa bạch huyết thúc đẩy dẫn lưu bạch huyết bằng cách dùng lực vật lý đẩy dịch tụ về phía hệ bạch huyết nguyên vẹn xung quanh vùng bị tổn thương, để các mạch bạch huyết khỏe mạnh làm nhiệm vụ dẫn lưu thay. Thường là mát-xa từ dưới lên trên (cổ chân lên đùi, bụng dưới về rốn...) hướng ngược về phía tim; và hướng sang hai bên.
- Kê cao vùng bị sưng. Do ảnh hưởng của trọng lực, sưng nề sẽ tệ hơn ở những vùng dưới nếu bạn đứng, ngồi quá lâu. Kê cao chân/bộ phận nằm ở vị trí thấp bị sưng trong lúc ngủ nghỉ sẽ giúp bạn lợi dụng trọng lực kéo dịch về phía tim.
- Bác sĩ cũng có thể sẽ cho bạn đeo tất áp lực và đồ bó. Nếu bị sưng ở mu và không có đồ nịt chuyên dụng thì bạn có thể chọn loại quần lót bó spandex để mặc bên dưới đồ nịt, như thế có thể ép vùng này để hạn chế sưng nề.
- Sưng nề có nhiều nguyên do, tùy vào nguyên nhân mà thuốc lợi tiểu có thể có tác dụng hoặc không. Vậy nên có thể hỏi bác sĩ về việc sử dụng để bác sĩ tùy tình hình mà kê đơn, tránh sử dụng bừa bãi.
Sưng nề là chuyện khó tránh khỏi sau hút mỡ, sưng nhiều hay ít còn tùy thuộc vào thể trạng và từng ca bệnh. Bệnh nhân không nên quá lo lắng khi bị sưng nề, mà hãy đối diện với nó với một thái độ thoải mái, lạc quan. Tuân thủ lời khuyên của bác sĩ, theo dõi và liên lạc ngay với bác sĩ khi có nghi ngờ hoặc thắc mắc để được giải đáp kịp thời hoặc khám và can thiệp khi cần thiết.
- 5 trả lời
- 900 lượt xem
Tôi đã làm hút mỡ ở bụng dưới, eo và hông 4 ngày trước, bác sĩ hút bỏ 2,3 lít mỡ. Ba ngày đầu tôi có thể thấy sự khác biệt ngay lập tức, lúc đẹp nhất là vào ngày thứ 3 sau hút mỡ (ảnh ba). Hôm nay, ngày thứ 4 khi tôi tỉnh dậy, tôi cảm thấy và nhìn thấy bụng sưng phồng, phình to (ảnh 4). Tôi biết sưng nề là một phần tất yếu trong quá trình hồi phục. Tuy nhiên tôi muốn hỏi các bác sĩ là liệu kết quả cuối cùng có sát với kết quả mà ta nhìn được ngay sau khi làm phẫu thuật không? Tôi thích sự thay đổi về đường nét trong ngày 1-3, nhưng giờ tôi thấy lo lắng.
- 3 trả lời
- 1032 lượt xem
Tôi đã làm tạo hình thành bụng toàn phần và hút mỡ ở ụ hông. Như mọi người thấy trong ảnh, phần bên phải đã xẹp bớt, còn phần bên trái vẫn sưng nhô cao, bên dưới nó có một vùng lõm. Có phải vùng lõm này xuất hiện là do sưng nề? Nó có hết không hay đây là do mỡ thừa sót lại? Và tại sao ụ hông bên phải lại thấp hơn, trong khi bên trái vẫn nhô cao? Điều này có hợp lý không? Tôi đã làm phẫu thuật được 11 ngày. Tôi biết là vẫn còn sớm, nhưng tôi chỉ muốn trấn an bản thân.
- 3 trả lời
- 580 lượt xem
Bảy tuần trước tôi đã làm hút mỡ và chỉnh sửa sẹo. Sưng nề đã giảm rất nhiều, nhưng tôi vẫn bị sưng to quanh rốn và có da chảy xệ bên trên rốn. Khi nào thì sưng nề quanh rốn mới giảm bớt? Ngoài ra tôi vẫn cần sự hỗ trợ từ đồ nịt. Đến thời điểm này thì điều đó có bình thường không? Tôi đã thử loại quần lót spandex ôm ép nhưng sau khoảng 4 giờ thì tôi thực sự muốn quay lại với đồ nịt.
- 5 trả lời
- 687 lượt xem
Tôi đã làm hút mỡ ở đùi bên vào 7 ngày trước, nhưng tôi lại không thấy có gì khác biệt cả. Khi hỏi thì bác sĩ bảo chỉ hút 500ml. Tôi nghĩ như thế là quá ít vì đùi bên của tôi rất to. Có ai có kinh nghiệm về việc này không?
- 4 trả lời
- 1218 lượt xem
Tôi đã làm tạo hình thành bụng và hút mỡ đùi trong được 5 ngày và đang bị sưng nhiều ở bàn chân và cẳng chân. Tôi cảm thấy đồ nịt của mình quá bó và đã chuyển sang một cái ít bó hơn. Tôi không biết phải làm gì nữa. Chuyện này có bình thường không? Xin các bác sĩ cho tôi lời khuyên.
Biến chứng tụ dịch sau hút mỡ
Tử vong do hút mỡ có 5 nguyên nhân chủ yếu
Một số quy tắc giúp tránh tăng cân sau hút mỡ
Tìm hiểu về cơ chế hoạt động của các thế hệ máy hút mỡ công nghệ sóng siêu âm
Hút mỡ công nghệ laser
- 6 trả lời
- 1010 lượt xem
Tôi mới làm hút mỡ 6 ngày trước và bị bất ngờ bởi mức độ đau. Tôi từng làm tạo hình thành bụng 7 tháng trước và quay lại làm việc trong vòng 10 ngày, vậy nên tôi chịu đau khá tốt. Tôi muốn hỏi vì tôi đang bị sưng rất nhiều, bàn chân và cẳng chân dưới sưng to ghê gớm. Tôi biết sưng nề một chút là chuyện bình thường và tôi luôn bị ứ nước một chút nên phải dùng Lasix. Nhưng đã có ai bị sưng nề rất nhiều chưa? Mọi người từng thử cách chữa tự nhiên nào chưa? Tôi đã hút mỡ ở lưng, đùi và mông. Tôi đang mặc loại đồ nịt vô cùng bó, kéo dài đến đầu gối.
- 3 trả lời
- 1283 lượt xem
Sau hút mỡ cánh tay, khi nào thì sưng và cảm giác cứng đờ mới khỏi? Nếu bị tê, thì khi hết sưng cảm giác tê có hết không?
- 5 trả lời
- 928 lượt xem
10 tuần trước tôi vừa đi hút mỡ, bác sĩ nói bây giờ tôi vẫn còn đang sưng nhiều. Tôi không nghĩ bác sĩ nói thật, tôi muốn hỏi làm sao bác sĩ biết tôi vẫn bị sưng nề khi không thể nhìn vào bên trong để biết thực sự. Tôi không đau, không nổi cục lồi lõm, không tê.
- 20 trả lời
- 27145 lượt xem
Tôi đã loại bỏ phình mỡ đùi ngoài vào 6 tuần trước và một phần giờ trông có vẻ nổi cộm lên, sần sùi cứ như là có cái gì đó chuyển động ở dưới đó. Tôi cũng đã hút mỡ phía trên mông, hiện tôi vẫn còn tê và vẫn có một chỗ sưng u lên. Tình trạng này khi nào sẽ biến mất? Bao lâu thì hết sưng nề?
- 8 trả lời
- 2449 lượt xem
Cách đây một tuần bác sĩ tiến hành hút mỡ công nghệ laser Smartlipo, sau đó phẫu thuật tạo hình thành bụng. Kết quả tôi có một đường rạch lớn từ hông bên này sang hông bên kia và vùng bụng của tôi thực tế bây giờ còn phình to ở giữa do sưng tấy hơn cả trước khi phẫu thuật. Bác sĩ không đặt dẫn lưu thoát dịch. Bác sĩ muốn tôi làm 3 buổi với liệu pháp siêu âm để cải thiện tình trạng sưng và tiêu dịch. Tôi không hài lòng với kết quả của mình. Tình trạng này có bình thường không? Đây có phải là tác dụng phụ từ những quy trình điều trị này không?