Những biến chứng có thể gặp phải sau hút mỡ
Hình ảnh thực tế (Click xem ảnh to)
Hút mỡ là một trong những thủ thuật phổ biến số một hiện nay và một phần cũng là nhờ vào mức độ an toàn cao, đặc biệt nếu được thực hiện bởi bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ có chứng chỉ tại cơ sở thẩm mỹ có uy tín. Dẫu vậy, tỉ lệ biến chứng vẫn không thể bằng không.
Hầu hết biến chứng sau hút mỡ xuất hiện quanh vị trí làm phẫu thuật, ví dụ như: sưng nề, bầm tím, lồi lõm không đều... Nhưng vẫn có những biến chứng thuộc phạm vi toàn cơ thể như huyết khối tĩnh mạch sâu, hội chứng tắc mạch do mỡ... và đây thường là những biến chứng nghiêm trọng, có khả năng gây chết người.
Phải nói lại là tỉ lệ biến chứng của hút mỡ vô cùng thấp. Theo thống kê trên toàn thế giới, tỉ lệ này xấp xỉ 5% trên tổng ca hút mỡ, hầu hết là biến chứng nhẹ. Những biến chứng nguy hiểm nhất của hút mỡ thì có thể dễ dàng ngăn ngừa bằng các biện pháp đơn giản và thông qua việc áp dụng các quy tắc an toàn đúng đắn.
Các biến chứng tại chỗ
Thường gặp nhất, xuất hiện ngay tại vị trí làm phẫu thuật và thường ít gây nguy hiểm đến tính mạng, mặc dù những biến chứng này có thể gây bất tiện cho cả người bệnh và bác sĩ, cũng như ảnh hưởng đến kết quả thẩm mỹ sau phẫu thuật.
Phù nề
Phù nề, hay sưng nề, là phản ứng tự nhiên trước tổn thương phẫu thuật do ống hút mỡ gây ra, gần như luôn xuất hiện sau phẫu thuật. Bệnh nhân sẽ bị phù/sưng tại chỗ trong vòng 24-48 giờ sau phẫu thuật, có thể tiếp tục sưng to hơn trong 10-14 ngày đầu và được kiểm soát lập tức bằng việc quấn băng ép/mặc đồ nịt ngay sau phẫu thuật và tiếp tục mặc trong 4-6 tuần.
Khu vực phù nề thường đau nhẹ, mềm và không có dấu hiệu viêm đáng kể. Sau khi cơ thể hấp thụ nốt phần dung dịch tumescent thừa lại, cũng như huyết tương và mỡ đã bị phá hủy, thì vùng phù nề sẽ cứng lại/rắn hơn, không khó chịu/đau hoặc đau rất ít. Đến tuần thứ 4, một vài mảng trong phạm vi phù nề sẽ mềm dần ra, rồi đến cuối 6-8 tuần thì toàn bộ khu vực sẽ mềm đều toàn bộ. Còn tùy vào mức độ xâm lấn của ca hút mỡ, nhưng thường các mô có xu hướng trở về trạng thái mềm bình thường sau 3 tháng kể từ khi làm phẫu thuật.
Trong các trường hợp hiếm, phù nề to kèm cơn đau bất thường và khó chịu sẽ kéo dài quá 6 tuần, người ta lý giải có thể là do mô bị tổn thương quá mức dẫn đến hiện tượng như bị thương do bỏng. Sẽ mất lâu hơn để phục hồi và có thể làm gia tăng sẹo, mô xơ và thường dẫn đến lồi lõm không đều trên bề mặt da.
- Đọc thêm: Sưng nề sau hút mỡ
Bầm tím
Bầm tím cũng xuất hiện ở bệnh nhân hút mỡ ngay sau khi làm phẫu thuật, nặng nhất vào cuối ngày thứ 7-10, nhưng thường tự biến mất sau 2-4 tuần.
Bầm tím nặng bất thường và dai dẳng thường liên quan đến hút thuốc mạn tính, sử dụng thuốc chống đông máu và lịch sử xuất huyết/đông máu bất thường. Trong trường hợp hiếm thì còn liên quan đến xuất huyết tĩnh mạch nông trong lúc hút mỡ.
Cần khuyên bệnh nhân bỏ thuốc lá hoàn toàn trong ít nhất 3 tuần trước ca hút mỡ lớn, dừng dùng thuốc chống đông máu sau xin phép bác sĩ điều trị ít nhất 1 tuần trước phẫu thuật và xử lý tiền sử xuất huyết/đông máu bất thường bằng cách tiêm vitamin K hoặc các biện pháp thích hợp khác. Nếu xuất huyết từ tĩnh mạch thì dùng băng ép/đồ nịt kéo dài là cách tốt nhất.
Tụ dịch
Tụ dịch là hiện tượng dịch tích tụ ở khoảng trống dưới da sau phẫu thuật, hiểu nôm na là như một túi nước dịch nằm dưới da. Nguyên nhân có thể là do tổn hại lớn đến hệ bạch huyết (hệ thống mạch dẫn lưu dịch của cơ thể) dẫn đến ứ đọng dịch. Trên thực tế việc sử dụng băng ép/gen nịt bụng không thích hợp (lỏng, không đeo liên tục...) cũng dẫn đến hình thành tụ dịch.
Có thể phát hiện tụ dịch sau 5-7 ngày với hiện tượng da lùng nhùng như có nước bên dưới, vỗ nhẹ có gợn sóng, một số trường hợp thấy đau, nóng, ban đỏ. Để chắc chắn, hoặc trong trường hợp nghi ngờ nhưng da không có biểu hiện gợn sóng, thì có thể siêu âm để phát hiện khoang tụ dịch. Thường hay xuất hiện ở khu vực thân dưới (bụng dưới, hông, đùi).
Tụ dịch xảy ra do mạch bạch huyết không dẫn lưu được, vậy nên tụ dịch nhỏ chỉ cần chờ đến khi mạch bạch huyết hoạt động lại thì mọi chuyện sẽ trở lại bình thường. Với khoang tụ dịch to, có thể áp dụng rút dịch bằng ống tiêm tiệt trùng, lặp lại cho đến khi khỏi, đồng thời sử dụng băng ép/đồ nịt hợp lý. Trong trường hợp cách trên thất bại, dịch tụ dai dẳng không hết thì có thể mổ dẫn lưu dịch, tiêm chất gây xơ cứng để khép khoang tụ dịch hoặc thậm chí cắt bỏ bao tụ dịch nếu dịch tụ lâu ngày hình thành nang bao bọc xung quanh.
- Đọc thêm: Tụ dịch sau hút mỡ
Tụ máu
Là tình trạng có ổ máu tụ bên ngoài mạch máu, nguyên nhân phổ biến nhất là mạch máu bị tổn thương do phẫu thuật. Bệnh nhân nên ngừng hút thuốc, dùng thuốc chống đông máu, vitamin E và một số loại thuốc khác 7 ngày trước hút mỡ để giảm thiểu tình trạng này. Tụ máu có thể ở gần bề mặt da hoặc sâu bên trong, các ổ tụ máu làm da chuyển màu xanh đen, sẫm màu hoặc đỏ tấy, đôi khi còn lồi lên và sờ thấy được. Đau, sưng, đỏ tấy, nóng, đổi màu da có thể là biểu hiện của tụ máu, nhưng có những lúc tụ máu không có bất kỳ biểu hiện gì. Vậy nên cần đến tái khám đầy đủ để bác sĩ theo dõi và phát hiện kịp thời nếu bị tụ máu.
Cũng cần phân biệt tụ máu và bầm tím. Bầm tím là do các mao mạch li ti trên da bị vỡ và gây các mảng màu xanh tím trên bề mặt da, thường vô hại (ngoại trừ có thể đau) và tự khỏi. Ngược lại, tụ máu là máu chảy ra từ khác mạch lớn hơn, có thể nằm sâu bên trong cơ thể và cần can thiệp phẫu thuật.
Các phương pháp điều trị tụ máu có thể kể đến như rút máu tụ bằng kim tiêm, rạch mổ dẫn lưu khối máu tụ, hút khối máu tụ như hút mỡ và phẫu thuật loại bỏ khối máu tụ. Biện pháp ngăn ngừa tụ máu phổ biến nhất và cũng hiệu quả nhất là dùng băng ép/đồ nịt. Một số bác sĩ cho rằng chườm ấm có thể giúp làm tan máu tụ, tuy nhiên có các bác sĩ không đồng ý, vậy nên nếu muốn dùng phương pháp này thì bạn phải hỏi qua bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ của bạn trước.
Nhiễm trùng
Độ phổ biến thấp trong số các biến chứng sau hút mỡ, tỉ lệ dưới 1%. Khu vực nhiễm trùng thường là vết mổ hoặc ổ tụ dịch, với biểu hiện sưng viêm, đỏ tấy, khu vực nhiễm trùng bị nóng lên... Cần được điều trị ngay với kháng sinh thích hợp và theo dõi thêm để có các biện pháp kịp thời. Điều trị có thể bao gồm mổ lại vết rạch luồn ống hút mỡ để dẫn lưu ổ dịch nhiễm trùng, loại bỏ áp-xe, cắt bỏ da hoại tử/thiếu máu cục bộ...
Lo ngại chủ yếu của nhiễm trùng sau hút mỡ đến từ hiệu quả làm sạch, tiệt trùng/tiệt khuẩn thiết bị phẫu thuật, cũng như các vấn đề kiểm soát nhiễm trùng tại cơ sở làm phẫu thuật. Vậy nên để đảm bảo an toàn cho bản thân và ca phẫu thuật, hãy chọn cơ sở thẩm mỹ/bệnh viện lớn có uy tín.
Hoại tử da
Bệnh nhân hút thuốc kéo dài/chưa bỏ thuốc, hút mỡ thô bạo cùng lúc với tạo hình thành bụng, tụ dịch/tụ máu kích thước lớn đều làm tăng khả năng bị hoại tử da. Thêm vào đó, hút mỡ bằng ống cannula với đầu ống sắc bén, hướng đầu ống về phía da có thể gây tổn thương đáng kể cho hệ thống mạch chằng chịt dưới da và cũng có thể gây hoại tử da.
Một khi phát hiện hoại tử da, các biện pháp điều trị có thể được áp dụng là cắt bỏ da hoại tử, dùng kháng sinh và trị liệu oxy cao áp. Đa số trường hợp chỉ là thiếu máu cục bộ trên bề mặt da và khỏi mà chỉ để lại sẹo tối thiểu. Trong các trường hợp nặng hơn, bác sĩ có thể sẽ phải xử lý bằng biện pháp ghép da.
Di chứng thần kinh
Giảm cảm giác ở vùng phẫu thuật là hiện tượng phổ biến sau hút mỡ, tuy nhiên xúc giác thường quay lại sau 1 năm. Đau mạn tính hiếm khi xảy ra, nếu có thì nguyên nhân có thể là u dây thần kinh hoặc do làm tổn thương lớp mạc cơ và cơ nằm bên dưới. Có thể gây tê tại chỗ vài lần để hỗ trợ trong trường hợp này. Đau dai dẳng không dứt thì có thể cần phẫu thuật giải phóng sẹo.
Lệch rốn
Đây là một di chứng hiếm gặp, 6/600 bệnh nhân. Không xuất hiện ngay sau khi hút mỡ mà lộ ra khi bệnh nhân đến tháo chỉ (7 ngày sau phẫu thuật), mặc dù có cải thiện
trong các tháng tiếp theo nhưng không bao giờ tự động quay lại vị trí đường giữa bụng. Thú vị là nó luôn lệch về bên phải bụng.
Nhóm bác sĩ gặp phải trường hợp này đưa ra giả thuyết rằng hiện tượng này xảy ra do dùng sức kéo khi quấn bằng ép bụng. Cuống rốn lúc này đang yếu, vì đã loại bỏ lớp mỡ chống đỡ xung quanh, dễ dàng bị trượt sang bên phải khi bệnh nhân kéo băng ép về phía này. Họ đưa ra giải pháp là thiết kế lại băng ép với móc hoặc khóa kéo ở cả hai bên, cho thêm mút đệm phía bên trên rốn để cố định cuống rốn trong giai đoạn đầu của quá trình phục hồi và giúp đẩy nó vào đúng chỗ.
Lồi lõm không đều
Biểu hiện rõ ràng nhất của biến chứng lồi lõm/không đều đó là da và đường nét vùng hút mỡ không phẳng đẹp, có thể là bị lõm vào, bị lồi ra, da bị gợn sóng (tương tự như tình trạng da sần sùi như vỏ cam), có nếp gấp, vết nhăn, rãnh... Biến chứng này không gây hại về mặt sức khỏe, nhưng lại làm hỏng mục đích chính của hút mỡ là tạo ra đường nét đẹp, có thẩm mỹ.
Hiện tượng này xảy ra do hai nguyên nhân chính: những sai lầm khi tiến hành hút mỡ và tình trạng da vốn có của bệnh nhân. Với nguyên nhân đầu, có thể bác sĩ hút quá tay khiến khu vực đó bị lõm vào; có thể hút không đủ khiến mỡ dư thừa nhiều làm vùng dư mỡ lồi ra; có thể hút quá sát da/để lại quá ít mỡ, khiến hình thành sẹo dính, kéo da lún xuống gắn với cơ, gây tình trạng lồi lõm không đều. Còn nếu da bệnh nhân vốn đã không săn chắc, thì sau hút mỡ nó sẽ không co lại đẹp, tuy nhiên giai đoạn đầu vẫn còn sưng nề, khi hết sưng tình trạng này có thể cải thiện.
Để tránh tình trạng này, bác sĩ cần thực hiện đánh giá khu vực hút mỡ kỹ lưỡng trước khi thực hiện. Ghi nhận và chỉ ra cho bệnh nhân những chỗ lồi lõm, tình trạng da không đều sẵn có của cơ thể trước phẫu thuật, đánh dấu cẩn thận để lên kế hoạch hút mỡ hợp lý. Tư thế của bệnh nhân cũng cũng có thể làm thay đổi dáng vẻ của các vùng cơ thể, khiến bác sĩ phán đoán sai lầm khi thực hiện. Hút mỡ vừa xong, bác sĩ được khuyên nên thực hiện sờ, nắn để kiểm tra mức độ mỡ còn lại, nếu phát hiện có lồi do hút chưa đủ thì cần cẩn thận hút lại để cải thiện kết quả. Nếu sau này mới phát hiện, thì nên đợi ít nhất 6 tháng rồi mới tiến hành chỉnh sửa, để phù nề có thể giảm hoàn toàn, giúp đánh giá đường nét một cách chính xác nhất.
Nếu dư nhiều mỡ thì chỉ cần làm thêm một ca hút mỡ, còn nếu bị lõm do hút quá nhiều mỡ thì có thể sử dụng phương pháp cấy mỡ tự thân, hoặc phương pháp nhiều triển vọng là liposhifting (dịch chuyển mỡ từ vùng lân cận để làm đầy vùng lõm mà không rút mỡ khỏi cơ thể). Nếu vấn đề liên quan đến sẹo thì trong một số trường hợp, có thể làm phẫu thuật giải phóng sẹo, tiêm mỡ làm đầy bên dưới vết lõm do sẹo để cải thiện dáng vẻ bên ngoài. Bệnh nhân yên tâm là tình trạng này có thể chỉnh sửa được.
Không cân đối
Cơ thể con người vốn không đối xứng ở hai bên, khi hút mỡ, các bác sĩ cũng sẽ cân nhắc vấn đề này. Trước phẫu thuật bác sĩ sẽ khám để so sánh độ cân đối sẵn có của cơ thể, bên nào to, bên nào nhỏ, rồi lên kế hoạch hút một lượng mỡ phù hợp từ mỗi bên để tạo ra sự cân bằng khi nhìn vào. Trong lúc thực hiện, thành viên kíp mổ cũng sẽ đánh dấu và ghi lại khu vực hút mỡ cũng như số lượng mỡ đã hút để tiện theo dõi và đảm bảo độ cân đối sau hút mỡ.
Nếu phát hiện mất cân đối ngay lúc làm phẫu thuật, có thể áp dụng phương pháp liposhifting (đã nói ở trên), hút thêm hoặc cấy mỡ trở lại. Nếu sau này mới phát hiện thì vẫn áp dụng các thủ thuật trên, nhưng nên chờ ít nhất 6 tháng.
Da chảy xệ
Đây là vấn đề dễ gặp phải nhất về mặt thẩm mỹ sau hút mỡ. Nguyên nhân có thể là do lượng mỡ được hút bỏ hoặc là do da co lại không đủ. Bệnh nhân nào vốn có da chảy xệ, cần thủ thuật cắt bỏ da như tạo hình thành bụng hay căng da đùi..., mà lại chỉ muốn làm hút mỡ không cắt da vì sợ sẹo lớn thì cần hiểu rõ là hút mỡ không giúp căng da trên cơ thể. Nếu da vốn đã chảy xệ sẵn thì hút xong da sẽ chỉ chảy xệ thêm. Bệnh nhân nào nằm trong diện dễ có da thừa chảy xệ thì cần biết là họ có thể sẽ phải đeo băng ép trong khoảng thời gian lâu hơn, lên tận 8-12 tuần để cho phép da có thể co lại hết mức có thể.
Nếu lo ngại về độ chảy xệ của da sau hút mỡ thì bệnh nhân nên chờ ít nhất 6 tháng, để vùng hút mỡ lành hoàn toàn và da đã co lại hết mức có thể. Sau đó quay lại gặp bác sĩ để đánh giá và chỉnh sửa bằng phẫu thuật cắt da nếu muốn.
Sạm da
Da bị sạm màu, đen hơn sau hút mỡ có nhiều nguyên nhân như:
- Huyết sắc tố do bầm tím: Đôi khi bầm tím sau khi tan để lại mảng da bị sậm màu.
- Tác động quá mức từ ngoại lực: Băng ép/đồ nịt quá chặt, ma sát, cọ xát, gãi...
- Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
- Do thuốc: điều trị tiêm sắt, thuốc tránh thai, minocycline...
Cần chú ý tới độ bó của gen nịt/băng ép và tránh mọi tiếp xúc không cần thiết với ánh sáng mặt trời. Phòng tránh bằng cách che chắn kín nhất có thể đối với vùng làm hút mỡ và bôi kem hydroquinone hai lần một ngày. Những trường hợp da bị sạm sau hút mỡ có thể quay lại trạng thái bình thường sau tầm 9 tháng hoặc cải thiện sau khi áp dụng bôi hydroquinone.
Vấn đề về sẹo
May thay hút mỡ không để lại sẹo đáng kể. Các vấn đề liên quan đến sẹo có thể kể đến là:
- Chọn vị trí luồn ống không thích hợp, dẫn đến để lại sẹo ở chỗ dễ nhìn thấy.
- Vị trí luồn ống bị lõm xuống do liên tục rút/luồn ống mà không tắt chế độ hút mỡ (khiến vị trí này bị hút mỡ quá đà).
- Sẹo bị tối màu, sạm đi do bầm tím sau khi liên tục rút/luồn ống cannula. Sử dụng ống cannula cỡ siêu nhỏ và chèn lỗ nhựa ở chỗ rạch sẽ giúp hạn chế vấn đề này. Kem steroid hoặc kem hydroquinone có thể giúp giảm thâm sau phẫu thuật.
- Sẹo phì đại hoặc sẹo lồi. Trong một nghiên cứu với 600 bệnh nhân, 1,3% đã gặp vấn đề này. Điều trị kết hợp miếng dán silicon hoặc bôi gel silicon, tiêm steroid, hoặc rạch mổ lại.
Các biến chứng toàn thân
Mất máu
Có thể mất máu trong lúc hút mỡ qua ba đường:
- Xuất huyết ngoài: do hút mỡ.
- Xuất huyết trong: máu chảy vào không gian hở bên trong.
- Máu thấm vào gạc, mút và băng.
Nếu mất ít hơn 15% thể tích máu, thì chỉ cần truyền dịch crystalloid (dịch tinh thể) là đủ. Nếu mất hơn 15% thì có thể dùng dung dịch keo colloid (dextran, albumin...) hoặc truyền máu để khôi phục thể tích máu.
Hạ thân nhiệt
Được định nghĩa là khi thân nhiệt dưới 35 độ C. Hạ thân nhiệt có liên quan tới các biến cố tim mạch nguy hiểm, xuất huyết gia tăng khi phẫu thuật, nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết và chậm hồi phục. Có thể dùng chăn hoặc đậm ấm trong lúc làm phẫu thuật, cũng như tăng nhiệt độ phòng phẫu thuật nếu bệnh nhân phàn nàn hoặc bị run.
Huyết khối tĩnh mạch sâu
Hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch sâu (ở chân) có liên quan đến hội chứng tăng đông máu, hút thuốc lâu ngày, thời gian phẫu thuật hơn 2 tiếng, mất nước, tuổi cao (> 60 tuổi), bị giãn tĩnh mạch và đang dùng thuốc tránh thai. Bệnh nhân cần ngừng hút thuốc và/hoặc dùng thuốc tránh thai ít nhất 2 tuần trước phẫu thuật. Nên hạn chế thời gian phẫu thuật xuống tối thiểu, không nên kết hợp với các ca phẫu thuật dài hơi khác, cần đảm bảo cung cấp đủ nước trước/trong/sau phẫu thuật.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần chú ý không nên để đồ nịt/băng ép quấn quá chặt làm hạn chế lưu thông máu, đảm bảo uống đủ nước. Đi lại sớm cũng rất có ích trong việc ngăn hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu. Biểu hiện của huyết khối tĩnh mạch sâu là đau khi nghỉ ngơi và phù chân. Đau nhiều khi co duỗi cổ chân, dễ bị đau ở bắp chân khi sờ nắn là các tiêu chí chẩn đoán hữu ích.
Bệnh nhân cần lưu ý đến biến chứng này vì nó có thể dẫn đến thuyên tắc phổi, là nguyên nhân gây tử vong số một sau hút mỡ (25%). Hãy nhớ, uống đủ nước, đi lại nhẹ nhàng thường xuyên, kê chân khi nằm nghỉ, chú ý tới các biểu hiện đã nêu ở trên để báo cho bác sĩ và đi tái khám đầy đủ để bác sĩ có thể theo dõi sát sao. Báo gấp cho bác sĩ nếu thấy khó thở hoặc đau ngực.
Thủng nội tạng
Theo dữ liệu tính đến năm 2013, đã có 11 ca báo lại là bị thủng nội tạng trong lúc làm hút mỡ. Theo một khảo sát về tử vong sau hút mỡ, thủng nội tạng là nguyên nhân chiếm 15%.
Bệnh nhân bị béo phì, có vết sẹo phẫu thuật cũ ở vùng bụng, bị tách cơ bụng với thoát vị thành bụng có nguy cơ cao gặp phải tai nạn này. Các bác sĩ được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm sẽ biết cẩn thận quan sát bệnh nhân trong lúc hút mỡ và dùng các kỹ thuật để giảm tối đa nguy cơ này (VD: quan sát kỹ đầu ống cannula hoặc cảm nhận bằng tay trái, đè xương sườn bằng tay trái để tránh vô tình chọc thủng ngực...). Vậy nên, một lần nữa, việc chọn một bác sĩ có chứng chỉ, có kinh nghiệm và uy tín là rất quan trọng.
Sau hút mỡ, đau ngực, khó thở có thể ám chỉ ngực bị chọc thủng, đau dữ dội ở bụng sau hút mỡ cũng có thể là do nguyên nhân thủng bụng. Cần được bác sĩ xem xét kỹ lưỡng và can thiệp kịp thời. Nếu phát hiện thủng nội tạng ngay lúc hút mỡ, sẽ phải mổ khẩn cấp để xử lý.
Nhiễm trùng bạo phát
Các ca viêm cân mạc hoại tử (necrotizing fasciitis) sau hút mỡ dù không xảy ra thủng nội tạng đã được ghi nhận lại. Rủi ro gặp phải viêm cân mạc họai tử bao gồm ung thư dạ dày-ruột ác tính, lạm dụng thuốc truyền tĩnh mạch, cao tuổi (>50 tuổi), đái tháo đường, trạng thái ức chế miễn dịch, lạm dụng rượu, bệnh mạch máu ngoại biên và suy dinh dưỡng. Biểu hiện lâm sàng có thể quan sát thấy là ban đỏ và phù ở vùng bị ảnh hưởng, sau đó nhanh chóng phát triển thành các vệt xanh tím, phồng rộp và hoại tử (tình trạng hoại tử nặng hơn ở mức độ mạc cơ). Điều trị bao gồm cắt bỏ triệt để mô hoại tử, kháng sinh và điều trị hỗ trợ.
Hội chứng sốc độc tố, hiếm gặp nhưng đe dọa tính mạng, bộc phát đột ngột do độc tố của vi khuẩn tụ cầu (Staphylococcus) và liên cầu khuẩn nhóm A (A Streptococcus), có thể xâm nhập vào cơ thể qua vết mổ. Triệu chứng có thể bao gồm sốt cao, hạ nhiệt, xây xẩm, ngất xỉu, đau đầu, đau mỏi cơ, ban đỏ, tiêu chảy... vùng xung quanh vị trí bị tổn thương sẽ sưng, đỏ và căng tức. Nói chung, các triệu chứng có thể bộc phát sớm trong vòng 12 tiếng sau phẫu thuật. Bệnh nhân cần được chăm sóc tại bệnh viện bằng kháng sinh, truyền dịch, theo dõi huyết áp và các dấu hiệu tổn thương cơ quan khác.
Hội chứng tắc mạch mỡ
Tỷ lệ tử vong của hội chứng tắc mạch mỡ sau hút mỡ là khoảng 10-15%. Nguyên nhân có thể là do (1) các giọt mỡ nhỏ từ khu vực hút mỡ chui vào tĩnh mạch và di chuyển lên phổi, hoặc (2) các acid béo tự do gây tổn thương nội mô phổi, vô hiệu quá chất họa động bề mặt phổi... dẫn đến các hội chứng suy hô hấp cấp nặng, có biểu hiện lâm sàng trong 12-24h. Bác sĩ cần đặc biệt lưu tâm biến chứng này để nhận ra biểu hiện ngay lập tức.
Các biện pháp phòng tránh bao gồm chọn lựa kỹ bệnh nhân, giảm thời gian phẫu thuật, hạn chế thể tích hút mỡ, cẩn thận theo dõi bệnh nhân sau phẫu thuật và đảm bảo cung cấp đủ nước trước/trong/sau phẫu thuật.
Phù phổi cấp
Khả năng bị phù phổi cấp đã được ghi nhận trong văn bản, đặc biệt là với các ca hút mỡ lớn. Do những ca này truyền lượng lớn dịch vào tĩnh mạch cũng như tiêm vào mô mỡ trong lúc làm thủ thuật. Bình thường một phần dịch sẽ chảy vào khoảng gian bào, nhưng do số lượng quá lớn khoảng gian bào không chứa đủ, nên dịch này có thể chạy vào hệ thống phổi, gây phù phổi. Có thể tránh hiện tượng này bằng việc tính toán lượng dịch truyền thích hợp và tiêm phồng mô ngắt quãng kèm theo hút mỡ ở khu vực đã tiêm.
Biến chứng bỏng da, hoại tử da sau hút mỡ
Hút mỡ không những mang đến vóc dáng thon gọn hơn mà còn giúp tăng cường sức khỏe và giúp khách hàng có động lực hơn trong tập luyện để duy trì vóc dáng
Hút mỡ hiện tại khác biệt đáng kể so với những quy trình hút mỡ trong quá khứ
Một số điều có thể bạn đang hiểu nhầm về hút mỡ
Kỹ thuật thẩm mỹ được đánh giá là tốt nhất trong điều trị nọng cằm (hai cằm)
- 9 trả lời
- 2334 lượt xem
Các biến chứng và tác dụng phụ thường gặp ở hút mỡ bằng sóng siêu âm VASER là gì? Phản ứng phụ thường kéo dài trong bao lâu và làm sao tôi biết được có cần tái khám hay không? Có dấu hiệu nào cụ thể để nhận biết là nguy hiểm không?
- 3 trả lời
- 1797 lượt xem
Tôi đã thực hiện nâng mông bằng mỡ tự thân kiểu Brazil vào 2 tuần trước, nhưng mông hiện vẫn siêu phẳng, tôi chẳng thấy nó nhô ra tí nào. Theo lời khuyên của bác sĩ, tôi nên xử lý thêm một chút ở phần hông nhưng bây giờ mông của tôi trông rộng hơn và nhiều mỡ ở giữa. Xin hãy giúp tôi! Tôi đang phát điên lên. Cách tốt nhất để khắc phục vấn đề này là gì?
- 6 trả lời
- 1106 lượt xem
Khối máu đông và tụ dịch sau hút mỡ có dễ xảy ra không? Tôi cần phải đứng lên đi lại và di chuyển thường xuyên đến mức nào sau phẫu thuật để tránh hình thành cục máu đông? Tôi không muốn phải đi lại quá nhiều, nhưng đồng thời cũng không muốn nằm bẹp trên giường.
- 6 trả lời
- 781 lượt xem
Tôi đã làm hút mỡ 9 ngày trước và bây giờ có hai ụ cứng gần rốn. Chúng xuất hiện từ ngày đầu tiên sau hút mỡ. Ngày nào tôi cũng mát-xa, nhưng không thấy chúng thay đổi kích thước. Đây chỉ là biến dạng bình thường sau hút mỡ hay là tôi nên lo về khả năng bị tụ dịch? Không thấy đau. Đến lúc nào thì nên tới gặp bác sĩ để khám?
- 4 trả lời
- 882 lượt xem
Đến nay tôi đã làm hút mỡ được 2 tháng. Sau tháng đầu tiên kể từ khi hút mỡ, tôi bị tụ dịch ở dưới cánh tay. Trao đổi với bác sĩ thì bác sĩ bảo ổ tụ nhỏ, cơ thể tự hấp thụ được khi dùng đồ nịt... Đúng là một tuần sau thì ổ dịch tụ lặn mất, nhưng bây giờ cái chỗ đó bị cứng lại. Nếu đây là mô xơ sau hút mỡ thì tôi phải làm gì để loại bỏ nó một cách hiệu quả?