Nguyên lý hoạt động của hút mỡ Vaser và các thế hệ hút mỡ sóng siêu âm UAL
Hình ảnh thực tế (Click xem ảnh to)
Hút mỡ Vaser là gì
VASER LIPO, hay hút mỡ VASER, là loại kỹ thuật hút mỡ có hỗ trợ bằng sóng siêu âm (UAL) đời thứ 3. Khắc phục được nhiều khuyết điểm của các kỹ thuật UAL đời đầu và hứa hẹn đem lại kết quả thẩm mỹ đẹp mắt với thời gian hồi phục nhanh hơn cho bệnh nhân.
Nguyên lý hoạt động
Hút mỡ truyền thống nhìn chung an toàn và hiệu quả. Kết quả mà nó đem lại cũng như những biến chứng tiềm tàng đều đã được ghi nhận, phổ biến và được hiểu rõ. Nhờ đó nó vẫn nhận được sự tín nhiệm của nhiều bác sĩ và duy trì độ nổi tiếng đến ngày nay. Với kỹ thuật này, cơ chế loại bỏ mỡ căn bản chính là xé rách mô mỡ. Tức là mô mỡ được hút vào ống cannula bởi chân không và bị xé/hoặc làm rách bởi chuyển động của ống cannula. Kết quả và các biến chứng có thể có đều đến trực tiếp từ quá trình xé rách/đâm thủng này.
Hút mỡ VASER đem lại thay đổi cơ bản về cách xử lý và loại bỏ mô mỡ mục tiêu. Mô mỡ ban đầu được hóa lỏng có chọn lọc bằng một thanh kim loại rung tạo sóng siêu âm, sau đó hút bỏ nhẹ nhàng, hạn chế co kéo, xé rách mô đến tối đa. Hút mỡ VASER có hai tác động chính để “phá hủy” mô mỡ:
- Tác động vật lý của que chọc: Đầu thanh kim loại trực tiếp xé rách màng mỡ khi tiếp xúc.
- Thông qua hiện tượng cavitation: Trước khi tiến hành dùng sóng siêu âm, dung dịch bơm phồng mô sẽ được tiêm vào trước. Ngoài tác dụng đã biết (làm co mạch, hạn chế nứt/vỡ mạch, chảy máu và gây tê trong/sau hút mỡ), thì dung dịch này còn đóng vai trò chính trong quá trình phá vỡ mô mỡ. Cụ thể, dung dịch tumescent này chỉ chảy được vào những nơi có kích thước lớn hơn 5 micron, tức là giữa khoảng trống của các tế bào mỡ/mô mỡ với nhau và khoảng trống của mỡ với các loại tế bào/mô khác xung quanh. Tất cả các tế bào khác đều cách nhau nhỏ hơn 5 micron, vậy nên dung dịch này không chèn vào giữa chúng được. Khi sóng siêu âm kích hoạt, nó tạo ra hiện tượng cavitation (những bọt khí trong dung dịch chất lỏng do thay đổi áp suất). Những bọt khí li ti nằm trong và quanh mô mỡ này ngày càng giãn to cho đến khi chúng nổ tung, khiến mỡ tách rời khỏi các mô xung quanh, mạch máu và mạch bạch huyết mà không ảnh hưởng đến cấu trúc của tế bào mỡ, nhưng thay đổi kết cấu vật lý của nó từ thể rắn sang lỏng.
Ngoài ra, tác dụng nhiệt và vi cơ học (micro-mechanical) của sóng âm cũng góp phần vào quá trình phá vỡ liên kết mỡ. Tuy nhiên, nếu không để ý kiểm soát tác dụng nhiệt, nó có thể gây hại cho bệnh nhân; các nghiên cứu đã chứng minh vấn đề này có thể dễ dàng bị loại trừ với kinh nghiệm và sự cẩn thận của bác sĩ.
Mỡ lỏng tạo ra sau quá trình này sẽ được loại bỏ trong giai đoạn tiếp theo – giai đoạn hút mỡ.
Trong một khảo sát về kết quả, bệnh nhân cho biết họ bị đau từ mức không đau đến đau vừa, bầm tím ở mức không có gì đến hơi bầm tím và cả bác sĩ lẫn bệnh nhân đều có độ hài lòng cao đối với thủ thuật này.
So sánh hút mỡ Vaser với các kỹ thuật hút mỡ khác
So với các kỹ thuật hút mỡ truyền thống
Sóng siêu âm ban đầu được kết hợp vào quy trình hút mỡ với hy vọng nó sẽ khắc phục các nhược điểm của hút mỡ truyền thống là:
- Gia tăng khả năng co lại của da
- Cho phép loại bỏ nhiều mỡ hơn
- Bảo vệ tĩnh mạch xuyên và các dây thần kinh bì tốt hơn
- Cho phép hút mỡ hiệu quả hơn ở vùng có nhiều mô sợi
- Giảm thiểu công sức cho bác sĩ
Sau nhiều năm áp dụng, nghiên cứu và ghi chép, có thể nói hiệu quả thẩm mỹ của các kỹ thuật hút mỡ nói chung không có khác biệt quá lớn, bệnh nhân đều có thể đạt được kết quả hài lòng cho dù làm kỹ thuật nào. Tác dụng nhiệt của VASER cũng có thể kích thích tăng sinh collagen và giúp làm căng da, tuy nhiên tác dụng này của VASER vẫn khá thất thường, không đem lại kết quả đáng tin cậy.
Có lẽ ưu điểm lớn nhất của VASER so với các loại hút mỡ khác chính là ít gây tổn thương hoặc không hề gây tổn thương cho mạch máu, dây thần kinh và các mô liên kết, đã được công nhận nhiều lần qua nhiều tài liệu và nhiều bác sĩ. Điều này giúp hạn chế nguy cơ xuất huyết, tụ máu, tụ dịch, cũng như hạn chế đau đớn, khó chịu và hiện tượng dị cảm sau hút mỡ.
Trong tổng khối lượng dịch+mỡ mà kỹ thuật VASER hút ra, thì lượng mỡ nổi trên bề mặt hỗn hợp luôn cao hơn so với các kỹ thuật khác; có tài liệu so sánh ghi nhận số liệu VASER hút được 75% mỡ/tổng dung dịch, trong khi của hút mỡ truyền thống là ~60-65%; có tài liệu khác ghi nhận, tỉ lệ mỡ VASER hút được trong mọi ca (mà nghiên cứu đó ghi nhận lại) đều đạt hơn 80%. Có thể thấy VASER có hiệu quả cao trong việc loại bỏ mỡ, cũng như giảm mất máu đến tối thiểu. Điều thứ hai là một ưu điểm cực kỳ độc đáo của VASER, giúp cho nó trở thành một phương pháp lý tưởng cho các ca hút mỡ thể tích lớn; vừa hạn chế mất máu, vừa giảm mệt mỏi cho bác sĩ, giúp nâng cao hiệu suất của bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ.
Ngoài ra, VASER cũng phù hợp điều trị những vùng nhiều mô sợi/mô xơ hơn hút mỡ truyền thống, ví dụ như ngực, lưng...
So với hai đời máy hút mỡ có hỗ trợ siêu âm trước đó
VASER có sự đúc kết kinh nghiệm từ các đời máy UAL đi trước. Điểm khác biệt chính là hệ thống VASER tác động ít năng lượng vào mô hơn các thiết bị trước, đồng thời tăng cao hiệu quả phá hủy mô mỡ và loại bỏ yếu tố hút mỡ cùng lúc với phá hủy mỡ trước đó của các thiết bị UAL đời hai.
Năng lượng sóng siêu âm khởi điểm ra đời trong cộng đồng phẫu thuật thẩm mỹ dưới dạng máy hút mỡ hỗ trợ siêu âm vào cuối những năm 1980, đầu những năm 1990. Các thiết bị này có đặc điểm là thanh rung khá lớn (5 mm), có loại đặc ruột thì nhược điểm là thời gian làm lâu do phải làm hai lần phá mỡ và hút mỡ, có loại rỗng ruột (đời máy thứ hai) vừa hút vừa phá mỡ, tiết kiệm thời gian thì lại dễ gây biến dạng đường nét bề mặt do cạnh sắc của ống hút, cộng thêm hiệu quả hút mỡ kém do lòng ống chỉ rộng 2 mm.
Ngoài ra, cả hai đời máy đều dùng sóng siêu âm liên tục, thay vì sóng siêu âm ngắt quãng (chế độ VASER). Việc áp dụng chế độ thứ hai giúp VASER giảm gần 2/3 năng lượng được dùng (so với máy đời hai) trong khi chỉ giảm một chút về độ hiệu quả.
Thời gian phẫu thuật với máy UAL đời đầu cũng thường lâu hơn so với hút mỡ thông thường, nguyên nhân là thiết kế thanh rung kém hiệu quả. Mặc dù thiết bị UAL đem lại cả kết quả tốt lẫn gây ra nhiều biến chứng, cả nặng và nhẹ, nhưng các báo cáo cũng ghi nhận nguyên nhân chủ yếu do tay nghề của bác sĩ. Số lượng các trường hợp gặp biến chứng giảm xuống sau khi bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ đã quen với máy hút mỡ hỗ trợ sóng siêu âm.
Công nghệ VASER sử dụng tần số sóng siêu âm nhưng tác động năng lượng vào mô theo kiểu rất khác các thiết bị UAL trước đây. Nói ngắn gọn, công nghệ VASER có đặc điểm dùng ống rung tạo sóng siêu âm nhỏ (đường kính 2,2 – 3,7 mm), đặc ruột với thiết kế rãnh để tăng cường độ lan tỏa của sóng và sử dụng sóng siêu âm ngắt quãng. Thời gian làm VASER ngắn hơn các loại máy đời đầu, thường ngang bằng hoặc nhanh hơn hút mỡ thông thường.
Đối tượng phù hợp làm hút mỡ Vaser
Hút mỡ VASER không phải quá trình giảm cân, nó chỉ có mục đích chính như mọi kỹ thuật hút mỡ khác, đó là giảm mỡ cứng đầu ở một khu vực nhất định.
Hút mỡ VASER đặc biệt có ưu thế nếu bệnh nhân cần loại bỏ mỡ ở những vùng nhiều mô sợi (như lưng, ngực...), đặc biệt đã có nghiên cứu chứng minh hút mỡ VASER điều trị nữ hóa tuyến vú ở nam giới tốt hơn so với hút mỡ truyền thống.
Ngoài ra, bệnh nhân cần hút mỡ thể tích lớn cũng có thể cân nhắc chọn VASER vì những ưu điểm đã nêu trên.
Hút mỡ VASER tuy được quảng cáo là có tác dụng làm co da, tuy nhiên hiệu quả không đều đặn và chưa có tỉ lệ thành công cao. Bệnh nhân không nên quá trông đợi vào tác dụng này của VASER.
Quy trình thực hiện hút mỡ Vaser
Có ba bước chính trong quá trình thực hiện hút mỡ VASER:
- Tiêm dụng dịch tumescent bơm phồng mô
- Nhũ tương hóa mỡ bằng thiết bị VASER sóng siêu âm
- Cuối cùng là hút mỡ ra ngoài bằng ống cannula
Hút mỡ VASER bắt đầu từ việc tiêm hỗn hợp dụng dịch tumescent, dung dịch này bao gồm nước muối sinh lý, thuốc tê và epinephrine vào vùng mỡ muốn xử lý. Dung dịch này giúp giảm chảy máu/bầm tím và đóng vai trò quan trọng trong quá trình phá vỡ liên kết mỡ, hay hóa lỏng mỡ.
Sau đó bác sĩ rạch một đường nhỏ (~4 mm) để luồn thanh phát sóng siêu âm và cũng là cổng để luồn ống cannula. Trước khi phá mỡ, bác sĩ sẽ đặt một công cụ bảo vệ đường rạch nhỏ ở miệng vết rạch, bảo vệ vết rạch khỏi tác động nhiệt từ thanh kim loại; đồng thời chèn khăn dày (khô hoặc ướt đều được) để che phủ, bảo vệ vùng da quanh vết rạch.
Tiếp đến bác sĩ sẽ luồn thanh kim loại đã chọn qua vết rạch mổ, áp dụng chế độ VASER và sử dụng động tác rút ra rút vào để hóa lỏng mỡ. Bác sĩ phải tuân thủ nhiều nguyên tắc về thao tác ở bước này để tránh gây những biến chứng/vấn đề về thẩm mỹ cho bệnh nhân (không hướng đầu thành rung lên trên, không di chuyển thanh rung với hướng trái phải, không đè nén/bấu víu da khi làm hút mỡ...). Việc hóa lỏng mỡ sẽ dừng lại khi cảm thấy thanh rung không còn gặp chướng ngại gì.
Một khi mỡ đã được hóa lỏng, bước tiếp theo là hút mỡ. Bác sĩ được khuyên dùng ống hút với lực nhẹ nhàng vừa phải, tránh dùng lực quá mạnh, có thể gây tổn thương không cần thiết vì lớp mỡ không cứng như trong hút mỡ truyền thống. Sau khi hút xong lớp mỡ hóa lỏng thì có thể hút lại lần nữa để điều chỉnh thẩm mỹ của kết quả, tuy nhiên không được thực hiện hóa lỏng mỡ lần hai khi không có dung dịch làm ướt tumescent.
Khi bác sĩ đã hài lòng với kết quả thẩm mỹ, vết mổ được khâu đóng, băng bó sau đó được cho mặc đồ nịt bó/quần bó/tất áp lực/băng ép.
Ưu và nhược điểm của hút mỡ Vaser
Ưu điểm
- Hút mỡ VASER tập trung tác động đúng vùng mỡ cần loại bỏ, hạn chế ảnh hưởng tới những vùng xung quanh
- Hạn chế mất máu, đau, bầm tím
- Thời gian phẫu thuật ngắn hơn
- Tỉ lệ gặp biến chứng thấp hơn
- Hiệu quả tạo đường nét cao hơn
Nhược điểm
- Đắt hơn
- Không thấy được kết quả ngay lập tức
- Kết quả thẩm mỹ cũng như nguy cơ/mức độ của biến chứng phụ thuộc rất nhiều vào khả năng của bác sĩ
Hồi phục sau hút mỡ Vaser
Bệnh nhân thường được giữ lại theo dõi qua đêm, sau đó được cho về sau khi khám vào buổi sáng.
Trong 24 giờ đầu có thể sẽ xuất hiện bầm tím, nhức và đau, tùy thuộc chủ yếu vào từng cá nhân. Việc bệnh nhân ngủ hay thức cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình hồi phục trong giai đoạn này. Một số người có thể cảm thấy nôn nao nếu gây mê toàn thân, cần báo cho bác sĩ hoặc y tá nếu gặp tình trạng này. Đây cũng là giai đoạn dịch sẽ rỉ ra ngoài. Thường bác sĩ sẽ chèn băng gạc hoặc đệm mút vào vết mổ để thấm, sau 24h thì tháo ra.
Bệnh nhân sẽ tiếp tục hồi phục dần trong vài tuần đến vài tháng sau đó, thường thì quá trình hồi phục sẽ hoàn thành gần hết trong 1-3 tuần đầu. Bệnh nhân được khuyên nên tuyệt đối tránh các hoạt động mạnh bạo trong giai đoạn đầu (2-4 tuần), mặc dù đa số đã có thể quay lại làm việc bàn giấy hoặc lái xe sau 1-2 tuần. Băng ép/đồ nịt cũng cần được mặc liên tục để thúc đẩy da co lại tối đa, hạn chế sưng nề, tụ dịch... Chỉ nên tháo ra khi tắm, giặt, không nên liên tục mở ra để kiểm tra kết quả hút mỡ, điều này có hại.
Về mặt ăn uống, bệnh nhân cần uống đủ nước, ăn uống lành mạnh, nghỉ ngơi đầy đủ để tiếp sức cho cơ thể trong quá trình phục hồi. Hạn chế ăn đồ mặn, nên ăn nhiều protein, ăn nhiều loại hoa quả để bổ sung vitamin. Bệnh nhân cũng nên chú ý đi lại nhẹ nhàng và thường xuyên, tránh ngồi/nằm quá lâu sẽ ảnh hưởng không tốt đến kết quả và có nguy cơ tạo ra huyết khối tĩnh mạch sâu nguy hiểm.
Cuối cùng, bệnh nhân cần tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ và đến tái khám đầy đủ để đảm bảo mình có một quá trình hồi phục sau phẫu thuật an toàn và hiệu quả nhất.
Hút mỡ Vaser là công nghệ hút mỡ hiện đại, sử dụng năng lượng sóng siêu âm hóa lỏng mỡ sau đó hút mỡ ra.
Hút mỡ công nghệ laser
Sưng nề là vấn đề phổ biến nhất sau hút mỡ, thường được dự liệu trước và có các biện pháp giúp giảm thiểu ngay sau phẫu thuật.
Biến chứng tụ dịch sau hút mỡ
Tử vong do hút mỡ có 5 nguyên nhân chủ yếu
- 4 trả lời
- 1057 lượt xem
Tôi dành 2 ngày đầu tiên sau khi hút mỡ ở hai bên đùi ngoài (vùng mỡ tích tụ phía sau) và hai bên đùi trên để nghỉ ngơi. Tuy nhiên tôi thắc mắc là không biết khi nào có thể đi lại nhiều hơn? Liệu đi lại vòng vòng có khiến sưng nề lâu hơn không? Tôi thấy càng không đi lại loanh quanh (ở mức độ bình thường) càng khiến tôi nặng nề hơn. Tôi làm việc chăm sóc trẻ em và đã nghỉ làm 4 ngày, nhưng công việc này đòi hỏi hoạt động khá nhiều và tôi sẽ trở lại làm việc vào ngày mai. Tôi muốn đạt được kết quả tốt nhất càng nhanh càng tốt và không muốn những gì mình làm sẽ cản trở quá trình này.
- 4 trả lời
- 1651 lượt xem
Tôi là nam giới đang xem xét thực hiện hút mỡ VASER ở bụng trên và dưới, hai bên sườn và ngực – kết hợp phẫu thuật điều trị chứng nữ hóa tuyến vú (vú phì đại ở nam giới) để cắt bỏ mô vú. Bao lâu sau khi thực hiện quy trình này thì tôi có thể sinh hoạt tình dục.
- 15 trả lời
- 1882 lượt xem
Hút mỡ bằng sóng siêu âm VASER có giống như hút mỡ thông thường và hút mỡ bằng laser không? Chúng khác nhau như nào và điều gì khiến nó khác biệt với các loại hút mỡ khác?
- 12 trả lời
- 2262 lượt xem
Tôi thấy khu vực mình đang sống chỉ có các bác sĩ chuyên khoa da liễu thực hiện các quy trình này. Tôi được báo giá 13,500 USD cho vùng bụng, hai bên sườn và đùi trong. Chi phí thực hiện hút mỡ VASER cho mỗi vùng trên là bao nhiêu?
- 6 trả lời
- 1290 lượt xem
Hút mỡ VASER mang lại hiệu quả loại bỏ mỡ tốt nhất ở những vị trí nào trên cơ thể?