Nghiên cứu: các phương pháp trị sẹo lõm hiệu quả
Sẹo lõm thường là một biến chứng không may mắn và vĩnh viễn để lại từ mụn trứng cá. Nó ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và cũng là một thách thức không nhỏ đối với các bác sĩ da liễu trong việc điều trị. Việc trị sẹo lõm sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại sẹo, mỗi phương pháp đều có ưu nhược điểm riêng. Hiện có nhiều phương pháp để trị sẹo lõm do mụn bao gồm lột da hóa học, mài da, điều trị bằng laser, các kỹ thuật khoan lỗ, cấy mỡ, sử dụng các vật liệu làm đầy mô, lăn kim, cắt đáy sẹo, và các liệu pháp kết hợp. Nhiều kỹ thuật khác nhau đã được ứng dụng để điều trị sẹo nhưng do hạn chế về mặt hiệu quả và có các tác dụng phụ xấu nên chúng đã bị hạn chế sử dụng. Để điều trị triệt để vết sẹo của bệnh nhân, chúng ta cần xem xét xem phương pháp nào mang lại kết quả thỏa đáng nhất. Ngoài ra cũng còn có các kỹ thuật đầy hứa hẹn khác trong tương lai như liệu pháp tế bào gốc. Bài viết này sẽ đánh giá các lựa chọn trị sẹo lõm khác nhau. Điều này sẽ giúp lựa chọn ra kế hoạch trị sẹo lõm tốt nhất, cho dù là biện pháp đơn lẻ hay kết hợp, đồng thời giảm thiểu hoặc tránh tác dụng phụ cũng như biến chứng.
Sẹo mụn có thể có thể được phân ra làm 3 loại khác nhau: sẹo lõm, sẹo phì đại hoặc sẹo lồi. Sẹo lõm là loại phổ biến nhất. Cơ chế sinh bệnh của sẹo lõm cũng liên quan nhiều nhất đến các chất trung gian gây viêm và tình trạng enzym phân hủy của các sợi collagen và mỡ dưới da. Hệ thống cơ bản và thực tế nhất chia sẹo lõm thành 3 loại chính: sẹo lõm chân đá nhọn, sẹo lõm chân tròn và sẹo lõm chân vuông. Hiện cũng có một số phương pháp điều trị để xử lý các loại sẹo này. Tuy nhiên điều trị sẹo mụn phải được thiết kế riêng cho từng bệnh nhân tùy theo các loại sẹo hiện có của họ.
LỘT DA HÓA HỌC
Lột da hóa học là quá trình bôi chất hóa học/hóa chất lên da để phá hủy các lớp da bên ngoài bị tổn thương, do đó đẩy nhanh quá trình tẩy da chết thông thường. Các hóa chất khác nhau có độ sâu thâm nhập vào da khác nhau, do đó các quy trình lột da hóa học có thể được chia thành 4 nhóm khác nhau dựa trên mức độ hoại tử mô mà chúng gây ra. Bảng dưới đây sẽ phân loại các hóa chất dùng trong lột da hóa học.
Bảng phân loại các hóa chất lột da
Độ sâu thâm nhập (vào da) |
Mức độ gây hoại tử mô |
Các hóa chất lột da |
Rất nông |
Phá hủy lớp sừng mà không gây tổn thương lớp hạt bên dưới |
|
Nông |
Phá hủy một phần hoặc toàn bộ lớp thượng bì, trong phạm vi từ lớp hạt đến lớp tế bào đáy |
|
Sâu ở mức vừa |
Phá hủy lớp thượng bì và một phần hoặc toàn bộ lớp trung bì nông |
|
Sâu |
Phá hủy lớp thượng bì và trung bì nông, thâm nhập xuống lớp trung bì sâu |
|
Axit Glycolic
Axit Glycolic là axit alpha hydroxyl được sử dụng phổ biến nhất để làm hóa chất lột da. Nó có thể được sử dụng như một sản phẩm chăm sóc da hàng ngày ở nồng độ thấp từ 5 – 15%. Mức nồng độ cao hơn từ 30 – 70% sẽ được sử dụng để làm dung dịch peel da. Nồng độ càng cao thì dung dịch peel da thâm nhập càng sâu. Axit Glycolic hoạt động bằng cách làm mỏng lớp sừng, thúc đẩy quá trình bong lớp biểu bì (epidermolysis) và phân tán sắc tố melanin ở lớp đáy (thuộc lớp thượng bì da).
Axit Glycolic an toàn và không độc đối với cơ thể nói chung và tạo ra các dung dịch peel da nông cho tác dụng đáng kể nhưng rất ít nguy cơ biến chứng. Bệnh nhân cũng có thể dễ dàng chịu đựng được quá trình thực hiện. Để đạt được kết quả trị sẹo mụn tốt nhất sẽ cần điều trị 5 lần liên tiếp với axit glycolic 70%, mỗi lần cách nhau 2 tuần.
Ưu điểm của axit glycolic là sau điều trị da bị ban đỏ rất nhẹ, bong da nhẹ và thời gian hậu phẫu ngắn. Nhược điểm là mức độ thâm nhập vào da thường không đều, bắt buộc phải trung hòa khi peel da và có nguy cơ lột da quá mức nếu thời gian giữ trên da quá lâu hoặc da bị viêm.
Axit Trichloroacetic (TCA)
TCA có thể được sử dụng ở các mức nồng độ khác nhau. Với mức 10 – 20% TCA được sử dụng để làm dung dịch peel nông, trong khi đó ở mức 35% sẽ được sử dụng như một dung dịch peel có độ sâu trung bình. Mức nồng độ trên 35% thường không được khuyến cáo sử dụng vì kết quả khó dự đoán hơn và nguy cơ để lại sẹo cao hơn. Bôi TCA lên da sẽ gây hoại tử tế bào thượng bì và hoại tử collagen ở lớp trung bì nông đến lớp trung bì sâu phía trên, tùy vào nồng độ TCA được sử dụng.
Bôi TCA sẽ gây biến tính Protein, được gọi là quá trình keratocoagulation (Quá trình này giúp làm mới biểu bì và kích thích hoạt động của nguyên bào sợi chịu trách nhiệm tổng hợp các đại phân tử khác nhau của ma trận ngoại bào), dẫn đến hiện tượng phủ sương trắng nhìn thấy rõ. Mức độ phủ sương sẽ tương quan với độ sâu thâm nhập của dung dịch.
Cấp độ 1 là hiện tượng phủ sương trắng lốm đốm với tình trạng da đỏ nhẹ, tương ứng với độ thâm nhập nông. Tình trạng này sẽ lành thương sau 2 – 4 ngày bong tróc da nhẹ.
Cấp độ 2 đặc trưng bởi một hiện tượng sương phủ trắng với tình trạng da đỏ. Mức độ phủ sương này thường được mong đợi xuất hiện ở các quy trình lột da với độ sâu trung bình, quy trình peel da toàn bộ lớp thượng bì như này sẽ lành thương sau 5 ngày.
Cấp độ 3 là hiện tượng xuất hiện lớp sương cứng màu trắng đục với ít hoặc không có tình trạng da đỏ, dung dịch peel này đã thâm nhập đến lớp trung bì nông và sẽ cần đến 7 ngày để lành thương.
Ưu điểm của TCA là chi phí thấp, mức độ thâm nhập vào da đồng đều và một thực tế là có thể dễ dàng đánh giá được mức độ thâm nhập dựa vào màu sắc của hiện tượng phủ sương. Nhưng nhược điểm là gây cảm giác châm chích, nóng rát trong quá trình bôi, nồng độ cao không được khuyến cáo sử dụng ở các loại da từ V đến VI và có tiềm ẩn nguy cơ bị tăng/giảm sắc tố da.
Dung dịch Jessner
Dung dịch Jessner được sử dụng cho các quy trình peel da mức độ nhẹ hoặc được sử dụng để điều trị da để chuẩn bị cho quy trình peel da bằng TCA. Chế phẩm này được làm từ axit salicylic - 14g; resorcinol - 14g; axit lactic (85%) - 14g; và ethanol pha đủ l00mL. Dung dịch Jessner được phát hiện có hiệu quả trong việc phá hủy hàng rào thượng bì bằng cách phá vỡ từng tế bào thượng bì riêng lẻ.
Độ sâu của dung dịch peel này sẽ phụ thuộc vào số lượng lớp dung dịch được bôi. Một dung dịch peel Jessner rất nông sẽ gây ra tình trạng đỏ da nhẹ với lớp bề mặt da trắng trông như được phủ bột mỏng.
Cấp độ 1 được tạo ra với 1 đến 3 lớp dung dịch Jessner, cấp độ này thâm nhập rất nông và chỉ gây bong tróc da nhẹ trong 1 hoặc 2 ngày hoặc thậm chí không bong tróc gì cả.
Cấp độ 2 được tạo ra với việc bôi từ 4 đến 10 lớp trở lên, gây đỏ da nhiều hơn và xuất hiện hiện tượng phủ sương trắng li ti ở một số vị trí. Ngoài ra cũng có hiện tượng nóng rát và châm chích mức nhẹ đến vừa, kéo dài khoảng 15 đến 30 phút. Trong 1 đến 3 ngày tiếp theo, sẽ xuất hiện tình trạng da đổi sang màu hơi nâu đỏ và có cảm giác căng da, sau đó 2 đến 4 ngày sẽ xuất hiện tình trạng bong tróc ở mức trung bình.
Cấp độ 3 được tạo ra với nhiều lớp bôi phủ hơn, trong đó có tình trạng da ban đỏ nặng, nhiều vị trí phủ sương hơn và cảm giác châm chích da ở mức trung bình. Ở cấp độ này, quá trình bong tróc thường kéo dài trong 8 đến 10 ngày và có thể có hiện tượng lột da thật sự ngoài tình trạng tróc vảy da khô.
Các bệnh nhân khác nhau có thể cần số lượng lớp phủ dung dịch khác nhau để đạt được cùng một cấp độ lột da. Điều này là vì khả năng thâm nhập của dung dịch còn phụ thuộc vào một số yếu tố bao gồm: việc chuẩn bị cho da trước đó, độ dày của lớp sừng và độ nhạy cảm của da.
Ưu điểm của dung dịch Jessner đó là dung dịch peel này rất nông và an toàn, hiếm khi đi sâu vào da hơn mức người ta dự kiến. Nhược điểm là có tình trạng đỏ da và đổi màu da sau đó.
Axit Pyruvic
Axit Pyruvic là một axit alpha-keto và là một chất peel da hiệu quả. Nó có các đặc tính kháng khuẩn, tiêu hủy lớp sừng da (keratolytic) và giảm tiết bã nhờn (sebostatic) cũng như khả năng kích thích sản sinh collagen mới và hình thành các sợi elastin. Axit pyruvic nồng độ 40 – 70% đã được đề xuất sử dụng để điều trị sẹo mụn ở mức trung bình.
Ưu điểm của axit pyruvic là khả năng thâm nhập đồng nhất với tình trạng da đỏ đồng đều, da bong tróc nhẹ, thời gian hậu phẫu ngắn và có thể sử dụng ở mọi loại da. Tuy nhiên cũng có các nhược điểm bao gồm cảm giác châm chích và nóng rát mạnh hơn, bắt buộc phải trung hòa và hơi cay, hơi bốc lên làm kích thích niêm mạc đường hô hấp trên.
Axit Salicylic
Axit Salicylic là một trong những chất peel da tốt nhất để điều trị sẹo mụn. Nó là axit beta hydroxyl, giúp loại bỏ liên kết cộng hóa trị giữa các tế bào sừng.
Mức nồng độ hiệu quả nhất để điều trị sẹo mụn là 30%, điều trị trong nhiều phiên, khoảng 3 đến 5 phiên, mỗi phiên cách nhau 3 đến 4 tuần.
Tác dụng phụ của lột da bằng axit salicylic bao gồm đỏ da và khô da nhưng chỉ ở mức nhẹ và tạm thời. Tình trạng tăng sắc tố dai dẳng và để lại sẹo rất hiếm khi xảy ra.
Ưu điểm của axit salicylic là đã được chứng minh an toàn cho mọi loại da, hình thành kết tủa trắng giúp xác minh việc bôi có đồng nhất hay không và có hiệu ứng gây tê rất hữu ích trong các quy trình peel da kết hợp. Nhưng nhược điểm là gây cảm giác châm chích và nóng rát dữ dội.
Kỹ thuật chấm TCA (CROSS/Dot peeling)
Bằng cách chấm TCA nồng độ cao, kỹ thuật CROSS ( viết tắt là chemical reconstruction of skin scars- trị sẹo bằng hóa chất) đã được phát hiện hiệu quả và là một kỹ thuật đơn giản tại phòng khám. Nó phù hợp nhất để điều trị các loại sẹo lõm chân đá nhọn hoặc sẹo lõm chân vuông nhỏ.
Kỹ thuật CROSS đòi hỏi phải kéo căng da và sử dụng một tăm gỗ đầu mịn để chấm TCA nồng độ 65 đến 100% vào đáy của vết sẹo lõm chân đá nhọn, điều này sẽ làm phá hủy vùng da biểu mô, sau đó xảy ra quá trình collagen hóa trong giai đoạn lành thương và lấp đầy vết sẹo lõm chân đá nhọn đó. Quá trình bôi sẽ gây cảm giác hơi nóng rát, tạm thời và có thể chịu đựng được mà không gần phải gây tê.
Quá trình hình thành collagen sẽ mất từ 2 đến 3 tuần và có thể tiếp tục sau 4 đến 6 tuần. Trung bình 1 phiên điều trị sẽ giúp cải thiện được khoảng 25% tình trạng vết sẹo. Các phiên điều trị có thể được lặp lại tiếp 2 đến 3 lần, mỗi lần cách nhau 2 đến 4 tuần.
Ưu điểm của kỹ thuật CROSS là vì tránh không tác động đến những mô lành xung quanh và các phần phụ của da nên quá trình lành thương nhanh hơn với tỉ lệ biến chứng thấp hơn.
Lột da sâu (phenol)
Lột da sâu cũng có thể là một lựa chọn nhưng hiếm khi được sử dụng hơn vì cần thời gian nghỉ dưỡng để lành thương và tiềm ẩn biến chứng cũng như các tác dụng phụ. Các dung dịch lột da sâu sẽ thâm nhập vào da đến lớp trung bì giữa và tạo hiệu ứng tối đa kích thích sản sinh collagen mới.
Các dung dịch lột da sâu này bao gồm dầu croton trộn với phenol ở nhiều nồng độ khác nhau. Phenol là chất peel da xưa nay vẫn được sử dụng nhưng có thể gây rối loạn nhịp tim nên các bệnh nhân cần theo dõi tim trong suốt quá trình điều trị.
Lột da sâu có thể cải thiện sẹo lõm do mụn nhưng đòi hỏi phải an thần và theo gõi tình trạng tim mạch, không được khuyến cáo sử dụng ở những người có loại da từ IV đến VI, có thể gây ngộ độc tim và tăng/giảm sắc tố da.
MÀI DA/MÀI DA NÔNG
Mài da là phương pháp điều trị sẹo mụn cải tiến đầu tiên. Mài da (Dermabration) và mài da nông(Microdermabration) là các kỹ thuật tái tạo bề mặt da vùng mặt, làm mài mòn đi vùng da bằng tác động cơ học để thúc đẩy quá trình tái tạo biểu mô. Mặc dù tác động mài mòn da đều xảy ra ở cả hai quy trình, nhưng mài da và mài da nông sử dụng các dụng cụ khác nhau với những kỹ thuật thực hiện khác nhau.
Mài da loại bỏ hoàn toàn lớp thượng bì và thâm nhập vào đến lớp trung bì nông hoặc trung bì sâu giúp tái tạo lại các protein cấu trúc của da. Trong khi đó mài da nông - một phiên bản tác động nông hơn của kỹ thuật mài da, chỉ loại bỏ lớp ngoài của thượng bì, giúp thúc đẩy quá trình tẩy da chết tự nhiên. Cả hai kỹ thuật này đều đặc biệt hiệu quả trong việc trị sẹo và mang lại những cải thiện đáng kể ở vẻ ngoài da về mặt lâm sàng. Không giống như mài da, mài da nông có thể được điều trị lặp lại trong khoảng thời gian ngắn, không gây đau đớn, không cần gây tê, ít gây ra các biến chứng nặng và hiếm gặp nhưng nó cũng kém hiệu quả hơn và không xử lý được sẹo sâu. Trong khi đó, kỹ thuật mài da cũng không cải thiện triệt để được các loại sẹo lõm chân đá nhọn và sẹo lõm chân vuông sâu.
ĐIỀU TRỊ BẰNG LASER
Tái tạo bề mặt da bằng laser là một phương pháp điều trị hiệu quả, thực hiện dễ dàng hơn so với các phương thức trị sẹo khác. Các loại laser khác nhau bao gồm cả laser xâm lấn và không xâm lấn rất hữu ích trong việc trị sẹo mụn, ngoại trừ sẹo lõm chân đá nhọn sâu.
Các loại laser xâm lấn
Laser Carbon dioxide (CO2). Tái tạo bề mặt da bằng Laser CO2 sẽ làm bốc hơi mô ở độ sâu từ 20 đến 60 µm (micrômét = một phần triệu m) và các vùng hoại tử do nhiệt trong khoảng độ sâu từ 20 đến 50 µm. Năng lượng ở bước sóng 10.600 nm sẽ được hấp thụ bởi cả lượng nước ở bên trong và bên ngoài tế bào, gây ra tình trạng nóng lên nhanh chóng và bốc hơi mô. Lớp da ở dưới vùng xâm lấn bị nóng lên (trong quá trình chiếu laser) sẽ thúc đẩy phản ứng lành thương, gây ra sự tái tạo collagen và co săn mô do nhiệt. Quá trình tái tạo biểu mô nhìn chung sẽ mất từ 5 đến 10 ngày và sau đó da có thể bị ban đỏ trong nhiều tháng. Các tác dụng phụ có thể bao gồm chứng loạn sắc tố (tăng – giảm sắc tố), nhiễm trùng, xuất hiện đường ranh giới giữa vùng được điều trị và không được điều trị và để lại sẹo.
Laser Erbium: yttrium-aluminum-garnet (Er:YAG). Er:YAG phát ra bước sóng 2940nm và được hấp thụ bởi nước hiệu quả hơn gấp 10 lần so với laser CO2 do có bước sóng ngắn hơn, cũng như có thể giảm thiểu tổn thương do nhiệt. Ở mức xâm lấn 5J/cm Er:YAG sẽ làm bốc hơi mô ở độ sâu 20 đến 25µm cùng một vùng da hoại tử do nhiệt ở độ sâu từ 5 đến l0μm. Điểm khác biệt chính là bước sóng của laser Er:YAG (2940 nm) gần bằng với ngưỡng hấp thụ của nước (3,000 nm), do đó hầu như tất cả năng lượng sẽ được hấp thụ trong lớp thượng bì và trung bì nông. Do đó, tia laser này có mức xâm lấn nông hơn và một vùng tổn thương do nhiệt nhỏ hơn ở bên dưới lớp mô bị tác động xâm lấn, điều này dẫn đến thời gian lành thương ngắn hơn và tỉ lệ tác dụng phụ thấp hơn. Với việc điều trị bằng laser En:YAG, quá trình tái tạo biểu mô sẽ diễn ra trong 4 đến 7 ngày.
Tái tạo bề mặt da với công nghệ Plasma. Đây là một công nghệ mới sử dụng một thiết bị không phải là laser để tạo plasma – một tập hợp các hạt tích điện (đám mây dẫn điện), từ các nguyên tử ni tơ và một tia lửa điện tần số vô tuyến. Công nghệ này sử dụng các xung khí ni tơ bị ion hóa để truyền năng lượng nhiệt trực tiếp vào da. Lớp thượng bì ban đầu sẽ được để lại nguyên vẹn, chỉ sau đó mới bong ra khi quá trình lành thương đã hoàn tất. Khoảng 10 ngày sau khi điều trị có thể nhìn thấy các nguyên bào sợi lắng đọng các sợi collagen và elastin. Tác dụng phụ rất hiếm khi xảy ra và có thể bao gồm tình trạng tăng sắc tố tạm thời, ban đỏ, phù nề, chống biểu mô hóa ở lớp thượng bì, nhiễm trùng và để lại sẹo.
Các laser không xâm lấn
Các hệ thống tái tạo da không xâm lấn đã trở nên ngày càng phổ biến để trị sẹo lõm do mụn vì chúng giảm nguy cơ gây tác dụng phụ cũng như nhu cầu cần chăm sóc hậu phẫu. Những laser không xâm lấn này được thiết kế để không tác động đến lớp thượng bì và kích thích lớp trung bì sản sinh collagen mới.
Laser Neodymium:yttrium-aluminum-garnet (Nd: YAG). Laser Nd:YAG được sử dụng ở những bệnh nhân có làn da sậm màu hoặc nhạy cảm hơn. Những tia laser này không phá hủy bề mặt biểu mô đồng thời cũng thâm nhập vào các lớp da sâu hơn bên dưới với các bước sóng hồng ngoại. Những bước sóng này nhắm vào các phân tử nước và collagen bên dưới mà không hề phá vỡ lớp thượng bì bên trên. Tổn thương do nhiệt sẽ đóng vai trò kích thích giải phóng/phóng thích các chất trung gian gây viêm, kích hoạt nguyên bào sợi, sản xuất collagen mới và tái tạo da. Laser Nd:YAG đòi hỏi nhiều lần điều trị (3 đến 5 lần điều trị trong khoảng vài tháng, mỗi lần cách nhau 1 tháng), nhưng bệnh nhân có thể mong đợi nhìn thấy cải thiện khoảng 40 -50% tình trạng sẹo của mình. Kết quả sẽ kéo dài lâu và tiếp tục cải thiện sau lần điều trị cuối cùng, điều này cho thấy việc tái tạo collagen vẫn tiếp tục diễn ra sau khi hoàn tất các phiên điều trị. Phương pháp điều trị này mang lại lợi ích đáng kể cho bệnh nhân vì chỉ cần thời gian hồi phục tối thiểu và có ít nguy cơ nhiễm trùng hay các biến chứng về sắc tố da.
Laser Diode. Laser Diode ở bước sóng 1450nm với năng lượng ánh sáng hồng ngoại sẽ nhắm mục tiêu vào các phân tử nước ở lớp trung bì trên, tái tạo lớp collagen bên dưới của da và thúc đẩy tạo collagen mới. Sự gia tăng tổng hợp và lắng đọng collagen được nhận thấy diễn ra cho đến 6 tháng sau khi điều trị. Các tác dụng phụ thường ít khi xảy ra và có thể bao gồm tình trạng ban đỏ da, sưng nề và tăng sắc tố.
Phương pháp quang nhiệt phân tách (Fractional photothermolysis FP). Mặc dù có thấy được cải thiện khi điều trị với các tia laser không xâm lấn nhưng kết quả đạt được không ấn tượng như kết quả từ laser xâm lấn. Vì lý do này, một khái niệm mới trong liệu pháp laser, được gọi là quang nhiệt phân tách, đã ra đời để tạo ra những tổn thương nhiệt vi mô nhằm gây ra những tổn thương nhiệt đồng đều ở độ sâu nhất định trong da. Hệ thống quang nhiệt phân tách sẽ gây ra những tổn thương mô da một cách có chọn lọc để kích thích phản ứng lành thương tự nhiên, kích thích sản sinh collagen mới kéo dài mà không làm tổn thương lớp thượng bì nhằm khắc phục các vấn đề thường xảy ra trong tái tạo bề mặt da bằng laser, mài da và lột da hóa học.
Hiệu quả điều trị cho các bệnh nhân có nhiều loại sẹo khác nhau đã được ghi nhận, từ sẹo lõm chân đá nhọn đến sẹo lõm chân vuông và chân tròn. Những vùng được điều trị hoàn toàn lành thương trong vòng 24 giờ đồng hồ so với 2 tuần ở phương pháp tái tạo bề mặt bằng laser xâm lấn.
Lợi ích của hệ thống này là cần ít thời gian hồi phục và ít tác dụng phụ hơn so với laser xâm lấn thông thường và hiệu quả tái tạo mô cao hơn so với các phương pháp không xâm lấn.
Kỹ thuật chiếu xạ (Pinpoint irradiation technique). Kỹ thuật chiếu xạ kết hợp lăn kim mang lại hiệu quả tương tự như FP trong điều trị sẹo lõm. Nó thường tạo ra những tổn thương nhiệt siêu nhỏ để đạt được hiệu quả trẻ hóa da cho sẹo lõm chân đá nhọn. Ở phương pháp chiếu xạ không phát hiện bất kỳ biến chứng nào như những biến chứng vẫn thường gặp trong các quy trình tái tạo bề mặt da bằng laser, và thời gian nghỉ dưỡng sau điều trị cũng được rút ngắn xuống còn từ 3 đến 6 ngày. Tất cả các điểm được chiếu xạ trên mặt đều là những vùng biểu mô nhỏ và khô, có thể được loại bỏ nhẹ nhàng bằng một loại kem bôi kháng sinh sau 1 ngày. Màu sắc vùng sẹo được điều trị sẽ trở lại màu hồng hoặc như bình thường trong 2 đến 4 ngày. Ngoài ra tình trạng tăng sắc tố sau điều trị cũng không thấy xảy ra, điều này có thể là do không chiếu xạ chồng chéo nhiều lớp, không gây tổn thương lớn và thời gian giữa mỗi lần chiếu tương đối lâu.
SÓNG CAO TẦN (Radiofrequency RF)
Sóng cao tần là bức xạ điện từ không ion hóa với một dải tần số từ 3 đến 300 GHz. Với thiết bị RF lưỡng cực phân tách này, dòng RF sẽ chạy qua da giữa các dòng điện cực. Nó làm nóng mô sâu ở dạng phân tách trong vùng ma trận các điện cực để gây ra những tổn thương da và sau đó thúc đẩy phản ứng lành thương tự nhiên, kích thích tái tạo collagen trong da.
Mới đây, công nghệ RF lưỡng cực phân tách, dựa trên nguyên lý “trẻ hóa bán bóc tách vi điểm” làm phá vỡ lớp thượng bì dưới với khả năng tái tạo da cao, đã được giới thiệu dùng để cải thiện hiệu quả cũng như giảm tác dụng phụ của FP. Thiết bị RF lưỡng cực phân tách cũng có thể cải thiện sẹo lõm do mụn đáng kể.
KỸ THUẬT KHOAN (PUNCH)
Khoan lỗ - cắt bỏ (punch excision)
Khoan lỗ hoặc cắt đến lớp dưới da theo hình elip, thường được lựa chọn sử dụng để điều trị sẹo lõm chân đá nhọn và cả sẹo lõm chân vuông sâu. Kỹ thuật khoan lỗ sẽ loại bỏ vết sẹo lõm bằng một mũi khoan đầu thẳng dùng một lần hoặc mũi khoan dùng trong cấy tóc có kích cỡ đầu to hơn một chút so với vết sẹo sẽ được xử lý. Mục tiêu là đánh đổi một vết sẹo sâu hơn, to hơn lấy một đường khâu đóng thẳng, nhỏ hơn mà hi vọng sẽ khó nhìn thấy hơn và có thể mờ đi theo thời gian. Mặc dù các quy trình khoan bỏ là phương pháp điều trị một lần là cho hiệu quả ngay, nhưng nhược điểm lớn của kỹ thuật này là chỉ những vết sẹo được điều trị mới có cơ hội cải thiện. Nó tác động rất ít đến tình trạng bất thường hoặc sạm da ở mô xung quanh mà chúng ta thường thấy ở vùng sẹo mụn.
Khoan - nâng (Punch elevation)
Kỹ thuật này sẽ kết hợp các kỹ thuật khoan lỗ và kỹ thuật ghép mô mà không có nguy cơ khiến bề mặt da hoặc màu da không đồng đều. Kỹ thuật này chỉ được áp dụng với sẹo lõm chân vuông sâu và hẹp. Sau khi sẹo đã được tách ra khỏi vùng da xung quanh nó sẽ được nâng lên đủ để có thể nhô lên cao hơn một chút so với mô lân cận và khâu ghép vào mô xung quanh. Hiện tượng co rút mô đã được ghép sẽ xảy ra trong giai đoạn lành thương, kết quả là có được bề mặt da bằng phẳng.
Khoan - ghép thay thế (Punch replacement grafting)
Đây có lẽ là kỹ thuật tốt nhất trong số những kỹ thuật này trong việc điều trị sẹo lõm chân đá nhọn sâu. Kỹ thuật này khá khó khăn vì thường cần đến hơn 20 mảnh ghép thay thế trong một phiên điều trị duy nhất, nhưng thường rất đáng giá vì sẽ mang lại kết quả tốt nhất cho những sẹo đáy nhọn khó điều trị. Vết sẹo sẽ được loại bỏ và được thay thế bằng một mảnh ghép lớn hơn một chút, thường lấy từ vị trí sau tai. Một số mảnh ghép sẽ lành lại bằng phẳng và giống với bề mặt da và một số mảnh ghép sẽ được nâng lên cho bằng với bề mặt da.
CẤY MỠ TỰ THÂN
Mỡ gần như là một vật liệu làm đầy lý tưởng nhất vì nó rẻ, có sẵn và không có nguy cơ bị đào thải hoặc gây dị ứng hoặc có các phản ứng mô bất lợi. Kỹ thuật này gồm 2 giai đoạn: lấy mỡ và tiêm mỡ. Ở giai đoạn tiêm mỡ, các tế bào mỡ sẽ được tiêm vào theo nhiều lớp để cho phép mỡ cấy cả năng tiếp cận tối đa với nguồn cung cấp máu. Hầu hết các bệnh nhân bị sẹo lõm do mụn đều đạt được kết quả tối đa sau khi điều trị khoảng 3 tháng.
CÁC VẬT LIỆU NÂNG MÔ/LÀM ĐẦY KHÁC
Có nhiều vật liệu nâng mô mới và cũ bao gồm vật liệu tự thân, sinh học không tự thân và phi sinh học có thể được sử dụng để chỉnh sửa đường viền vết sẹo lõm.
Các chất làm đầy (filler) mô mềm cũng hiệu quả trong việc điều trị cho những bệnh nhân bị sẹo lõm chân tròn. Chất làm đầy để điều trị sẹo mụn có thể được sử dụng theo 2 cách. Cách thứ nhất là tiêm trực tiếp filler xuống dưới từng vết sẹo để cải thiện ngay lập tức. Thứ hai, có thể dùng các filler tăng thể tích mô như axit poly-L lactic (PLLA) hoặc calcium hydroxylapatite để tiêm vào những vị trí da lỏng lẻo hoặc mô bị lõm sâu. PLLA dạng tiêm là một loại polymer tổng hợp tự hủy có tính tương thích sinh học, có thể kích thích sự sản sinh nội sinh của các nguyên bào sợi và sau đó là collagen.
Trong quá khứ đã có nhiều vật liệu nâng mô được sử dụng, nhưng ngày nay vì có tỉ lệ tác dụng phụ cao nên vật liệu được khuyên dùng là axit hyaluronic. Các dẫn xuất của axit hyaluronic có khả năng cải thiện “tuổi thọ” của kết quả chỉnh sửa, đồng thời giảm nguy cơ do sinh miễn dịch và quá mẫn. Ngoài ra còn có dấu hiệu cho thấy axit hyaluronic tự nhiên thúc đẩy tăng sinh tế bào, tổng hợp ma trận ngoại bào, và điều chỉnh đường kính của các sợi collagen.
LĂN KIM
Lăn kim còn được gọi là liệu pháp tăng sinh collagen, là một kỹ thuật lăn một thiết bị với đầu lăn gồm hàng trăm mũi kim, tạo ra hàng ngàn lỗ kim siêu nhỏ trong da đâm vào đến lớp trung bì nông – trung bì giữa. Với kỹ thuật này, việc lăn kim thường sẽ được thực hiện cho đến khi thấy xuất hiện các vết bầm tím ở da, điều mà sẽ kích thích các yếu tố tăng trưởng để cuối cùng dẫn đến hiệu quả sản sinh collagen. Sau khoảng 6 tuần thường sẽ bắt đầu thấy được kết quả, nhưng phải mất ít nhất 3 tháng mới thấy được hiệu quả toàn vẹn và do sự lắng đọng collagen mới diễn ra khá chậm, nên kết cấu bề mặt da sẽ tiếp tục cải thiện trong 12 tháng sau điều trị.
Những vết sẹo điều trị phù hợp nhất với phương pháp lăn kim cũng giống như những vết sẹo phù hợp với phương pháp tái tạo bề mặt da bằng laser phân tách đó là: sẹo lõm chân tròn, và sẹo lõm chân vuông nông.
So với các phương pháp tái tạo bề mặt da khác, kỹ thuật này có nhiều ưu điểm. Thứ nhất nó dược coi là an toàn với mọi loại da, có nguy cơ tăng sắc tố sau viêm thấp nhất so với phương pháp tái tạo bề mặt da bằng laser, lột da hóa học hoặc mài da. Thứ hai, quy trình điều trị không để lại đường phân ranh giới giữa vùng được điều trị và vùng không được điều trị. Thứ 3, quá trình hồi phục chỉ trong 2 đến 3 ngày, ngắn hơn nhiều so với các quy trình tái tạo bề mặt da khác. Cuối cùng, lăn kim ít tốn kém hơn so với laser phân tách hay mài da để có thể kết hợp sử dụng trong điều trị thực tế.
PHÁ ĐÁY SẸO (SUBCUTANEOUS INCISIONLESS SURGERY)
Phá đáy sẹo là một quy trình trong đó bác sĩ sẽ đâm kim vào dưới da sau đó di chuyển kim qua lại theo nhiều hướng. Kỹ thuật này hiệu quả cao nhất khi điều trị sẹo lõm chân tròn; với sẹo lõm chân đá nhọn và sẹo lõm chân vuông, phương pháp này sẽ cho hiệu quả kém hơn.
Các cơ chế giúp cải thiện sẹo trong kỹ thuật này bao gồm cắt đứt các sợi xơ kéo mô xuống ở bên dưới, xây dựng nguồn cung máu ở khối mô da được giải phóng ra và hình thành mô liên kết trong vùng này.
Ưu điểm của phương pháp cải tiến này bao gồm: dễ thực hiện, không tốn kém, thời gian hồi phục ngắn, có thể áp dụng được cho nhiều loại da khác nhau (loại da I - IV), không có biến chứng nặng, cải thiện đáng kể và liên tục trong thời gian ngắn mà không làm tổn thương bề mặt da.
Nhưng nhược điểm bao gồm đau tại thời điểm thực hiện trong một số trường hợp, bầm tím, tạm thời bị sạm da, xuất hiện nốt sần và mụn mủ vết sần do chảy máu, sẹo phì đại, cần thường xuyên thực hiện các phiên hút để kéo sẹo lên, và tái phát sẹo.
LIỆU PHÁP KẾT HỢP
Có một liệu pháp kết hợp mới để trị sẹo mụn. Đầu tiên là tiến hành lột da bằng TCA, sau đó tiến hành kỹ thuật phá đáy sẹo, quá trình này sẽ tách sẹo mụn ra khỏi da ở bên dưới và cuối cùng là chiếu xạ bằng laser phân tách. Người ta đã nghiên cứu và chứng minh dược hiệu quả và tính an toàn trong điều trị sẹo mụn của phương pháp này. Thời gian điều trị với phương pháp này sẽ diễn ra trong 12 tháng. Chấm TCA và phá đáy sẹo sẽ được thực hiện 2 lần, mỗi lần cách nhau 2 đến 3 tháng, chiếu xạ bằng laser phân tách được thực hiện mỗi 3 đến 4 tuần. Kết quả, không có biến chứng nặng ở các vị trí điều trị. Có vẻ liệu pháp kết hợp 3 kỹ thuật này là một phương pháp điều trị kết hợp an toàn và rất hiệu quả đối với nhiều loại sẹo lõm do mụn.
Nghiên cứu hiện tại có thể bổ sung thêm kết quả nghiên cứu gần đây, chào đón phương pháp điều trị mới trong lĩnh vực da liễu đó là huyết tương giàu tiểu cầu (PRP). PRP là một nồng độ tiểu cầu tự thân của con người chứa trong một lượng nhỏ huyết tương. Nghiên cứu gần đây cung cấp thêm bằng chứng về những lợi ích tiềm ẩn mang lại từ việc sử dụng PRP như một chất bổ trợ cho laser CO2 trong điều trị sẹo lõm do mụn. Hiệu quả vượt trội của việc kết hợp này đã được thể hiện rõ ràng ở một vài khía cạnh bao gồm mức độ và tốc độ cải thiện nhanh chóng của sẹo mụn, ít tác dụng phụ hơn và thời gian nghỉ dưỡng ngắn hơn.
LIỆU PHÁP TẾ BÀO GỐC
Chất thay thế biểu bì được tạo ra bằng cách thêm các tế bào biểu bì vào “giàn giáo” nâng đỡ trong da để tạo nên một làn da hỗn hợp với một số hoạt tính sinh học. Các tế bào trong những chất thay thế này có khả năng sinh sôi này nở và tự làm mới tương đối yếu, điều này làm ảnh hưởng đến kết quả chỉnh sửa. Tuy nhiên các tế bào hạt của chất thay thế da chủ yếu là các nguyên bào sợi. Mặc dù các nguyên bào sợi dễ dàng thu nhận và phát triển khá nhanh chóng, nhưng chức năng của chúng rất đơn giản và chúng không kích thích sự phát triển của các phần phụ của da (như lông, tóc, móng, tuyến mồ hôi, tuyến bã nhờn …). Vấn đề này có thể được giải quyết một cách hiệu quả nếu chất thay thế da được sử dụng để phủ lên vết thương với một quần thể tế bào gốc biểu bì.
Khái niệm truyền thống về liệu pháp tế bào gốc bao gồm phân lập tế bào gốc của bệnh nhân, nhân giống và biệt hóa trong ống nghiệm, sau đó tiêm lại tế bào tự thân này vào bệnh nhân. Một cách thực hiện khác có thễ dễ dàng hơn bao gồm kích thích tại chỗ và khôi phục/bổ sung tế bào gốc nội sinh ở vị trí khiếm khuyết để tái tạo mô mới. Điều này có thể xảy ra để đáp ứng với những tác nhân nhất định mà có thể thúc đẩy sự tăng sinh và biệt hóa của tế bào gốc. Các cơ chế bổ sung tế bào gốc để cải thiện khả năng lành thương bao gồm tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da, mặc dù vậy hiện tại người ta vẫn chưa hiểu rõ ràng về cơ chế này.
Vai trò của tế bào gốc biểu mô trong việc góp phần duy trì cân bằng nội môi cho da và sửa chữa vết thương đã được công nhận trong suốt nhiều năm. Liệu pháp tế bào gốc đã nổi lên như một phương pháp mới đầy hứa hẹn trong hầu hết mọi vấn đề y tế. Các tế bào gốc được tìm thấy trong cơ thể chúng ta là những tế bào không phân biệt hoặc không đặc hiệu mà không có bất kỳ cấu trúc đặc biệt nào của mô, điều mà có khả năng trở thành các loại tế bào khác, chuyên biệt hơn. Tế bào gốc thể hiện 2 tính năng xác định, đó là khả năng tự đổi mới và đa tiềm năng (có khả năng phát triển thành nhiều hơn 2 loại tế bào) và là công cụ để đổi mới, tái tạo và sửa chữa. Tế bào gốc có khả năng tự làm mới cũng như biệt hóa thành các loại tế bào chuyên biệt.
KẾT LUẬN
Người ta đã phát triển một loạt các phương pháp điều trị sẹo lõm hiệu quả. Mỗi phương pháp này đều có vai trò khác nhau trong trị sẹo lõm, trong đó có một số phương pháp này phù hợp hơn với những loại sẹo nhất định so với những phương pháp khác. Mỗi vết sẹo có thể khác nhau về loại sẹo, độ sâu, và phù hợp với các phương pháp điều trị khác nhau được liệt kê ở bảng phía dưới. Nếu kết hợp nhiều phương pháp thì có thể cải thiện được nhiều loại sẹo và những bất thường về kết cấu bề mặt da ở mức độ nhẹ mà khi thực hiện từng phương pháp riêng lẻ không thể đạt được. Các hình thái khác nhau của sẹo mụn, nhất là khi nhận thấy có nhiều loại sẹo ở cùng một bệnh nhân cho thấy, cần phải kết hợp các phương pháp điều trị để có được cách điều trị hiệu quả nhất. Liệu pháp tế bào gốc có thể là một liệu pháp tiềm năng đầy hứa hẹn để trị các vệt sẹo lõm trong tương lai.
Bảng Các quy trình điều trị cho từng loại sẹo
Trong đó: ký hiệu “++” là hiệu quả cao; “+” là kém hiệu quả: và “-” là không hiệu quả
Phương pháp điều trị |
Sẹo lõm chân đá nhọn |
Sẹo lõm chân tròn |
Sẹo lõm chân vuông |
Lột da hóa học TCA Kỹ thuật CROSS Mài da/mài da nông Laser Laser xâm lấn và không xâm lấn Quang nhiệt phân đoạn Các kỹ thuật khoan Khoan lỗ Khoan nâng Khoan – ghép thay thế
Các vật liệu nâng/làm đầy mô Lăn kim Cắt đáy sẹo |
++ ++ +
-
++
++ -
++
+ - + |
- - _
++
++
- -
-
++ ++ ++ |
++ ++ +
++
++
+ ++
-
+ ++ + |
Bài viết nghiên cứu có thể bạn quan tâm
Tin liên quan
Hỏi đáp có thể bạn quan tâm