1

Nghiên cứu: Đánh giá các kỹ thuật lấy mỡ, xử lý và tiêm trong cấy mỡ tự thân

Những điều cần lưu ý về kỹ thuật cấy mỡ tự thân

Tóm lược

Bối cảnh

Hiện nay, phương pháp cấy mỡ tự thân hay tiêm mỡ tự thân để cải thiện kích thước hay đường nét cho nhiều bộ phận, vị trí trên cơ thể, ví dụ như nâng ngực, đang ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm. Tuy nhiên, phương pháp này có nhiều kỹ thuật thực hiện khác nhau và mỗi kỹ thuật đem lại mức độ hiệu quả cũng như là tỷ lệ tái hấp thu mỡ không giống nhau.

Phương pháp

Các tác giả chọn ra những nghiên cứu tiêu biểu về ảnh hưởng của quy trình lấy (hút) mỡ, kỹ thuật xử lý và phương pháp tiêm đối với khả năng tồn tại của mỡ sau khi cấy. Bản đánh giá này tập trung vào tác động của các kỹ thuật khác nhau từ kết quả quan sát được qua các phương pháp: phân tích trong ống nghiệm, thử nghiệm trên động vật và thử nghiệm trên người.

Kết quả

Các nghiên cứu trong bản đánh giá này cho thấy hiệu quả của các kỹ thuật khác nhau. Không có sự khác biệt nào đáng kể về tỷ lệ mỡ tồn tại sau khi cấy giữa các vị trí lấy mỡ, các kỹ thuật chuẩn bị vị trí lấy mỡ, kỹ thuật lấy mỡ, kích thước ống thông hút mỡ hoặc tốc độ ly tâm khi sử dụng dung dịch tumescent. Kỹ thuật xử lý qua gạc (gauze rolling) đã được chứng minh là có tác dụng tăng cường thể tích mỡ, trong khi đó, các thử nghiệm trên động vật cho thấy không có sự khác biệt nào đáng kể về tỷ lệ mỡ tồn tại của phương pháp ly tâm, tinh lọc hoặc lắng đọng. Ngược lại, các thử nghiệm lâm sàng ở người đã cho thấy khi mỡ được xử lý bằng phương pháp ly tâm thì cho kết quả cao hơn so với phương pháp lắng đọng. Ngoài ra, tỷ lệ mỡ tồn tại sau khi cấy sẽ cao hơn nếu tốc độ quay ly tâm chậm, và tiêm vào những khu vực ít cử động.

Kết luận

Ngày càng có nhiều nghiên cứu được tiến hành nhằm xác định các phương pháp giúp nâng cao tỷ lệ tồn tại của mỡ sau khi cấy. Mặc dù có một số khác biệt giữa các kỹ thuật lấy và cấy mỡ khi được thực hiện trong phòng thử nghiệm nhưng những kết quả nghiên cứu này là chưa đủ để ứng dụng vào quy trình cấy mỡ trong thực tiễn. Do đó sẽ cần thêm các nghiên cứu bổ sung được thực hiện trên người để hỗ trợ phát triển một quy trình cấy mỡ tự thân tiêu chuẩn.

Giới thiệu

Cấy mỡ tự thân đã trở thành một phương pháp phổ biến để chỉnh sửa kích thước và đường nét cho nhiều vị trí khác nhau của cơ thể trong phẫu thuật thẩm mỹ và phẫu thuật tái tạo. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy khoảng 80% các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ đã sử dụng phương pháp cấy mỡ tự thân cho khách hàng của mình. Phương pháp cấy mỡ tự thân đã được sử dụng để cải thiện các đường nét trên khuôn mặt, nâng ngực, phục hồi tổn thương do xạ trị, điều trị co thắt bao xơ sau nâng ngực bằng túi độn, chỉnh sửa biến dạng sau chấn thương, dị tật bẩm sinh và phục hồi những vùng bị bỏng.

Cấy mỡ tự thân có một số ưu điểm như không kích thích đáp ứng miễn dịch, quy trình thực hiện đơn giản, chi phí thấp và dễ tiếp cận. Mỡ để cấy được hút từ những vùng có mỡ thừa, qua xử lý và được tiêm vào vị trí cần. Mỡ sau khi hút gồm có các tế bào mỡ và tế bào tạo mạch nền (stromal vascular fraction cell), bao gồm tế bào gốc thu từ mô mỡ, nguyên bào mỡ (preadipocyte), nguyên bào sợi, tế bào nội mô mạch máu và nhiều loại tế bào miễn dịch. Nhiều nghiên cứu chuyên sâu đã chỉ ra rằng các tế bào tạo mạch nền và tế bào gốc thu từ mô mỡ có thể cải thiện khả năng tồn tại của mỡ sau khi cấy nhờ các đặc tính tạo mạch của chúng.

Mặc dù cấy mỡ tự thân hiện nay là một kỹ thuật phổ biến được sử dụng bởi nhiều bác sĩ thẩm mỹ, nhưng phải đến năm 1980 thì phương pháp này mới được ứng dụng rộng rãi. Các báo cáo ban đầu về cấy mỡ tự thân của Neuber, Czerny và Holländer đã cho thấy kết quả tự nhiên, tích cực khi phương pháp này được sử dụng cho khuôn mặt và ngực. Tuy nhiên, sau những thành công ban đầu này, các nghiên cứu tiếp theo đã cho thấy các mức độ thất bại khác nhau khi cấy mỡ tự thân mà vấn đề chủ yếu là tình trạng bất cân đối do tái hấp thu mỡ.

Kể từ đầu những năm 1980, nhiều báo cáo nghiên cứu đã cho thấy kết quả tích cực của phương pháp cấy mỡ tự thân, và sau đó, phương pháp này lại trở nên phổ biến một lần nữa. Nhiều nghiên cứu sau khi gặp thất bại trong những lần thử nghiệm ban đầu đã chỉ ra tầm quan trọng của các kỹ thuật được sử dụng đối với kết quả lâu dài.

Trong bản đánh giá này, chúng tôi tóm tắt nội dung của các báo cáo nghiên cứu mô tả những phương pháp lấy mỡ, xử lý và tiêm khác nhau. Những nghiên cứu này đã mở rộng tầm hiểu biết của chúng tôi về các phương pháp cải thiện kết quả lâu dài khi cấy mỡ tự thân.

Vị trí lấy mỡ

Mặc dù vị trí lấy mỡ sẽ phụ thuộc vào những vùng có mỡ thừa của từng người nhưng việc xác định được những vị trí lấy mỡ tối ưu sẽ giúp chọn ra kỹ thuật thực hiện phù hợp (Bảng 1).

Rohrich và cộng sự đã không nhận thấy có sự khác biệt đáng kể nào về khả năng sống sót của tế bào mỡ được lấy từ bụng, eo, đùi và đầu gối khi dùng ống thông cầm tay.

Ullmann và cộng sự đã thử tiêm mỡ được lấy từ bụng, ngực và đùi vào chuột rồi quan sát thì thấy không có sự khác biệt đáng kể về thể tích mỡ.

Li và các đồng nghiệp đã thử tiêm mỡ được lấy từ eo, bụng trên, bụng dưới, đùi sau và đùi trong vào chuột và cũng không nhận thấy có sự khác biệt lớn nào về thể tích hay các thông số mô học kể cả sau 12 tháng từ thời điểm cấy.

Bảng 1.

Các nghiên cứu đánh giá sự khác biệt giữa các vị trí lấy mỡ

Nghiên cứu

Phương pháp phân tích

Mục tiêu chính

Phương pháp thực hiện 

Kết quả

Rohrich và cộng sự, 2004 

Trong ống nghiệm

Đánh giá các vị trí lấy mỡ khác nhau: bụng, hông, đùi và vùng đầu gối bên trong

Sử dụng kỹ thuật hút mỡ khô; dùng ống thông cầm tay; xử lý bằng kỹ thuật ly tâm với lực 500g trong 2 phút

Không có sự khác biệt về khả năng sống sót của tế bào mỡ giữa các vị trí lấy mỡ

Padoin và cộng sự, 2008

Trong ống nghiệm

Đánh giá các vị trí lấy mỡ khác nhau: bụng trên, bụng dưới, hông, đùi trong, đầu gối và eo

Có dùng dung dịch tumescent; hút mỡ bằng máy hút; xử lý bằng máy quay ly tâm với lực 450g trong 5 phút; Phân tách tế bào SVF bằng collagenase trong 1 giờ ở nhiệt độ 37°C

Bụng dưới là vùng có lượng tế bào mỡ khả dụng (có khả năng sống sót) lớn nhất. Tiếp theo là đùi và đầu gối.

Ullmann và cộng sự, 2005 

Thử nghiệm trên động vật sống

Đánh giá các vị trí lấy mỡ khác nhau: bụng, vú và đùi ngoài

Dùng dung dịch tumescent; hút mỡ bằng ống thông cầm tay; xử lý bằng cách quay ly tâm với tốc độ 1500 vòng/phút trong 5 phút; mỡ sau xử lý được tiêm vào chuột trụi lông CD-1 và được đánh giá sau 16 tuần.

Mỡ đùi cho kết quả cấy mỡ tốt nhất, với tính nguyên vẹn cấu trúc cao nhất, ít hình thành cục cứng nhất, nguy cơ hoại tử, viêm và hình thành sẹo thấp nhất; vùng mỡ lấy từ bụng có khả năng hình thành mạch máu cao; mỡ lấy từ vú cho kết quả kém nhất, làm hình thành nang, hoại tử, sẹo và viêm.

Li và cộng sự, 2013

Thử nghiệm trên động vật sống

Đánh giá các vị trí lấy mỡ khác nhau: bụng trên, bụng dưới, sườn, đùi ngoài và đùi trong

Dùng dung dịch tumescent; hút mỡ bằng ống thông cầm tay; xử lý bằng máy ly tâm 1000 vòng/phút trong 3 phút; mỡ sau xử lý được tiêm vào chuột trụi lông BALB/c-nu và được đánh giá sau 12 tuần

Không có sự khác biệt đáng kể về kết quả của 5 vị trí lấy mỡ sau 12 tuần.

Lim và cộng sự, 2012

Thử nghiệm trên người

Đánh giá các vị trí lấy mỡ: bụng và các vùng khác

Dùng dung dịch tumescent; hút mơ bằng ống thông cầm tay; mỡ sau hút được xử lý bằng máy ly tâm 1200J trong 3 phút; Mỡ sau khi xử lý được tiêm vào những người mắc chứng teo nhỏ nửa mặt (microsomia) hay hội chứng Treacher Collins

Mô mỡ lấy từ các bụng hoặc các nguồn khác cho kết quả tương đương nhau

Small và cộng sự, 2014 

Thử nghiệm trên người

Phân tích các vị trí lấy mỡ khác nhau: bụng và đùi

Dùng dung dịch tumescent; hút mỡ bằng máy hút; xử lý bằng máy quay ly tâm với tốc độ 3000 vòng/phút trong 3 phút; mỡ sau xử lý được tiêm vào ngực để tăng kích thước

Mỡ được lấy từ các vị trí khác nhau không có sự khác biệt về khả năng duy trì thể tích sau cấy.

Các thử nghiệm ở người cũng đã cho thấy rằng không có sự khác biệt nào đáng kể về khả năng duy trì thể tích sau cấy mỡ khi dùng mỡ lấy từ bụng và các vị trí khác. Mỡ được lấy từ các vị trí này đều cho kết quả tạo nét và chỉnh sửa sự không cân xứng tương đương nhau ở những người bị chứng nhỏ nửa mặt hay hội chứng Treacher Collins. Trong trường hợp nâng ngực, mỡ được lấy từ bụng và đùi cũng không cho thấy sự khác biệt lớn về thể tích mỡ cấy. Tuy nhiên, mô mỡ lấy từ đùi có tính nguyên vẹn cấu trúc cao hơn, ít hình thành cục cứng hơn, nguy cơ hoại tử và xơ hóa thấp hơn, trong khi đó mô mỡ lấy từ bụng có lại có khả năng hình thành mạch máu cao hơn.

Tính nguyên vẹn cấu trúc và hiện tượng hình thành mạch máu này có thể những đặc điểm góp phần làm cho tế bào mỡ được lấy từ đùi trong và bụng có khả năng tồn tại cao hơn so với mỡ ở các vùng khác. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho đến thời điểm hiện tại cho thấy rằng không có sự khác biệt đáng kể nào về thể tích mỡ sau khi cấy giữa các vị trí lấy mỡ khác nhau.

Kỹ thuật chuẩn bị vị trí lấy mỡ

Kỹ thuật gây tê bằng dung dịch tumescent (tumescent anesthesia) ban đầu được phát triển dành cho quy trình hút mỡ với phương pháp gây tê tại chỗ, và nhiều lợi ích của việc sử dụng dung dịch tumescent đã được chứng minh, gồm có giảm đau, giảm mất máu và giúp cho quá trình hút mỡ được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, không rõ liệu việc bơm dung dịch tumescent trước khi hút mỡ có ảnh hưởng xấu đến sự tồn tại của mỡ sau khi cấy hay không (Bảng 2).

Agostini và các đồng nghiệp đã chứng minh rằng việc sử dụng dung dịch tumescent làm tăng khả năng tồn tại của tế bào mỡ so với kỹ thuật hút mỡ khô (dry technique). Sự tiếp xúc với epinephrine và lidocaine trong dung dịch tumescent không làm thay đổi vĩnh viễn các chức năng của mô mỡ hay hoạt động trao đổi chất của tế bào mỡ. Hơn nữa, việc bơm dung dịch tumescent cũng không ảnh hưởng đáng kể đến thể tích mỡ cấy hay cấu ​​trúc mô học.

Nghiên cứu phân tích các loại thuốc gây tê khác nhau đã chứng minh rằng khi mô mỡ được tiếp xúc với bupivacaine, mepivacaine, ropivacaine và lidocaine thì khả năng tồn tại của tế bào gốc thu từ mô mỡ sẽ cao hơn so với khi dùng kết hợp articaine và epinephrine. Epinephrine có thể ảnh hưởng đến thụ thể α 1 trên các mô xung quanh tế bào mỡ được cấy. Nhìn chung, kỹ thuật hút mỡ tumescent giúp làm tăng khả năng sống của tế bào mỡ so với kỹ thuật hút mỡ khô và không có sự khác biệt đáng kể nào giữa các loại thuốc gây tê thường được sử dụng, ngoại trừ articaine và epinephrine. Rất khó để đưa ra cơ chế lý giải tại sao khả năng tồn tại của mỡ tự thân lại tăng lên sau khi tiếp xúc trong thời gian ngắn với các loại thuốc gây tê tại chỗ. Tuy nhiên, dựa trên các nghiên cứu hiện tại, việc sử dụng dung dịch tumescent tại thời điểm hút mỡ không gây tác động nào bất lợi đến khả năng tồn tại của tế bào mỡ và thậm chí còn có thể làm tăng khả năng sống.

Bảng 2:

Các nghiên cứu đánh giá sự khác biệt giữa các phương pháp chuẩn bị vị trí lấy mỡ

Nghiên cứu

Phương pháp phân tích

Mục tiêu chính

Phương pháp thực hiện 

Kết quả

Moore và cộng sự, 1995

Trong ống nghiệm

So sánh giữa dung dịch nước muối, lidocaine và lidocaine/epinephrine

Dùng nước muối, lidocaine, hoặc lidocaine/epinephrine; hút mỡ bằng máy hút; mỡ sau hút được xử lý bằng máy ly tâm với lực 450g trong 5 phút; Phân tách tế bào SVF bằng collagenase trong 1 giờ ở nhiệt độ 37°C và tiếp xúc với lidocaine

Việc dùng nước muối, lidocaine và lidocaine /epinephrine không tạo ra sự khác biệt nào đáng kể về khả năng sống sót của tế bào mỡ sau khi cấy

Keck và cộng sự, 2010 

Trong ống nghiệm

So sánh bupivacaine, mepivacaine, ropivacaine, articaine/epinephrine, và lidocaine

Cắt mô mỡ trực tiếp; Phân tách tế bào SVF và sau đó để tiếp xúc với bupivacaine, mepivacaine, ropivacaine, articaine/epinephrine hoặc lidocaine

Khả năng sống của tế bào mỡ ở mức cao nhất khi dùng bupivacaine, tiếp đến là mepivacaine, ropivacaine và lidocaine, articaine/epinephrine.

Agostini và cộng sự, 2012 

Trong ống nghiệm

So sánh kỹ thuật hút mỡ khô với kỹ thuật sử dụng lidocaine/epinephrine

Kỹ thuật hút mỡ khô hoặc dùng lidocaine/epinephrine; hút mỡ bằng ống thông cầm tay

Các tế bào mỡ thu được khi dùng lidocaine/epinephrine có diện tích bề mặt và khả năng sống sót cao hơn; không có sự khác biệt về cấu ​​trúc của các tế bào mỡ

Shoshani và cộng sự, 2005 

Thử nghiệm trên động vật sống

So sánh nước muối và lidocaine/epinephrine

Dùng nước muối hoặc lidocaine/epinephrine; hút mỡ bằng máy; xử lý bằng cách quay ly tâm với tốc độ 1500 vòng/phút (377g) trong 5 phút; mỡ đã qua xử lý được cấy vào chuột trụi lông CD-1 và được đánh giá sau 15 tuần

Không có sự khác biệt giữa nước muối và lidocaine/epinephrine về trọng lượng, thể tích hay cấu trúc mô học 

Livaoglu và cộng sự, 2012 30

Thử nghiệm trên động vật sống

So sánh nước muối, lidocaine/epinephrine và prilocaine

Sử dụng nước muối, lidocaine/epinephrine hoặc prilocaine; cắt mô mỡ trực tiếp; mô mỡ sau xử lý được tiêm vào chuột và được đánh giá sau 26 tuần

Không có sự khác biệt giữa các nhóm về trọng lượng và thể tích mỡ sau cấy.

Phương pháp lấy mỡ

Các nghiên cứu đánh giá tác động của kỹ thuật hút mỡ bằng ống thông cầm tay, bằng máy hút và bằng sóng siêu âm đã chứng minh sự khác biệt về khả năng sống sót và chức năng của tế bào mỡ (Bảng 3).

Chức năng của tế bào mỡ được phân tích bằng xét nghiệm enzyme glycerol-3- phosphate dehydrogenase – phương pháp đánh giá mức độ thẩm thấu của enzyme này qua màng sinh chất trong trạng thái tổn thương tế bào.

Về mặt mô học, mô mỡ được lấy bằng kỹ thuật hút mỡ bằng máy hút và sóng siêu âm không cho thấy dấu hiệu bị tổn thương tế bào và về mặt sinh lý, mỡ được lấy bằng cả hai kỹ thuật này đều có thể dùng được và có hoạt động enzyme bình thường.

So với kỹ thuật hút mỡ bằng máy hút, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng kỹ thuật hút mỡ bằng ống thông cầm tay giúp giữ được số lượng tế bào mỡ và khả năng sống sót cao hơn. Tuy nhiên, khi sử dụng dung dịch tumescent thì không có sự khác biệt đáng kể nào về số lượng tế bào mỡ hoặc khả năng sống sót giữa kỹ thuật dùng ống thông cầm tay và hút mỡ bằng máy hút.

Để đánh giá thêm về tác động của ống thông cầm tay, kỹ thuật hút mỡ bằng máy hút và bằng sóng siêu âm, mỡ sau khi được lấy bằng các kỹ thuật này đã được tiêm vào những con chuột bị suy giảm miễn dịch. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt lớn nào về thể tích mỡ giữa các phương pháp này. Kết quả các nghiên cứu này cho thấy phương pháp được sử dụng để hút mỡ có vai trò không quá quan trọng vì dù dùng phương pháp nào thì tỷ lệ sống sót của tế bào mỡ cũng tương đương nhau. Tuy nhiên, những nghiên cứu này chỉ theo dõi trong thời gian ngắn sau khi tiêm mỡ vào chuột (4, 6 hoặc 12 tuần) nên chưa thể đánh giá khả năng duy trì về lâu dài. Vì sau khi cấy, mỡ tự thân có thể tồn tại trong cơ thể suốt nhiều năm nên sẽ cần thêm các nghiên cứu bổ sung với thời gian theo dõi dài hơn 12 tuần để có bằng chứng đánh giá tác động của các phương pháp hút mỡ khác nhau đối với kết quả về lâu dài.

Bảng 3

Các nghiên cứu đánh giá sự khác biệt giữa các kỹ thuật hút mỡ

Nghiên cứu

Phương pháp phân tích

Mục tiêu chính

Phương pháp thực hiện 

Kết quả

Rohrich và cộng sự, 2000 

Trong ống nghiệm

So sánh kỹ thuật hút mỡ bằng máy hút, bằng sóng siêu âm bên trong, sóng siêu âm bên ngoài và massage

Dùng dung dịch tumescent; kỹ thuật hút mỡ bằng máy hút, bằng sóng siêu âm bên trong, sóng siêu âm bên ngoài hoặc massage trong 7 phút

Hút mỡ bằng sóng siêu âm bên trong gây tổn hại 70 - 90% số lượng tế bào mỡ (hóa lỏng do nhiệt); Hút mỡ bằng máy hút và sóng siêu âm bên ngoài gây tổn hại mô mỡ ở mức tối thiểu. 

Pu và cộng sự, 2005

Trong ống nghiệm

So sánh kỹ thuật cắt mỡ trực tiếp và hút mỡ bằng máy hút

Dùng dung dịch tumescent; cắt mỡ trực tiếp hoặc hút mỡ bằng máy hút; xử lý bằng cách quay ly tâm với lực 50g trong 10 phút

Hút mỡ bằng máy hút gây tổn hại tối thiểu đến khả năng tồn tại của tế bào mỡ; Tuy nhiên, xét nghiệm G3PDH đã cho thấy các tế bào mỡ bị giảm chức năng tế bào sau khi hút mỡ và xử lý; Hút mỡ bằng máy hút chỉ gây gián đoạn mô học nhẹ

Pu và cộng sự, 2008 

Trong ống nghiệm

So sánh kỹ thuật hút mỡ bằng ống thông cầm tay và máy hút mỡ

Dùng dung dịch tumescent; hút mỡ bằng ống thông cầm tay hoặc máy hút mỡ; mỡ sau khi hút bằng ống thông cầm tay được xử lý bằng kỹ thuật quay ly tâm với tốc độ 3000 vòng/phút trong 3 phút; Mỡ được hút bằng máy được xử lý bằng kỹ thuật quay ly tâm với tốc độ 500 vòng/phút trong 10 phút

Mỡ hút bằng ống thông cầm tay có khả năng tồn tại cao hơn; không có sự khác biệt về cấu trúc mô giữa mỡ hút bằng ống thông cầm tay và máy hút.

Crawford và cộng sự, 2010 

Trong ống nghiệm

So sánh kỹ thuật hút mỡ bằng ống thông cầm tay và máy hút.

Dùng dung dịch tumescent; sử dụng kỹ thuật hút mỡ bằng ống thông cầm tay với hệ thống Viafill hoặc hút mỡ bằng máy hút; xử lý bằng phương pháp quay ly tâm với lực 50g trong 2 phút

Kỹ thuật dùng ống thông cầm tay cho số lượng tế bào mỡ lớn hơn.

Schafer và cộng sự, 2013 

Trong ống nghiệm

Đánh giá kỹ thuật hút mỡ bằng sóng siêu âm

Dùng dung dịch tumescent; hút mỡ bằng sóng siêu âm với đầu dò 3.7mm ở chế độ xung 60%; xử lý bằng cách quay ly tâm với lực 400g trong 5 phút

Tế bào mỡ và mạch máu còn nguyên vẹn sau khu hút mỡ; khả năng tồn tại của mô mỡ là 88% và không bị ảnh hưởng bởi sóng siêu âm.

Keck và cộng sự, 2014 

Trong ống nghiệm

So sánh kỹ thuật dùng ống thông cầm tay và hút mỡ bằng máy hút

Dùng kỹ thuật hút mỡ khô; hút mỡ bằng ống thông cầm tay hoặc máy hút mỡ; xử lý bằng máy ly tâm với lực 380g trong 5 phút

Không có sự khác biệt về số lượng tế bào hay khả năng sống sót của tế bào mỡ giữa kỹ thuật dùng ống thông cầm tay và hút mỡ bằng máy hút; Tuy nhiên, kỹ thuật hút mỡ bằng ống thông cầm tay có mức độ giải phóng mỡ lỏng cao hơn một chút; mỡ được lấy bằng máy hút có mức adiponectin, GLUT4 và PPAR-γ cao hơn.

Smith và cộng sự, 2006

Thử nghiệm trên động vật sống

So sánh kỹ thuật hút mỡ bằng ống thông cầm tay và bằng máy hút

Dùng dung dịch tumescent; hút mỡ bằng ống thông cầm tay và máy hút mỡ; mô mỡ không qua xử lý và mô mỡ qua xử lý bằng máy ly tâm 500g trong 2 phút được tiêm vào chuột SCID và được đánh giá sau 12 tuần

Với kỹ thuật hút mỡ thủ công, tế bào mỡ có khả năng sống cao hơn; không có sự khác biệt về thể tích giữa kỹ thuật thủ công và dùng máy hút mỡ.

Lee và cộng sự, 2013

Thử nghiệm trên động vật sống 

So sánh hai chế độ của máy hút mỡ là -15 inHg và -25 inHg

Dùng dung dịch tumescent; hút mỡ bằng máy hút ở chế độ -15 inHg hoặc -25 inHg; tiêm vào sườn của chuột và đánh giá sau 4 tuần

Không có sự khác biệt về thể tích hay trọng lượng mỡ khi dùng chế độ −15 inHg và −25 inHg.

Fisher và cộng sự, 2013 

Thử nghiệm trên động vật sống

So sánh kỹ thuật hút mỡ bằng sóng siêu âm và máy hút

Dùng dung dịch tumescent; hút mỡ bằng sóng siêu âm với đầu dò 2.9mm ở chế độ xung 60% hoặc hút mỡ bằng máy hút ở chế độ 430mmHg; mỡ sau khi hút được tiêm vào chuột và được đánh giá sau 6 tuần

Không có sự khác biệt về số lượng tế bào SVF và thể tích mỡ sau cấy giữa hai kỹ thuật.

Chú thích: G3PDH: glycerol-3-phosphate dehydrogenase

 PPAR-γ: thụ thể kích hoạt peroxisome proliferator-γ

SVF: tế bào tạo mạch nền 

Kích thước ống thông hút mỡ

Các nghiên cứu sau khi đánh giá sự khác biệt giữa các kích thước ống thông hút mỡ đã chỉ ra rằng việc sử dụng ống thông có đường kính lớn hơn sẽ làm tăng khả năng sống của tế bào mỡ (Bảng 4).

Erdim và cộng sự đã chứng minh rằng khả năng tồn tại của tế bào mỡ được hút bằng ống thông 6mm là cao hơn so với ống thông 2mm và 4mm. Sau khi thực hiện thử nghiệm trên chuột và đánh giá sau 6 tuần, Kirkham và các đồng nghiệp đã cho thấy rằng mỡ được hút bằng ống thông kích thước lớn (đường kính 5mm) có khả năng hình thành vùng mỡ sau cấy lớn hơn ống thông kích thước nhỏ. Kết quả nghiên cứu này cho thấy tính nguyên vẹn của mô mỡ tăng lên, khả năng xảy ra đáp ứng miễn dịch và hiện tượng xơ hóa thấp hơn so với mỡ được hút bằng ống thông 3mm. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, trong các nghiên cứu này, mỡ được lấy mà không dùng dung dịch tumescent. Sẽ cần thêm nghiên cứu về tác động của kích thước ống thông đối với quá trình hút mỡ sử dụng dung dịch tumescent. Ngoài kích thước ống thông, các nghiên cứu còn so sánh ống thông nhiều lỗ với ống thông Coleman 3mm và cho thấy rằng không có sự khác biệt đáng kể về khả năng tồn tại của tế bào mỡ hay diện tích của vùng mỡ sau cấy. 

Bảng 4.

Các nghiên cứu đánh giá sự khác biệt giữa các kích thước ống thông

Nghiên cứu

Phương pháp phân tích

Mục tiêu chính

Phương pháp thực hiện

Kết quả

Erdim và cộng sự, 2009 

Trong ống nghiệm

So sánh kích thước ống thông hút mỡ 2mm, 4mm và 6mm

Kỹ thuật hút mỡ khô; dùng ống thông cầm tay; phân tách bằng trọng lực; phân tách tế bào mỡ bằng collagenase

Mỡ được hút bằng ống thông 6mm có khả năng sống sót cao nhất.

Alharbi và cộng sự, 2013 

Trong ống nghiệm

So sánh ống thông Coleman 3mm và ống thông nhiều lỗ st'RIM

Dùng dung dịch tumescent; hút mỡ bằng ống thông cầm tay; tách tế bào SVF bằng collagenase trong 45 phút ở nhiệt độ 37°C

Không có sự khác biệt về số lượng tế bào SVF khi hút mỡ bằng hai loại ống thông.

Alharbi và cộng sự, 2013 

Thử nghiệm trên động vật sống

So sánh ống thông Coleman 3mm và ống thông nhiều lỗ

Dùng kỹ thuật hút mỡ khô; hút mỡ bằng ống thông cầm tay; xử lý bằng cách quay ly tâm 3000 vòng/phút trong 3 phút; mỡ sau xử lý được tiêm vào hông của chuột bằng kim tiêm 17G và 20G rồi đánh giá sau 12 tuần

Không có sự khác biệt về thể tích, cấu ​​trúc tế bào mỡ hoặc sự hình thành mạch máu giữa các loại ống thông được sử dụng.

Alharbi và cộng sự, 2013 

Thử nghiệm trên động vật sống

So sánh kích thước ống thông 3mm và 5mm

Dùng kỹ thuật hút mỡ khô; hút mỡ bằng máy hút ở chế độ − 25 inHg; xử lý bằng cách quay ly tâm với lực 200g; mỡ sau xử lý được tiêm vào chuột và được đánh giá sau 6 tuần

Ống thông 5mm cho thể tích mỡ lớn hơn, tính nguyên vẹn cao hơn; mỡ hút bằng ống thông 3mm có nhiều tế bào miễn dịch thâm nhiễm hơn, mức độ xơ hóa lớn hơn và số lượng các tế bào mỡ còn nguyên vẹn thấp hơn

Các phương pháp xử lý mỡ sau hút

Các nghiên cứu đã đánh giá tác động của các kỹ thuật xử lý mô mỡ sau hút khác nhau, gồm có ly tâm, tách bằng trọng lực, rửa và lọc đối với khả năng tồn tại của tế bào mỡ sau cấy (Bảng 5).

Khảo sát đã đưa ra kết luận rằng trong số các bác sĩ thẩm mỹ thực hiện phương pháp cấy mỡ tự thân thì 34% sử dụng kỹ thuật ly tâm, 45% sử dụng kỹ thuật tách bằng trọng lực, 34% sử dụng kỹ thuật lọc, 11% sử dụng kỹ thuật xử lý qua gạc, 3% không xử lý mô mỡ trước khi tiêm và 7% sử dụng một số kỹ thuật khác. Việc sử dụng một kỹ thuật xử lý tối ưu sẽ làm tăng số lượng tế bào mỡ sống sót và cuối cùng là tăng lượng mỡ và khả năng duy trì kết quả về lâu dài.

Bảng 5.

Nghiên cứu đánh giá sự khác biệt giữa các kỹ thuật xử lý mỡ sau hút

Nghiên cứu

Phương pháp phân tích

Mục tiêu chính

Phương pháp thực hiện

Kết quả

Rohrich và cộng sự, 2004 

Trong ống nghiệm

So sánh kỹ thuật quay ly tâm và không quay ly tâm 

Sử dụng kỹ thuật hút mỡ khô; hút mỡ bằng ống thông cầm tay; xử lý bằng máy quay ly tâm với lực 500g trong 2 phút.

Kỹ thuật quay ly tâm làm giảm sự tăng sinh tế bào.

Rose và cộng sự, 2006 

Trong ống nghiệm

So sánh kỹ thuật tách bằng trọng lực, ly tâm và rửa thủ công / ly tâm 

Dùng dung dịch tumescent; hút mỡ bằng ống thông cầm tay; xử lý mỡ với kỹ thuật tách bằng trọng lực, quay ly tâm 3000 vòng/phút (6000g) trong 3 phút hoặc rửa thủ công bằng nước muối/quay ly tâm 3000 vòng/phút (6000g) trong 3 phút.

Kỹ thuật quay ly tâm và rửa làm giảm số lượng tế bào, tế bào mỡ có nhân và diện tích vùng mỡ cấy.

Condé-Green và cộng sự, 2010 

Trong ống nghiệm

So sánh kỹ thuật tách bằng trọng lực và quay ly tâm

Dùng dung dịch tumescent; hút mỡ bằng máy hút; xử lý mỡ với kỹ thuật tách bằng trọng lực hoặc quay ly tâm 3000 vòng/phút trong 3 phút.

Kỹ thuật ly tâm làm giảm sự nguyên vẹn của mô mỡ và giảm tế bào miễn dịch.

Zhu và cộng sự, 2010

Trong ống nghiệm

So sánh kỹ thuật tách bằng trọng lực, quay ly tâm và rửa/lọc

Dùng dung dịch tumescent; hút mỡ bằng máy hút; mỡ được xử lý với kỹ thuật tách bằng trọng lực trong 20 phút, quay ly tâm với tốc độ 3000 vòng/phút (1200g) trong 3 phút hoặc rửa/lọc.

Kỹ thuật rửa/lọc cho ra số lượng tế bào hồng cầu và tế bào bạch cầu ít nhất, giảm lượng lipid và tăng số lượng các tế bào mỡ chức năng.

Pfaff và cộng sự, 2014 

Trong ống nghiệm

So sánh kỹ thuật quay ly tâm và xử lý qua gạc cotton

Dùng dung dịch tumescent; hút mỡ bằng ống thông cầm tay; mỡ được xử lý bằng kỹ thuật ly tâm với tốc độ 1500 vòng/phút trong 3 phút hoặc xử lý qua gạc cotton trong 30 giây; Tách tế bào SVF bằng collagenase trong 1 giờ ở nhiệt độ 37°C.

Kỹ thuật xử lý qua gạc cho ra số lượng tế bào SVF tách từ mô mỡ lớn hơn và làm tăng số lượng tế bào gốc được phân tách từ mỡ sau hút.

Minn và cộng sự, 2010

Thử nghiệm trên động vật sống

So sánh kỹ thuật ly tâm, xử lý qua gạc cotton và lọc qua rây kim loại

Dùng dung dịch tumescent; hút mỡ bằng ống thông cầm tay; mỡ được xử lý bằng kỹ thuật quay ly tâm với lực 1800g trong 3 phút, xử lý qua gạc cotton trong 3 phút hoặc lọc qua rây kim loại trong 3 phút; mỡ sau xử lý được tiêm vào chuột BALB/c-nu rồi được đánh giá sau 4 và 12 tuần.

Không có sự khác biệt về thể tích mỡ giữa các kỹ thuật xử lý; kỹ thuật lọc bằng rây kim loại làm tăng nguy cơ hoại tử mỡ; kỹ thuật ly tâm làm tăng sự hình thành mạch máu trong vùng mỡ cấy.

Ramon và cộng sự, 2005

Thử nghiệm trên động vật sống

So sánh kỹ thuật ly tâm và xử lý qua khăn

Dùng dung dịch tumescent; hút mỡ bằng ống thông cầm tay; mỡ được xử lý bằng máy ly tâm với tốc độ 1500 vòng/phút trong 5 phút hoặc xử lý qua khăn bằng cách đặt mỡ sau khi hút lên khăn để loại bỏ chất dịch, mỡ lỏng và mảnh vụn; mỡ sau xử lý được tiêm vào chuột và được đánh giá sau 16 tuần

Không có sự khác biệt về thể tích mỡ giữa các kỹ thuật xử lý; kỹ thuật xử lý bằng khăn có tỷ lệ xơ hóa thấp hơn.

Smith và cộng sự, 2006

Thử nghiệm trên động vật sống

So sánh kỹ thuật ly tâm, rửa và rửa/quay ly tâm

Dùng dung dịch tumescent; hút mỡ bằng ống thông cầm tay hoặc máy hút mỡ; mỡ được xử lý bằng kỹ thuật quay ly tâm với lực 500g trong 2 phút, rửa bằng dung dịch Ringer lactat, rửa bằng nước muối 0.9%, rửa bằng dung dịch Ringer lactat và quay ly tâm hoặc rửa bằng nước muối thông thường và quay ly tâm; mỡ sau xử lý được tiêm vào chuột SCID và được đánh giá sau 12 tuần

Kỹ thuật quay ly tâm làm giảm khả năng sống sót của tế bào mỡ; không có sự khác biệt về thể tích sau cấy giữa các kỹ thuật xử lý; các mẫu nghiên cứu có mức độ hoại tử mỡ và viêm khác nhau.

Fisher và cộng sự, 2013 

Thử nghiệm trên động vật sống

So sánh kỹ thuật quay ly tâm, xử lý qua gạc cotton và lọc

Dùng dung dịch tumescent; hút mỡ bằng ống thông cầm tay và máy hút, mỡ được hút bằng ống thông cầm tay được xử lý bằng kỹ thuật quay ly tâm và qua gạc cotton, mỡ hút bằng máy hút được xử lý bằng phương pháp lọc; quay ly tâm ở tốc độ 3000 vòng/phút (1200g) trong 3 phút hoặc xử lý bằng gạc cotton; mỡ sau xử lý được tiêm vào chuột và được đánh giá sau 6 tuần; tách tế bào SVF bằng collagenase trong 1 giờ ở nhiệt độ 37°C.

Kỹ thuật xử lý qua gạc loại bỏ được mỡ lỏng và nước hiệu quả nhất, tiếp theo là kỹ thuật lọc và quay ly tâm; Kỹ thuật xử lý qua gạc cho số lượng tế bào SVF tách từ mô mỡ cao nhất; Kỹ thuật này cũng cho thể tích mỡ cao nhất, tiếp theo lần lượt là kỹ thuật lọc, quay ly tâm. Cấu trúc mỡ sau cấy của các kỹ thuật là giống nhau.

Condé-Green và cộng sự, 2013

Thử nghiệm trên động vật sống

So sánh kỹ thuật tách bằng trọng lực, quay ly tâm, rửa và bổ sung tế bào

Dùng dung dịch tumescent; hút mỡ bằng ống thông cầm tay; mỡ được xử lý với kỹ thuật tách bằng trọng lực trong 15 phút, quay ly tâm với lực 1256g trong 3 phút, rửa bằng nước muối và bổ sung tế bào SVF; Phân tách tế bào SVF bằng collagenase trong 45 phút ở nhiệt độ 37°C; mỡ sau xử lý được tiêm vào chuột và được đánh giá sau 12 tuần.

Không có sự khác biệt về thể tích và tính nguyên vẹn giữa các kỹ thuật xử lý; phương pháp bổ sung tế bào giúp tăng cường thể tích của vùng mỡ sau cấy.

Butterwick, 2002

Nghiên cứu trên người

So sánh kỹ thuật tách bằng trọng lực và quay ly tâm

Dùng dung dịch tumescent; hút mỡ bằng ống thông cầm tay; mỡ được xử lý với kỹ thuật tách bằng trọng lực hoặc quay ly tâm 3600 vòng/phút trong 3 phút; mỡ sau xử lý được tiêm vào vùng mu bàn tay.

Kỹ thuật quay ly tâm cho kết quả tốt hơn; mỡ sau khi được quay ly tâm cho hiệu quả tăng độ đầy và căng mịn mu bàn tay cao hơn so với kỹ thuật tách bằng trọng lực. 

Khater và cộng sự, 2009

Nghiên cứu trên người

So sánh kỹ thuật quay ly tâm và rửa

Sử dụng kỹ thuật hút mỡ khô; hút mỡ bằng ống thông cầm tay; xử lý bằng máy ly tâm 3400 vòng/phút trong 3 phút hoặc rửa bằng nước muối; mỡ sau xử lý được tiêm vào mặt.

Theo bác sĩ thì không có sự khác biệt về kết quả giữa kỹ thuật quay ly tâm và không quay ly tâm nhưng theo các khách hàng thì mỡ không qua xử lý hoặc mỡ được xử lý bằng phương pháp rửa nước muối mang lại kết quả cao hơn.

Botti và cộng sự, 2011 

Nghiên cứu trên người

So sánh kỹ thuật quay ly tâm và rửa/lọc

Dùng dung dịch tumescent; hút mỡ bằng ống thông cầm tay; mỡ sau hút được xử lý bằng máy quay ly tâm 3000 vòng/phút trong 3 phút hoặc rửa/lọc; mỡ sau xử lý được tiêm vào mặt.

Không có sự khác biệt về thể tích giữa kỹ thuật quay ly tâm và rửa/lọc; Tuy nhiên, kỹ thuật lọc và rửa gây hình thành nốt sần, trong khi kỹ thuật ly tâm thì không.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng kỹ thuật xử lý nào có thể duy trì mật độ cao các tế bào tạo mạch nền và tế bào gốc từ mỡ thì sẽ có thể tăng cường khả năng sống sót của mỡ sau cấy; do đó, các phương pháp xử lý cần được thực hiện một cách tối ưu sao cho có thể giữ tối đa số lượng tế bào tạo mạch nền và tế bào gốc từ mỡ. Gần đây, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng kỹ thuật xử lý bằng gạc cotton làm tăng khả năng sống sót của tế bào mỡ và diện tích vùng mỡ cấy so với kỹ thuật quay ly tâm, lọc và rửa. Những tế bào tạo mạch nền và tế bào gốc từ mỡ này đã được chứng minh là làm tăng thể tích mỡ cấy bằng cách tăng cường sự hình thành mạch máu và sự biệt hóa của quá trình tạo mỡ. Các nghiên cứu trên động vật sống cũng chỉ ra rằng phương pháp xử lý bằng gạc cotton cho diện tích vùng mỡ cấy lớn nhất và khả năng duy trì cấu trúc mỡ sau cấy cao nhất. Tuy nhiên, lý do tại sao phương pháp xử lý bằng gạc cottong lại có ưu điểm như vậy vẫn chưa được làm rõ.

Trong các nghiên cứu trên động vật, phương pháp xử lý mỡ sau hút bằng cách lọc và quay ly tâm cho diện tích mỡ cấy nhỏ hơn. Tương tự, nhiều nghiên cứu cũng chứng minh rằng phương pháp quay ly tâm và rửa làm giảm sự tăng sinh tế bào, giảm số lượng tế bào mỡ có nhân và giảm sự nguyên vẹn cấu trúc. Rất có thể quá trình lọc hoặc tốc độ ly tâm cao là nguyên nhân gây nên những tổn hại cho mô mỡ. Tốc độ quay ly tâm và mật độ các tế bào có thể làm giảm kích thước vùng mỡ cấy và điều này sẽ được thảo luận trong các phần sau. Khi so sánh giữa các phương pháp quay ly tâm, lọc và lắng đọng trong các thử nghiệm trên động vật thì không có sự khác biệt nào đáng kể về trọng lượng hay cấu ​​trúc của các vùng mỡ cấy. 

Ngược lại, các nghiên cứu được thực hiện ở người đã chứng minh phương pháp quay ly tâm cho kết quả khả quan hơn so với phương pháp tách bằng trọng lực. Butterwick đã chứng minh phương pháp tiêm mỡ tự thân sau khi xử lý bằng kỹ thuật ly tâm cho hiệu quả làm đầy và mịn mu bàn tay cao hơn so với kỹ thuật tách bằng trọng lực. Các nghiên cứu so sánh tác động của quá trình xử lý mỡ bằng kỹ thuật quay ly tâm, rửa và lọc cho thấy rằng không có sự khác biệt nào đáng kể về tỷ lệ sống sót của mỡ; tuy nhiên, kỹ thuật lọc gây hình thành nốt sần, trong khi kỹ thuật quay ly tâm thì không. Tóm lại, mặc dù đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện nhưng kết quả thử nghiệm ở người và ở động vật vẫn chưa có sự nhất quán. Do đó vẫn chưa thể kết luận phương pháp xử lý mỡ nào là ưu việt nhất mà sẽ cần thêm các nghiên cứu bổ sung để xác định một kỹ thuật tối ưu.

Tốc độ/lực ly tâm

Lực ly tâm cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến kết quả của phương pháp cấy mỡ tự thân.

Tương tự như mức áp suất âm trong phương pháp hút mỡ bằng máy hút, áp lực dương trong quá trình ly tâm có thể tác động đáng kể đến kết quả (Bảng 6).

Ferraro và cộng sự đã chứng minh rằng ly tâm với lực lớn hơn 50g sẽ gây tổn hại đến sự nguyên vẹn cấu trúc của mô mỡ, tăng nguy cơ hoại tử và chết tế bào, giảm khả năng biệt hóa trong quá trình tạo mỡ và giảm sự hình thành tiểu thùy mỡ. Sự hình thành tiểu thùy mỡ trong quá trình tạo mạch máu có vai trò cung cấp máu và chất dinh dưỡng cho mô mỡ và cuối cùng duy trì vùng mỡ cấy để kết quả được lâu dài. Tốc độ ly tâm càng cao thì sẽ càng làm tăng tỷ lệ chất dịch, mỡ lỏng, giảm thể tích mô mỡ có thể tổn tại và tăng nguy cơ tổn thương tế bào mỡ. Tuy nhiên, khi thử nghiệm trên chuột và quan sát tại thời điểm 4 tuần sau khi tiêm thì quá trình ly tâm với lực lên đến 4200g cũng không ảnh hưởng đến số lượng tế bào tạo mạch nền có thể tồn tại hoặc trọng lượng của vùng mỡ cấy. Lee và cộng sự đã tiến hành thử nghiệm trên chuột và đánh giá sau 4 tuần kể từ thời điểm tiêm thì thấy rằng mỡ được xử lý bằng phương pháp ly tâm với lực 10.000g cho hiệu quả cao nhất. Nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt giữa các nghiên cứu có thể là do sử dụng loại máy ly tâm khác nhau và thời gian mà mô mỡ được quay ly tâm không giống nhau. Hơn nữa, kỹ thuật hút mỡ bằng máy hút có thể làm tăng khả năng tổn thương mô mỡ và việc xử lý bằng phương pháp quay ly tâm lại càng khiến cho mô mỡ bị tổn hại nặng hơn.

Bảng 6.

Các nghiên cứu về sự khác biệt giữa các mức tốc độ/lực ly tâm

Nghiên cứu

Phương pháp phân tích

Mục tiêu chính

Phương pháp thực hiện

Kết quả

Ferraro và cộng sự, 2010 

Trong ống nghiệm

So sánh các mức lực ly tâm 50g, 250g và 1500g

Dùng dung dịch tumescent; hút mỡ bằng máy hút; xử lý bằng kỹ thuật ly tâm với tốc độ 500 vòng/phút (50g) trong 10 phút, 1300 vòng/phút (250g) trong 5 phút hoặc 3000 vòng/phút (1500g) trong 3 phút; Phân tách tế bào SVF bằng collagenase và Dispase trong 1 giờ ở nhiệt độ 37°C

Tốc độ ly tâm trên 500 vòng/phút (50g) gây tổn hại đến sự nguyên vẹn cấu trúc của mô mỡ; tốc độ ly tâm càng cao thì càng làm tăng mức độ hoại tử và chết tế bào, giảm khả năng hình thành tiểu thùy mỡ và biệt hóa thành các tế bào mỡ trưởng thành

Pulsfort và cộng sự, 2011 

Trong ống nghiệm

So sánh các mức lực ly tâm 92g, 206g, 825g, 2292g, 5157g, 9168g và 20.627g

Dùng dung dịch tumescent; hút mỡ bằng ống thông cầm tay; xử lý bằng kỹ thuật ly tâm với lực 50g trong 5 phút; mỡ bán thành phẩm được tiếp tục quay ly tâm 1000 vòng/phút (92g), 1500 vòng/phút (206g), 3000 vòng/phút (825g), 5000 vòng/phút (2292g), 7500 vòng/phút (5157g), 10.000 vòng/phút (9168g), hoặc 15.000 vòng/phút (20.627g)

Không có sự khác biệt vế số lượng tế bào có thể tồn tại sau khi ly tâm; các mức lực ly tâm cao hơn làm giảm số lượng mảnh vụn và lượng máu trong lớp mỡ xơ.

Kurita và cộng sự, 2008 

Trong ống nghiệm và ở động vật

So sánh các mức lực ly tâm 0g, 400g, 800g, 1200g, 3000g và 4200

Dùng dung dịch tumescent; hút mỡ bằng máy hút; mỡ được xử lý bằng máy quay ly tâm ở mức lực 0g, 400g, 800g, 1200g, 3000g, 4200g trong 3 phút; Phân tách tế bào SVF bằng collagenase trong 30 phút ở nhiệt độ 37°C; mỡ đã xử lý được tiêm vào chuột và được đánh giá sau 4 tuần.

Kỹ thuật ly tâm làm tăng lượng chất dịch, giảm lớp mỡ xơ, tăng lượng mỡ lỏng; tăng số lượng hồng cầu trong phần dịch; nhưng không ảnh hưởng đến số lượng tế bào SVF trong các lớp; lực ly tâm trên 3000g cho số lượng tế bào SVF ít hơn; kỹ thuật ly tâm với lực 3000g cho diện tích vùng mỡ cấy lớn nhất.

Hoareau và cộng sự, 2013 

Thử nghiệm trên động vật 

So sánh các mức lực ly tâm 100g, 400g, 900g và 1800g

Dùng dung dịch tumescent; hút mỡ bằng ống thông cầm tay; mỡ được xử lý bằng cách quay ly tâm 100g trong 1 giây, 100g trong 1 phút, 400g trong 1 phút, 900g trong 1 phút, 900g trong 3 phút và 1800g trong 10 phút; mỡ sau xử lý được tiêm vào chuột và được đánh giá sau 4 tuần.

Tốc độ và thời gian ly tâm cao làm tăng tỷ lệ mỡ lỏng; không có sự khác biệt đáng kể về trọng lượng của vùng mỡ cấy; ly tâm tốc độ thấp làm hình thành đáng kể dải collagen hay xơ hóa.

Lee và cộng sự, 2013 

Thử nghiệm trên động vật 

So sánh các mức lực ly tâm 50g, 1200g, 5000g, 10.000g và 23.000g

Dùng dung dịch tumescent; hút mỡ bằng máy hút; mỡ được xử lý bằng kỹ thuật quay ly tâm 50g, 1200g, 5000g, 10000g hoặc 23000g trong 3 phút; sau đó tiêm vào hông chuột và được đánh giá sau 4 tuần

Kỹ thuật ly tâm làm tăng trọng lượng của vùng mỡ cấy; ly tâm với lực 10.000g cho thể tích mỡ có thể sử dụng lớn nhất.

Ngược lại, các nghiên cứu đánh giá tác động của quá trình ly tâm sau khi hút mỡ bằng ống thông cầm tay cho thấy tốc độ ly tâm (92 đến 20.627g) không ảnh hưởng lớn đến khả năng tồn tại của tế bào mỡ hoặc trọng lượng của vùng mỡ cấy. Trên thực tế, lực ly tâm càng cao thì lượng mảnh vụn và tạp chất trong mỡ càng thấp. Những phát hiện này cho thấy rằng quá trình ly tâm sau khi hút mỡ bằng ống thông cầm tay là điều cần thiết để loại bỏ các mảnh vụn mô và ngăn ngừa hiện tượng xơ hóa trong vùng mỡ cấy. Những kết quả nghiên cứu này còn cho thấy rằng so với hút mỡ bằng máy hút thì phương pháp hút mỡ bằng ống thông cầm tay làm giảm khả năng tổn thương mô mỡ, do đó mà mô mỡ có thể chịu được tốc độ ly tâm cao hơn mà không bị tổn thương tế bào.

Mật độ mô sau xử lý

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng quá trình ly tâm sẽ cho ra mật độ tế bào khác nhau trong các lớp mỡ được tiêm (Bảng 7). Nhiều nghiên cứu trước đây đã chứng minh lớp bên dưới có mật độ tế bào mỡ có thể tồn tại cao nhất (mỡ mật độ cao) và lớp bên trên lại có số lượng tế bào có thể tồn tại thấp nhất (mỡ mật độ thấp) (Hình 1). Hơn nữa, nghiên cứu cho thấy, tiêm mỡ mật độ cao vào những con chuột FVB/NJ có hệ miễn dịch bình thường cho kết quả cao nhất sau 2 đến 10 tuần kể từ khi tiêm. Đánh giá mô học trên vùng được cấy mỡ sau khi tiêm mỡ mật độ cao cho thấy số lượng tế bào nội mô cao hơn, số lượng dải collagen thấp hơn và giảm nguy cơ xơ hóa. Ngoài ra còn có sự gia tăng các yếu tố tạo mạch như yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu, yếu tố bắt nguồn từ tế bào đệm 1-alpha hay SDF-1α (stromal cell - derived factor 1alpha) , yếu tố tăng trưởng có nguồn gốc tiểu cầu và adiponectin. Để tăng cường khả năng sống sót và duy trì kết quả sau tiêm mỡ mật độ thấp, Butala và đồng nghiệp đã xử lý mỡ mật độ thấp với plerixafor (AMD3100) - một chất kích thích miễn dịch mà trước đây đã được chứng minh là có thể huy động các tế bào gốc tạo máu (hematopoi-etic stem cell) và hỗ trợ quá trình tạo mạch máu. Vùng mỡ mật độ thấp qua xử lý bằng AMD3100 có kích thước tương đương với vùng mỡ mật độ cao, cho thấy rằng mỡ mật độ thấp cũng có thể tạo ra kết quả tương đương, với điều kiện là huy động được các tế bào gốc trung mô vào mô mỡ. Những nghiên cứu này cũng cho thấy tầm quan trọng của phản ứng ở cơ thể người được tiêm đối với khả năng chữa lành và duy trì mô mỡ tự thân sau khi cấy.

anh cay mo
Hình 1: Hình ảnh ống chứa mỡ sau khi ly tâm cho thấy sự khác biệt về mật độ mỡ sau xử lý ở các lớp.

Chú thích:

Low density fat: mỡ mật độ thấp

High density fat: mỡ mật độ cao

Quay ly tâm với lực 3000g trong 5 phút

Lọc dung dịch tumescent và vụn tế bào. Loại bỏ lớp mỡ lỏng

Macrophage: đại thực bào

RBC: Hồng cầu

WBC: Bạch cầu

Adipocyte: Tế bào mỡ

Bảng 7.

Nghiên cứu về sự khác biệt giữa các mật độ mô mỡ sau ly tâm

Nghiên cứu

Phương pháp phân tích

Mục tiêu chính

Phương pháp thực hiện

Kết quả

Boschert và cộng sự, 2002 

Trong ống nghiệm

So sánh mật độ tế bào trong lớp mỡ xơ sau khi ly tâm

Dùng dung dịch tumescent; hút mỡ bằng máy hút; xử lý bằng kỹ thuật ly tâm 50g trong 2 phút; đánh giá mỡ ở lớp trên, lớp giữa và lớp dưới của lớp mỡ xơ sau xử lý.

Lớp dưới (của lớp mỡ xơ) có mật độ các tế bào có thể tồn tại cao nhất; lớp trên có số lượng tế bào có thể tồn tại ít nhất.

Crawford và cộng sự, 2010 36

Trong ống nghiệm

So sánh mật độ tế bào trong lớp mỡ xơ sau khi ly tâm

Dùng dung dịch tumescent; hút mỡ bằng ống thông cầm tay; đánh giá mỡ sau xử lý ở lớp trên, giữa và dưới của lớp mỡ xơ; phân tách tế bào SVF bằng collagenase

Số lượng tế bào SVF được tách từ lớp dưới của lớp mỡ xơ cao hơn. 

Allen và cộng sự, 2013 61

Thử nghiệm trên động vật sống

So sánh mật độ tế bào trong lớp mỡ xơ sau khi ly tâm

Sử dụng dung dịch tumescent; hút mỡ bằng ống thông cầm tay; xử lý bằng phương pháp ly tâm với lực 1200g trong 3 phút; mỡ sau khi xử lý ở lớp trên và dưới của lớp mỡ xơ được tiêm vào lưng của chuột FVB có hệ miễn dịch bình thường, quan sát sau 2 và 10 tuần; phân tách tế bào SVF bằng collagenase

Tế bào mỡ ở lớp dưới (của lớp mỡ xơ) có khả năng tồn tại cao hơn tại thời điểm 2 tuần và 10 tuần; vùng mỡ này có số lượng tế bào nội mô (CD31) lớn hơn, số lượng các dải collagen và khu vực xơ hóa ít hơn. Các tế bào SVF được tách từ lớp dưới cho thấy sự gia tăng biểu hiện của các yếu tố tạo mạch và tạo mỡ (VEGF, SDF-1α, PDGF- β, adiponectin)

Chú thích: Tế bào SVF: tế bào tạo mạch nền

VEGF: yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu

PDGF- β: yếu tố tăng trưởng có nguồn gốc tiểu cầu- β

SDF-1α: yếu tố bắt nguồn từ tế bào đệm 1-alpha (stromal cell–derived factor 1-alpha)

Quá trình tiêm

Quá trình tiêm mỡ tự thân đã qua xử lý vào vị trí cần tiêm đòi hỏi phải thật cẩn thận để cho ra kết quả mong muốn, đặc biệt là với các trường hợp cần chỉnh sửa đường nét trên khuôn mặt (Bảng 8). Coleman đã mô tả quá trình tiêm mỡ tự thân đã qua xử lý bằng ống tiêm Luer-Lok được nối với kim đầu tù cannula 17G. Theo Coleman, chỉ nên tiêm mỡ trong khi rút kim đầu tù cannula để mô mỡ đi vào các mặt phẳng mô tự nhiên. Tốc độ tiêm chậm 0.5 đến 1.0 ml/giây sẽ tạo vùng mỡ cấy lớn hơn so với tốc độ tiêm nhanh từ 3.0 đến 5.0 ml/giây. Việc tăng tốc độ tiêm có thể dẫn đến tổn thương tế bào do ứng suất trượt, tích tụ collagen và thâm nhiễm miễn dịch nhiều hơn trong các vùng mô cấy.

Bảng 8.

Các nghiên cứu về tác động của kỹ thuật tiêm

Nghiên cứu

Phương pháp phân tích

Mục tiêu chính

Phương pháp thực hiện

Kết quả

Lee và cộng sự, 2013

Thử nghiệm trên động vật sống

So sánh tốc độ tiêm: 0.5 - 1.0ml/giây và 3.0 – 5.0ml/giây

Dùng dung dịch tumescent; hút mỡ bằng máy hút; xử lý bằng kỹ thuật ly tâm 1200g trong 3 phút; mỡ sau xử lý được tiêm vào hông của chuột với tốc độ 0.5 – 1.0ml/giây hoặc 3.0 - 5.0ml/giây và được đánh giá sau 4 tuần.

Tốc độ tiêm chậm tạo vùng mô cấy lớn hơn, trong khi tốc độ tiêm nhanh làm tăng sự tích tụ collagen và thâm nhiễm tế bào miễn dịch.

Nguyen và cộng sự, 1990

Thử nghiệm trên động vật sống

So sánh kết quả khi tiêm mỡ tự thân vào lớp trung bì và cơ 

Sử dụng kỹ thuật hút mỡ khô; hút mỡ bằng ống thông cầm tay; xử lý mỡ với kỹ thuật rửa bằng nước muối; mỡ sau xử lý được tiêm vào lớp trung bì ở sau tai hoặc cơ bụng của thỏ.

Mỡ được tiêm vào cơ cho kết quả tốt hơn, có thể là do khả năng hình thành mạch máu mới ở lớp cơ cao so với lớp trung bì.

Rieck và Schlaak, 2003 

Thử nghiệm trên động vật sống

So sánh kết quả khi tiêm mỡ tự thân vào lớp mỡ và cơ 

Cắt bỏ mô mỡ trực tiếp; phân tách tế bào SVF bằng collagenase trong 1 giờ ở nhiệt độ 37°C; mỡ sau khi xử lý được tiêm vào dưới da ở vùng lưng, mô mỡ nội tạng, lớp mỡ quanh thận trái, mô mỡ dưới da hoặc tiêm vào cơ tứ đầu.

Mỡ được tiêm vào vùng lưng có khả năng tồn tại cao nhất. Tiếp đến lần lượt là lớp mỡ bao quanh thận, mô mỡ nội tạng, mỡ dưới da và cơ. Sự chuyển động liên tục của cơ có thể làm giảm khả năng tồn tại của mô mỡ sau tiêm.

Vecchio và Bucky, 2010 

Nghiên cứu trên người

Đánh giá hiệu quả tiêm mỡ tự thân khi dùng kết hợp áo nâng ngực 

Trước khi tiêm mỡ đã sử dụng áo nâng ngực trong 3 tuần; hút mỡ có dùng dung dịch tumescent; hút mỡ bằng máy hút; mô mỡ được xử lý với kỹ thuật tách bằng trọng lực và ly tâm với lực 20 - 40g.

Việc dùng áo nâng ngực trong 3 tuần đã làm tăng khoảng trống nhu mô, giảm áp lực kẽ ở vú, giảm mức độ cần chỉnh sửa và điều chỉnh được hình dạng vú.

Mojallal và cộng sự, 2009 

Nghiên cứu trên người

Đánh giá hiệu quả của việc tiêm mỡ tự thân nhiều lần

Hút mỡ tumescent; dùng ống thông cầm tay; xử lý mỡ sau hút bằng phương pháp ly tâm 3000 vòng/phút trong 3 phút; tiêm mỡ nhiều lần.

Việc tiêm mỡ tự thân nhiều lần cho kết quả khả quan, không xảy ra vấn đề tiêm quá mức; những khu vực cử động nhiều của khuôn mặt (ví dụ như giữa hai lông mày và môi) có sự thay đổi ít hơn so với các khu vực ít cử động (ví dụ như hàm và má ngoài).

Lim và cộng sự, 2012 

Nghiên cứu trên người

Đánh giá hiệu quả của việc tiêm nhiều lần

Sử dụng dung dịch tumescent; hút mỡ bằng ống thông cầm tay; xử lý mỡ sau hút bằng phương pháp ly tâm 1200J trong 3 phút; tiêm nhiều lần ở người bệnh mắc chứng teo nhỏ nửa mặt hay hội chứng Treacher Collins

Phương pháp tiêm nhiều lần giúp cải thiện sự cân cứng cho khuôn mặt và cho kết quả hài lòng; giảm thời gian giữa các lần tiêm (dưới 10.5 tháng) 

Các vị trí nhận mỡ

Các nghiên cứu đã đánh giá sự khác biệt về hiệu quả của phương pháp cấy mỡ tự thân tại những vị trí nhận mỡ khác nhau. Các nghiên cứu ở thỏ cho thấy tiêm mỡ tự thân vào cơ cho kết quả cao hơn so với tiêm vào lớp trung bì, lý do có thể là nhờ khả năng hình thành mạch máu mới ở lớp cơ cao hơn. Tuy nhiên, Rieck và Schlaak đã chứng minh khi cấy mỡ tự thân vào cơ thì khả năng tồn tại của mỡ lại thấp hơn do cơ phải chuyển động nhiều. Những khu vực thường xuyên cử động trên khuôn mặt, chẳng hạn như giữa hai đầu lông mày và môi là những vị trí ít thay đổi hơn khi tiêm mỡ tự thân so với các khu vực ít phải cử động, chẳng hạn như hàm và má ngoài. Các yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến kết quả sau cấy mỡ tự thân và khả năng tồn tại của mỡ là độ tuổi của khách hàng, tình trạng của vùng da bên trên và mức độ nghiêm trọng của khuyết điểm cần chỉnh sửa. Càng có tuổi thì sự đầy đặn ở nhiều vùng trên khuôn mặt sẽ càng giảm đi, các lớp mỡ dưới da cùng các cấu trúc mô mềm và xương bên dưới càng trở nên nổi rõ hơn. Rohrich và cộng sự đã chứng minh rằng việc khôi phục các vùng mỡ có chọn lọc bằng phương pháp cấy mỡ tự thân có thể chỉnh sửa các đường nét trên khuôn mặt một cách chính xác, tạo vẻ ngoài trẻ trung và tự nhiên hơn. Lão hóa còn làm giảm sự hình thành mạch máu mới và làm giảm khả năng duy trì kết quả sau cấy mỡ tự thân. Những người bị bỏng nặng hoặc khiếm khuyết, thiếu hụt các cấu trúc dưới da sẽ cần tiêm mỡ tự thân nhiều lần vì vùng nhận mỡ đã hình thành sẹo, xơ hóa và bị tổn hại. Các khiếm khuyết nghiêm trọng về cấu trúc khuôn mặt do chứng teo nhỏ nửa mặt (hemifacial atrophy) cũng có thể được khắc phục bằng phương pháp tiêm mỡ tự thân. Tuy nhiên, ở những người này thì kết quả mà phương pháp tiêm mỡ tự thân mang lại thường kém hơn so với người bình thường và sẽ cần tiêm nhiều lần để đạt được kết quả mong muốn. 

Ngoài việc hiểu được sự khác biệt giữa các vị trí nhận mỡ, nghiên cứu được tiến hành bởi del Vecchio và Bucky đã chứng minh vai trò của việc chuẩn bị trước vị trí nhận mỡ đối với kết quả tiêm mỡ tự thân. Trong nghiên cứu này, những người tham gia được cho dùng áo nâng ngực trong 3 tuần trước và 3 tuần sau khi nâng ngực bằng mỡ tự thân. Điều này làm tăng khoảng trống nhu mô, giảm áp lực kẽ ở vú và giảm những đường nét không đều. Trong một nghiên cứu đa

trung tâm kéo dài 6 năm, những người có dùng áo nâng ngực trước và sau tiêm mỡ tự thân thì sẽ có kết quả cao hơn, nguy cơ hoại tử và biến chứng thấp hơn cũng như là khả năng tồn tại của mỡ sau khi cấy cao hơn. Sẽ cần thêm nghiên cứu bổ sung để chứng định xem liệu phương pháp này có áp dụng được cho các vị trí nhận mỡ khác ngoài ngực hay không. 

Những điều cần cân nhắc

Mặc dù các nghiên cứu này đem lại một cái nhìn tổng quan về các yếu tố chính ảnh hưởng đến kết quả của phương pháp tiêm mỡ tự thân nhưng ngoài ra còn nhiều yếu tố khác chưa được đề cập. Điều quan trọng là phải đánh giá từng khách hàng trước khi tiến hành vì vấn đề và cấu tạo giải phẫu của mỗi người là khác nhau, những điều này đều ảnh hưởng lớn đến kết quả có được và là điều quyết định thể tích mỡ cần tiêm. Các nghiên cứu đã chỉ ra sự chênh lệch đáng kể về số lượng tế bào tạo mạch nền và tế bào gốc thu từ mô mỡ trong lượng mỡ cấy ở mỗi người, đây là điều có thể giải thích cho sự khác biệt về kết quả thu được ở những người tham gia.

Các tế bào tạo mạch nền và tế bào gốc thu từ mô mỡ gần đây đã nhận được nhiều sự chú ý vì khả năng chữa lành vết thương. Cho dù là bổ sung các tế bào tạo mạch nền hoặc tế bào gốc từ mô mỡ vào lượng mỡ cấy sau xử lý hoặc bổ sung trong quá trình ly tâm thì cả hai phương pháp này đều mang lại kết quả là vùng mỡ cấy lớn hơn và duy trì kết quả được lâu dài hơn. Gentile và các cộng sự đã chứng minh rằng ở những người được tiêm mỡ tự thân có bổ sung tế bào tạo mạch nền thì 63% lượng mỡ cấy vẫn tồn tại sau một năm trong khi tỷ lệ này ở nhóm đối chứng chỉ là 39%. Nghiên cứu về việc bổ sung tế bào gốc từ mô mỡ cũng cho kết quả tương tự. Kølle và cộng sự đã nhận thấy rằng việc bổ sung tế bào gốc vào mỡ sau xử lý đã tăng cường sự hình thành mô liên kết mới và làm giảm lượng mô hoại tử của vùng mỡ cấy. Zhu và cộng sự đã chứng minh mỡ tự thân được bổ sung tế bào gốc còn giúp duy trì kết quả lâu dài hơn và tăng sự hình thành mạch máu nhờ các yếu tố tạo mạch chính, bao gồm yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu, yếu tố tăng trưởng tế bào gan và yếu tố tăng trưởng giống insulin-1. Mặc dù các nghiên cứu đã cho thấy vai trò của các yếu tố tạo mạch mà tế bào gốc thu từ mô mỡ tạo ra,  nhưng mới chỉ có rất ít nghiên cứu đánh giá vai trò các tế bào tạo mạch nền và tác động của nhóm tế bào hỗn hợp đối với sự hình thành mạch máu. Do đó sẽ cần thêm các nghiên cứu để xác định xem liệu bổ sung tế bào tạo mạch nền hay tế bào gốc thu từ mô mỡ sẽ tạo vùng mỡ cấy lớn hơn và thời gian duy trì lâu hơn.

Những người bị bỏng nặng hoặc thiếu hụt cấu trúc bên dưới da có thể cần tiêm nhiều lần để khắc phục tình trạng sẹo, xơ hóa và tổn thương ở vị trí nhận mỡ. Phương pháp tiêm nhiều lần sẽ có lợi cho một số trường hợp để tăng khả năng tạo mạch và kéo dài thời gian tồn tại của mỡ sau cấy. Các nghiên cứu bổ sung ở người sẽ tạo nền tảng cho phương pháp cấy mỡ tự thân trong tương lai và tăng mức độ phổ biến của phương pháp này trong thực tiễn lâm sàng.

Kết luận

Tiêm mỡ tự thân đã trở thành một phương pháp ngày một phổ biến để khắc phục các vấn đề về đường nét hay kích thước của nhiều vùng khác nhau trên cơ thể. Đã có rất nhiều nghiên cứu đưa ra các phương pháp để tăng cường khả năng tồn tại của mỡ tự thân sau cấy bằng cách nhắm đến cả tế bào mỡ và tế bào tạo mạch nền. Mặc dù vẫn có một số khác biệt giữa các kỹ thuật lấy mỡ và tiêm mỡ khi được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm nhưng những khác biệt này vẫn chưa đủ để xây dựng một quy trình cấy mỡ tự thân tiêu chuẩn. Hơn nữa, hiện nay cũng chưa có dữ liệu cấp độ I hoặc cấp độ II để đảm bảo một khuyến nghị đồng thuận cho thực tiễn lâm sàng. Do đó, vẫn cần thêm các nghiên cứu trên người để có thể phát triển một quy trình chuẩn cho phương pháp cấy mỡ tự thân.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây