1

Ngăn ngừa và xử lý bầm tím sau thủ thuật thẩm mỹ không phẫu thuật

Bài đọc giành cho bác sĩ. Chủ đề ngăn ngừa bầm tím sau tiêm thẩm mỹ

Định nghĩa

Vết bầm tím là những vùng xuất huyết nhỏ, hình thành do mạch máu bị tổn thương. Hiện tượng này có thể xảy ra trong da hoặc trong niêm mạc và xuất hiện dưới dạng phẳng, có hình tròn hoặc hình dạng không đều, màu xanh hoặc màu tím.

Giới thiệu

Ngày nay, các thủ thuật thẩm mỹ đang ngày càng trở nên đơn giản và phổ biến hơn. Tuy nhiên, dù không xâm lấn hay không cần phẫu thuật thì phần lớn những thủ thuật này vẫn gây bầm tím và thời gian hồi phục sau khi làm thủ thuật vẫn là một điều quan trọng cần cân nhắc đối với khách hàng trước khi tiến hành. Bầm tím, nhất là ở những vị trí dễ thấy như trên mặt, là dấu hiệu cho thấy một người đã can thiệp thẩm mỹ, tạm thời ảnh hưởng đến diện mạo bên ngoài và khiến người đó cảm thấy không được thoải mái. Ngoài tác động tiêu cực về mặt thẩm mỹ, các vết bầm trên mặt còn có thể gây hiểu nhầm về bạo hành gia đình.

Tỷ lệ

Cho đến nay, các phản ứng cục bộ như bầm tím vẫn là vấn đề không mong muốn phổ biến nhất xảy ra sau các quy trình thẩm mỹ như tiêm chất làm đầy hay tiêm botulinum toxin. Tỷ lệ xảy ra vấn đề này phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Một nghiên cứu báo cáo tỷ lệ bầm tím sau tiêm chất làm đầy da là từ 19 đến 24%, và một nghiên cứu khác lại báo cáo tỷ lệ xảy ra hiện tượng này lên tới 68%.

Giảm thiểu nguy cơ

Yếu tố từ phía khách hàng

Có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến nguy cơ bị bầm tím; do đó, trước khi tiến hành thủ thuật thẩm mỹ thì cần đánh giá cẩn thận bệnh sử của khách hàng, đặc biệt là về các phương pháp điều trị trước đó, cơ địa dễ bị bầm tím, bệnh về máu và gan, rối loạn đông máu và các loại thuốc, bao gồm cả thuốc kê đơn và không kê đơn.

Những người lớn tuổi có da mỏng và cơ chế phục hồi chậm có nguy cơ bị bầm tím cao hơn và lâu phục hồi sau khi tiến hành thủ thuật hơn.

Rượu và đồ uống có cồn cũng là nguyên nhân làm tăng thời gian đông máu và tăng nguy cơ bị bầm tím. Do đó, khách hàng cần tránh uống rượu trong vòng ít nhất 24 tiếng trước khi điều trị.

Ngoài ra, những người bị thiếu hụt chất dinh dưỡng cũng thuộc nhóm có nguy cơ bầm tím cao hơn. Thiếu vitamin C và thiếu sắt làm tăng nguy cơ bị bầm tím và làm chậm tốc độ lành thương.

Thuốc men

Nhiều loại thuốc kê đơn, chẳng hạn như aspirin, clopidogril, warfarin, thuốc chống đông kháng vitamin K (ví dụ như dabigatran, apixaban và Rivaroxaban ), heparin và heparin trọng lượng phân tử thấp sẽ làm tăng nguy cơ xuất huyết và bầm tím. Các loại thuốc này thường được chỉ định cho các trường hợp bệnh rung nhĩ, huyết khối, van tim cơ học và ở những người có nguy cơ cao hoặc có tiền sử bị nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, không được tự ý ngừng những loại thuốc này mà không có sự đồng ý của bác sĩ.

Nếu aspirin đang được sử dụng cho một chỉ định khác, chẳng hạn như giảm đau, thì có thể ngừng trong một tuần trước khi tiến hành thủ thuật thẩm mỹ.

Tương tự, các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID), 7 ví dụ như ibuprofen, naproxen, diclofenac, celecoxib và meloxicam cũng cần phải ngừng một thời gian.

Corticosteroid cũng sẽ làm tăng nguy cơ bị bầm tím vì chúng khiến cho các mao mạch trong da trở nên mỏng manh và dễ vỡ. Nếu khách hàng đang dùng thuốc theo đơn thì trước tiên cần tham khảo ý kiến bác sĩ về các rủi ro của việc ngừng thuốc.

Thảo dược và viên uống bổ sung vitamin

Các loại thảo dược và viên uống bổ sung vitamin không kê đơn đang được rất nhiều người sử dụng nhưng chúng có thể có ảnh hưởng đến thời gian đông máu và làm tăng nguy cơ bị bầm tím. Đặc biệt, dầu cá, axit béo omega-3, tỏi, vitamin E liều cao, gingko biloba, và St. John's wort đều là những sản phẩm có thể dẫn đến bầm tím nặng sau điều trị thẩm mỹ. Các bác sĩ đều khuyến nghị nên ngừng những sản phẩm này trong khoảng hai tuần trước khi tiến hành thủ thuật.

Các yếu tố về kỹ thuật thực hiện

Người thực hiện quy trình thẩm mỹ cần có kiến ​​thức sâu rộng về hệ thống tĩnh mạch và động mạch trên khuôn mặt để tránh làm thủng các mạch máu lớn và dẫn đến bầm tím. Trước khi thực hiện cần đảm bảo khách hàng đã tẩy trang sạch để xác định tất cả các mạch máu nằm sát bề mặt da và tránh trong quá trình tiêm. Ánh sáng cũng là yếu tố rất quan trọng để có thể nhìn rõ các mạch máu bên dưới. Bên cạnh đó cần sử dụng các thiết bị hỗ trợ khác như kính lúp hoặc thiết bị hiển thị ven VeinViewer để xác định mạng lưới mạch máu. Cần đảm bảo nơi diễn ra quá trình điều trị không quá nóng vì nhiệt đô cao có thể gây giãn mạch.

Tư thế của khách hàng cũng là yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ bị bầm tím. Cần tránh để khách hàng chuyển động trong quá trình thực hiện để giảm nguy cơ gây tổn thương không mong muốn. Tư thế lý tưởng là nghiêng một góc 30 độ với phần đầu được hỗ trợ bởi gối tựa. Ngoài ra, có thể cố định bàn tay của người tiêm với khách hàng để tránh cử động không cần thiết.

Kỹ thuật tiêm rẻ quạt (fanning) hoặc tiêm đường thẳng (threading) bằng kim đầu nhọn vào mặt phẳng da hoặc ngay dưới da thường dễ gây bầm tím hơn so với kỹ thuật tiêm đơn điểm (single puncture) hoặc đa điểm (serial puncture). Mặt khác, kỹ thuật tiêm depot hoặc aliquot với sản phẩm được tiêm ở trên màng xương sẽ ít gây bầm tím hơn.

Kim tiêm kích cỡ càng lớn thì nguy cơ làm tổn hại mạch máu và dẫn đến bầm tím càng cao. Nếu có thể thì nên sử dụng kim kích cỡ nhỏ, nhưng điều này còn phụ thuộc một phần vào sản phẩm được tiêm. Nếu tiêm botulinum toxin thì nên sử dụng kim 30G. Mặc dù vậy nhưng trong các nghiên cứu thì việc sử dụng kim 32G cũng không cho thấy sự khác biệt nào đáng kể về tỷ lệ bầm tím so với kim 30G.

Có một số bằng chứng cho thấy kỹ thuật tiêm rẻ quạt với kim đầu tù cannula giúp giảm tỷ lệ bầm tím. Kim đầu tù cannula cũng thường dài hơn loại kim đầu nhọn thông thường nên sẽ cần ít điểm tiêm hơn và điều này cũng làm giảm thiểu nguy cơ bị bầm tím.

Tốc độ tiêm nhanh và thể tích tiêm lớn cũng là những yếu tố làm cho nguy cơ bầm tím tăng cao hơn so với khi tiêm chậm hơn và tiêm từng ít một.

Có một số bằng chứng cho thấy việc làm mát da bằng thiết bị làm mát tiếp xúc trước khi tiêm giúp giảm từ 60 đến 88% nguy cơ bầm tím.

Cuối cùng, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc điều trị dự phòng bằng Arnica montana sẽ giúp hạn chế bầm tím sau phẫu thuật thẩm mỹ.

Các yếu tố về sản phẩm

Việc sử dụng adrenaline (epinephrine) với lidocaine có thể làm giảm nguy cơ bầm tím vì adrenaline có tác dụng co mạch và ức chế sự kích hoạt bạch cầu ái toan – các tế bào gây bầm tím. Tuy nhiên, adrenaline cần được sử dụng một cách thận trọng vì chất này sẽ gây ra hiện tượng bong tróc da và có thể che giấu đi các triệu chứng của hoại tử cấp tính. Các chất làm đầy hyaluronic acid có đặc tính chống huyết khối tự nhiên.

Những vị trí cần thận trọng

  • Khu vực quanh ổ mắt (đặc biệt là đuôi mắt - nơi da mỏng và tĩnh mạch nằm sát bề mặt da hơn) 3
  • Vùng quanh miệng và nếp nhăn hai bên khóe miệng
  • Vùng thái dương

Cách xử lý

Trước khi tiến hành điều tri, khách hàng cần được thông báo về nguy cơ bầm tím, đặc biệt là những người thuộc nhóm có nguy cơ cao. Ở người khỏe mạnh, hiện tượng bầm tím có thể tự hết trong vòng 10 đến 14 ngày nhưng cũng có thể kéo dài lâu hơn. Nên chườm lạnh trong vòng 48 tiếng đầu tiên sau điều trị và sau đó chuyển sang chườm nóng để giảm bầm tím.

Ngoài ra có thể hướng dẫn khách hàng ấn lên vị trí tiêm để giảm thiểu bầm tím bên cạnh chườm lạnh để khích thích co mạch.

Bôi gel arnica, vitamin K8 hoặc bromelain tại chỗ cũng là những cách hiệu quả để giảm sự lan rộng của vết bầm tím và làm tăng tốc độ tan máu bầm. Bromelain là một loại enzyme có nguồn gốc từ dứa với tác dụng tăng tốc độ chữa lành và giúp cơ thể loại bỏ chất thải trao đổi chất sau khi bị chấn thương. Có thể dùng 3 lần mỗi ngày, mỗi lần 200 đến 400mg.

Trong một số trường hợp, tình trạng bầm tím hoặc tích tụ sắc tố hemosiderin kéo dài có thể cần điều trị bằng các công nghệ laser, chẳng hạn như laser xung nhuộm màu (VBeam) hoặc laser KTP (potassium titanyl phosphate). Khách hàng bị bầm tím cần được khuyến cáo tránh xa ánh nắng mặt trời trong thời gian đầu sau điều trị để hạn chế nguy cơ da bị đổi màu vĩnh viễn.

Việc vận động mạnh có thể làm tăng huyết áp và khiến cho tình trạng bầm tím hiện có thêm nặng hơn; do đó, khách hàng cần tránh tập thể dục trong 24 giờ đầu sau thủ thuật thẩm mỹ. Khách hàng cũng cần tránh tiếp xúc với nhiệt độ quá cao trong thời gian này.

Cuối cùng, nếu đã thử hết các cách mà vẫn bầm tím thì có thể trang điểm để tạm thời che đi cho đến khi vết bầm biến mất.

Khối máu tụ

Thay vì tạo thành vết bầm tím, khi máu tích tụ bên dưới da hoặc bên trong cơ thì có thể bị kẹt lại, dẫn đến khối máu tụ và tạo thành một vùng cứng. Để khắc phục, trước tiên, máu bên trong khối máu tụ được hóa lỏng rồi hút ra ngoài và dẫn lưu. Cách này có hiệu quả khi khối máu vẫn chưa cứng lại hoàn toàn. Đa phần thì khối máu tụ sẽ tự tan trong vài tuần hoặc vài tháng nhờ cơ chế phá hủy tự nhiên của cơ thể. Nếu khối máu tụ có kích thước quá lớn hoặc chèn ép và gây tổn thương mô xung quanh thì có thể cần phẫu thuật để cắt bỏ. Khối máu tụ là vấn đề hiếm khi xảy ra sau các thủ thuật thẩm mỹ không phẫu thuật.

Tóm tắt

Tình trạng bầm tím thường sẽ tự khỏi trong vòng 10 đến 14 ngày và chỉ cần xử lý bằng những biện pháp đơn giản. Tuy nhiên, nếu bị bầm tím quá nặng hoặc đã hình thành khối máu tụ thì tốt nhất nên kiểm tra càng sớm càng tốt.

Khối máu tụ có thể cần phải hút và dẫn lưu hoặc phẫu thuật cắt bỏ nếu nó chèn ép lên dây thần kinh hoặc mạch máu. Nếu tình trạng bầm tím không tự hết sau 2 tuần hoặc ngày càng nặng thêm thì khách hàng cần được chuyển đến bác sĩ chuyên khoa vì đây có thể là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn và cần được kiểm tra thêm.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây