1

Độ pH Của Da Có Ảnh Hưởng Như Thế Nào Đến Hiệu Quả Chăm Sóc Da?

Độ pH cân bằng là điều rất quan trọng để có làn da khỏe mạnh. Độ pH của các sản phẩm chăm sóc da sẽ làm thay đổi độ pH của da. Sử dụng sản phẩm chăm sóc da phù hợp có thể giúp duy trì tính axit nhẹ tự nhiên của da.
pH Độ pH Của Da Có Ảnh Hưởng Như Thế Nào Đến Hiệu Quả Chăm Sóc Da?

Mất cân bằng độ pH da có thể dẫn đến nhiều vấn đề như mụn trứng cá hay bùng phát bệnh trứng cá đỏ (rosacea). Điều chỉnh thói quen chăm sóc da có thể giúp khôi phục lại sự cân bằng độ pH của da và giải quyết những vấn đề này.

Có rất nhiều điều cần biết về độ pH của da.

Độ pH có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe da. Bạn cần xây dựng thói quen chăm sóc da phù hợp với cả loại da và độ pH của da.

Độ pH là gì?

Độ pH là thước đo độ axit hoặc kiềm (bazơ) của một chất.

Thang đo độ pH trải dài từ 0 đến 14. Độ pH bằng 7 là trung tính. Nước có độ pH bằng 7.

Độ pH dưới 7 là tính axit và độ pH trên 7 là tính kiềm.
Thang đo pH sử dụng hàm số logarit, có nghĩa là mỗi giá trị có tính axit hoặc bazơ gấp 10 lần giá trị tiếp theo.

Ví dụ, độ pH 6 có tính axit cao gấp 10 lần so với độ pH 7. Mỗi một sự thay đổi nhỏ về độ pH đều có thể ảnh hưởng lớn đến làn da.

Tại sao độ pH lại quan trọng?

Độ pH có ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng và sức khỏe của làn da. Mất cân bằng pH sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề về da.

Độ pH của da quan trọng vì nhiều lý do. Khi độ pH vượt ra khỏi phạm vi “bình thường”, chức năng của enzyme sẽ bị thay đổi. Lớp phủ axit có vai trò bảo vệ da, giúp giữ cho da khỏe mạnh và lớp phủ này phụ thuộc vào độ pH.

Lớp phủ axit quyết định khả năng trung hòa các tác nhân gây hại có tính kiềm và có thể ức chế hoặc kích thích sự phát triển của vi khuẩn cũng như duy trì hệ vi sinh vật trên da.

Những chất có độ pH quá cao (trên 13) và quá thấp (dưới 2) đều có thể gây bỏng hóa chất trên da.

>>> Xem thêm:  chăm sóc da tự nhiên

Độ pH của da là bao nhiêu?

Độ pH của da dao động từ 4 - 6. Độ pH bình thường của da là khoảng 4,7, có nghĩa là da có tính axit nhẹ. Độ pH bình thường của da (cái thường được gọi là “lớp phủ axit”) thường dưới 5 do các quá trình thụ động và chủ động khác nhau diễn ra trên da. Một số chất góp phần khiến da có độ pH ở mức này là axit lactic (một thành phần tự nhiên trong mồ hôi và được tạo ra trong quá trình trao đổi chất ở lớp biểu bì) cũng như các axit béo tự do hình thành khi lipid bị phân hủy trong quá trình bong tế bào da chết tự nhiên. Vi khuẩn trên da cũng giúp duy trì tính axit nhẹ, điều này tạo điều kiện thích hợp cho nhiều enzyme trên da, đồng thời bảo vệ da khỏi các tác nhân gây hại.

Độ pH của da và phần còn lại của cơ thể có sự chênh lệch khá lớn. Độ pH của da là khoảng 4,7 trong khi độ pH của môi trường bên trong cơ thể dao động trong khoảng 7 – 9, có nghĩa là gần như trung tính.

Độ pH của da trẻ sơ sinh

Da của trẻ sơ sinh có độ pH cao hơn da người lớn và trẻ nhỏ.
Độ pH cao làm tăng hoạt động của một số enzyme giúp loại bỏ tế bào da. Khi độ pH trên da của trẻ sơ sinh giảm theo thời gian, các enzyme giúp giữ ẩm da sẽ hoạt động mạnh hơn. Độ pH trung bình của da trẻ sơ sinh là 7,08, cao hơn độ pH trung bình của da người lớn (4,7 - 5,7).

Độ pH của da trẻ sơ sinh giảm nhanh chóng trong vài ngày đầu sau khi sinh và sau đó giảm dần theo thời gian. Thông thường, khi được 3 tháng tuổi, da của trẻ sơ sinh thường có độ pH tương tự như da người lớn. Da ở mỗi một khu vực trên cơ thể trẻ có thể có độ pH khác nhau và có thể bị ảnh hưởng bởi những yếu tố như việc sử dụng tã lót và khí hậu. Bệnh chàm (viêm da cơ địa) và hăm tã là những vấn đề về da thường gặp ở trẻ sơ sinh và đa phần xảy ra ở những vùng da có độ pH cao.

Độ pH ở các vùng da trên cơ thể có khác nhau không?

Độ pH của da thay đổi theo từng vị trí trên cơ thể.

Một số vùng như nách và bẹn có độ pH da cao hơn so với các vùng khác. Điều này có thể dẫn đến sự phát triển của vi khuẩn gây mùi cơ thể. Các sản phẩm khử mùi chứa citrate có thể giúp giảm độ pH của da, ngăn vi khuẩn phát triển và nhờ đó ngăn ngừa mùi hôi.
Cằm là khu vực có độ pH cao nhất trong khi trán và mí mắt trên có độ pH thấp nhất trên khuôn mặt.

Màu da có ảnh hưởng đến độ pH của da không?

Màu da có thể ảnh hưởng đến độ pH của da.
Da ngăm có độ pH thấp hơn so với da trắng. Điều này khiến da ngăm có nhiều lipid hơn và do đó có chức năng hàng rào bảo vệ da tốt hơn.

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có da tối màu (loại da IV – V theo hệ thống phân loại Fitzpatrick) có độ pH bề mặt da thấp hơn đáng kể, có nghĩa là có tính axit cao hơn so với những người có da sáng màu (loại da I – II) (độ pH của da tối màu là 4,6 ± 0,03 trong khi da sáng màu có độ pH 5,0 ± 0,04).

Da tối màu còn có chức năng và tính toàn vẹn của hàng rào bảo vệ da cao hơn do lượng lipid biểu bì nhiều hơn, mật độ thể lamellar lớn hơn và độ pH thấp hơn.

Hệ vi sinh vật trên da và độ pH của da

Có rất nhiều loại vi khuẩn khác nhau sống trên da, có những loại chỉ ở lại trên da trong thời gian ngắn trong khi có những loại tồn tại lâu dài trên da, thậm chí ở trên da vĩnh viễn.

Những vi khuẩn này phát triển tốt nhất khi da có tính axit nhẹ nhưng có một số ngoại lệ.

Những vi khuẩn có hại như S. aureus (tụ cầu vàng) phát triển tốt hơn khi da có độ pH trung tính.

Mồ hôi có chứa một chất tên là dermicidin có thể tiêu diệt vi khuẩn gây hại trên da. Dermicidin hoạt động tốt hơn khi da có tính axit. Mồ hôi còn chứa nitrat có thể biến thành nitrit và tiêu diệt vi khuẩn gây hại trong môi trường axit.

Tại sao cần giữ cho da có tính axit nhẹ?

Tính axit nhẹ là điều rất cần thiết để duy trì chức năng bình thường của da.

Độ pH thấp mang lại nhiều lợi ích cho da như:

  • Ngăn chặn sự phát triển của vi sinh vật gây hại
  • Duy trì hàng rào bảo vệ da khỏe mạnh
  • Giúp cho quá trình thay tế bào da tự nhiên diễn ra bình thường
  • Ngăn ngừa bít tắc lỗ chân lông

Những yếu tố có thể làm thay đổi độ pH của da

Độ pH của da có thể bị ảnh hưởng bởi cả các yếu tố bên trong và bên ngoài. Các yếu tố bên trong và không thể thay đổi gồm có tuổi tác, chủng tộc, giới tính, vị trí trên cơ thể và sự khác biệt về sinh hóa.

Các yếu tố bên ngoài và có thể thay đổi gồm có mỹ phẩm, chất tẩy rửa, thuốc bôi...

Các chất và sản phẩm có độ pH cao (tính kiềm) như baking soda và xà phòng có thể làm hỏng hàng rào bảo vệ da và dẫn đến khô da.

Các chất có độ pH quá thấp (tính axit cao) như nước chanh hoặc giấm có thể gây kích ứng, châm chích, nóng rát, mẩn đỏ, rối loạn sự bong tế bào da chết tự nhiên, da nhạy cảm và nổi mụn.

Điều quan trọng là phải chú ý đến độ pH của tất cả các sản phẩm chăm sóc da.

Ví dụ, serum vitamin C cần có độ pH là 2 - 2,5 thì mới có hiệu quả. Tuy nhiên, vitamin C có tính axit và có thể gây châm chích khi sử dụng trên da nhạy cảm.

Axit hydroxy thường có độ pH từ 3,5 - 4. Kem dưỡng ẩm thường có độ pH trên 6 nếu không chứa axit.

Tất cả các sản phẩm mà bạn dùng trên da đều ảnh hưởng đến độ pH của da.

Điều quan trọng là phải chọn mỹ phẩm phù hợp với loại da và độ pH của da.

Sản phẩm chăm sóc da ảnh hưởng như thế nào đến độ pH của da?

Sữa rửa mặt chỉ ảnh hưởng đến độ pH của da trong vòng chưa đầy 10 phút. Các sản phẩm lưu lại trên da như serum và kem dưỡng có ảnh hưởng nhiều nhất đến độ pH của da.

Ví dụ về ảnh hưởng của một số sản phẩm chăm sóc da đến độ pH của da:

Kem dưỡng ẩm, sữa rửa mặt tạo bọt và sữa rửa mặt dạng kem thường có độ pH cao hơn độ pH của da nên sẽ làm tăng độ pH của da.

Sữa rửa mặt

Tất cả các loại sữa rửa mặt đều ảnh hưởng đến độ pH của da nhưng điều này không kéo dài lâu. Độ pH của da sẽ trở về mức bình thường trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi rửa mặt. Các loại sữa rửa mặt được phân loại dựa trên loại chất hoạt động bề mặt hoặc chất tẩy rửa có trong sản phẩm và mỗi loại sữa rửa mặt có tác động khác nhau đến độ pH của da:

  • Sữa rửa mặt syndet (không chứa xà phòng, được làm bằng các chất tẩy rửa tổng hợp) thường trung tính hoặc có tính axit (độ pH từ 7 trở xuống).
  • Sữa rửa mặt chứa xà phòng thường có tính kiềm (độ pH bằng 10) và có nguy cơ gây kích ứng da cao hơn so với syndet.
  • Xà phòng có độ pH cao có thể làm tăng tình trạng sưng tấy da và cứng lipid.

Rửa tay bằng xà phòng có thể làm tăng độ pH ở lòng bàn tay lên trung bình 3 đơn vị và sự thay đổi này có thể kéo dài 90 phút sau khi rửa tay.
Độ pH tăng nhẹ nhưng kéo dài do sử dụng sữa rửa mặt chứa xà phòng hàng ngày có thể ảnh hưởng xấu đến cơ chế phục hồi hàng rào bảo vệ da tự nhiên.

Một nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc sử dụng sữa rửa mặt có tính kiềm và tình trạng kích ứng da.

Kem dưỡng ẩm

Kem dưỡng ẩm có chứa dầu, sáp và các thành phần khác quyết định độ pH của sản phẩm.

Kem dưỡng ẩm lưu lại trên da nên có ảnh hưởng lớn đến độ pH của da.

Kem dưỡng ẩm cân bằng độ pH là gì?

Kem dưỡng ẩm cân bằng độ pH thường có độ pH trong khoảng 5 - 7, gần với độ pH tự nhiên của da và sẽ không làm thay đổi đáng kể độ pH của da.

Kem dưỡng axit hydroxy

Có nhiều loại kem dưỡng da chứa axit hydroxy.

Độ pH của các loại kem dưỡng này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

  • Loại axit hydroxy
  • pKa của axit hydroxy
  • Nồng độ axit hydroxy trong sản phẩm
  • Sự hiện diện của các chất đệm trong sản phẩm

Không phải loại axit hydroxy nào cũng có độ pH thấp nhưng đa phần là vậy.

Serum

Serum có thể làm thay đổi độ pH của da. Và mặt khác, độ pH của da cũng ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của serum, đặc biệt là serum vitamin C.

Đó là lý do tại sao cần sử dụng các sản phẩm chăm sóc da đúng thứ tự. Sản phẩm mà bạn sử dụng trước serum vitamin C sẽ quyết định khả năng thẩm thấu và hiệu quả của serum.
Dưới đây là mức pH lý tưởng đối với một số loại serum phổ biến:

  • Serum vitamin C: pH = 2,5 - 3,5 (càng gần 2,5 thì càng hấp thụ tốt)
  • Serum retinol: pH = 5,0 – 6,0
  • Serum axit hyaluronic: pH = 5,0 - 5,5
  • Serum niacinamide: pH = 6 - 7,5 (nếu độ pH cao hơn hoặc thấp hơn, niacinamide sẽ trở thành axit nicotinic)

Dầu dưỡng da

Độ pH của mỗi loại dầu là khác nhau.

Dưới đây là độ pH của một số loại dầu tự nhiên được sử dụng trong chăm sóc da:

  • Dầu hạnh nhân (almond oil): pH = 5,5
  • Dầu dừa (coconut oil): pH = 7 - 8
  • Dầu hoa anh thảo (evening primrose oil): pH = 7,5
  • Dầu Jojoba: pH = 4,5 - 5

Sản phẩm chăm sóc da nên có độ pH bao nhiêu?

Độ pH trung tính của các sản phẩm chăm sóc da là khoảng 5,5.

Việc lựa chọn độ pH của sản phẩm chăm sóc da phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

  • Loại da
  • Loại sản phẩm chăm sóc da (sữa rửa mặt, serum, kem dưỡng ẩm, kem chống nắng…)
  • Sản phẩm được sử dụng ở bước nào trong quy trình chăm sóc da?
  • Sản phẩm nào được sử dụng tiếp theo?
  • Đang gặp vấn đề về da nào? (mất nước, viêm, tăng sắc tố…)

Ảnh hưởng của các vấn đề về da đến độ pH của da

Mụn trứng cá và độ pH của da

Lượng bã nhờn dường như không ảnh hưởng đến độ pH của da. Tuy nhiên, các sản phẩm trị mụn trứng cá có thể làm thay đổi độ pH của da.
Ví dụ, các sản phẩm có chứa axit salicylic (BHA) thường được sử dụng để trị mụn. BHA trị mụn bằng cách làm sạch lỗ chân lông và giảm độ pH của da.

Các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm đã chỉ ra rằng vi khuẩn gây mụn trứng cá C. acnes phát triển tốt ở môi trường có độ pH từ 6 đến 6,5 và phát triển kém ở môi trường có độ pH dưới 6.

Đó là lý do tại sao bạn nên sử dụng sữa rửa mặt có độ pH thấp khi bị mụn trứng cá.

Trong một nghiên cứu trên những người có da dễ bị mụn, những người tham gia được chia làm hai nhóm, một nhóm sử dụng xà phòng có tính kiềm trong khi nhóm còn lại sử dụng sữa rửa mặt syndet có tính axit. Sau 4 tuần, số lượng tổn thương viêm tăng lên ở nhóm sử dụng xà phòng có tính kiềm và giảm ở nhóm sử dụng sữa rửa mặt syndet có tính axit. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc lựa chọn đúng loại sữa rửa mặt trong điều trị mụn trứng cá.

Một nghiên cứu khác đã đánh giá sự khác biệt về loại da và độ pH của da giữa những người bị mụn trứng cá và người không bị mụn. Các nhà nghiên cứu còn đánh giá mối liên hệ giữa mức độ tiết dầu và độ pH của da ở những người này. Kết quả kiểm tra cho thấy không có sự khác biệt về loại da cũng như độ pH giữa hai nhóm. Mức độ tiết dầu có tác động tiêu cực đến độ pH trên má ở những người bị mụn trứng cá.

Lão hóa da và độ pH của da

Người lớn tuổi có độ pH da cao hơn và khả năng cân bằng pH da kém hơn người trẻ tuổi. Điều này có thể dẫn đến giảm ceramide, một thành phần rất quan trọng đối với chức năng của hàng rào bảo vệ da. Độ pH cao còn làm tăng hoạt động của các enzyme phân hủy lipid trong hàng rào bảo vệ đa. Các enzyme tạo nên lipid cho hàng rào bảo vệ da thường cần độ pH thấp.

Bệnh chàm và độ pH của da

Một nghiên cứu trên 100 trẻ em mắc bệnh chàm (hay còn gọi là viêm da cơ địa) cho thấy những trẻ này có độ pH da cao hơn so với những trẻ không bị bệnh chàm.

Ở những trẻ bị bệnh chàm, cả vùng da có tổn thương và vùng da không có tổn thương đều có độ pH cao hơn. Các nghiên cứu khác cũng đã cho kết quả tương tự.

Có một số lý do khiến da của người mắc bệnh chàm có độ pH cao hơn. Ví dụ, da bị bệnh chàm có một số axit amin và protein nhất định ít hơn so với da khỏe mạnh mà những axit amin và protein này lại góp phần tạo ra môi trường axit trên da.

Người bị bệnh chàm còn có lượng mồ hôi ít hơn mà mồ hôi có chứa axit lactic giúp duy trì độ pH của da ở mức thấp.

Ngoài ra, da bị viêm có độ pH cao hơn da khỏe mạnh.
Chức năng hàng rào bảo vệ da bị suy yếu ở người mắc bệnh chàm có thể một phần là do những thay đổi trong quá trình tổng hợp và trưởng thành của lipid da, quá trình này phụ thuộc vào các enzyme có độ pH thấp.

Những người mắc bệnh chàm thường có nhiều vi khuẩn Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng) trên da hơn. Loại vi khuẩn này phát triển tốt nhất ở môi trường có độ pH trung tính và bị ức chế ở độ pH bằng 5.

Cấu trúc của Staphylococcus enterotoxin (độc tố do vi khuẩn Staphylococcus aureus tạo ra) cũng bị ảnh hưởng bởi độ pH. Ở độ pH bằng 5, Staphylococcus enterotoxin C2 bị mất đi cấu trúc bình thường.

Trong các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, khả năng bám dính của vi khuẩn Staphylococcus aureus vào tế bào da người tăng lên khi độ pH tăng.

Hàng rào bảo vệ da bị ảnh hưởng rất nhiều bởi sự thay đổi độ pH:

  • Sự thay đổi độ pH làm thay đổi hoạt động của enzyme
  • Giảm lượng lipid, khiến cho hàng rào bảo vệ da suy yếu
  • Giảm sự sản xuất và trưởng thành của lipid

Ngứa và độ pH của da

Nghiên cứu phát hiện ra rằng những vùng da bị ngứa dữ dội có độ pH cao hơn.
Serine proteases có thể gây ngứa bằng cách kích hoạt một số thụ thể trên da. Điều này có thể khiến da tổn thương thêm do gãi.

Da châm chích và độ pH của da

Các nghiên cứu không phát hiện thấy sự khác biệt về độ pH giữa vùng da bị châm chích khi tiếp xúc với axit lactic so với vùng da không bị châm chích.

Dấu hiệu da bị mất cân bằng pH

Da quá khô, bong tróc, chàm, ngứa và nổi mụn trứng cá đều có thể là do mất cân bằng độ pH. Các dấu hiệu của sự mất cân bằng độ pH trên da:

  • Mụn trứng cá
  • Bít tắc lỗ chân lông
  • Da xỉn màu
  • Da khô, sần sùi, thô ráp, bong tróc
  • Dễ dị ứng
  • Phát ban ở dạng nổi nhiều sẩn nhỏ li ti trên da
  • Kích ứng da
  • Da mẩn đỏ
  • Châm chích
  • Các sản phẩm chăm sóc da đang dùng đột nhiên gây kích ứng da

Mất bao lâu để độ pH của da trở lại bình thường?

Điều này còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây thay đổi độ pH của da.

Rửa mặt bằng nước máy có thể làm tăng độ pH của da và điều này có thể duy trì lên đến 6 giờ sau khi rửa

Tổn thương hàng rào bảo vệ da do các nguyên nhân như rửa mặt bằng xà phòng hoặc sữa rửa mặt tạo bọt gây kích ứng cũng sẽ làm tăng độ pH của da và có thể phải mất nhiều giờ thì độ pH của da mới trở lại mức bình thường (dưới 5,0).

Tham khảo thêm: Lợi ích của exosome trong chăm sóc da và điều trị vấn đề về da

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: chăm sóc da
Tin liên quan
4 hiểu lầm phổ biến về chăm sóc da
4 hiểu lầm phổ biến về chăm sóc da

Những năm gần đây đã có rất nhiều bước tiến mới trong lĩnh vực chăm sóc da nhưng nhiều người vẫn giữ những suy nghĩ sai lầm đã tồn tại từ rất lâu.

5 hiểu lầm phổ biến về chăm sóc da
5 hiểu lầm phổ biến về chăm sóc da

Internet là một nguồn tuyệt vời để tìm kiếm thông tin về bất kỳ chủ đề nào, bao gồm cả chăm sóc da, nhưng chính internet cũng là môi trường giúp cho các thông tin sai lệch được lan truyền một cách nhanh chóng.

6 thuật ngữ trên các sản phẩm chăm sóc da có thể bạn đang hiểu sai
6 thuật ngữ trên các sản phẩm chăm sóc da có thể bạn đang hiểu sai

Đa số chúng ta đều có tâm lý đưa ra quyết định có nên mua một sản phẩm chăm sóc da nào đó hay không dựa trên những gì được ghi trên bao bì của sản phẩm.

Chăm sóc da Bauman- Chương 2: Hiểu về các loại da
Chăm sóc da Bauman- Chương 2: Hiểu về các loại da

Tìm hiểu những kiến thức cơ bản và các yếu tố phân loại da

Các Lợi Ích Của Tinh Dầu Cam Hương (Bergamot) Trong Chăm Sóc Da
Các Lợi Ích Của Tinh Dầu Cam Hương (Bergamot) Trong Chăm Sóc Da

Tinh dầu cam hương (cam bergamot) đã được sử dụng trong sản xuất nước hoa và mỹ phẩm từ đầu thế kỷ 18. Loại tinh dầu này chứa các hợp chất chống oxy hóa, chống viêm và chống lại sự chết tế bào.

Hỏi đáp có thể bạn quan tâm
Cách chăm sóc lỗ chân lông to và thâm mụn
  •  4 năm trước
  •  0 trả lời
  •  3139 lượt xem

Bác sĩ cho em hỏi cách chăm sóc da lỗ chân lông to với thâm mụn với ạ? Tự dưng dạo này vùng mũi và gần 2 bên gò má lỗ chân lông e to quá. K biết phải làm sao. Em cảm ơn bác sĩ rất nhiều ạ!

Cách chăm sóc làm sáng da?
  •  4 năm trước
  •  0 trả lời
  •  1147 lượt xem

Thưa bác sĩ, emnăm nay 28t. Da cũng thuộc loại khá ok, trước giờ k sd quá 2 loại mp. Mấy tháng nay thấy dấu hiệu đốm nâu như kiểu lão hoá. Xưa nay em chưa bh dùng kcn cả, srm chỉ dùng lúc tắm đi ngủ thôi. Bác sĩ tư vấn giúp em cách chăm sóc giúp bảo vệ da giúp sáng và đều màu hơn với ạ. Bây giờ mà k chăm sóc da chắc sẽ mau xuống sắc lắm.Bác sĩ giúp em với nhé! Ảnh cam thường ạ

Chăm sóc da như nào cho da láng mịn?
  •  4 năm trước
  •  0 trả lời
  •  1029 lượt xem

Hôm nay em mạnh dạn chụp cam thường xin bác sĩ tư vấn về da. E chăm hoài mà ko láng mịn nên chán qúa. Da e là da hỗn hợp. Mùa đông khô nứt, mùa hè thì đổ dầu. Những sản phẩm e dùng: -Srm Fresh soy -Toner Badskin/ Labo labo -Serum Kiehl’s Dark spot -Serum mắt Lancome -Dưỡng ẩm Fresh lotus youth. Giờ đổi sang Olehenrikhen -Kem trị mụn và chống nắng của Paula's Choice Da e nhạy cảm nên dùng thử BHA bị ngứa rát Bác sĩ cho e lời khuyên nên dùng gì để cải thiện da với ạ? Cảm ơn bác sĩ

Video có thể bạn quan tâm
Da đẹp - trắng sáng - căng bóng sau 3 buổi TRẺ HÓA DA tại Kangnam Da đẹp - trắng sáng - căng bóng sau 3 buổi TRẺ HÓA DA tại Kangnam 08:46
Da đẹp - trắng sáng - căng bóng sau 3 buổi TRẺ HÓA DA tại Kangnam
? Hồi sinh làn da lão hóa, nếp nhăn, chảy xệ? Da tươi sáng, mịn màng như tuổi đôi mươi? Hiệu quả ngay sau 3 lần? Inbox ngay nhận...
 4 năm trước
 2540 Lượt xem
Bạn hiểu gì về nếp nhăn? Bạn hiểu gì về nếp nhăn? 05:11
Bạn hiểu gì về nếp nhăn?
Tại sao tôi dùng rất nhiều các loại kem chống nhăn mà mắt tôi vẫn nhăn thế?
 6 năm trước
 1897 Lượt xem
TRẺ HÓA, ĐỀU MÀU DA, TRỊ THÂM MỤN BẰNG CÔNG NGHỆ NEW PASTELLE TRẺ HÓA, ĐỀU MÀU DA, TRỊ THÂM MỤN BẰNG CÔNG NGHỆ NEW PASTELLE 05:28
TRẺ HÓA, ĐỀU MÀU DA, TRỊ THÂM MỤN BẰNG CÔNG NGHỆ NEW PASTELLE
Hiệu quả THẤY RÕ chỉ sau buổi đầu tiên!>> Theo dõi quá trình thực hiện của khách hàng ngay dưới đây để hiểu rõ hơn về dịch vụ này!---------------Tình...
 5 năm trước
 1797 Lượt xem
Công nghệ Hifu - nâng cơ trẻ hóa da Công nghệ Hifu - nâng cơ trẻ hóa da 03:31
Công nghệ Hifu - nâng cơ trẻ hóa da
Theo dõi quy trình thực hiện công nghệ Hifu và ngắm nhìn kết quả
 6 năm trước
 1780 Lượt xem
Giải pháp nào cho da nhiễm corticoid Giải pháp nào cho da nhiễm corticoid 04:51
Giải pháp nào cho da nhiễm corticoid
Vấn nạn về corrticoid ở Việt Nam có lẽ nhiều nhất trên thế giới.
 6 năm trước
 1726 Lượt xem
Công nghệ Hifu - hỏi nhanh - đáp gọn - hiểu sâu Công nghệ Hifu - hỏi nhanh - đáp gọn - hiểu sâu 03:11
Công nghệ Hifu - hỏi nhanh - đáp gọn - hiểu sâu
Tìm hiểu về công nghệ Hifu - nâng cơ trẻ hóa
 6 năm trước
 1671 Lượt xem

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây