Chăm sóc da Bauman- Chương 2: Hiểu về các loại da
Hình ảnh thực tế (Click xem ảnh to)
Nội dung chính của bài viết
- Da được cấu tạo từ 3 lớp theo thứ tự từ ngoài vào trong: Lớp biểu bì - lớp trung bì - lớp hạ bì.
- Để phân ra các loại da khác nhau, Baumann dựa vào 4 yếu tố của da, đó là: tính giữ ẩm, tình nhạy cảm, nhiễm sắc tố, nhăn và căng.
- Khi hiểu rõ các yếu tố của da và thực hiện bảng câu hỏi trắc nghiệm phân loại da Baumann, bạn sẽ biết được mình thuộc loại da nào, từ đó có cách chăm sóc phù hợp nhất.
Trong chương sau, bảng câu hỏi trắc nghiệm phân loại da Baumann sẽ giúp bạn nhận biết bốn yếu tố chủ đạo giúp xác định loại da của bạn. Bốn yếu tố đó bao gồm: dầu > < khô ; nhạy cảm > < khỏe; nhiễm sắc tố > < không nhiễm sắc tố; nhăn > < căng. Nhưng trước hết trong chương này, tôi sẽ trình bày những hiểu biết cơ bản về các yếu tố trên cũng như cơ sở khoa học của chúng. Những yếu tố then chốt đó tương tác với nhau tạo ra tính chất, các vấn đề, nhu cầu và điểm yếu của da, từ đó quyết định xem sử dụng sản phẩm, thành phần hay liệu pháp điều trị nào là phù hợp. Để bắt đầu, tôi sẽ giới thiệu với bạn một số kiến thức cơ bản về da.
SINH HỌC VỀ DA
Da được cấu tạo từ 3 lớp theo thứ tự từ ngoài vào trong: Lớp biểu bì - lớp trung bì - lớp hạ bì.
Lớp ngoài cùng của da là biểu bì được cấu tạo từ 4 lớp nhỏ khác nhau. Khi bạn nhìn vào da ai đó, tức là bạn đang nhìn vào lớp ngoài cùng của biểu bì (lớp sừng) gồm những tế bào phản xạ được ánh sáng. Lớp sừng còn được gọi là lớp tế bào chết, khi lớp này đồng nhất, nó sẽ phản xạ ánh sáng đồng đều, vì vậy da bạn trông sẽ mịn màng và sáng hơn so với lúc sần sùi.
Lớp trong cùng của biểu bì gồm các “tế bào mẹ”, được gọi là tế bào nền/lớp tế bào đáy – loại tế bào sản sinh ra tất cả các tế bào da còn lại. Chúng sinh ra các “tế bào con” và các tế bào con này sẽ được đẩy dần lên tạo thành các lớp trên của biểu bì. Khi di chuyển như thế, chúng sẽ già và cuối cùng chết đi, do đó lớp ngoài cùng của lớp biểu bì gồm toàn các tế bào chết, chúng sẽ bong ra một cách tự nhiên.
Quá trình này gọi là “vòng đời tế bào”, kéo dài từ 26 đến 42 ngày. Khi bạn càng già thì vòng đời tế bào càng kéo dài, tức là quá trình làm mới tế bào chậm đi, làm cho bề mặt da bạn trông thô ráp hơn.
Các tế bào ở lớp ngoài cùng (lớp sừng) có chứa yếu tố dưỡng ẩm tự nhiên (NMF). Khi môi trường khô, cơ thể bạn phản ứng lại bằng cách sản xuất nhiều NMF hơn, nhưng quá trình đó phải mất vài ngày, vì thế da bạn trở nên khô hơn trước khi có sự trợ giúp của NMF. Đó là lý do tại sao việc dưỡng ẩm cho da bạn trong điều kiện thời tiết khô là rất quan trọng.
Các tế bào lớp giữa của biểu bì giải phóng ra các chất tạo thành lớp màng lipid (chất béo) bao quanh tế bào giúp da giữ nước. Ngón tay, ngón chân có ít lipid hơn cẳng chân nên không giữ nước tốt bằng. Vì thế sau khi nhúng lâu trong nước, ngón tay và ngón chân bạn trông nhăn nheo, còn cẳng chân thì không.
Da bạn nứt nẻ trong mùa đông vì lipid bị làm cứng lại do thời tiết lạnh, chúng không đủ linh hoạt để thích nghi với sự chuyển động. Mục đích của những loại kem dưỡng ẩm tốt nhất là làm tăng những lipid quan trọng này (kem dưỡng ẩm phục hồi màng lipid- còn gọi là kem dưỡng ẩm phục hồi hàng rào da).
YẾU TỐ 1: TÍNH GIỮ ẨM CỦA DA
DA DẦU > < DA KHÔ
Với da dầu, da bạn trông sẽ bóng hơn và bạn nên tránh những sản phẩm gây cảm giác nhờn. Bạn dễ bị trứng cá và nổi mụn hơn so với loại da khô. Những người da khô thường nhận thấy da họ có cảm giác khô, có màu xám và sần sùi.
Da dầu hay khô phụ thuộc chủ yếu vào tình trạng của Hàng rào da (các lớp tế bào sừng ngoài cùng giúp da giữ ẩm) và sự sản xuất dầu (bã nhờn) của da.
Hàng rào da
Hàng rào da giống như bức tường gạch, trong đó các viên gạch (các tế bào lớp sừng) được bao quanh bởi vữa (màng lipid). Các thành phần độc hại, thời tiết lạnh và khô có thể làm hỏng những lipid này, gây ăn mòn vữa, từ đó các viên gạch không còn vững chắc nữa.
Nhiều tác nhân bên ngoài như: các chất tẩy rửa, acetone, clo, và các chất hóa học khác, thậm chí ngâm da trong nước lâu cũng có thể làm hại hàng rào bảo vệ da. Đồng thời, nó có thể bị khuyết do các nguyên nhân về gen.
Hàng rào da có 2 chức năng quan trọng: ngăn nước trong da bốc hơi ra ngoài và ngăn các chất kích thích bên ngoài xâm nhập vào trong da. Khi hàng rào da hư tổn hoặc suy yếu sẽ dẫn đến khô da và nhạy cảm da. Khô da vì nước trong da bốc hơi ra ngoài, nhạy cảm da vì các chất bên ngoài xâm nhập và gây kích ứng da.
Các thành phần chính của hàng rào da gồm: ceramide, acid béo, cholesterol, và một số thành phần lipid khác. Các thành phần này phải có tỷ lệ phù hợp để giữ cho da không thấm hay không thoát nước.
Khôi phục hàng rào da bằng các sản phẩm chăm sóc thích hợp sẽ giúp điều trị nhiều vấn đề của da. Chế độ ăn uống cung cấp các yếu tố dinh dưỡng thiết yếu như các acid béo và cholesterol giữ vai trò quan trọng trong việc phục hồi lại hàng rào da. Thiếu dinh dưỡng có thể làm suy yếu khả năng khôi phục và tái thiết của nó, vì thế nhiều người uống các thuốc làm giảm cholesterol thường bị khô da.
Sản xuất dầu
Da có nhiều tuyến bã tiết ra dầu trong đó chứa các thành phần như các este nền, triglyceride và squalene. Dầu được tiết ra từ tuyến bã, đổ vào lỗ chân lông và lên bề mặt da tạo nên lớp màng phủ bề mặt da giúp giữ ẩm bên trong da.
Trong khi việc sản sinh dầu tăng lên sẽ gây ra da dầu ( da nhờn), trường hợp ngược lại không phải lúc nào cũng đúng, da khô cũng có thể là do lớp hàng rào da bị hư tổn chứ không hẳn là do tuyến bã hoạt động kém.
Việc sản xuất dầu có thể bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn, stress, nội tiết và gen. Một nghiên cứu trên 20 cặp anh em sinh đôi cùng trứng và khác trứng cho thấy lượng dầu ở anh em sinh đôi cùng trứng là giống nhau, trong khi ở anh em sinh đôi khác trứng lại khác nhau đáng kể.
Kết quả kiểm tra O/D (dầu/khô) trong bảng hỏi sẽ chỉ ra da bạn là dầu hay khô, mức độ nặng hay nhẹ và các vấn đề về da mà bạn gặp phải, từ đó đưa ra cách giải quyết các vấn đề đó.
YẾU TỐ 2: TÍNH NHẠY CẢM CỦA DA
NHẠY CẢM > < KHỎE
Da khỏe có một hàng rào da vững chắc giúp ngăn các tác nhân gây dị ứng và các chất kích thích xâm nhập. Trừ phi bị cháy nắng, da khỏe hiếm khi bị tê buốt, đỏ hay trứng cá nên loại da này có thể sử dụng hầu hết các sản phẩm mà không bị dị ứng. Tuy nhiên, điều bất lợi là nhiều sản phẩm sẽ không hiệu quả bởi chúng không đủ mạnh để có thể xâm nhập được vào hàng rào da quá “dày” này.
Da nhạy cảm chiếm hơn 40% dân số, hàng rào da ở loại da này yếu hơn nên dễ bị tác động. Rất nhiều sản phẩm được sản xuất dành riêng cho da nhạy cảm, tuy nhiên có 4 nhóm da nhạy cảm khác nhau, nên sự lựa chọn các liệu pháp điều trị và các sản phẩm chăm sóc da phải phù hợp với nhóm da của bạn.
- Nhóm mụn trứng cá: bị mụn trứng cá, mụn đầu đen, hoặc mụn đầu trắng (mụn cám).
- Nhóm bệnh trứng cá đỏ: da mặt thường xuyên đỏ tấy và nhạy cảm với nhiệt nóng.
- Nhóm tê buốt: bị tê buốt hoặc nóng da.
- Nhóm dị ứng: bị đỏ da, ngứa và tróc vảy.
Tất cả các nhóm da này có điểm chung là: tình trạng viêm. Vì thế, tất cả các liệu pháp điều trị loại da nhạy cảm đều hướng đến việc giảm viêm và loại trừ các nguyên nhân gây viêm.
Nhóm mụn trứng cá
Khoảng 70-80% người bị mụn trứng cá ở lứa tuổi 11-25. Nhiều phụ nữ trưởng thành bị trứng cá là do rối loạn nội tiết. Người trưởng thành bị mụn thường gặp rắc rối nhiều hơn so với thanh thiếu niên.
Ba yếu tố tạo nên mụn trứng cá: da dầu, lỗ chân lông bị bít và vi khuẩn P.acnes. Chúng tương tác với nhau theo cơ chế sau: dầu sẽ kết dính các tế bào da chết lại với nhau dẫn đến hiện tượng lỗ chân lông bị bít gây ra mụn đầu đen hoặc mụn đầu trắng (mụn cám), sau đó vi khuẩn xâm nhập vào trong lỗ chân lông gây ra viêm (biểu hiện là đỏ và mưng mủ).
Cách điều trị trứng cá cần làm là giảm tiết dầu, giải quyết hiện tượng bít lỗ chân lông và diệt vi khuẩn. Tôi sẽ hướng dẫn bạn cách đối phó với vấn đề trứng cá của từng loại da trong các chương sau.
Nhóm bệnh trứng cá đỏ
Trứng cá đỏ thường bắt đầu xuất hiện ở người trưởng thành trên 25 tuổi. Các triệu chứng của nó là: da mặt thường xuyên có đám đỏ da, hoặc cơn đỏ bừng mặt (tức là đỏ mặt không thường xuyên, bị theo cơn, khi hết cơn mặt lại bình thường), các sần và mụn mủ, các mạch máu nhỏ nổi rõ trên mặt.
Trước tuổi 25, người có khuynh hướng bị trứng cá đỏ có thể bị cơn đỏ bừng mặt và đỏ da khi xúc động mạnh. Nhiều nghiên cứu chỉ ra vi khuẩn gây viêm loét dạ dày (H.pylori) có thể góp phần gây trứng cá đỏ. Những bệnh nhân bị trứng cá đỏ có mụn viêm và đỏ da nên kiểm tra để xác định H.pylori, loại vi khuẩn này có thể được điều trị bằng cách uống kháng sinh. Nếu bạn bị bệnh trứng cá đỏ, nên gặp bác sĩ da liễu lấy đơn thuốc để điều trị hiệu quả.
Bệnh trứng cá đỏ: mảng đỏ da ở má và cằm
Bệnh trứng cá đỏ: đám đỏ da và giãn mao mạch
Bệnh trứng cá đỏ: các sần, mụn mủ nằm trong đám đỏ da
Nhóm da tê buốt
Là da bị tê buốt khi phản ứng với các sản phẩm và thành phần không phải do dị ứng mà do sự tăng độ nhạy cảm ở các đầu mút thần kinh có trong da. Trong da liễu, các xét nghiệm như loại xét nghiệm acid lactic có thể xác định bạn có thuộc nhóm da tê buốt hay không. Nếu da bạn thuộc nhóm này, bạn có thể có cảm giác tê buốt khủng khiếp khi phản ứng với axit benzoic có trong nhiều sản phẩm như: KY Jelly và kem trị viêm âm đạo do nấm Candida.
Nhóm da bị tê buốt không nhất thiết phải có các triệu chứng tấy đỏ hay bị kích ứng. Nhóm da tê buốt nên tránh các sản phẩm chứa các thành phần sau:
- Axit Alpha hydroxyl (Axit glycolic)
- Axit Benzoic
- Bronopol
- Axit Cinnamic tổng hợp
- Dowicil 200
- Formaldehyde
- Lactic acid
- Propylene glycol
- Quaternary ammonium tổng hợp
- Sodium lauryl sulfate
- Axit Sorbic
- Urea
- Vitamin C
Nhóm da dị ứng
Khi hàng rào da bị suy yếu, các chất bên ngoài có thể xâm nhập vào sâu trong da. Thông qua những lỗ hổng này, các chất gây dị ứng, các chất hóa học và các chất kích thích khác từ bên ngoài sẽ xâm nhập vào bên trong da và mạch máu từ đó kích hoạt phản ứng viêm. Đó là cơ chế dị ứng da tiếp xúc, nhưng bên trong cơ thể cũng có các dị ứng với thức ăn hoặc các chất khác gây biểu hiện viêm ra ngoài da.
Một khảo sát dịch tễ học ở Anh cho thấy trong một năm 23% phụ nữ và 13,8% đàn ông có phản ứng ngược với sản phẩm chăm
sóc da của họ. Trong khi tê buốt là phản ứng hay gặp nhất, hiện tượng dị ứng với các thành phần mỹ phẩm cũng khá phổ biến. Để xác định thành phần nào trong mỹ phẩm gây dị ứng, bác sĩ da liễu thực hiện “test con tem”: 20 đến 100 thành phần được dán lên lưng bệnh nhân.
Sau 24-48 tiếng, bóc tấm dán ra, những vùng da nào bị đỏ hoặc sưng cho thấy: có dị ứng. Theo nhiều nghiên cứu, khoảng trên 10% bệnh nhân thử nghiệm có dị ứng với ít nhất một thành phần mỹ phẩm, nhưng trên thực tế, có thể còn nhiều hơn bởi phần lớn mọi người không đến bác sĩ mà tự chữa trị tại nhà khi gặp trường hợp đó.
Các thành phần gây dị ứng hay gặp nhất là hương liệu và chất bảo quản. Những người sử dụng nhiều sản phẩm chăm sóc da khác nhau có khả năng bị dị ứng cao hơn do tiếp xúc với nhiều thành phần hơn. Những người có da khô (hàng rào da bị suy yếu) cũng hay bị dị ứng hơn so với thông thường.
Tuy nhiên, dù da bạn thuộc loại nào, do số người bị dị ứng vẫn chiếm tỷ lệ cao, nên không thể chắc chắn rằng một sản phẩm nào đó là phù hợp với bạn mà không cần kiểm tra trước bằng “test con tem”. Vì thế tôi luôn khuyên những người có da nhạy cảm nên thử các mẫu sản phẩm trước khi mua. Nếu da của bạn phản ứng với nhiều thành phần, bạn cần hỏi ý kiến của bác sĩ da liễu để xác định chính xác những thành phần nào gây dị ứng để từ đó tránh chúng.
Dị ứng hay xuất hiện nhất ở hai loại da khô và da nhạy cảm, vì thế từ chương 12 đến chương 15 tôi sẽ chỉ cho bạn cách làm hàng rào da trở nên khỏe mạnh để làm giảm nhẹ vấn đề này.
YẾU TỐ THỨ 3: NHIỄM SẮC TỐ
NHIỄM SẮC TỐ >< KHÔNG NHIỄM SẮC TỐ
Thang điểm trong bảng câu hỏi nhiễm sắc tố >< không nhiễm sắc tố đánh giá nguy cơ bị những vết đen, sạm màu không mong muốn trên mặt hoặc trên ngực của bạn.
Tế bào tạo sắc tố da (có tên melanocyte) sản xuất ra sắc tố da (melanin) có màu nâu đen. Melanin tạo ra màu da đồng thời cũng tạo ra các dạng nhiễm sắc tố như: nám má, nốt tàn nhang, vết thâm... Melanin hấp thụ các tia tử ngoại (tia UV) trong ánh nắng để chúng không thể phá hủy da bạn. Khi tiếp xúc nhiều với ánh nắng, da bạn bị đen đi do nó sản xuất nhiều melanin hơn để chống lại các tia UV, đây là cơ chế tự bảo vệ của da.
Những người Châu Phi và những người sống ở vùng khí hậu nhiệt đới nhiều nắng nóng sẽ có nhiều melanin trong da hơn, do đó da họ thường sẫm màu hơn những người ở Châu Âu. Chính vì thế những người da màu (Châu Á, Châu Phi, Mỹ Latinh) thường rơi vào loại da nhiễm sắc tố, nhưng không phải tất cả họ đều vậy.
Những người có nước da cân bằng và không bị các vết đen, sạm màu sẽ là da không nhiễm sắc tố, cho dù da họ là da màu. Mặt khác, người da trắng Châu Âu bị tàn nhang và nám má thì vẫn có thể thuộc loại da nhiễm sắc tố. Thang điểm P/N (nhiễm sắc tố/không nhiễm sắc tố) sẽ đánh giá khả năng bị những vết đen không mong muốn, chứ không đánh giá dựa trên chủng tộc da.
Tại sao tôi nhấn mạnh đến “những vết đen không mong muốn”? Vì có tới 21% bệnh nhân gặp bác sĩ da liễu để điều trị vấn đề này. Trong quyển sách này, tôi sẽ tập trung vào những loại vết đen có thể được xóa bỏ mà không cần đến phẫu thuật. Mụn ruồi, các đám sẹo sẽ nằm ngoài phạm vi của cuốn sách. Thay vào đó, tôi sẽ tập trung vào nám má, tàn nhang đồi mồi và chấm tàn nhang di truyền − những vấn đề có thể được cải thiện bằng các sản phẩm chăm sóc da và các liệu pháp điều trị không phẫu thuật.
Tế bào sắc tố sản xuất Melanin và "bơm" vào các tế bào da bên trên qua các tua
Chi tiết hơn về tế bào sắc tố nhiều tua bơm melanin vào các tế bào biểu bì da
Tế bào sắc tố Melanocyte như con bạch tuộc nhiều tua bơm melanin. Tế bào sắc tố bên phải bình thường. Tế bào sắc tố bên trái hoạt động mạnh, bơm nhiều melanin dẫn đến hình thành vết nám
Những vết đen
Nám má (Melasma)
Nám da là các đám màu đen, nâu, với kích thước từ 1 đồng xu hoặc lớn hơn ở trên mặt hoặc ngực. Chúng thường xuất hiện tại những vùng da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, hay gặp ở phụ nữ từng mang thai hoặc sử dụng liệu pháp estrogen (uống thuốc tránh thai hoặc uống thuốc nội tiết estrogen sau tuổi mãn kinh).
Nám má có thể khiến bạn thấy khó chịu và trong những trường hợp nặng sẽ khiến mặt mũi bạn trở nên xấu xí. Thường gặp ở phụ nữ da màu như người châu Á, Mỹ Latin, nám má khó có thể chữa khỏi nhưng có thể kiểm soát bằng các sản phẩm chăm sóc da và liệu pháp phù hợp.
Nám da ở 2 bên má và mũi
Nốt tàn nhang (nốt đồi mồi- nốt ánh nắng) (Solar lentigos)
Nốt tàn nhang hình thành do phơi nắng hoặc bị cháy nắng. Chúng là một biểu hiện của sự lão hóa da, có khi còn đáng lo hơn cả nếp nhăn vì nhiều người Châu Á chia sẻ rằng họ thường lo lắng về các vết đen hơn những nếp nhăn. Đây là rối loạn sắc tố da lành tính có hình tròn hoặc hình bầu dục, kích thước từ vài mm đến 2cm.
Chúng có nhiều màu sắc khác nhau như từ vàng sậm đến nâu đen. Nốt tàn nhang xuất hiện ở những vùng da phơi nắng nhiều, điển hình là mặt, mu bàn tay, ngực, lưng. Chúng ta hoàn toàn có thể phòng được chúng bằng việc tránh ánh nắng trực tiếp và dùng sản phẩm chống nắng.
Nhiều chấm tàn nhang trên mặt
Tàn nhang (đồi mồi) ở mu tay trái
Những bệnh nhân của tôi thường nói rằng họ muốn “có làn da giống như tôi”, có nghĩa là da tôi không bị những vết đen và nếp nhăn − hai biểu hiện của sự lão hóa. Nhiều người quá chú ý đến các nếp nhăn nên không nhận ra những vết đen đã lấy đi sự tươi trẻ của làn da họ như thế nào.
Trong lần khám đầu tiên, tôi dùng đèn Wood (ánh sáng đen) hoặc 1 camera UVB để phát hiện ra những vết đen trước khi có thể nhìn rõ chúng bằng mắt thường. Hầu hết mọi người bị sốc khi nhìn thấy những gì trên kính chiếu. Nếu bạn thuộc loại da dầu khỏe- nhiễm sắc tố-căng (ORPT) với nhiều nốt tàn nhang, hãy làm theo những chỉ dẫn ngăn ngừa nếp nhăn của da dầu-khỏe-nhiễm sắc tố-nhăn (ORPW) như một biện pháp phòng ngừa.
Chấm tàn nhang di truyền (ephilides)
Mặc dù ephilides và nốt tàn nhang trông khá giống nhau nhưng ephilides thường gặp ở những người da trắng và tóc đỏ, trong khi nốt tàn nhang thì không. Gen MC1R đóng vai trò trong việc tạo nên những ephilides này, được tìm thấy ở người da trắng tóc đỏ. Bạn không thể kiểm soát được gen, nhưng bạn có thể kiểm soát được việc tiếp xúc với ánh nắng.
Chấm tàn nhang di truyền ephilides xuất hiện sớm khi một người còn nhỏ, tăng lên do hậu quả của cháy nắng trước tuổi 20 và phần nào biến mất khi người đó già đi, trong khi nốt tàn nhang sẽ ngày càng trầm trọng hơn theo tuổi tác.
Chấm tàn nhang di truyền ephilides ở cô gái da trắng tóc đỏ
Những người da trắng, tóc đỏ dễ bị ephilides, họ dễ bị cháy nắng và da họ không thể “TAN” (rám nắng), nên cuối cùng họ thường phải tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh mặt trời nhiều hơn so với những người bị nốt tàn nhang do ánh nắng. Tuy nhiên, những người da trắng, tóc đỏ có nhiều nguy cơ bị ung thư tế bào sắc tố da hơn, tỷ lệ tăng lên ở những người có tiền sử cháy nắng và phơi nắng thường xuyên.
Không giống như người bị nhiều nốt tàn nhang thường là loại da nhăn, những người bị ephilides có thể rơi vào nhóm da căng nếu họ tránh phơi nắng và làm theo chế độ chăm sóc tốt cho da như: ăn thức ăn giàu chất chống oxi hóa, không hút thuốc và dùng retinoid.
Loại bỏ những vết đen
Tế bào tạo sắc tố da (melanocyte) sản xuất ra sắc tố da (melanin) sẽ tạo ra màu da đồng thời cũng tạo ra các dạng nhiễm sắc tố như: nám má, tàn nhang. Nhiễm sắc tố da có thể được ngăn ngừa theo hai cơ chế chính. Đầu tiên là ức chế men tyrosinase giúp ngăn ngừa sự tạo thành melanin. Nhiều thành phần mỹ phẩm như hydroquinone, axit kojic, arbutin, và licorice extract là các chất ức chế men tyrosinase. Cơ chế thứ 2 là ngăn ngừa sự vận chuyển melanin từ tế bào tạo sắc tố da vào trong các tế bào biểu bì từ đó làm nhạt màu da.
Nhiễm sắc tố và nguy cơ ung thư da
Nhiễm sắc tố góp phần tạo nên nguy cơ ung thư da. Tôi sẽ trình bày chi tiết điều này trong các chương về từng loại da. Ung thư tế bào sắc tố xảy ra khi các tế bào sắc tố trở thành ác tính. Mặc dù có thể chữa trị nếu phát hiện sớm, nhưng loại ung thư này di căn rất nhanh nên việc phát hiện sớm là rất quan trọng. Ung thư tế bào không sắc tố da là loại ung thư của các tế bào biểu bì, bao gồm hai loại khác nhau, Loại thứ nhất là ung thư tế bào đáy xảy ra tại “lớp tế bào mẹ” nằm giữa biểu bì - trung bì, loại này có thể cắt bỏ dễ dàng nhưng để lại sẹo;
Loại thứ hai là ung thư tế bào vảy - các lớp tế bào trên cùng của da. Mặc dù có thể di căn nhưng chúng ít gây nguy cơ tử vong hơn ung thư tế bào sắc tố. Mọi người nên kiểm tra thường xuyên và điều trị ngay lập tức. Bạn có thể tham khảo hướng dẫn để phát hiện ra “các dấu hiệu của ung thư tế bào sắc tố: A, B, C, D” trong chương 5 và “làm thế nào để nhận ra ung thư tế bào không sắc tố da” trong chương 7. Khi nghi ngờ có dấu hiệu của ung thư da, hãy đến gặp bác sĩ da liễu ngay lập tức.
Tia tử ngoại (tia UV)
Tia UV gồm 2 loại tia là UVA và UVB. Khi tiếp xúc với da, tia tử ngoại sẽ kích thích tăng sản xuất sắc tố melanin, tạo ra nước da rám nắng màu nâu vàng (gọi là TAN). Rám nắng chính là phản ứng tự bảo vệ của da chống lại sự phá hủy của tia tử ngoại. Đồng thời tia UV cũng làm nám má nặng hơn và gây ra các nốt tàn nhang.
Tia UVB gây ra cháy nắng, còn tia UVA xuyên sâu vào trung bì gây ra sự phá hủy lâu dài. Nhiều loại sản phẩm chống nắng không thể ngăn được cả 2 loại tia này, loại kem chống nắng tốt nhất cũng không thể ngăn 100% các tia có hại. Tránh nắng là phương pháp quan trọng nhất để phòng ngừa nhiễm sắc tố da.
Những người da trắng mà điểm số nhiễm sắc tố (P) cao dễ bị tàn nhang và có nhiều nguy cơ bị ung thư tế bào sắc tố da hơn. Những người da màu như người châu Á, Ý, và Mỹ Latin thường có điểm nhiễm sắc tố khá cao.
YẾU TỐ 4: NHĂN VÀ CĂNG
Quá trình lão hóa diễn ra cả bên trong lẫn bên ngoài. Sự lão hóa bên trong là do gen của mỗi người quy định, nó sẽ xuất hiện theo thời gian, là điều không thể tránh khỏi và nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Sự lão hóa bên ngoài là do những yếu tố như việc hút thuốc lá, ô nhiễm, thiếu chất dinh dưỡng, và phơi nắng − là điều có thể thay đổi được.
Trong những yếu tố trên, yếu tố gây lão hóa phổ biến nhất là tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, vì thế tôi nhấn mạnh vào việc dùng sản phẩm chống nắng thích hợp. Ở đây, tôi sẽ khái quát những nguyên tắc cơ bản của việc chống nắng và trong từng chương về từng loại da, tôi sẽ giới thiệu các sản phẩm chống nắng thích hợp.
Dùng sản phẩm chống nắng hàng ngày
Hãy tập thói quen dùng sản phẩm chống nắng vào mỗi buổi sáng dù bạn ở trong nhà hay đi ra ngoài. Tia UVA có thể xuyên được qua cửa sổ để vào trong nhà, vào trong ô tô hay máy bay. Hãy để loại kem chống nắng yêu thích của bạn trong ô tô, ngăn kéo của bàn làm việc và trong túi để phòng trường hợp bạn quên bôi nó vào buổi sáng. Hãy chọn kem chống nắng với chỉ số SPF tối thiểu là 15 để bảo vệ da hàng ngày khi bạn không định phơi nắng lâu.
Bạn cũng có thể tìm thấy tác dụng chống nắng trong nhiều loại sản phẩm chăm sóc da khác như: kem dưỡng ẩm, kem nền và phấn phủ chứa SPF. Hãy đảm bảo rằng nếu dùng kết hợp các sản phẩm thì tổng chỉ số SPF ít nhất phải là 15. Bạn không nên tin rằng phấn phủ hoặc kem nền chứa đủ lượng SPF như nó ghi trên hộp, bạn phải kết hợp với kem chống nắng hoặc kem dưỡng ẩm chống nắng thì mới có tác dụng bảo vệ thực sự.
Bôi sản phẩm chống nắng
Bôi sản phẩm chống nắng lên mặt, cổ, ngực, mu bàn tay và toàn bộ những vùng cơ thể tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời – “những vùng da làm lộ tuổi của bạn” (tôi thường đoán tuổi của một người bằng cách nhìn vào bàn tay, cổ và ngực của người đó).
Không có liệu pháp nào có thể làm trẻ hóa vùng da cổ của bạn, do đó điều quan trọng nhất là phải bảo vệ những vùng da đó nếu bạn muốn giữ sự trẻ trung của mình. Nếu những vùng da khác như chân, vai, cánh tay, lưng và bàn chân… cũng tiếp xúc với ánh nắng từ 15 phút trở lên, hãy bôi kem chống nắng lên chúng.
Phơi nắng nhiều
Nếu bạn đi bơi, chơi thể thao, đến bãi biển hoặc lái xe dưới trời nắng, hoặc bất kỳ hoạt động nào phải tiếp xúc nhiều với ánh nắng, tôi khuyên bạn làm những việc sau:
- Bôi sản phẩm chống nắng có chỉ số SPF 45-60 và cứ một tiếng thì bôi lại một lần.
- Bôi sản phẩm chống nắng 30 phút trước khi ra ngoài nắng để nó có thể thấm hết vào trong da.
- Cố gắng chỉ ra ngoài nắng vào những lúc ánh sáng mặt trời yếu, như trước 10 giờ sáng và sau 4 giờ chiều.
- Nên dùng ô bất cứ khi nào có thể.
- Mặc quần áo chống nắng.
Thêm vào đó, hãy bôi kem chống nắng lên người bạn vì khả năng chống nắng của quần áo thấp hơn nhiều so với mọi người nghĩ. Một chiếc áo sơ mi bình thường có chỉ số SPF khoảng 5, còn loại vải dày và khít sẽ chống nắng tốt hơn. Bạn có thể bôi sản phẩm chống nắng lên vùng mắt nếu bạn không bị ngứa, nóng hoặc rát da.
Nhưng hãy cẩn thận bởi khi thời tiết rất nóng hoặc tham gia các hoạt động thể thao vận động mạnh, bạn sẽ ra nhiều mồ hôi và kem chống nắng có thể sẽ chảy vào trong mắt gây cảm giác rát bỏng. Nếu gặp trường hợp này, hãy chọn sản phẩm chống nắng chứa thành phẩn không gây nhức buốt như Titanium dioxide (Titan oxit) hoặc Zinc oxide (kẽm oxit).
Một điều bạn chưa biết: sau khi bơi lâu, nếu bạn tắm nắng sẽ làm tăng nguy cơ bị cháy nắng. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng sau khi tiếp xúc với nước sạch hay nước muối, da bạn sẽ dễ bị cháy nắng hơn. Vì thế bạn nên tránh điều này, đặc biệt với những người có loại da không nhiễm sắc tố vì làn da ít melanin của họ dễ bị tia UV phá hủy hơn.
Để có thể bơi được trong mùa nóng mà không bị cháy nắng, sau khi bơi hãy lau khô người và bôi nhiều kem chống nắng với mức SPF từ 30 trở lên, mặc quần áo thích hợp và đợi khoảng 20 phút cho da bạn khô trước khi ra nắng.
Chống nếp nhăn
Chống nắng chính là chìa khóa để phòng nếp nhăn, ngoài ra còn vài yếu tố nữa. Lớp biểu bì làm da trông sáng và mềm mại, nhưng nếp nhăn xuất hiện là do sự thay đổi ở trung bì (lớp bên dưới biểu bì). Thật không may, nhiều thành phần chăm sóc da không thể thấm sâu đến lớp trung bì để cải thiện nếp nhăn. Nhưng có một vài ngoại lệ. Thành phần Retinol mỹ phẩm và thuốc Retinoid kê theo đơn sẽ giúp ngăn ngừa sự hình thành nếp nhăn. \
Các chất chống oxi hóa khi được sử dụng thích hợp trên da sẽ ngăn ngừa sự lão hóa một cách hiệu quả. Mục tiêu của “chống nếp nhăn” là ngăn chặn sự mất đi của collagen, elastin và axit hyaluronic (HA). Đây là ba thành phần cấu trúc quan trọng của lớp trung bì, chúng giảm đi theo độ tuổi hoặc khi da bị viêm.
Vài sản phẩm kem bôi chống lão hóa chứa ba thành phần này với mục đích bổ sung lại cho da của bạn lượng bị thiếu, nhưng điều đó là không thể vì phân tử của chúng quá lớn để có thể hấp thụ được qua lớp biểu bì để vào trung bì khi bôi ngoài da. Mặc dù axit hyaluronic trong các sản phẩm bôi ngoài da có thể giúp da giữ ẩm, nhưng nó không thể thấm sâu vào lớp trung bì da thay thế lượng HA bị mất đi.
Sử dụng các chất kích thích da tự sản xuất collagen, elastin và HA là hướng đi hiệu quả hơn. Retinoid, vitamin C và peptit đồng
(copper peptide) đã được chứng minh là có tác dụng thúc đẩy quá trình tổng hợp collagen. Việc tiêm chúng vào lớp trung bì được gọi là liệu pháp tiêm làm đầy da (tiêm filler). Tôi sẽ trình bày về liệu pháp này chi tiết hơn ở phần sau của quyển sách.
Nếu test bảng câu hỏi ở chương 3 chỉ ra bạn thuộc loại da nhăn, đừng vội thất vọng. Bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được những vấn đề của loại da này, chỉ cần biết cách nhận biết và thực hiện các bước để ngăn ngừa. Bạn không thể kiểm soát được yếu tố bên trong như gen, nhưng bạn có thể điều khiển được yếu tố bên ngoài.
- Phơi nắng thúc đẩy quá trình lão hóa vì tia UV sẽ:
- Phá hủy collagen (yếu tố cấu trúc chống đỡ, đàn hồi của da)
- Phá hủy elastin (yếu tố giúp da đàn hồi)
- Làm giảm axit Hyaluronic (yếu tố giữ nước, làm da căng đầy)
- Phá hủy AND của tế bào, có thể gây biến đổi, hư hại tế bào da
- dẫn đến ung thư da
- Phân hủy các enzyme cần thiết cho sự tổng hợp các thành
- phần quan trọng của tế bào
Một thực tế đáng buồn là khi cấu trúc da của bạn đã bị phá hủy thì việc giúp nó trở lại như cũ sẽ vô cùng khó khăn. Vì thế tốt hơn là hãy bảo vệ da bạn ngay từ bây giờ, đừng để sau này mới hối tiếc. Tránh ánh nắng, dùng sản phẩm chống nắng, không hút thuốc và tránh ô nhiễm, uống bổ sung các thành phần chống oxi hóa và ăn nhiều rau củ quả sẽ giúp giảm nếp nhăn một cách hiệu quả.
Thêm vào đó, dùng retinoid đều đặn theo đơn và các sản phẩm chăm sóc da chứa chất chống oxi hóa cũng giúp ích rất nhiều. Thay đổi thói quen sống sẽ thay đổi da bạn từ loại nhăn thành loại da căng. Tôi vốn thuộc loại da nhăn, nhưng da tôi bây giờ vẫn căng vì tôi biết cách cải thiện làn da của mình. Nếu bạn rơi vào ranh giới giữa da nhăn và căng, làm theo lời khuyên của tôi dành cho da nhăn sẽ giúp bạn ngăn ngừa các nếp nhăn hiệu quả.
4 YẾU TỐ DA TƯƠNG TÁC VỚI NHAU NHƯ THẾ NÀO?
Cách bốn yếu tố kết hợp với nhau sẽ tạo ra một khuynh hướng chung phổ biến nào đó. Ví dụ loại da nhiễm sắc tố - nhăn thường có tiền sử phơi nắng khá nhiều, biểu hiện ở nếp nhăn và nốt tàn nhang. Sử dụng Retinoid hoặc điều trị ánh sáng sẽ tốt cho những người thuộc loại da này.
Loại da khô - nhạy cảm có nhiều khả năng bị viêm da cơ địa và nên dùng dưỡng ẩm để phục hồi lại hàng rào da. Da dầu - nhạy cảm dễ bị trứng cá. Những người da trắng có loại da dầu, nhạy cảm, đặc biệt ở người có nếp nhăn và tiền sử bị ánh nắng phá hủy nhiều, sẽ có khuynh hướng phát triển những nếp nhăn và bệnh trứng cá đỏ. Loại da không nhiễm sắc tố - nhăn thường là da trắng và có nếp nhăn. Loại nhiễm sắc tố - căng hay gặp nhất ở người da đen.
Bây giờ đã đến lúc:
- Trắc nghiệm da Bauman để xác định loại da của bạn, sau đó:
- Quay lại chương 1 để tìm link viết về loại da của bạn, sau đó:
- Vào phần diễn đàn để post số điểm da, các vấn đề về da, các sản phẩm bạn đang dùng. Các bác sĩ sẽ kiểm tra giúp bạn xem đã chăm sóc da đúng chưa.
(Nguồn: Các liệu pháp chăm sóc da hoàn hảo)
Bạn tự hỏi về các loại kem đêm và loại kem dưỡng ẩm ban đêm tốt nhất cho bạn sẽ như thế nào? Thông thường mọi người cho rằng không có sự khác biệt thực sự giữa các loại kem dưỡng ẩm ban đêm và kem dưỡng ban ngày.
Những năm gần đây đã có rất nhiều bước tiến mới trong lĩnh vực chăm sóc da nhưng nhiều người vẫn giữ những suy nghĩ sai lầm đã tồn tại từ rất lâu.
Cho đến nay, đa số mọi người đều cho rằng chỉ có một cách phân loại da, theo đó da gồm có 4 loại là da thường, da khô, da dầu và da hỗn hợp. Cách phân loại này có một vấn đề lớn, đó là cung cấp quá ít thông tin về làn da và khách hàng thường gặp khó khăn trong việc tự đánh giá làn da của mình cũng như khi lựa chọn mỹ phẩm.
Mô tả ngắn gọn về loại da này, gồm có 4 yếu tố: da dầu- nhạy cảm- không nhiễm sắc tố-căng
Với những người có làn da dầu, khỏe, nhiễm sắc tố, nhăn, việc bắt đầu chăm sóc da từ sớm sẽ đem lại những lợi ích rất lớn cho sức khỏe về lâu dài của làn da.
- 0 trả lời
- 3094 lượt xem
Bác sĩ cho em hỏi cách chăm sóc da lỗ chân lông to với thâm mụn với ạ? Tự dưng dạo này vùng mũi và gần 2 bên gò má lỗ chân lông e to quá. K biết phải làm sao. Em cảm ơn bác sĩ rất nhiều ạ!
- 0 trả lời
- 1116 lượt xem
Thưa bác sĩ, emnăm nay 28t. Da cũng thuộc loại khá ok, trước giờ k sd quá 2 loại mp. Mấy tháng nay thấy dấu hiệu đốm nâu như kiểu lão hoá. Xưa nay em chưa bh dùng kcn cả, srm chỉ dùng lúc tắm đi ngủ thôi. Bác sĩ tư vấn giúp em cách chăm sóc giúp bảo vệ da giúp sáng và đều màu hơn với ạ. Bây giờ mà k chăm sóc da chắc sẽ mau xuống sắc lắm.Bác sĩ giúp em với nhé! Ảnh cam thường ạ
- 0 trả lời
- 1001 lượt xem
Hôm nay em mạnh dạn chụp cam thường xin bác sĩ tư vấn về da. E chăm hoài mà ko láng mịn nên chán qúa. Da e là da hỗn hợp. Mùa đông khô nứt, mùa hè thì đổ dầu. Những sản phẩm e dùng: -Srm Fresh soy -Toner Badskin/ Labo labo -Serum Kiehl’s Dark spot -Serum mắt Lancome -Dưỡng ẩm Fresh lotus youth. Giờ đổi sang Olehenrikhen -Kem trị mụn và chống nắng của Paula's Choice Da e nhạy cảm nên dùng thử BHA bị ngứa rát Bác sĩ cho e lời khuyên nên dùng gì để cải thiện da với ạ? Cảm ơn bác sĩ