Hàm sưng phình bất thường sau tiêm botox thon gọn hàm
Hình ảnh thực tế (Click xem ảnh to)
Đường viền hàm sưng phình bất thường khi cắn, nhai sau tiêm botox thon gọn hàm là tình trạng khá phổ biến và thường gặp ở nhiều bệnh nhân. Nguyên nhân thực tế một phần đến từ đặc điểm giải phẫu của khối cơ cắn đã được tiêm botox trước đó cũng như kỹ thuật tiêm thường được khuyến nghị. Tuy nhiên đây chỉ được xem là tình trạng tạm thời, không nên coi đó là một biến chứng vì vấn đề này khó tránh khỏi và hoàn toàn có thể khắc phục được sau đó.
Hiện tượng này xảy ra sau tiêm vài ngày đến 1 – 2 tuần, khi lẽ ra khối cơ cắn đã suy yếu, giảm hoạt động và bắt đầu giảm kích thước. Nhưng khi bệnh nhân ăn nhai, hay siết hàm lại thấy khối cơ này phình to bất thường, khiến đường viền hàm không những không thon gọn hơn mà còn to hơn, hoặc bất cân đối. Tùy từng trường hợp bệnh nhân mà hiện tượng này có thể tự sớm biến mất hoặc cần can thiệp tiêm thêm để khắc phục.
Nguyên nhân khiến cơ cắn sưng phình bất thường sau tiêm gọn hàm
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần là do chính đặc điểm giải phẫu của cơ cắn và một phần cũng do kỹ thuật tiêm sâu được khuyến khích thực hiện để đảm bảo botox không bị lây lan sang các khối cơ khác.
Trước hết chúng ta sẽ đi sâu vào nguyên nhân liên quan đến đặc điểm giải phẫu cơ cắn. Cơ cắn là cơ khép hàm mạnh nhất trong nhóm cơ nhai và thường phát triển to hơn ở người Châu Á so với người da trắng, dẫn đến đường viền hàm to, bè không thon gọn. Cơ cắn chia làm 3 lớp: lớp sâu, lớp giữa và lớp nông như hình trên. Trong đó, ở phần dưới sâu của lớp nông có một cấu trúc các sợi gân, những sợi gân này cũng nằm ở phần dưới của cơ cắn (vị trí thường tiêm botox vào) nên được gọi là gân dưới sâu (deep inferior tendon - DIT) (xem hình dưới).
Và theo nghiên cứu, chính gân DIT này là nguyên nhân ngăn chặn botox lan vào toàn bộ lớp bụng cơ nông, khiến cho lớp này không bị ảnh hưởng, không bị suy yếu đi và vẫn phình lên khi bệnh nhân nhai hoặc siết hàm sau tiêm. Kỹ thuật tiêm thường được khuyến khích là phải đặt mũi kim sâu (đi qua lớp nông của cơ cắn, để đảm bảo botox không bị lan), do đó toàn bộ botox được tiêm vào sẽ nằm dưới lớp gân DIT này và bị DIT chặn lại. Tức là lúc này botox chỉ xâm nhập và tác động được đến bụng cơ ở lớp giữa và lớp sâu, còn bụng cơ ở lớp nông không bị ảnh hưởng nên phần cơ này vẫn khỏe và có thể co lại như bình thường. Và khi bệnh nhân nhai hay siết hàm, phần cơ này sẽ co lại, hoạt động hết cỡ để bù cho phần cơ bị suy yếu đi ở lớp giữa và lớp sâu nên mới có hiện tượng sưng phình to bất thường.
Ngoài nguyên nhân liên quan đến DIT và độ sâu tiêm, thì cũng còn các nguyên nhân khác có thể bao gồm: sử dụng liều ban đầu thấp, không đủ để làm suy yếu và đạt hiệu quả teo cơ. Một số bó cơ ở xa vị trí tiêm có thể không bị ảnh hưởng bởi botox, và hiện tượng sưng phình bất thường sau tiêm chính là do sự co thắt của những bó cơ không bị ảnh hưởng này.
Bên cạnh đó, tác dụng điều trị của botox cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như số lần tiêm và nồng độ botox sử dụng. Ví dụ ở những người có khối cơ cắn dày, kích thước to thì một lần tiêm chưa thể cho hiệu quả tối ưu và botox càng bị pha loãng nhiều thì hiệu quả đạt được càng không cao.
Làm gì để ngăn chặn cơ cắn sưng phình bất thường sau tiêm?
Để ngăn chặn tình trạng này, ở những bệnh nhân đã có tiền sử cơ cắn phình to bất thường sau tiêm, tốt nhất nên kết hợp cả tiêm nông và tiêm sâu. Như vậy sẽ tránh được trường hợp chỉ tiêm sâu và botox không thể tác dụng lên lớp cơ nông.
Ngoài ra, bác sĩ trong quá trình thăm khám ngoài sờ nắn để xác định khối cơ cắn cũng cần siêu âm để xác định chính xác độ dày khối cơ, qua đó đưa ra liều lượng tiêm phù hợp. Liều lượng tiêm trung bình cho mỗi bên cơ cắn để đạt hiệu quả thường là từ 20 – 25 đơn vị mỗi bên, tuy nhiên có những khối cơ mạnh và dày có khi cần đến 40 đơn vị. Và thậm chí, sau lần tiêm đầu vẫn chưa thể làm suy yếu mà buộc phải tiêm bổ sung, đây cũng là điều bình thường và bệnh nhân nên được thông báo trước về những vấn đề này.
Cách khắc phục cơ cắn sưng phình bất thường sau tiêm?
Tình trạng này có thể biến mất sau một vài tuần mà không cần can thiệp gì, vì thế bệnh nhân nên đợi để botox khuếch tán trước khi thực hiện các biện pháp can thiệp.
Trong trường hợp hiện tượng sưng phình vẫn còn tồn tại hoặc thậm chí nặng hơn sau 1-2 tuần thì có thể bác sĩ sẽ chỉ định tiêm thêm 5 – 10 đơn vị vào lớp cơ nông. Ở những trường hợp cơ cắn sưng phình do dùng liều ban đầu quá thấp, có thể sẽ được chỉ định tiêm thêm liều cao hơn để đạt hiệu quả tối đa.
Tóm lại, hiện tượng cơ cắn/hàm sưng phình bất thường sau tiêm mặc dù có thể xảy ra nhưng cũng không phải vấn đề nghiêm trọng vì hoàn toàn có thể can thiệp khắc phục. Do đó, trong trường hợp không may gặp phải tình trạng này, bệnh nhân không nên hoang mang, lo lắng, mà cần kiên nhẫn theo dõi khoảng 2 tuần. Sau đó tái khám để bác sĩ kiểm tra và xác định xem có cần tiêm bổ sung hay không.
Tiêm Botox hay Dysport và Xeomin là những biện pháp điều trị nhăn không cần đến phẫu thuật đã được thực hiện cho hàng triệu người trên thế giới.
Botox thon gọn hàm mặc dù là quy trình không phẫu thuật, không xâm lấn nhưng đòi hỏi người thực hiện phải có chuyên môn cao và hiểu biết sâu rộng về giải phẫu vùng hàm. Do đó nếu không may được thực hiện bởi những bác sĩ không chuyên hoặc kỹ thuật viên tay nghề non kém thì nguy cơ gặp phải các vấn đề sau tiêm là khó tránh khỏi.
Cười lệch, cười không tự nhiên hay không thể cười rộng hết cỡ là những biến chứng liên quan đến nụ cười phổ biến nhất ở bệnh nhân sau tiêm botox thon gọn hàm.
Tiêm độc tố Botulinum A (bao gồm Botox, Dysport và Xeomin) là quy trình không can thiệp phẫu thuật phổ biến nhất từ năm 2000. Năm 2014, có hơn 3 triệu quy trình được thực hiện.
Tìm hiểu về tiêm botox- bài đọc chuyên ngành giành cho bác sĩ
- 1 trả lời
- 7740 lượt xem
Dạ bs cho e hỏi ? Mặt e đã gọt xương nhưng e tiêm botox . E tiêm loại botox 100 ! Lần đầu e tiêm nửa hộp e thấy mặt nhỏ đi trông thấy . Lần 2 e tiêm thêm nửa hộp còn lại . Giờ e thấy mặt e hóp với cơ bị rút lại quá . E rất ít nhai đồ cứng ! Cho em hỏi ! Mình phải nhai nhiều hơn cơ mới ra lại hay là botox tự đào thảo vậy ạ . E tiêm cách đây 6 tháng rồi vẫn vậy ! Giờ e muốn mặt e trở về như cũ e phải làm sao đây ạ ! E trông chờ 6 tháng nhưng vẫn không tan được xí nào ? E cảm ơn ạ
- 6 trả lời
- 6157 lượt xem
Chào bác sĩ, hôm qua tôi mới tiêm botox vào cơ cắn đề làm thon gọn hàm, nhưng hôm nay lại thấy khi cắn chặt răng lại ở bên trái mặt có một khối phồng lên. Trước đây tôi cũng thực hiện quy trình này rồi nhưng chưa bao giờ xảy ra tình trạng này. Điều gì gây ra vấn đề này? Có phải do tụ máu không?
- 4 trả lời
- 6148 lượt xem
3 ngày trước tôi tiêm 25 unit botox vào mỗi bên cơ cắn. Nhưng hôm qua tôi thấy khi siết chặt hàm cơ cắn lại nhô phình ra nhiều, tình trạng này không hề xảy ra trước khi tiêm. Tôi cũng hơi nhức và thấy yếu vùng hàm khi nhai. Đây có phải là phản ứng bình thường sau tiêm không?
- 2 trả lời
- 2148 lượt xem
Tôi mới tiêm 12 unit botox để xóa nếp nhăn dọc hai bên lông mày, nhưng sau đó bị sưng ở phía trên và xung quanh hai bên lông mày. Tôi có chườm mát nhưng cũng không giảm. Tình trạng này có bình thường không và bao lâu sẽ hết?
- 6 trả lời
- 1045 lượt xem
Tôi đã tiêm 40 đơn vị botox vào trán và vùng vết chân chim. Bác sĩ có nói rằng tiêm cũng sẽ giúp nâng lông mày lên. Đã được 9 ngày và bây giờ một bên chân mày cao hơn đáng kể so với bên kia, có một vết lõm ở phía trên bên chân mày cao hơn nữa. Tôi đã thấy tình trạng này từ vài ngày trước, nghĩ rằng chỉ cần chờ thêm ít ngày sẽ cải thiện nhưng lại càng xấu hơn. Dưới hai bên mắt cũng bị sưng phình lên nữa, và có vẻ má cũng hơi xệ.