1

Các biến chứng có thể gặp phải sau tạo hình thành bụng

Các biến chứng tại chỗ như tụ dịch, tụ máu, hoại tử... dễ xảy ra hơn các biến chứng toàn thân nguy hiểm, ngoài ra còn có biến chứng về mặt thẩm mỹ mà bệnh nhân nên biết.
Biến chứng sau tạo hình thành bụng Các biến chứng có thể gặp phải sau tạo hình thành bụng

Biến chứng sau tạo hình thành bụng là gì

Biến chứng là bất kỳ hiện tượng nào bất ngờ, có tác động xấu tới kết quả của ca phẫu thuật hoặc làm chậm tiến độ hồi phục, đôi khi cần làm thêm phẫu thuật để xử lý biên chứng. Biến chứng có thể có mức độ từ nhẹ đến nặng, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng.

Dựa trên những ca bệnh đã được công bố, bệnh nhân sau tạo hình thành bụng thường gặp biến chứng tại chỗ (biến chứng chỉ bó hẹp trong một vùng cụ thể) nhiều hơn là những biến chứng toàn thân.

Tỉ lệ gặp biến chứng nói chung sau tạo hình thành bụng được ghi nhận là 10-20% đối với bệnh nhân gặp các biến chứng tại chỗ, trong khi có ít hơn 1% bệnh nhân gặp phải các biến chứng toàn thân nguy hiểm hơn.

Các biện pháp ngăn ngừa và quản lý sau phẫu thuật là cần thiết để đối phó với những biến chứng bao gồm tụ dịch, tụ máu, nhiễm trùng, hoại tử da, sẹo phì đại, các triệu chứng thần kinh, biến dạng rốn, huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi, suy hô hấp và tử vong. Ngoài các biến chứng trên, còn có các biến chứng về mặt thẩm mỹ, thường chỉnh sửa được thông qua một ca phẫu thuật thêm sau khi bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn.

Yếu tố rủi ro

Mỗi bệnh nhân mỗi khác và có những người dễ gặp phải biến chứng hơn số còn lại. Nguyên nhân cho việc này có thể là:

  • Sức khỏe tổng quát. Nói chung, bệnh nhân có sức khỏe tốt thường sẽ hồi phục nhanh hơn và ít gặp biến chứng hơn so với những bệnh nhân có sức khỏe kém. Tuổi tác cũng có thể góp một phần, nhưng không quan trọng bằng tình trạng sức khỏe thực sự.
  • Nhóm bệnh nhân thừa cân, béo phì. Những cá nhân thuộc nhóm béo phì có thể gặp phải những biến chứng y hệt nhóm không béo phì, nhưng tỉ lệ gặp phải biến chứng của họ thường cao hơn. Những biến chứng mà nhóm bệnh nhân này dễ mắc phải nhất là tụ dịch, viêm mô bào, bục vết mổ và áp-xe.
  • Thói quen xấu. Hút thuốc là điều cấm kỵ đối với bệnh nhân làm phẫu thuật. Bệnh nhân sử dụng thuốc lá trước phẫu thuật thường có tỉ lệ gặp biến chứng cao hơn so với người không sử dụng.
  • Bệnh lý khác. Những người mắc các bệnh về tim phổi, tiểu đường không kiểm soát, xơ gan... không thích hợp làm phẫu thuật thẩm mỹ tạo hình thành bụng.
  • Yếu tố di truyền. Những yếu tố như khả năng đông máu, tốc độ lành vết thương... có thể ảnh hưởng tới quá trình hồi phục và chúng có thể chịu ảnh hưởng bởi di truyền. Trước khi phẫu thuật, các bác sĩ sẽ làm xét nghiệm

Bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh không có nghĩa là không gặp biến chứng, nhưng nhìn chung tỉ lệ gặp biến chứng của nhóm bệnh nhân này sẽ thấp hơn hoặc có biểu hiện nhẹ hơn, cũng như họ có tốc độ hồi phục nhanh hơn so với các bệnh nhân sức khỏe kém. Đối với người bệnh có rủi ro cao, các bác sĩ sẽ đặc biệt chú ý áp dụng các biện pháp phòng ngừa thích hợp để đề phòng và hạn chế biến chứng.

Tụ dịch

Tụ dịch sau tạo hình thành bụng là một trong những biến chứng phổ biến nhất. Hiện tượng này được định nghĩa là dịch trong suốt tích tụ trong khoảng trống dưới da, chẩn đoán thông qua thăm khám trực tiếp hoặc siêu âm. Nguyên nhân chủ yếu là do hệ bạch huyết bị gián đoạn, không thể thực hiện chức năng dẫn lưu bạch huyết như bình thường, dẫn đến tình trạng ứ đọng tạm thời sau phẫu thuật.

Biểu hiện của tụ dịch thường là một khối lồi lên tại vùng đã phẫu thuật. Ổ tụ dịch thường có đặc trưng là lỏng lẻo và có tính chất giống như quả bóng nước. Nếu ổ tụ đủ to thì khi vỗ sẽ có hiệu ứng sóng nước ở da; nếu ổ tụ vừa và nhỏ thì khi ấn vào một chỗ thì chỗ khác sẽ lồi lên, hoặc không có biểu hiện cụ thể ra bên ngoài. Những ổ tụ nhỏ có thể tự biến mất khi hệ bạch huyết hồi phục và tiếp tục dẫn lưu dịch, những ổ tụ to hơn sẽ cần bác sĩ điều trị. Ổ tụ khi tồn tại đủ lâu có thể hình thành nang bao bọc, trở nên cứng hơn và chuyển thành tụ dịch mạn tính. Ổ tụ dịch có thể gây ảnh hưởng đến kết quả thẩm mỹ cuối cùng. Có thể chữa ổ tụ mạn tính bằng các tiêm chất xơ cứng để loại bỏ khoang dịch tụ, hoặc phải làm phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn túi nang. May mắn là các ổ tụ dịch (từ nhỏ đến vừa) thường sẽ khỏi khi được rút dịch bằng ống tiêm.

Với tạo hình thành bụng, ống dẫn lưu thường xuyên được đặt vào vùng đã làm phẫu thuật để liên tục dẫn lưu dịch ra ngoài, từ đó ngăn dịch hình thành. Ống dẫn lưu sẽ được theo dõi và rút bỏ sau khi bác sĩ đánh giá mức độ dịch chảy ra thấp hơn 25-30ml trong một khoảng thời gian nhất định (1-2 ngày). Tụ dịch vẫn có thể hình thành sau khi tháo ống dẫn lưu. Hiện nay, một số bác sĩ ủng hộ phương pháp khâu giảm căng tịnh tiến, tức là dùng chỉ khâu vạt da nhiều lần xuống lớp cơ bên dưới, thay vì chỉ khâu riêng vết mổ. Mục tiêu của biện pháp đó là loại bỏ không gian giữa hai lớp da và cơ, loại bỏ nơi để dịch tích tụ, từ đó ngăn ngừa tụ dịch.

Việc mặc gen nịt bụng, băng ép, đồ bó cũng được xem là một biện pháp hiệu quả để ngừa và hạn chế tụ dịch. Vì gen nịt ép hai lớp da và cơ với nhau, vừa thúc đẩy liền da, vừa hạn chế không gian trống giữa hai lớp này, từ đó ngăn tụ dịch hình thành.

Nhiễm trùng

Nhiễm trùng là biến chứng phổ biến thứ hai sau tạo hình thành bụng, bao gồm nhiễm trùng vết mổ và nhiễm trùng ổ tụ dịch. Biểu hiện của nhiễm trùng thường là ban đỏ, sưng, đau và nhiệt độ vùng nhiễm trùng tăng cao hơn so với vùng xung quanh. Rỉ dịch và các triệu chứng toàn thân cũng có thể xuất hiện trong các trường hợp nhiễm trùng nghiêm trọng hơn.

Nhiễm trùng là một chủ đề phức tạp, nó thường do nhiều yếu tố gây nên. Những bước sát khuẩn, vệ sinh làm sạch trong và sau phẫu thuật là rất quan trọng để giảm thiểu nguy cơ bị nhiễm trùng. Trong đó, bệnh nhân nên chủ động với công đoạn giữ vệ sinh sau phẫu thuật.

Bệnh nhân sẽ được cho sử dụng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng. Phẫu thuật cắt bỏ mô nhiễm trùng là phương án cuối cùng để điều trị các ca nặng, không phản ứng phù hợp với kháng sinh.

Hoại tử da

Trong tạo hình thành bụng, hoại tử da sẽ lộ diện trong những ngày đầu trong quá trình hồi phục. Hoại tử thường bắt đầu ở điểm giữa của đường rạch mổ, đa phần là sự kết hợp của hoại tử da và hoại tử mỡ, với hoại tử da chỉ là phần bề nổi. Các mô quanh vùng bị hoại tử nhanh chóng sưng và cứng lại. Hoại tử thường kéo theo bục vết mổ hoặc các vấn đề về vết mổ khác.

Nguyên nhân chính dẫn đến hoại tử là do thiếu máu cung cấp đến vạt da. Tạo hình thành bụng thường bóc tách da lên đến mép dưới xương sườn, cắt đứt nhánh mạch máu ở quanh rốn và các mao mạch nối từ cơ. Sau phẫu thuật, vạt da phụ thuộc hoàn toàn vào nhánh mạch máu chạy từ mép xương sườn xuống và các mạch máu ở hai bên hông. Nguồn máu phải chạy qua hai vùng mạch trước khi chạm đến mép vạt da. Điểm giữa đường rạch mổ là vị trí xa nguồn cung cấp máu nhất, vì thế dễ bị thiếu máu. Do đó hoại tử cũng thường xuất hiện ở đây đầu tiên. Những áp lực (co kéo, làm căng giãn...) tác động lên vết mổ càng khiến tình trạng thiếu máu trở nên trầm trọng hơn.

Các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ sẽ áp dụng các biện pháp phòng ngừa tối đa để hạn chế hết mức có thể nguy cơ hoại tử da. Các biện pháp cể thể kể đến như hạn chế cắt bỏ mạch máu đến tối đa trong khi vẫn đảm bảo khả năng kéo căng da (sử dụng biện pháp bóc tách không liên tục và dịch chuyển mỡ - hút mỡ để “nới lỏng” da khỏi cơ, nhưng vẫn bảo quản phần nào hệ mạch máu); sử dụng mũi khâu giảm căng tịnh tiến để phân chia áp lực lên toàn vùng phẫu thuật thay vì tập trung vào vêt mổ. Bác sĩ nên đảm bảo cung cấp đủ nước cho bệnh nhân; tránh sử dụng gen nịt-đồ bó quá chật; duy trì số đo huyết áp tâm thu bình thường và tránh môi trường lạnh.

Thói quen sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng nguy cơ bị hoại tử, vì thành phần nicotin có khả năng hạn chế lưu lượng máu chảy tới da. Nhìn chung, bệnh nhân nên ngừng hút thuốc it nhất 3 tuần trước và sau phẫu thuật, hoặc tùy theo thời gian mà bác sĩ yêu cầu. Trong trường hợp lý tưởng, bệnh nhân nghiện thuốc lá có thể nhân cơ hội này cai thuốc luôn một lần, sẽ có lợi cho sức khỏe về lâu dài.

Hoại tử rốn cũng là một loại biến chứng có thể xảy ra. Nguyên nhân của nó là do máu cung cấp qua cuống rốn không đủ, tỉ lệ xảy ra là khoảng 0,2%. Khi tiến hành thắt cơ, bác sĩ cần đặc biệt cẩn thận để không làm nghẽn mạch máu chạy vào cuống rốn.

Tụ máu

Tụ máu sau tạo hình thành bụng ít phổ biến hơn tụ dịch hoặc hoại tử da, tỉ lệ ghi nhận chỉ khoảng 2%.

Biểu hiện lâm sàng của tụ máu hoàn toàn phụ thuộc vào kích cỡ của ổ tụ. Nếu ổ tụ nhỏ thì nó có thể hoàn toàn không có biểu hiện, nếu ổ tụ to thì nó sẽ có biểu hiện như sưng, đau tại chỗ, bầm da, thường xuất hiện trong vòng 24 giờ đầu. Tụ máu kích thước lớn mà vẫn chưa ngừng chảy máu có thể dẫn đến huyết động không ổn định và sốc do giảm thể tích. Chính vì vậy mà bệnh nhân cần được theo dõi cẩn thận trong giai đoạn đầu sau phẫu thuật.

Các yếu tổ rủi ro dẫn đến tụ máu thường là cao huyết áp, không cầm được máu trong quá trình làm phẫu thuật, và bệnh đông máu bẩm sinh hoặc mắc phải. Thêm vào đó, bệnh nhân có chỉ số BMI lớn thường dễ bị tụ máu hơn.

Trước khi làm phẫu thuật, bác sĩ cần nghiên cứu bệnh sử, xét nghiệm và kiểm tra các yếu tố liên quan đến xuất huyết. Bệnh nhân cần được cảnh báo về những loại thuốc không cần kê đơn mà họ phải tránh, vì chúng có khả năng ảnh hưởng tới chức năng của tiểu cầu trong lúc làm phẫu thuật. Ví dụ như cần tránh aspirin, những loại thuốc chống sưng viêm không chứa steroid, các loại thảo dược, vitamin E...

Biện pháp điều trị đúng đắn dành cho biến chứng này sẽ phải phụ thuộc vào kích cỡ, thời gian, biểu hiện, tình trạng xuất huyết và tình trạng huyết động. Trong trường hợp là ổ tụ dịch bé, bác sĩ có thể dùng ống tiêm rút máu để đẩy nhanh tốc độ hồi phục.

Vấn đề về dây thần kinh

Sau tạo hình thành bụng, một vùng lớn trên cơ thể bệnh nhân sẽ không có cảm giác gì hoặc gặp hiện tượng giảm cảm giác. Một phần là do tác dụng còn sót lại của thuốc gây mê gây tê ở giai đoạn đầu, nhưng tình trạng này có thể kéo dài lâu hơn, ngay cả sau khi tác dụng thuốc gây tê chấm dứt.

Nguyên nhân ở đây là do các dây thần kinh đã bị cắt đứt và dịch chuyển vị trí trong lúc làm phẫu thuật, vậy nên chúng sẽ rơi vào trạng thái “ngừng hoạt động” sau phẫu thuật, dẫn đến tình trạng tê dại hay không có cảm giác gì. Qua thời gian, dây thần kinh sẽ dần hồi phục, nhưng tốc độ dây thần kinh mọc lại rất chậm, vậy nên quá trình hồi phục dây thần kinh cũng kéo dài. Trong lúc các dây thần kinh mọc lại, bệnh nhân có thể trải qua các trạng thái tăng cảm giác, quá mẫn cảm, có các cảm giác kỳ lạ như nóng râm ran, châm chích... Nếu không tìm được nguyên nhân nào khác để giải thích cho những cảm giác kỳ lạ kia, thì bạn và bác sĩ có thể chuyển sang nguyên nhân dây thần kinh đang dần hồi phục. Mát-xa nhẹ nhàng được cho là biện pháp có thể giúp bệnh nhân giảm bớt cảm giác khó chịu trong lúc dây thần kinh mọc trở lại.

Nếu sau 6 tháng mà những triệu chứng này không cải thiện, cảm giác không quay trở về mức bình thường mà còn có xu hướng trầm trọng hơn, thì bạn nên tới gặp chuyên gia về đau để được điều trị thích hợp. Phẫu thuật thăm dò dây thần kinh có thể sẽ giúp giải phóng dây thần kinh bị chèn ép hoặc loại bỏ u dây thần kinh. Ngược lại, có những trường hợp bệnh nhân bị mất cảm giác trong thời gian rất lâu sau phẫu thuật. Nếu cảm giác không quay lại sau khoảng 1 năm thì khả năng cao là nó sẽ không bao giờ quay lại nữa.

Đau đớn và hội chứng tăng áp lực ổ bụng

Việc thắt chặt cơ bụng sẽ gây đau đớn mạnh. Trong quá trình làm phẫu thuật, các bác sĩ thường tiêm gây tê tại chỗ vào vùng cơ đã thắt, để đảm bảo bệnh nhân không cảm nhận được cơn đau ngay sau phẫu thuật vì đó là thời gian đau đớn nhất. Sau khoảng thời gian đó, cơ thể bắt đầu hồi phục và cơn đau sẽ giảm đi.

Thắt cơ còn làm tăng đáng kể áp lực ổ bụng và giảm đáng kể mức độ giãn nở của phổi. Theo nghiên cứu của thạc sỹ, bác sĩ Nicolas Pereira và đồng nghiệp, thì những thay đổi nói trên không gây ảnh hưởng lâm sàng tới những cá nhân khỏe mạnh. Nhưng với những cá nhân có các yếu tố rủi ro từ trước khi phẫu thuật, ví dụ như bệnh nhân từng làm phẫu thuật nối tắt dạ dày, bệnh nhân có vấn đề về đường ruột... thì cần được đặc biệt chú ý về vấn đề này.

Tăng áp lực ổ bụng có thể có các tác động như:

  • Làm tăng áp lực nội sọ
  • Chèn ép tĩnh mạch chủ bụng, hạn chế máu về tim
  • Đẩy vòm hoành lên cao, dẫn đến tăng sức cản đường thở
  • Chèn ép các tạng trong ổ bụng, giảm tưới máu tới các tạng, từ đó dẫn đến rối loạn chức năng tiêu hóa, gây ra búi trĩ
  • Gây tổn thương và suy yếu tại các vị trí điểm yếu của cơ thể: lỗ bẹn nông, lỗ rốn... gây thoát vị tạng, sa trực tràng, sa bàng quang...
  • Tăng áp lực tĩnh mạch đùi

Biểu hiện chung của hội chứng tăng áp lực ổ bụng là mệt mỏi, khó thở nhẹ, đau đầu, rối loại đại-tiểu tiện, ăn uống khó tiêu...

Thủng ruột

Mặc dù hiếm gặp, nhưng thủng ruột có thể dẫn đến tử vong. Nguyên nhân tất nhiên đến từ lỗi kỹ thuật hoặc sự bất cẩn của bác sĩ. Các yếu tố làm tăng mức độ rủi ro là:

  • Thoát vị được chẩn đoán đồng thời hoặc chưa được chẩn đoán
  • Từng thực hiện phẫu thuật mở ổ bụng
  • Bệnh nhân béo phì nặng dẫn đến thành bụng bị giãn mỏng. Đối tượng này ngay từ đầu đã không phải đổi tượng phù hợp làm tạo hình thành bụng.

Biện pháp phòng ngừa là cẩn thận trong việc chọn lựa bệnh nhân, thực hiện hút mỡ cho những ca cơ bụng quá giãn, cẩn thận trong lúc thắt cơ giữa bụng để tránh đâm xiên vào ruột.

Bác sĩ cũng cần dặn dò trước cho bệnh nhân biết về nguy cơ này, để tránh bệnh nhân tới cơ sở khác, gặp bác sĩ khác để khám về tình trạng đau bụng, khiến quá trình chẩn đoán và điều trị bị chậm trễ. Khi bị đau đớn nặng ở bụng, bị phình bụng, bệnh nhân cần liên lạc ngay với bác sĩ để được hướng dẫn và khám để loại trừ khả năng bị thủng ruột.

Các biến chứng toàn thân

Biến chứng toàn thân là những biến chứng đáng sợ và trầm trọng nhất, nhưng may mắn thay, chúng cũng là những biến chứng ít xảy ra nhất sau tạo hình thành bụng.

Biến chứng ở ngực

Không có nhiều nghiên cứu nói về vấn đề biến chứng ở ngực, hay tác động của tạo hình thành bụng lên chức năng hô hấp của cơ thể. Để đảm bảo bệnh nhân có thể hít thở bình thường, bác sĩ cần giảm đau dự phòng đầy đủ bằng cách kết hợp các loại thuốc chống viêm không steroid, truyền giảm đau chuẩn độ có kiểm soát, giúp bệnh nhân nắm rõ thông tin, thông khí phổi khuyến khích và vật lý trị liệu.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy, áp dụng gây tê tại chỗ trực tiếp vào thành bụng sẽ giúp giảm đau hiệu quả.

Huyết khối tĩnh mạch sâu

Huyết khối tĩnh mạch sâu tức là cục máu đông hình thành bên trong tĩnh mạch nằm sâu trong chân. Rủi ro lớn đến từ biến chứng này đó là cục máu đông có thể vỡ ra và chạy lên phổi, hoặc tim, gây thuyên tắc phổi hoặc đau tim, cuối cùng dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn.

Đây là yếu tố rủi ro nghiêm trọng, đã được xác định của tạo hình thành bụng. Tỉ lệ gặp huyết khối tĩnh mạch sâu rơi vào khoảng 0,3% đến 1,1%, tùy vào tài liệu ghi chép. Các ca tạo hình thành bụng mở rộng có tỉ lệ bị huyết khối tĩnh mạch sâu cao hơn các kỹ thuật tạo hình thành bụng khác.

Biểu hiện của huyết khối tĩnh mạch sâu là sưng và đau ở một bên chân, đặc biệt là ở bắp chân. Bạn sẽ sưng đều hai bên nếu là sưng nề, phù nề bình thường, còn huyết khối tĩnh mạch sâu thường sẽ gây sưng bất đối xứng và chỉ nằm ở một bên. Tuy nhiên cũng có những trường hợp huyết khối hình thành rồi tự tan mất mà không có bất kỳ biểu hiện gì.

Đi lại sớm và duy trì di chuyển nhẹ nhàng thường xuyên sau phẫu thuật là điều mà bệnh nhân nên thực hiện để giảm nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu. Ngoài ra còn có các sản phẩm khác có thể giúp giảm nguy cơ này, ví dụ như vớ áp lực phân đoạn, máy áp lực phân đoạn...

Các biến chứng về mặt thẩm mỹ

Mức độ hài lòng nói chung sau tạo hình thành bụng thường rất cao. Nhưng tất nhiên, vẫn có những trường hợp không mong muốn xảy ra, tức là những lúc đường nét và các vùng ở thân, bụng không khiến cho bệnh nhân hài lòng.

Để tránh những biến chứng này, thì ngay từ ban đầu bác sĩ cần lựa chọn bệnh nhân thật kỹ. Kiểm tra mức độ mỡ thừa dưới da – mỡ nội tạng, mức độ phân tách cơ, tình trạng cơ bụng, ổ thoát vị nếu có, mức độ da chảy xệ ở bụng trên, vị trí ban đầu và hình dạng rốn, cũng như khoảng cách giữa mép dưới xương sườn và mép trên xương chậu. Thông qua quá trình khám và đánh giá trước phẫu thuật, bệnh nhân cần nắm rõ những đặc điểm trên cơ thể của mình và biết được có thể thay đổi những gì, không thể thay đổi những gì, hoặc kết quả dự tính trước sẽ ra sao. Tất nhiên, kết quả thẩm mỹ phần lớn dựa vào tay nghề của bác sĩ. Bệnh nhân không nên quá thất vọng khi nhận thấy kết quả chưa đúng với ý của mình, sau khi hồi phục, bệnh nhân vẫn có thể làm thêm phẫu thuật để chỉnh sửa.

Sẹo tai chó

Sẹo tai chó nghĩa là hai mấu lồi ra ở hai đầu vết mổ, thường là do sự chênh lệch độ dài hai mép vết mổ. Nó không gây nguy hiểm gì ngoại trừ tạo ra vết sẹo xấu xí khiến bệnh nhân không hài lòng. Ngay từ đầu bác sĩ nên dự trù trước để tránh sẹo tai chó, nhưng nếu sau phẫu thuật mà phát hiện vấn đề này thì vẫn có thể chữa được dễ dàng bằng cách rạch mổ thêm. Chỉ cần rạch rộng ra và cắt bỏ phần da thừa là có thể loại bỏ sẹo tai chó.

Lồi ra ở ụ hông

Bệnh nhân có nhiều mỡ ở ụ hông trước phẫu thuật rất dễ thấy không hài lòng với đường nét hai bên sau phẫu thuật. Lý do là vì tạo hình thành bụng mini hoặc toàn phần thường không bóc tách và làm căng da đáng kể ở hai bên hông. Chính vì thế, hút mỡ hai bên hông thường được áp dụng chung với tạo hình thành bụng để giảm bớt độ lồi hai bên ụ hông. Với những trường hợp có nhiều da thừa ở hai bên, thì bác sĩ nên tư vấn cho bệnh nhân về phương án kéo dài đường rạch mổ để có thể kéo căng da triệt để ở vùng này. Bệnh nhân thường khong ngại vết sẹo dài, miễn là nó phẳng và dễ giấu kín.

Vấn đề về rốn

Sơ suất trong phẫu thuật hoặc do tính toán sai có thể khiến hình dạng của rốn không đẹp mắt, bị lệch vị trí khiến bụng trông mất tự nhiên. Đường khâu quá lộ quanh rốn cũng là điểm gây mất thiện cảm. Có những bác sĩ phát triển phương pháp khâu dành riêng cho rốn, sao cho tạo ra một lỗ rốn thẩm mỹ nhất có thể. Tỉa dần mỡ quanh lỗ rốn mới để mép vạt da quanh rốn mỏng hơn vùng xung quanh, sau khi khâu sẽ đem lại cảm giác tự nhiên hơn.

Vùng bụng trên lồi ra

Vấn đề này có hai nguyên nhân:

  • Chưa chữa tách cơ xổ bụng ở vùng bụng trên
  • Vẫn còn mỡ dư thừa ở vùng bụng trên

Nguyên nhân trước khó sửa hơn, muốn sửa thì phải rạch mổ lần nữa, vì vậy việc khâu thắt trọn vẹn hai khối cơ bụng ngay từ lần đầu (nếu cần thiết) là rất quan trọng. Nếu là nguyên nhân thứ hai, bệnh nhân có thể làm thêm hút mỡ để làm phẳng vùng bụng trên.

Sẹo

Việc hình thành sẹo phì đại và-hoặc sẹo lồi sẽ phụ thuộc vào loại da của bệnh nhân, cũng như kỹ thuật phẫu thuật. Đánh giá tình trạng da trước phẫu thuật thật cẩn thận và tư vấn kỹ lưỡng cho bệnh nhân là bước cần thực hiện để tránh mâu thuẫn về sau.

Một số biện pháp giúp đảm bảo vết sẹo lành đẹp mắt và không lộ rõ:

  • Khâu nhiều lớp, khâu bằng chỉ sợi nhỏ (không khâu quá gần lớp biểu bì). Sẹo sẽ bị giãn nếu vết mổ bị căng kéo quá nhiều trong quá trình hồi phục và không được khâu lớp sâu bên dưới cẩn thận.
  • Sử dụng các tấm dán silicon từ sớm sau phẫu thuật
  • Che chắn trong quá trình hồi phục, tránh tiếp xúc ánh sáng, dùng kem chống nắng khi đã lành sẹo
  • Sử dụng các sản phẩm chứa silicon như gel, kem bôi...
  • Đôi khi, bạn sẽ cần phẫu thuật chỉnh sửa sẹo để có một vết sẹo đẹp nhất có thể. Đừng ngại trao đổi vấn đề này với bác sĩ và cũng đừng ngại một ca phẫu thuật thêm. Đây là một ca phẫu thuật nhỏ, nhưng có thể mang lại kết quả khá đáng kể.

Vùng mu bị to

Đây là một kết quả khá đáng xấu hổ, thường xuất hiện nếu trước đó bệnh nhân có vùng mu to hoặc tăng cân sau phẫu thuật. Phẫu thuật căng da vùng mu (kéo da vùng mu theo hướng từ dưới lên) có thể dễ dàng được lồng ghép trong ca phẫu thuật tạo hình thành bụng, vừa giúp tránh biến chứng thẩm mỹ này, vừa làm đẹp vùng mu và đem lại sự thoải mái cho bệnh nhân.

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Biến thể tạo hình thành bụng mini có dời rốn, hạ thấp rốn

Tạo hình thành bụng mini dời rốn là phương pháp cắt bỏ da thừa, chữa tách cơ vùng bụng dưới có thay đổi vị trí rốn để tạo ra vùng bụng phẳng đẹp.

Những quan niệm sai lầm phổ biến nhất về phẫu thuật tạo hình thành bụng
Những quan niệm sai lầm phổ biến nhất về phẫu thuật tạo hình thành bụng

Qua nhiều năm, quá trình mang thai và những thay đổi về cân nặng có thể để lại cho bạn một thành bụng mỡ, chùng nhão, lỏng lẻo. Nếu bỗng dưng bạn thấy mất tự tin với vòng hai của mình thì một quy trình phẫu thuật tạo hình thành bụng có thể cải thiện được đáng kể.

Sự thật đáng ngạc nhiên về phẫu thuật tạo hình thành bụng
Sự thật đáng ngạc nhiên về phẫu thuật tạo hình thành bụng

Nếu bạn có da thừa lỏng lẻo trên vùng bụng thì tất cả các bài tập gập bụng ngồi hay nằm gập bụng hay các bài tập các làm săn chắc cơ bụng trên thế giới cũng không đủ để giúp bạn có được thành bụng phẳng mịn.

Bí quyết tốt nhất cho quá trình hồi phục tạo hình thành bụng
Bí quyết tốt nhất cho quá trình hồi phục tạo hình thành bụng

Thời gian hồi phục sau một số quy trình phẫu thuật hoặc các quy trình điều trị thẩm mỹ sẽ đủ ngắn để bạn có thể nhanh chóng trở lại cuộc sống thường nhật của mình. Tuy nhiên thật không may điều này là không thể với một quy trình phẫu thuật tạo hình thành bụng.

Vận động và tập luyện đúng cách sau tạo hình thành bụng
Vận động và tập luyện đúng cách sau tạo hình thành bụng

Vận động đúng, vừa đủ và kịp thời sau tạo hình thành bụng có thể giúp bạn hồi phục nhanh chóng, an toàn và nhẹ nhàng hơn.

Hỏi đáp có thể bạn quan tâm
Tập thể dục có giảm được da chùng ở bụng không hay phải tạo hình thành bụng mini?
  •  5 năm trước
  •  6 trả lời
  •  8880 lượt xem

Tôi cao 1m62, nặng 59kg. Bụng tôi có một ít da chùng như trên ảnh. Không biết nếu tôi tập luyện, nâng tạ để tăng cơ bụng thì có làm cho bụng gọn trở lại được không hay phải tạo hình bụng mini? Tôi không muốn phẫu thuật bụng vì sắp tới còn phải nâng ngực nữa.

Tạo hình thành bụng cải biến có phải là phương pháp dành cho tôi?
  •  4 năm trước
  •  5 trả lời
  •  938 lượt xem

Tôi đã gặp 3 bác sĩ PTTM và họ đều khuyên chọn tạo hình thành bụng tiêu chuẩn. Tôi nặng 65 kg, cao 1m67 và khá hay vận động. Tôi đã đẻ mổ 3 lần và mặc dù bụng dưới có khá nhiều vết rạn mờ, nhưng tôi không quan tâm vụ đó lắm. Tôi chủ yếu ghét phần da chùng ở mép bụng dưới và vùng rốn. Tôi bị tách cơ bụng, giãn rộng tầm 2 ngón tay và bị thoát vị rốn. Tôi không thích vết sẹo nối hai hông của tạo hình thành bụng tiêu chuẩn chút nào. Xin cho tôi lời khuyên với, cảm ơn các bác sĩ.

So sánh tạo hình thành bụng với laser trong điều trị da chùng nhão sau sinh
  •  7 năm trước
  •  24 trả lời
  •  3369 lượt xem

Tôi đã có 3 đứa con, mổ đẻ và đã cắt bỏ tử cung. Tôi cao 1m57 và nặng 51 kg và thường tập thể dục vài lần một tuần. Mặc dù bụng tôi trông có vẻ phẳng khi tôi đứng, nhưng khi cúi xuống thì da bị chùng nhão chảy xệ, và các vết rạn da cũng khiến bụng tôi trông thô ráp. Liệu việc làm săn chắc da bằng laser có hiệu quả không hay là tôi cần phẫu thuật tạo hình bụng để khắc phục vấn đề này?

Rốn biến dạng sau tạo hình thành bụng mini
  •  5 năm trước
  •  6 trả lời
  •  2060 lượt xem

Tôi vừa mới phẫu thuật tạo hình thu gọn bụng mini khoảng 2 tuần trước. Tất cả đều ổn cả nhưng bây giờ tôi thấy rốn có vẻ hơi bất thường vì tự nhiên lại bị méo và xuất hiện hai nếp gấp ở xung quanh. Tôi vẫn đang quấn gen như bác sĩ hướng dẫn nhưng cứ tháo ra là nếp gấp lại xuất hiện. Liệu đây có phải hiện tượng bình thường trong quá trình lành lại không? Sau một thời gian rốn có trở lại bình thường được không?

Bụng biến dạng sau tạo hình thành bụng mini thì nên sửa lại thế nào?
  •  5 năm trước
  •  3 trả lời
  •  1295 lượt xem

Tôi mới phẫu thuật tạo hình thành bụng mini được 18 ngày. Bác sĩ bảo là thu gọn bụng mini qua đường rạch mở rộng. Tôi cảm thấy bụng dưới trông không được bình thường, da thì nhăn nheo và vết sẹo dọc còn bị lồi lên nữa. Ngoài ra thì vẫn còn da chùng bên trên rốn. Bác sĩ bảo tôi sẽ cần phẫu thuật lại lần nữa để sửa lại. Xin các bác sĩ tư vấn cho tôi là nên sửa lại bằng cách nào?

Video có thể bạn quan tâm
Tạo hình thành bụng chuyển rốn Dr Quang Đức - ca 2 tái khám cắt chỉ sau 10 ngày Tạo hình thành bụng chuyển rốn Dr Quang Đức - ca 2 tái khám cắt chỉ sau 10 ngày 02:30
Tạo hình thành bụng chuyển rốn Dr Quang Đức - ca 2 tái khám cắt chỉ sau 10 ngày
Nguồn: Tiến sĩ bác sĩ Quang Đức 108
 5 năm trước
 4116 Lượt xem
Cắt da mỡ thừa, tạo hình thành bụng Cắt da mỡ thừa, tạo hình thành bụng 05:33
Cắt da mỡ thừa, tạo hình thành bụng
Trước PT: KH có bụng và hông đều thừa da, thừa mỡ nhiều. Bs tư vấn tạo hình thành bụng toàn bộ có chuyển rốn.
 6 năm trước
 4068 Lượt xem
Tạo hình thành bụng chuyển rốn và hút mỡ Dr Quang Đức ca 4 - tái khám cắt chỉ sau 12 ngày Tạo hình thành bụng chuyển rốn và hút mỡ Dr Quang Đức ca 4 - tái khám cắt chỉ sau 12 ngày 02:08
Tạo hình thành bụng chuyển rốn và hút mỡ Dr Quang Đức ca 4 - tái khám cắt chỉ sau 12 ngày
Nguồn: Tiến sĩ bác sĩ Quang Đức
 5 năm trước
 2627 Lượt xem
Ét.o.ét Giải cứu Vòng 2 siêu khủng Ét.o.ét Giải cứu Vòng 2 siêu khủng 00:21
Ét.o.ét Giải cứu Vòng 2 siêu khủng
Vòng 2 nhiều ngấn phì đại, m.ỡ cứng dày do bị mắc bệnh béo phì, có thể chuyển hóa chậm. Cơ thể nặng nề khiến khách hàng di chuyển chậm chạp dẫn đến...
 2 năm trước
 2596 Lượt xem
Tạo hình thành bụng sau 2 tháng như thế nào??? Tạo hình thành bụng sau 2 tháng như thế nào??? 08:34
Tạo hình thành bụng sau 2 tháng như thế nào???
Mời cả nhà cùng so sánh với bác sĩ nhé!!Phẫu thuật được thực hiện tại bệnh viện theo đúng quy định của Bộ Y tế
 5 năm trước
 2378 Lượt xem

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây