1

Ghép thận có những rủi ro nào?

Ghép thận là một phương pháp phẫu thuật nhằm điều trị suy thận, giúp người bệnh không phải phụ thuộc lâu dài vào thiết bị lọc máu.
Ghép thận có những rủi ro nào? Ghép thận có những rủi ro nào?

Ghép thận là gì?

Ghép thận là một phương pháp phẫu thuật nhằm điều trị suy thận. Thận là cơ quan đảm nhận nhiệm vụ lọc chất thải, chất độc ra khỏi máu và loại bỏ ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Cơ quan này còn duy trì sự cân bằng chất lỏng và chất điện giải trong cơ thể. Nếu thận ngừng hoạt động, chất thải và độc tố sẽ tích tụ lại trong cơ thể và gây ra các bệnh lý nghiêm trọng.

Đa số những người bị suy thận đều cần trải qua một quá trình điều trị gọi là lọc máu ngoài thận nhằm lọc chất thải, chất độc tích tụ và nước thừa trong máu khi thận không còn hoạt động bình thường.

Ngoài lọc máu ngoài thận, một lựa chọn khác cho bệnh nhân suy thận là phẫu thuật ghép thận. Trong quy trình này, một hoặc cả hai bên thận được thay thế bằng thận của người hiến tặng.

Cả lọc máu ngoài thận và ghép thận đều có những ưu và nhược điểm riêng.

Phương pháp lọc máu ngoài thận mất nhiều thời gian và công sức hơn vì đa phần người bệnh phải đến bệnh viện theo định kỳ để tiến hành lọc máu.

Nếu đủ điều kiện lọc máu tại nhà thì sẽ cần mua thiết bị lọc máu và học cách sử dụng.

Ghép thận là giải pháp giúp người bệnh không phải phụ thuộc lâu dài vào thiết bị lọc máu và lịch trình nghiêm ngặt đi kèm, nhờ đó mà có thể sống thoải mái hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp ghép thận. Ví dụ, người bị nhiễm trùng và bị thừa cân nghiêm trọng sẽ không thể phẫu thuật.

Trong quá trình ghép thận, thận sẽ được cắt từ cơ thể người hiến tặng rồi ghép vào cơ thể người nhận. Mặc dù hầu hết chúng ta sinh ra đều có hai quả thận nhưng vẫn có thể sống tốt chỉ với một bên thận hoạt động. Sau khi ghép thận, người bệnh sẽ phải dùng thuốc ức chế miễn dịch hay còn gọi là thuốc chống thải ghép để ngăn hệ miễn dịch tấn công quả thận mới.

Khi nào cần ghép thận?

Ghép thận là một giải pháp khi thận đã ngừng hoạt động. Tình trạng này được gọi là bệnh thận giai đoạn cuối (ESRD). Đa phần nếu đã sang đến giai đoạn này, bác sĩ thường khuyên nên lọc máu ngoài thận nhưng nếu đủ điều kiện ghép thận thì bác sĩ vẫn sẽ cho biết để người bệnh có thể lựa chọn.

Để trải qua một ca đại phẫu như ghép thận, người bệnh cần đảm bảo đủ điều kiện về sức khỏe và chịu được chế độ dùng thuốc nghiêm ngặt suốt đời sau phẫu thuật, ngoài ra còn phải đảm bảo có thể tuân theo tất cả các hướng dẫn từ bác sĩ.

Nếu bạn có một vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng thì ca phẫu thuật ghép thận sẽ không thể thành công hoặc thậm chí còn gây nguy hiểm. Những vấn đề này gồm có:

  • Ung thư hoặc có tiền sử ung thư gần đây
  • Bị một bệnh nghiêm trọng do nhiễm trùng, chẳng hạn như bệnh lao, nhiễm trùng xương hoặc viêm gan
  • Bị bệnh tim mạch nghiêm trọng
  • Bệnh gan

Bên cạnh đó, bạn cũng không nên ghép thận nếu như bạn:

  • hút thuốc lá
  • thường xuyên uống nhiều rượu bia
  • sử dụng chất kích thích

Nếu bác sĩ xác định bạn phù hợp ghép thận và bạn cũng đồng ý phẫu thuật thì bạn sẽ cần trải qua một quá trình kiểm tra. Trong đó, bác sĩ sẽ làm xét nghiệm máu, nước tiểu và thăm khám tổng quát để đảm bảo bạn có đủ sức khỏe cho ca phẫu thuật.

Sau khi được xác nhận đáp ứng mọi điều kiện thì bạn sẽ cần có một thành viên trong gia đình hiến thận hoặc nếu không thì sẽ được đưa vào danh sách chờ.

Thận ghép được lấy từ đâu?

Thận có thể được lấy từ người hiến còn sống hoặc người bị chết não.

Người hiến tạng còn sống

Bởi vì cơ thể vẫn có thể hoạt động bình thường chỉ với một bên thận khỏe mạnh nên một người thân trong gia đình (cùng huyết thống) có thể hiến một bên thận cho bạn hoặc chờ có người khác (không cùng huyết thống) hiến thận nhưng điều này là rất hiếm.

Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy hai người tương thích thì có thể đặt lịch phẫu thuật.

Nhận một bên thận từ thành viên trong gia đình là lựa chọn tốt nhất vì sẽ giảm được rủi ro cơ thể từ chối tiếp nhận thận và bạn cũng không cần phải chờ đợi suốt nhiều năm để nhận thận từ một người khác.

Người hiến tạng đã chết não

Thận có thể được lấy từ cơ thể của một người chết não có đăng kí hiến tạng khi còn sống hoặc gia đình đồng ý hiến tạng.

Mặc dù khả năng cơ thể từ chối tiếp nhận thận từ người khác sẽ cao hơn so với thận lấy từ người thân thích nhưng đây vẫn là một lựa chọn cho những trường hợp không có thành viên nào trong gia đình hay bạn bè có thể hiến thận.

Kiểm tra trước khi ghép thận

Trong quá trình kiểm tra trước khi ghép tạng, người nhận tạng sẽ được xét nghiệm máu để xác định nhóm máu (A, B, AB hoặc O) và kháng nguyên bạch cầu người (HLA). HLA là một nhóm các kháng nguyên nằm trên bề mặt các tế bào bạch cầu. Kháng nguyên là các phân tử kích hoạt đáp ứng miễn dịch của cơ thể.

Nếu loại HLA của người nhận phù hợp với loại HLA của người hiến thì khả năng cơ thể từ chối nhận thận sẽ thấp hơn. Cơ thể mỗi người có 6 kháng nguyên, 3 kháng nguyên được thừa hưởng từ bố và 3 kháng nguyên được thừa hưởng từ mẹ. Người nhận càng có nhiều kháng nguyên phù hợp với người hiến thì khả năng thành công khi ghép tạng sẽ càng cao.

Khi đã tìm ra người hiện tạng thì sẽ cần làm thêm một xét nghiệm nữa để đảm bảo rằng các kháng thể trong cơ thể người nhận sẽ không tấn công tạng ghép. Quy trình xét nghiệm này được thực hiện bằng cách trộn lẫn một lượng nhỏ máu của người nhận với máu của người hiến.

Nếu máu của người nhận hình thành kháng thể phản ứng với máu của người hiến thì sẽ không thể tiến hành ghép tạng.

Còn nếu máu không hình thành kháng thể thì có nghĩa là “phản ứng chéo” âm tính và có thể tiến hành ghép tạng.

Quy trình ghép thận được thực hiện như thế nào?

Nếu bạn nhận thận từ người thân thì có thể chủ động xếp lịch từ trước nhưng nếu đang chờ thận từ người khác thì sẽ cần chuẩn bị đến bệnh viện bất cứ lúc nào khi được thông báo tìm thấy người hiến tương thích.

Khi đến bệnh viện, bạn sẽ được lấy mẫu máu để xét nghiệm kháng thể. Nếu kết quả phản ứng chéo âm tính, có nghĩa là kháng thể trong cơ thể bạn không phản ứng với máu của người hiến thì sẽ đủ điều kiện tiến hành phẫu thuật.

Quy trình ghép thận được thực hiện dưới phương pháp gây mê toàn thân, có nghĩa là bạn sẽ ngủ trong suốt ca phẫu thuật. Thuốc mê được đưa vào cơ thể qua đường tĩnh mạch ở mu bàn tay hoặc cánh tay.

Sau khi gây mê, bác sĩ sẽ rạch một đường trên bụng và tiến hành ghép thận. Bạn và người hiến sẽ được phẫu thuật cùng một lúc. Thận sau khi được lấy từ người hiến sẽ được ghép ngay vào cơ thể bạn. Bác sĩ sẽ nối các động mạch, tĩnh mạch ở quả thận ghép với các động mạch, tĩnh mạch ở thận của bạn. Dần dần, máu sẽ bắt đầu chảy vào và nuôi dưỡng quả thận mới.

Niệu quản của thận mới được nối vào bàng quang để bạn có thể đi tiểu bình thường. Niệu quản là một ống dài nối thận với bàng quang.

Quả thận của bạn sẽ được giữ nguyên trong cơ thể trừ khi chúng gây ra vấn đề, ví dụ như cao huyết áp hoặc nhiễm trùng.

Sau khi ghép thận

Sau phẫu thuật, bạn sẽ được đưa vào phòng hồi sức và được theo dõi các dấu hiệu sống cho đến khi tỉnh táo và ổn định. Sau đó, bạn sẽ được chuyển sang phòng bệnh.

Kể cả khi cảm thấy khỏe ngay sau phẫu thuật thì vẫn cần phải ở lại viện trong một thời gian, có thể lên đến một tuần, mới có thể xuất viện.

Thận sau khi ghép có thể bắt đầu lọc chất thải ngay lập tức hoặc cũng có thể phải mất đến vài tuần mới thực hiện được chức năng. Thận được lấy từ người thân thích trong gia đình thường bắt đầu hoạt động sớm hơn so với thận từ người không cùng huyết thống hoặc người đã chết não.

Trong thời gian đầu sau phẫu thuật, vùng quanh vết mổ sẽ rất đau nhức. Thời gian này bác sĩ sẽ theo dõi các biến chứng và bạn phải dùng thuốc chống thải ghép theo lịch nghiêm ngặt để ngăn cơ thể từ chối tiếp nhận quả thận mới.

Trước khi xuất viện, bạn sẽ được hướng dẫn cụ thể về cách thức và thời điểm dùng thuốc khi về nhà. Bạn phải nhớ kĩ các hướng dẫn này và hỏi ngay nếu có bất kỳ thắc mắc nào. Sau khi xuất viện, bạn sẽ phải đến tái khám theo lịch hẹn định kỳ để bác sĩ theo dõi chức năng của thận mới và tình hình sức khỏe sau phẫu thuật.

Ngoài thuốc chống thải ghép thận, bác sĩ có thể sẽ còn kê thêm các loại thuốc khác để giảm nguy cơ nhiễm trùng. Cuối cùng, bạn sẽ cần tự theo dõi các dấu hiệu bất thường cho thấy cơ thể đang đào thải quả thận mới. Các dấu hiệu này có thể là đau, sưng và các triệu chứng giống như cảm cúm.

Bạn sẽ cần đi tái khám định kỳ trong vòng từ một đến hai tháng đầu sau phẫu thuật. Thời gian để phục hồi hoàn toàn có thể mất khoảng 6 tháng.

Rủi ro khi ghép thận

Ghép thận là một loại đại phẫu và có đi kèm với một số rủi ro như:

  • Phản ứng dị ứng với thuốc gây mê toàn thân
  • Chảy máu
  • Hình thành cục máu đông
  • Rò rỉ nước tiểu từ niệu quản
  • Tắc nghẽn niệu quản
  • Nhiễm trùng
  • Cơ thể từ chối tiếp nhận thận
  • Suy thận
  • Nhồi máu cơ tim
  • Đột quỵ

Rủi ro lớn nhất của các phương pháp ghép tạng là cơ thể từ chối tiếp nhận tạng. Tuy nhiên, nếu xét nghiệm cẩn thận trước phẫu thuật thì đây là điều rất hiếm khi xảy ra.

Theo ước tính, trong số các ca ghép thận mà thận được lấy từ người hiến còn khỏe mạnh thì có đến 90% còn sống được thêm ít nhất là 5 năm sau phẫu thuật. Con số này của các ca mà thận được lấy từ người hiến đã chết não là 82%.

Nếu bạn thấy đau nhức bất thường tại vị trí vết mổ hoặc thay đổi lượng nước tiểu thì cần thông báo cho bác sĩ ngay lập tức. Nếu cơ thể bạn đào thải thận mới và sau khi kiểm tra, bác sĩ xác nhận vẫn đủ điều kiện ghép thận thì có thể tiếp tục lọc máu ngoài thận trong khi chờ một người hiến khác.

Bên cạnh rủi ro từ chính ca phẫu thuật, các loại thuốc chống thải ghép mà bạn phải dùng sau phẫu thuật cũng có thể gây nên một số tác dụng phụ như:

  • Tăng cân
  • Loãng xương
  • Tăng mọc tóc
  • Nổi mụn
  • Nguy cơ phát triển một số bệnh ung thư da và ung thư hạch không Hodgkin

Nếu phát hiện có các tác dụng phụ này thì cũng cần nói ngay với bác sĩ.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: rủi ro
Tin liên quan
Người ghép thận sống thêm được bao lâu?
Người ghép thận sống thêm được bao lâu?

Nói chung ghép thận có tỷ lệ thành công cao. Phương pháp này giúp kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. Có tới 97% ca ghép thận sống thêm được ít nhất 1 năm.

Người bị suy thận cần tránh những thực phầm nào?
Người bị suy thận cần tránh những thực phầm nào?

Những người mắc bệnh suy thận cần phải chú ý đến lượng natri, kali và phốt pho trong chế độ ăn uống. Những khoáng chất này có trong nhiều loại thực phẩm khác nhau như nước ngọt có ga, gạo lứt, chuối, thịt chế biến sẵn và trái cây sấy khô.

Suy thận có được dùng statin không?
Suy thận có được dùng statin không?

Ở những người bị suy thận và mắc bệnh tim, lợi ích của việc điều trị bằng statin có thể sẽ lớn hơn rủi ro. Tuy nhiên, phương pháp điều trị sẽ thay đổi theo từng giai đoạn của bệnh suy thận.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây