Người bị suy thận cần tránh những thực phầm nào?
Thận là cặp cơ quan hình hạt đậu, kích thước bằng nắm tay nằm đối xứng hai bên cột sống, bên dưới khung xương sườn. Thận đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể, gồm có lọc máu để loại bỏ chất thải, sản xuất một số loại hormone, cân bằng chất điện giải và duy trì sự cân bằng nước.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thận nhưng nguyên nhân phổ biến nhất là bệnh tiểu đường và cao huyết áp. Lượng đường trong máu và áp lực máu tác động lên thành mạch tăng cao sẽ làm hỏng các mạch máu nhỏ của thận và dẫn đến suy giảm chức năng thận.
Khi thận bị tổn thương và không thể hoạt động bình thường, nước dư thừa và chất thải sẽ tích tụ trong cơ thể thay vì được đào thải ra ngoài.
Tuy nhiên, điều chỉnh chế độ ăn uống, tránh hoặc hạn chế một số loại thực phẩm nhất định sẽ giúp làm giảm sự tích tụ chất thải trong máu, cải thiện chức năng thận và ngăn thận bị tổn thương thêm.
Điều chỉnh chế độ ăn uống khi bị suy thận
Việc điều chỉnh chế độ ăn uống sẽ phụ thuộc vào giai đoạn suy thận. Ví dụ, những người bị suy thận mạn giai đoạn đầu thường chưa cần phải theo chế độ ăn nghiêm ngặt giống như người bị suy thận mạn giai đoạn cuối.
Những người bị suy thận mạn giai đoạn cuối phải lọc máu sẽ phải theo chế độ ăn uống khác so với người không lọc máu. Lọc máu là một phương pháp điều trị giúp loại bỏ nước thừa và chất thải khỏi máu khi thận không hoạt động bình thường.
Người bị suy thận mạn giai đoạn cuối sẽ phải kiêng hoặc hạn chế nhiều loại thực phẩm để tránh tích tụ một số hóa chất và chất dinh dưỡng trong máu.
Ở người bị suy thận mạn, thận không thể đào thải lượng natri, kali và phốt pho dư thừa một cách hiệu quả. Do đó, nồng độ các khoáng chất này trong máu sẽ tăng cao. Đây đều là những khoáng chất cần thiết cho cơ thể nhưng nếu nồng độ trong máu tăng quá cao thì sẽ gây ra nhiều tác hại.
Người bị suy thận cần phải cắt giảm lượng natri trong chế độ ăn uống. Cụ thể, người bệnh không nên ăn quá 2.300 miligam (mg) natri mỗi ngày. (1) Ngoài ra còn phải hạn chế lượng kali và phốt pho.
Chưa có khuyến nghị cụ thể về giới hạn kali và phốt pho dành cho người bị suy thận.
Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn lượng kali và phốt pho an toàn dựa trên mức độ suy giảm chức năng thận và tình trạng sức khỏe tổng thể.
Thận bị tổn thương cũng sẽ không thể lọc bỏ một cách hiệu quả các chất thải của quá trình chuyển hóa protein. Do đó, những người bị suy thận mạn, đặc biệt là giai đoạn 3 – 5, cần giảm bớt lượng protein trong chế độ ăn, trừ khi đang phải lọc máu. Cơ thể cần nhiều protein hơn trong quá trình lọc máu điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối.
Dưới đây là 17 loại thực phẩm mà người bị suy thận cần tránh hoặc hạn chế.
Những thực phẩm nên tránh khi bị suy thận
1. Nước ngọt có ga sẫm màu
Không chỉ chứa nhiều calo và đường, nước ngọt có ga còn có các chất phụ gia chứa phốt pho, đặc biệt là các loại nước ngọt có ga có màu sẫm.
Phốt pho được thêm vào một số loại thực phẩm và đồ uống nhằm tăng hương vị, kéo dài hạn sử dụng và ngăn sự chuyển màu.
Cơ thể chúng ta hấp thụ loại phốt pho bổ sung này nhiều hơn phốt pho tự nhiên trong thực phẩm.
Khác với phốt pho tự nhiên, phốt pho ở dạng phụ gia thực phẩm không liên kết với protein. Thay vào đó, phốt pho trong các chất phụ gia tồn tại ở dạng muối và có khả năng hấp thụ cao qua đường ruột.
Phốt pho phụ gia thường được liệt kê trong danh sách thành phần của sản phẩm nhưng đa phần không ghi rõ hàm lượng.
Hàm lượng phốt pho phụ gia trong mỗi loại nước ngọt có ga là khác nhau. Ví dụ, một lon 355ml coca có chứa 33,5mg phốt pho.
Do đó, những người bị suy thận nên tránh nước ngọt có ga, đặc biệt là những loại có màu sẫm.
Tóm tắt: Nước ngọt có ga sẫm màu là một trong những loại đồ uống mà người bị suy thận cần tránh do có chứa phốt pho ở dạng phụ gia, loại phốt pho mà cơ thể thường hấp thụ nhiều.
2. Quả bơ
Quả bơ là một loại quả có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, gồm có các chất béo có lợi cho tim mạch, chất xơ và chất chống oxy hóa.
Mặc dù quả bơ là một loại thực phẩm lành mạnh nhưng lại không phải là một lựa chọn thân thiện với người bị suy thận do có chứa hàm lượng kali cao.
Trên thực tế, một quả bơ cỡ vừa chứa tới 690mg kali.
Những người mắc bệnh suy thận đang phải theo chế độ ăn kiêng ít kali nên hạn chế hoặc tránh ăn bơ và các sản phẩm làm từ quả bơ.
Nếu tình trạng bệnh không quá nghiêm trọng thì người bệnh vẫn có thể ăn một lượng bơ nhỏ, ví dụ như ¼ quả nhưng không nên ăn liên tục và phải cắt giảm các loại thực phẩm giàu kali khác.
Tóm tắt: Những người bị suy thận đang phải theo chế độ ăn ít kali nên hạn chế hoặc kiêng ăn quả bơ do quả bơ có chứa nhiều kali.
3. Đồ hộp
Các loại thực phẩm đóng hộp hiện nay ngày càng đa dạng và được nhiều người lựa chọn vì tính tiện lợi.
Tuy nhiên, hầu hết các loại thực phẩm đóng hộp đều có hàm lượng natri cao do được thêm nhiều muối để tạo hương vị đậm đà và tăng thời hạn sử dụng.
Vì lý do này nên những người bị suy thận nên tránh hoặc hạn chế ăn đồ hộp.
Nếu cần ăn đồ hộp, hãy đọc nhãn dinh dưỡng và chọn những sản phẩm có hàm lượng natri thấp hoặc tốt nhất là sản phẩm không thêm muối (no salt added).
Hãy bỏ phần nước trong sản phẩm và rửa sơ thực phẩm bằng nước sạch trước khi ăn để giảm bớt lượng natri.
Tóm tắt: Thực phẩm đóng hộp thường chứa nhiều natri. Nên tránh hoặc hạn chế những thực phẩm này hoặc nếu cần ăn thì nên chọn các sản phẩm có hàm lượng natri thấp và rửa qua thực phẩm với nước trước khi ăn để loại bỏ bớt muối.
4. Bánh mì nguyên cám
Đối với những người khỏe mạnh, bánh mì nguyên cám là lựa chọn lành mạnh hơn bánh mì trắng.
Lý do là vì bánh mì nguyên cám giàu dinh dưỡng hơn, điều này chủ yếu là nhờ hàm lượng chất xơ cao hơn. Tuy nhiên, đối với những người mắc bệnh suy thận thì bánh mì trắng lại là lựa chọn tốt cho sức khỏe hơn.
Điều này là do sự khác biệt về hàm lượng phốt pho và kali. Bánh mì càng chứa nhiều cám và ngũ cốc nguyên hạt thì hàm lượng phốt pho và kali càng cao.
Ví dụ, một lát bánh mì nguyên cám 36g chứa khoảng 76mg phốt pho và 90mg kali. Trong khi đó, một lát bánh mì trắng 28g chỉ chứa khoảng 32mg phốt pho và kali.
Nếu như vẫn muốn ăn bánh mì nguyên cám thì người bệnh nên cắt giảm khẩu phần mỗi lần ăn. Ví dụ như chỉ ăn một lát thay vì hai lát để giảm bớt lượng kali và phốt pho tiêu thụ.
Cần lưu ý rằng, hầu hết các loại bánh mì và các sản phẩm làm từ bột mì khác, bất kể là bột mì trắng hay bột mì nguyên cám, đều chứa lượng natri tương đối cao.
Khi mua bánh mì, hãy đọc bảng giá trị dinh dưỡng và chọn loại có hàm lượng natri thấp hơn. Ngoài ra cần kiểm soát khẩu phần ăn.
Tóm tắt: Người bị suy thận nên chọn bánh mì trắng thay vì bánh mì nguyên cám vì bánh mì trắng có hàm lượng phốt pho và kali thấp hơn. Tất cả các loại bánh mì đều chứa natri nên khi mua hãy chọn những loại chứa ít natri hơn.
5. Gạo lứt
Giống như bánh mì nguyên cám, gạo lứt là một loại ngũ cốc nguyên cám có hàm lượng kali và phốt pho cao hơn so với gạo trắng.
Một chén (khoảng 155g) cơm lứt chứa 149mg phốt pho và 95mg kali, trong khi 1 chén (186g) cơm trắng chỉ chứa 69mg phốt pho và 54mg kali.
Người bị suy thận vẫn có thể ăn gạo lứt nhưng chỉ nên ăn vừa phải và cân bằng với các loại thực phẩm khác để tránh tiêu thụ quá nhiều kali và phốt pho hàng ngày.
Hoặc có thể thay gạo lứt bằng các loại ngũ cốc khác như kiều mạch. Những loại ngũ cốc này cũng bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe không thua kém gì gạo lứt nhưng có hàm lượng phốt pho thấp hơn gạo lứt.
Tóm tắt: Gạo lứt có hàm lượng phốt pho và kali cao nên người bị suy thận cần hạn chế ăn. Có thể thay gạo lứt bằng các loại ngũ cốc khác như gạo trắng hay kiều mạch.
6. Chuối
Chuối là một loại quả có hàm lượng kali cao.
Mặc dù có hàm lượng natri thấp nhưng 1 quả chuối cỡ vừa chứa đến 420mg kali.
Do đó, những người bị suy thận phải hạn chế kali không nên ăn nhiều chuối.
Bên cạnh chuối, nhiều loại trái cây nhiệt đới khác cũng có hàm lượng kali cao như dưa hấu, xoài, đu đủ, kiwi.
Một loại trái cây thân thiện với người bị bệnh thận là dứa. Dứa chứa ít kali hơn đáng kể so với các loại trái cây nhiệt đới khác.
Tóm tắt: Chuối chứa nhiều kali nên đây là loại trái cây mà người bị suy thận cần hạn chế ăn. Dứa là loại trái cây thân thiện với người bị suy thận vì có hàm lượng kali thấp hơn nhiều so với các loại trái cây nhiệt đới khác.
7. Sản phẩm từ sữa
Các sản phẩm từ sữa cung cấp nhiều vitamin và chất dinh dưỡng.
Những sản phẩm này đều giàu protein, phốt pho và kali.
Ví dụ, 1 cốc (khoảng 240ml) sữa nguyên kem chứa 205mg phốt pho và 322mg kali.
Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều sản phẩm từ sữa sẽ gây hại cho sức khỏe xương ở những người mắc bệnh suy thận, đặc biệt là khi kết hợp với các thực phẩm chứa nhiều phốt pho khác.
Điều này nghe có vẻ vô lý vì từ trước đến nay sữa và các sản phẩm từ sữa vẫn được biết đến là nhóm thực phẩm có lợi cho xương và cơ.
Tuy nhiên, khi thận bị tổn thương, tiêu thụ quá nhiều phốt pho sẽ gây tích tụ phốt pho trong máu và điều này khiến cho xương giải phóng canxi. Khi lượng canxi giảm, xương sẽ yếu dần theo thời gian và rất dễ gãy.
Các sản phẩm từ sữa còn có hàm lượng protein cao. Mỗi cốc (240ml) sữa nguyên kem chứa gần 8 gram protein.
Do đó, người bị suy thận nên hạn chế ăn các sản phẩm từ sữa để tránh làm cho nồng độ protein trong máu tăng quá cao.
Các loại sữa thực vật như sữa gạo và sữa hạnh nhân có hàm lượng kali, phốt pho và protein thấp hơn nhiều so với sữa bò. Do đó, đây là những lựa chọn thay thế thân thiện với người bị suy thận.
Tóm tắt: Các sản phẩm từ sữa chứa nhiều phốt pho, kali và protein nên cần được hạn chế trong chế độ ăn dành cho người bị suy thận. Mặc dù sữa giàu canxi nhưng hàm lượng phốt pho cao trong sữa có thể gây loãng xương ở những người mắc bệnh suy thận.
8. Cam và nước cam
Cam và nước cam vẫn được biết đến là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào nhưng ngoài ra, loại quả này còn giàu kali.
Một quả cam cỡ lớn (khoảng 185g) cung cấp 333mg kali và một cốc (240ml) nước cam chứa 458mg kali.
Do có hàm lượng kali cao nên cam cũng là một loại quả mà người bị suy thận cần tránh hoặc hạn chế.
Nên thay cam bằng các loại quả chứa ít kali hơn như nho, táo và nam việt quất.
Tóm tắt: Cam và nước ép cam chứa nhiều kali và nên phải hạn chế trong chế độ ăn uống dành cho người bị suy thận. Thay vào đó, người bệnh nên chọn các loại quả có hàm lượng kali thấp hơn như nho, táo hay nam việt quất.
9. Thịt chế biến sẵn
Ăn nhiều thịt chế biến sẵn có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch. Loại thực phẩm này còn chứa chất bảo quản và do đó sẽ không tốt cho sức khỏe nếu ăn thường xuyên.
Ví dụ về thịt chế biến sẵn gồm có thịt muối, thịt xông khói, xúc xích, dăm bông, lạp xưởng, thịt sấy khô, thịy hộp,…
Thịt chế biến sẵn thường chứa một lượng muối lớn, chủ yếu là để tạo mùi vị và bảo quản được lâu.
Do đó, nếu như ăn nhiều thịt chế biến sẵn thì sẽ rất dễ vượt quá giới hạn natri hàng ngày (2.300mg).
Ngoài ra, thịt chế biến sẵn còn có hàm lượng protein cao. Những người được bác sĩ khuyên hạn chế protein nên tránh những loại thịt này.
Tóm tắt: Thịt chế biến sẵn chứa nhiều muối và protein nên người bị suy thận chỉ nên ăn ở mức độ vừa phải.
10. Đồ muối chua
Các món muối chua như dưa cải, bắp cải, kimchi, củ cải hay dưa chuột bao tử là những thứ mà người bị suy thận cần tránh trong bữa ăn hàng ngày.
Lý do là vì những thực phẩm này đều có chứa một lượng muối lớn.
Ví dụ, một quả dưa chuột bao tử muối chua có chứa khoảng 283mg natri.
Ô liu đã qua chế biến cũng thường có chứa nhiều muối để giảm bớt vị đắng. Năm quả ô liu xanh ngâm muối chứa khoảng 210mg natri, như vậy là chỉ một khẩu phần nhỏ đã chiếm một phần đáng kể lượng natri tiêu thụ trong ngày.
Người bị suy thận nên tránh hoàn toàn những loại thực phẩm này hoặc chỉ ăn một lượng nhỏ mỗi bữa.
Tóm tắt: Các loại đồ muối chua và ô liu đã qua chế biến đều có hàm lượng natri cao và do đó cần hạn chế trong chế độ ăn dành cho người bị suy thận.
11. Quả mơ
Quả mơ rất giàu vitamin C, vitamin A và chất xơ nhưng cũng chứa nhiều kali. Một chén (khoảng 165g) quả mơ tươi cắt lát chứa gần 430mg kali.
Mơ sấy khô thậm chí còn có hàm lượng kali cao hơn so với mơ tươi vì trong quá trình sấy khô, lượng nước bị loại bỏ và điều này làm tăng mật độ các chất dinh dưỡng trong quả.
Một chén nhỏ (khoảng 130g) quả mơ khô chứa đến hơn 1.500mg kali.
Điều này có nghĩa là chỉ 1 chén quả mơ khô đã chiếm 75% lượng kali khuyến nghị hàng ngày đối với người bị suy thận (2.000mg).
Do đó, tốt nhất người bị suy thận không nên ăn mơ, nhất là mơ sấy khô.
Tóm tắt: Quả mơ là một loại thực phẩm giàu kali mà người bị suy thận nên tránh. Mỗi chén (165g) mơ tươi chứa hơn 400mg kali trong khi một chén mơ khô (130g) chứa đến 1.500mg kali.
12. Khoai tây và khoai lang
Khoai tây và khoai lang là những loại củ giàu kali.
Một củ khoai tây cỡ trung bình (khoảng 160g) chứa 610mg kali trong khi một củ khoai lang cỡ trung bình (115g) chứa khoảng 540mg kali.
Tuy nhiên, có thể làm giảm hàm lượng kali trong khoai bằng cách cắt nhỏ và ngâm trong vài giờ trước khi nấu.
Một số nghiên cứu cho thấy rằng luộc khoai có thể làm giảm đáng kể hàm lượng kali, đặc biệt là khi luộc khoai bằng nước lạnh.
Ngâm khoai trong nước từ 5 – 10 phút có thể làm giảm tới 20% lượng kali. (2)
Mặc dù việc ngâm khoai trong nước vài tiếng trước khi nấu giúp làm giảm hàm lượng kali nhưng cách này không loại bỏ được hoàn toàn lượng kali.
Khoai đã nấu chín vẫn có chứa lượng kali đáng kể và vì thế nên người bệnh vẫn phải kiểm soát khẩu phần ăn để tránh tiêu thụ quá nhiều kali.
Tóm tắt: Khoai tây và khoai lang là những loại thực phẩm giàu kali. Luộc hoặc ngâm khoai vài tiếng trước khi nấu có thể giảm bớt lượng kali trong khoai. Tuy nhiên, người bệnh vẫn phải chú ý khẩu phần ăn.
13. Cà chua
Cà chua là một loại quả chứa nhiều kali nên cũng không phù hợp với chế độ ăn của người mắc bệnh suy thận.
Chỉ 1 chén (245g) sốt cà chua có thể chứa gần 730mg kali.
Người bị suy thận nên thay cà chua bằng các nguyên liệu khác.Ví dụ, có thể thay sốt cà chua bằng sốt làm từ ớt chuông đỏ nướng. Loại sốt này cũng có vị ngon không kém sốt cà chua mà lại có hàm lượng kali ít hơn.
Tóm tắt: Cà chua là một loại quả có hàm lượng kali cao nên người bị suy thận cần tránh hoặc hạn chế.
14. Thực phẩm ăn liền
Thực phẩm ăn liền, ví dụ như mì ăn liền thường có chứa lượng muối lớn và do đó có chứa nhiều natri.
Nếu thường xuyên ăn những thực phẩm này thì sẽ rất khó giữ lượng natri tiêu thụ ở mức dưới 2.300mg mỗi ngày.
Bên cạnh hàm lượng natri cao, đa số thực phẩm ăn liền và những thực phẩm siêu chế biến khác còn có giá trị dinh dưỡng thấp. Nếu ăn những thực phẩm này thay cho thực phẩm toàn phần thì sẽ không tốt cho sức khỏe.
Tóm tắt: Thực phẩm ăn liền thường có chứa một lượng natri rất lớn và nghèo dinh dưỡng. Tốt nhất người bị suy thận nên hạn chế những thực phẩm này trong chế độ ăn uống.
15. Rau họ cải
Các loại rau họ cải như cải bắp, cải xoong, cải thìa, súp lơ, cải brussel, cải xoăn, cải cầu vồng (cải Thụy Sĩ), cải bó xôi (rau bina, rau chân vịt) và cải củ là những loại rau xanh chứa nhiều chất dinh dưỡng và khoáng chất, trong đó có kali.
Lượng kali trong mỗi chén rau sống (30 – 38g) dao động trong khoảng 136 – 290mg.
Khi nấu chín, rau sẽ ngót đi nhưng hàm lượng kali vẫn không thay đổi.
Điều này có nghĩa là một chén rau nấu chín có chứa lượng kali cao hơn nhiều so với một chén rau sống.
Nếu muốn ăn các loại rau họ cải thì nên chọn những loại có thể ăn sống để hạn chế kali.
Tuy nhiên, cũng không nên ăn nhiều vì những loại rau này có chứa hàm lượng lớn oxalat. Ăn nhiều oxalat có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận.
Sỏi thận sẽ khiến thận càng bị tổn thương và suy giảm chức năng nặng hơn.
Tóm tắt: Các loại rau họ cải chứa nhiều kali, đặc biệt là khi nấu chín. Mặc dù rau ngót đi khi nấu chín nhưng hàm lượng kali vẫn giữ nguyên. Các loại rau này còn chứa nhiều oxalat và ăn nhiều oxalat sẽ làm tăng nguy cơ sỏi thận.
16. Chà là, nho và mận khô
Chà là, nho và mận khô là những loại trái cây sấy khô phổ biến.
Khi trái cây được sấy khô, lượng nước bị loại bỏ và do đó, mật độ các chất dinh dưỡng trong trái cây sẽ tăng lên, trong đó có cả kali.
Một chén (khoảng 175g) mận khô chứa 1.270mg kali, gần gấp 5 lần lượng kali có trong 1 chén (165g) mật tươi. Bốn quả chà là khô cung cấp gần 670mg kali.
Do có hàm lượng kali cao nên người bị suy thận tốt nhất không nên ăn các loại trái cây sấy khô này duy trì nồng độ kali trong máu ở mức khỏe mạnh.
Tóm tắt: Mật độ các chất dinh dưỡng tăng lên khi trái cây được sấy khô. Do đó, trái cây sấy khô như quả chà là, mận và nho khô có hàm lượng kali cao hơn so với trái cây tươi. Người bị suy thận tốt nhất nên tránh những loại trái cây này.
17. Một số loại đồ ăn vặt
Một số loại đồ ăn vặt như bánh quy mặn, bim bim, snack khoai tây... có chứa lượng muối lớn. Đa số những món ăn này còn nghèo dinh dưỡng.
Thêm nữa, ăn những thứ này thường không tạo cảm giác no nên sẽ rất dễ ăn quá nhiều và dẫn đến tiêu thụ lượng muối vượt quá mức khuyến nghị.
Do snack khoai tây chiên làm từ khoai tây nên còn chứa nhiều kali.
Tóm tắt: Các loại đồ ăn vặt như bim bim, snack khoai tây và bánh quy mặn thường chứa lượng muối lớn và ngoài ra còn dễ khiến mọi người ăn quá nhiều. Ngoài ra, snack khoai tây còn chứa nhiều kali.
Một số câu hỏi thường gặp về những thực phẩm cần tránh
Ăn trứng có gây hại cho thận không?
Trứng rất giàu dinh dưỡng và là một loại thực phẩm “thân thiện” với thận. Tuy nhiên, do trứng giàu protein nên những người đang phải theo chế độ ăn ít protein không nên ăn nhiều trứng.
Cà phê có hại cho thận không?
Thi thoảng uống một tách cà phê sẽ không gây hại gì cho người mắc bệnh suy thận.
Tuy nhiên, uống quá nhiều cà phê (3 – 4 cốc, tương đương 470 – 710ml) mỗi ngày hoặc thêm một lượng lớn sữa, kem hoặc siro tạo hương vị có thể làm tăng mức kali hoặc phốt pho. Những người cần phải hạn chế lượng nước uống cũng không nên uống nhiều cà phê mỗi ngày vì thành phần của cà phê chủ yếu là nước.
Sô cô la có hại cho thận không?
Sô cô la đen rất giàu chất chống oxy hóa và trên thực tế đã được chứng minh là có tác dụng làm giảm tình trạng viêm ở những người đang phải lọc máu. (3)
Tuy nhiên, sô cô la có nhiều calo và một số loại còn chứa đường bổ sung cũng như là phốt pho và kali. Do đó, người bị suy thận tốt nhất chỉ nên ăn sô cô la ở mức độ vừa phải.
Tóm tắt bài viết
Đối với người mắc bệnh suy thận, việc cắt giảm lượng kali, phốt pho và natri trong chế độ ăn uống là điều rất quan trọng để kiểm soát tình trạng bệnh.
Tốt nhất nên hạn chế hoặc tránh hoàn tòa các loại thực phẩm giàu natri, kali và phốt pho kể trên.
Những loại thực phẩm cần hạn chế và mức độ hạn chế sẽ tùy vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng tổn thương thận.
Người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để biết cách xây dựng chế độ ăn uống an toàn cho thận mà vẫn đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể.
Ghép thận là một phương pháp phẫu thuật nhằm điều trị suy thận, giúp người bệnh không phải phụ thuộc lâu dài vào thiết bị lọc máu.
Nhịn ăn gián đoạn có an toàn cho người suy thận không. Với các hình thức phổ biến hiện nay thì người bệnh thận có phù hợp với chế độ ăn này. Hãy tìm hiểu chi tiết nội dung bài viết dưới đây nhé!
Chạy thận nhân tạo thường được chỉ định cho những người bị suy thận mạn giai đoạn cuối, khi chức năng thận chỉ còn 10 đến 15% so với chức năng bình thường.
Những người bị suy thận mạn có nguy cơ bị thiếu máu cao hơn vì cơ thể không thể sản xuất hormone erythropoietin để kích thích sự sản sinh hồng cầu. Do đó, người bệnh cần lượng sắt nhiều hơn so với bình thường để cơ thể tạo hồng cầu.
Nói chung ghép thận có tỷ lệ thành công cao. Phương pháp này giúp kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. Có tới 97% ca ghép thận sống thêm được ít nhất 1 năm.