20 loại thực phẩm tốt cho người bị suy thận
Bệnh tiểu đường và cao huyết áp là những nguyên nhân phổ biến nhất gây suy thận mạn. Béo phì, hút thuốc lá, kháng insulin, nồng độ axit uric cao và nhiều vấn đề sức khỏe khác cũng có thể góp phần dẫn đến suy thận mạn.
Khi thận không hoạt động bình thường, chất thải sẽ tích tụ trong máu, bao gồm cả chất thải từ thực phẩm.
Do đó, một điều rất quan trọng khi bị suy thận mạn là phải điều chỉnh chế độ ăn uống để thận không phải làm việc nhiều và tránh tích tụ chất thải trong cơ thể.
Người bị suy thận mạn cần tránh những thực phẩm nào?
Việc điều chỉnh chế độ ăn uống sẽ tùy thuộc vào mức độ tổn thương thận. Người mắc suy thận mạn giai đoạn sau sẽ phải theo chế độ ăn nghiêm ngặt hơn so với người bị suy thận mạn giai đoạn đầu.
Dù ở bất kỳ giai đoạn nào, mục đích của việc điều chỉnh chế độ ăn uống cũng là để cải thiện chức năng thận và bảo vệ thận không bị tổn thương thêm.
Mặc dù mức độ hạn chế ăn uống ở mỗi giai đoạn suy thận mạn là khác nhau nhưng nhìn chung, người bị suy thận mạn thường phải hạn chế natri, kali, phốt pho và protein vì thận không thể lọc những chất này khỏi máu một cách hiệu quả và sự tích tụ những chất này trong máu sẽ gây hại cho cơ thể.
Bảng dưới đây là mức giới hạn các chất này khi bị suy thận mạn.
Chất dinh dưỡng | Mức giới hạn |
Natri (thành phần chính trong muối ăn) | Dưới 2.000mg mỗi ngày |
Kali | Tùy thuộc vào giai đoạn |
Phốt pho | 600 – 800mg mỗi ngày |
Protein | Tùy thuộc vào giai đoạn |
Vì suy thận có mối liên hệ chặt chẽ với bệnh tim mạch nên người bệnh nên kết hợp những điều chỉnh này với chế độ ăn uống tốt cho tim mạch, trong đó ăn nhiều thực phẩm tươi, có nguồn gốc thực vật và ít chất béo bão hòa. Bác sĩ sẽ có hướng dẫn cụ thể về những chất cần hạn chế và mức tiêu thụ an toàn mỗi ngày.
Người bệnh nên thay những thực phẩm có hàm lượng natri, phốt pho, kali và protein cao bằng những thực phẩm có hàm lượng thấp hơn.
Dưới đây là 20 loại thực phẩm có lợi cho người bị suy thận.
Thực phẩm phù hợp với người bị suy thận
1. Súp lơ trắng
Súp lơ trắng cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, gồm có vitamin K, folate và chất xơ. Loại thực phẩm này còn chứa chất chống oxy hóa và các hợp chất chống viêm.
Người bệnh có thể sử dụng súp lơ thay cho khoai tây để giảm lượng kali trong món ăn.
Nửa chén (khoảng 60g) súp lơ trắng luộc chín, không thêm gia vị chứa:
- Natri: 9,3mg
- Kali: 88mg
- Phốt pho: 20mg
- Protein: 1g
2. Việt quất
Quả việt quất rất giàu chất dinh dưỡng và anthocyanin, một chất chống oxy hóa có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường và các bệnh khác.
Loại quả này chứa ít natri, phốt pho và kali.
Một chén (khoảng 150g) quả việt quất tươi chứa:
- Natri: 1,5mg
- Kali: 114mg
- Phốt pho: 18mg
- Protein: 1g
3. Cá vược
Cá vược là một nguồn cung cấp protein chất lượng cao. Loại cá này còn chứa axit béo omega-3 – một nhóm chất béo tốt. Axit béo omega -3 giúp ngăn ngừa nhiều bệnh tật và tăng cường sức khỏe cho những người mắc bệnh mạn tính.
Một khẩu phần 85g cá vược nấu chín chứa:
- Natri: 74mg
- Kali: 279mg
- Phốt pho: 211mg
- Protein: 20g
Tuy nhiên, người bị suy thận nên ăn ít thịt và cá vì tiêu thụ nhiều protein sẽ khiến thận phải làm việc nhiều hơn.
4. Nho đỏ
Nho đỏ giàu flavonoid - một nhóm chất chống oxy hóa có tác dụng giảm viêm và ngăn ngừa bệnh tim mạch, tiểu đường và nhiều bệnh lý khác.
Nửa chén (khoảng 75g) nho đỏ chứa:
- Natri: 1,5mg
- Kali: 144mg
- Phốt pho: 15mg
- Protein: 0,5g
5. Lòng trắng trứng
Lòng trắng trứng là một nguồn cung cấp protein chất lượng cao thân thiện với thận vì chứa ít phốt pho.
Người bị suy thận nên ăn lòng trắng trứng thay vì trứng nguyên quả vì lòng đỏ trứng chứa nhiều phốt pho.
Hai lòng trắng trứng lớn (khoảng 66g) chứa:
- Natri: 110mg
- Kali: 108mg
- Phốt pho: 10mg
- Protein: 7g
6. Tỏi
Tỏi là một loại gia vị mà người bệnh có thể sử dụng để tạo hương vị cho món ăn thay cho muối. Tỏi còn chứa một số chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe, ví dụ như mangan và vitamin B6. Ngoài ra, tỏi còn chứa các hợp chất lưu huỳnh có đặc tính chống viêm.
Ba tép tỏi lớn (khoảng 9g) chứa:
- Natri: 1,5mg
- Kali: 36mg
- Phốt pho: 14mg
- Protein: 0,5 g
7. Kiều mạch
Kiều mạch là một loại ngũ cốc nguyên hạt có hàm lượng kali thấp. Kiều mạch còn chứa vitamin B, magiê, sắt và chất xơ.
Kiều mạch không chứa gluten nên phù hợp với những người mắc bệnh celiac hoặc không dung nạp gluten.
Nửa chén (khoảng 85g) kiều mạch chứa:
- Natri: 0,8mg
- Kali: 391mg
- Phốt pho: 295mg
- Protein: 11g
8. Dầu ô liu
Dầu ô liu là nguồn cung cấp vitamin E và chứa chủ yếu chất béo không bão hòa. Dầu ô liu không chứa phốt pho nên đây là một lựa chọn phù hợp cho những người bị suy thận.
Phần lớn chất béo trong dầu ô liu là axit oleic, một loại chất béo có đặc tính chống viêm.
Chất béo không bão hòa đơn ổn định ở nhiệt độ cao, do đó dầu ô liu là một loại dầu phù hợp để nấu ăn.
Một muỗng canh (khoảng 15g) dầu ô liu chứa:
- Natri: 0,3mg
- Kali: 0,1mg
- Phốt pho: 0mg
- Protein: 0g
9. Lúa mì bulgur
Bulgur là một loại lúa mì nguyên hạt và là một lựa chọn thân thiện với thận hơn so với các loại ngũ cốc nguyên hạt khác nhờ có hàm lượng kali và phốt pho thấp.
Lúa mì bulgur cung cấp vitamin B, magiê và sắt, cũng như protein thực vật và chất xơ. Chất xơ có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe đường tiêu hóa.
Nửa chén (khoảng 70g) lúa mì bulgur nấu chín chứa:
- Natri: 154mg
- Kali: 48mg
- Phốt pho: 28mg
- Protein: 2g
10. Bắp cải
Bắp cải là một loại rau thuộc họ cải, có chứa nhiều vitamin, khoáng chất và các hợp chất chống oxy hóa.
Một nghiên cứu vào năm 2021 chỉ ra rằng bắp cải mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như:
- Kiểm soát lượng đường trong máu
- Giảm nguy cơ tổn thương thận và gan
- Ngăn ngừa stress oxy hóa và béo phì
Một chén (khoảng 70g) bắp cải cắt nhỏ chứa:
- Natri: 20mg
- Kali: 161mg
- Phốt pho: 29mg
- Protein: 1,4g
11. Thịt gà bỏ da
Ức gà bỏ da chứa ít chất béo và phốt pho hơn so với thịt gà có da.
Một chén (khoảng 140g) ức gà bỏ da nấu chín chứa:
- Natri: 104mg
- Kali: 358mg
- Phốt pho: 319mg
- Protein: 44 g
Những người mắc bệnh suy thận chỉ nên ăn tối đa 60 – 85g thịt hoặc cá mỗi ngày vì đây là những loại thực phẩm chứa nhiều protein. Tiêu thụ lượng protein lớn sẽ khiến thận phải làm việc nhiều hơn.
12. Ớt chuông
Ớt chuông chứa nhiều vitamin A, vitamin C và các chất chống oxy hóa khác nhưng lại ít kali.
Những chất dinh dưỡng này rất quan trọng đối với chức năng miễn dịch mà người bị suy thận mạn lại có nguy cơ bị suy giảm miễn dịch.
Một quả ớt chuông đỏ cỡ vừa (khoảng 100g) chứa:
- Natri: chưa đến 2,5mg
- Kali: 213mg
- Phốt pho: 27mg
- Protein: 1g
13. Hành tây
Đối với nhiều người, cắt giảm lượng muối ăn hàng ngày là điều khó khăn. Người bệnh có thể sử dụng các nguyên liệu khác để tạo hương vị cho món ăn thay cho muối. Một ví dụ là hành tây.
Xào hành tây với tỏi, dầu ô liu và các loại thảo mộc có thể tăng thêm hương vị cho món ăn mà không ảnh hưởng đến sức khỏe thận.
Hành tây cung cấp vitamin C, mangan và các vitamin nhóm B, bao gồm cả folate (vitamin B9). Hành tây còn chứa chất xơ không hòa tan – loại chất xơ cung cấp thức ăn cho vi khuẩn có lợi trong đường ruột, nhờ đó giúp cải thiện sức khỏe đường ruột.
Một củ hành tây nhỏ (70 gram) chứa:
- Natri: 3mg
- Kali: 102mg
- Phốt pho: 20mg
- Protein: 0,8g
14. Cải lông
Cải lông (hay cải rocket, rau arugula,…) là một loại rau xanh thuộc họ cải, giàu dinh dưỡng, ít kali nên là lựa chọn phù hợp với người bị suy thận.
Cải lông cung cấp vitamin K, mangan và canxi, tất cả các chất này đều quan trọng đối với sức khỏe xương.
Loại rau này còn chứa nitrat, một hợp chất tự nhiên có thể giúp giảm huyết áp. Đây là một lợi ích quan trọng đối với những người bị suy thận.
Một chén (20g) cải lông sống có chứa:
- Natri: 5mg
- Kali: 74mg
- Phốt pho: 10mg
- Protein: 5g
15. Hạt macca
Hầu hết các loại hạt đều có hàm lượng phốt pho cao và không phù hợp với người bị suy thận.
Tuy nhiên, hạt macca lại là một ngoại lệ. Hạt macca có hàm lượng kali và phốt pho thấp hơn so với các loại hạt khác như đậu phộng và hạnh nhân.
Hạt macca là nguồn cung cấp canxi, chất béo tốt, folate, magie, đồng, sắt và mangan.
28 gram hạt macca chứa:
- Natri: 1,4mg
- Kali: 104mg
- Phốt pho: 53mg
- Protein: 2g
16. Củ cải
Củ cải là loại rau phù hợp với chế độ ăn uống của người bị suy thận. Củ cải rất ít kali và phốt pho nhưng lại có chứa các chất dinh dưỡng quan trọng khác, chẳng hạn như folate và vitamin A.
Củ cải có thể được sử dụng để nấu nước dùng để tạo vị ngọt tự nhiên cho món ăn, nhờ đó có thẻ giảm bớt lượng muối.
Nửa chén (khoảng 60g) củ cải thái lát chứa:
- Natri: 23mg
- Kali: 135mg
- Phốt pho: 12mg
- Protein: 0,5g
17. Rau cải củ
Rau cải củ chứa nhiều chất xơ, vitamin C, vitamin B6 và mangan.
Đây cũng là một loại rau thận thiện với người bị bệnh thận.
Nửa chén (khoảng 80g) rau cải củ nấu chín chứa:
- Natri: 160mg
- Kali: 159mg
- Phốt pho: 22mg
- Protein: 1g
18. Dứa
Dứa là một loại trái cây an toàn cho những người có vấn đề về thận. Dứa có hàm lượng phốt pho, kali và natri thấp hơn so với nhiều loại trái cây khác như cam, chuối hoặc kiwi.
Dứa là một nguồn cung cấp chất xơ và vitamin A dồi dào, đồng thời có chứa bromelain, một loại enzyme có thể giúp giảm viêm.
Một chén (khoảng 165 gram) dứa cắt miếng chứa:
- Natri: 2mg
- Kali: 180mg
- Phốt pho: 13mg
- Protein: 1g
19. Nam việt quất
Nam việt quất chứa proanthocyanidin loại A, một nhóm chất chống oxy hóa có thể ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng thận bằng cách làm giảm vi khuẩn trong nước tiểu. Loại quả này có hàm lượng kali, phốt pho và natri thấp.
Nhiễm trùng đường tiết niệu không được điều trị có thể dẫn đến nhiễm trùng thận và nhiễm trùng thận sẽ làm tăng nguy cơ suy thận.
Người bệnh có thể ăn quả nam việt quất tươi, sấy khô hoặc uống nước ép nam việt quất để ngăn ngừa những vấn đề này.
Một chén (khoảng 100 gram) quả nam việt quất tươi chứa:
- Natri: 2mg
- Kali: 80mg
- Phốt pho: 11mg
- Protein: 0,5g
20. Nấm hương
Nấm hương (hay còn gọi là nấm đông cô) là một loại nấm có mùi thơm đặc trưng và có thể được sử dụng cho nhiều món ăn khác nhau. Loại nấm này thích hợp cho những người bị suy thận.
Nấm hương chứa nhiều vitamin B, đồng, mangan và selen. Ngoài ra, nấm hương còn là nguồn cung cấp protein thực vật và chất xơ dồi dào.
Nấm hương có hàm lượng kali, natri và phốt pho thấp hơn so với một số loại nấm khác như nấm mỡ và nấm nút. Do đó, đây là một lựa chọn thân thiện với người mắc bệnh thận.
Một chén (khoảng 145g) nấm hương nấu chín, không thêm gia vị chứa:
- Natri: 6mg
- Kali: 170mg
- Phốt pho: 42mg
- Protein: 2g
Câu hỏi thường gặp
Có loại thực phẩm nào có thể chữa khỏi suy thận không?
Không có cách nào có thể chữa khỏi suy thận mạn.
Tuy nhiên, điều chỉnh chế độ ăn uống, chẳng hạn như không ăn nhiều muối, có thể giúp giảm khối lượng công việc cho thận, giúp thận hoạt động tốt hơn, không bị tổn thương thêm và làm chậm sự tiến triển của bệnh.
Loại đồ uống nào tốt nhất cho người bị suy thận?
Nước lọc là loại đồ uống tốt nhất cho người bị suy thận vì giúp thận đào thải chất thải, độc tố mà không khiến thận phải làm việc nhiều. Bằng chứng nghiên cứu cho thấy rằng uống nhiều nước lọc có thể giúp ngăn ngừa suy thận.
Nước ép nam việt quất nguyên chất cũng là một lựa chọn có lợi vì loại nước ép này chứa chất chống oxy hóa có thể bảo vệ thận khỏi nhiễm trùng. Người bệnh cũng có thể thử sữa gạo nhưng cần chọn loại không bổ sung kali hoặc phốt pho.
Hạn chế hoặc tránh uống rượu bia vì rượu bia không những gây hại cho thận mà còn làm tăng nguy cơ mắc nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Những loại thực phẩm nào có hại cho thận?
Những loại thực phẩm chính mà người bị suy thận cần tránh là thực phẩm chứa nhiều natri, phốt pho, protein hoặc kali.
Một số loại thực phẩm mà người bệnh cần tránh hoặc hạn chế gồm có:
- Thực phẩm chế biến sẵn, những loại thực phẩm này thường chứa nhiều muối (natri)
- Thực phẩm muối như dưa, cà, kimchi
- Thực phẩm giàu protein như các loại thịt, cá, nội tạng, sản phẩm từ sữa
- Rượu bia
- Thực phẩm giàu phốt pho như các loại hạt, trứng nguyên quả, các loại đậu, ngũ cốc
- Thịt chế biến sẵn
- Thực phẩm chứa nhiều kali, ví dụ như khoai tây, trái cây sấy khô, quả bơ, chuối…
Tìm hiểu thêm về những loại thực phẩm cần tránh khi bị suy thận
Tóm tắt bài viết
Những người mắc bệnh suy thận cần phải kiểm soát lượng phốt pho, natri và kali trong chế độ ăn uống. Một số người còn phải hạn chế protein. Có rất nhiều loại thực phẩm thân thiện với người bị suy thận, ví dụ như súp lơ trắng, việt quất, thịt gà bỏ da, nấm đông cô, nam việt quất, hạt macca, kiều mạch, bắp cải, hành tây, củ cải…
Nhu cầu dinh dưỡng và mức độ hạn chế ăn uống thay đổi theo từng giai đoạn bệnh. Người bệnh sẽ được bác sĩ hướng dẫn cụ thể về việc điều chỉnh chế độ ăn uống dựa trên chức năng thận.
Những người bị suy thận mạn giai đoạn cuối thường phải điều trị bằng phương pháp lọc máu. Một giải pháp nữa để điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối là ghép thận. Trong ca phẫu thuật ghép thận, một hoặc cả hai quả thận của người bệnh được thay thế bằng thận của người hiến tặng (còn sống hoặc chết não).
Những người bị suy thận mạn có nguy cơ bị thiếu máu cao hơn vì cơ thể không thể sản xuất hormone erythropoietin để kích thích sự sản sinh hồng cầu. Do đó, người bệnh cần lượng sắt nhiều hơn so với bình thường để cơ thể tạo hồng cầu.
Nói chung ghép thận có tỷ lệ thành công cao. Phương pháp này giúp kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. Có tới 97% ca ghép thận sống thêm được ít nhất 1 năm.