1

Viêm cột sống dính khớp: Nguyên nhân và cách điều trị

Viêm cột sống dính khớp: Nguyên nhân và cách điều trị Viêm cột sống dính khớp: Nguyên nhân và cách điều trị

Viêm cột sống dính khớp là gì?

Viêm cột sống dính khớp là một dạng viêm khớp ảnh hưởng chủ yếu đến cột sống. Bệnh lý này gây viêm đốt sống nghiêm trọng và dẫn đến các cơn đau mãn tính. Trong những trường hợp bệnh tiến triển nặng, tình trạng viêm làm hình thành nên xương mới trên cột sống, dẫn đến biến dạng và có thể gây tàn tật vĩnh viễn.

Viêm cột sống dính khớp còn có thể gây đau và cứng ở các bộ phận khác trên cơ thể, nơi có các khớp lớn khác như vai, hông và đầu gối.

Các triệu chứng của viêm cột sống dính khớp

Viêm cột sống dính khớp có nhiều triệu chứng khác nhau với đặc trưng là các đợt viêm đau mức độ từ nhẹ đến vừa đan xen với các giai đoạn hầu như không có triệu chứng.

Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh này là đau lưng vào buổi sáng và buổi tối, nhất là đau ở các khớp lớn, chẳng hạn như hông và vai. Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như:

  • Cứng khớp vào buổi sáng
  • Tư thế không bình thường, ví dụ như gù lưng
  • Ăn không ngon miệng
  • Sốt nhẹ
  • Sụt cân
  • Người mệt mỏi
  • Thiếu máu hay nồng độ sắt thấp
  • Suy giảm chức năng phổi

Vì viêm cột sống dính khớp là một bệnh có liên quan đến phản ứng viêm nên các bộ phận khác trong cơ thể cũng có thể bị ảnh hưởng. Do đó, những người bị viêm cột sống dính khớp còn có thể gặp phải các vấn đề khác như:

  • Viêm ruột
  • Viêm kết mạc nhẹ
  • Viêm van tim
  • Viêm gân Achilles

Tìm hiểu thêm về những tác động khác của viêm cột sống dính khớp lên cơ thể

Nguyên nhân gây viêm cột sống dính khớp

Hiện nay, nguyên nhân gây viêm cột sống dính khớp vẫn chưa được xác định rõ.

Căn bệnh này thường di truyền nên có khả năng gen là một yếu tố góp phần gây bệnh. Theo nghiên cứu ước tính, ở những người có bố mẹ hoặc anh chị em ruột bị viêm cột sống dính khớp thì khả năng mắc bệnh này cao gấp 10 đến 20 lần so với người không có tiền sử gia đình mắc bệnh.

Đọc thêm: 5 dấu hiệu cảnh báo viêm cột sống dính khớp để xem bạn có đang mắc bệnh hay không

Yếu tố nguy cơ

Tiền sử gia đình

Tiền sử gia đình bị viêm cột sống dính khớp là một trong các yếu tố nguy cơ. Ở những người mắc bệnh này, cơ thể thường có protein HLA-B27. Theo một nghiên cứu vào năm 2002, hơn 90% những người được chẩn đoán viêm cột sống dính khớp đều mang gen biểu hiện protein này.

Tuổi tác

Không giống như các bệnh về xương khớp khác, các triệu chứng ban đầu của viêm cột sống dính khớp có thể xuất hiện ngay từ khi còn trẻ, thường là ở độ tuổi từ 20 đến 40.

Giới tính

Viêm cột sống dính khớp là bệnh phổ biến hơn ở nam giới với tỉ lệ mắc bệnh cao gấp khoảng 3 lần so với nữ giới.

Chủng tộc

Tỉ lệ viêm cột sống dính khớp ở người da trắng cao hơn so với những chủng tộc khác.

Chẩn đoán viêm cột sống dính khớp bằng cách nào?

Bước đầu tiên là thăm khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ hỏi chi tiết về các triệu chứng mà bạn gặp phải cũng như là bệnh sử.

Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành chụp X-quang để kiểm tra tình trạng bào mòn trong cột sống và các khớp bị đau khác. Tuy nhiên, nếu bệnh mới chỉ đang ở giai đoạn đầu thì phương pháp chụp X-quang sẽ không thể phát hiện được. Đôi khi còn cần đến phương pháp chụp cộng hưởng từ MRI.

Bác sĩ có thể còn tiến hành một phương pháp xét nghiệm máu được gọi là tốc độ máu lắng nhằm kiểm tra sự hiện diện của phản ứng viêm. Một phương pháp xét nghiệm khác để chẩn đoán viêm cột sống dính khớp là xét nghiệm HLA-B27. Tuy nhiến, nếu kết quả dương tính thì cũng chưa chắc bạn đã mắc bệnh mà chỉ là đang mang gen tạo ra loại protein này.

Quá trình chẩn đoán loại viêm khớp này thường mất khá nhiều thời gian.

Tìm hiểu thêm về các phương pháp kiểm tra chẩn đoán khác

Cách điều trị viêm cột sống dính khớp

Hiện tại vẫn chưa có cách trị khỏi viêm cột sống dính khớp nhưng vẫn có những biện pháp để kiểm soát cơn đau. Việc điều trị đúng cách, kịp thời sẽ giúp giảm thiểu đáng kể các triệu chứng, đồng thời giúp làm chậm hoặc thậm chí ngăn chặn các biến chứng, chẳng hạn như biến dạng xương.

Dùng thuốc

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen và naproxen là những loại thuốc thường được sử dụng phổ biến để kiểm soát cơn đau và tình trạng viêm. Đây là nhóm những thuốc có tác dụng kéo dài và an toàn vì chỉ có rất ít tác dụng phụ.

Khi thuốc NSAID không còn hiệu quả thì bác sĩ có thể kê các loại thuốc mạnh hơn ví dụ như corticosteroid để bệnh nhân dùng trong một thời gian ngắn. Đây là một loại thuốc chống viêm mạnh nên có thể làm giảm các triệu chứng một cách hiệu quả, làm chậm tổn thương đến cột sống và xung quanh cột sống.

Thuốc ức chế yếu tố hoại tử khối u (TNF) cũng là loại thuốc được dùng để điều trị viêm cột sống dính khớp với cơ chế hoạt động là ngăn chặn các tác nhân gây viêm trong cơ thể. Những loại thuốc này có tác dụng ngăn ngừa viêm, giúp làm giảm tình trạng đau khớp và cứng khớp. Các chất ức chế TNF thường được sử dụng khi tình trạng bệnh đã tiến triển nặng và thuốc NSAID không còn hiệu quả.

Cuối cùng, trong các trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD). Những loại thuốc này có tác dụng làm chậm quá trình bệnh tiến triển trong cơ thể nhằm ngăn ngừa các triệu chứng trở nên trầm trọng thêm.

Phẫu thuật

Nếu cột sống bị tổn thương nặng, biến dạng khớp gối hoặc khớp háng thì người bệnh sẽ cần phải phẫu thuật thay khớp. Bên cạnh đó, trong những trường hợp mà tư thế cơ thể bị cong vẹo do dính khớp cột sống thì sẽ cần phẫu thuật cắt xương. Trong quy trình này, bác sĩ sẽ cắt và nắn thẳng lại xương cột sống.

Các phương pháp điều trị sẽ được chỉ định dựa trên mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh và các triệu chứng gặp phải.

Đọc thêm về các phương pháp khác để điều trị viêm cột sống dính khớp

Biện pháp điều trị tự nhiên

Ngoài các phương pháp điều trị y tế nêu trên, bạn cũng có thể tham khảo thêm một số biện pháp điều trị tự nhiên và thay thế để cải thiện các triệu chứng của bệnh viêm cột sống dính khớp. Những phương pháp này có thể được thực hiện một mình hoặc cũng có thể kết hợp cùng với các phương pháp điều trị khác. Các phương pháp này gồm có:

Tập thể dục

Các bài tập nhằm mở rộng phạm vi chuyển động, cũng như các bài tập tăng cường sức khỏe và cơ bắp đều giúp giảm bớt các triệu chứng viêm cột sống dính khớp, củng cố khớp xương và giúp cho khớp trở nên linh hoạt hơn. Bạn có thể đến gặp chuyên gia vật lý trị liệu để được hướng dẫn thực hiện các bài tập này một cách chính xác và an toàn.

Sửa tư thế

Cột sống bị cứng sẽ ảnh hưởng xấu đến tư thế của cơ thể. Theo thời gian, các đốt xương của cột sống có thể hợp nhất với nhau và khiến cho tư thế xấu của cơ thể bị cố định vĩnh viễn. Bạn có thể giảm nguy cơ xảy ra vấn đề này bằng cách chỉnh sửa lại tư thế.

Tất nhiên là không thể thay đổi thói quen đã hình thành sau nhiều năm chỉ trong 1, 2 ngày nhưng hãy thường xuyên để ý và chỉnh lại tư thế của mình. Bạn cũng có thể sử dụng các thiết bị hỗ trợ, ví dụ như ghế hoặc đệm ngồi nắn chỉnh cột sống.

Nhiệt trị liệu (nóng hoặc lạnh)

Bạn có thể dùng túi chườm nóng hoặc ngâm trong nước ấm để làm dịu các cơn đau và tình trạng cứng ở cột sống cũng như các khớp bị ảnh hưởng khác. Mặt khác, túi chườm lạnh có tác dụng làm giảm viêm, từ đó giảm sưng đau ở các khớp.

Châm cứu

Phương pháp điều trị thay thế này có thể làm giảm đau và các triệu chứng khác của viêm cột sống dính khớp bằng cách kích hoạt các hormone giảm đau tự nhiên trong cơ thể.

Mát-xa

Ngoài tác dụng giúp cơ thể thư giãn và lấy lại năng lượng, mát-xa còn là cách để duy trì sự linh hoạt và cải thiện phạm vi chuyển động của các khớp xương. Khi đi trị liệu, bạn cần nói với nhân viên về tình trạng viêm cột sống dính khớp để họ chú ý các điểm nhạy cảm xung quanh cột sống.

Đọc thêm về 10 phương pháp tự nhiên để cải thiện bệnh viêm cột sống dính khớp

Thay đổi lối sống

Chế độ ăn uống

Khi bị viêm cột sống dính khớp, bạn nên chú ý hơn đến thói quen ăn uống của mình, cố gắng theo một chế độ ăn lành mạnh bằng cách bổ sung thêm:

  • Các loại thực phẩm giàu axit béo omega-3, như cá, các loại hạt và một số loại dầu
  • Nhiều trái cây và rau xanh
  • Ngũ cốc nguyên cám, chẳng hạn như yến mạch hay gạo lứt
  • Các loại thực phẩm có chứa lợi khuẩn, chẳng hạn như sữa chua

Bên cạnh đó, nên cố gắng cắt giảm tối đa hoặc bỏ hẳn các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo (đặc biệt là chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa), đường và natri ra khỏi chế độ ăn hàng ngày. Những chất này đều làm cho tình trạng viêm thêm trầm trọng hơn.

Bạn cũng nên hạn chế uống nhiều rượu bia. Đồ uống có cồn sẽ làm giảm hiệu quả của các loại thuốc bạn đang dùng và khiến cho các triệu chứng chuyển biến xấu.

Đọc thêm về cách xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh khi bị viêm cột sống dính khớp

Tập thể dục

Tập thể dục hàng ngày và điều chỉnh tư thế là những cách hữu hiệu để duy trì sự linh hoạt và phạm vi chuyển động cho khớp. Bạn có thể thử các bài tập dưới đây giảm triệu chứng viêm cột sống dính khớp:

  • Yoga
  • Hít thở sâu
  • Giãn cơ
  • Bơi lội

Các biến chứng thường gặp

Nếu không được điều trị, viêm cột sống dính khớp có thể gây ra một số biến chứng như:

  • Đốt sống dính liền với nhau do viêm mãn tính
  • Tình trạng viêm có thể lan đến các khớp lân cận, bao gồm cả hông và vai
  • Viêm lan đến dây chằng và gân, làm cho việc đi lại, vận động càng thêm khó khăn hơn
  • Khó thở
  • Vấn đề về mắt
  • Tổn thương tim, phổi hoặc ruột
  • Gãy xương cột sống

Do đó, cần phát hiện và tiến hành điều trị bệnh ngay từ sớm để tránh xảy ra các biến chứng này

Ngăn ngừa viêm cột sống dính khớp

Vì chưa xác định được viêm cột sống dính khớp là do nguyên nhân nào gây ra nên vẫn chưa có cách cụ thể để ngăn ngừa căn bệnh này. Tuy nhiên, khi đã mắc bệnh thì bạn có thể ngăn ngừa dị tật vĩnh viễn bằng các biện pháp sau:

  • Vận động thường xuyên
  • Có chế độ ăn uống lành mạnh
  • Duy trì cân nặng ở mức khỏe mạnh

Những thay đổi lành mạnh về lối sống hàng ngày, kết hợp với các phương pháp điều trị sẽ giúp trì hoãn hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Triển vọng của người bị viêm cột sống dính khớp

Viêm cột sống dính khớp là một bệnh lý tiến triển mãn tính, có nghĩa là tình trạng sẽ trở nên nặng dần theo thời gian và có thể dẫn đến tàn tật. Mặc dù vẫn chưa có phương pháp nào có thể chữa khỏi được bệnh này nhưng việc dùng thuốc theo chỉ định, kết hợp chế độ ăn uống, tập thể dục và các liệu pháp thay thế sẽ giúp giảm nhẹ các triệu chứng, ngăn ngừa và trì hoãn tình trạng viêm và tổn thương khớp chuyển biến xấu,.

Nếu bạn bị đau lưng mãn tính thì nên đi khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán nguyên nhân chính xác, chẳng hạn như viêm cột sống dính khớp hoặc các vấn đề về khớp khác và có kế hoạch điều trị phù hợp nhằm làm dịu bớt các cơn đau nhức khó chịu.

Càng bắt đầu điều trị sớm thì triển vọng ngăn ngừa được các hậu quả lâu dài sẽ càng cao.

Đọc thêm về quá trình viêm cột sống dính khớp tiến triển và những cách để làm chậm lại

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: nguyên nhân
Tin liên quan
Viêm khớp nhiễm khuẩn: triệu chứng và cách điều trị
Viêm khớp nhiễm khuẩn: triệu chứng và cách điều trị

Viêm khớp nhiễm khuẩn là một bệnh nhiễm trùng ở khớp, xảy ra khi tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus lây lan sang khớp hoặc chất dịch bao quanh khớp.

Đau cơ xơ hóa: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Đau cơ xơ hóa: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Đau cơ xơ hóa là bệnh lý gây đau tại nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể.

Loãng xương hông thoáng qua: Nguyên nhân và cách điều trị
Loãng xương hông thoáng qua: Nguyên nhân và cách điều trị

Loãng xương hông thoáng qua hay hội chứng phù tủy xương hông là một dạng loãng xương hiếm gặp. Đây là tình trạng giảm mật độ xương tạm thời ở phần đầu của xương đùi hay chỏm xương đùi (phần xương có hình dạng 2/3 khối cầu nằm trong khớp háng).

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây