Xét nghiệm BUN cho biết điều gì?
Xét nghiệm BUN là gì?
Xét nghiệm urê máu (blood urea nitrogen) hay xét nghiệm BUN là xét nghiệm máu được sử dụng để đánh giá mức độ hoạt độn của thận. Xét nghiệm này đo nồng độ nitơ urê trong máu. Nitơ urê là một chất thải được tạo ra bởi gan trong quá trình phân hủy protein. Thông thường, chất thải này được thận lọc khỏi máu và đào thải ra ngoài theo nước tiểu.
Nồng độ nitơ urê trong máu thường tăng khi thận hoặc gan bị tổn thương. Có quá nhiều nitơ urê trong máu có thể là dấu hiệu của các vấn đề về thận hoặc gan.
Xét nghiệm BUN được thực hiện khi nào?
Xét nghiệm BUN được thực hiện chủ yếu nhằm đánh giá chức năng thận. Xét nghiệm này thường được thực hiện cùng với các xét nghiệm máu khác, chẳng hạn như xét nghiệm creatinin máu để bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác.
Xét nghiệm BUN có thể giúp chẩn đoán các tình trạng sau đây:
- Tổn thương gan
- Suy dinh dưỡng
- Tuần hoàn kém
- Mất nước
- Tắc nghẽn đường tiết niệu
- Suy tim sung huyết
- Xuất huyết dạ dày
Xét nghiệm BUN còn được sử dụng để theo dõi hiệu quả lọc máu, một phương pháp điều trị suy thận.
Xét nghiệm BUN thường là một phần trong quá trình khám sức khỏe định kỳ, ngoài ra còn được thực hiện nhằm theo dõi sức khỏe người bệnh trong thời gian nằm viện và trong hoặc sau khi điều trị các bệnh như tiểu đường.
Mặc dù xét nghiệm BUN đo nồng độ nitơ urê trong máu nhưng không xác định được nguyên nhân khiến lượng nitơ urê cao hơn hoặc thấp hơn mức bình thường.
Chuẩn bị trước khi xét nghiệm
Người bệnh không cần chuẩn bị gì đặc biệt trước khi làm xét nghiệm BUN. Tuy nhiên, nếu người bệnh đang dùng bất kỳ loại thuốc kê đơn hay thuốc không kê đơn nào thì phải cho bác sĩ biết. Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến nồng độ nitơ urê trong máu.
Một số loại thuốc, gồm có chloramphenicol và streptomycin, có thể làm giảm nồng độ nitơ urê trong khi một số loại khác, chẳng hạn như một số loại thuốc kháng sinh và thuốc lợi tiểu, có thể làm tăng nồng độ nitơ urê.
Các loại thuốc kê đơn có thể làm tăng nồng độ nitơ urê gồm có:
- amphotericin B (AmBisome, Fungizone)
- carbamazepin (Tegretol)
- cephalosporin, một nhóm thuốc kháng sinh
- furosemide (Lasix)
- methotrexate
- metyldopa
- rifampin (Rifadin)
- spironolactone (Aldactone)
- tetracyclin (Sumycin)
- thuốc lợi tiểu thiazid
- vancomycin (Vancocin)
Nếu người bệnh đang dùng bất kỳ loại thuốc nào trong số này thì cần cho bác sĩ biết. Bác sĩ sẽ cân nhắc điều này khi đánh giá kết quả xét nghiệm.
Quy trình xét nghiệm
Xét nghiệm BUN là một xét nghiệm máu đơn giản, chỉ cần lấy một mẫu máu nhỏ từ tĩnh mạch ở cánh tay.
Các bước thực hiện như sau:
- Nhân viên y tế xác định tĩnh mạch, sau đó sát khuẩn vị trí lấy máu
- Buộc dây garo quanh bắp tay để làm nổi tĩnh mạch
- Đưa kim vào tĩnh mạch và rút máu
- Khi lấy đủ lượng máu, rút kim và ấn bông vô khuẩn lên vị trí lấy máu
- Mẫu máu được bơm vào ống nghiệm và được đem đến phòng xét nghiệm. Người bệnh sẽ được hẹn ngày trả kết quả xét nghiệm.
Ý nghĩa kết quả xét nghiệm
Kết quả xét nghiệm BUN được đo bằng đơn vị miligam trên decilit (mg/dL). Giá trị BUN bình thường thay đổi tùy theo giới tính và độ tuổi.
Nói chung, giá trị BUN bình thường dao động trong các phạm vi: (1)
- Nam giới trưởng thành: 8 - 24 mg/dL
- Phụ nữ trưởng thành: 6 - 21 mg/dL
- Trẻ em (từ 1 đến 17 tuổi): 7 - 20 mg/dL
Nồng độ nitơ ure bình thường của người trên 60 tuổi cao hơn một chút so với người lớn dưới 60 tuổi.
Chỉ số BUN cao hơn bình thường có thể chỉ ra:
- Bệnh tim
- Suy tim sung huyết
- Mới nhồi máu cơ tim
- Xuất huyết dạ dày
- Mất nước
- Mức protein cao
- Bệnh thận, ví dụ như suy thận
- Tắc nghẽn đường tiết niệu
- Stress
- Sốc
Một số loại thuốc, chẳng hạn như một số loại thuốc kháng sinh, có thể làm tăng nồng độ nitơ ure trong máu.
Chỉ số BUN thấp hơn bình thường có thể chỉ ra:
- Suy gan
- Suy dinh dưỡng
- Chế độ ăn uống thiếu protein trầm trọng
- Thừa nước
Tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm BUN, bác sĩ có thể sẽ đề nghị thực hiện thêm các xét nghiệm khác để xác nhận chẩn đoán hoặc đề xuất phương pháp điều trị. Uống nhiều nước là cách hiệu quả nhất để giảm nồng độ nitơ ure trong máu. Giảm bớt lượng protein trong chế độ ăn cũng là một cách để giảm nồng độ nitơ ure. Không nên dùng thuốc để hạ mức nitơ ure trong máu.
Không phải khi nào chỉ số BUN bất thường cũng có nghĩa là bệnh thận. Một số yếu tố, chẳng hạn như mất nước, mang thai, chế độ ăn có quá nhiều hoặc quá ít protein, sử dụng steroid và lão hóa có thể ảnh hưởng đến nồng độ nitơ ure trong máu. Những yếu tố này đều vô hại.
Rủi ro của xét nghiệm BUN
Người bệnh có thể sinh hoạt bình thường ngay sau khi làm xét nghiệm BUN, trừ khi xét nghiệm được thực hiện vì một lý do khẩn cấp. Hãy báo cho bác sĩ nếu người bệnh bị rối loạn chảy máu hoặc đang dùng một số loại thuốc như thuốc chống đông máu. Những điều này có thể khiến người bệnh bị chảy máu lâu hơn sau khi lấy mẫu máu.
Xét nghiệm BUN là một xét nghiệm máu rất đơn giản và an toàn nhưng đôi khi có thể xảy ra một số vấn đề không mong muốn như:
- Chảy máu tại vị trí lấy máu
- Bầm tím tại vị trí lấy máu
- Tích tụ máu dưới da
- Nhiễm trùng tại vị trí lấy máu
Một số người bị chóng mặt hoặc thậm chí ngất xỉu sau khi lấy máu nhưng điều này rất hiếm khi xảy ra. Hãy báo cho bác sĩ nếu người bệnh gặp bất kỳ vấn đề bất thường nào sau khi làm xét nghiệm.
Tóm tắt bài viết
Xét nghiệm BUN là một xét nghiệm máu nhanh chóng và đơn giản thường được thực hiện nhằm đánh giá chức năng thận. Chỉ số BUN cao hoặc thấp hơn bình thường không phải lúc nào có nghĩa là chức năng thận đang có vấn đề. Nếu nghi ngờ người bệnh có vấn đề về thận hoặc bệnh lý khác, bác sĩ sẽ yêu cầu làm thêm các xét nghiệm khác để xác nhận chẩn đoán và xác định nguyên nhân.
Mỗi quả thận có những đơn vị lọc máu nhỏ gọi là nephron. Có nhiều nguyên nhân khiến cho các đơn vị lọc máu này bị hỏng và lọc máu kém, cuối cùng dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối. Hai nguyên nhân phổ biến gây suy thận mạn giai đoạn cuối là bệnh tiểu đường và cao huyết áp.
Suy thận có nghĩa là chức năng thận bị suy giảm. Suy thận cấp là tình trạng chức năng thận bị giảm đột ngột và tạm thời. Suy thận mạn có nghĩa là chức năng thận giảm từ từ và không thể phục hồi.
Suy thận mạn hiếm khi được phát hiện ở giai đoạn đầu vì mức độ tổn thương lúc này mới chỉ rất nhẹ và do đó không biểu hiện triệu chứng. Nếu không được điều trị, chức năng thận sẽ tiếp tục giảm và suy thận mạn giai đoạn đầu sẽ tiến triển sang giai đoạn 2.
Thận là cơ quan có nhiệm vụ lọc dịch thừa và chất thải ra khỏi máu. Chất thải này sau đó sẽ đi ra ngoài theo nước tiểu. Suy thận mạn tính là tình trạng chức năng thận bị giảm hoặc mất hoàn toàn trong thời gian dài, có thể là nhiều tháng hoặc nhiều năm. Theo thời gian, chất thải và dịch sẽ tích tụ lại trong cơ thể. Tình trạng này còn được gọi là bệnh thận mạn tính.