1

Truxima: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Truxima là thuốc được sử dụng để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp ở người lớn và một số bệnh lý khác.
truxima Truxima: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Truxima là thuốc gì?

Truxima là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị các bệnh lý sau đây ở người lớn:

  • Viêm khớp dạng thấp
  • Một số loại ung thư hạch không hodgkin
  • Bệnh bạch cầu mạn tính dòng lympho
  • Bệnh u hạt kèm theo viêm đa mạch
  • Viêm đa vi mạch, một bệnh hiếm gặp, xảy ra khi các mạch máu nhỏ bị viêm

Để hiểu rõ hơn về công dụng của Truxima, vui lòng đọc phần “Chỉ định” ở bên dưới.

Thông tin cơ bản về thuốc

Hoạt chất trong Truxima là rituximab-abbs (hoạt chất là thành phần giúp thuốc có tác dụng điều trị bệnh). Truxima thuộc nhóm thuốc kháng thể đơn dòng (monoclonal antibody) và là một loại liệu pháp miễn dịch.

Truxima là một loại thuốc sinh học. Thuốc sinh học được làm từ tế bào sống, trong khi các loại thuốc khác được làm từ hóa chất. Thuốc làm từ hóa chất có thể có phiên bản thuốc gốc (generic), là bản sao chứa cùng một loại hoạt chất như biệt dược (brand-name drug). Trong khi đó, thuốc sinh học không có bản sao giống y hệt.

Thay vì thuốc gốc, thuốc sinh học có thuốc tương tự sinh học (biosimilar). Thuốc tương tự sinh học “tương tự” như thuốc gốc và cũng được coi là hiệu quả và an toàn. Giống như thuốc gốc, thuốc tương tự sinh học thường rẻ hơn so với biệt dược. Truxima là phiên bản tương tự sinh học của Rituxan (rituximab).

Truxima có dạng lỏng để truyền qua đường tĩnh mạch (đưa thuốc vào tĩnh mạch một cách từ từ). Người bệnh sẽ phải đến cơ sở y tế định kỳ để truyền thuốc.

Truxima và Rituxan

Truxima là phiên bản tương tự sinh học của Rituxan (rituximab), một loại thuốc sinh học (xem phần “Thông tin cơ bản về Truxima” ở ngay bên trên để hiểu về thuốc sinh học và thuốc tương tự sinh học).

Mặc dù Truxima và Rituxan rất giống nhau nhưng hai loại thuốc này có một số điểm khác biệt, chẳng hạn như:

  • Rituxan được sử dụng để điều trị một số bệnh lý ở trẻ em trong khi Truxima chỉ được sử dụng cho người lớn.
  • Rituxan được sử dụng để điều trị bệnh pemphigus thông thường nhưng Truxima không được sử dụng để điều trị bệnh lý này.

(Để hiểu rõ hơn về công dụng của Truxima, vui lòng đọc phần “Chỉ định” ở ngay bên dưới)

Chỉ định

Điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp

Truxima được sử dụng để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) ở người lớn. Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra do hệ thống miễn dịch tấn công nhầm mô khớp và các mô khỏe mạnh khác trong cơ thể. Điều này gây ra tình trạng viêm không chỉ ở khớp mà còn ở khắp cơ thể.

Truxima được sử dụng để làm giảm các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp mức độ từ vừa đến nặng. Để điều trị viêm khớp dạng thấp, Truxima thường được sử dụng kết hợp với một loại thuốc khác tên là methotrexate (một loại thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm – DMARD).

Cụ thể, Truxima được sử dụng cho những người đã thử ít nhất một loại thuốc trong nhóm thuốc ức chế yếu tố hoại tử khối u (thuốc ức chế TNF) mà không hiệu quả.

Ví dụ về thuốc ức chế TNF gồm có:

  • adalimumab (Humira)
  • etanercept (Enbrel)
  • infliximab (Remicade)

Truxima điều trị viêm khớp dạng thấp bằng cách nhắm đến một loại protein nhất định trên một số tế bào B (một loại bạch cầu). Truxima gắn vào protein này và điều này làm cho hệ thống miễn dịch tiêu diệt các tế bào B, nhờ đó giúp giảm viêm, giảm các triệu chứng và làm chậm sự tiến triển của bệnh viêm khớp dạng thấp.

Điều trị các bệnh khác

Ngoài viêm khớp dạng thấp, Truxima còn được sử dụng để điều trị các bệnh lý sau đây ở người lớn:

  • Một số loại ung thư hạch không Hodgkin
  • Bệnh bạch cầu mạn tính dòng lympho
  • Bệnh u hạt kèm viêm đa mạch
  • Viêm đa vi mạch

Không phải ai mắc các bệnh lý này cũng có thể điều trị bằng Truxima (tìm thêm chi tiết ở phần dưới).

Cơ chế tác dụng của Truxima là gắn vào một số protein nhất định trong cơ thể và khiến cho hệ miễn dịch phá hủy tế bào B (một loại tế bào bạch cầu). Điều này có thể giúp giảm số lượng tế bào ung thư trong cơ thể và làm giảm tình trạng viêm.

Ung thư hạch không Hodgkin

Ung thư hạch không Hodgkin (non-Hodgkin’s lymphoma) là bệnh ung thư xảy ra ở hệ bạch huyết, một phần của hệ thống miễn dịch. Truxima được sử dụng cho người lớn mắc một số loại ung thư hạch không Hodgkin nhất định.

Để điều trị ung thư hạch không Hodgkin, Truxima có thể được sử dụng một mình hoặc kết hợp với các loại thuốc hóa trị. Dựa trên loại ung thư hạch không Hodgkin cụ thể, bác sĩ sẽ kê loại thuốc phù hợp. Đó có thể là Truxima hoặc cũng có thể là các loại thuốc khác.

Bệnh bạch cầu mạn tính dòng lympho

Truxima được sử dụng để điều trị bệnh bạch cầu mạn tính dòng lympho ở người lớn. Đây là một loại ung thư máu bắt đầu từ tủy xương, nơi tạo ra các tế bào máu.

Truxima được sử dụng cho người lớn mắc một số loại bệnh bạch cầu mạn tính dòng lympho nhất định. Để điều trị bệnh lý này, Truxima thường được sử dụng cùng với hai loại thuốc hóa trị là cyclophosphamide (Cytoxan) và fludarabine. Truxima được sử dụng cho cả những người đã và chưa từng điều trị bệnh bạch cầu mạn tính dòng lympho trước đây.

Bệnh u hạt kèm viêm đa mạch

Bệnh u hạt kèm viêm đa mạch (granulomatosis with polyangiitis) là một bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm các mạch máu. Điều này gây ra tình trạng viêm trong mạch máu.

Để điều trị bệnh u hạt kèm viêm đa mạch, Truxima được sử dụng kết hợp với glucocorticoid (steroid), chẳng hạn như prednisone.

Điều trị viêm đa vi mạch

Viêm đa vi mạch (microscopic polyangiitis) là một loại viêm mạch máu hoại tử, tình trạng các mạch máu bị viêm. Đây là một bệnh tự miễn hiếm gặp có thể làm hỏng mao mạch (các mạch máu nhỏ nhất trong cơ thể). Tình trạng này thường xảy ra ở phổi và thận vì các cơ quan này có mạng lưới mao mạch.

Để điều trị viêm đa vi mạch, Truxima thường được sử dụng kết hợp với glucocorticoid (steroid), ví dụ như prednisone.

Sử dụng ngoài hướng dẫn

Truxima còn có thể được sử dụng dưới hình thức ngoài hướng dẫn (off-label) để điều trị các bệnh lý khác (“ngoài hướng dẫn” có nghĩa là thuốc được sử dụng cho những mục đích chưa được phê duyệt).

Dạng bào chế và liều dùng

Dưới đây là các mức liều dùng thường được sử dụng nhưng hãy sử dụng đúng liều mà bác sĩ kê. Bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng thuốc phù hợp cho mỗi bệnh nhân.

Dạng bào chế

Truxima có dạng dung dịch lỏng để truyền qua đường tĩnh mạch. Người bệnh sẽ phải đến cơ sở y tế để truyền thuốc.

Liều dùng khuyến nghị

Tần suất truyền thuốc phụ thuộc vào bệnh lý cần điều trị. Người bệnh có thể cần truyền thuốc mỗi tuần một lần, vài tuần hoặc vài tháng một lần. Bác sĩ sẽ chỉ định tần suất truyền thuốc cụ thể.

Câu hỏi về liều dùng Truxima

Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về liều dùng Truxima.

  • Cần làm gì nếu bỏ lỡ lịch truyền thuốc? Nếu bỏ lỡ lịch truyền thuốc, người bệnh cần đến bệnh viện để truyền thuốc bù càng sớm càng tốt.
  • Có cần điều trị bằng Truxima lâu dài không? Điều này còn tùy thuộc vào bệnh lý cần điều trị. Nếu thuốc có hiệu quả tốt và không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng thì người bệnh nên tiếp tục sử dụng thuốc lâu dài. Nhưng một số bệnh lý nhất định chỉ cần điều trị bằng Truxima trong thời gian ngắn. Bác sĩ sẽ cho người bệnh biết về thời gian điều trị cụ thể.
  • Mất bao lâu để Truxima phát huy tác dụng? Truxima bắt đầu phát huy tác dụng ngay sau khi truyền liều đầu tiên. Nhưng thường phải sau vài tuần thì các triệu chứng mới cải thiện rõ rệt. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể phải làm xét nghiệm máu để đánh giá hiệu quả của Truxima.

Cách sử dụng thuốc

Đường dùng thuốc

Truxima có dạng lỏng và được truyền qua đường tĩnh mạch. Quá trình truyền thuốc mất ít nhất 90 phút.

Sử dụng Truxima cùng với các loại thuốc khác

Tùy vào bệnh lý cần điều trị mà bác sĩ có thể sẽ kê Truxima cùng với các loại thuốc khác.

Tác dụng phụ

Giống như hầu hết các loại thuốc khác, Truxima cũng có thể gây ra tác dụng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng. Dưới đây là một số tác dụng phụ phổ biến của loại thuốc này. Ngoài ra, Truxima còn có thể gây ra một số tác dụng phụ khác.

Nguy cơ gặp tác dụng phụ, loại và mức độ nghiêm trọng của tác dụng phụ phụ thuộc vào các yếu tố như:

  • Tuổi tác của người bệnh
  • Tình trạng sức khỏe (các bệnh lý khác đang mắc)
  • Các loại thuốc khác mà người bệnh đang dùng

Trước khi bắt đầu điều trị, bác sĩ sẽ nói rõ về các tác dụng phụ của thuốc cũng như các cách để giảm thiểu tác dụng phụ.

Tác dụng phụ nhẹ

Dưới đây là một số tác dụng phụ nhẹ mà Truxima có thể gây ra. Để biết thêm các tác dụng phụ nhẹ khác, hãy trao đổi với bác sĩ hoặc đọc Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc.

Các tác dụng phụ mà người bệnh có thể gặp phải tùy thuộc vào bệnh lý mà Truxima được dùng để điều trị.

Một số tác dụng phụ nhẹ đã được báo cáo trong các nghiên cứu về thuốc gồm có:

  • Mệt mỏi
  • Không có sức lực
  • Nhức mỏi người
  • Co thắt cơ
  • Đau khớp
  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Đau đầu
  • Thiếu máu (số lượng hồng cầu thấp)
  • Phù nề ở cẳng chân hoặc bàn tay
  • Tác dụng phụ về tiêu hóa, chẳng hạn như tiêu chảy hoặc buồn nôn
  • Nhiễm trùng nhẹ

Tác dụng phụ nhẹ của nhiều loại thuốc thường tự hết trong vòng vài ngày đến vài tuần. Nhưng nếu các tác dụng phụ gây khó chịu hoặc kéo dài thì cần phải báo cho bác sĩ.

Tác dụng phụ nghiêm trọng

Truxima có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng nhưng không phổ biến. Nếu gặp tác dụng phụ nghiêm trọng, người bệnh cần báo cho bác sĩ ngay lập tức. Nếu cảm thấy rằng tác dụng phụ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng thì phải gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Một số tác dụng phụ nghiêm trọng đã được báo cáo của Truxima gồm có:

  • Vấn đề về tim, chẳng hạn như rối loạn nhịp tim hoặc nhồi máu cơ tim
  • Thủng hoặc tắc ruột
  • Vấn đề về thận, chẳng hạn như suy thận
  • Hội chứng ly giải khối u (một nhóm triệu chứng xảy ra khi các tế bào của khối u bị phân hủy nhanh chóng và giải phóng các chất bên trong vào máu)
  • Vấn đề về máu nghiêm trọng, chẳng hạn như số lượng hồng cầu hoặc bạch cầu quá thấp
  • Nhiễm trùng nghiêm trọng
  • Cảnh báo đặc biệt (đã được nêu ở đầu bài viết):
    • Nguy cơ phản ứng nghiêm trọng ở niêm mạc và da
    • Nguy cơ phản ứng nghiêm trọng ở vị trí truyền thuốc
    • Nguy cơ virus viêm gan B tái hoạt động
    • Nguy cơ mắc bệnh não chất trắng đa ổ tiến triển
  • Dị ứng*

* Để hiểu rõ hơn về tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Phản ứng dị ứng” ở ngay bên dưới.

Phản ứng dị ứng

Truxima có thể gây dị ứng ở một số người. Phản ứng dị ứng có thể nhẹ hoặc nặng

Các triệu chứng của phản ứng dị ứng nhẹ gồm có:

  • Da mẩn đỏ
  • Ngứa ngáy
  • Đỏ bừng mặt

Mặc dù hiếm gặp nhưng Truxima cũng có thể gây phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Các triệu chứng của phản ứng dị ứng nghiêm trọng gồm có:

  • Sưng dưới da, thường là ở mí mắt, môi, tay hoặc chân
  • Sưng lưỡi, miệng hoặc cổ họng, gây khó thở

Hãy báo ngay cho bác sĩ nếu có dấu hiệu dị ứng sau khi truyền thuốc. Nếu có các triệu chứng dị ứng nghiêm trọng như khó thở thì cần gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Một số câu hỏi thường gặp về Truxima

Truxima có được dùng để điều trị bệnh đa xơ cứng không?

Truxima không được phê duyệt để điều trị bệnh đa xơ cứng (multiple sclerosis). Nhưng loại thuốc này có thể được sử dụng dưới hình thức ngoài hướng dẫn cho mục đích này (“ngoài hướng dẫn” có nghĩa là thuốc được sử dụng cho những mục đích chưa được phê duyệt).

Một tổng quan nghiên cứu đã chỉ ra rằng rituximab (hoạt chất trong Truxima) là một phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả cho bệnh đa xơ cứng rải rác dạng tái phát-thuyên giảm (relapsing-remitting multiple sclerosis) và các loại bệnh đa xơ cứng tiến triển, chẳng hạn như bệnh đa xơ cứng tiến triển nguyên phát (primary progressive multiple sclerosis).

Truxima thuộc nhóm thuốc kháng thể đơn dòng. Các loại thuốc trong nhóm này đã được phê duyệt để điều trị bệnh đa xơ cứng gồm có:

  • ocrelizumab (Ocrevus)
  • ofatumumab (Kesimpta)

Người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng Truxima để điều trị bệnh đa xơ cứng.

Truxima có gây rụng tóc không?

Rụng tóc không phải là một tác dụng phụ được báo cáo trong các nghiên cứu về Truxima. Tuy nhiên, rụng tóc có thể là tác dụng phụ của Rituxan (Truxima là phiên bản tương tự sinh học của Rituxan, cùng chứa hoạt chất rituximab).

Tình trạng rụng tóc đã được báo cáo trong một nghiên cứu thử nghiệm Rituxan để điều trị bệnh Pemphigus thông thường (Truxima không được phê duyệt để điều trị bệnh lý này).

Rụng tóc cũng có thể là do các loại thuốc khác được sử dụng cùng với Truxima (để hiểu rõ hơn, vui lòng đọc phần “Chỉ định” ở bên trên).

Nếu bị rụng tóc bất thường trong quá trình điều trị bằng Truxima, người bệnh nên báo cho bác sĩ để xác định nguyên nhân gây rụng tóc và cách khắc phục.

Quá trình truyền Truxima mất bao lâu?

Truxima là một loại thuốc truyền tĩnh mạch. Người bệnh sẽ phải đến cơ sở y tế để truyền thuốc. Quá trình truyền Truxima mất ít nhất 90 phút nhưng người bệnh nên dành ra vài giờ cho buổi điều trị. Trước khi truyền Truxima, người bệnh có thể sẽ được dùng thuốc để ngăn ngừa hoặc giảm thiểu các phản ứng xảy ra do truyền thuốc. Và người bệnh sẽ phải ở lại bệnh viện một lúc sau khi truyền thuốc xong để nhân viên y tế theo dõi và kịp thời xử lý các tác dụng phụ.

Lưu ý trước khi điều trị bằng Truxima

Tương tác thuốc

Dùng một loại thuốc cùng với các loại thuốc khác, vắc xin, thực phẩm, thực phẩm chức năng hay thảo dược nhất định có thể ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc. Điều này được gọi là tương tác thuốc.

Tương tác với thuốc hoặc thức phẩm chức năng

Truxima có thể tương tác với thuốc hóa trị cisplatin. Sử dụng các loại thuốc này cùng nhau có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về thận, chẳng hạn như suy thận.

Nghiên cứu chưa phát hiện tương tác thuốc nào khác với Truxima. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu điều trị bằng Truxima, người bệnh cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc (bao gồm cả thuốc kê đơn lẫn thuốc không kê đơn) cũng như vitamin, thảo dược hay thực phẩm chức năng mà người bệnh đang dùng để bác sĩ chỉ định loại thuốc phù hợp và tránh xảy ra tương tác thuốc.

Cảnh báo đặc biệt

Truxima có một số cảnh báo đặc biệt. Cảnh báo đặc biệt (boxed warning) là những cảnh báo nghiêm trọng từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) về tác dụng phụ có thể gây nguy hiểm của một loại thuốc. Cụ thể, Truxima có các cảnh báo đặc biệt sau đây:

  • Nguy cơ phản ứng nghiêm trọng ở niêm mạc và da: Truxima có thể gây ra phản ứng nghiêm trọng ở da hoặc niêm mạc (niêm mạc là lớp màng mỏng bao phủ bề mặt bên trong của một số bộ phận cơ thể, chẳng hạn như miệng và mũi). Trong một số trường hợp hiếm gặp, phản ứng ở niêm mạc và da có thể nghiêm trọng đến mức gây tử vong, chẳng hạn như hội chứng Stevens-Johnson. Các triệu chứng gồm có bong tróc, phồng rộp hoặc lở loét trên da hoặc trong khoang miệng.
  • Nguy cơ xảy ra phản ứng nghiêm trọng do truyền thuốc: Truxima là một loại thuốc truyền tĩnh mạch. Người bệnh có thể gặp phải phản ứng nghiêm trọng do truyền thuốc. Những phản ứng này có thể xảy ra trong vòng 24 giờ sau khi truyền liều đầu tiên và trong một số ít trường hợp, phản ứng do truyền thuốc có thể đe dọa đến tính mạng. Các triệu chứng gồm có đau ngực và khó thở.
  • Nguy cơ virus viêm gan B tái hoạt động: Truxima có thể khiến cho virus viêm gan B tái hoạt động ở những người mắc bệnh viêm gan B tiềm ẩn. Viêm gan B có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về gan, chẳng hạn như suy gan. Trong một số trường hợp, viêm gan B còn có thể gây tử vong. Các triệu chứng của viêm gan B gồm có mệt mỏi, chán ăn, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, vàng da và lòng trắng mắt.
  • Nguy cơ mắc bệnh não chất trắng đa ổ tiến triển: Truxima có thể gây ra bệnh não chất trắng đa ổ tiến triển, một bệnh nhiễm trùng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng xảy ra ở não. Căn bệnh này có thể gây tử vong trong một số trường hợp. Các triệu chứng gồm có thay đổi thị lực, suy nhược và giảm khả năng giữ thăng bằng hoặc phối hợp động tác.

Cảnh báo khác

Truxima có thể không phù hợp với những người đang mắc một số bệnh lý nhất định hoặc các yếu tố khác ảnh hưởng đến sức khỏe. Người bệnh cần cho bác sĩ biết về bệnh sử cá nhân trước khi bắt đầu điều trị bằng Truxima, nhất là khi có các vấn đề sức khỏe dưới đây.

  • Dị ứng: Nếu người bệnh từng bị dị ứng với Truxima, Rituxan (rituximab) hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc thì sẽ không thể điều trị bằng Truxima.
  • Nhiễm trùng hoặc các vấn đề về hệ miễn dịch: Nếu đang bị nhiễm trùng, người bệnh cần cho bác sĩ biết trước khi bắt đầu điều trị bằng Truxima. Ngoài ra, người bệnh cũng cần cho bác sĩ biết nếu mắc bất cứ bệnh lý nào làm suy yếu hệ miễn dịch. Truxima có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng. Việc đang bị nhiễm trùng hoặc mắc bệnh làm suy yếu hệ miễn dịch sẽ làm tăng nguy cơ này khi sử dụng Truxima.
  • Vấn đề về tim: Sử dụng Truxima có thể dẫn đến các vấn đề về tim, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim hoặc rối loạn nhịp tim. Những người đã có vấn đề về tim mạch sẽ có nguy cơ gặp phải những tác dụng phụ này cao hơn khi điều trị bằng Truxima. Nếu có bất kỳ vấn đề về tim, người bệnh cần cho bác sĩ biết trước khi bắt đầu điều trị bằng Truxima. Bác sĩ sẽ xác dịnh xem liệu sử dụng Truxima có an toàn hay không.
  • Vấn đề về thận: Truxima có thể gây ra các vấn đề về thận, chẳng hạn như suy thận ở một số người. Những người đã có vấn đề về thận sẽ có nguy cơ gặp phải những tác dụng phụ này cao hơn khi điều trị bằng Truxima. Nếu có bất kỳ vấn đề về thận, người bệnh cần cho bác sĩ biết trước khi bắt đầu điều trị bằng Truxima. Có thể bác sĩ sẽ kê một loại thuốc an toàn hơn cho người bệnh.

Có thể uống rượu bia trong khi điều trị bằng Truxima không?

Các nghiên cứu không phát hiện thấy tương tác giữa Truxima và đồ uống có cồn. Tuy nhiên, người bệnh nên hỏi bác sĩ xem có được uống rượu bia trong thời gian điều trị bằng Truxima hay không.

Truxima có an toàn với phụ nữ mang thai và cho con bú không?

Truxima không an toàn khi sử dụng trong thời gian mang thai và cho con bú. Người bệnh có thể sẽ phải thử thai trước khi bắt đầu điều trị bằng Truxima.

Ngoài ra, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và có quan hệ tình dục nên sử dụng biện pháp tránh thai trong suốt quá trình điều trị bằng Truxima và trong 12 tháng sau liều cuối cùng. Không nên cho con bú trong thời gian điều trị và 6 tháng sau khi kết thúc điều trị.

Hãy trao đổi với bác để hiểu rõ hơn về những rủi ro khi sử dụng Truxima trong thời gian mang thai hoặc cho con bú.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Cimzia: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Cimzia: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Cimzia (certolizumab) là một loại thuốc kê đơn được sử dụng cho người lớn để điều trị bệnh vảy nến thể mảng, bệnh Crohn và một số loại viêm khớp, bao gồm cả viêm khớp dạng thấp.

Flurbiprofen dạng viên nén: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Flurbiprofen dạng viên nén: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Flurbiprofen có dạng viên uống và dạng thuốc nhỏ mắt. Flurbiprofen dạng viên nén được sử dụng để điều trị các triệu chứng thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp.

Golimumab: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Golimumab: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Golimumab là một loại thuốc tiêm được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến, viêm cột sống dính khớp và viêm loét đại tràng.

Actemra: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Actemra: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Actemra là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, viêm động mạch tế bào khổng lồ, bệnh phổi kẽ, viêm khớp vô căn thiếu niên thể đa khớp và một số bệnh khác.

Sulfasalazine: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Sulfasalazine: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Sulfasalazine là thuốc được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp ở người lớn, viêm khớp dạng thấp thiếu niên và viêm loét đại tràng.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây