1

Kineret: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Kineret là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp, bệnh viêm đa cơ quan khởi phát ở trẻ sơ sinh (NOMID) và thiếu chất đối kháng thụ thể interleukin-1 (DIRA).
Kineret: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ Kineret: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Thông tin cơ bản về Kineret

Kineret chứa hoạt chất anakinra, là một chất đối kháng thụ thể interleukin-1 (IL-1). Thuốc có dạng lỏng được đựng sẵn trong bơm tiêm và người bệnh sẽ tiêm thuốc dưới da.

Kineret là một loại thuốc sinh học (thuốc được bào chế từ các bộ phận của sinh vật sống). Anakinra hiện chỉ được bán trên thị trường dưới dạng biệt dược là Kineret và không có dạng thuốc tương tự sinh học (thuốc tương tự sinh học giống như thuốc gốc (generic) nhưng khác ở chỗ thuốc gốc là bản sao của thuốc không sinh học (thuốc làm từ hóa chất) trong khi thuốc tương tự sinh học là bản sao của thuốc sinh học.)

Chỉ định

Kineret được phê duyệt để điều trị:

  • viêm khớp dạng thấp ở người lớn
  • viêm đa cơ quan khởi phát ở trẻ sơ sinh (NOMID)
  • thiếu chất đối kháng thụ thể Interleukin-1 (DIRA)

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn mạn tính gây viêm, đau và sưng khớp. Bệnh viêm khớp dạng thấp cũng có thể ảnh hưởng đến các cơ quan và mô khác trong cơ thể, chẳng hạn như tim và phổi.

Kineret giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp từ vừa đến nặng và có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh. Kineret thường được sử dụng cho những ca bệnh viêm khớp dạng thấp đã điều trị bằng thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD).

Viêm đa cơ quan khởi phát ở trẻ sơ sinh (neonatal-onset multisystem inflammatory disease – NOMID) là một căn bệnh hiếm gặp gây viêm và thường được chẩn đoán ở trẻ dưới 6 tháng tuổi. Căn bệnh này gây sốt, nổi mẩn da, sưng khớp và viêm màng não mạn tính.

Kineret còn được sử dụng để điều trị tình trạng thiếu chất đối kháng thụ thể interleukin-1 (deficiency of interleukin-1 receptor antagonist – DIRA). Đây là một bệnh bẩm sinh hiếm gặp nhưng có thể đe dọa đến tính mạng. Các triệu chứng của DIRA gồm có da nổi mẩn đỏ và mụn mủ, loét miệng, sưng khớp và tổn thương xương.

Kineret điều trị DIRA bằng cách ngăn chặn interleukin-1 (IL-1) - một loại protein có trong nhiều mô và cơ quan khác nhau trong cơ thể.

Ngoài 3 bệnh kể trên, Kineret còn có thể được sử dụng dưới hình thức ngoài hướng dẫn (off-label) để điều trị nhiều bệnh lý khác. (“Ngoài hướng dẫn” có nghĩa là thuốc được sử dụng cho những mục đích chưa được phê duyệt.)

Dạng bào chế và liều dùng

Dạng bào chế và hàm lượng

Kineret được bào chế ở dạng lỏng được đựng sẵn trong bơm tiêm để tiêm dưới da. Mỗi bơm tiêm chứa 100 mg hoạt chất anakinra.

Liều dùng khuyến nghị

Dưới đây là liều dùng thường được sử dụng hoặc liều dùng khuyến nghị nhưng người bệnh cần dùng thuốc đúng liều mà bác sĩ kê. Bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng phù hợp cho người bệnh.

Người bệnh sẽ tự tiêm Kineret dưới da, thường là một lần mỗi ngày. Các vị trí tiêm thuốc được khuyến nghị gồm có:

  • Vùng bên ngoài của bắp tay
  • Bụng (cách rốn khoảng 5cm)
  • Đùi trước
  • Vùng trên và bên ngoài của mông

Nên thay đổi vị trí tiêm mỗi ngày để tránh xảy ra phản ứng tại vị trí tiêm như đau, châm chích hoặc sưng tấy.

Để Kineret có hiệu quả tốt nhất, người bệnh nên tiêm thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Điều này nhằm duy trì lượng thuốc ổn định trong cơ thể.

Câu hỏi về liều dùng Kineret

  • Cần làm gì nếu quên tiêm thuốc? Nếu quên tiêm thuốc, hãy gọi cho bác sĩ để biết khi nào nên tiêm liều tiếp theo. Nếu vẫn chưa quá lâu tính từ thời điểm tiêm thuốc bình thường thì có thể tiêm liều đã quên. Nhưng nếu đã gần đến giờ tiêm liều tiếp theo thì hãy bỏ qua liều đã quên và tiêm liều tiếp theo như bình thường. Không tiêm gộp hai liều cùng lúc.
  • Có cần sử dụng Kineret lâu dài không? Kineret thường được sử dụng lâu dài. Nếu thuốc có hiệu quả tốt và không gây tác dụng phụ thì người bệnh nên tiếp tục dùng thuốc.
  • Mất bao lâu để Kineret phát huy tác dụng? Người bệnh có thể sẽ thấy hiệu quả rõ rệt trong vòng 3 tháng kể từ khi bắt đầu sử dụng thuốc. Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc vào mục đích sử dụng thuốc và mức độ nghiêm trọng của tình trạng.

Cách sử dụng thuốc

Vị trí tiêm thuốc

Kineret được bào chế dưới dạng lỏng đựng sẵn trong bơm tiêm và được tiêm dưới da. Người bệnh sẽ được hướng dẫn cách tiêm thuốc, tần suất tiêm và liều lượng cụ thể để tự tiêm thuốc tại nhà. Có thể tiêm Kineret ở những vị trí sau:

  • Vùng bên ngoài của bắp tay
  • Bụng (cách rốn khoảng 5cm)
  • Đùi trước
  • Vùng trên và bên ngoài của mông

Sử dụng Kineret cùng với các loại thuốc khác

Để điều trị viêm khớp dạng thấp, người bệnh có thể cần sử dụng Kineret cùng với các loại thuốc khác, chẳng hạn như methotrexate, để kiểm soát tình trạng bệnh hiệu quả hơn. Methotrexate là một loại thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD) – nhóm thuốc chính để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp.

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh mạn tính tiến triển, có nghĩa là bệnh sẽ tăng nặng theo thời gian. Do đó, phác đồ điều trị cũng sẽ được điều chỉnh theo thời gian, có thể phải dùng thêm loại thuốc khác, tăng liều dùng thuốc hiện tại hoặc thay đổi thuốc.

Glucocorticoid là một loại thuốc khác cũng có thể được dùng cùng với Kineret. Nếu đã dùng Kineret một thời gian mà tình trạng bệnh không cải thiện thì người bệnh có thể sẽ phải dùng thêm glucocorticoid.

Tác dụng phụ

Giống như hầu hết các loại thuốc khác, Kineret cũng có thể gây tác dụng phụ, bao gồm cả tác dụng phụ nhẹ và tác dụng phụ nghiêm trọng. Dưới đây là một số tác dụng phụ phổ biến của loại thuốc này. Ngoài ra, Kineret còn có thể gây ra một số tác dụng phụ khác.

Nguy cơ, loại và mức độ nghiêm trọng của tác dụng phụ phụ thuộc vào các yếu tố như:

  • Tuổi tác của người bệnh
  • Bệnh lý khác đang mắc
  • Các loại thuốc khác đang dùng

Khi kê thuốc, bác sĩ sẽ nói rõ hơn về các tác dụng phụ thường gặp của Kineret và đưa các cách giúp làm giảm tác dụng phụ.

Tác dụng phụ nhẹ

Dưới đây là một số tác dụng phụ nhẹ mà Kineret có thể gây ra. Để tìm hiểu về các tác dụng phụ nhẹ khác, hãy trao đổi với bác sĩ/dược sĩ hoặc đọc Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc.

Các tác dụng phụ nhẹ đã được báo cáo của Kineret gồm có:

  • Phản ứng tại vị trí tiêm
  • Các triệu chứng viêm khớp dạng thấp trở nên nặng hơn
  • Buồn nôn và nôn mửa
  • Tiêu chảy
  • Đau bụng
  • Đau đầu
  • Đau khớp
  • Sốt
  • Nhiễm trùng xoang và họng
  • Da mẩn đỏ
  • Các triệu chứng giống như cúm như nhức mỏi người
  • Cúm dạ dày (viêm dạ dày ruột do virus)

Tác dụng phụ nhẹ của nhiều loại thuốc thường biến mất trong vòng vài ngày đến vài tuần. Nhưng nếu các tác dụng phụ gây khó chịu hoặc kéo dài thì cần phải báo cho bác sĩ.

Tác dụng phụ nghiêm trọng

Mặc dù không phổ biến nhưng Kineret có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Nếu gặp tác dụng phụ nghiêm trọng, người bệnh cần báo cho bác sĩ ngay lập tức. Nếu cảm thấy vấn đề đang gặp phải có thể gây nguy hiểm đến tính mạng thì cần gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất

Các tác dụng phụ nghiêm trọng đã được báo cáo của Kineret gồm có:

  • Nhiễm trùng nghiêm trọng
  • Giảm bạch cầu trung tính
  • Dị ứng*

* Để hiểu rõ hơn về tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Dị ứng” ở bên dưới.

Dị ứng

Kineret có thể gây dị ứng ở một số người.

Các triệu chứng của phản ứng dị ứng nhẹ gồm có:

  • Da mẩn đỏ
  • Ngứa ngáy
  • Mặt đỏ bừng
  • Nổi mề đay

Tuy rằng hiếm gặp nhưng Kineret có thể gây phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Các triệu chứng của phản ứng dị ứng nghiêm trọng gồm có sưng dưới da, thường là ở mí mắt, môi, bàn tay hoặc bàn chân, ngoài ra còn có sưng lưỡi, miệng hoặc cổ họng, gây thở khò khè hoặc khó thở. Phản ứng dị ứng nghiêm trọng còn có thể gây chóng mặt, ngất xỉu, tim đập nhanh và đổ nhiều mồ hôi.

Những người sử dụng Kineret để điều trị thiếu chất đối kháng thụ thể interleukin-1 (DIRA) có nguy cơ bị dị ứng cao hơn trong vài tuần đầu dùng thuốc. Do đó, những người sử dụng Kineret cho mục đích này sẽ được theo dõi sát sao. Nếu xảy ra phản ứng dị ứng thì sẽ phải ngừng dùng thuốc.

Hãy báo ngay cho bác sĩ nếu có dấu hiệu dị ứng khi dùng Kineret. Nếu có các triệu chứng dị ứng nghiêm trọng như khó thở thì cần gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Một số câu hỏi thường gặp

Kineret có được dùng điều trị viêm màng ngoài tim không?

Kineret có thể được sử dụng để điều trị viêm màng ngoài tim (viêm lớp màng mỏng bao xung quanh tim). Kineret hiện không được phê duyệt sử dụng cho mục đích này nhưng có thể được sử dụng dưới hình thức ngoài hướng dẫn (off-label). (“Ngoài hướng dẫn” có nghĩa là thuốc được sử dụng cho những mục đích chưa được phê duyệt.)

Nếu bị viêm màng ngoài tim và muốn sử dụng Kineret để điều trị, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Không được tự ý dùng bất kỳ loại thuốc mới nào.

Có thể dùng Kineret để điều trị viêm khớp dạng thấp ở thiếu niên không?

Kineret không được sử dụng để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp ở thiếu niên. Hiện chưa có đủ bằng chứng chứng minh tính an toàn và hiệu quả của loại thuốc này ở độ tuổi thiếu niên.

Một nghiên cứu nhỏ cho thấy Kineret có thể giúp kiểm soát các triệu chứng viêm khớp dạng thấp thiếu niên nếu bắt đầu dùng thuốc từ sớm. Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để kiểm chứng hiệu quả của Kineret đối với bệnh lý này.

Cha mẹ cần trao đổi với bác sĩ trước khi dùng Kineret để điều trị viêm khớp dạng thấp cho trẻ.

Kineret có gì giống và khác với Actemra và Kevzara?

Kineret, Actemra (tocilizumab) và Kevzara (sarilumab) đều được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp. Cả ba đều thuộc cùng một nhóm thuốc và có cơ chế tác dụng tương tự nhau. Tuy nhiên, Kineret nhắm đến một loại protein khác trong cơ thể.

Kineret, Actemra và Kevzara đều có dạng lỏng để tiêm dưới da. Actemra còn có thể được tiêm vào tĩnh mạch.

Ngừng dùng Kineret có gây ra các triệu chứng cai thuốc không?

Ngừng dùng Kineret sẽ không gây ra hội chứng cai thuốc (hội chứng cai thuốc là những triệu chứng xảy ra khi ngừng sử dụng một loại thuốc mà cơ thể đã phụ thuộc, ví dụ như chóng mặt, đổ mồ hôi, buồn nôn, co thắt cơ…).

Hội chứng cai thuốc chỉ xảy ra với các loại thuốc gây lệ thuộc, ví dụ như thuốc giảm đau opioid và Kineret không phải một loại thuốc như vậy.

Tuy nhiên, nếu ngừng dùng Kineret, các triệu chứng bệnh, ví dụ như đau va sưng khớp sẽ quay trở lại hoặc trở nên nặng hơn. Trong các nghiên cứu về Kineret, các triệu chứng của bệnh viêm đa cơ quan khởi phát ở trẻ sơ sinh (NOMID) đã quay trở lại trong vòng khoảng 5 ngày sau khi ngừng dùng thuốc.

Nếu muốn ngừng điều trị bằng Kineret vì một lý do nào đó, ví dụ như gặp phải tác dụng phụ, người bệnh nên trao đổi trước với bác sĩ. Bác sĩ sẽ kê loại thuốc khác thay cho Kineret.

Lưu ý trước khi dùng Kineret

Trước khi dùng Kineret, người bệnh cần cho bác sĩ biết về tất cả các bệnh lý khác đang mắc, các loại thuốc khác đang dùng cũng như tình trạng sức khỏe tổng thể.

Dưới đây là một số điều quan trọng cần lưu ý trước khi dùng Kineret.

Tương tác thuốc

Dùng một loại thuốc cùng với các loại thuốc khác, vắc xin, thực phẩm chức năng hay thảo dược nhất định có thể ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc. Điều này được gọi là tương tác thuốc.

Trước khi sử dụng Kineret, người bệnh cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc (bao gồm cả thuốc kê đơn lẫn thuốc không kê đơn) cũng như vitamin, thảo dược hay thực phẩm chức năng mà người bệnh đang dùng để bác sĩ kê loại thuốc phù hợp và tránh xảy ra tương tác thuốc.

Tương tác với loại thuốc khác

Kineret có thể tương tác với một số loại thuốc, bao gồm cả các loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp khác như etanercept (Enbrel), Infliximab (Remicade) và adalimumab (Humira).

Ngoài ra còn có rất nhiều loại thuốc khác có thể tương tác với Kineret.

Các tương tác khác

Kineret làm suy yếu hệ miễn dịch và điều này sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Do đó, không nên tiêm vắc xin sống giảm độc lực trong quá trình điều trị bằng Kineret.

Vắc xin sống giảm độc lực có chứa virus hoặc vi khuẩn đã bị làm suy yếu. Bình thường sau khi tiêm vắc xin sống, hệ miễn dịch sẽ tạo ra kháng thể chống lại virus hoặc vi khuẩn có trong vắc xin. Khi sử dụng Kineret, hệ miễn dịch trở nên suy yếu và không thể phản ứng một cách bình thường với vắc xin. Do đó, nếu tiêm vắc xin sống lúc này, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh do virus hoặc vi khuẩn trong vắc xin gây ra.

Ví dụ về các loại vắc xin sống giảm độc lực gồm có:

  • Vắc xin phòng sởi, quai bị và rubella (MMR)
  • Vắc xin phòng bệnh sốt vàng
  • Vắc xin phòng thủy đậu
  • Vắc xin phòng bệnh đậu mùa
  • Vắc xin phòng rotavirus

Trước khi bắt đầu sử dụng Kineret, người bệnh nên tiêm đầy đủ các loại vắc xin cần thiết hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiêm bất kỳ loại vắc xin nào trong thời gian điều trị bằng Kineret.

Cảnh báo

Kineret có thể không phù hợp với những người đang mắc một số bệnh lý nhất định hoặc các yếu tố khác ảnh hưởng đến sức khỏe. Người bệnh cần cho bác sĩ biết về bệnh sử cá nhân trước khi bắt đầu điều trị bằng Kineret, nhất là khi có các vấn đề sức khỏe dưới đây.

  • Suy thận mạn giai đoạn cuối hoặc bệnh thận nghiêm trọng: Kineret được đào thải khỏi cơ thể bởi thận. Ở những người bị suy thận mạn giai đoạn cuối hoặc bệnh thận nghiêm trọng, chức năng thận suy giảm và không thể đào thải thuốc khỏi cơ thể một cách hiệu quả. Thuốc sẽ tích tụ trong cơ thể lâu hơn bình thường và điều này làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Những người bị suy thận mạn giai đoạn cuối hoặc bệnh thận nghiêm trọng vẫn có thể dùng Kineret nhưng cần dùng liều thấp hơn. Trước khi bắt đầu điều trị bằng Kineret, người bệnh có thể phải làm xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng thận. Nếu người bệnh có chức năng thận kém, bác sĩ sẽ giảm liều dùng Kineret. Nếu mắc bệnh thận, người bệnh cần cho bác sĩ biết để kê loại thuốc và xác định liều dùng phù hợp.
  • Dị ứng: Không sử dụng Kineret nếu đã từng bị dị ứng với loại thuốc này hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc. Nếu người bệnh có tiền sử dị ứng với Kineret, bác sĩ sẽ kê loại thuốc khác.

Có được uống rượu bia khi sử dụng Kineret không?

Kineret không tương tác với đồ uống có cồn nên người bệnh vẫn có thể uống rượu bia trong thời gian sử dụng loại thuốc này. Tuy nhiên không nên uống quá nhiều. Uống rượu bia có thể ảnh hưởng đến bệnh lý mà Kineret điều trị và có hại cho sức khỏe tổng thể. Rượu bia còn có thể tương tác với các loại thuốc khác được dùng cùng Kineret.

Tốt nhất người bệnh vẫn nên hỏi bác sĩ xem có thể uống rượu bia trong thời gian điều trị bệnh hay không.

Kineret có an toàn với phụ nữ mang thai và cho con bú không?

Chưa có đủ nghiên cứu về tính an toàn của Kineret khi sử dụng trong thời kỳ mang thai. Tuy nhien, bệnh viêm khớp dạng thấp không được kiểm soát sẽ gây hại cho thai kỳ. Nếu đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai, người bệnh cần cho bác sĩ biết để bác sĩ kê loại thuốc phù hợp.

Cũng chưa rõ Kineret có đi vào sữa mẹ và gây ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh bú mẹ hay không. Nếu người bệnh đang cho con bú hoặc đang dự định sẽ cho con bú thì cần cho bác sĩ biết để bác sĩ kê loại thuốc phù hợp.

Cần làm gì nếu tiêm thuốc quá liều?

Bác sĩ sẽ xác định liều dùng phù hợp cho mỗi ca bệnh. Người bệnh cần tiêm Kineret đúng liều mà bác sĩ đã chỉ định. Tiêm thuốc quá liều có thể dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng.

Hãy báo ngay cho bác sĩ nếu lỡ dùng thuốc quá liều. Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Cimzia: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Cimzia: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Cimzia (certolizumab) là một loại thuốc kê đơn được sử dụng cho người lớn để điều trị bệnh vảy nến thể mảng, bệnh Crohn và một số loại viêm khớp, bao gồm cả viêm khớp dạng thấp.

Flurbiprofen dạng viên nén: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Flurbiprofen dạng viên nén: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Flurbiprofen có dạng viên uống và dạng thuốc nhỏ mắt. Flurbiprofen dạng viên nén được sử dụng để điều trị các triệu chứng thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp.

Golimumab: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Golimumab: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Golimumab là một loại thuốc tiêm được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến, viêm cột sống dính khớp và viêm loét đại tràng.

Actemra: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Actemra: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Actemra là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, viêm động mạch tế bào khổng lồ, bệnh phổi kẽ, viêm khớp vô căn thiếu niên thể đa khớp và một số bệnh khác.

Sulfasalazine: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Sulfasalazine: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Sulfasalazine là thuốc được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp ở người lớn, viêm khớp dạng thấp thiếu niên và viêm loét đại tràng.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây