1

Leflunomide: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Leflunomide là một loại thuốc được dùng để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp.
Leflunomide: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ Leflunomide: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Cảnh báo quan trọng

Cảnh báo của FDA

Leflunomide có cảnh báo đặc biệt (boxed warning). Cảnh báo đặc biệt là cảnh báo nghiêm trọng nhất từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) về tác dụng phụ có thể gây nguy hiểm của một loại thuốc.

  • Không dùng cho phụ nữ mang thai: Không nên dùng leflunomide trong thời gian đang mang thai. Những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và có quan hệ tình dục cần sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả khi dùng leflunomide và một thời gian sau khi ngừng thuốc. Nếu có thai trong thời gian sử dụng leflunomide, người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ.
  • Nguy cơ tổn thương gan: Leflunomide có thể gây tổn thương gan. Những người đang có vấn đề về gan không nên dùng loại thuốc này. Người bệnh có thể phải làm xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng gan ít nhất một lần mỗi tháng trong 6 tháng đầu sử dụng leflunomide và sau đó xét nghiệm 6 đến 8 tuần một lần.

Cảnh báo khác

  • Nguy cơ nhiễm trùng: Những người có hệ miễn dịch yếu hoặc bị nhiễm trùng nghiêm trọng không nên dùng leflunomide. Nếu bị nhiễm trùng nghiêm trọng, chẳng hạn như viêm phổi hoặc bệnh lao trong thời gian sử dụng thuốc, người bệnh cần báo cho bác sĩ. Có thể sẽ phải ngừng thuốc.
  • Nguy cơ tổn thương thần kinh: Leflunomide có thể gây tổn thương dây thần kinh, dẫn đến tê, châm chích hoặc đau rát ở tay và chân. Tình trạng này thường tự hết khi ngừng thuốc nhưng đôi khi vẫn tiếp tục kéo dài.
  • Giảm số lượng tế bào máu: Leflunomide có thể làm giảm số lượng một số loại tế bào máu. Người bệnh có thể sẽ phải làm xét nghiệm theo dõi số lượng tế bào máu định kỳ trong thời gian sử dụng thuốc. Hãy đi khám ngay khi có triệu chứng như sốt, mệt mỏi bất thường, nhiễm trùng thường xuyên, dễ bị bầm tím hoặc chảy máu.

Chỉ định

Leflunomide là một loại thuốc kê đơn có dạng viên nén được sử dụng để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp. Loại thuốc này giúp giảm đau khớp và giúp người bệnh vận động dễ dàng hơn.

Leflunomide có cả dạng thuốc gốc và biệt dược (Arava). Thuốc gốc thường có giá thấp hơn biệt dược nhưng đôi khi không đa dạng về hàm lượng và dạng bào chế như biệt dược.

Cơ chế tác dụng

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch hoạt động quá mức và tấn công nhầm niêm mạc khớp cùng một số cơ quan trong cơ thể. Leflunomide có tác dụng ngăn chặn một phần của hệ miễn dịch và protein gây viêm trong cơ thể.

Leflunomide là một loại thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD).

Dạng bào chế và hàm lượng

Thuốc gốc: leflunomide

  • Dạng bào chế: viên nén
  • Hàm lượng: 10 mg, 20 mg và 100 mg

Biệt dược: Arava

  • Dạng bào chế: viên nén
  • Hàm lượng: 10 mg, 20 mg và 100 mg

Cách sử dụng thuốc

Leflunomide là thuốc đường uống. Người bệnh cần uống cả viên thuốc, không được bẻ, nghiền hay nhai. Nên uống thuốc sau khi ăn.

Liều dùng

Liều dùng và tần suất sử dụng thuốc thực tế sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như:

  • Tuổi tác của người bệnh
  • Mục đích sử dụng thuốc
  • Mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh
  • Các bệnh lý khác đang mắc
  • Phản ứng với liều đầu tiên

Liều dùng cho người lớn (từ 18 tuổi trở lên)

  • Liều khởi đầu: Một số trường hợp cần dùng liều khởi đầu là một viên 100 mg mỗi ngày trong 3 ngày. Đây được gọi là liều tải. Điều này nhằm làm cho thuốc phát huy tác dụng nhanh hơn.
  • Liều duy trì điển hình: 20 mg mỗi ngày. Nếu người bệnh không thể dung nạp liều dùng này, bác sĩ có thể cho giảm liều xuống 10 mg mỗi ngày.
  • Liều tối đa: Không nên dùng quá 20 mg mỗi ngày.

Liều dùng cho trẻ em (từ 0 – 17 tuổi)

Leflunomide không được dùng cho người dưới 18 tuổi.

Nếu phải ngừng sử dụng leflunomide vì một lý do nào đó, ví dụ như sắp phẫu thuật, mang thai hoặc gặp tác dụng phụ, người bệnh sẽ được kê thuốc để tăng tốc độ đào thải leflunomide khỏi cơ thể. Nếu không thì sẽ phải mất đến hai năm để nồng độ leflunomide trong máu giảm xuống mức không thể phát hiện được. Dù vì lý do gì thì người bệnh không nên tự ý ngừng thuốc.

Dùng thuốc đúng chỉ định

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý mạn tính nên người bệnh sẽ phải dùng leflunomide lâu dài. Người bệnh phải dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Dùng thuốc không theo đúng chỉ định có thể gây ra những vấn đề không mong muốn.

Nếu ngừng dùng thuốc hoặc hoàn toàn không dùng thuốc: Bệnh viêm khớp dạng thấp sẽ không được kiểm soát, các triệu chứng sẽ tái phát và tăng nặng, bệnh sẽ phá hỏng khớp và gây tổn thương các cơ quan khác trong cơ thể. Cho dù thấy các triệu chứng thuyên giảm thì vẫn phải tiếp tục dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát tình trạng bệnh và giảm nguy cơ biến chứng.

Nếu dùng thuốc quá liều: Nồng độ thuốc trong máu sẽ ở mức quá cao. Các vấn đề có thể xảy ra khi dùng leflunomide quá liều gồm có:

  • Tiêu chảy
  • Đau bụng
  • Thay đổi số lượng tế bào máu (thể hiện trong xét nghiệm máu)
  • Suy giảm chức năng gan (thể hiện trong xét nghiệm máu)

Người bệnh có thể sẽ phải dùng thuốc để đào thải lượng leflunomide dư thừa trong cơ thể nhanh hơn.

Nếu lỡ uống thuốc quá liều, người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ. Nếu xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.

Cần làm gì nếu quên uống thuốc? Nếu quên uống thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu chỉ còn vài giờ nữa là đến giờ uống liều tiếp theo thì hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều tiếp theo như bình thường. Không được uống gộp hai liều cùng lúc để bù lại liều đã quên. Làm vậy có thể gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm.

Làm thế nào để biết thuốc có hiệu quả hay không? Nếu tình trạng đau khớp và các triệu chứng khác có cải thiện và người bệnh có thể thực hiện các hoạt động hàng ngày dễ dàng hơn thì có nghĩa là thuốc có hiệu quả.

Tác dụng phụ của leflunomide

Leflunomide không gây buồn ngủ nhưng có thể gây ra các tác dụng phụ khác.

Tác dụng phụ phổ biến

Các tác dụng phụ phổ biến của leflunomide gồm có:

  • Tiêu chảy
  • Buồn nôn
  • Đau đầu
  • Phát ban
  • Đau bụng
  • Suy giảm chức năng gan

Nếu những tác dụng phụ này chỉ ở mức độ nhẹ thì thường sẽ tự hết trong vòng vài ngày đến vài tuần. Nhưng nếu các tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc kéo dài thì người bệnh cần báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ.

Tác dụng phụ nghiêm trọng

Báo ngay cho bác sĩ nếu người bệnh gặp tác dụng phụ nghiêm trọng trong thời gian điều trị bằng leflunomide. Gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế nếu cảm thấy tác dụng phụ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Một số tác dụng phụ nghiêm trọng của leflunomide và các triệu chứng gồm có:

  • Nhiễm trùng nghiêm trọng, gồm có viêm phổi, bệnh lao và các biến chứng do nhiễm trùng
  • Vấn đề về da nghiêm trọng. Các triệu chứng gồm có:
    • Các triệu chứng giống như cúm
    • Xuất hiện các mảng đỏ hoặc tím trên da
    • Đau đớn
    • Phồng rộp
  • Giảm số lượng tế bào máu. Tác dụng phụ này thường được phát hiện khi làm xét nghiệm máu.
  • Suy giảm chức năng phổi. Các triệu chứng gồm có:
    • Ho
    • Khó thở, có hoặc không kèm theo sốt

Nếu gặp tác dụng phụ nghiêm trọng khi dùng leflunomide, người bệnh sẽ phải ngừng điều trị và dùng một số loại thuốc để đào thải leflunomide khỏi cơ thể nhanh hơn. Bác sĩ có thể sẽ kê thêm thuốc để điều trị các tác dụng phụ trong thời gian chờ leflunomide bị đào thải.

Tương tác thuốc

Leflunomide có thể tương tác với các loại thuốc khác, vắc xin, thực phẩm chức năng hoặc thảo dược. Tương tác thuốc có thể làm tăng hoặc giảm tác dụng của thuốc trong cơ thể. Điều này có thể làm giảm hiệu quả của thuốc hoặc làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.

Trước khi bắt đầu sử dụng leflunomide, người bệnh cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc, thực phẩm chức năng và thảo dược đang dùng để tránh xảy ra tương tác thuốc.

Dưới đây là một số loại thuốc và vắc xin có thể tương tác với leflunomide.

Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm

Sử dụng leflunomide cùng với methotrexate (một loại DMARD khác) sẽ làm tăng nguy cơ tổn thương gan.

Kháng sinh

Sử dụng rifampin (một loại thuốc kháng sinh) cùng với leflunomide có thể làm tăng nồng độ leflunomide trong máu và điều này sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ của leflunomide.

Thuốc chống đông máu

Sử dụng warfarin (một loại thuốc chống đông máu) cùng với leflunomide có thể làm giảm hiệu quả chống đông máu của warfarin. Người bệnh có thể sẽ phải làm xét nghiệm máu thường xuyên hơn hoặc tăng liều warfarin trong khi dùng leflunomide.

Vắc xin sống giảm độc lực

Người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi tiêm vắc xin sống giảm độc lực trong thời gian sử dụng leflunomide. Vắc xin sống giảm độc lực có chứa virus đã bị làm suy yếu. Bình thường sau khi tiêm vắc xin, hệ miễn dịch sẽ tạo ra kháng thể chống lại virus trong vắc xin và nhờ đó giúp cơ thể không bị bệnh khi tiếp xúc với virus trong tương lai. Leflunomide làm giảm chức năng miễn dịch nên nếu tiêm vắc xin sống, hệ miễn dịch sẽ không thể tạo ra kháng thể và dẫn đến kết quả là vắc xin sẽ gây bệnh thay vì giúp phòng bệnh. Ví dụ về các loại vắc xin sống giảm độc lực gồm có:

  • Vắc xin cúm dạng xịt mũi
  • Vắc xin phòng bệnh sởi, quai bị và rubella
  • Vắc xin phòng thủy đậu

Cảnh báo về leflunomide

Nguy cơ dị ứng

Leflunomide có thể gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Các triệu chứng gồm có:

  • Sưng cổ họng hoặc lưỡi
  • Khó thở
  • Nổi mề đay

Hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất nếu có những triệu chứng này khi dùng leflunomide.

Không được tiếp tục dùng thuốc khi đã bị dị ứng. Điều này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Cảnh báo đối với người mắc một số bệnh lý nhất định

Đối với người mắc bệnh gan: Ở những người mắc bệnh gan, sử dụng leflunomide có thể khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, bác sĩ thường không kê leflunomide cho người bị bệnh gan.

Đối với người mắc bệnh thận: Người có vấn đề về thận cần cho bác sĩ biết trước khi kê thuốc. Leflunomide được đào thải khỏi cơ thể bởi thận. Khi chức năng thận kém, thuốc sẽ tích tụ trong cơ thể lâu hơn và điều này có thể làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.

Đối với người bị nhiễm trùng nghiêm trọng: Những người có hệ miễn dịch yếu hoặc bị nhiễm trùng nghiêm trọng không nên dùng leflunomide. Nếu bị nhiễm trùng nghiêm trọng, chẳng hạn như viêm phổi hoặc bệnh lao trong thời gian sử dụng thuốc, người bệnh cần báo cho bác sĩ. Có thể sẽ phải ngừng thuố.

Cảnh báo đối với các nhóm đối tượng khác

Đối với phụ nữ có thai: Phụ nữ mang thai không nên sử dụng leflunomide vì loại thuốc này có thể gây hại cho thai nhi.

Đối với phụ nữ đang cho con bú: Chưa rõ leflunomide có đi vào sữa mẹ hay không nhưng không nên cho con bú khi sử dụng loại thuốc này. Nếu muốn cho con bú, người bệnh sẽ phải ngừng dùng leflunomide, sau đó dùng thuốc để loại bỏ leflunomide khỏi cơ thể trước khi cho con bú.

Đối với trẻ em: Leflunomide không được phê duyệt sử dụng cho người dưới 18 tuổi.

Lưu ý khi dùng leflunomide

Lưu ý về sử dụng thuốc

  • Phải uống cả viên thuốc, không bẻ, nghiền hay nhai.
  • Nên uống thuốc sau ăn.

Bảo quản

  • Tốt nhất nên bảo quản leflunomide ở nhiệt độ 25°C (77°F).
  • Không nên để thuốc ở nơi có ánh sáng chiếu.
  • Không để thuốc ở những nơi ẩm ướt, chẳng hạn như phòng tắm.

Mang thuốc khi đi xa

  • Luôn mang theo thuốc khi đi xa. Khi đi máy bay, không được để thuốc trong hành lý ký gửi mà phải để trong hành lý xách tay.
  • Tia X trong máy soi chiếu hành lý sẽ không làm hỏng thuốc.
  • Để thuốc trong hộp đựng gốc còn nguyên nhãn để đề phòng trường hợp nhân viên an ninh tại sân bay yêu cầu kiểm tra.
  • Không để thuốc ngoài trời khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.

Theo dõi lâm sàng

Leflunomide có thể ảnh hưởng đến chức năng gan và số lượng tế bào máu. Do đó, người bệnh có thể sẽ phải làm xét nghiệm máu để theo dõi các tác dụng phụ này mỗi tháng một lần trong 6 tháng đầu dùng thuốc và sau đó xét nghiệm 6 đến 8 tuần một lần.

Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có thể phải thử thai trước khi bắt đầu điều trị bằng leflunomide. Nếu có thai trong thời gian dùng leflunomide, người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Cimzia: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Cimzia: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Cimzia (certolizumab) là một loại thuốc kê đơn được sử dụng cho người lớn để điều trị bệnh vảy nến thể mảng, bệnh Crohn và một số loại viêm khớp, bao gồm cả viêm khớp dạng thấp.

Flurbiprofen dạng viên nén: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Flurbiprofen dạng viên nén: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Flurbiprofen có dạng viên uống và dạng thuốc nhỏ mắt. Flurbiprofen dạng viên nén được sử dụng để điều trị các triệu chứng thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp.

Golimumab: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Golimumab: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Golimumab là một loại thuốc tiêm được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến, viêm cột sống dính khớp và viêm loét đại tràng.

Actemra: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Actemra: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Actemra là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, viêm động mạch tế bào khổng lồ, bệnh phổi kẽ, viêm khớp vô căn thiếu niên thể đa khớp và một số bệnh khác.

Sulfasalazine: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Sulfasalazine: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Sulfasalazine là thuốc được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp ở người lớn, viêm khớp dạng thấp thiếu niên và viêm loét đại tràng.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây