Triệu chứng của bệnh cơ tim do căng thẳng (stress)

Bệnh cơ tim do căng thẳng có thể gây ra các triệu chứng giống như nhồi máu cơ tim. Bệnh cơ tim do căng thẳng có thể gây đe dọa đến tính mạng.
Hầu hết những người bị bệnh cơ tim do căng thẳng đều khỏi bệnh mà không cần điều trị hoặc chỉ cần dùng thuốc để giảm khối lượng công việc của tim. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, bệnh cơ tim do căng thẳng dẫn đến suy tim và các biến chứng khác, đòi hỏi các phương pháp điều trị xâm lấn hơn để cải thiện chức năng tim.
Bệnh cơ tim do căng thẳng là gì?
Bệnh cơ tim do căng thẳng xảy ra khi phần dưới của tâm thất trái - buồng chính thực hiện chức năng bơm máu – bị giãn. Sự thay đổi về hình dạng và kích thước của tâm thất trái khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể.
Bệnh cơ tim do căng thẳng thường là tình trạng có thể hồi phục mà hầu hết các trường hợp đều hồi phục hoàn toàn.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây b ệnh cơ tim do căng thẳng
Lý do bệnh cơ tim do căng thẳng được gọi là “hội chứng trái tim tan vỡ” là vì bệnh này thường xảy ra ngay sau một sự kiện gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý, chẳng hạn như mất người thân.
Theo Tổ chức Bệnh Hiếm gặp Quốc gia Hoa Kỳ , khoảng 90% người mắc bệnh cơ tim do căng thẳng là phụ nữ. Khoảng 8 trên 10 người trong số này ở độ tuổi 50 trở lên.
Mặc dù bệnh cơ tim do căng thẳng thường xảy ra sau khi mất đi người thân nhưng bất kỳ sự kiện gây căng thẳng nào cũng có thể dẫn đến bệnh lý này.
Các tác nhân gây căng thẳng được chia thành hai loại: căng thẳng về tinh thần và căng thẳng về thể chất. Một số tác nhân gây căng thẳng phổ biến gồm có:
- Cơn hen suyễn
- Chẩn đoán mắc một bệnh mạn tính
- Sự kiện đau buồn
- Nhiễm trùng
- Vấn đề về tài chính
- Các biến cố về thần kinh, chẳng hạn như đột quỵ
- Mang thai
- Nhiễm trùng máu
- Phẫu thuật
Một số loại thuốc, gồm có thuốc điều trị dị ứng nghiêm trọng, rối loạn thần kinh, trầm cảm và bệnh tuyến giáp, cũng có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh cơ tim do căng thẳng.
Một bài báo nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy khoảng 70% số người được chẩn đoán mắc bệnh cơ tim do căng thẳng có thể xác định được nguyên nhân gây bệnh, nghĩa là hơn 1/4 số người không thể xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh.
Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2019 cho thấy các tác nhân gây căng thẳng về thể chất phổ biến hơn các tác nhân gây căng thẳng về tinh thần.
Một đợt căng thẳng cấp tính có thể khiến lượng hormone stress trong cơ thể tăng cao bất thường. Thông thường, những hormone này giúp chúng ta vượt qua tình huống căng thẳng.
Nhưng khi có quá nhiều adrenaline và các chất hóa học khác, chẳng hạn như catecholamine, trong máu, một số thay đổi gây hại sẽ diễn ra.
Các động mạch nhỏ trong tim sẽ hẹp lại, làm giảm lưu lượng máu đến cơ tim. Hormone có thể liên kết với các tế bào trong tim, khiến cho canxi tích tụ nhanh chóng và làm giảm hiệu quả hoạt động bơm máu của tim.
Các triệu chứng của bệnh cơ tim do căng thẳng
Các triệu chứng của bệnh cơ tim do căng thẳng có thể bắt đầu trong vòng vài phút hoặc vài giờ sau sự kiện căng thẳng. Các triệu chứng cũng có thể xuất hiện sau đó, đặc biệt là khi nguyên nhân do căng thẳng về tinh thần.
Một số triệu chứng phổ biến nhất của bệnh cơ tim do căng thẳng gồm có:
- Đau ngực có thể xảy ra đột ngột và nghiêm trọng
- Chóng mặt, choáng váng
- Tim đập nhanh, đánh trống ngực
- Hụt hơi
- Đổ nhiều mồ hôi, có thể đổ mồ hôi lạnh
Chẩn đoán bệnh cơ tim do căng thẳng
Bệnh cơ tim do căng thẳng thường giống với hội chứng mạch vành cấp tính. Hội chứng mạch vành cấp tính là tình trạng giảm đột ngột lưu lượng máu đến cơ tim. Hội chứng mạch vành cấp tính gồm có nhồi máu cơ tim hoặc đau thắt ngực.
Để phân biệt bệnh cơ tim do căng thẳng với hội chứng mạch vành cấp tính, bác sĩ có thể thực hiện một số xét nghiệm và kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, gồm có:
- Xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ cholesterol, glucose và một số protein nhất định có thể chỉ ra cơn nhồi máu cơ tim hoặc các vấn đề về tim khác
- Chụp X-quang lồng ngực
- Chụp mạch vành, sử dụng phương pháp thông tim để đo lưu lượng máu qua tim
- Siêu âm tim
- Điện tâm đồ
- Chụp cộng hưởng từ
Bác sĩ cũng sẽ xem xét bệnh sử và các triệu chứng mà người bệnh gặp phải, gồm có căng thẳng về mặt tinh thần và cảm giác chán nản, lo âu.
Nếu gần đây có điều gì đó gây căng thẳng về mặt thể chất hoặc tinh thần, hãy cho bác sĩ biết để đưa ra chẩn đoán chính xác.
Bệnh cơ tim do căng thẳng có chữa khỏi được không?
Trong hầu hết các trường hợp, người mắc bệnh cơ tim do căng thẳng khỏi bệnh mà không gặp phải biến chứng lâu dài.
Tuy nhiên, ở một số người, các triệu chứng tái phát. Trong một số trường hợp hiếm gặp, bệnh cơ tim do căng thẳng dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như suy tim.
Điều trị bệnh cơ tim do căng thẳng
Bệnh cơ tim do căng thẳng từng được coi là một bệnh khá lành tính nhưng trong những năm gần đây, các chuyên gia y tế đã dành nhiều sự quan tâm hơn đến căn bệnh này.
Các chuyên gia khuyến nghị nên bắt đầu điều trị sớm và theo dõi cẩn thận các dấu hiệu biến chứng.
Không có phương pháp điều trị chính thức nào cho bệnh cơ tim do căng thẳng. Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ kê thuốc để giảm khối lượng công việc mà tim phải thực hiện và giảm huyết áp.
Một số loại thuốc thường được dùng để điều trị bệnh cơ tim do căng thẳng gồm có:
- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE)
- Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB)
- Thuốc chẹn beta
- Thuốc lợi tiểu
Người bệnh có thể cần phải nằm viện một thời gian ngắn, đặc biệt là khi có triệu chứng và bị rối loạn chức năng thất trái nghiêm trọng.
Sau khi xuất viện, người bệnh nên bắt đầu quá trình phục hồi chức năng tim. Trong quá trình phục hồi chức năng tim, người bệnh sẽ thực hiện các biện pháp để duy trì sức khỏe tim mạch tối ưu, gồm có:
- Tập thể dục
- Điều chỉnh chế độ ăn uống
- Thay đổi lối sống
- Dùng thuốc
- Tái khám thường xuyên
Nếu một tác nhân về tinh thần là nguyên nhân gây ra bệnh cơ tim do căng thẳng, người bệnh có thể cần trị liệu tâm lý.
Quá trình phục hồi
Trong nhiều trường hợp, quá trình phục hồi phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
Một nghiên cứu vào năm 2019 cho thấy nếu bệnh cơ tim do căng thẳng là do tác nhân về thể chất gây ra thì tiên lượng sẽ kém hơn và nguy cơ tử vong cao hơn so với tác nhân về tinh thần. Điều này phần lớn là do các tác nhân thể chất thường là các bệnh lý nghiêm trọng, chẳng hạn như đột quỵ.
Nguyên nhân về thể chất gây ra bệnh cơ tim do căng thẳng càng được kiểm soát hiệu quả và triệt để thì khả năng phục hồi hoàn toàn càng cao.
Tương tự, thực hiện các biện pháp cải thiện sức khỏe tinh thần sẽ giúp tăng khả năng phục hồi.
Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2020 cho thấy trong hầu hết những trường hợp mắc bệnh cơ tim do căng thẳng, chức năng thất trái thường trở lại bình thường sau 4 đến 8 tuần, mặc dù gần một phần ba số bệnh nhân vẫn tiếp tục bị đau ngực.
Các tác giả của tổng quan nghiên cứu này còn cho biết thêm rằng khoảng 11% số người được chẩn đoán mắc bệnh cơ tim do căng thẳng sẽ tái phát bệnh trong vòng 4 năm sau khi xuất viện.

Bệnh tim Ebstein là một dạng dị tật tim bẩm sinh hiếm gặp. Ở những trẻ bị bệnh tim Ebstein, van ba lá (van nằm giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải) hình thành không đúng vị trí và các lá van bị dị dạng. Kết quả là van ba lá không thể hoạt động bình thường và máu chảy ngược qua van, làm cho tim hoạt động kém hiệu quả. Bệnh tim Ebstein có thể dẫn đến chứng cơ tim phì đại và suy tim.

Bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ (IC) là tình trạng cơ tim bị suy yếu do cơn đau tim hoặc bệnh động mạch vành. Bệnh có thể được điều trị bằng các phương pháp như thay đổi lối sống, dùng thuốc, phẫu thuật hoặc các thủ thuật khác.

Bệnh cơ tim phì đại (Hypertrophic cardiomyopathy - HCM) khiến cơ tim dày lên, đặc biệt là ở tâm thất trái (phần dưới của tim). Tình trạng này có thể dẫn đến các triệu chứng như tiếng thổi tim, sưng phù, mệt mỏi, và đau ngực.

Bệnh động mạch ngoại biên là một bệnh lý phổ biến trong đó động mạch bị hẹp làm giảm lưu lượng máu đến cánh tay hoặc chân.

Bệnh van tim là tình trạng một hoặc nhiều van tim bị ảnh hưởng đến chức năng hoạt động. Nguyên nhân có thể là do máu bị rò rỉ (hở van tim), lỗ mở van tim bị hẹp (hẹp van tim), hoặc kết hợp cả hai.