Tìm hiểu về đau thắt ngực không ổn định

Đau thắt ngực không ổn định là gì?
Đau thắt ngực là thuật ngữ chỉ cơn đau ngực liên quan đến tim. Ngoài vùng ngực, cơn đau cũng có thể lan đến các vùng khác trên cơ thể như:
- Vai
- Cổ
- Lưng
- Cánh tay
Nguyên nhân gây đau thắt ngực là do lưu lượng máu đến cơ tim không đủ, khiến tim bị thiếu oxy.
Có hai loại đau thắt ngực là đau thắt ngực ổn định và đau thắt ngực không ổn định.
Đau thắt ngực ổn định thường xảy ra có quy luật, sau khi gắng sức hoặc gặp căng thẳng. Tần suất xuất hiện cơn đau không thay đổi nhiều theo thời gian.
Đau thắt ngực không ổn định có thể xuất hiện ngay cả khi nghỉ ngơi hoặc khi gắng sức nhẹ. Cơn đau có xu hướng ngày càng nghiêm trọng và xuất hiện thường xuyên hơn.
Đau thắt ngực không ổn định là dấu hiệu cho thấy động mạch vành bị tắc nghẽn nghiêm trọng, gây thiếu máu và oxy cho tim. Đây là tình trạng cấp cứu y tế, cần được xử lý ngay lập tức. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, suy tim hoặc rối loạn nhịp tim nguy hiểm.
Nguyên nhân gây đau thắt ngực không ổn định
Nguyên nhân chính gây đau thắt ngực không ổn định là bệnh động mạch vành, do mảng xơ vữa hình thành bên trong thành động mạch, làm hẹp và cứng mạch máu và cản trở máu lưu thông đến tim. Khi tim không nhận đủ máu và oxy, cơn đau ngực sẽ xảy ra.
Những ai có nguy cơ bị đau thắt ngực không ổn định?
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh động mạch vành bao gồm:
- Tiểu đường
- Béo phì
- Tiền sử gia đình mắc bệnh tim
- Tăng huyết áp
- Cholesterol LDL (xấu) cao
- Cholesterol HDL (tốt) thấp
- Giới tính nam
- Hút thuốc lá hoặc sử dụng các sản phẩm chứa nicotine
- Lối sống ít vận động
Nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng cao sau 45 tuổi ở nam giới và 55 tuổi ở nữ giới.
Triệu chứng của đau thắt ngực không ổn định
Triệu chứng điển hình của thắt ngực không ổn định là đau hoặc khó chịu ở ngực. Cảm giác đau có thể khác nhau ở mỗi người, thường có các đặc điểm sau:
- Đau ngực cảm giác như bị đè nén, bóp nghẹt, chèn ép hoặc đau nhói
- Cơn đau lan đến tay (thường là bên trái), lưng hoặc cổ
- Buồn nôn
- Cảm giác lo âu
- Vã mồ hôi
- Khó thở
- Chóng mặt
- Mệt mỏi không rõ nguyên nhân
Nếu bạn bị đau thắt ngực ổn định, bệnh có thể tiến triển thành đau thắt ngực không ổn định. Do đó, cần lưu ý theo dõi các dấu hiệu bất thường sau:
- Bị đau ngay cả khi nghỉ ngơi
- Cơn đau kéo dài hơn bình thường
- Cảm giác đau khác so với trước đây
- Thuốc nitroglycerin (thuốc giãn mạch giúp giảm đau) không còn hiệu quả
Nếu gặp bất kỳ dấu hiệu nào trên, cần đi cấp cứu ngay vì có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim.
Chẩn đoán đau thắt ngực không ổn định
Bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng và đo huyết áp để chẩn đoán đau thắt ngực không ổn định. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể thực hiện các xét nghiệm để xác định bệnh, bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra troponin và creatine kinase, các dấu ấn sinh học có thể rò rỉ vào máu khi cơ tim bị tổn thương.
- Điện tâm đồ (ECG): Ghi lại hoạt động điện tim để phát hiện dấu hiệu giảm lưu lượng máu.
- Siêu âm tim: Quan sát hình ảnh tim để phát hiện các vấn đề về lưu thông máu.
- Nghiệm pháp gắng sức: Kiểm tra hoạt động của tim khi làm vận động nặng để phát hiện đau thắt ngực.
- Chụp CT động mạch vành: Đánh giá mức độ hẹp của động mạch vành.
- Chụp mạch vành và thông tim: Dùng chất cản quang và tia X để kiểm tra tình trạng tắc nghẽn động mạch vành.
Trong các xét nghiệm trên, chụp mạch vành là phương pháp phổ biến nhất để xác định vị trí và mức độ hẹp của động mạch.
Điều trị đau thắt ngực không ổn định
Việc điều trị đau thắt ngực không ổn định sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Dùng thuốc
Phương pháp điều trị đầu tiên thường là thuốc làm loãng máu, giúp máu lưu thông dễ dàng hơn trong động mạch. Các loại thuốc phổ biến gồm có:
- Aspirin
- Heparin
- Clopidogrel
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc khác để kiểm soát triệu chứng, bao gồm:
- Thuốc hạ huyết áp
- Thuốc giảm cholesterol
- Thuốc an thần giảm lo âu
- Thuốc điều trị rối loạn nhịp tim
Can thiệp phẫu thuật
Nếu động mạch bị tắc nghẽn nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp xâm lấn hơn, bao gồm:
- Nong mạch vành (angioplasty): Sử dụng bóng để mở rộng động mạch bị tắc.
- Đặt stent: Đặt một ống nhỏ trong động mạch để giúp duy trì lưu thông máu.
- Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: Trong trường hợp nặng, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật tạo đường dẫn máu mới, giúp máu đi qua đoạn động mạch bị tắc.
Thay đổi lối sống
Dù bị bệnh ở mức độ nặng hay nhẹ thì người bệnh vẫn cần phải duy trì thay đổi lối sống tích cực để cải thiện sức khỏe tim mạch. Những thay đổi quan trọng được khuyến nghị là:
- Ăn uống lành mạnh
- Kiểm soát căng thẳng
- Tăng cường vận động thể chất
- Giảm cân nếu thừa cân
- Ngừng hút thuốc
Những thay đổi này sẽ giúp làm giảm nguy cơ đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về chế độ ăn uống và luyện tập phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn.
Phòng ngừa đau thắt ngực không ổn định
Ngoài việc điều trị y tế, bạn có thể chủ động bảo vệ hệ tim mạch bằng cách:
- Giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì
- Bỏ thuốc lá và tránh các sản phẩm chứa nicotine
- Tập thể dục thường xuyên
Duy trì lối sống lành mạnh sẽ giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ tái phát đau thắt ngực không ổn định.

Nhịp nhanh thất là một dạng rối loạn nhịp tim xảy ra do tín hiệu điện bất thường trong các buồng dưới của tim (tâm thất).

Đau nhức ở chân là cảm giác thường gặp ở hầu hết tất cả mọi người. Nguyên nhân có thể do chuột rút tạm thời, viêm khớp mãn tính, chấn thương cơ, hoặc tổn thương thần kinh kéo dài. Nếu bạn có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch, đau chân có thể là do bệnh động mạch ngoại biên (PAD), một dấu hiệu sớm của bệnh tim mạch. Dưới đây là mối liên hệ giữa sức khỏe tim mạch và tình trạng đau chân, giúp bạn xác định được liệu đau chân có phải là dấu hiệu của vấn đề tim mạch nghiêm trọng hay không.

Bệnh cơ tim phì đại (HCM) là một bệnh tim di truyền khiến thành của tâm thất trái bị dày lên và bị cứng lại. Không phải lúc nào bệnh cũng có triệu chứng. Tuy nhiên, tiếng thổi ở tim là một dấu hiệu điển hình ở những người có triệu chứng của HCM.

Block nhĩ thất hoàn toàn, còn gọi là block nhĩ thất độ ba (third-degree heart block), là dạng block tim nghiêm trọng nhất. Tình trạng này xảy ra khi hoạt động điện giữa buồng tim trên (tâm nhĩ) và buồng tim dưới (tâm thất) bị tách rời hoàn toàn. Nếu không được can thiệp y tế kịp thời, block nhĩ thất hoàn toàn có thể gây tử vong.

Đau thắt ngực là cơn đau ở vùng ngực, xảy ra khi tim không nhận đủ máu. Có nhiều loại đau thắt ngực khác nhau, được phân loại dựa trên nguyên nhân, thời điểm xuất hiện triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của tình trạng.