Tăng huyết áp có di truyền không?

Khi nhắc đến tăng huyết áp (tăng huyết áp), nhiều người cho rằng nguyên nhân là do lối sống, ví dụ như chế độ ăn uống không lành mạnh, ít vận động hay do tuổi già. Nhưng tăng huyết áp cũng có thể là một bệnh di truyền, xảy ra ở cả những người khỏe mạnh và có lối sống lành mạnh.
Cha mẹ bị tăng huyết áp có thể di truyền gen cho con và gen này sẽ làm tăng nguy cơ tăng huyết áp. Đó là lý do tại sao những người có tiền sử gia đình bị tăng huyết áp có nguy cơ gặp phải tình trạng này cao hơn. Một lý do nữa là những người trong cùng một gia đình có thể có cùng các yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp, chẳng hạn như hút thuốc, ít vận động hay chế độ ăn uống không lành mạnh. Khi nhiều người trong một gia đình cùng bị tăng huyết áp thì được gọi là tăng huyết áp có tính gia đình.
Tăng huyết áp là gì?
Huyết áp là áp lực máu tác động lên thành động mạch. Huyết áp được đo bằng đơn vị milimét thủy ngân (mmHg) và được biểu thị bằng hai chỉ số:
- Chỉ số đầu tiên hoặc ở trên là huyết áp tâm thu, là áp lực máu lên động mạch khi tim co bóp.
- Chỉ số thứ hai hoặc ở dưới là huyết áp tâm trương, là áp lực máu lên động mạch khi tim nghỉ ngơi.
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), huyết áp tâm thu dưới 120 mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80 mmHg hay huyết áp dưới 120/80 mmHg được coi là mức huyết áp khỏe mạnh. (1)
Huyết áp cao hơn mức này được coi là tiền tăng huyết áp và tăng huyết áp.
Mức huyết áp | Huyết áp tâm thu (mmHg) | Huyết áp tâm trương (mmHg) | |
Khỏe mạnh | Dưới 120 | và | Dưới 80 |
Tiền tăng huyết áp | 120 – 129 | và | Dưới 80 |
Tăng huyết áp độ 1 | 130 – 139 | hoặc | 80 – 89 |
Tăng huyết áp độ 2 | 140 trở lên | hoặc | 90 trở lên |
Ngoài tiền sử gia đình bị tăng huyết áp, các yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ tăng huyết áp còn có:
- Uống nhiều rượu bia
- Ăn nhiều muối
- Ít hoạt động thể chất
- Béo phì
- Hút thuốc
- Căng thẳng
- Thiếu ngủ
Tăng huyết áp là một tình trạng nguy hiểm bởi huyết áp có thể ở mức cao trong suốt một thời gian dài mà không biểu hiện bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào. Đo huyết áp là cách duy nhất để phát hiện tăng huyết áp.
Khi huyết áp vượt quá 180/120 mmHg thì được gọi là cơn tăng huyết áp. Các triệu chứng của cơn tăng huyết áp gồm có:
- Đau đầu dữ dội
- Đau ngực
- Buồn nôn
- Hụt hơi
- Ngất xỉu
Nguyên nhân gây tăng huyết áp có tính gia đình
Nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy tăng huyết áp là kết quả của sự kết hợp nhiều yếu tố, gồm có yếu tố di truyền, môi trường và hành vi.
Không giống như một số bệnh chỉ có một hoặc một vài gen là yếu tố nguy cơ, tăng huyết áp có tính gia đình có thể là do sự đột biến ở hàng trăm gen khác nhau. Điều này đã được chỉ ra trong một nghiên cứu trên hơn 750.000 người vào năm 2019. Điều này gây khó khăn cho việc xác định các gen cụ thể có liên quan đến tăng huyết áp có tính gia đình và từ đó tìm ra phương pháp điều trị.
Còn một lý do nữa khiến những người có tiền sử gia đình tăng huyết áp có nguy cơ tăng huyết áp cao hơn, đó là môi trường và các thói quen sống của gia đình. Ví dụ, hút thuốc và hít phải khói thuốc có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp. Chế độ ăn nhiều muối và chất béo bão hòa cũng có thể gây tăng huyết áp. Những thành viên trong cùng một gia đình còn có thể có các thói quen sống giống nhau như ít vận động hay ngủ không đủ giấc, những điều này cũng có ảnh hưởng tiêu cực đến huyết áp.
Tăng huyết áp đơn gen là gì?
Tăng huyết áp đơn gen là tình trạng tăng huyết áp do một biến dị di truyền được di truyền từ cha hoặc mẹ. Tăng huyết áp đơn gen chiếm khoảng 30% số trường hợp tăng huyết áp. Hầu hết các trường hợp này đều có liên quan đến tình trạng mất cân bằng điện giải, chẳng hạn như kali.
Có một số loại hội chứng tăng huyết áp đơn gen, mỗi loại có triệu chứng và nguyên nhân khác nhau. Các hội chứng này gồm có:
- Cường aldosterone
- Hội chứng Gordon
- Hội chứng Liddle
- Hội chứng Gellar
- Tăng huyết áp và hội chứng ngón tay ngắn (HTNB)
- Tăng huyết áp do mineralocorticoid
- Tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh
Cần làm gì khi có tiền sử gia đình tăng huyết áp?
Biết về tiền sử bệnh lý của gia đình là điều rất cần thiết. Ví dụ, biết về tiền sử gia đình mắc một số loại ung thư nhất định sẽ giúp bạn xác định thời điểm tầm soát loại ung thư đó. Nếu có tiền sử gia đình bị tăng huyết áp, hãy cho bác sĩ biết khi đi khám sức khỏe và đo huyết áp thường xuyên.
Thay đổi lối sống
Nếu huyết áp hiện vẫn đang ở mức khỏe mạnh, bạn có thể thực hiện một số điều chỉnh về lối sống để giảm nguy cơ tăng huyết áp trong tương lai. Nếu huyết áp ở mức cao hơn bình thường, những điều chỉnh lối sống này, kết hợp với dùng thuốc, có thể giúp đưa huyết áp trở lại mức bình thường:
- Duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân nếu thừa cân
- Hạn chế uống rượu
- Tích cực hoạt động thể chất
- Không hút thuốc
Điều chỉnh chế độ ăn uống
Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia Hoa Kỳ (The National Heart, Lung, and Blood Institute) đã xây dựng một chế độ ăn uống giúp phòng ngừa và kiểm soát tăng huyết áp, gọi là chế độ ăn DASH.
Chế độ ăn này gồm có nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và giảm lượng natri. Đây là một chế độ ăn linh hoạt mà mọi người có thể dễ dàng điều chỉnh cho phù hợp với sở thích ăn uống của bản thân.
Ngủ đủ giấc
Ngủ đủ giấc là điều cần thiết để có sức khỏe tốt, đặc biệt có lợi đối với chức năng não và tim. Ngủ kém sẽ ảnh hưởng đến huyết áp.
Một nghiên cứu vào năm 2022 cho thấy thường xuyên mất ngủ và ngủ ít (dưới 5, 6 và 7 tiếng) có thể dẫn đến tăng huyết áp. (2)
Ngủ đủ và sâu giấc mỗi ngày sẽ mang lại rất nhiều lợi ích khác bên cạnh tăng cường sức khỏe tim mạch, chẳng hạn như cải thiện tâm trạng, khả năng tập trung, năng lượng, quá trình trao đổi chất…
Yếu tố nào có ảnh hưởng nhiều hơn đến nguy cơ tăng huyết áp: di truyền hay lối sống?
Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện về nguyên nhân gây tăng huyết áp nhưng các nhà khoa học vẫn còn đang tìm hiểu về các yếu tố làm tăng nguy cơ tăng huyết áp.
Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy tác động của các yếu tố di truyền đến nguy cơ tăng huyết áp là từ 20 đến 55%. (3) Tuy nhiên, một nghiên cứu vào năm 2017 lại cho thấy rằng bất kể một người mang những gen di truyền nào, thực hiện lối sống tốt cho tim mạch sẽ giúp làm giảm đáng kể nguy cơ tăng huyết áp. (4)
Điều này có nghĩa là ngay cả khi bạn mang gen làm tăng nguy cơ tăng huyết áp thì duy trì lối sống lành mạnh, chẳng hạn như tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc và ăn ít muối cũng sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ.
Tóm tắt bài viết
Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim mạch, nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Tăng huyết áp còn là nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ, làm tăng nguy cơ suy thận mạn và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Những người có tiền sử gia đình bị tăng huyết áp sẽ có nguy cơ gặp phải tình trạng này cao hơn. Điều này là do một số gen di truyền và cũng là do những thói quen sống trong cùng một gia đình.
Nếu có tiền sử gia đình bị tăng huyết áp, bạn nên bắt đầu thực hiện các biện pháp để giảm thiểu nguy cơ, chẳng hạn như ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc,hạn chế rượu bia, giảm căng thẳng và không hút thuốc. Ngoài ra, hãy đo huyết áp thường xuyên. Khi bị tăng huyết áp, những biện pháp này sẽ giúp giảm và giữ ổn định huyết áp.

Tăng huyết áp là bệnh chỉ bộc lộ rất ít hoặc không có triệu chứng. Do vậy mà đa số mọi người đều không hề biết mình bị bệnh trong suốt nhiều năm trời.

Khi đo huyết áp, nếu kết quả dưới 120/80mmHg thì huyết áp ở mức bình thường còn nếu cao hơn mức này thì được coi là tăng huyết áp, hay còn được gọi là cao huyết áp và cần đến các phương pháp điều trị.

Nhiều người sợ đi máy bay do sợ độ cao, sợ không gian hẹp hoặc lo sợ xảy ra tai nạn. Đối với những người mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch hoặc tăng huyết áp, mỗi chuyến bay lại đi kèm những nỗi lo khác.

Khó thở có thể là do rất nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có tăng huyết áp và tăng áp phổi.

Lo âu có thể gây ra nhiều triệu chứng về thể chất, trong đó có tăng huyết áp. Mặc dù lo lắng không gây ra tình trạng tăng huyết áp mạn tính nhưng cả lo lắng ngắn hạn và mạn tính đều có thể khiến huyết áp tăng vọt.