Bị tăng huyết áp cần lưu ý những gì khi đi máy bay?

Khi đi máy bay, chúng ta sẽ ở độ cao lớn hơn nhiều so với ngày thường. Mặc dù ở nơi quá cao có thể gây ra các triệu chứng như đau đầu và buồn nôn nhưng những triệu chứng này thường xảy ra khi di chuyển lên những nơi có độ cao lớn, ví dụ như trên núi. Áp suất trong cabin máy bay được giữ ổn định gần bằng (hơi thấp hơn) áp suất trên mặt đất và điều này giúp tránh được hầu hết các triệu chứng khó chịu.
Những người bị tăng huyết áp hoàn toàn có thể đi máy bay, nhất là khi huyết áp được kiểm soát tốt.
Tuy nhiên trước đó vẫn nên thực hiện một số bước chuẩn bị.
Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về một số vấn đề mà người bị tăng huyết áp có thể gặp phải khi đi máy bay và những cách để giảm thiểu rủi ro.
Độ cao ảnh hưởng đến huyết áp như thế nào?
Tăng huyết áp, hay cao huyết áp, là khi huyết áp tâm thu trên 130 mmHg và huyết áp tâm trương trên 80mmHg.
Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ, những tình trạng này có thể dẫn đến tử vong.
Tăng huyết áp có thể xảy ra với bất kỳ ai, bất kể sống ở độ cao bao nhiêu nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người sống ở nơi có độ cao lớn có nguy cơ bị tăng huyết áp cao hơn.
Việc ở nơi có độ cao lớn còn làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác như:
- Hạ oxy máu (nồng độ oxy trong máu thấp)
- Tăng áp động mạch phổi (áp lực máu trong động mạch phổi ở mức cao hơn bình thường)
- Suy tim phải (bất thường về cấu trúc hoặc chức năng của tim phải làm giảm khả năng co bóp)
- Tăng hồng cầu (số lượng hồng cầu trong máu quá cao)
- Tăng huyết áp động mạch (áp lực máu trong động mạch quá cao)
Nhiều vấn đề trong số này xảy ra ở những người sinh sống hoặc ở lâu ở độ cao 2.500m trở lên so với mực nước biển. Máy bay thường bay ở độ cao 9.000m so với mực nước biển. Tuy nhiên, hành khách trên máy bay không gặp phải các vấn đề về sức khỏe vì máy bay có hệ thống điều áp (điều chỉnh áp suất trong cabin).
Người bị tăng huyết áp có thể gặp phải những vấn đề nào khi đi máy bay?
Nói chung, nếu huyết áp được kiểm soát ổn định thì việc đi máy bay sẽ không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu bị tăng huyết áp nghiêm trọng hoặc tình trạng tăng huyết áp không được kiểm soát tốt thì việc đi máy bay có thể gây ra một số vấn đề.
Hiện chưa có nhiều nghiên cứu về tác động của việc thi thoảng đi máy bay đến sức khỏe tim mạch nhưng một nghiên cứu vào năm 2021 phát hiện ra rằng ngay cả ở những nam giới khỏe mạnh không mắc bệnh tim mạch, huyết áp cũng tăng 6% khi đi máy bay thương mại. (1)
Tâm trạng căng thẳng, lo lắng và các vấn đề khác có thể phát sinh trong chuyến bay cũng có thể góp phần gây ra các triệu chứng và làm tăng huyết áp.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), cứ 600 chuyến bay thì có 1 chuyến xảy ra trường hợp cần cấp cứu y tế. (2)
Các trường hợp cần cấp cứu y tế phổ biến nhất trên các chuyến bay là:
- Ngất xỉu hoặc chóng mặt
- Vấn đề về hô hấp
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Vấn đề về tim
- Cơn động kinh
Một số vấn đề này xảy ra do tăng huyết áp. Nguy cơ hình thành cục máu đông sẽ tăng lên khi đi bay, đặc biệt là ở những người bị cao huyết áp.
Lưu ý khi đi máy bay cho người bị tăng huyết áp
Những người bị tăng huyết áp cần tuân thủ điều trị, gồm dùng thuốc và thay đổi lối sống để kiểm soát huyết áp. Nếu cần dùng thuốc điều trị tăng huyết áp, hãy mang theo thuốc khi đi máy bay.
Độ ẩm không khí thấp trong cabin máy bay có thể gây mất nước và điều này đôi khi có thể khiến huyết áp tăng cao. Do đó, hãy uống đủ nước cả trong và sau chuyến bay.
Ngoài ra, những người bị tăng huyết áp cần lưu ý thêm những điều sau đây mỗi khi đi máy bay:
- Không uống rượu bia và caffeine trong suốt chuyến bay để tránh bị mất nước.
- Tránh ăn những món chứa nhiều natri bay chuyến bay vì tiêu thụ nhiều natri sẽ làm tăng huyết áp.
- Không dùng thuốc an thần và thuốc ngủ trong suốt chuyến bay.
- Không sử dụng thuốc thông mũi vì loại thuốc này có thể làm tăng huyết áp.
- Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái.
- Nếu bay đường dài, hãy đứng dậy và đi lại khoảng 2 giờ một lần.
- Thực hiện các động tác đơn giản khi ngồi để thúc đẩy tuần hoàn máu.
- Khi nhận thấy triệu chứng bất thường, hãy báo ngay cho phi hành đoàn.
Câu hỏi thường gặp
Có thể mang máy đo huyết áp lên máy bay không?
Hành khách được phép mang theo các thiết bị y tế, bao gồm máy đo huyết áp, trong hành lý xách tay. Tuy nhiên, một số hãng bay có quy định cấm mang các thiết bị có pin lithium và một số vật liệu khác. Hãy tìm hiểu về quy định của hãng bay trước khi bay.
Có được để thuốc điều trị cao huyết áp trong hành lý xách tay không?
Hành khách được phép mang theo thuốc kê đơn lên chuyến bay. Hãy chuẩn bị đủ lượng thuốc cho cả chuyến đi. Mang thuốc kèm hộp đựng gốc để phòng trường hợp nhân viên an ninh yêu cầu kiểm tra.
Có thể dùng thuốc chống say tàu xe như dimenhydrinate khi bị tăng huyết áp không?
Dimenhydrinate không ảnh hưởng đến thuốc điều trị cao huyết áp nên có thể sử dụng các loại thuốc này cùng nhau. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào trong thời gian dùng thuốc trị cao huyết áp.

Tăng huyết áp không được coi là một loại bệnh tim mạch nhưng có thể dẫn đến bệnh tim mạch.

Khó thở có thể là do rất nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có tăng huyết áp và tăng áp phổi.

Lo âu có thể gây ra nhiều triệu chứng về thể chất, trong đó có tăng huyết áp. Mặc dù lo lắng không gây ra tình trạng tăng huyết áp mạn tính nhưng cả lo lắng ngắn hạn và mạn tính đều có thể khiến huyết áp tăng vọt.

Huyết áp là áp lực máu tác động lên thành động mạch. Huyết áp tăng và giảm một chút vào các thời điểm khác nhau trong ngày là điều bình thường. Tuy nhiên, khi huyết áp duy trì ở mức cao trong một thời gian dài thì được gọi là tăng huyết áp, hay cao huyết áp. Đây là một vấn đề rất phổ biến.

Mọi ca phẫu thuật đều tiềm ẩn rủi ro nhất định, ngay cả khi đó chỉ là ca phẫu thuật thông thường. Một trong những rủi ro là thay đổi huyết áp. Có nhiều nguyên nhân khiến huyết áp tăng cao sau phẫu thuật. Nguy cơ gặp phải tình trạng này phụ thuộc vào loại phẫu thuật, phương pháp vô cảm và thuốc được sử dụng, và người bệnh có vấn đề về huyết áp trước đó hay không.