Tại sao tăng huyết áp gây mệt mỏi?

Huyết áp là áp lực máu tác động lên thành động mạch. Huyết áp tăng và giảm một chút vào các thời điểm khác nhau trong ngày là điều bình thường. Tuy nhiên, khi huyết áp duy trì ở mức cao trong một thời gian dài thì được gọi là tăng huyết áp, hay cao huyết áp. Đây là một vấn đề rất phổ biến.
Tại sao tăng huyết áp gây mệt mỏi? Tại sao tăng huyết áp gây mệt mỏi?

Tăng huyết áp được coi là “kẻ giết người thầm lặng”. Nguyên nhân là bởi tình trạng này thường không có triệu chứng cho đến khi trở nên nghiêm trọng và tăng huyết áp có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Một trong những triệu chứng mà nhiều người bị tăng huyết áp gặp phải là thường xuyên mệt mỏi. Vậy tại sao tăng huyết áp lại gây ra tình trạng này? Và làm thế nào để khắc phục?

Thế nào là tăng huyết áp?

Kết quả đo huyết áp gồm hai chỉ số:

  • Huyết áp tâm thu: Chỉ số đầu tiên hoặc chỉ số bên trên, cho biết áp lực trong động mạch khi tim đập.
  • Huyết áp tâm trương: Chỉ số thứ hai hoặc chỉ số ở dưới, cho biết áp lực trong động mạch giữa các lần tim đập

Đơn vị đo huyết áp tiêu chuẩn là milimét thủy ngân (mmHg). Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (the American Heart Association), chỉ số huyết áp bình thường là dưới 120/80 mmHg.

  • Tiền tăng huyết áp: Huyết áp tâm thu từ 120 - 129 mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80 mmHg.
  • Tăng huyết áp độ 1: Huyết áp tâm thu từ 130 - 139 mmHg hoặc huyết áp tâm trương từ 80 - 89 mmHg.
  • Tăng huyết áp độ 2: Huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên.
  • Cơn tăng huyết áp: là khi huyết áp tâm thu trên 180 mmHg hoặc huyết áp tâm trương trên 120 mmHg. Huyết áp ở mức này cần được điều trị khẩn cấp.

Tại sao tăng huyết áp gây mệt mỏi?

Tăng huyết áp có thể gây mệt mỏi, uể oải. Mệt mỏi cũng có thể là triệu chứng của một bệnh lý đi kèm. Nếu không được điều trị, tăng huyết áp có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng và những biến chứng này sẽ gây mệt mỏi.

Bệnh mạch vành

Tăng huyết áp có thể làm hỏng động mạch hoặc khiến động mạch thu hẹp, từ đó làm giảm sự lưu thông máu.

Ngoài mệt mỏi, các triệu chứng khác của bệnh mạch vành gồm có:

  • Đau hoặc tức ngực (đau thắt ngực)
  • Hụt hơi
  • Đau ở cánh tay hoặc vai
  • Nhịp tim không đều (rối loạn nhịp tim)

Bệnh động mạch ngoại biên

Tăng huyết áp có thể thu hẹp động mạch ở chân tay, bụng và đầu. Ngoài mệt mỏi, các triệu chứng khác của bệnh động mạch ngoại biên gồm có:

  • Đau ở bắp chân khi đi lại và hết khi nghỉ ngơi
  • Cảm giác như có kim châm hoặc tê ở cẳng chân hoặc bàn chân
  • Vết thương ở cẳng chân hoặc bàn chân lâu lành

Cơ tim phì đại và suy tim

Khi áp lực trong động mạch tăng cao, tim sẽ phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể. Theo thời gian, điều này sẽ khiến cho cơ tim dày lên. Tình trạng này gọi là cơ tim phì đại.

Tim lớn hơn sẽ cần nhiều oxy hơn nhưng rất khó duy trì đủ lượng máu để đưa oxy đến tim. Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể dẫn đến suy tim.

Suy thận

Tăng huyết áp có thể làm giảm lưu lượng máu đến thận và còn có thể làm hỏng các mạch máu nhỏ trong thận, khiến thận không thể thực hiện chức năng lọc máu một cách hiệu quả. Tình trạng này được gọi là suy thận.

Các nguyên nhân khác gây mệt mỏi ở người bị tăng huyết áp

Mặc dù mệt mỏi là một triệu chứng thường gặp của tăng huyết áp nhưng mệt mỏi cũng có thể là do thiếu ngủ.

Thường xuyên thiếu ngủ sẽ làm tăng nguy cơ bị tăng huyết áp. Và khi bị tăng huyết áp, thiếu ngủ sẽ khiến cho tình trạng càng trầm trọng hơn.

Ngoài ra, chứng ngưng thở khi ngủ cũng là một yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp, đặc biệt là ở người lớn tuổi.

Một số loại thuốc điều trị tăng huyết áp cũng có thể gây mệt mỏi.

Một nguyên nhân khác gây mệt mỏi là tăng áp động mạch phổi. Đây là tình trạng huyết áp tăng cao trong các mạch máu vận chuyển máu giữa tim và phổi. Ngoài mệt mỏi, tăng áp động mạch phổi còn gây đau ngực, khó thở và chóng mặt.

Các triệu chứng thường gặp​​ của tăng huyết áp

Đa phần, tăng huyết áp không có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào trong suốt một thời gian dài. Khi xuất hiện triệu chứng thì có nghĩa là tình trạng đã trở nên nghiêm trọng. Đó là lý do tại sao cần theo dõi huyết áp thường xuyên.

Hãy đi khám ngay khi gặp bất kỳ triệu chứng nào dưới đây:

  • Mệt mỏi, không có sức lực
  • Chóng mặt
  • Hụt hơi
  • Đau ngực hoặc tức ngực
  • Nhịp tim bất thường
  • Đột ngột đau đầu hoặc đau ở chân tay
  • Gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động thường ngày

Điều trị tăng huyết áp

Đo huyết áp thường xuyên là cách tốt nhất để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp. Như đã nói ở trên, huyết áp 120/80 mmHg trở xuống là mức huyết áp khỏe mạnh ở người lớn.

Huyết áp thi thoảng tăng cao là điều bình thường nhưng nếu điều này xảy ra thường xuyên thì có nghĩa là tăng huyết áp.

Những người bị tăng huyết áp có thể kiểm soát huyết áp bằng cách thay đổi lối sống:

  • Thực hiện chế độ ăn uống tốt cho tim mạch, ví dụ như chế độ ăn DASH
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Không hút thuốc
  • Ngủ đủ giấc
  • Giảm căng thẳng
  • Uống rượu vừa phải

Nếu đã thay đổi lối sống mà không hiệu quả, người bệnh sẽ cần dùng thuốc. Các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp chính gồm có:

  • Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB) và thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE): giúp ngăn ngừa tình trạng hẹp mạch máu.
  • Thuốc chẹn beta: làm giảm sự co bóp của tim, nhờ đó làm giảm áp lực máu tác động lên thành mạch.
  • Thuốc chẹn kênh canxi: làm giảm sự hấp thụ canxi vào tế bào, nhờ đó làm giãn mạch máu.
  • Thuốc lợi tiểu: loại bỏ lượng nước và natri dư thừa ra khỏi cơ thể, nhờ đó làm giảm lượng chất lỏng trong mạch máu.

Một số loại thuốc này có thể gây tác dụng phụ là mệt mỏi.

Phương pháp điều trị cụ thể sẽ tùy thuộc vào sức khỏe tổng thể và mức độ tổn thương ở tim, thận.

Phòng ngừa tăng huyết áp

Mặc dù một số yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp nằm ngoài tầm kiểm soát ví dụ như tuổi tác nhưng cũng có nhiều yếu tố nguy cơ có thể thay đổi. Các cách để giảm nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp gồm có:

  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng, ít muối
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh
  • Không hút thuốc
  • Hạn chế tiêu thụ rượu bia và caffeine
  • Ngủ đủ giấc
  • Kiểm soát chặt chẽ các bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh thận hay hội chứng chuyển hóa

Trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào, nên hỏi bác sĩ xem loại thuốc đó có làm tăng huyết áp hay không và nếu có thì làm thế nào để kiểm soát. Ngoài ra nên đo huyết áp thường xuyên và đi khám khi huyết áp liên tục ở mức cao.

Tóm tắt bài viết

Tăng huyết áp có thể gây mệt mỏi. Điều này là do nhiều nguyên nhân. Mệt mỏi có thể là triệu chứng của tổn thương tim hoặc thận do tăng huyết áp. Cảm giác mệt mỏi cũng có thể là do thuốc điều trị tăng huyết áp, lối sống hoặc các bệnh lý đi kèm.

Một số thay đổi về lối sống có thể giúp làm giảm huyết áp hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp ngay từ đầu. Nếu cần, người bệnh có thể dùng thuốc để hạ huyết áp.

Cách tốt nhất để kiểm soát huyết áp là đo huyết áp thường xuyên. Mệt mỏi sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nhưng có nhiều cách để khắc phục tình trạng này. Nếu thường xuyên bị mệt mỏi, tốt hơn hết bạn nên đi khám để xác định nguyên nhân.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tăng huyết áp có phải bệnh tim mạch không?
Tăng huyết áp có phải bệnh tim mạch không?

Tăng huyết áp không được coi là một loại bệnh tim mạch nhưng có thể dẫn đến bệnh tim mạch.

Bị tăng huyết áp cần lưu ý những gì khi đi máy bay?
Bị tăng huyết áp cần lưu ý những gì khi đi máy bay?

Nhiều người sợ đi máy bay do sợ độ cao, sợ không gian hẹp hoặc lo sợ xảy ra tai nạn. Đối với những người mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch hoặc tăng huyết áp, mỗi chuyến bay lại đi kèm những nỗi lo khác.

Tại sao tăng huyết áp gây khó thở?
Tại sao tăng huyết áp gây khó thở?

Khó thở có thể là do rất nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có tăng huyết áp và tăng áp phổi.

Tại sao lo lắng gây tăng huyết áp?
Tại sao lo lắng gây tăng huyết áp?

Lo âu có thể gây ra nhiều triệu chứng về thể chất, trong đó có tăng huyết áp. Mặc dù lo lắng không gây ra tình trạng tăng huyết áp mạn tính nhưng cả lo lắng ngắn hạn và mạn tính đều có thể khiến huyết áp tăng vọt.

Nguyên nhân nào gây tăng huyết áp sau phẫu thuật?
Nguyên nhân nào gây tăng huyết áp sau phẫu thuật?

Mọi ca phẫu thuật đều tiềm ẩn rủi ro nhất định, ngay cả khi đó chỉ là ca phẫu thuật thông thường. Một trong những rủi ro là thay đổi huyết áp. Có nhiều nguyên nhân khiến huyết áp tăng cao sau phẫu thuật. Nguy cơ gặp phải tình trạng này phụ thuộc vào loại phẫu thuật, phương pháp vô cảm và thuốc được sử dụng, và người bệnh có vấn đề về huyết áp trước đó hay không.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây