Tăng huyết áp ác tính (tăng huyết áp cấp cứu) là gì?

Tăng huyết áp cấp cứu là gì?
Tăng huyết áp, hay cao huyết áp, là một tình trạng phổ biến.
Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu thường xuyên trên 130 mmHg hoặc huyết áp tâm trương thường xuyên trên 80 mmHg.
Tăng huyết áp là vấn đề có thể kiểm soát được. Có hai phương pháp chính để điều trị tăng huyết áp là dùng thuốc và điều chỉnh lối sống.
Khi huyết áp đột ngột tăng lên trên 180/120 mmHg thì được gọi là cơn tăng huyết áp. Khi tình trạng này đi kèm các triệu chứng mới, nhất là các triệu chứng về mắt, não, tim hoặc thận thì được gọi là cơn tăng huyết áp cấp cứu hay tăng huyết áp ác tính.
Người bị tăng huyết áp cấp cứu cần được điều trị khẩn cấp. Các triệu chứng cho thấy huyết áp cao đang gây tổn hại đến các cơ quan. Nếu không được điều trị kịp thời, tăng huyết áp cấp cứu có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, mù lòa, suy thận và thậm chí là tử vong.
Triệu chứng của tăng huyết áp cấp cứu
Tăng huyết áp được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” bởi tình trạng này đa phần không có dấu hiệu và triệu chứng rõ ràng. Không giống như tăng huyết áp thông thường, tăng huyết áp cấp cứu có các triệu chứng rất dễ nhận thấy, gồm có:
- Thay đổi về thị lực, ví dụ như mờ mắt
- Đau ngực
- Lú lẫn
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Tê hoặc yếu cơ ở cánh tay, chân hoặc mặt
- Hụt hơi
- Đau đầu
- Giảm lượng nước tiểu
Tăng huyết áp cấp cứu cũng có thể dẫn đến một biến chứng gọi là bệnh não do tăng huyết áp. Đây là tình trạng chức năng não bị suy giảm do huyết áp tăng cao. Các triệu chứng của bệnh não do tăng huyết áp gồm có:
- Đau đầu dữ dội
- Mờ mắt
- Lú lẫn, mơ hồ
- Mệt mổi, uể oải
- Co giật
Nguyên nhân gây tăng huyết áp cấp cứu
Tăng huyết áp cấp cứu đa phần xảy ra ở những người có tiền sử tăng huyết áp. Tình trạng này phổ biến hơn ở nam giới, nhất là những người hút thuốc lá. Nguy cơ đặc biệt cao ở những người có huyết áp trên 140/90 mmHg. Theo một đánh giá lâm sàng vào năm 2012, khoảng 1 đến 2% số người bị tăng huyết áp gặp phải cơn tăng huyết áp cấp cứu. (1)
Một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ tăng huyết áp cấp cứu gồm có:
- Bệnh thận, chẳng hạn như suy thận
- Sử dụng một số loại thuốc như thuốc tránh thai hoặc thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOI)
- Sử dụng ma túy như cocaine, amphetamine
- Mang thai
- Tiền sản giật, thường xảy ra sau tuần 20 của thai kỳ nhưng cũng có thể xảy ra sớm hơn hoặc xảy ra sau khi sinh
- bệnh tự miễn
- Tổn thương tủy sống khiến một số bộ phận của hệ thần kinh hoạt động quá mức
- Hẹp động mạch thận
- Hẹp động mạch chủ - động mạch lớn nhất trong cơ thể
- Không dùng thuốc điều trị tăng huyết áp
Nếu bạn bị tăng huyết áp và gặp phải những triệu chứng mới hoặc các triệu chứng trước đây tăng nặng thì hãy đi khám ngay lập tức, nhất là khi gặp những triệu chứng của tăng huyết áp cấp cứu.
Phương pháp chẩn đoán tăng huyết áp cấp cứu
Trước tiên, bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử, nhất là tăng huyết áp và các loại thuốc mà người bệnh đang dùng để điều trị tăng huyết áp. Bác sĩ cũng sẽ đo huyết áp và hỏi về tất cả các triệu chứng mà người bệnh đang gặp phải, chẳng hạn như thay đổi thị lực, đau ngực hoặc khó thở nhằm xác định xem có cần điều trị khẩn cấp hay không.
Xác định tổn thương cơ quan
Bác sĩ sẽ yêu cầu làm một số xét nghiệm để kiểm tra xem tình trạng tăng huyết áp có gây tổn thương các cơ quan hay không, ví dụ như xét nghiệm nitơ urê máu (BUN) và creatinin trong máu.
Xét nghiệm BUN đo nồng độ chất thải từ quá trình phân hủy protein trong cơ thể. Creatinin là một chất hóa học được tạo ra từ quá trình thoái giáng creatin trong các cơ. Thận sẽ lọc creatinin ra khỏi máu và bài tiết vào nước tiểu. Khi thận hoạt động kém, creatinin sẽ không được lọc khỏi máu một cách hiệu quả và nồng độ creatinin trong máu sẽ cao hơn bình thường.
Các xét nghiệm khác cũng được sử dụng trong quá trình chẩn đoán tăng huyết áp cấp cứu còn có:
- Xét nghiệm máu để kiểm tra xem có bị nhồi máu cơ tim hay không
- Siêu âm tim để đánh giá chức năng tim
- Xét nghiệm nước tiểu để đánh giá chức năng thận
- Điện tâm đồ (ECG/EKG) để đo hoạt động điện của tim
- Siêu âm thận để kiểm tra các vấn đề về thận khác
- Khám mắt để xem mắt có bị tổn thương hay không
- Chụp CT hoặc chụp MRI não để xem có bị xuất huyết não hay đột quỵ không
- Chụp X-quang lồng ngực để kiểm tra tình trạng tim và phổi
Điều trị tăng huyết áp cấp cứu
Tăng huyết áp cấp cứu có thể đe dọa đến tính mạng và cần được điều trị khẩn cấp. Tăng huyết áp cấp cứu không thể điều trị tại nhà mà phải được điều trị tại bệnh viện.
Phương pháp điều trị chính là tiêm truyền thuốc hạ huyết áp qua đường tĩnh mạch. Bằng cách này, thuốc sẽ nhanh chóng đi vào máu và phát huy tác dụng làm giảm huyết áp.
Khi huyết áp ổn định, người bệnh sẽ chuyển sang dùng thuốc trị tăng huyết áp đường uống. Những loại thuốc này giúp kiểm soát huyết áp và có thể dùng tại nhà.
Người bị tăng huyết áp ác tính cần tuân thủ các khuyến nghị của bác sĩ, gồm có dùng thuốc đều đặn, điều chỉnh lối sống và khám sức khỏe định kỳ để theo dõi huyết áp.
Phòng ngừa tăng huyết áp cấp cứu
Tăng huyết áp cấp cứu là tình trạng có thể phòng ngừa được. Những người bị tăng huyết áp cần phải đo huyết áp thường xuyên, uống thuốc đầy đủ hàng ngày, cố gắng duy trì lối sống lành mạnh và làm theo các lời khuyên của bác sĩ.
Điều trị mọi vấn đề sức khỏe có thể làm tăng nguy cơ bị tăng huyết áp cấp cứu. Khi có những triệu chứng tăng huyết áp ác tính, hãy gọi cấp cứu ngay. Điều trị kịp thời sẽ giúp giảm tổn thương các cơ quan.
Các cách kiểm soát huyết áp
Những người bị tăng huyết áp nên thực hiện những điều dưới đây để kiểm soát huyết áp ổn định:
- Ăn uống lành mạnh. Một chế độ ăn có lợi cho những người bị tăng huyết áp là chế độ ăn DASH (ăn nhiều rau củ quả, các sản phẩm từ sữa ít béo, thực phẩm giàu kali và ngũ cốc nguyên hạt. Tránh hoặc hạn chế chất béo bão hòa).
- Không ăn quá 1.500 miligam (mg) natri mỗi ngày. Các loại thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều natri.
- Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày.
- Giảm cân nếu thừa cân.
- Giảm stress bằng cách thực hiện các biện pháp thư giãn như hít thở sâu hay tập thể dục
- Bỏ thuốc lá
- Tiêu thụ đồ uống có cồn ở mức vừa phải. Nam giới không uống quá 2 đơn vị cồn, nữ giới và người trên 65 tuổi không uống quá 1 đơn vị cồn mỗi ngày (01 đơn vị cồn = 10g cồn nguyên chất).
- Đo huyết áp tại nhà thường xuyên.

Tăng huyết áp không được coi là một loại bệnh tim mạch nhưng có thể dẫn đến bệnh tim mạch.

Nhiều người sợ đi máy bay do sợ độ cao, sợ không gian hẹp hoặc lo sợ xảy ra tai nạn. Đối với những người mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch hoặc tăng huyết áp, mỗi chuyến bay lại đi kèm những nỗi lo khác.

Khó thở có thể là do rất nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có tăng huyết áp và tăng áp phổi.

Lo âu có thể gây ra nhiều triệu chứng về thể chất, trong đó có tăng huyết áp. Mặc dù lo lắng không gây ra tình trạng tăng huyết áp mạn tính nhưng cả lo lắng ngắn hạn và mạn tính đều có thể khiến huyết áp tăng vọt.

Huyết áp là áp lực máu tác động lên thành động mạch. Huyết áp tăng và giảm một chút vào các thời điểm khác nhau trong ngày là điều bình thường. Tuy nhiên, khi huyết áp duy trì ở mức cao trong một thời gian dài thì được gọi là tăng huyết áp, hay cao huyết áp. Đây là một vấn đề rất phổ biến.