Tại sao lại bị ra máu nâu sau mãn kinh?
Nội dung chính của bài viết:
- Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây hiện tượng ra máu màu nâu sau mãn kinh, đó là: do sử dụng liệu pháp hormone thay thế; do mỏng niêm mạc âm đạo và tử cung; do Polyp hay ung thư cổ tử cung, ung thư tử cung.
- Khi bị chảy máu âm đạo sau mãn kinh, dù là màu gì (đen, nâu hoặc đỏ) và lượng nhiều hay ít thì đều cần đi khám bác sĩ.
- Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên hiện tượng này và rất nhiều trong số đó là những nguyên nhân có thể điều trị được. Vấn đề được phát hiện càng sớm thì khả năng điều trị thành công càng cao.
Trong những năm trước khi mãn kinh hay còn gọi là giai đoạn tiền mãn kinh, nồng độ estrogen và progesterone bắt đầu giảm. Điều này sẽ gây ra nhiều thay đổi ở âm đạo, cổ tử cung và tử cung.
Một phụ nữ sẽ chính thức mãn kinh khi không có kinh nguyệt trong 12 tháng liên tục. Bất kỳ hiện tượng chảy máu âm đạo nào, dù nhiều hay ít, xảy ra sau khi mãn kinh đều là không bình thường.
Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây hiện tượng ra máu màu nâu sau mãn kinh, dấu hiệu cần đi khám và biện pháp điều trị.
Tại sao máu lại có màu nâu?
Mặc dù độ ẩm trong âm đạo giảm đi sau khi mãn kinh nhưng có thể sẽ vẫn tiết dịch (khí hư). Đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường.
Sau mãn kinh, lớp niêm mạc âm đạo sẽ trở nên mỏng đi và dễ bị tổn thương, nhiễm trùng hơn. Một dấu hiệu thường gặp khi bị nhiễm trùng là dịch tiết âm đạo đặc, có màu hơi vàng và mùi khó chịu.
Máu mới có màu đỏ tươi nhưng máu cũ khi ở trong cơ thể lâu ngày sẽ chuyển sang màu nâu hoặc đen. Khi nhận thấy hiện tượng có những đốm màu nâu hoặc đen dính trên quần lót thì rất có thể đó là máu cũ còn sót lại. Nếu còn có dịch tiết âm đạo vàng hoặc trắng do nhiễm trùng thì máu sẽ có màu nâu nhạt hơn.
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây hiện tượng ra máu màu nâu sau mãn kinh.
Liệu pháp hormone thay thế
Chảy máu âm đạo có thể là tác dụng phụ của liệu pháp hormone thay thế (HRT). Việc điều trị bằng liệu pháp hormone thay thế liều thấp liên tục có thể gây hiện tượng ra một lượng máu nhỏ hoặc nhỏ giọt trong vài tháng sau khi bắt đầu dùng thuốc. Dùng liệu pháp hormone thay thế theo chu kỳ còn có thể gây chảy máu âm đạo tương tự như kinh nguyệt hàng tháng.
Nguyên nhân của hiện tượng này là do hormone thay thế có thể làm dày niêm mạc tử cung hay còn gọi là tăng sản nội mạc tử cung. Tăng sản nội mạc tử cung sẽ gây chảy máu âm đạo, có thể ít hoặc nhiều. Đây thường là kết quả của tình trạng thừa estrogen và thiếu progesterone.
Một số phụ nữ bị tăng sản nội mạc tử cung còn hình thành các tế bào bất thường, được gọi là tăng sản không điển hình. Đây là một tình trạng có thể dẫn đến ung thư tử cung. Chảy máu âm đạo bất thường là dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của ung thư nội mạc tử cung. Nếu chẩn đoán và điều trị sớm thì có thể ngăn ngừa được loại ung thư này.
Mỏng niêm mạc âm đạo và tử cung
Sự suy giảm nồng độ hormone có thể gây mỏng niêm mạc âm đạo (teo âm đạo) hoặc niêm mạc tử cung (teo nội mạc tử cung).
Teo âm đạo làm cho âm đạo trở nên kém linh hoạt, khô hơn và giảm tính axit. Khi bị teo, âm đạo sẽ dễ bị viêm và dẫn đến một tình trạng gọi là viêm âm đạo teo (atrophic vaginitis). Ngoài dịch tiết âm đạo bất thường, vấn đề này còn có những biểu hiện, triệu chứng khác như:
- Đỏ
- Nóng rát
- Ngứa ngáy
- Đau đớn khi đi tiểu và khi quan hệ tình dục
Polyp
Polyp là khối u lành không phải ung thư hình thành ở cổ tử cung hoặc tử cung. Polyp bám vào cổ tử cung và có thể gây chảy máu sau khi quan hệ tình dục.
Ung thư cổ tử cung hoặc ung thư tử cung
Chảy máu âm đạo là dấu hiệu phổ biến nhất của ung thư tử cung. Các dấu hiệu khác gồm có đau rát khi đi tiểu, đau vùng chậu và đau khi quan hệ.
Khi nào nên đi khám?
Chảy máu âm đạo sau mãn kinh là điều không bình thường, vì vậy khi gặp hiện tượng này thì nên đi khám. Nếu như đang điều trị bằng liệu pháp hormone thay thế và được thông báo trước về tác dụng phụ là ra máu thì có thể không cần đi khám. Tuy nhiên, nếu bị ra nhiều máu hơn và kéo dài hơn so với dự kiến thì cũng cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra.
Nhiều nguyên nhân gây chảy máu âm đạo đều là lành tính nhưng vẫn cần đi khám. Nếu nguyên nhân là do những vấn đề ác tính ví dụ như ung thư thì việc phát hiện và điều trị sớm sẽ ngăn chặn vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.
Biện pháp chẩn đoán
Khi đi khám, bác sĩ sẽ thực hiện các bước kiểm tra chẩn đoán như sau:
- Lấy bệnh sử và hỏi về các loại thuốc đang dùng hiện tại
- Thăm khám lâm sàng
- Soi tươi dịch âm đạo để kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng
- Làm xét nghiệm Pap smear (phết tế bào cổ tử cung) để phát hiện tế bào ung thư cổ tử cung.
- Xét nghiệm máu
- Siêu âm vùng chậu hoặc nội soi buồng tử cung để quan sát hình ảnh của cổ tử cung, tử cung và buồng trứng
- Sinh thiết (lấy mẫu mô và đem đi phân tích) để phát hiện các tế bào ung thư
- Nong cổ tử cung và nạo buồng tử cung (D&C) để lấy mô trên bề mặt bên trong của thành tử cung nhằm phát hiện ung thư
Phương pháp điều trị
Việc điều trị hiện tượng chảy máu âm đạo sau mãn kinh sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể.
Tăng sản nội mạc tử cung
Có một số phương pháp để điều trị tăng sản nội mạc tử cung hay tình trạng niêm mạc tử cung dày lên. Trong những trường hợp nhẹ thì có thể chưa cần can thiệp mà chỉ cần theo dõi. Nếu hiện tượng ra máu là do liệu pháp hormone thì sẽ cần điều chỉnh liều lượng hoặc ngừng hoàn toàn. Ngoài ra còn có các phương pháp điều trị khác như:
- Điều trị bằng hormone dạng viên uống hoặc que cấy vào tử cung
- Phẫu thuật bằng kỹ thuật nội soi buồng tử cung hoặc nong cổ tử cung và nạo buồng tử cung để loại bỏ lớp mô dày lên
- Phẫu thuật cắt cổ tử cung, tử cung và buồng trứng hay còn được gọi là cắt tử cung toàn phần
Tăng sản nội mạc tử cung làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung nên cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Viêm âm đạo teo hoặc teo nội mạc tử cung
Liệu pháp estrogen là phương pháp được dùng phổ biến để điều trị viêm âm đạo teo hoặc teo nội mạc tử cung. Liệu pháp estrogen có nhiều dạng khác nhau như:
- Dạng viên uống
- Dạng gel
- Dạng kem bôi
- Dạng miếng dán ngoài da
Một lựa chọn khác là sử dụng vòng đặt âm đạo. Đây là dụng cụ hình vòng tròn mềm mại, từ từ giải phóng hormone vào mô âm đạo.
Trong những trường hợp nhẹ thì có thể không cần điều trị.
Polyp
Để xử lý polyp thì sẽ cần phẫu thuật cắt bỏ. Đây là thủ thuật rất đơn giản, nhanh chóng, trong đó bác sĩ sử dụng kẹp forcep nhỏ xoắn khối polyp và cắt bằng dao mổ điện.
Ung thư
Đối với những trường hợp ung thư nội mạc tử cung thì thường phải cắt tử cung và cả các hạch bạch huyết gần đó. Các phương pháp điều trị khác còn có hóa trị và xạ trị. Khi được phát hiện và điều trị sớm thì ung thư nội mạc tử cung hoàn toàn có thể chữa khỏi được.
Ngăn ngừa các vấn đề gây ra máu sau mãn kinh
Thời kỳ mãn kinh ở mỗi một phụ nữ là khác nhau. Có rất nhiều nguyên nhân gây hiện tượng ra máu màu nâu sau mãn kinh và không phải nguyên nhân nào cũng ngăn ngừa được. Tuy nhiên, có một số cách để phát hiện sớm vấn đề và điều trị trước khi bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn, ví dụ như:
- Đi khám định kỳ hàng năm: Nếu thuộc nhóm có nguy cơ cao bị ung thư cổ tử cung hoặc ung thư tử cung thì nên hỏi bác sĩ về tần suất nên làm xét nghiệm Pap smear và khám phụ khoa.
- Khi phát hiện dịch tiết âm đạo bất thường hoặc chảy máu âm đạo thì cần đi khám bác sĩ ngay lập tức, đặc biệt là khi những hiện tượng này còn đi kèm đau hoặc các triệu chứng khác.
Cách kiểm soát hiện tượng ra máu và kích ứng âm đạo
Dù ở bất kỳ độ tuổi nào thì hiện tượng ra máu bất thường cũng đều gây phiền toái và kích ứng âm đạo cũng vậy. Để tránh những vấn đề này can thiệp vào cuộc sống hàng ngày thì nên:
- Mang một miếng băng vệ sinh mỏng để máu không thấm ra ngoài quần.
- Mặc đồ lót bằng vải cotton thoáng khí để vùng kín không bị ẩm ướt.
- Không mặc quần chật, bó.
- Tránh dùng xà phòng, các loại dung dịch vệ sinh và băng vệ sinh có mùi thơm vì hương liệu có thể gây kích ứng mô âm đạo mỏng manh.
- Không được thụt rửa thì thụt rửa có thể gây kích ứng và lây lan vi khuẩn.
- Không dùng bột giặt, nước giặt có chất tẩy rửa mạnh để giặt quần, đặc biệt là quần lót.
Sau khi mãn kinh (được gọi là giai đoạn hậu mãn kinh), phụ nữ sẽ gặp phải rất nhiều thay đổi về cơ thể và sức khỏe. Để duy trì sức khỏe trong giai đoạn sau mãn kinh, bạn cần biết được những thay đổi này và chuẩn bị một cách tốt nhất.
Những thay đổi của thời kỳ tiền mãn kinh diễn ra không theo quy luật nên sẽ có ảnh hưởng đến sự rụng trứng và chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng.
Một số ít phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh mà không có bất kỳ triệu chứng khó chịu nào, nhưng đa số đều phải trải qua những vấn đề gây khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống.
Cả tiền mãn kinh và mãn kinh đều là những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời người phụ nữ. Ở những giai đoạn này chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi xảy đến với cơ thể và không ít trong số đó có ảnh hưởng đến cuộc sống.
Hầu hết phụ nữ bắt đầu mãn kinh trong độ tuổi từ 45 đến 55 mà đa phần là ngoài 50 tuổi. Nếu phụ nữ mãn kinh trước độ tuổi này thì gọi là mãn kinh sớm.