Tại sao lại bị khô mắt khi mãn kinh?
Nội dung chính của bài viết:
- Mãn kinh gây ra nhiều thay đổi trên khắp cơ thể, bao gồm cả đôi mắt. Một trong những triệu chứng ít được biết đến của thời kỳ mãn kinh là khô mắt.
- Khi bị khô mắt do thay đổi nội tiết tố thì chỉ có thể khắc phục các triệu chứng chứ không thể điều trị được nguyên nhân gốc rễ. Tuy nhiên, có rất nhiều biện pháp hiệu quả để làm dịu đôi mắt bị khô và kích ứng.
- Tình trạng khô mắt mãn tính có thể dẫn đến các biến chứng như nhiễm trùng hay hỏng mắt.
Sau khi mãn kinh, cơ thể sẽ sản sinh ra ít hormone estrogen và progesterone hơn. Nồng độ estrogen thấp sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và dẫn đến các triệu chứng khó chịu, ví dụ như bốc hỏa.
Một trong những triệu chứng ít được biết đến của thời kỳ mãn kinh là khô mắt.
Mỗi người chúng ta đều có một màng nước mắt bao phủ và bôi trơn cho nhãn cầu. Màng nước mắt là một hỗn hợp gồm có nước, dầu và chất nhầy. Tình trạng khô mắt xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ nước mắt hoặc khi nước mắt không thể bôi trơn một cách hiệu quả. Điều này sẽ gây ra cảm giác khó chịu, đau rát, mờ mắt và cộm vướng giống như có vật gì đó bên trong mắt.
Tại sao mãn kinh lại gây khô mắt?
Khi có tuổi, sự sản xuất nước mắt sẽ giảm. Những người trên 50 tuổi thường rất dễ bị khô mắt, bất kể là nam hay nữ.
Tuy nhiên, phụ nữ sau mãn kinh là đối tượng đặc biệt có nguy cơ cao bị khô mắt. Các hormone giới tính như androgen và estrogen ảnh hưởng đến quá trình tạo nước mắt nhưng mối liên hệ cụ thể hiện vẫn chưa được xác định rõ.
Các nhà nghiên cứu từng cho rằng nồng độ estrogen thấp gây khô mắt ở phụ nữ sau mãn kinh nhưng các nghiên cứu mới đây lại đang chuyển hướng sang hormone androgen. Androgen là một nhóm hormone giới tính mà cả nam và nữ đều có. Nồng độ androgen của phụ nữ thấp hơn so với nam giới và sẽ giảm sau khi mãn kinh. Có khả năng androgen cũng góp phần kiểm soát sự cân bằng trong quá trình tạo nước mắt của cơ thể.
Yếu tố nguy cơ khô mắt ở phụ nữ mãn kinh
Giai đoạn tiền mãn kinh – giai đoạn chuyển tiếp sang mãn kinh – có thể diễn ra trong suốt nhiều năm. Trong giai đoạn này, phụ nữ sẽ bắt đầu nhận thấy các triệu chứng trên cơ thể do sự thay đổi nội tiết tố như bốc hỏa và kinh nguyệt không đều. Những phụ nữ trên 45 tuổi còn dễ gặp phải triệu chứng khô mắt.
Khô mắt là một vấn đề do nhiều yếu tố góp phần gây nên. Thông thường, tình trạng khô mắt thường bắt nguồn từ một trong những yếu tố dưới đây:
- Giảm sản sinh nước mắt
- Nước mắt bốc hơi quá nhanh
- Nước mắt không thể bôi trơn cho mắt một cách hiệu quả hay không thể giàn đều trên bề mặt của mắt
Bạn có thể giảm nguy cơ khô mắt bằng cách tránh các tác nhân trong môi trường. Những tác nhân làm tăng tốc độ bốc hơi nước mắt và dẫn đến khô mắt gồm có:
- Không khí khô hanh vào mùa đông
- Gió to
- Các hoạt động ngoài trời
- Điều hòa không khí
- Kính áp tròng
- Dị ứng
Phương pháp điều trị khô mắt do mãn kinh
Một trong những phương pháp để khắc phục nhiều vấn đề xảy ra khi mãn kinh là liệu pháp hormone thay thế (HRT). Tuy nhiên, liệu phương pháp này có tác dụng đối với triệu chứng khô mắt hay không hiện vẫn đang là chủ đề gây nhiều tranh cãi. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng tình trạng khô mắt có cải thiện khi điều trị bằng liệu pháp hormone trong khi lại có những nghiên cứu khác cho rằng liệu pháp này sẽ làm cho mắt càng bị khô nghiêm trọng hơn. Do đó, đây vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp chính xác.
Một nghiên cứu cắt ngang (cross-sectional study) có quy mô lớn được thực hiện gần đây đã chỉ ra rằng việc sử dụng liệu pháp hormone thay thế trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của tình trạng khô mắt và dùng liều càng lớn thỉ vấn đề này sẽ càng nặng. Do đó, liệu pháp hormone thay thế không phải là một giải pháp hiệu quả để điều trị khô mắt do mãn kinh. Thay vào đó thì cần điều trị bằng những phương pháp dưới đây.
Thuốc không kê đơn
Có nhiều loại thuốc không kê đơn để điều trị tình trạng khô mắt mãn tính. Trong hầu hết các trường hợp thì chỉ cần dùng nước mắt nhân tạo là đủ để làm giảm các triệu chứng. Khi lựa chọn các loại thuốc nhỏ mắt không kê đơn có bán trên thị trường thì cần lưu ý một số điều sau đây:
- Tránh dùng nhiều những loại thuốc có chứa chất bảo quản vì thành phần này có thể gây kích ứng mắt.
- Với những loại thuốc không có chất bảo quản thì có thể sử dụng nhiều hơn 4 lần mỗi ngày.
- Các sản phẩm dạng thuốc mỡ và gel sẽ cho hiệu quả giảm khô mắt trong thời gian dài hơn nhưng sẽ gây mờ mắt.
- Những loại thuốc có tác dụng giảm triệu chứng đỏ mắt có thể gây kích ứng nếu sử dụng quá thường xuyên.
Thuốc kê đơn
Khi đã dùng những loại thuốc không kê đơn mà tình trạng khô mắt vẫn không cải thiện thì nên đi khám. Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể mà bác sĩ sẽ kê những loại thuốc sau đây:
- Thuốc điều trị viêm bờ mi: Tình trạng sưng quanh bờ mi mắt sẽ ngăn cản dầu trộn lẫn với nước mắt để che phủ và bôi trơn cho mắt. Bác sĩ có thể sẽ kê thuốc kháng sinh đường uống để điều trị vấn đề này.
- Thuốc trị viêm giác mạc: Tình trạng viêm trên bề mặt của mắt có thể được điều trị bằng thuốc nhỏ mắt kê đơn. Bác sĩ thường kê thuốc có chứa chất ức chế miễn dịch cyclosporine (Restocation) hoặc corticosteroid.
- Nước mắt nhân tạo dạng miếng chèn: Nếu các loại nước mắt nhân tạo dạng dung dịch không hiệu quả thì sẽ cần dùng nước mắt nhân tạo dạng miếng, được đặt vào giữa mí mắt và nhãn cầu và từ từ tiết ra chất bôi trơn cho mắt trong suốt cả ngày.
- Thuốc kích thích tạo nước mắt: Các loại thuốc kích thích tạo nước mắt như pilocarpine (Salagen), cevimeline (Evoxac) có tác dụng tăng sự sản xuất nước mắt. Các loại thuốc này có dạng thuốc viên uống, dạng gel hoặc dạng thuốc nhỏ.
- Liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu PRP: Đây là phương pháp lấy máu của chính bệnh nhân, sau đó qua xử lý để tách lấy huyết tương giàu tiểu cầu và tiêm lại vào cơ thể để điều trị cho những trường hợp bị khô mắt nghiêm trọng và không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.
- Kính áp tròng đặc biệt: Một số loại kính áp tròng đặc biệt có thể giúp cải thiện tình trạng khô mắt bằng cách giữ độ ẩm và bảo vệ mắt không bị kích ứng.
Biện pháp hỗ trợ
- Hạn chế nhìn màn hình: Nếu phải nhìn máy tính trong thời gian dài thì nên thư giãn cho đôi mắt bằng cách nhắm mắt trong vài phút hoặc chớp mắt liên tục trong vài giây và về nhà nên để mắt được nghỉ ngơi, hạn chế nhìn điện thoại hay xem TV.
- Bảo vệ đôi mắt: Khi đi ra ngoài trời nắng, có gió to hay khí hậu khô hành thì đều phải đeo kính râm để bảo vệ mắt.
- Tránh các tác nhân kích hoạt: Các chất kích ứng như khói bụi và phấn hoa hay những hoạt động ngoài trời có thể làm cho triệu chứng khô mắt càng thêm trầm trọng hơn.
- Dùng máy tạo độ ẩm trong nhà và phòng làm việc để tăng độ ẩm trong không khí, từ đó hạn chế mắt bị khô.
- Ăn uống đủ chất: Một chế độ ăn giàu axit béo omega-3 và vitamin A sẽ giúp kích thích sự sản xuất nước mắt.
- Tránh đeo kính áp tròng: Kính áp tròng sẽ gây khô mắt hoặc làm cho tình trạng khô mắt hiện tại trở nên nặng hơn. Do đó, nên dùng kính có gọng thông thường hoặc nếu thực sự cần thiết thì nên nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn về các loại kính áp tròng đặc biệt.
Biến chứng khô mắt
Tình trạng khô mắt mãn tính có thể dẫn đến các biến chứng như:
- Nhiễm trùng: Nước mắt giúp bảo vệ cho đôi mắt khỏi các tác nhân gây hại bên ngoài nên khi không có đủ nước mắt thì sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm trùng mắt.
- Hỏng mắt: Tình trạng khô mắt nghiêm trọng sẽ dẫn đến viêm và trầy xước bề mặt của mắt, gây đau, loét giác mạc và các vấn đề về thị lực.
Sau khi mãn kinh (được gọi là giai đoạn hậu mãn kinh), phụ nữ sẽ gặp phải rất nhiều thay đổi về cơ thể và sức khỏe. Để duy trì sức khỏe trong giai đoạn sau mãn kinh, bạn cần biết được những thay đổi này và chuẩn bị một cách tốt nhất.
Những thay đổi của thời kỳ tiền mãn kinh diễn ra không theo quy luật nên sẽ có ảnh hưởng đến sự rụng trứng và chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng.
Một số ít phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh mà không có bất kỳ triệu chứng khó chịu nào, nhưng đa số đều phải trải qua những vấn đề gây khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống.
Cả tiền mãn kinh và mãn kinh đều là những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời người phụ nữ. Ở những giai đoạn này chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi xảy đến với cơ thể và không ít trong số đó có ảnh hưởng đến cuộc sống.
Hầu hết phụ nữ bắt đầu mãn kinh trong độ tuổi từ 45 đến 55 mà đa phần là ngoài 50 tuổi. Nếu phụ nữ mãn kinh trước độ tuổi này thì gọi là mãn kinh sớm.