1

Tại sao bệnh tiểu đường gây rụng tóc?

Bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến tất cả các bộ phận của cơ thể, bao gồm cả tóc. Tại sao tiểu đường lại gây rụng tóc và làm thế nào để kiểm soát tình trạng rụng tóc do tiểu đường?
Tại sao bệnh tiểu đường gây rụng tóc? Tại sao bệnh tiểu đường gây rụng tóc?

Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?

Bệnh tiểu đường xảy ra khi cơ thể không sản xuất insulin hoặc không sử dụng insulin một cách hiệu quả hoặc cả hai. Insulin là một loại hormone có vai trò vận chuyển đường từ máu vào tế bào và tại đây đường sẽ được tích trữ hoặc sử dụng làm năng lượng.

Khi không có insulin hoặc insulin được sử dụng không hiệu quả, đường sẽ tích tụ trong máu và dẫn đến đường huyết cao.

Đường huyết cao sẽ gây hại cho các cơ quan ở khắp cơ thể, bao gồm cả mắt và thận. Tình trạng này còn làm hỏng các dây thần kinh và mạch máu.

Các mạch máu có nhiệm vụ mang oxy đi khắp cơ thể để nuôi dưỡng các cơ quan và mô. Khi các mạch máu bị hỏng, các nang tóc sẽ không được cung cấp đủ oxy. Tình trạng thiếu oxy này sẽ ảnh hưởng đến chu kỳ mọc bình thường của tóc.

Bệnh tiểu đường ảnh hưởng như thế nào đến chu kỳ mọc của tóc?

Mỗi sợi tóc thường trải qua bốn giai đoạn trong chu kỳ mọc.

Giai đoạn phát triển hay giai đoạn anagen kéo dài từ 2 năm trở lên. Trong giai đoạn này, tóc dài ra 1cm mỗi tháng. Sau giai đoạn phát triển, tóc bước vào giai đoạn chuyển tiếp (giai đoạn catagen và tiếp đến là giai đoạn nghỉ ngơi (giai đoạn telogen). Giai đoạn này kéo dài đến 4 tháng. Sau giai đoạn telogen, các sợi tóc sẽ rụng để nhường chỗ cho tóc mới.

Bệnh tiểu đường có thể làm gián đoạn chu kỳ này và làm chậm sự mọc tóc. Những người bị bệnh tiểu đường còn có thể bị rụng tóc nhiều hơn bình thường.

Bệnh tiểu đường không chỉ ảnh hưởng đến tóc trên đầu mà còn có thể gây rụng lông ở những vị trí khác trên cơ thể như cánh tay, chân. Khi mọc lại, tóc sẽ mọc chậm hơn so với trước.

Những người bị bệnh tiểu đường type 1 có nguy cơ gặp phải một dạng rụng tóc gọi là rụng tóc từng mảng. Rụng tóc từng mảng xảy ra do hệ miễn dịch tấn công các nang tóc, điều này dẫn dến rụng tóc và tạo ra những mảng không có tóc trên da đầu. Tình trạng tương tự còn xảy ra ở những khu vực có lông khác của cơ thể.

Các nguyên nhân khác có thể gây rụng tóc gồm có:

  • Stress/căng thẳng do các triệu chứng hay những thay đổi mà bệnh tiểu đường gây ra
  • Bệnh tuyến giáp, bệnh lý này có thể xảy ra ở người mắc bệnh tiểu đường và góp phần gây rụng tóc
  • Tác dụng phụ của thuốc điều trị tiểu đường

Tầm quan trọng của việc kiểm soát bệnh tiểu đường

Nói chuyện với bác sĩ nếu gặp phải bất kỳ vấn đề nào do bệnh tiểu đường, bao gồm cả rụng tóc. Rụng lông ở tay và chân là vấn đề cần đặc biệt lưu tâm vì đó có thể là dấu hiệu của lưu thông máu kém.

Nếu nguyên nhân gây rụng tóc là do bệnh tiểu đường được kiểm soát kém thì sẽ phải điều chỉnh thuốc, chế độ ăn uống hoặc lối sống.

Một khi kiểm soát được mức đường huyết, tình trạng rụng tóc sẽ giảm và tóc sẽ bắt đầu mọc lại.

Các cách khắc phục rụng tóc

Dưới đây là một số cách để khắc phục tình trạng rụng tóc do tiểu đường.

Dùng thuốc

Nếu tóc bị rụng do phản ứng viêm ở da đầu thì bác sĩ sẽ kê steroid để giảm viêm.

Ngoài ra có thể dùng các loại thuốc bôi trị rụng tóc như Minoxidil. Thoa trực tiếp thuốc lên da đầu và các vùng bị rụng lông.

Nam giới còn có thêm một lựa chọn điều trị nữa là dùng thuốc đườngg uống Finasteride (Propecia) để thúc đẩy mọc lại tóc. Hiện cơ quan Kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chưa cho phép sử dụng Finasteride cho phụ nữ.

Bổ sung biotin

Những người bị tiểu đường có thể bị thiếu biotin.

Biotin, còn được gọi là vitamin B7 hay vitamin H, là loại vitamin có tự nhiên trong các loại thực phẩm như đậu phộng, hạnh nhân, khoai lang, trứng, hành tây và yến mạch.

Có một số bằng chứng cho thấy uống bổ sung biotin có thể làm chậm tốc độ rụng tóc ở những người bị thiếu hụt biotin.

Tuy nhiên, cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung biotin.

Lượng biotin khuyến nghị hàng ngày đối với người lớn là 25 đến 35 microgam (mcg) nhưng các loại thực phẩm chức năng thường chứa lượng biotin cao hơn mức này. Do đó cần phải chú ý khi sử dụng.

Sử dụng tóc giả

Nếu bị rụng tóc nhiều đến mức tóc bị thưa mỏng nghiêm trọng hoặc hói thì có thể sử dụng tóc giả để che đi cho đến khi tình trạng được cải thiện và tóc mọc trở lại.

Tập thể dục

Tập thể dục hàng ngày có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Đây là một cách hiệu quả để giảm đường huyết và tăng cường lượng oxy đến các bộ phận của cơ thể, bao gồm cả da đầu.

Có thể chọn bất cứ bài tập nào như đi bộ, chạy bộ, bơi, đạp xe, tập tạ, yoga…

Nên đo đường huyết trước và sau khi tập để đảm bảo đường huyết không quá cao hay quá thấp. Uống đủ nước để bù lại lượng nước bị mất qua mồ hôi và tránh bị mất nước.

Những người mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường nên nói chuyện với bác sĩ trước khi bắt đầu chế độ tập luyện mới để được hướng dẫn tập an toàn.

Tóm tắt bài viết

Bệnh tiểu đường có thể gây rụng tóc. Tình trạng này gây hoang mang, lo lắng nhưng có thể khắc phục được bằng nhiều cách, gồm có điều chỉnh kế hoạch điều trị để kiểm soát mức đường huyết, dùng thuốc trị rụng tóc, uống bổ sung biotin và đi khám để xem nguyên nhân có phải là do các vấn đề liên quan đến bệnh tiểu đường như bệnh tuyến giáp và căng thẳng hay không.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bị bệnh tiểu đường có được ăn dầu dừa không?
Bị bệnh tiểu đường có được ăn dầu dừa không?

Bên cạnh việc dùng thuốc để kiểm soát mức đường huyết, những người mắc bệnh tiểu đường còn phải điều chỉnh chế độ ăn uống, chẳng hạn như hạn chế đồ ăn thức uống có đường và ăn các loại thực phẩm lành mạnh, giàu dinh dưỡng. Ngoài ra, việc lựa chọn đúng loại chất béo trong chế độ ăn cũng rất quan trọng.

10 loại thực phẩm nên tránh khi mắc bệnh thận và bệnh tiểu đường
10 loại thực phẩm nên tránh khi mắc bệnh thận và bệnh tiểu đường

Người bị bệnh thận và tiểu đường tốt nhất nên hạn chế một số chất dinh dưỡng, gồm có carb, natri, kali và phốt pho.

Các triệu chứng bệnh tiểu đường ở nam giới
Các triệu chứng bệnh tiểu đường ở nam giới

Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, gây ra các vấn đề về mắt, thận và da... Bệnh tiểu đường còn có thể dẫn đến rối loạn cương dương và các vấn đề về tiết niệu ở nam giới.

Người bị bệnh tiểu đường có được ăn mít không?
Người bị bệnh tiểu đường có được ăn mít không?

Mít là một loại trái cây nhiệt đới có nguồn gốc từ Châu Á nhưng ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Mít là loại trái cây lớn với vỏ xù xì màu xanh hoặc nâu và các múi bên trong có màu vàng, vị ngọt. Múi mít có kết cấu dai nên ở một số nơi, loại quả này được những người ăn chay và thuần chay sử dụng thay cho thịt để chế biến món ăn. Tuy nhiên, ăn mít sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Vì vậy nên những người bị bệnh tiểu đường cần chú ý trước khi ăn loại quả này.

Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến phụ nữ như thế nào?
Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến phụ nữ như thế nào?

Khi mắc bệnh tiểu đường, phụ nữ cũng gặp phải các triệu chứng giống như nam giới. Tuy nhiên, có một số triệu chứng chỉ xảy ra với phụ nữ.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây