Tại sao bệnh tiểu đường gây buồn nôn?
6 nguyên nhân chính gây buồn nôn ở người bệnh tiểu đường
Có nhiều yếu tố liên quan đến bệnh tiểu đường có thể gây buồn nôn.
1. Thuốc
Metformin là một trong những loại thuốc phổ biến được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường. Thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ, trong đó có buồn nôn. Uống metformin khi bụng đói sẽ dễ bị buồn nôn và buồn nôn nặng hơn.
Một số loại thuốc tiêm điều trị bệnh tiểu đường, chẳng hạn như exenatide (Byetta), liraglutide (Victoza), pramlintide (Symlin) và các thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 khác cũng có thể gây buồn nôn.
Cảm giác buồn nôn thường tự hết sau một thời gian dùng thuốc. Thời gian kéo dài và mức độ buồn nôn tùy thuộc vào cơ thể từng người. Nếu buồn nôn nhiều và kéo dài khi dùng những loại thuốc trên thì hãy báo cho bác sĩ. Bác sĩ có thể sẽ giảm liều hoặc đổi loại thuốc khác.
2. Hạ đường huyết và tăng đường huyết
Tăng đường huyết (lượng đường trong máu cao) hoặc hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp) có thể gây buồn nôn. Người bệnh nên đo đường huyết khi nghi ngờ lượng đường trong máu đang ở mức quá cao hoặc quá thấp và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Để tránh bị hạ đường huyết hoặc tăng đường huyết, hãy tuân thủ chế độ ăn uống dành cho bệnh tiểu đường, theo dõi lượng đường trong máu và dùng thuốc theo đúng chỉ định.
Ngoài ra, người bệnh tiểu đường nên tránh tập thể dục ở nhiệt độ quá cao và giữ mát cho cơ thể bằng cách uống nước lạnh khi ở lâu ngoài trời nóng.
3. Nhiễm toan ceton
Buồn nôn dữ dội có thể là dấu hiệu của nhiễm toan ceton. Đây là một biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường, có thể dẫn đến hôn mê hay thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Ngoài buồn nôn, các dấu hiệu khác của nhiễm toan ceton gồm có:
- Khát nước cực độ
- Đi tiểu nhiều lần
- Đau bụng
- Mệt mỏi, không có sức lực
- Khó thở
- Mơ hồ, không tỉnh táo
- Hơi thở mùi trái cây
Nếu nghi ngờ nhiễm toan ceton, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
Để ngăn ngừa nhiễm toan ceton, người bệnh tiểu đường cần:
- theo dõi đường huyết
- uống thuốc theo chỉ định
- dùng que thử kiểm tra nồng độ ceton trong nước tiểu trong thời gian bị bệnh hoặc bị stress cao độ
4. Liệt dạ dày
Liệt dạ dày là một dạng rối loạn tiêu hóa, xảy ra khi các cơ co bóp dạ dày hoạt động không hiệu quả, khiến cho thức ăn ứ lại trong dạ dày quá lâu và điều này có thể gây ra cảm giác buồn nôn. Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc chứng liệt dạ dày.
Các triệu chứng liệt dạ dày gồm có:
- Buồn nôn
- Ợ nóng
- Ăn không ngon miệng
- Đau bụng trên
- Chướng bụng
- Dao động lượng đường trong máu
- Suy dinh dưỡng
Hiện chưa có cách chữa trị khỏi chứng liệt dạ dày nhưng có nhiều cách để kiểm soát các triệu chứng, chẳng hạn như:
- Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì ba bữa lớn
- Không nằm ngay sau bữa ăn mà thay vào đó là đi lại hoặc ngồi thẳng. Điều này sẽ giúp quá trình tiêu hóa diễn ra dễ dàng hơn.
Đối với những người phải điều trị bằng insulin, bác sĩ có thể sẽ điều chỉnh liều dùng hoặc chuyển sang dùng sau bữa ăn thay vì trước bữa ăn để giảm các triệu chứng liệt dạ dày.
5. Viêm tụy
Bệnh tiểu đường không được kiểm soát sẽ làm tăng nguy cơ viêm tụy. Viêm tụy có thể gây buồn nôn, ngoài ra còn kèm theo các triệu chứng khác như nôn mửa, đau bụng và nồng độ triglyceride tăng cao.
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp ngăn ngừa hoặc kiểm soát viêm tụy. Ngoài ra cần kiêng đồ uống có cồn và thuốc lá.
6. Chất làm ngọt nhân tạo và rượu đường
Không ít người bị bệnh tiểu đường chuyển sang sử dụng chất làm ngọt nhân tạo và rượu đường thay cho đường kính để giảm tăng đường huyết.
Tuy nhiên, một tác dụng phụ phổ biến của các chất làm ngọt như xylitol là buồn nôn và một số vấn đề về tiêu hóa khác. Càng tiêu thụ nhiều những chất này thì nguy cơ xảy ra tác dụng phụ càng cao. Aspartame - một chất làm ngọt nhân tạo phổ biến - cũng có thể gây buồn nôn.
Kết luận
Ở những người bị tiểu đường, buồn nôn có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn. Biết được các nguyên nhân tiềm ẩn gây buồn nôn và cách điều trị hoặc ngăn ngừa những vấn đề này là điều cần thiết để kiểm soát hiệu quả bệnh tiểu đường.
Xem thêm:
Bên cạnh việc dùng thuốc để kiểm soát mức đường huyết, những người mắc bệnh tiểu đường còn phải điều chỉnh chế độ ăn uống, chẳng hạn như hạn chế đồ ăn thức uống có đường và ăn các loại thực phẩm lành mạnh, giàu dinh dưỡng. Ngoài ra, việc lựa chọn đúng loại chất béo trong chế độ ăn cũng rất quan trọng.
Người bị bệnh thận và tiểu đường tốt nhất nên hạn chế một số chất dinh dưỡng, gồm có carb, natri, kali và phốt pho.
Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, gây ra các vấn đề về mắt, thận và da... Bệnh tiểu đường còn có thể dẫn đến rối loạn cương dương và các vấn đề về tiết niệu ở nam giới.
Mít là một loại trái cây nhiệt đới có nguồn gốc từ Châu Á nhưng ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Mít là loại trái cây lớn với vỏ xù xì màu xanh hoặc nâu và các múi bên trong có màu vàng, vị ngọt. Múi mít có kết cấu dai nên ở một số nơi, loại quả này được những người ăn chay và thuần chay sử dụng thay cho thịt để chế biến món ăn. Tuy nhiên, ăn mít sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Vì vậy nên những người bị bệnh tiểu đường cần chú ý trước khi ăn loại quả này.
Khi mắc bệnh tiểu đường, phụ nữ cũng gặp phải các triệu chứng giống như nam giới. Tuy nhiên, có một số triệu chứng chỉ xảy ra với phụ nữ.