Tại sao bệnh tiểu đường gây chứng sương mù não
Bệnh tiểu đường type 1 và type 2 là tình trạng cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc sử dụng insulin không hiệu quả. Insulin là một loại hormone do tuyến tụy tạo ra, có vai trò giúp cơ thể sử dụng đường (glucose) trong máu để làm năng lượng.
Hormone này điều hòa lượng đường trong máu. Đây là điều rất quan trọng vì đường là nguồn cung cấp năng lượng chính cho các tế bào và cần thiết cho hoạt động bình thường của các cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả não bộ.
Trên thực tế, đường là nguồn năng lượng chính của não. Vì vậy nên khi lượng đường trong máu giảm đột ngột do bệnh tiểu đường, một tình trạng gọi là sương mù não có thể xảy ra.
Sương mù não là một tập hợp gồm nhiều vấn đề như:
- Giảm tập trung
- Thay đổi tâm trạng thất thường
- Vấn đề về trí nhớ
Bài viết này sẽ giải thích lý do tại sao bệnh tiểu đường gây sương mù não cùng các cách để đối phó và cải thiện tình trạng suy giảm nhận thức.
Tại sao bệnh tiểu đường gây sương mù não?
Sương mù não thường xảy ra khi lượng đường trong máu không được kiểm soát ổn định - lượng đường trong máu quá cao hoặc quá thấp.
Đường trong máu cao
Insulin giúp đường trong máu đi vào các tế bào của cơ thể. Khi cơ thể không tạo ra đủ insulin hoặc sử dụg insulin không hiệu quả, đường sẽ không thể đi vào tế bào mà tích tụ trong máu. Điều này dẫn đến tăng đường huyết hay đường trong máu cao.
Lượng đường trong máu cao có thể làm hỏng các mạch máu và dẫn đến lưu thông máu kém. Khi không có đủ máu lưu thông đến não, người bệnh sẽ không thể tỉnh táo và suy nghĩ một cách rõ ràng.
Ngoài ra, quá nhiều đường trong máu có thể làm tăng lượng serotonin và chất dẫn truyền thần kinh trong não. Bình thường, những chất hóa học này có tác động tích cực đến các tế bào thần kinh và chức năng não bộ.
Tuy nhiên, quá nhiều serotonin và chất dẫn truyền thần kinh có thể gây ra tác động tiêu cực.
Điều này có thể dẫn đến tổn thương tế bào não, hỏng dây thần kinh và viêm trong não, tất cả đều góp phần gây ra các vấn đề về nhận thức như suy giảm trí nhớ và sương mù não.
Đường trong máu thấp
Lượng đường trong máu ở mức thấp hay hạ đường huyết cũng có thể gây ra những tác động tương tự đến não và dẫn đến các triệu chứng như:
- Mệt mỏi
- Đau đầu
- Sương mù não
Khi cơ thể không thể sử dụng đường hay glucose trong máu để tạo năng lượng, các tế bào não sẽ không thể hoạt động bình thường. Điều này sẽ làm giảm khả năng tập trung.
Hạ đường huyết có thể xảy ra do tác dụng phụ của thuốc điều trị tiểu đường, chẳng hạn như dùng insulin liều quá cao so với lượng thức ăn. Lượng đường trong máu cũng có thể giảm sau khi tập luyện cường độ cao hoặc bỏ bữa.
Triệu chứng của sương mù não do tiểu đường
Sương mù não do bệnh tiểu đường có thể xảy ra ở các mức độ khác nhau. Một số người chỉ bị suy giảm nhận thức nhẹ trong khi một số người lại gặp tình trạng suy giảm chức năng não bộ nghiêm trọng và không thể suy nghĩ rõ ràng.
Sương mù não do bệnh tiểu đường có thể gây ra các triệu chứng sau đây:
- Mệt mỏi
- Cáu gắt
- Chóng mặt
- Lú lẫn, mơ hồ
- Trí nhớ kém
- Gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề
- Quên các từ quen thuộc
- Xử lý thông tin kém
- Giảm tập trung
- Cảm giác như chuyển động bị chậm lại
Điều trị sương mù não do bệnh tiểu đường
Để điều trị chứng sương mù não do bệnh tiểu đường, điều quan trọng là phải giữ ổn định lượng đường trong máu trong phạm vi bình thường, tránh để lượng đường trong máu bị dao động.
Nếu được kê thuốc để điều trị bệnh tiểu đường thì phải dùng thuốc đúng theo chỉ định và không được bỏ liều.
Ngoài ra, hãy tuân thủ chế độ ăn uống mà bác sĩ đưa ra. Nếu cảm thấy tình trạng sương mù não vẫn không cải thiện thì hãy nói với bác sĩ. Có thể sẽ phải điều chỉnh thuốc. Nếu có điều kiện thì nên đến gặp chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn những loại thực phẩm nên ăn và nên tránh.
Khi mắc bệnh tiểu đường, kiểm soát đường huyết là điều rất quan trọng vì nếu không được kiểm soát, bệnh lý này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như:
- Bệnh tim mạch
- Tổn thương thần kinh
- Bệnh thận
- Hoại tử và phải cắt cụt chân
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng
Đối phó với các triệu chứng sương mù não
Tình trạng sương mù não sẽ cải thiện khi lượng đường trong máu trở lại mức bình thường.
Trong thời gian đó, người bệnh có thể đối phó với các triệu chứng bằng những cách sau đây:
- Xác định tác nhân gây sương mù não: Mỗi loại thực phẩm và hoạt động sẽ có ảnh hưởng khác nhau đến lượng đường trong máu. Khi gặp phải tình trạng sương mù não hoặc những vấn đề về nhận thức khác, hãy ghi ra những loại thực phẩm đã ăn và những hoạt động đã thực hiện trong thời gian gần đây. Điều này sẽ giúp xác định các tác nhân gây ra sương mù não. Một khi đã xác định được thì hãy cố gắng tránh những thực phẩm và hoạt động này.
- Ghi lại những thông tin quan trọng: Vì sương mù não ảnh hưởng đến trí nhớ nên khi gặp phải tình trạng này, người bệnh nên ghi lại những thông tin quan trọng vào sổ hoặc điện thoại để đề phòng trường hợp bị quên.
- Không đưa ra quyết định quan trọng: Đừng nên đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào cho đến khi tình trạng sương mù não được cải thiện vì khả năng nhận thức và phán đoán đang bị suy giảm.
- Ngủ đủ giấc: Ngủ sẽ giúp cơ thể phục hồi nên hãy cố gắng ngủ đủ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày. Mệt mỏi, thiếu ngủ sẽ khiến tình trạng sương mù não trở nên trầm trọng hơn. Một giấc ngủ ngon sẽ giúp đầu óc tỉnh táo và nhạy bén hơn.
- Đi bộ: Tập thể dục có thể cải thiện độ nhạy insulin, nhờ đó giúp cơ thể sử dụng đường để tạo năng lượng hiệu quả hơn. Khi cảm thấy uể oải hoặc các triệu chứng khác của sương mù não, hãy thử đi bộ 10, 15 hoặc 30 phút. Điều này có thể giúp cải thiện lượng đường trong máu và tăng cường sự tỉnh táo.
Ngăn ngừa sương mù não do bệnh tiểu đường
Để ngăn ngừa các triệu chứng sương mù não khi mắc bệnh tiểu đường thì điều quan trọng nhất là phải giữ ổn định mức đường huyết.
Điều này giúp cân bằng các chất hóa học (serotonin và chất dẫn truyền thần kinh) trong não, đồng thời ngăn ngừa tổn thương mạch máu – nguyên nhân dẫn đến các vấn đề về nhận thức.
Nếu sương mù não là do thuốc gây ra thì hãy trao đổi với bác sĩ. Có thể bác sĩ sẽ kê một loại thuốc khác hoặc điều chỉnh liều dùng để ngăn tình trạng hạ đường huyết.
Sương mù não đa phần chỉ là vấn đề tạm thời và chỉ cần điều trị thích hợp là sẽ có thể đảo ngược được tình trạng.
Sương mù não không phải là một bệnh mà là một triệu chứng xảy ra do đường huyết không ổn định.
Chế độ ăn uống lành mạnh và điều chỉnh thuốc có thể giải quyết nguyên nhân gốc rễ gây ra sương mù não và cải thiện khả năng nhận thức.
Những biện pháp này còn giúp làm giảm nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe khác trong tương lai như bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ.
Theo một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2015 về ảnh hưởng của bệnh tiểu đường đến chức năng nhận thức, những người mắc bệnh tiểu đường type 2 có nguy cơ sa sút trí tuệ cao hơn 50% so với người không bị tiểu đường. (1)
Khi nào cần đi khám?
Nếu tình trạng sương mù não chỉ ở mức độ nhẹ và có cải thiện khi đường huyết ổn định trở lại thì không cần phải đi khám.
Nhưng nếu đã thực hiện các biện pháp kiểm soát đường huyết mà các triệu chứng sương mù não vẫn tiếp diễn thì nên đi khám.
Có thể sẽ phải điều chỉnh thuốc hoặc thực hiện một số biện pháp chẩn đoán để xem có mắc các bệnh lý khác như bệnh tự miễn hoặc trầm cảm hay không
Tóm tắt bài viết
Sương mù não là một vấn đề có thể xảy ra ở người mắc bệnh tiểu đường khi đường trong máu được kiểm soát kém. Tình trạng này sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống. Sự suy giảm trí nhớ, tâm trạng thay đổi thất thường và giảm khả năng tập trung có thể khiến người bệnh khó giữ được tinh thần lạc quan. Tuy nhiên, nếu được điều trị đúng cách, chức năng nhận thức sẽ trở lại bình thường.
Nên đi khám nếu nhận thấy tình trạng sương mù não không cải thiện hoặc ngày càng trở nên nặng hơn.
Bệnh tiểu đường hay đái tháo đường có thể khiến lượng đường trong máu quá cao hoặc quá thấp. Điều này có thể dẫn đến bệnh thận, tổn thương thần kinh, các vấn đề về da, mắt và bàn chân.
Bệnh tiểu đường có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không được theo dõi và điều trị. Tuy nhiên, bệnh lý này có thể được kiểm soát và điều trị bằng những thay đổi đơn giản trong lối sống và chế độ ăn uống.
Người mắc bệnh tiểu đường type 2 cần duy trì các phương pháp điều trị để giữ cho lượng đường trong máu luôn trong phạm vi an toàn, gồm có điều chỉnh chế độ ăn uống, lối sống và dùng thuốc. Nếu không kiểm soát tốt đường trong máu, người bệnh sẽ có nguy cơ gặp phải nhiều biến chứng như bệnh tim mạch, cao huyết áp và các vấn đề ở chân.
Bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến mọi cơ quan trong cơ thể. Lượng đường trong máu liên tục ở mức cao không được kiểm soát có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe theo thời gian.
Theo thời gian, lượng đường trong máu liên tục ở mức cao sẽ gây tổn hại các cơ quan khắp cơ thể và dẫn đến nhiều triệu chứng. Ở một số người, các vấn đề về đường ruột như tiêu chảy là một triệu chứng của bệnh đái tháo đường.