1

Tác dụng phụ của Zoladex

Zoladex (goserelin) là một loại thuốc được dùng để điều trị ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú và một số bệnh khác ở người lớn. Giống như nhiều loại thuốc khác, Zoladex cũng có thể gây ra tác dụng phụ nhẹ hoặc nghiêm trọng.
Tác dụng phụ của Zoladex Tác dụng phụ của Zoladex

Zoladex là gì?

Zoladex là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị:

  • ung thư tuyến tiền liệt chưa di căn (chưa lan đến các khu vực bên ngoài tuyến tiền liệt)
  • ung thư tuyến tiền liệt di căn (ung thư đã lan ra ngoài tuyến tiền liệt đến các bộ phận khác của cơ thể)
  • ung thư vú di căn
  • lạc nội mạc tử cung - tình trạng mô nội mạc tử cung phát triển bất thường ở những khu vực bên ngoài tử cung
  • chảy máu tử cung bất thường

Zoladex chứa hoạt chất goserelin, thuộc nhóm thuốc đồng vận GnRH và là một liệu pháp hormone. Cơ chế tác dụng của thuốc là làm giảm hormone giới tính trong cơ thể, chẳng hạn như testosterone và estrogen.

Đối với chảy máu tử cung bất thường, Zoladex được sử dụng trong thời gian ngắn trước khi làm thủ thuật cắt bỏ nội mạc tử cung. Đối với bệnh ung thư và lạc nội mạc tử cung, Zoladex thường được sử dụng lâu dài.

Dạng thuốc và liều dùng

Dạng thuốc

Zoladex có dạng mẫu cấy được cấy dưới da, thường là ở quanh rốn. Người bệnh được cấy Zoladex mỗi 4 hoặc 12 tuần một lần, phụ thuộc vào bệnh lý mà Zoladex được sử dụng để điều trị và liều dùng.

Zoladex có hai mức hàm lượng là 3,6mg và 10,8mg.

Mỗi mẫu cấy Zoladex 3,6mg tồn tại trong 28 ngày. Mẫu cấy Zoladex 10,8mg tồn tại được trong 12 tuần. Sau đó, người bệnh sẽ phải cấy một mẫu cấy mới để tiếp tục điều trị.

Liều dùng

Liều dùng để điều trị giảm nhẹ ung thư vú di căn

Liều khuyến nghị thông thường để điều trị giảm nhẹ bệnh ung thư vú di căn là 3,6mg sau mỗi 28 ngày.

Liều dùng để điều trị lạc nội mạc tử cung

Liều khuyến nghị thông thường để điều trị lạc nội mạc tử cung là 3,6 mg sau mỗi 28 ngày, tổng thời gian điều trị có thể lên đến 6 tháng.

Liều dùng để điều trị ung thư tuyến tiền liệt chưa di căn

Liều khuyến nghị thông thường để điều trị ung thư tuyến tiền liệt chưa di căn là 3,6mg. Sau 28 ngày nên chuyển sang loại 10,8mg. Người bệnh bắt đầu điều trị bằng Zoladex 8 tuần trước khi xạ trị.

Liều dùng để điều trị giảm nhẹ ung thư tuyến tiền liệt di căn

Liều khuyến nghị thông thường để điều trị giảm nhẹ ung thư tuyến tiền liệt di căn là 3,6mg sau mỗi 28 ngày hoặc 10,8mg sau mỗi 12 tuần.

Liều dùng để điều trị chảy máu tử cung bất thường

Liều khuyến nghị thông thường để điều trị chảy máu tử cung bất thường là một hoặc hai mẫu cấy 3,6 mg.

Nếu chỉ cần dùng một mẫu cấy thì thông thường người bệnh sẽ cắt bỏ nội mạc tử cung sau 4 tuần.

Nếu phải sử dụng hai mẫu cấy thì trước tiên sẽ cấy một mẫu trước, sau 4 tuần sẽ cấy mẫu thứ hai và sau từ 2 đến 4 tuần thì cắt bỏ nội mạc tử cung.

Tác dụng phụ phổ biến của Zoladex

Zoladex có thể gây tác dụng phụ nhẹ hoặc nghiêm trọng. Một số tác dụng phụ thường được báo cáo của Zoladex gồm có:

  • Bốc hỏa
  • Rối loạn cương dương
  • Tiểu khó

Trên đây chỉ là một số tác dụng phụ phổ biến được báo cáo bởi những người dùng Zoladex trong các nghiên cứu. Thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ khác nhau, tùy thuộc vào bệnh lý mà thuốc được sử dụng để điều trị.

Các tác dụng phụ phổ biến của Zoladex khi thuốc được dùng để điều trị ung thư tuyến tiền liệt:

  • Bốc hỏa
  • Rối loạn cương dương
  • Tiểu khó

Các tác dụng phụ phổ biến của Zoladex khi thuốc được dùng để điều trị lạc nội mạc tử cung, ung thư vú di căn hoặc chảy máu tử cung bất thường:

  • Bốc hỏa
  • Đau đầu
  • Đổ mồ hôi
  • Mụn trứng cá, phát ban da có vảy hoặc bong tróc da
  • Thay đổi tâm trạng
  • Trầm cảm*
  • Giảm ham muốn tình dục
  • Khô hoặc kích ứng âm đạo
  • Giảm kích thước vú
  • Sưng phù ở cẳng chân, bàn chân hoặc bàn tay

* Để biết rõ hơn về tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.

Tác dụng phụ nhẹ của Zoladex

Zoladex có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nhẹ khác nhau, tùy thuộc vào bệnh lý mà thuốc được sử dụng để điều trị.

Khi được dùng để điều trị ung thư tuyến tiền liệt, Zoladex có thể gây ra các tác dụng phụ nhẹ sau:

  • Bốc hỏa
  • Rối loạn cương dương
  • Tiểu khó
  • Chướng bụng hoặc sưng phù to do tích tụ chất lỏng
  • Các bệnh nhiễm trùng, chẳng hạn như cảm lạnh thông thường
  • Mệt mỏi (thiếu năng lượng)
  • Khó ngủ
  • Ăn không ngon miệng
  • Buồn nôn
  • Phát ban
  • Đổ mồ hôi

Khi được dùng để điều trị lạc nội mạc tử cung, ung thư vú hoặc chảy máu tử cung bất thường, Zoladex có thể gây ra các tác dụng phụ nhẹ như:

  • Bốc hỏa
  • Tiểu khó
  • Đau đầu
  • Đổ mồ hôi
  • Mụn trứng cá
  • Phát ban da có vảy hoặc bong tróc
  • Thay đổi tâm trạng
  • Giảm hoặc tăng ham muốn tình dục
  • Khô hoặc kích ứng âm đạo
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Mệt mỏi, uể oải
  • Giảm hoặc tăng kích thước vú
  • Sưng phù ở cẳng chân, bàn chân hoặc bàn tay
  • Tăng cân*
  • Đau ở vú, vùng chậu (khu vực giữa rốn và bẹn), bụng hoặc lưng
  • Giảm hoặc tăng cảm giác thèm ăn
  • Chứng rậm lông ở phụ nữ (mọc lông ở mặt hoặc những vị trí không mong muốn trên cơ thể)
  • Thay đổi giọng nói

* Để biết rõ hơn về tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.

Trong hầu hết các trường hợp, những tác dụng phụ này chỉ là tạm thời và một số có thể được kiểm soát một cách dễ dàng. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng kéo dài hoặc gây khó chịu thì nên báo cho bác sĩ. Người bệnh không được tự ý ngừng sử dụng Zoladex mà không có sự đồng ý của bác sĩ.

Zoladex còn có thể gây ra các tác dụng phụ nhẹ khác ngoài những tác dụng phụ kể trên.

Tác dụng phụ nghiêm trọng của Zoladex

Bên cạnh các tác dụng phụ nhẹ, Zoladex đôi khi có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Một số tác dụng phụ nghiêm trọng đã được báo cáo của Zoladex gồm có:

  • Tổm thương tại vị trí cấy thuốc*
  • Trầm cảm*
  • Tăng đường huyết (lượng đường trong máu cao)
  • Tăng canxi máu (nồng độ canxi trong máu cao)
  • Hội chứng QT dài, một dạng rối loạn nhịp tim hiếm gặp nhưng nghiêm trọng
  • Các vấn đề nghiêm trọng về tim mạch, chẳng hạn như đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim
  • Giảm mật độ khoáng xương, dẫn đến loãng xương
  • Phản ứng bùng phát khối u (tăng trưởng khối u tạm thời), có thể gây:
  • Đau xương
  • Chèn ép tủy sống (tăng áp lực lên tủy sống)
  • Tắc nghẽn một hoặc cả hai niệu quản (ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang)
  • Dị ứng*

* Để hiểu rõ hơn về tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.

Nếu gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng khi sử dụng Zoladex, hãy báo ngay cho bác sĩ. Nếu các tác dụng phụ có vẻ nguy hiểm thì hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện.

Câu hỏi thường gặp về tác dụng phụ của Zoladex

Zoladex có gây ra tác dụng phụ lâu dài nào không?

Mặc dù không phổ biến nhưng Zoladex có thể gây ra tác dụng phụ lâu dài.

Trong các nghiên cứu, Zoladex đã được chứng minh là làm giảm mật độ khoáng của xương ở một số người. Mật độ khoáng xương thấp làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương và loãng xương làm tăng nguy cơ gãy xương, ngay cả khi đã ngừng sử dụng Zoladex.

Các tác dụng phụ khác có thể gây ảnh hưởng về lâu dài gồm có tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Zoladex hàm lượng 10,8mg có nhiều tác dụng phụ hơn hàm lượng 3,6mg không?

Cả hai mức hàm lượng Zoladex đều có các tác dụng phụ giống nhau.

Một nghiên cứu đã so sánh tính an toàn và hiệu quả của Zoladex trong điều trị ung thư vú di căn ở phụ nữ chưa mãn kinh. Kết quả cho thấy thuốc có tác dụng như nhau, bất kể sử dụng hàm lượng 3,6mg hàng tháng hay hàm lượng 10,8mg cách 3 tháng một lần.

Nếu gặp tác dụng phụ khi sử dụng Zoladex, hãy báo cho bác sĩ.

Điều gì xảy ra nếu ngừng sử dụng Zoladex?

Zoladex có dạng mẫu cấy được cấy vào dưới da. Thuốc sẽ tan dần trong cơ thể và người bệnh có thể sẽ phải cấy thuốc mới sau một thời gian.

Nếu người bệnh bị dị ứng hoặc gặp tác dụng phụ nghiêm trọng, bác sĩ có thể sẽ lấy thuốc ra khỏi cơ thể. Điều này có thể gây đau tạm thời xung quanh vị trí cấy thuốc.

Nếu phản ứng dị ứng không nghiêm trọng thì có thể không cần lấy thuốc ra mà cứ để cho thuốc tự tan. Zoladex thường tan hết sau khoảng 4 tuần nhưng tác dụng của thuốc có thể kéo dài đến 12 tuần. Trong thời gian này, người bệnh có thể nhận thấy những thay đổi trên cơ thể do sự sản xuất hormone trở về mức tự nhiên.

Việc ngừng dùng Zoladex có thể dẫn đến các vấn đề khác nhau, tùy thuộc vào lý do sử dụng thuốc.

Ở người bị ung thư tuyến tiền liệt, việc ngừng Zoladex có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh.

Ở phụ nữ chưa mãn kinh, kinh nguyệt thường ngừng trong thời gian điều trị bằng Zoladex. Khi dừng điều trị, kinh nguyệt sẽ quay trở lại trong vòng 12 tuần.

Mục đích sử dụng Zoladex có ảnh hưởng đến tác dụng phụ của thuốc không?

Tùy vào mục đích sử dụng mà Zoladex sẽ gây ra các tác dụng phụ khác nhau.

Ví dụ, thay đổi tâm trạng và trầm cảm là những tác dụng phụ phổ biến ở những người sử dụng Zoladex để điều trị lạc nội mạc tử cung hoặc ung thư vú. Các tác dụng phụ về cảm xúc, tâm trạng lại không được báo cáo trong các nghiên cứu sử dụng Zoladex để điều trị ung thư tuyến tiền liệt.

Để biết thêm thông tin, vui lòng đọc phần “Tác dụng phụ phổ biến” ở bên trên.

Dùng Zoladex bao lâu sẽ gặp tác dụng phụ?

Zoladex giải phóng hoạt chất goserelin một cách từ từ trong vòng khoảng 8 ngày sau khi được cấy vào dưới da. Sau khi cấy thuốc, vùng da đó thường bị tổn thương, chẳng hạn như đau hoặc bầm tím.

Khi được dùng để điều trị ung thư vú hoặc ung thư tuyến tiền liệt, Zoladex có thể tạm thời làm tăng sự phát triển của khối u trong thời gian ngắn. Điều này thường xảy ra khi mới bắt đầu sử dụng thuốc. Người bệnh có thể sẽ nhận thấy các triệu chứng cho thấy bệnh ung thư tiến triển, chẳng hạn như đau xương, trong vài tuần đầu sau khi cấy Zoladex.

Zoladex có tác dụng làm giảm lượng hormone giới tính (testosterone hoặc estrogen) trong cơ thể. Sau lần cấy Zoladex đầu tiên, thường phải mất từ 2 đến 4 tuần để lượng hormone giảm xuống.

Nhiều tác dụng phụ của Zoladex, chẳng hạn như bốc hỏa, mụn trứng cá và các vấn đề về chức năng tình dục, là do sự sụt giảm hormone này. Do đó, hầu hết các tác dụng phụ của Zoladex bắt đầu xuất hiện trong vòng 2 đến 4 tuần.

Làm thế nào để ngăn ngừa hoặc giảm bớt các tác dụng phụ về chức năng tình dục của Zoladex?

Rối loạn chức năng tình dục là một trong những tác dụng phụ phổ biến của Zoladex.

Tùy thuộc vào tác dụng phụ mà có thể khắc phục bằng các cách sau đây:

  • Dùng thuốc kê đơn hoặc thuốc không kê đơn và thực phẩm chức năng
  • Thay đổi chế độ ăn uống
  • Bài tập tăng cường cơ sàn chậu, chẳng hạn như bài tập Kegel
  • Liệu pháp tình dục
  • Dụng cụ hỗ trợ

Nếu gặp tác dụng phụ về chức năng tình dục khi sử dụng Zoladex, hãy báo cho bác sĩ để được tư vấn cách khắc phục và ngăn ngừa.

Chi tiết tác dụng phụ

Trầm cảm

Trầm cảm là một tác dụng phụ xảy ra khá phổ biến trong các nghiên cứu về Zoladex. Tác dụng phụ này đã được báo cáo trong các nghiên cứu sử dụng Zoladex để điều trị ung thư vú, lạc nội mạc tử cung và chảy máu tử cung bất thường.

Các triệu chứng trầm cảm có thể kéo dài 2 tuần hoặc lâu hơn, gồm có:

  • Cảm giác buồn bã hoặc tuyệt vọng
  • Không còn hứng thú với các hoạt động từng yêu thích
  • Thiếu năng lượng
  • Thường xuyên mệt mỏi, uể oải
  • Khó tập trung
  • Thay đổi thói quen ăn uống hoặc giấc ngủ

Nếu có các triệu chứng trầm cảm khi dùng Zoladex, hãy nói chuyện với bác sĩ. Các phương pháp điều trị trầm cảm gồm có:

  • Thuốc chống trầm cảm
  • Trị liệu tâm lý
  • Tập thể dục thường xuyên theo khuyến nghị của bác sĩ

Tổn thương tại vị trí cấy thuốc

Zoladex có dạng mẫu cấy dưới da và quá trình cấy Zoladex có thể gây tổn thương mô, dẫn đến các vấn đề như:

  • Đau hoặc kích ứng tại vị trí cấy
  • Bầm tím (tụ máu) dưới da
  • Chảy máu nghiêm trọng

Người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng sau khi cấy Zoladex. Hãy báo ngay cho bác sĩ khi nhận thấy bất kỳ tác dụng phụ nào dưới đây:

  • Đau bụng hoặc chướng bụng
  • Khó thở
  • Chóng mặt
  • Tụt huyết áp

Những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp hoặc đang dùng thuốc làm loãng máu sẽ dễ gặp phải các tác dụng phụ này hơn, do đó cần được theo dõi sát sao trong thời gian sử dụng Zoladex.

Tổn thương tại vị trí cấy Zoladex thường chỉ là tạm thời và sẽ tự khỏi. Để giảm đau, người bệnh có thể dùng các loại tthuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như acetaminophen hoặc chườm lạnh lên vùng cấy thuốc. Trong một nghiên cứu, việc chườm túi nước đá trong thời gian ngắn giúp giảm đáng kể cảm giác đau nhức sau khi cấy Zoladex.

Nếu bị đau nhức dữ dội, bầm tím hoặc chảy máu nghiêm trọng tại vị trí cấy thuốc thì cần báo cho bác sĩ.

Tăng cân

Trong các nghiên cứu, Zoladex gây tăng cân nhưng điều này không phổ biến.

Điều này có thể là do Zoladex làm tăng cảm giác thèm ăn và gây giữ nước trong cơ thể.

Nếu nhận thấy cân nặng tăng trong khi điều trị bằng Zoladex, người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ để xác định nguyên nhân và được tư vấn các cách duy trì cân nặng khỏe mạnh, chẳng hạn như thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục.

Dị ứng

Giống như hầu hết các loại thuốc khác, Zoladex cũng có thể gây dị ứng ở một số người. Phản ứng dị ứng có thể nhẹ hoặc nặng, với các triệu chứng như:

  • Phát ban da
  • Ngứa ngáy
  • Da nóng đỏ
  • Sưng dưới da, thường là ở mí mắt, môi, tay hoặc chân
  • Sưng miệng, lưỡi hoặc cổ họng, gây khó thở

Nếu người bệnh có các triệu chứng của phản ứng dị ứng nhẹ, chẳng hạn như mẩn đỏ da, hãy báo cho bác sĩ. Phản ứng dị ứng nhẹ có thể điều trị bằng thuốc kháng histamin, chẳng hạn như diphenhydramine hoặc sử dụng thuốc bôi ngoài da, chẳng hạn như kem hydrocortisone.

Tùy vào mức độ dị ứng mà bác sĩ sẽ quyết định xem người bệnh có nên tiếp tục sử dụng Zoladex hay không.

Nếu có các triệu chứng dị ứng nghiêm trọng, chẳng hạn như sưng phù hoặc khó thở, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Phản ứng dị ứng nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng và cần được can thiệp điều trị khẩn cấp.

Nếu người bệnh bị dị ứng nghiêm trọng với Zoladex thì bác sĩ sẽ kê loại thuốc khác.

Theo dõi tác dụng phụ

Trong quá trình điều trị bằng Zoladex, người bệnh nên theo dõi và ghi lại các tác dụng phụ gặp phải, sau đó báo với bác sĩ. Điều này là rất cần thiết khi bắt đầu dùng một loại thuốc mới hoặc sử dụng kết hợp nhiều loại thuốc cùng lúc.

Một số thông tin cần theo dõi và ghi lại gồm có:

  • Liều dùng thuốc khi xảy ra tác dụng phụ
  • Dùng thuốc bao lâu thì có tác dụng phụ
  • Các triệu chứng
  • Mức độ nghiêm trọng của tác dụng phụ
  • Những loại thuốc khác đang dùng
  • Những thông tin khác có liên quan

Những thông tin này sẽ giúp bác sĩ hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của thuốc đến cơ thể người bệnh, từ đó điều chỉnh phác đồ điều trị cho phù hợp.

Cảnh báo về Zoladex

Zoladex có thể không phù hợp với những người đang mắc một số bệnh lý hoặc có các yếu tố khác ảnh hưởng đến sức khỏe. Người bệnh cần cho bác sĩ biết về bệnh sử cá nhân trước khi bắt đầu sử dụng thuốc. Dưới đây là những yếu tố cần cân nhắc trước khi sử dụng Zoladex:

  • Vấn đề về tim mạch: Mặc dù không phổ biến nhưng Zoladex có thể gây rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Những người đã bị bệnh tim mạch sẽ dễ gặp phải những vấn đề này hơn khi điều trị bằng Zoladex. Nếu đã từng hoặc đang có vấn đề về tim mạch thì người bệnh cần cho bác sĩ biết trước khi bắt đầu dùng Zoladex. Có thể bác sĩ sẽ kê loại thuốc khác thay vì Zoladex.
  • Bệnh tiểu đường: Zoladex có thể gây tăng đường huyết (lượng đường trong máu cao). Ở người mắc bệnh tiểu đường, Zoladex có thể khiến cho việc kiểm soát lượng đường trong máu trở nên khó khăn hơn. Do đó, khi sử dụng loại thuốc này, người bệnh có thể sẽ phải thay đổi phương pháp điều trị bệnh tiểu đường và theo dõi mức đường huyết sát sao hơn.
  • Loãng xương: Zoladex có thể làm giảm mật độ xương. Do đó, ở những người bị loãng xương, Zoladex có thể làm tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn. Người bệnh có thể phải chụp X-quang hoặc xạ hình xương để theo dõi mật độ xương trong quá trình điều trị bằng Zoladex.
  • Dị ứng: Không sử dụng Zoladex nếu đã từng bị dị ứng với thuốc hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc. Cũng không nên sử dụng Zoladex nếu từng bị dị ứng với các loại thuốc tương tự. Trước khi bắt đầu điều trị bằng Zoladex, người bệnh cần cho bác sĩ biết về tiền sử dị ứng, bất kể là dị ứng với thứ gì. Trong trường hợp từng bị dị ứng với Zoladex hoặc một thành phần nào đó của thuốc, bác sĩ sẽ kê loại thuốc khác.

Có được uống rượu bia trong khi dùng Zoladex không?

Người bệnh vẫn có thể uống rượu bia trong quá trình điều trị bằng Zoladex nhưng chỉ nên uống ít.

Thường xuyên uống nhiều rượu bia sẽ làm tăng nguy cơ loãng xương và Zoladex cũng làm tăng nguy cơ này.

Người bệnh nên hỏi bác sĩ về mức tiêu thụ rượu bia an toàn khi sử dụng Zoladex.

Zoladex có an toàn cho phụ nữ mang thai và cho con bú không?

Không sử dụng Zoladex trong thời kỳ mang thai. Zoladex có thể gây hại cho thai nhi hoặc làm tăng nguy cơ sảy thai.

Phụ nữ còn khả năng sinh sản nên sử dụng biện pháp tránh thai không có nội tiết tố trong suốt quá trình điều trị bằng Zoladex và trong 12 tuần sau khi kết thúc điều trị.

Cũng không nên sử dụng Zoladex khi đang cho con bú vì chưa rõ tính an toàn của thuốc đối với trẻ sơ sinh bú mẹ.

Nếu người bệnh đang mang thai hoặc cho con bú thì cần cho bác sĩ biết trước khi bắt đầu dùng Zoladex.

Tổng số điểm của bài viết là: 12 trong 3 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: tác dụng
Tin liên quan
Tác dụng phụ của thuốc trị phì đại tuyến tiền liệt Flomax
Tác dụng phụ của thuốc trị phì đại tuyến tiền liệt Flomax

Flomax (tamsulosin) là một loại thuốc chẹn alpha được sử dụng để điều trị triệu chứng tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (hay còn gọi là phì đại tuyến tiền liệt).

Alfuzosin: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Alfuzosin: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Alfuzosin được sử dụng để điều trị tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (phì đại tuyến tiền liệt) ở nam giới trưởng thành. Thuốc này giúp làm giãn các cơ ở tuyến tiền liệt và bàng quang, nhờ đó làm giảm các triệu chứng tăng sản tuyến tiền liệt lành tính và cải thiện khả năng đi tiểu.

Tác dụng phụ của xạ trị điều trị ung thư tuyến tiền liệt
Tác dụng phụ của xạ trị điều trị ung thư tuyến tiền liệt

Xạ trị giúp điều trị và thậm chí có thể chữa khỏi bệnh ung thư nhưng có thể gây ra các tác dụng phụ ngắn hạn và dài hạn.

Orgovyx: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Orgovyx: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Orgovyx được sử dụng cho nam giới mắc ung thư tuyến tiền liệt. Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ nằm gần bàng quang ở nam giới.

Tác dụng phụ của Xtandi
Tác dụng phụ của Xtandi

Xtandi là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Giống như các loại thuốc khác, Xtandi cũng có thể gây ra tác dụng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây