Trospium (dạng viên nén): Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Cảnh báo quan trọng
- Nguy cơ dị ứng dẫn đến sưng phù: Trospium có thể gây phản ứng dị ứng ở một số người, dẫn đến sưng phù mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng và gây khó thở. Nếu người bệnh bị sưng phù và khó thở khi sử dụng thuốc thì cần gọi cấp cứu hoặc đến cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức.
- Nguy cơ kiệt sức do nhiệt hay sốc nhiệt: Trospium có thể làm giảm sự tiết mồ hôi. Điều này khiến cơ thể khó tự làm mát và làm tăng nguy cơ kiệt sức do nhiệt hay sốc nhiệt. Các triệu chứng gồm có:
- Đổ mồ hôi, da lạnh và nổi da gà
- Choáng váng, chóng mặt
- Mệt mỏi
- Nhịp tim yếu nhưng nhanh
- Hạ huyết áp tư thế đứng (tụt huyết áp đột ngột gây cảm giác chóng mặt khi đứng dậy sau khi ngồi hoặc nằm)
- Chuột rút
- Buồn nôn
- Đau đầu
- Khó thở
- Đỏ mặt
Công dụng và cơ chế tác dụng của trospium
Trospium là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị các triệu chứng bàng quang tăng hoạt (OAB), gồm có:
- Tiểu nhiều lần: tần suất đi tiểu trong ngày tăng lên so với bình thường.
- Tiểu gấp: đột ngột buồn tiểu dữ dội, phải vào nhà vệ sinh ngay
- Tiểu không tự chủ: rò rỉ nước tiểu
Về dạng bào chế, trospium có hai dạng: dạng viên nén phóng thích tức thì và dạng viên nang phóng thích kéo dài.
Trospium chỉ có dạng thuốc gốc và không có dạng biệt dược.*
(*Khi một loại thuốc mới được phát minh ra, nó sẽ được đăng ký tên thuốc gốc theo danh pháp quốc tế hoặc danh pháp của từng nước cùng với tên biệt dược của nơi tiến hành nghiên cứu. Sau khi được cấp phép lưu hành trên thị trường, biệt dược sẽ được giữ bằng sáng chế trong một khoảng thời gian nhất định theo quy định của mỗi nước. Sau khi hết hạn độc quyền, các nhà sản xuất khác có thể sản xuất thuốc này với tên thuốc gốc hoặc một tên biệt dược khác.)
Cơ chế tác dụng của trospium
Trospium thuộc nhóm thuốc đối kháng muscarinic (antimuscarinic). Nhóm thuốc là tập hợp các loại thuốc có cơ chế tác dụng và công dụng giống nhau.
Bàng quang tăng hoạt là tình trạng cơ bàng quang co thắt không tự chủ ngay cả khi bàng quang không đầy. Điều này gây ra triệu chứng tiểu gấp, tiểu nhiều lần và đôi khi cả tiểu không tự chủ.
Trospium giúp làm giảm và ngăn ngừa các cơn co thắt cơ bàng quang không tự chủ, nhờ đó làm giảm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt.
Liều dùng và cách sử dụng trospium
Dưới đây là liều dùng trospium dạng viên nén. Liều dùng trospium dạng viên nang có thể sẽ khác với dạng viên nén. Liều dùng, dạng thuốc và tần suất sử dụng thuốc sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như:
- Tuổi tác
- Bệnh lý cần điều trị
- Mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh
- Các bệnh lý khác đang mắc
- Phản ứng với liều đầu tiên
Liều dùng để điều trị bàng quang tăng hoạt
Trospium chỉ có dạng thuốc gốc mà không có dạng biệt dược. Trospium dạng viên nén chỉ có duy nhất một mức hàm lượng là 20mg.
Liều dùng cho người lớn (từ 18 – 74 tuổi)
Liều dùng điển hình: uống thuốc hai lần mỗi ngày, mỗi lần 20mg (tổng liều mỗi ngày là 40mg). Uống thuốc trước bữa ăn ít nhất một giờ.
Liều dùng cho trẻ em (từ 0 – 17 tuổi)
Trospium hiện chưa được nghiên cứu ở trẻ em. Không nên sử dụng thuốc này cho người cho người dưới 18 tuổi.
Liều dùng cho người cao tuổi (từ 75 tuổi trở lên)
Người cao tuổi có nguy cơ gặp tác dụng phụ cao hơn, do đó bác sĩ sẽ kê liều thấp hơn. Liều thông thường cho người cao tuổi là 20mg uống một lần mỗi ngày. Uống thuốc trước bữa ăn ít nhất một giờ.
Liều dùng cho người bị bệnh thận
Trospium chủ yếu được đào thải khỏi cơ thể bởi thận. Khi thận không hoạt động tốt, thuốc sẽ tồn tại trong cơ thể lâu hơn và điều này làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Đối với những người bị bệnh thận nặng, bác sĩ có thể sẽ kê liều 20mg uống một lần mỗi ngày trước khi đi ngủ.
Cách sử dụng
Uống trospium trước bữa ăn ít nhất một tiếng. Nên uống thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Nếu cảm thấy khó uống cả viên thuốc thì có thể bẻ hoặc nghiền nhỏ để dễ uống hơn.
Dùng thuốc đúng theo chỉ dẫn
Trospium được sử dụng để điều trị bàng quang tăng hoạt về lâu dài. Thuốc có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng nếu người bệnh không dùng đúng theo chỉ dẫn.
Nếu ngừng dùng thuốc hoặc hoàn toàn không dùng thuốc: Các triệu chứng bàng quang tăng hoạt sẽ không cải thiện hoặc thậm chí ngày càng nặng thêm.
Nếu uống thuốc không đều hoặc không uống thuốc vào giờ cố định hàng ngày: Thuốc sẽ kém hiệu quả hoặc hoàn toàn không có hiệu quả. Để thuốc có hiệu quả tối ưu, người bệnh nên uống thuốc vào cùng một thời điểm hàng ngày để duy trì lượng thuốc ổn định trong cơ thể
Nếu dùng thuốc quá liều: Dùng thuốc quá liều sẽ khiến nồng độ hoạt chất trong máu tăng quá cao và điều này có thể gây nguy hiểm. Một số triệu chứng của dùng trospium quá liều gồm có:
- Tim đập nhanh
- Bí tiểu
- Buồn ngủ
- Lú lẫn nghiêm trọng
- Ảo giác
Nếu lỡ uống thuốc quá liều, hãy theo dõi các triệu chứng. Nếu xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng thì hãy gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện gần nhất ngay lập tức.
Cần làm gì nếu quên uống thuốc: Nếu quên uống thuốc, hãy uống ngay khi nhớ ra. Nhưng nếu chỉ còn vài giờ nữa là đến lúc uống liều tiếp theo thì hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều tiếp theo như bình thường. Không uống gộp hai liều cùng lúc để bù lại liều đã quên. Điều này có thể gây ra tác dụng phụ nguy hiểm.
Làm thế nào để biết thuốc có hiệu quả hay không? Nếu các triệu chứng bàng quang tăng hoạt có cải thiện, ví dụ như giảm tần suất đi tiểu và giảm tiểu gấp thì chứng tỏ thuốc có hiệu quả.
Tác dụng phụ của trospium
Viên nén trospium có thể gây chóng mặt và buồn ngủ. Người bệnh không nên lái xe, vận hành máy móc hay thực hiện các hoạt động khác đòi hỏi sự tỉnh táo cho đến khi hiểu rõ về các tác dụng phụ của thuốc.
Ngoài ra, trospium còn có các tác dụng phụ khác.
Tác dụng phụ phổ biến
Một số tác dụng phụ phổ biến của trospium gồm có:
- Khô miệng
- Táo bón
- Đau đầu
- Đau bụng
- Mờ mắt
Nếu các tác dụng phụ này chỉ ở mức độ nhẹ thì thường tự hết sau vài ngày hoặc vài tuần. Nhưng nếu các tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc kéo dài thì cần báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ.
Tác dụng phụ nghiêm trọng
Báo ngay cho bác sĩ nếu người bệnh gặp tác dụng phụ nghiêm trọng khi sử dụng trospium. Nếu các triệu chứng có vẻ nguy hiểm thì cần gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế. Một số tác dụng phụ nghiêm trọng của trospium và các triệu chứng gồm có:
- Phản ứng dị ứng. Các triệu chứng gồm có:
- Nổi mề đay
- Sưng phù mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng, gây khó thở
- Da đỏ bừng
- Vấn đề về tâm thần với các triệu chứng như ảo giác, mê sảng (không nhận thức được môi trường xung quanh)
- Sốc nhiệt. Các triệu chứng gồm có:
- Đổ mồ hôi, da lạnh và nổi da gà
- Choáng váng, chóng mặt
- Mệt mỏi
- Nhịp tim yếu nhưng nhanh
- Hạ huyết áp tư thế đứng (tụt huyết áp đột ngột gây cảm giác chóng mặt khi đứng dậy sau khi ngồi hoặc nằm)
- Chuột rút
- Buồn nôn
- Đau đầu
- Khó thở
- Đỏ mặt
Tương tác với các loại thuốc khác
Trospium có thể tương tác với các loại thuốc khác, thực phẩm chức năng và thảo dược mà người bệnh đang dùng. Tương tác thuốc có thể làm thay đổi hoạt động của thuốc trong cơ thể. Điều này có thể làm giảm hiệu quả của thuốc hoặc tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.
Trước khi bắt đầu dùng trospium, người bệnh cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc, thực phẩm chức năng và thảo dược đang dùng để tránh xảy ra tương tác thuốc.
Dưới đây là một số loại thuốc có thể tương tác với trospium.
Thuốc điều trị rối loạn nhịp tim
Dùng procainamide (một loại thuốc điều trị rối loạn nhịp tim) cùng với trospium có thể làm tăng nồng độ procainamide trong máu và điều này sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.
Thuốc giãn cơ
Dùng pancuronium (một loại thuốc giãn cơ) cùng với trospium có thể làm tăng nồng độ pancuronium trong máu và điều này sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.
Thuốc giảm đau
Dùng trospium cùng với một số loại thuốc giảm đau có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ như bí tiểu, táo bón và buồn ngủ. Ví dụ về các loại thuốc này gồm có:
- morphine
- codeine
- fentanyl
- hydrocodone
Thuốc kháng sinh
Dùng thuốc kháng sinh vancomycin cùng với trospium có thể làm tăng nồng độ vancomycin trong máu và điều này làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.
Thuốc kháng virus
Dùng tenofovir (một loại thuốc kháng virus) cùng với trospium có thể làm tăng nồng độ tenofovir trong máu và điều này sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.
Thuốc điều trị bệnh tiểu đường
Dùng metformin (một loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường) cùng với trospium có thể làm giảm nồng độ trospium trong máu. Điều này có nghĩa là trospium sẽ bị giảm hiệu quả.
Thuốc điều trị dị ứng
Những loại thuốc này có cơ chế tác dụng và một số tác dụng phụ tương tự như trospium. Dùng bất kỳ loại thuốc nào trong số này cùng với trospium đều có thể làm tăng nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của các tác dụng phụ do trospium, gồm có khô miệng, táo bón, bí tiểu, mờ mắt và buồn ngủ.
Ví dụ về các loại thuốc này gồm có:
- diphenhydramine
- hydroxyzine
Thuốc chống trầm cảm
Thuốc chống trầm cảm ba vòng có cơ chế tác dụng và một số tác dụng phụ tương tự như trospium. Dùng các loại thuốc này cùng với trospium có thể làm tăng nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của các tác dụng phụ do trospium, gồm có khô miệng, táo bón, bí tiểu, mờ mắt và buồn ngủ.
Ví dụ về các loại thuốc này gồm có:
- amitriptyline
- desipramine
- imipramine
- nortriptyline
Thuốc điều trị bàng quang tăng hoạt khác
Nhiều loại thuốc điều trị bàng quang tăng hoạt khác cũng có cơ chế tác dụng và một số tác dụng phụ tương tự như trospium. Dùng bất kỳ loại thuốc nào trong số này cùng với trospium đều có thể làm tăng nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của các tác dụng phụ do trospium, gồm có khô miệng, táo bón, bí tiểu, mờ mắt và buồn ngủ.
Ví dụ về các loại thuốc này gồm có:
- solifenacin
- darifenacin
- tolterodine
Cảnh báo về trospium
Trospium đi kèm một số cảnh báo.
Nguy cơ dị ứng
Trospium có thể gây phản ứng dị ứng, thậm chí là phản ứng dị ứng nghiêm trọng với các triệu chứng như:
- Sưng phù mặt, môi, cổ họng, miệng hoặc lưỡi
- Khó thở
Gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất nếu có các triệu chứng này khi dùng trospium.
Tuyệt đối không được dùng lại solifenacin nếu trước đây đã từng bị dị ứng với loại thuốc này. Tiếp tục dùng thuốc khi đã có tiền sử dị ứng có thể gây tử vong.
Hạn chế rượu bia
Trospium có thể gây chóng mặt hoặc buồn ngủ. Uống rượu bia trong khi dùng trospium có thể làm tăng các tác dụng phụ này. Tốt nhất nên hạn chế rượu bia trong khi dùng trospium.
Không nên uống sau khi ăn
Nên uống trospium trước bữa ăn ít nhất một giờ. Uống thuốc sau khi ăn sẽ làm giảm lượng thuốc được cơ thể hấp thụ.
Cảnh báo đối với người mắc một số bệnh lý nhất định
Đối với người bị bí tiểu: Những người bị bí tiểu không nên dùng trospium. Người bị tắc nghẽn bàng quang nên sử dụng trospium một cách thận trọng. Trospium có thể ảnh hưởng đến sự bài tiết nước tiểu và làm cho những tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn.
Đối với người bị bệnh dạ dày: Những người bị bệnh liệt dạ đày không nên sử dụng trospium hoặc phải thận trọng khi sử dụng thuốc (liệt dạ dày là tình trạng cơ dạ dày không thể co bóp bình thường, khiến thức ăn di chuyển chậm hoặc ứ lại trong dạ dày mà không đi xuống ruột non). Trospium có thể làm giảm sự co bóp dạ dày và làm cho tình trạng này trở nên trầm trọng hơn.
Đối với người mắc bệnh tăng nhãn áp góc đóng không được kiểm soát: Những người bị bệnh tăng nhãn áp góc đóng không được kiểm soát không nên dùng trospium vì loại thuốc này có thể làm cho tình trạng bệnh càng thêm nghiêm trọng hơn.
Đối với người bị bệnh thận: Trospium được thận lọc khỏi máu và bài tiết vào nước tiểu. Nếu thận không hoạt động tốt, thuốc sẽ tích tụ trong máu lâu hơn bình thường và điều này làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Đối với những người mắc bệnh thận nặng, bác sĩ sẽ giảm liều dùng trospium.
Đối với người bị bệnh gan: Sau khi vào cơ thể, trospium được xử lý bởi gan. Nếu gan không hoạt động tốt, thuốc sẽ tích tụ trong máu và điều này làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.
Cảnh báo đối với các nhóm đối tượng khác
Đối với phụ nữ mang thai: Cục kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã ban hành một hệ thống phân loại thuốc dựa trên mức độ nguy hiểm khi dùng trong thai kỳ. Theo đó, các loại thuốc được phân chia thành 5 nhóm là A, B, C, D và X. Trospium được xếp vào nhóm C, có nghĩa là:
- Nghiên cứu trên động vật cho thấy thuốc gây ra tác dụng phụ ở bào thai khi mẹ dùng thuốc.
- Chưa có đủ nghiên cứu được thực hiện trên người để kết luận chắc chắn thuốc có ảnh hưởng như thế nào đến thai nhi.
Nếu người bệnh đang mang thai hoặc dự định có thai thì phải cho bác sĩ biết. Nói chung, chỉ nên sử dụng trospium trong thai kỳ khi lợi ích lớn hơn rủi ro. Nếu người bệnh có thai trong thời gian dùng thuốc thì phải báo ngay cho bác sĩ.
Đối với phụ nữ đang cho con bú: Chưa rõ trospium có đi vào sữa mẹ hay không. Nếu có, thuốc có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh bú mẹ. Người bệnh cần cho bác sĩ biết nếu cho con bú để bác sĩ kê loại thuốc khác an toàn hơn.
Đối với người cao tuổi: Do chức năng thận và gan suy giảm nên người cao tuổi có nguy cơ gặp phải tác dụng phụ cao hơn khi dùng trospium, ví dụ như:
- Khô miệng
- Táo bón
- Khó tiêu hoặc đau bụng
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
- Bí tiểu
Những người bị táo bón mãn tính không nên dùng trospium vì thuốc này làm tăng nguy cơ táo bón.
Đối với trẻ em: Trospium hiện chưa được nghiên cứu ở trẻ em. Người dưới 18 tuổi không nên sử dụng loại thuốc này.
Những lưu ý quan trọng khi dùng trospium
Lưu ý về cách sử dụng thuốc
- Uống trospium trước bữa ăn ít nhất một giờ. Nên uống thuốc vào cùng một thời điểm hàng ngày.
- Có thể bẻ nhỏ hoặc nghiền viên thuốc để dễ uống hơn.
Bảo quản
- Bảo quản trospium ở nhiệt độ phòng, tốt nhất là ở nhiệt độ 20°C - 25°C (68°F đến 77°F)
- Không để thuốc ở nơi có ánh sáng chiếu trực tiếp, trong ngăn đông tủ lạnh và những nơi ẩm ướt như phòng tắm.
Mang thuốc khi đi xa
- Vì phải uống thuốc hàng ngày nên người bệnh luôn phải mang theo thuốc khi đi xa.
- Khi đi máy bay, không được để thuốc trong hành lý ký gửi mà luôn phải để trong hành lý xách tay.
- Tia X trong máy soi chiếu hành lý sẽ không ảnh hưởng đến thuốc.
- Để thuốc trong hộp đựng gốc còn nguyên nhãn để đề phòng trường hợp nhân viên an ninh tại sân bay yêu cầu kiểm tra.
- Không để thuốc trong ô tô khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.
Theo dõi lâm sàng
Trước khi bắt đầu dùng trospium, người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm máu kiểm tra chức năng thận. Nếu chức năng thận kém, bác sĩ sẽ kê liều thấp hơn bình thường hoặc kê các loại thuốc khác.
Alfuzosin được sử dụng để điều trị tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (phì đại tuyến tiền liệt) ở nam giới trưởng thành. Thuốc này giúp làm giãn các cơ ở tuyến tiền liệt và bàng quang, nhờ đó làm giảm các triệu chứng tăng sản tuyến tiền liệt lành tính và cải thiện khả năng đi tiểu.
Orgovyx được sử dụng cho nam giới mắc ung thư tuyến tiền liệt. Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ nằm gần bàng quang ở nam giới.
Lupron Depot là một loại thuốc được sử dụng cho người lớn mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt di căn, lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung. Lupron Depot-Ped còn có thể được sử dụng cho trẻ em để điều trị chứng dậy thì sớm.
Erleada là một loại thuốc được sử dụng cho người lớn mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
Keflex (cephalexin) là một loại thuốc được dùng để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, bao gồm cả nhiễm trùng đường tiết niệu. Cùng tìm hiểu về cơ chế tác dụng, thời gian điều trị và tác dụng phụ của loại thuốc này.