1

Suy thận mạn và cao huyết áp có mối liên hệ như thế nào?

Cao huyết áp có thể làm hỏng thận, dẫn đến suy thận mạn và thậm chí là suy thận mạn giai đoạn cuối nếu không được kiểm soát tốt. Nếu bạn bị cao huyết áp thì điều quan trọng là phải kiểm soát huyết áp để ngăn ngừa suy thận mạn.
Suy thận mạn và cao huyết áp có mối liên hệ như thế nào? Suy thận mạn và cao huyết áp có mối liên hệ như thế nào?

Huyết áp là áp lực máu tác động lên thành mạch máu. Cao huyết áp hay tăng huyết áp là tình trạng áp lực máu thường xuyên ở mức cao hơn bình thường.

Cao huyết áp là một vấn đề rất phổ biến. Trên thống kê, hiện nay tỷ lệ người trưởng thành bị cao huyết áp ở Việt Nam là 25%, có nghĩa là cứ 100 người thì có 25 người bị cao huyết áp.

Khi không được kiểm soát tốt, cao huyết áp có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, bao gồm cả tổn thương thận. Điều này có thể dẫn đến suy thận mạn, tình trạng mà chức năng bị suy giảm vĩnh viễn không thể phục hồi. Ước tính có khoảng 5 triệu người dân Việt Nam hiện đang bị suy thận mạn. Trên thực tế, cao huyết áp là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây suy thận mạn, chỉ sau bệnh tiểu đường.

Cùng tìm hiểu thêm về mối liên hệ giữa cao huyết áp và sức khỏe của thận.

Huyết áp bao nhiêu là cao?

Kết quả đo huyết áp gồm hai chỉ số: huyết áp tâm thu (chỉ số bên trên hoặc đầu tiên) và huyết áp tâm trương (chỉ số bên dưới hoặc thứ hai). Huyết áp tâm thu là huyết áp khi tim co bóp. Huyết áp tâm trương là huyết áp khi cơ tim giãn ra.

Huyết áp khỏe mạnh được định nghĩa là huyết áp tâm thu dưới 120 milimet thủy ngân (mmHg) và huyết áp tâm trương dưới 80 mmHg.

Khi huyết áp tâm thu từ 120 – 139 mmHg và huyết áp tâm trương từ 80 – 89 mmHg thì được coi là tiền tăng huyết áp. Nếu huyết áp tâm thu thường xuyên ở mức từ 140 mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên thì có nghĩa là cao huyết áp.

Cao huyết áp ảnh hưởng đến thận như thế nào?

Thận có chức năng lọc chất thải và nước dư thừa từ máu. Các chất thải và nước dư thừa được lọc ra sẽ trở thành nước tiểu và được đào thải ra khỏi cơ thể. Mỗi quả thận khỏe mạnh lọc khoảng 120ml máu mỗi phút.

Máu chưa lọc sẽ chảy qua các động mạch vào các nephron (đơn vị lọc của thận). Máu sau khi được lọc rời khỏi thận qua các tĩnh mạch.

Khi bị cao huyết áp, thành động mạch phải chịu áp lực máu cao sẽ bị hỏng dần theo thời gian. Các động mạch khắp cơ thể sẽ trở nên yếu, hẹp hoặc cứng lại. Điều này làm giảm lưu lượng máu đến thận.

Khi không có đủ máu, các nephron sẽ không thể lọc máu một cách hiệu quả, dẫn đến tích tụ chất thải và nước thừa trong cơ thể.

Sự tích tụ nước sẽ khiến cho huyết áp càng tăng cao. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn khiến các mạch máu trong thận càng bị tổn thương nặng thêm. Kết quả là suy thận mạn và nếu như không kiểm soát tốt, suy thận mạn sẽ tiến triển đến giai đoạn cuối.

Tỷ lệ người bị cao huyết áp và suy thận mạn

Ước tính có khoảng 65 đến 85% người bị suy thận mạn cũng bị cao huyết áp. (1) Chức năng thận càng kém thì tỷ lệ bị cao huyết áp càng cao.

Phạm vi huyết áp tối ưu cho những người bị suy thận mạn và cao huyết áp chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu trong một nghiên cứu vào năm 2021 đã xác định huyết áp dưới 130/80 mmHg là phạm vi lý tưởng để phòng ngừa các biến chứng. (2)

Dấu hiệu suy thận mạn do cao huyết áp

Rất khó để biết được cao huyết áp có đang ảnh hưởng đến thận hay không vì cả cao huyết áp và suy thận mạn giai đoạn đầu đều thường không có bất kỳ triệu chứng nào. Cách duy nhất để xác nhận cao huyết áp là đo huyết áp và cách duy nhất để phát hiện suy thận mạn là làm xét nghiệm.

Một trong những triệu chứng thường xuất hiện đầu tiên khi thận có vấn đề là sưng phù do nước dư thừa tích tụ trong cơ thể. Tình trạng sưng phù thường xảy ra ở cẳng chân, mắt cá chân hoặc bàn chân và đôi khi ở mặt hoặc tay.

Các triệu chứng khác của các bệnh lý về thận gồm có:

  • Mệt mỏi, không có sức lực
  • Đi tiểu nhiều hoặc ít hơn bình thường
  • Đau đầu
  • Da ngứa, khô
  • Chuột rút
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Hụt hơi
  • Đau ngực
  • Chán ăn
  • Sụt cân không chủ đích
  • Khó ngủ
  • Khó tập trung

Hãy đi khám sớm khi nhận thấy các triệu chứng của bệnh thận. Xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu sẽ giúp đánh giá chức năng thận. Ngoài ra cần đo huyết áp để xem huyết áp có ở mức cao hay không.

Tổn thương thận do cao huyết áp có hồi phục được không?

Một khi thận bị tổn thương do cao huyết áp thì sẽ vĩnh viễn không thể phục hồi được. Tuy nhiên, phát hiện và điều trị sớm có thể giúp ngăn thận tổn thương thêm và bảo tồn chức năng thận.

Vì lý do này nên những người bị cao huyết áp và suy thận mạn cần phải tuân thủ điều trị, gồm có dùng đủ các loại thuốc được kê và điều chỉnh lối sống theo khuyến nghị để kiểm soát tình trạng.

Phòng ngừa suy thận mạn khi bị cao huyết áp

Không phải cứ bị cao huyết áp là sẽ bị suy thận mạn. Người bị cao huyết áp có thể giảm nguy cơ suy thận mạn bằng cách giữ huyết áp ổn định trong phạm vi khuyến nghị. Phạm vi huyết áp cần duy trì ở mỗi người là khác nhau.

Đôi khi có thể kiểm soát cao huyết áp bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống và tăng cường vận động nhưng người bệnh cũng có thể phải dùng thuốc để giữ ổn định huyết áp. Người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Các cách giúp kiểm soát huyết áp và giảm nguy cơ suy thận mạn:

  • Hoạt động thể chất thường xuyên
  • Thực hiệm chế độ ăn uống tốt cho sức khỏe tim mạch, chẳng hạn như chế độ ăn DASH
  • Giảm lượng muối
  • Không hút thuốc
  • Giảm hoặc ngừng uống rượu bia
  • Hạn chế căng thẳng
  • Giảm cân nếu thừa cân
  • Theo dõi huyết áp tại nhà và đi khám khi chỉ số thường xuyên vượt quá phạm vi cần duy trì

Các cách khác để bảo vệ sức khỏe thận

Thận là cơ quan có vai trò vô cùng quan trọng trong cơ thể. Bất kể có bị cao huyết áp hay không thì cũng phải chú ý bảo vệ sức khỏe của thận. Dưới đây là các cách để giữ cho thận luôn khỏe mạnh và hoạt động tốt:

  • Uống nhiều nước mỗi ngày
  • Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, ăn nhiều trái cây và rau củ tươi, ngũ cốc nguyên hạt và sữa ít béo hoặc tách béo
  • Tập thể dục đều đặn
  • Giảm cân nếu bị thừa cân hoặc béo phì
  • Không hút thuốc lá
  • Thận trọng khi sử dụng các loại thuốc không kê đơn có thể gây hại cho thận, đặc biệt là thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
  • Điều trị các bệnh lý có thể gây tổn thương thận, chẳng hạn như bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch.
  • Khám sức khỏe và làm xét nghiệm chức năng thận định kỳ, đặc biệt là những người có nguy cơ cao bị suy thận mạn.

Tóm tắt bài viết

Cao huyết áp không được kiểm soát tốt sẽ dần dần làm hỏng thận. Theo thời gian, điều này có thể dẫn đến suy thận mạn và sau đó là suy thận mạn giai đoạn cuối.

Mặc dù không thể phục hồi tổn thương thận do cao huyết áp nhưng có thể ngăn thận tổn thương thêm và bảo tồn chức năng thận bằng cách kiểm soát huyết áp. Thông thường sẽ phải kết hợp điều chỉnh thói quen sống và dùng thuốc để kiểm soát huyết áp.

Cả cao huyết áp và suy thận mạn giai đoạn đầu đều không có triệu chứng. Đó là lý do tại sao nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm vấn đề. Phát hiện sớm và kiểm soát tốt cao huyết áp sẽ giúp phòng ngừa suy thận mạn.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Ghép thận có những rủi ro nào?
Ghép thận có những rủi ro nào?

Ghép thận là một phương pháp phẫu thuật nhằm điều trị suy thận, giúp người bệnh không phải phụ thuộc lâu dài vào thiết bị lọc máu.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây