Sữa chua có giúp giảm tiêu chảy không?
Tiêu chảy là một vấn đề phổ biến, thường xảy ra trong thời gian ngắn và có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra.
Tiêu chảy được định nghĩa là tình trạng gia tăng tần suất đại tiện lên ít nhất 3 lần một ngày và đi ngoài ra phân lỏng.
Tùy vào từng nguyên nhân mà sữa chua có thể giúp giảm tiêu chảy hoặc làm cho vấn đề trở nên trầm trọng thêm.
Sữa chua có thể ngăn ngừa hoặc giảm tiêu chảy
Một số loại sữa chua có chứa vi khuẩn có lợi, còn được gọi là men vi sinh (probiotic) giúp ngăn ngừa hoặc điều trị các dạng tiêu chảy dưới đây.
Tiêu chảy do nhiễm trùng
Các nghiên cứu cho thấy rằng bổ sung lợi khuẩn có thể giúp giảm lên đến 15% nguy cơ tiểu chảy do nhiễm trùng. (1) Đây là một vấn đề rất hay xảy ra khi phải di chuyển đến một nơi khác, ví dụ như khi đi du lịch, đặc biệt là những nơi có điều kiện vệ sinh kém.
Một bản đánh giá gồm 63 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng đã cho thấy rằng lợi khuẩn có thể rút ngắn thời gian bị tiêu chảy do nhiễm vi khuẩn, vi-rút hoặc ký sinh trùng lên đến 25 giờ. (2)
Cũng theo bản đánh giá này, các chủng lợi khuẩn giúp làm giảm 59% nguy cơ tiêu chảy kéo dài (từ 4 ngày trở lên) và cũng làm giảm tần suất đi ngoài trong ngày.
Tiêu chảy do thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh cũng là một nguyên nhân phổ biến gây tiêu chảy. Loại thuốc này làm xáo trộn sự cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, khiến cho vi khuẩn có hại sinh sôi, phát triển quá mức và dẫn đến tiêu chảy.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc bổ sung men vi sinh cùng với thuốc kháng sinh có thể giúp giảm nguy cơ tiêu chảy lên đến 51%. (3)
Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp này còn phụ thuộc vào độ tuổi. Theo nghiên cứu, men vi sinh cho hiệu quả cao nhất ở trẻ em và người trẻ tuổi, đối với những người trên 64 tuổi thì hiệu quả sẽ kém hơn.
Tiêu chảy do vấn đề ở đường tiêu hóa
Lợi khuẩn còn có thể làm giảm triệu chứng tiêu chảy do các bệnh ở đường tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích hoặc bệnh viêm ruột (viêm loét đại tràng và bệnh Crohn). (4)
Tóm tắt: Một số loại sữa chua có chứa men vi sinh – những vi khuẩn có lợi đã được chứng minh là có khả năng ngăn ngừa hoặc điều trị tiêu chảy do thuốc kháng sinh, do nhiễm trùng hoặc do bệnh về tiêu hóa.
Có phải tất cả các loại sữa chua đều chứa lợi khuẩn?
Vi khuẩn tồn tại tự nhiên trong tất cả các sản phẩm từ sữa lên men, bao gồm cả sữa chua.
Để làm sữa chua, một số chủng vi khuẩn được thêm vào sữa để chuyển hóa đường thành axit lactic. Quá trình lên men này làm cho sữa đặc lại và có vị chua.
Để được coi là men vi sinh, vi khuẩn phải còn sống và có thể mang lại các lợi ích cho sức khỏe. Những vi khuẩn ban đầu được thêm vào để lên men sữa không được coi là men vi sinh vì chúng thường không tồn tại được trong quá trình tiêu hóa và do đó không mang lại bất kỳ lợi ích nào cho cơ thể. (5)
Tuy nhiên, một số loại sữa chua được bổ sung các chủng lợi khuẩn có lợi cho tiêu hóa sau quá trình lên men.
Một số chủng lợi khuẩn có khả năng ngăn ngừa hoặc điều trị tiêu chảy gồm có Bifidobacterium bifidum, Bifidobacterium lactis, Lactobacillus acidophilus, Lactobacillus reuteri, Lactobacillus rhamnosus và Saccharomyces boulardii.
Nên chọn loại sữa chua nào để bổ sung lợi khuẩn?
Theo các chuyên gia, sữa chua cần đáp ứng hai điều kiện sau đây thì mới có tác dụng cải thiện sức khỏe đường ruột:
- Chứa ít nhất 10 tỷ CFU (đơn vị hình thành khuẩn lạc) lợi khuẩn trong mỗi khẩu phần
- Chứa các chủng lợi khuẩn có thể tồn tại trong môi trường axit của đường ruột
Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có rất ít nhà sản xuất sữa chua liệt kê các chủng lợi khuẩn có trong sản phẩm chứ chưa nói đến số CFU trong mỗi khẩu phần.
Sữa chua có thể gây tiêu chảy ở một số người
Sữa chua có chứa lactose - một loại đường sữa mà cơ thể nhiều người không thể tiêu hóa được. Tình trạng này được gọi là không dung nạp lactose. Những người không dung nạp lactose thường bị tiêu chảy khi ăn thực phẩm chứa lactose, ví dụ như sữa và các sản phẩm từ sữa.
Tuy nhiên, một số bằng chứng cho thấy thực phẩm chứa lợi khuẩn có thể giúp tiêu hóa lactose dễ dàng hơn, nhờ đó làm giảm các triệu chứng khó chịu như tiêu chảy.
Nếu như bị tiêu chảy sau khi ăn sữa chua không chứa lợi khuẩn thì hãy thử chuyển sang các loại sữa chua chứa nhiều lợi khuẩn hoặc sữa chua thực vật, ví dụ như sữa chua dừa hay sữa chua đậu nành.
Tuy nhiên, nếu biết chắc chắn nguyên nhân gây tiêu chảy là do không dung nạp lactose thì tốt hơn hết nên tránh hoàn toàn các sản phẩm làm từ sữa động vật.
Tóm tắt: Những người không dung nạp lactose thường bị tiêu chảy sau khi ăn sữa chua làm từ sữa bò. Một lựa chọn thay thế là các loại sữa chua thực vật như sữa chua đậu nành.
Tóm tắt bài viết
Sữa chua chứa lợi khuẩn có thể ngăn ngừa hoặc làm giảm một số dạng tiêu chảy, ví dụ như tiêu chảy do nhiễm trùng, do thuốc kháng sinh, hội chứng ruột kích thích và bệnh viêm ruột.
Để có hiệu quả cao nhất thì nên chọn những loại sữa chua chứa 10 tỷ CFU trở lên trong mỗi khẩu phần và có các chủng lợi khuẩn như Bifidobacterium bifidum, Bifidobacterium lactis, Lactobacillus acidophilus, Lactobacillus reuteri, Lactobacillus rhamnosus hoặc Saccharomyces boulardii.
Tuy nhiên, ở những người không dung nạp lactose thì sữa chua thông thường có thể gây tiêu chảy. Trong những trường hợp này thì nên ăn các loại sữa chua thực vật có bổ sung lợi khuẩn.
Uống cà phê để giảm cân là một phương pháp được khá nhiều người áp dụng. Khi thực hiện phương pháp này, bạn sẽ uống vài cốc cà phê mỗi ngày và đồng thời hạn chế lượng calo nạp vào cơ thể.
Tác động của sữa chua đến hội chứng ruột kích thích ở mỗi người là khác nhau. Không phải ai bị bệnh này cũng gặp phải các triệu chứng giống nhau nên có thể sữa chua sẽ giúp giảm các triệu chứng hoặc cũng có thể khiến cho tình trạng bệnh trở nên nặng hơn.
Mặc dù cần nghiên cứu thêm để kiểm chứng tác dụng làm giảm nồng độ cholesterol nhưng chắc chắn sữa chua mang lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe.
Các chuyên gia cho biết không phải chế độ ăn dựa trên thực vật nào cũng giống nhau. Tuy nhiên, nếu thực hiện đúng thì một số chế độ ăn có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Bên cạnh việc hạn chế các loại thực phẩm có hại cho sức khỏe tim mạch, những người có chỉ số cholesterol cao cũng nên thêm một số loại thực phẩm và chất dinh dưỡng vào chế độ ăn hàng ngày để giảm cholesterol.
- 0 trả lời
- 77 lượt xem
- 0 trả lời
- 678 lượt xem
dạ chào bác sĩ . em bé hiện tại sa được 37 tuần . cdxd chi có 55 , 2kg1 vây có bị hội chứng người lùn k ạ