1

Sự khác biệt giữa chlamydia và bệnh lậu

Cả chlamydia và bệnh lậu đều lây truyền qua những con đường giống nhau và cả hai đều có thể được điều trị một cách dễ dàng bằng thuốc kháng sinh.
Sự khác biệt giữa chlamydia và bệnh lậu Sự khác biệt giữa chlamydia và bệnh lậu

Chlamydia và bệnh lậu

Chlamydiabệnh lậu đều là những bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STI) do vi khuẩn gây ra. Vi khuẩn gây bệnh có thể lây khi quan hệ tình dục qua đường miệng, đường âm đạo hoặc hậu môn.

Các dấu hiệu, triệu chứng của hai bệnh này cũng khá giống nhau nên khi có những biểu hiện bất thường thì sẽ rất khó xác định đó là bệnh nào nếu không làm xét nghiệm.

Nhiều người bị chlamydia hoặc bệnh lậu mà không hề có triệu chứng. Nhưng khi có thì các triệu chứng chung thường là dịch tiết có màu, mùi bất thường từ dương vật hoặc âm đạo và cảm giác đau đớn, nóng rát khi đi tiểu.

Chlamydia phổ biến hơn bệnh lậu. Theo một khảo sát vào năm 2017, hơn 1.7 triệu trường hợp nhiễm chlamydia đã được ghi nhận ở Mỹ trong khi chỉ có hơn 550.000 trường hợp mắc bệnh lậu.

Dưới đây là một số điểm giống và khác nhau của hai bệnh này và các biện pháp giảm nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Dấu hiệu, triệu chứng

Cả nam giới và nữ giới đều có thể bị nhiễm chlamydia hoặc bệnh lậu mà không hề có bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào.

Khi bị chlamydia, nếu có thì các triệu chứng thường bắt đầu xuất hiện trong vòng vài tuần sau khi nhiễm bệnh. Với bệnh lậu, phụ nữ thường không bao giờ biểu hiện triệu chứng hoặc có thể chỉ gặp các triệu chứng nhẹ, trong khi nam giới dễ gặp phải các triệu chứng nặng hơn.

Hai bệnh này có chung một số dấu hiệu, triệu chứng đặc trưng (ở cả nam và nữ) như sau:

  • Nóng rát khi đi tiểu
  • Tiết dịch có màu và mùi bất thường từ dương vật hoặc âm đạo
  • Tiết dịch hoặc chảy máu từ hậu môn
  • Đau ở hậu môn

Cả bệnh lậu và chlamydia đều có thể gây sưng ở tinh hoàn và bìu cùng với hiện tượng đau khi xuất tinh ở nam giới.

Cả hai bệnh này cũng có thể gây ra triệu chứng bất thường ở miệng và cổ họng, ví dụ như đau họng và ho nếu như quan hệ tình dục đường miệng với người bệnh.

Triệu chứng chlamydia

Khi bị nhiễm chlamydia, phụ nữ sẽ gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng hơn nếu vi khuẩn lan đến tử cung và ống dẫn trứng. Tình trạng này có thể gây ra bệnh viêm vùng chậu.

Bệnh viêm vùng chậu có các dấu hiệu, triệu chứng như:

  • Sốt
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Chảy máu âm đạo bất thường, ví dụ như ngoài kỳ kinh nguyệt hoặc sau khi quan hệ tình dục
  • Đau dữ dội ở vùng chậu
  • Đau rát khi quan hệ tình dục
  • Nóng rát khi đi tiểu
  • Khí hư bất thường

Cần đi khám ngay lập tức nếu gặp những biểu hiện này.

Triệu chứng bệnh lậu

Khi bị bệnh lậu, người bệnh cũng có thể sẽ nhận thấy các dấu hiệu ở hậu môn như ngứa, đau và rát khi đi đại tiện.

Ở phụ nữ, bệnh lậu gây hiện tượng kinh nguyệt ra nhiều và đau khi quan hệ tình dục.

Nguyên nhân

Cả hai bệnh lây qua đường tình dục này đều là do vi khuẩn gây ra. Nguyên nhân gây bệnh chlamydia là do vi khuẩn Chlamydia trachomatis còn thủ phạm gây bệnh lậu là do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae.

Con đường lây truyền

Cả bệnh lậu và chlamydia đều lây truyền qua quan hệ tình dục đường miệng, đường âm đạo và đường hậu môn không an toàn, nghĩa là quan hệ mà không sử dụng bao cao su, màng chắn miệng hay các biện pháp bảo vệ khác.

Cả hai cũng có thể lây qua các hình thức quan hệ tình dục không thâm nhập. Ví dụ, kể cả khi chỉ tiếp xúc bộ phận sinh dục ở bên ngoài với người bệnh thì cũng có thể bị nhiễm vi khuẩn.

Và dù dùng bao cao su hay các biện pháp bảo vệ khác nhưng nếu không sử dụng đúng cách hoặc bao cao bị thủng, rách thì cũng vẫn có thể bị nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục.

Các bệnh này có thể lây ngay cả khi không biểu hiện triệu chứng rõ rệt.

Cuối cùng, cả chlamydia và lậu đều có thể lây từ mẹ sang con trong khi sinh.

Các yếu tố nguy cơ

Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh lậu, chlamydia và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác là những người:

  • Quan hệ tình dục với nhiều người
  • Quan hệ tình dục không an toàn
  • Không sử dụng các biện pháp bảo vệ đúng cách
  • Phụ nữ thường xuyên thụt rửa vì thói quen này sẽ gây kích ứng âm đạo, làm mất sự cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại, từ đó làm tăng nguy cơ nhiễm trùng
  • Đã từng bị một bệnh lây truyền qua đường tình dục trước đây

Những người bị tấn công tình dục cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh lây qua đường tình dục.

Cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được tư vấn làm xét nghiệm nếu bị ép quan hệ tình dục.

Phương pháp chẩn đoán

Cả chlamydia và bệnh lậu đều có thể được chẩn đoán bằng các phương pháp tương tự nhau. Bác sĩ sẽ thực hiện một hoặc một số xét nghiệm dưới đây và dựa vào kết quả để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp:

  • Khám lâm sàng để tìm các dấu hiệu của bệnh và kiểm tra tình trạng sức khỏe tổng thể
  • Xét nghiệm nước tiểu
  • Xét nghiệm máu
  • Xét nghiệm dịch tiết từ dương vật, âm đạo hoặc hậu môn để phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng

Biện pháp điều trị

Cả chlamydia và lậu đều là những STD có thể chữa khỏi bằng thuốc kháng sinh nhưng kể cả khi đã điều trị khỏi thì vẫn có thể bị lây nhiễm lại nếu tiếp tục quan hệ tình dục với người bị bệnh.

Điều trị chlamydia

Chlamydia thường được điều trị bằng một liều azithromycin duy nhất hoặc dùng trong thời gian khoảng 1 tuần (thường chỉ khoảng 5 ngày).

Một loại thuốc nữa để điều trị chlamydia là doxycycline. Thuốc kháng sinh này thường được dùng hai lần mỗi ngày trong khoảng một tuần.

Cần tuân thủ đúng theo chỉ định về liều lượng của bác sĩ. Khi được kê thuốc kháng sinh thì phải uống đủ liều và đủ thời gian quy định để tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn. Việc ngừng kháng sinh giữa chừng sẽ khiến cho vi khuẩn có khả năng kháng thuốc và khó điều trị hơn. Điều này sẽ gây nguy hiểm nếu bị tái nhiễm.

Các triệu chứng sẽ bắt đầu giảm dần và biến mất sau vài ngày điều trị.

Không được quan hệ tình dục cho đến khi đi tái khám và bác sĩ xác nhận bệnh đã khỏi hoàn toàn. Có thể phải sau khoảng 2 tuần hoặc lâu hơn thì bệnh mới khỏi hẳn và trong thời gian đó, vi khuẩn vẫn có thể lây truyền.

Điều trị bệnh lậu

Bệnh lậu được điều trị bằng thuốc kháng sinh dạng tiêm ceftriaxone và thuốc kháng sinh đường uống azithromycin.

Việc sử dụng cả hai loại kháng sinh cùng lúc sẽ giúp tiêu diệt vi khuẩn hiệu quả hơn so với chỉ sử dụng một loại kháng sinh đơn lẻ.

Cũng giống như chlamydia, khi bị bệnh lậu thì cũng phải dùng thuốc kháng sinh đủ liều, đủ thời gian và không được quan hệ tình dục cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn.

Vi khuẩn gây bệnh lậu có khả năng kháng thuốc cao hơn vi khuẩn gây chlamydia. Nếu bị nhiễm một chủng vi khuẩn kháng thuốc thì sẽ cần điều trị bằng các loại thuốc kháng sinh khác.

Các biến chứng

Nếu không được điều trị, các bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể gây ra biến chứng. Một số biến chứng có thể xảy ra ở cả nam và nữ nhưng cũng có những biến chứng chỉ xảy ra ở nam hoặc nữ do cấu tạo giải phẫu hệ sinh dục không giống nhau.

Bệnh lậu thường gây ra những biến chứng nặng hơn và dễ dẫn đến các hậu quả về lâu dài như vô sinh.

Biến chứng ở cả nam và nữ

Các biến chứng chung gồm có:

  • Mắc một STD khác: chlamydia và bệnh lậu đều làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường tình dục khác, ví dụ như HIV. Những người bị chlamydia sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh lậu và ngược lại.
  • Viêm khớp phản ứng (biến chứng của chlamydia): còn được gọi là hội chứng Reiter, tình trạng này xảy ra sau khi bị nhiễm trùng ở đường tiết niệu (niệu đạo, bàng quang, thận và niệu quản - ống nối thận với bàng quang) hoặc ruột. Các triệu chứng của viêm khớp phản ứng là sưng đau hoặc căng cứng ở khớp, viêm mắt, các vấn đề về tiết niệu, sưng ngón chân hoặc ngón tay, đau mỏi thắt lưng cùng với nhiều triệu chứng khác.
  • Giảm khả năng sinh sản: các vấn đề ở cơ quan sinh dục hoặc tinh trùng do chlamydia và bệnh lậu sẽ gây khó khăn cho việc thụ thai hoặc không thể thụ thai.

Biến chứng ở nam giới

  • Viêm tinh hoàn (viêm mào tinh hoàn): vi khuẩn gây chlamydia và bệnh lậu có thể lây lan đến mào tinh hoàn (ống ở bên cạnh tinh hoàn), dẫn đến nhiễm trùng và viêm. Điều này làm cho tinh hoàn bị sưng đau.
  • Viêm tuyến tiền liệt: vi khuẩn gây cả hai bệnh này có thể lan đến tuyến tiền liệt và làm tăng lượng chất lỏng trong tinh dịch khi xuất tinh. Điều này khiến cho quá trình xuất tinh hoặc đi tiểu trở nen đau đớn, gây sốt và đau ở vùng thắt lưng.

Biến chứng ở nữ giới

  • Viêm vùng chậu: viêm vùng chậu xảy ra khi các cơ quan ở vùng chậu như tử cung hoặc ống dẫn trứng bị nhiễm trùng. Bệnh này cần được điều trị ngay lập tức để tránh làm hỏng cơ quan sinh dục.
  • Nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh: cả chlamydia và bệnh lậu đều có thể lây từ mô âm đạo bị nhiễm trùng của người mẹ sang con trong khi sinh nở. Điều này sẽ dẫn đến các biến chứng như viêm mắt hoặc viêm phổi ở trẻ.
  • Mang thai ngoài tử cung: các bệnh lây qua đường tình dục có thể khiến trứng đã thụ tinh bám vào những vị trí khác ở bên ngoài tử cung. Thai ngoài tử cung không thể giữ được cho đến khi sinh và sẽ đe dọa đến tính mạng người mẹ và khả năng sinh sản trong tương lai nếu không được can thiệp kịp thời.

Biện pháp phòng ngừa

Cách duy nhất để ngăn ngừa hoàn toàn chlamydia, bệnh lậu và tất cả các bệnh lây qua đường tình dục khác là không quan hệ tình dục.

Tuy nhiên, không cần thiết phải như vậy. Có nhiều cách để giảm nguy cơ mắc và lây truyền các bệnh này:

  • Sử dụng biện pháp bảo vệ: cả bao cao su nam và bao cao su nữ đều là những biện pháp có hiệu quả trong việc làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Không chỉ có quan hệ tình dục qua đường âm đạo, khi quan hệ đường miệng và đường hậu môn thì cũng phải sử dụng các biện pháp bảo vệ thích hợp.
  • Không quan hệ với nhiều người: càng quan hệ với nhiều người thì nguy cơ bị nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục sẽ càng cao. Và bởi vì những bệnh này có thể không biểu hiện triệu chứng nên nhiều người không biết rằng mình bị mắc bệnh.
  • Xét nghiệm thường xuyên: cho dù có quan hệ tình dục với nhiều người hay quan hệ với người mới hay không thì cũng nên đi xét nghiệm STD thường xuyên. Việc này giúp mỗi người biết được tình trạng sức khỏe tình dục của mình và tránh vô tình truyền bệnh sang người khác. Việc làm xét nghiệm thường xuyên còn giúp phát hiện và điều trị sớm nếu mắc bệnh, ngay cả khi chưa có triệu chứng.
  • Không sử dụng các sản phẩm làm mất cân bằng vi khuẩn trong âm đạo: vi khuẩn có lợi trong âm đạo giúp chống lại nhiễm trùng. Các thói quen như thụt rửa hoặc sử dụng các sản phẩm dùng cho vùng kín có mùi thơm sẽ phá vỡ sự cân bằng vi khuẩn trong âm đạo và khiến phụ nữ dễ bị nhiễm trùng hơn.

Tóm tắt bài viết

Cả chlamydia và bệnh lậu đều lây truyền qua những con đường giống nhau và cả hai đều có thể được điều trị một cách dễ dàng bằng thuốc kháng sinh.

Có thể phòng ngừa bệnh lậu, chlamydia và các bệnh lây qua đường tình dục khác bằng cách sử dụng các biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục, chẳng hạn như bao cao su và không quan hệ tình dục với nhiều người.

Nên làm xét nghiệm thường xuyên để phát hiện, điều trị bệnh sớm và giảm nguy cơ lây truyền bệnh.

Nếu nghi ngờ bản thân bị nhiễm bệnh hoặc đã được chẩn đoán mắc một trong các bệnh lây qua đường tình dục thì phải điều trị càng sớm càng tốt và tạm thời ngừng quan hệ tình dục cho đến khi khỏi hẳn hoặc cho đến khi tình trạng bệnh được kiểm soát. Sau khi được kết luận mắc bệnh thì cần báo với người đã từng quan hệ tình dục cùng để người đó cũng đi làm xét nghiệm kiểm tra.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: khác biệt
Tin liên quan
Bệnh Chlamydia là gì?
Bệnh Chlamydia là gì?

Đa số trường hợp mắc bệnh chlamydia đều không có triệu chứng. Tuy nhiên, ngay cả khi không có triệu chứng thì bệnh vẫn gây ảnh hưởng lên cơ thể.

Những điều mà phụ nữ cần biết về bệnh lây truyền qua đường tình dục
Những điều mà phụ nữ cần biết về bệnh lây truyền qua đường tình dục

Nếu không được điều trị, các bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể dẫn đến các vấn đề về khả năng sinh sản và tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.

Những điều nam giới cần biết về các bệnh lây qua đường tình dục
Những điều nam giới cần biết về các bệnh lây qua đường tình dục

Bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai có quan hệ tình dục, bất kể tuổi tác, chủng tộc và xu hướng tính dục.

Nhiễm chlamydia ở miệng: Những điều cần biết
Nhiễm chlamydia ở miệng: Những điều cần biết

Chlamydia không chỉ xảy ra ở bộ phận sinh dục mà còn có thể xảy ra ở khoang miệng và họng.

Những điều phụ nữ cần biết về bệnh lậu khi mang thai
Những điều phụ nữ cần biết về bệnh lậu khi mang thai

Bệnh lậu là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây