1

Silodosin: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Silodosin là một loại thuốc điều trị các triệu chứng tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (phì đại tuyến tiền liệt) ở nam giới trưởng thành.
Silodosin: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ Silodosin: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Cảnh báo quan trọng

  • Nguy cơ choáng váng, chóng mặt: Silodosin có thể gây tụt huyết áp khi đứng dậy sau khi ngồi hoặc nằm, điều này có thể gây choáng váng và chóng mặt. Không lái xe, vận hành máy móc hoặc thực hiện các công việc nguy hiểm cho đến khi hiểu rõ tác động của thuốc đến cơ thể.
  • Phẫu thuật đục thủy tinh thể: Silodosin có thể ảnh hưởng đến đồng tử trong quá trình phẫu thuật đục thủy tinh thể. Một biến chứng gọi là hội chứng mống mắt mềm trong phẫu thuật (IFIS) đã xảy ra ở một số người đang dùng hoặc gần đây sử dụng silodosin.

Silodosin là gì?

Silodosin là một loại thuốc kê đơn có dạng viên nang.

Silodosin có dạng biệt dược là Rapaflo và cũng có cả dạng thuốc gốc*. Thuốc gốc thường có giá thành thấp hơn biệt dược nhưng đôi khi không đa dạng về hàm lượng và dạng thuốc như biệt dược.

(*Khi một loại thuốc mới được phát minh ra, nó sẽ được đăng ký tên thuốc gốc theo danh pháp quốc tế hoặc danh pháp của từng nước cùng với tên biệt dược của nơi tiến hành nghiên cứu. Sau khi được cấp phép lưu hành trên thị trường, biệt dược sẽ được giữ bằng sáng chế trong một khoảng thời gian nhất định theo quy định của mỗi nước. Sau khi hết hạn độc quyền, các nhà sản xuất khác có thể sản xuất thuốc này với tên thuốc gốc hoặc một tên biệt dược khác.)

Silodosin có thể được sử dụng cùng với các loại thuốc khác để điều trị tăng sản tuyến tiền liệt lành tính.

Công dụng

Silodosin được sử dụng để điều trị các triệu chứng tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (phì đại tuyến tiền liệt) ở nam giới trưởng thành. Silodosin giúp giảm bớt các triệu chứng tăng sản tuyến tiền liệt lành tính và cải thiện khả năng đi tiểu.

Tuyến tiền liệt phì đại sẽ chèn ép niệu đạo và ảnh hưởng đến khả năng đi tiểu. Tình trạng này gây ra các triệu chứng như:

  • Đi tiểu nhiều lần vào ban đêm (tiểu đêm)
  • Tiểu gấp (đột ngột buồn tiểu dữ dội, không thể nhịn được)
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Tiểu khó (khó bắt đầu dòng tiểu và phải rặn khi đi tiểu)
  • Cảm giác tiểu không hết
  • Dòng tiểu yếu
  • Tiểu nhỏ giọt cuối bãi (nước tiểu vẫn nhỏ giọt sau khi tiểu xong)

Cơ chế tác dụng

Silodosin thuộc nhóm thuốc chẹn alpha-1. Nhóm thuốc là tập hợp các loại thuốc có cơ chế tác dụng và công dụng tương tự nhau.

Các thụ thể alpha-1 nằm ở tuyến tiền liệt và bàng quang. Các thụ thể này tham gia điều hòa sự co bóp của cơ trơn bàng quang và tuyến tiền liệt. Silodosin ngăn cản hoạt động của các thụ thể này, khiến cơ trơn ở tuyến tiền liệt và bàng quang giãn ra. Điều này sẽ làm giảm các triệu chứng tăng sản tuyến tiền liệt lành tính và cải thiện khả năng đi tiểu.

Tác dụng phụ của silodosin

Silodosin không gây buồn ngủ nhưng có thể gây ra các tác dụng phụ khác.

Tác dụng phụ phổ biến

Các tác dụng phụ phổ biến của silodosin gồm có:

  • Chóng mặt
  • Tiêu chảy
  • Tụt huyết áp tư thế đứng (tụt huyết áp khi đứng dậy sau khi ngồi hoặc nằm)
  • Đau đầu
  • Xuất tinh ngược (tinh dịch chảy ngược vào bàng quang thay vì được phóng ra khỏi đầu dương vật)
  • Cảm lạnh thông thường
  • Nghẹt mũi

Tác dụng phụ nhẹ của thuốc thường tự hết trong vòng vài ngày hoặc vài tuần. Nhưng nếu các tác dụng phụ chúng gây khó chịu hoặc kéo dài thì cần báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ.

Tác dụng phụ nghiêm trọng

Báo ngay cho bác sĩ nếu gặp tác dụng phụ nghiêm trọng khi dùng silodosin. Nếu cảm thấy các triệu chứng có vẻ nguy hiểm thì hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế.Các tác dụng phụ nghiêm trọng của silodosin cùng các triệu chứng gồm có:

  • Phản ứng dị ứng. Các triệu chứng gồm có:
    • Sưng phù mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng
    • Khó thở hoặc khó nuốt
    • Phát ban da
    • Ngứa
    • Nổi mề đay
    • Nổi mụn nước trên da hoặc trong miệng, mũi hoặc mắt
    • Da bong tróc
    • Chóng mắt, choáng váng hoặc ngất xỉu
    • Tim đập nhanh
  • Vấn đề về gan. Các triệu hứng gồm có:
    • Da và/hoặc lòng trắng mắtc chuyển màu vàng
    • Buồn nôn
    • Nôn
    • Ăn không ngon miệng
    • Đau bụng, chướng bụng
    • Dễ bị bầm tím
    • Phân nhạt màu
    • Nước tiểu sẫm màu
    • Mệt mỏi bất thường
  • Cương đau kéo dài. Trạng thái cương cứng kéo dài quá bốn giờ và kèm theo đau đớn.
  • Tụt huyết áp đột ngột, đặc biệt là khi đứng dậy sau khi ngồi hoặc nằm. Các triệu chứng gồm có:
    • Chóng mặt
    • Hoa mắt
    • Choáng váng

Tương tác với các loại thuốc khác

Silodosin có thể tương tác với các loại thuốc, vitamin hoặc thảo dược mà người bệnh đang dùng. Tương tác thuốc có thể làm thay đổi tác dụng của thuốc trong cơ thể. Điều này có thể làm giảm hiệu quả của thuốc hoặc làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.

Để tránh xảy ra tương tác thuốc, người bệnh cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc, thảo dược cũng như thực phẩm chức năng mà mình đang dùng trước khi sử dụng silodosin. Để hiểu rõ về tương tác thuốc của silodosin, hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ hoặc dược sĩ.

Dưới đây là một số loại thuốc có thể tương tác với silodosin.

Thuốc kháng nấm

Dùng các loại thuốc kháng nấm cùng với silodosin có thể làm tăng nồng độ silodosin trong cơ thể và điều này làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Không dùng các loại thuốc sau đây cùng với silodosin:

  • itraconazole
  • ketoconazole

Thuốc chẹn kênh canxi

Dùng thuốc chẹn kênh canxi – một nhóm thuốc điều trị cao huyết áp cùng với silodosin có thể làm tăng nồng độ silodosin trong cơ thể và điều này làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Ví dụ về các loại thuốc này gồm có:

  • diltiazem
  • verapamil

Thuốc kháng sinh

Dùng thuốc kháng sinh clarithromycin và erythromycin cùng với silodosin có thể làm tăng nồng độ silodosin trong cơ thể và điều này làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Do đó, không dùng loại thuốc này cùng với silodosin.

Thuốc điều trị HIV

Dùng thuốc ức chế protease – một nhóm thuốc điều trị HIV cùng với silodosin có thể làm tăng nồng độ silodosin trong cơ thể và tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Ví dụ về các loại thuốc này gồm có:

  • atazanavir
  • darunavir
  • fosamprenavir
  • indinavir
  • nelfinavir
  • saquinavir

Dùng ritonavir cùng với silodosin cũng có thể làm tăng nồng độ silodosin trong cơ thể. Do đó, không dùng các loại thuốc này cùng với silodosin.

Thuốc ức chế miễn dịch

Dùng cyclosporine – một loại thuốc ức chế miễn dịch cùng với silodosin có thể làm tăng nồng độ silodosin trong cơ thể và tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Không nên dùng các loại thuốc này cùng nhau.

Các loại thuốc điều trị tăng sản tuyến tiền liệt lành tính khác

Dùng các loại thuốc điều trị tăng sản tuyến tiền liệt lành tính khác cùng với silodosin có thể khiến huyết áp tụt xuống mức quá thấp. Dùng các loại thuốc này cùng nhau còn làm tăng nguy cơ tụt huyết áp tư thế đứng – tình trạng huyết áp giảm đột ngột khi đứng dậy sau khi ngồi hoặc nằm. Tình trạng này gây hoa mắt, chóng mặt.

Ví dụ về các loại thuốc này gồm có:

  • alfuzosin
  • doxazosin
  • prazosin
  • terazosin
  • tamsulosin

Thuốc điều trị cao huyết áp

Dùng một số loại thuốc điều trị cao huyết áp cùng với silodosin có thể khiến huyết áp giảm xuống mức quá thấp. Dùng các loại thuốc này cùng nhau còn làm tăng nguy cơ tụt huyết áp tư thế đứng – tình trạng huyết áp giảm đột ngột khi đứng dậy sau khi ngồi hoặc nằm. Tình trạng này gây hoa mắt, chóng mặt.

Ví dụ về các loại thuốc này gồm có:

  • metoprolol
  • carvedilol
  • atenolol
  • lisinopril
  • losartan
  • valsartan
  • amlodipin
  • clonidin

Thuốc điều trị rối loạn cương dương

Dùng thuốc điều trị rối loạn cương dương cùng với silodosin có thể khiến huyết áp giảm xuống mức quá thấp. Dùng các loại thuốc này cùng nhau còn làm tăng nguy cơ tụt huyết áp tư thế đứng – tình trạng huyết áp giảm đột ngột khi đứng dậy sau khi ngồi hoặc nằm. Tình trạng này gây hoa mắt, chóng mặt.

Ví dụ về các loại thuốc này gồm có:

  • avanafil
  • sildenafil
  • tadalafil
  • vardenafil

Cảnh báo về silodosin

Silodosin đi kèm một số cảnh báo.

Nguy cơ dị ứng

Silodosin có thể gây phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Các triệu chứng gồm có:

  • Khó thở
  • Sưng cổ họng hoặc lưỡi
  • Phát ban
  • Ngứa
  • Nổi mề đay

Nếu gặp các triệu chứng này khi dùng silodosin, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.

Không được tiếp tục sử dụng silodosin khi đã từng bị dị ứng với thuốc hay bất kỳ thành phần nào của thuốc. Việc tiếp tục dùng thuốc khi đã có tiền sử dị ứng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Tương tác với bưởi

Ăn bưởi hoặc uống nước ép bưởi trong khi dùng silodosin có thể làm tăng nồng độ silodosin trong cơ thể và làm gia tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.

Tương tác với đồ uống có cồn

Cả đồ uống có cồn và silodosin đều có thể gây tụt huyết áp, ngoài ra còn có thể gây chóng mặt và buồn ngủ. Uống rượu bia trong khi dùng silodosin sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ này. Do đó, người bệnh nên hạn chế rượu bia trong thời gian điều trị bằng silodosin.

Cảnh báo đối với người có vấn đề sức khỏe khác

  • Đối với người bị bệnh thận: Một phần silodosin được đào thải qua thận. Nếu thận không hoạt động tốt, thuốc sẽ tích tụ trong cơ thể lâu hơn bình thường. Điều này làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Không dùng silodosin cho những người bị bệnh thận nặng. Những người mắc bệnh thận mức độ nhẹ đến vừa vẫn có thể dùng silodosin nhưng liều dùng sẽ thấp hơn bình thường.
  • Đối với người bị bệnh gan: Silodosin được xử lý bởi gan. Nếu gan không hoạt động tốt, lượng thuốc tích tụ trong cơ thể sẽ nhiều hơn bình thường. Điều này làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Không dùng silodosin cho những người bị bệnh gan nặng vì thuốc hiện chưa được nghiên cứu ở những người mắc bệnh này.
  • Đối với người bị huyết áp thấp: Silodosin có thể khiến huyết áp càng giảm xuống mức thấp, đặc biệt là mỗi khi đứng dậy sau khi ngồi hoặc nằm. Không lái xe, vận hành máy móc và thực hiện các công việc nguy hiểm cho đến khi hiểu rõ tác động của thuốc đến cơ thể.

Cảnh báo đối với các nhóm đối tượng khác

  • Đối với phụ nữ mang thai: Silodosin được sử dụng để điều trị tăng sản tuyến tiền liệt lành tính – một vấn đề chỉ xảy ra ở nam giới. Thuốc này không dành cho phụ nữ.
    Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã đưa ra một hệ thống phân loại thuốc dựa trên mức độ an toàn cho thai kỳ. Theo đó, các loại thuốc được chia thành 5 nhóm là A, B, C, D và X. Silodosin được xếp vào nhóm B, có nghĩa là:
    • Các nghiên cứu về thuốc trên động vật mang thai không cho thấy rủi ro đối với bào thai.
    • Chưa có đủ nghiên cứu được thực hiện trên người để kết luận thuốc gây nguy hiểm cho thai nhi.
  • Đối với phụ nữ đang cho con bú: Silodosin không dành cho phụ nữ. Chưa biết liệu thuốc này có đi vào sữa mẹ và gây ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh bú mẹ hay không.
  • Đối với người cao tuổi: Ở người từ 65 tuổi trở lên, do thận và gan hoạt động kém nên sẽ có nguy gặp phải tác dụng phụ cao hơn, đặc biệt là tụt huyết áp tư thế đứng
  • Đối với trẻ em: Silodosin được sử dụng cho nam giới trưởng thành. Chưa rõ liệu thuốc có an toàn và hiệu quả ở người dưới 18 tuổi hay không.

Cách sử dụng silodosin

Dưới đây là dạng thuốc và liều dùng điển hình. Ngoài ra còn có thể có các mức liều dùng và dạng thuốc khác. Liều dùng, dạng thuốc và tần suất sử dụng thuốc sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như:

  • Tuổi tác
  • Vấn đề cần điều trị
  • Mức độ nghiêm trọng của tình trạng
  • Các bệnh lý khác đang mắc
  • Phản ứng của cơ thể với liều đầu tiên

Dạng thuốc và hàm lượng

  • Thuốc gốc: Silodosin
    • Dạng thuốc: viên nang
    • Hàm lượng: 4mg và 8mg
  • Biệt dược (tên thương mại): Rapaflo
    • Dạng thuốc: viên nang
    • Hàm lượng: 4mg và 8mg

Liều dùng để điều trị tăng sản tuyến tiền liệt lành tính

Liều dùng cho người lớn (từ 18 – 64 tuổi)

Liều dùng điển hình là 8mg uống một lần mỗi ngày sau bữa ăn.

Liều dùng cho trẻ em (từ 0 – 17 tuổi)

Silodosin chỉ dành cho nam giới trưởng thành. Chưa rõ thuốc này có an toàn và hiệu quả ở người dưới 18 tuổi hay không.

Liều dùng cho người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên)

Ở người cao tuổi, các cơ quan như gan và thận không còn hoạt động tốt như khi còn trẻ. Do đó, các loại thuốc sẽ được xử lý chậm hơn. Quá nhiều thuốc tích tụ trong cơ thể sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng thuốc dựa trên chức năng gan và thận của người bệnh. Nếu chức năng gan hoặc thận quá kém, bác sĩ sẽ không kê silodosin.

Liều dùng trong những trường hợp đặc biệt

Liều dùng cho người mắc bệnh thận: Liều dùng silodosin phụ thuộc vào chức năng thận.

  • Bệnh thận nặng: Không sử dụng silodosin.
  • Bệnh thận mức độ vừa: Liều khuyến nghị là 4mg uống một lần mỗi ngày sau ăn.

Điều gì xảy ra nếu dùng thuốc không theo chỉ định?

Silodosin được sử dụng lâu dài để kiểm soát các triệu chứng tăng sản tuyến tiền liệt lành tính. Thuốc có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng nếu như không sử dụng đúng theo chỉ định.

  • Nếu hoàn toàn không dùng hoặc ngừng dùng thuốc: Nếu không dùng hoặc ngừng dùng silodosin, các triệu chứng tăng sản tuyến tiền liệt lành tính sẽ không thuyên giảm và thậm chí ngày càng nặng. Nếu người bệnh ngừng hoặc quên uống thuốc vài ngày, hãy báo cho bác sĩ trước khi bắt đầu dùng lại.
  • Nếu dùng thuốc quá liều: Dùng silodosin quá liều có thể gây tụt huyết áp, đặc biệt là khi đứng dậy sau khi ngồi hoặc nằm. Các triệu chứng gồm có:
    • Hoa mắt, chóng mặt
    • Choáng váng, xây xẩm mặt mày
    • Mệt mỏi, không có sức lực
    • Mờ mắt
    • Thiếu tỉnh táo
  • Nếu lỡ uống thuốc quá liều, người bệnh cần báo cho bác sĩ. Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng, hãy ngay lập tức gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện gần nhất.
  • Cần làm gì nếu quên uống thuốc? Nếu quên uống thuốc, hãy uống ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu chỉ còn vài giờ nữa là đến giờ uống liều tiếp theo thì hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều tiếp theo như bình thường. Không được uống gộp liều. Điều này có thể dẫn đến tác dụng phụ nguy hiểm.
  • Làm thế nào để biết thuốc có hiệu quả hay không? Nếu thấy các triệu chứng tăng sản tuyến tiền liệt lành tính thuyên giảm, chẳng hạn như đi tiểu dễ dàng hơn thì chứng tỏ thuốc có hiệu quả.

Lưu ý quan trọng khi dùng silodosin

Lưu ý chung

  • Uống silodosin sau khi ăn
  • Uống silodosin khi bụng đói có thể làm tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ, chẳng hạn như tụt huyết áp tư thế đứng.
  • Uống silodosin vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Điều này sẽ giúp làm giảm tác dụng phụ.

Bảo quản

  • Bảo quản silodosin ở nhiệt độ từ 15°C đến 30°C (59°F đến 86°F).
  • Tránh nơi có ánh sáng.
  • Không để thuốc ở những nơi ẩm ướt như phòng tắm.

Mang thuốc khi đi xa

  • Người bệnh phải dùng thuốc đều đặn mỗi ngày nên hãy luôn mang theo thuốc khi đi xa.
  • Khi đi máy bay, không được để thuốc trong hành lý ký gửi mà luôn phải để trong hành lý xách tay.
  • Tia X trong máy soi chiếu hành lý sẽ không ảnh hưởng đến thuốc.
  • Để thuốc trong hộp đựng đi kèm còn nguyên nhãn để đề phòng trường hợp nhân viên an ninh tại sân bay yêu cầu kiểm tra.
  • Không để thuốc trong ô tô khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.

Theo dõi lâm sàng

Trước và trong quá trình điều trị bằng silodosin, người bệnh có thể sẽ phải làm xét nghiệm máu và đo huyết áp:

  • Xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA): Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính và ung thư tuyến tiền liệt có nhiều triệu chứng giống nhau. Do đó, người bệnh có thể sẽ phải làm xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA) để xem có bị ung thư tuyến tiền liệt hay không.
  • Đo huyết áp: Người bệnh sẽ phải đo huyết áp xem huyết áp có thấp hay không. Ở những người bị huyết áp thấp, dùng silodosin có thể gây nguy hiểm vì loại thuốc này làm giảm huyết áp.

Chế độ ăn uống

Để giảm các triệu chứng của tăng sản tuyến tiền liệt lành tính, người bệnh nên uống ít nước vào buổi tối, đồng thời hạn chế rượu bia và caffeine.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tamsulosin: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Tamsulosin: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Tamsulosin được sử dụng để điều trị các triệu chứng của tăng sản lành tính tuyến tiền liệt hay phì đại tuyến tiền liệt – tình trạng các tế bào tuyến tiền liệt tăng sinh một cách lành tính ở nam giới trưởng thành.

Tadalafil: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Tadalafil: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Tadalafil được sử dụng để điều trị các triệu chứng của hai vấn đề ở nam giới: tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (phì đại tuyến tiền liệt) và rối loạn cương dương. Tadalafil còn được sử dụng để điều trị tăng áp động mạch phổi.

Doxazosin: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Doxazosin: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Doxazosin là một loại thuốc được sử dụng để điều trị tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (phì đại tuyến tiền liệt) và cao huyết áp.

Dutasteride: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Dutasteride: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Dutasteride là thuốc điều trị tăng sản tuyến tiền liệt lành tính, hay còn được gọi là phì đại tuyến tiền liệt.

Alfuzosin: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Alfuzosin: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Alfuzosin được sử dụng để điều trị tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (phì đại tuyến tiền liệt) ở nam giới trưởng thành. Thuốc này giúp làm giãn các cơ ở tuyến tiền liệt và bàng quang, nhờ đó làm giảm các triệu chứng tăng sản tuyến tiền liệt lành tính và cải thiện khả năng đi tiểu.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây