1

Phòng ngừa loãng xương khi có tuổi

Loãng xương là một tình trạng phổ biến ở người cao tuổi nhưng không phải là một phần của quá trình lão hóa tự nhiên. Điều chỉnh chế độ ăn uống, thay đổi lối sống và dùng thuốc có thể giúp giảm nguy cơ mắc căn bệnh này.
Phòng ngừa loãng xương khi có tuổi Phòng ngừa loãng xương khi có tuổi

Loãng xương là một vấn đề phổ biến đến mức nhiều người cho rằng đó là một phần tất yếu của quá trình lão hóa. Mặc dù đúng là mật độ xương sẽ suy giảm theo tuổi tác nhưng không phải cứ có tuổi là sẽ bị loãng xương.

Loãng xương là một bệnh về xương, có nghĩa đó không phải là một phần của quá trình lão hóa tự nhiên. Loãng xương xảy ra khi mật độ và khối lượng xương xương bị suy giảm do sự mất cân bằng trong quá trình chu chuyển xương.

Loãng xương có thể xảy ra ở bất cứ ai, bất kể độ tuổi và giới tính. Nhưng vì sự lão hóa làm thay đổi cấu trúc xương nên chứng loãng xương phổ biến hơn ở người cao tuổi.

Nguyên nhân gây loãng xương ở người cao tuổi

Chứng loãng xương ở người cao tuổi là do sự mất cân bằng trong quá trình chu chuyển xương. Bình thường, cơ thể liên tục phân hủy mô xương cũ và tái tạo mô xương mới. Loãng xương xảy ra khi tốc độ tái tạo mô xương mới không theo kịp tốc độ tái hấp thu mô xương cũ.

Sự thay đổi trong quá trình chu chuyển xương này khiến xương bị giảm mật độ khoáng chất. Những khoảng trống lớn hình thành trong khung xương và cấu trúc xương, điều này khiến xương trở nên yếu đi và dễ gãy.

Khi có tuổi, quá trình chu chuyển xương sẽ chậm lại và mật độ khoáng xương giảm một cách tự nhiên. Khi mật độ khoáng xương giảm xuống quá thấp thì được coi là bệnh loãng xương.

Thế nào là mật độ khoáng xương thấp?

Ở nhóm dân số cao tuổi, các phươnng pháp đo mật độ khoáng xương sẽ cho ra kết quả dưới dạng T-score (điểm T). T-score so sánh giữa mật độ khoáng xương của người bệnh với mật độ khoáng xương của một người trưởng thành trẻ tuổi khỏe mạnh (giá trị 0).

T-score từ 1 trở lên có nghĩa là mật độ khoáng xương khỏe mạnh. T-score từ -1 đến -2,5 chỉ ra tình trạng thiếu xương, mật độ khoáng xương thấp nhưng chưa đến mức loãng xương. Nếu không có biện pháp can thiệp, thiếu xương sẽ dẫn đến loãng xương.

Khi T-score -2,5 trở xuống thì có nghĩa là mật độ khoáng xương rất thấp và người bệnh bị loãng xương.

T-score càng giảm thì nguy cơ gãy xương càng cao.

Yếu tố nguy cơ loãng xương ở người cao tuổi

Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh loãng xương vẫn chưa được xác định rõ. Không phải ai có tuổi cũng bị loãng xương và các chuyên gia chưa lý giải được lý do tại sao một số người bị loãng xương trong khi một số khác lại không bị. Điều này có thể là do chế độ dinh dưỡng, lối sống và đặc điểm cơ thể của mỗi người.

Tuy rằng chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây loãng xương nhưng các nhà nghiên cứu đã xác định được một số yếu tố nhất định làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.

Những người có một hoặc nhiều yếu tố dưới đây có nguy cơ loãng xương cao hơn:

  • Là phụ nữ
  • Nồng độ hormone sinh dục thấp
  • Khung xương nhỏ
  • Tiền sử gia đình bị loãng xương
  • Thiếu hụt dinh dưỡng
  • Mắc các bệnh lý khác
  • Sử dụng thuốc trong thời gian dài
  • Uống nhiều rượu
  • Hút thuốc
  • Lối sống ít vận động
  • Là người da trắng hoặc người châu Á (đặc biệt là phụ nữ)

Bệnh loãng xương ở người cao tuổi phổ biến như thế nào?

Ước tính trên thế giới có khoảng 200 triệu người bị bệnh loãng xương. Tỷ lệ loãng xương ở phụ nữ trên 40 tuổi là 10 – 30%, trong khi ở nam giới trên 40 tuổi lên tới 10%. (1) Tỷ lệ bị loãng xương cao nhất là ở Châu Á, Hoa Kỳ và Châu Âu.

Triệu chứng loãng xương ở người cao tuổi

Loãng xương được coi là một căn bệnh “thầm lặng” vì có rất ít hoặc thậm chí không biểu hiện triệu chứng ra bên ngoài.

Nếu có thì các triệu chứng thường là:

  • Giảm chiều cao
  • Thay đổi tư thế
  • Hụt hơi
  • Đau lưng
  • Dễ gãy xương
  • Di chuyển không vững

Ở người lớn tuổi, chứng loãng xương phức tạp hơn so với ở người trẻ tuổi do những thay đổi về sức khỏe khác do lão hóa. Ví dụ, người có tuổi dễ bị ngã hơn do khả năng giữ thăng bằng và phối hợp động tác kém. Và khi bị loãng xương, chỉ cần một cú ngã nhẹ cũng có thể gây gãy xương.

Hơn nữa, khi có tuổi, khả năng hồi phục kém đi và điều này khiến xương bị gãy không thể liền lại một cách bình thường. Điều này gây biến dạng, đau đớn kéo dài, giảm khả năng cử động và làm tăng nguy cơ tiếp tục gãy xương trong tương lai.

Loãng xương còn khiến cho người bệnh giảm khả năng sống độc lập. Do đi lại, cử động khó khăn, người bệnh sẽ phải nhờ đến sự trợ giúp của người khác khi thực hiện các công việc hàng ngày.

Loãng xương và gãy xương không chỉ ảnh hưởng đến khả năng cử động. Gãy xương do loãng xương ở một số vùng trên cơ thể như cột sống và hông có nguy cơ gây tử vong cao hơn ở người cao tuổi. (2)

Việc phải nằm một chỗ do gãy xương còn làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng đe dọa đến tính mạng như viêm phổi hoặc biến cố tim mạch.

Điều trị loãng xương ở người cao tuổi

Việc điều trị loãng xương ở tất cả các độ tuổi là như nhau. Mục đích điều trị là làm chậm hoặc ngăn ngừa sự mất khoáng xương và giảm nguy cơ gãy xương.

Tuy nhiên, phương pháp điều trị ở mỗi một trường hợp sẽ khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe tổng thể, khả năng vận động, lượng xương đã mất và các bệnh lý khác đang mắc.

Người bị loãng xương thường phải dùng các loại thuốc nhằm giúp xương chắc khỏe, chẳng hạn như:

  • Chất đồng hóa
  • Thuốc sinh học
  • Liệu pháp hormone
  • Bisphosphonate

Ngoài dùng thuốc, người bệnh cũng nên:

  • Ăn uống đủ chất
  • Bổ sung đủ canxi và vitamin D
  • Hạn chế rượu bia
  • Bỏ hút thuốc
  • Hạn chế hoặc tránh caffeine
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Thực hiện các biện pháp tránh té ngã như lắp tay vịn trong nhà tắm, mang dép chống trơn

Bệnh loãng xương ở người cao tuổi có chữa khỏi được không?

Loãng xương là bệnh không thể chữa khỏi nhưng có thể cải thiện mật độ xương và làm chậm hoặc ngăn chặn sự mất xương mới. Hiệu quả của việc điều trị sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như tuổi tác và lượng xương đã mất.

Ví dụ, nếu mới chỉ bị thiếu xương chứ chưa đến mức loãng xương và điều trị tích cực thì sẽ có thể khôi phục lại đủ mật độ xương để giảm nguy cơ gãy xương.

Nhưng ngay cả khi dùng thuốc và thay đổi lối sống thì cũng rất khó khôi phục lại lượng xương đã mất khi có tuổi.

Phòng ngừa loãng xương ở người cao tuổi

Không có cách nào có thể phòng ngừa loãng xương một cách tuyệt đối khi có tuổi. Nhưng chủ động chăm sóc sức khỏe xương ngay từ sớm sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ loãng xương.

Loãng xương không xảy ra đột ngột mà là một tình trạng tiến triển dần dần theo thời gian, đó là lý do tại sao các yếu tố như tập thể dục, chế độ ăn uống và sử dụng chất gây nghiện lại có tác động đến nguy cơ loãng xương.

Những biện pháp giúp giảm nguy cơ loãng xương gồm có:

  • Bỏ hút thuốc
  • Hạn chế uống rượu
  • Tập thể dục thường xuyên (đặc biệt là các bài tập chịu sức nặng như đi bộ)
  • Ăn uống đủ dinh dưỡng, đặc biệt cần bổ sung đủ vitamin D và canxi
  • Đo mật độ xương thường xuyên

Tóm tắt bài viết

Loãng xương là tình trạng phổ biến ở người lớn tuổi, ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người trên toàn cầu.

Xương sẽ giảm mật độ khoáng một cách tự nhiên khi về già nhưng loãng xương không phải là một phần tất yếu của quá trình lão hóa. Tập thể dục thường xuyên, bổ sung đủ chất dinh dưỡng, không hút thuốc và hạn chế rượu bia có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh loãng xương.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Những loại thực phẩm chức năng giúp kiểm soát và phòng ngừa loãng xương?
Những loại thực phẩm chức năng giúp kiểm soát và phòng ngừa loãng xương?

Loãng xương là một căn bệnh tiến triển xảy ra khi mật độ khoáng xương suy giảm, điều này ảnh hưởng đến sự chắc khỏe của xương và làm tăng nguy cơ gãy xương Những vấn đề do loãng xương gây ra sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Các cách phòng ngừa loãng xương
Các cách phòng ngừa loãng xương

Các biện pháp phòng ngừa loãng xương có thể giúp làm chậm tốc độ mất xương và giảm nguy cơ gãy xương.

Loãng xương có ngăn ngừa được không?
Loãng xương có ngăn ngừa được không?

Loãng xương là một căn bệnh mãn tính khiến xương trở nên yếu hơn và dễ gãy. Một số yếu tố nguy cơ của bệnh loãng xương - chẳng hạn như tuổi tác và tiền sử gia đình – là không thể kiểm soát. Nhưng cũng có một số yếu tố có thể thay đổi để phòng ngừa loãng xương. Ví dụ, những người ngồi nhiều và ít vận động có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn. Tích cực hoạt động thể chất và duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm nguy cơ loãng xương.

Cần bổ sung bao nhiêu canxi và vitamin D để ngăn ngừa loãng xương?
Cần bổ sung bao nhiêu canxi và vitamin D để ngăn ngừa loãng xương?

Canxi và vitamin D rất cần thiết để duy trì sức khỏe xương và ngăn ngừa loãng xương. Nhu cầu canxi và vitamin D hàng ngày phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính và tình trạng sức khỏe.

Lợi ích của tập pilates đối với người bị loãng xương
Lợi ích của tập pilates đối với người bị loãng xương

Loãng xương chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi, nhất là phụ nữ nhưng tỷ lệ loãng xương ở nam giới và phụ nữ trẻ ngày càng gia tăng.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây