1

Phân biệt máu báo thai và kinh nguyệt

Các dấu hiệu sớm của thai kỳ và hiện tượng kinh nguyệt rất dễ gây nhầm lẫn.
Phân biệt máu báo thai và kinh nguyệt Phân biệt máu báo thai và kinh nguyệt

Nội dung chính của bài viết:

  • Các dấu hiệu sớm của thai kỳ và kinh nguyệt có thể gây nhầm lẫn.

  • Hãy xem lại lịch để xác định ngày đầu tiên của kỳ kinh trước cũng như là ngày thụ thai có thể diễn ra. Bạn cũng nên ghi lại các hiện tượng gặp phải và thời gian để biết khi nào nên thử thai.

  •  Bạn cũng có thể dựa vào màu sắc, lượng máu, hiện tượng đau bụng, cục máu đông, thời lượng ra máu và tính nhất quán để phân biệt giữ máu báo thai và máu hành kinh.

  • Nếu bạn cảm thấy hiện tượng chảy máu âm đạo có vẻ không bình thường thì hãy đi khám ngay để xác định các bước tiếp theo.

Nếu bạn mới quan hệ tình dục mà không sử dụng biện pháp tránh thai nhưng chưa đến thời điểm thử thai thì chắc hẳn sẽ sốt ruột không biết mình có thai hay không. Trong thời gian chờ đợi, bạn có thể theo dõi những thay đổi trên cơ thể. Một số thay đổi chính là dấu hiệu sớm cho biết thai kỳ đã bắt đầu. Máu báo thai – hiện tượng ra máu khi trứng được thụ tinh bám vào niêm mạc tử cung và bắt đầu làm tổ - là một trong những dấu hiệu như vậy.

Nhưng hiện tượng ra máu nhỏ giọt cũng có thể do bắt đầu có kinh nguyệt. Vậy làm thế nào để phân biệt máu báo thai và máu kinh nguyệt?

Dấu hiệu nhận biết máu báo thai

Thật sự là không dễ phân biệt giữa máu báo thai và hiện tượng ra máu bắt đầu hành kinh. Nhưng dưới đây là một số dấu hiệu giúp bạn phần nào biết được điều gì đang diễn ra trong cơ thể mình.

  • Màu sắc: Máu báo trứng được thụ tinh đã bám vào thành tử cung thường có màu hồng nâu. Mặt khác, máu kinh nguyệt ban đầu thường có màu hồng nhạt hoặc nâu nhưng sẽ nhanh chóng chuyển sang màu đỏ thẫm.
  • Lượng máu: Máu báo thai thường chỉ xuất hiện rất ít, thường là có dạng nhỏ giọt. Nếu là máu kinh thì ban đầu sẽ ít nhưng sẽ nhanh chóng nhiều lên.
  • Đau bụng: Các cơn đau bụng vào đầu của thai kỳ thường nhẹ và xảy đến trong thời gian ngắn. Trong khi đó, các cơn đau bụng kinh thường dữ dội hơn và kéo dài lâu hơn. Hơn nữa, chắc hẳn bạn đã từng trải qua những cơn đau bụng kinh này trước đây. Đau bụng do mang thai sẽ hơi khác với đau bụng kinh nguyệt. Bạn là người biết rõ cơ thể mình nhất, vì thế nên hãy lắng nghe cơ thể mình.
  • Cục máu đông: Nếu bạn nhận thấy có cục máu đông thì đó là máu kinh nguyệt. Máu báo thai sẽ không có cục máu đông.
  • Thời lượng ra máu: Hiện tượng ra máu do trứng bám vào niêm mạc tử cung thường chỉ kéo dài từ 1 đến 3 ngày còn hành kinh thường kéo dài lâu hơn, từ 4 đến 7 ngày.
  • Tính nhất quán: Máu báo thai chỉ ra nhỏ giọt và lúc có lúc không. Trong khi đó, máu kinh ban đầu chỉ ra một lượng nhỏ nhưng sẽ dần nhiều lên.

Các dấu hiệu mang thai khác

Nếu đúng là đang ở giai đoạn đầu của thai kỳ thì bạn sẽ còn gặp những hiện tượng như:

  • Thay đổi tâm trạng
  • Buồn nôn
  • Ngực trở nên nhạy cảm
  • Đau đầu
  • Đau thắt lưng
  • Người mệt mỏi

Những dấu hiệu sớm của thai kỳ này là do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể để chuẩn bị cho việc mang thai. Tuy nhiên, tất cả những dấu hiệu này cũng có thể xảy ra trước khi có kinh nguyệt.

Thời điểm diễn ra hiện tượng máu báo thai

Khoảng thời gian 2 tuần kể từ ngày rụng trứng cho đến ngày bắt đầu kỳ kinh tiếp theo chắc hẳn sẽ rất hồi hộp nếu bạn đang mong chờ có thai. Sẽ khó mà phân biệt chính xác các thay đổi mà mình gặp phải là dấu hiệu mang thai hay là kinh nguyệt nhưng đôi khi, ngoài các triệu chứng ở trên thì thời gian diễn ra hiện tượng ra máu cũng giúp bạn xác định được điều gì đang diễn ra.

Máu báo thai và máu kinh xuất hiện vào những thời điểm khác nhau trong tháng. Máu báo thai diễn ra sớm hơn một chút so với thời điểm dự kiến​​ có kinh nguyệt.

Hãy cùng xem qua các mốc thời gian để bạn có thể đối chiếu với lịch của mình. Chu kỳ kinh nguyệt hay vòng kinh được tính từ ngày đầu tiên ra máu của kỳ kinh trước đến ngày đầu tiên ra máu của kỳ kinh sau. Ở hầu hết phụ nữ thì thời gian rụng trứng diễn ra vào khoảng ngày thứ 14 đến 16 của chu kỳ kinh này.

Trứng chỉ có thể tồn tại trong khoảng thời gian 24 tiếng sau khi được phóng đi từ buồng trứng nhưng tinh trùng có thể sống bên trong cơ thể phụ nữ trong từ 3 đến 5 ngày. Rất khó để biết chính xác khi nào thì sự thụ tinh diễn ra nhưng cửa sổ thụ thai thường kéo dài 6 ngày (gồm có 5 ngày trước khi rụng trứng và ngày rụng trứng).

Trứng sau khi được thụ tinh sẽ bám vào thành tử cung vào khoảng ngày thứ 22 đến 26 của chu kỳ kinh nguyệt. Nếu bạn có vòng kinh 28 ngày thì sẽ không có kinh nguyệt cho đến sau ngày thứ 28.

Vì vậy, nếu bạn bị ra máu sớm hơn và ít hơn bình thường thì rất có thể đó là máu báo thai chứ không phải là kinh nguyệt.

Khi nào nên thử thai?

Vì không dễ phân biệt sự khác nhau giữa máu báo thai và máu kinh nguyệt nên tốt nhất nên thử thai để biết mình có mang thai hay không.

Các phương pháp xét nghiệm tại bệnh viện sẽ cho kết quả dựa trên nồng độ hCG - human chorionic gonadotropin trong máu. Hormone này được tạo ra bởi nhau thai nuôi dưỡng phôi thai mới phát triển.

Trong khi đó, các phương pháp thử thai tại nhà mà phổ biến nhất là que thử phát hiện mang thai bằng cách đo nồng độ hormone này trong nước tiểu. Mặc dù lượng hCG trong nước tiểu thấp hơn so với trong máu nhưng các phương pháp này vẫn có thể cho kết quả chính xác đến 99% nếu que thử chưa hết hạn và được thực hiện sau ngày đầu tiên bị lỡ kinh nguyệt.

Một số loại que thử thai tại nhà nhạy hơn và có thể được thực hiện sớm hơn nhưng sẽ luôn có khả năng cho kết quả âm tính mặc dù đúng là bạn đã mang thai, đây được gọi là âm tính giả. Nếu bạn nhận được kết quả âm tính nhưng vẫn có các dấu hiệu của thai kỳ thì hãy đợi 7 ngày và thử lại lần nữa.

Phương pháp xét nghiệm thai sớm - được thực hiện tại bệnh viện - có thể phát hiện mang thai ngay sau 11 ngày kể từ thời điểm thụ thai.

Tuy nhiên, hCG chỉ được tạo ra sau khi trứng bám vào tử cung nên việc làm xét nghiệm thử thai ngay khi mới có dấu hiệu máu báo thai có thể sẽ cho kết quả âm tính giả.

Các nguyên nhân ra máu khác khi mang thai

Nếu bạn gặp hiện tượng ra máu sau khi bị lỡ kinh nguyệt thì rất có thể là do một nguyên nhân khác.

Chảy máu âm đạo trong ba tháng đầu của thai kỳ là một hiện tượng phổ biến. Trên thực tế, khảo sát cho thấy có đến 25% phụ nữ đều gặp hiện tượng này trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Tuy nhiên, bất kỳ hiện tượng ra máu nào xảy ra trong khi mang thai đều được coi là không bình thường và bạn nên đến gặp bác sĩ ngay khi nhận thấy.

Khi ra máu nhẹ thì có thể là do những nguyên nhân không đáng ngại. Ví dụ như cổ tử cung trở nên nhạy cảm hơn và hình thành thêm các mạch máu mới, vì vậy việc quan hệ tình dục hoặc việc đưa dụng cụ vào bên trong khi khám phụ khoa có thể gây chảy máu.

Tuy nhiên, máu màu đỏ tươi hoặc ra nhiều máu trong khi mang thai có thể là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề nghiêm trọng hơn. Dưới đây là một số nguyên nhân có thể gây ra hiện tượng này:

  • Tụ máu dưới màng đệm: Điều này xảy ra khi nhau thai tách khỏi vị trí bám ban đầu.
  • Thai ngoài tử cung: Đây là một biến chứng thai kỳ hiếm gặp (tỷ lệ chỉ là 1 – 2 %) xảy ra khi trứng thụ tinh làm tổ ở bên ngoài tử cung. Nếu bạn cảm thấy đau dữ dội ở một bên bụng hoặc đau ở vùng thắt lưng thì cần đi khám ngay lập tức để kiểm tra xem có phải bị thai ngoài tử cung hay không.
  • Thai trứng: Điều này xảy ra khi một khối mô phát triển từ trứng được thụ tinh thay vì bào thai như bình thường.
  • Sảy thai: Sảy thai là hiện tượng mất thai xảy ra trước tuần thứ 20 của thai kỳ. Đây là biến chứng thai kỳ phổ biến nhất với tỷ lệ là 15 đến 20%. 80% trong số đó sảy thai trong ba tháng đầu tiên của thai kỳ.

Nếu kết quả thử thai dương tính và bạn vẫn bị chảy máu âm đạo, bất kể là nhiều hay ít thì đều phải đến bệnh viện khám để đảm bảo không có gì nghiêm trọng xảy ra.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: phân biệt
Tin liên quan
Phân Biệt Kinh Nguyệt Và Sảy Thai
Phân Biệt Kinh Nguyệt Và Sảy Thai

Trong nhiều trường hợp, phụ nữ bị sảy thai từ trước khi biết mình có thai. Trong những trường hợp này thì các dấu hiệu sảy thai có thể bị nhầm lẫn với kỳ kinh nguyệt bình thường.

Phân biệt ra máu giữa chu kỳ và kinh nguyệt bình thường
Phân biệt ra máu giữa chu kỳ và kinh nguyệt bình thường

Thông thường, ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt không phải là điều đáng lo ngại nhưng có thể gây bất tiện và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

Những điều cần biết về rối loạn kinh nguyệt
Những điều cần biết về rối loạn kinh nguyệt

Rối loạn kinh nguyệt là điều bình thường trong giai đoạn dậy thì cũng như là quanh thời kỳ mãn kinh và không cần điều trị nhưng nếu tình trạng kinh nguyệt không đều xảy ra trong khoảng thời gian giữa hai giai đoạn này thì sẽ cần đến các phương pháp can thiệp.

Tại Sao Mang Thai Mà Vẫn Có Kinh Nguyệt?
Tại Sao Mang Thai Mà Vẫn Có Kinh Nguyệt?

Không thể nào có kinh nguyệt khi đã mang thai. Tuy nhiên, mẹ bầu có thể gặp các triệu chứng tương tự như kinh nguyệt trong ba tháng đầu tiên.

Lý do bị lỡ kinh nguyệt khi dùng thuốc tránh thai
Lý do bị lỡ kinh nguyệt khi dùng thuốc tránh thai

Thuốc tránh thai là biện pháp vô cùng hiệu quả để ngừa thai không mong muốn nếu sử dụng đúng cách. Trong thời gian dùng thuốc tránh thai, hiện tượng ra máu nhẹ hoặc vô kinh có thể là bình thường.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây