1

Lý do bị lỡ kinh nguyệt khi dùng thuốc tránh thai

Thuốc tránh thai là biện pháp vô cùng hiệu quả để ngừa thai không mong muốn nếu sử dụng đúng cách. Trong thời gian dùng thuốc tránh thai, hiện tượng ra máu nhẹ hoặc vô kinh có thể là bình thường.
Lý do bị lỡ kinh nguyệt khi dùng thuốc tránh thai Lý do bị lỡ kinh nguyệt khi dùng thuốc tránh thai

Nội dung chính của bài viết:

  • Lỡ kinh nguyệt trong thời gian dùng thuốc tránh thai thường không phải là điều đáng lo ngại. Nhưng nếu nghi ngờ mình đã có thai thì nên đi khám hoặc có thể thử thai tại nhà.

  • Ở nhiều phụ nữ, kinh nguyệt sẽ trở lại bình thường sau khi thực hiện một số thay đổi đơn giản trong thói quen hàng ngày.

  • Trong thời gian dùng thuốc tránh thai, hiện tượng ra máu nhẹ hoặc vô kinh có thể do nhiều nguyên nhân khác như: stress, thay đổi chế độ ăn uống hay tập thể dục. 

  • Thuốc tránh thai là biện pháp vô cùng hiệu quả để ngừa thai không mong muốn nếu sử dụng đúng cách. Tùy thuộc vào lý do cần dùng thuốc và các triệu chứng gặp phải mà bác sĩ sẽ kê loại thuốc phù hợp.

Nguyên nhân lỡ kinh nguyệt khi uống thuốc tránh thai

Uống thuốc tránh thai là một cách hiệu quả để tránh mang thai ngoài ý muốn và điều trị nhiều vấn đề liên quan đến hệ sinh dục nữ. Vì thuốc hoạt động bằng cách đưa các hormone khác nhau vào cơ thể nên sẽ ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của người dùng, ví dụ như ra máu ít hơn hay bị lỡ hẳn kỳ kinh. Hiện tượng kinh nguyệt không đến này được gọi là vô kinh. Tuy nhiên, còn có những nguyên nhân khác có thể khiến bạn bị lỡ kinh nguyệt khi sử dụng thuốc tránh thai.

1. Stress

Stress hay căng thẳng quá mức có thể ảnh hưởng đến cả thể chất và tinh thần. Phải chịu căng thẳng trong thời gian dài có thể làm suy giảm chức năng của vùng dưới đồi. Đây là một phần của não bộ có vai trò điều hòa sự sản sinh hormone. Giải quyết nguyên nhân gây căng thẳng và kiểm soát mức độ căng thẳng có thể giúp kinh nguyệt xuất hiện trở lại.

2. Thay đổi chế độ ăn uống

Những thay đổi trong thói quen ăn uống và giảm cân đột ngột có thể gây gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt. Cân nặng quá thấp, đặc biệt là những người thiếu 10% cân nặng trở lên, cũng có thể ngăn cơ thể rụng trứng và khiến chu kỳ kinh nguyệt diễn ra không đều. Những phụ nữ bị các chứng rối loạn ăn uống như chán ăn và chứng ăn - ói là những người có nguy cơ cao gặp phải vấn đề này.

3. Tập thể dục

Tập thể dục cường độ quá cao cũng có thể phá vỡ sự cân bằng hormone và khiến kinh nguyệt không đến. Tất nhiên, tập thể dục điều độ là một cách tuyệt vời để nâng cao sức khỏe và cải thiện vóc dáng. Tuy nhiên, việc thường xuyên phải tập luyện nặng, ví dụ như những vận động viên và vũ công chuyên nghiệp, sẽ gây giản đoạn chu kỳ kinh nguyệt bình thường.

4. Thuốc tránh thai hàng ngày

Nhiều phụ nữ lựa chọn sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày. Một số tên thuốc tránh thai hàng ngày phổ biến là Seasonale, Seasonique và Yaz. Với các loại thuốc này, người dùng sẽ uống liên tục toàn bộ các viên thuốc chứa thành phần hoạt tính (có công dụng tránh thai) trong 3 tháng, theo sau đó là một tuần dùng các viên giả dược (không chứa thành phần hoạt tính và không có công dụng tránh thai). Mặc dù có thể xảy ra hiện tượng ra máu giữa chu kỳ nhưng kinh nguyệt chỉ có thể đến 4 lần một năm và đó là những tuần dùng giả dược. Những phụ nữ tiêm thuốc tránh thai cũng có thể gặp hiện tượng vô kinh giống như thuốc tránh thai đường uống.

Lỡ kinh nguyệt có phải là dấu hiệu mang thai?

Mặc dù hiếm nhưng đôi khi vẫn có thể mang thai trong thời gian dùng các biện pháp kiểm soát sinh sản như thuốc tránh thai. Nếu bạn có quan hệ tình dục và chỉ thấy có hiện tượng ra máu nhỏ giọt thay vì hành kinh như hàng tháng hoặc lỡ kinh nguyệt hoàn toàn thì nên mua que thử hoặc đến bệnh viện làm xét nghiệm để kiểm tra xem có mang thai hay không. Đây là điều đặc biệt quan trọng khi không uống thuốc tránh thai đủ liều. Bạn có thể tự thử thai tại nhà nhưng que thử có thể cho kết quả dương tính giả hoặc âm tính giả. Nếu có kết quả thử thai dương tính thì nên bắt đầu dùng viên uống bổ sung vitamin trong thai kỳ (có axit folic) và đi khám ngay.

Các dấu hiệu sớm của thai kỳ gồm có:

  • Lỡ kinh nguyệt
  • Buồn nôn
  • Vú căng, đau, nhạy cảm
  • Mệt mỏi
  • Đau mỏi thắt lưng
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Thay đổi tâm trạng thất thường
  • Đầy bụng
  • Ra máu nhẹ
  • Nhạy cảm mùi và thay đổi khẩu vị

Những dấu hiệu này có thể xuất hiện từ rất sớm, ngay khi mới lỡ kinh nguyệt được 1 tuần. Chu kỳ kinh nguyệt được điều hòa bởi nồng độ nội tiết tố trong khi uống thuốc tránh thai và bạn sẽ gặp hiện tượng ra máu khoảng 28 ngày một lần. Dựa trên thông tin này và việc theo dõi kỳ kinh nguyệt, bạn sẽ phát hiện được khi kinh nguyệt bị trễ.

Hầu hết các trường hợp vẫn mang thai khi dùng thuốc tránh thai đều là do đã bỏ lỡ hai liều trở lên liên tiếp. Khi tiêm thuốc tránh thai, bạn cũng có thể mang thai nếu mũi tiêm bị muộn 1 – 2 ngày.

Thuốc tránh thai có tác dụng như thế nào?

Có hai loại thuốc tránh thai khác nhau. Loại thứ nhất kết hợp dạng tổng hợp của cả hai nội tiết tố nữ là estrogen và progesterone. Loại thứ hai là thuốc chỉ có progestin hay còn được gọi là minipill.

Thuốc tránh thai có thể được sử dụng để tránh mang thai ngoài ý muốn nhưng những loại thuốc này còn được sử dụng với mục đích khắc phục các vấn đề liên quan đến kinh nguyệt, chẳng hạn như các triệu chứng khó chịu (đau bụng, đau thắt lưng) và giảm mức độ ra máu ở những phụ nữ bị cường kinh (kinh nguyệt ra nhiều). Thuốc tránh thai thậm chí còn có thể được sử dụng để điều trị các vấn đề về da, chẳng hạn như mụn trứng cá.

Thuốc tránh thai phát huy tác dụng bằng nhiều cơ chế khác nhau, gồm có:

  • Ngăn cản sự rụng trứng
  • Làm cho dịch nhầy cổ tử cung dày lên để tinh trùng không thể dễ dàng tiếp cận đến trứng
  • Làm mỏng niêm mạc tử cung để tránh trứng sau khi thụ tinh bám vào làm tổ

Hầu hết các loại thuốc tránh thai đều có dạng vỉ 28 viên. 21 viên thuốc, tương dương với 3 tuần sử dụng đầu tiên có chứa hormone với công dụng tránh thai. 7 viên thuốc còn lại, tương dương với 1 tuần cuối chỉ là giả dược, có nghĩa là không chứa hormone và không có công dụng tránh thai. Cần uống thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày để duy trì lượng hormone ổn định trong cơ thể. Các viên giả dược giúp nhắc bạn nhớ uống thuốc mỗi ngày, bất kể là vào thời gian nào trong tháng.

Hiệu quả của thuốc tránh thai sẽ được tăng lên rất nhiều khi sử dụng đúng cách. Theo thử nghiệm, thuốc có thể cho hiệu quả ngừa thai lên đến 99% nếu được sử dụng vào cùng một thời điểm mỗi ngày và không bỏ lỡ một viên nào. Ngoài ra, bạn cũng phải bắt đầu vỉ mới vào đúng thời điểm mỗi tháng. Nếu bị tiêu chảy hoặc nôn mửa thì hiệu quả của thuốc tránh thai sẽ giảm đi. Một số loại thuốc đang dùng để điều trị bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của các biện pháp tránh thai nội tiết.

Khi bạn bỏ lỡ liều thì có thể gặp hiện tượng ra máu bất thường. Nhiều phụ nữ thường không uống đủ liều thuốc tránh thai nên hiệu quả không phải lúc nào cũng đạt đến 99%.

Khôi phục kinh nguyệt đều đặn

Nếu bạn bị lỡ kinh nguyệt trong thời gian uống thuốc tránh thai nhưng không bỏ lỡ liều nào thì khả năng mang thai là rất thấp. Có thể nguyên nhân là do lượng hormone trong thuốc tránh thai. Nếu tiếp tục bị lỡ thêm một kỳ kinh nguyệt nữa và luôn uống thuốc đầy đủ thì khả năng diễn ra sự thụ thai vẫn rất thấp. Tuy nhiên, nếu trong thời gian này mà bạn có quan hệ tình dục thì vẫn nên thử thai hoặc đến bệnh viện làm xét nghiệm.

Bác sĩ sẽ làm các phương pháp kiểm tra để tìm ra nguyên nhân đằng sau. Sau khi đã xác định chính xác nguyên nhân thì sẽ có thể khôi phục lại kinh nguyệt một cách bình thường bằng các biện pháp dưới đây:

  • Nếu đang phải chịu căng thẳng thì cần phải cố gắng giảm bớt và thử các biện pháp thư giãn như bài tập thở, tập thể dục, tập yoga, đi dạo hay dành thời gian cho những sở thích cá nhân.
  • Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh và giữ cân nặng trong phạm vi khỏe mạnh. Nếu nghi ngờ mình bị rối loạn ăn uống thì cần đi khám bác sĩ để được tư vấn phương pháp điều trị.
  • Tập thể dục cường độ vừa phải. Nếu bạn thường hay tập luyện cường độ cao thì hãy thử giảm cường độ đi một chút xem kinh nguyệt có diễn ra đều đặn hơn không.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: lý do, kinh nguyệt
Tin liên quan
Phân Biệt Hội Chứng Tiền Kinh Nguyệt Và Dấu Hiệu Mang Thai
Phân Biệt Hội Chứng Tiền Kinh Nguyệt Và Dấu Hiệu Mang Thai

Các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt rất giống với những dấu hiệu sớm của thai kỳ. Việc nhận biết nguyên nhân đằng sau những triệu chứng là điều rất quan trọng.

Quan hệ sau khi hết kinh nguyệt có thể mang thai không?
Quan hệ sau khi hết kinh nguyệt có thể mang thai không?

Việc theo dõi chu kỳ kinh nguyệt không chỉ giúp bạn biết được ngày ấy của mình bắt đầu khi nào, kéo dài bao lâu hay mức độ ra máu như thế nào mà còn giúp kiểm soát được khả năng mang thai.

Phân biệt máu báo thai và kinh nguyệt
Phân biệt máu báo thai và kinh nguyệt

Các dấu hiệu sớm của thai kỳ và hiện tượng kinh nguyệt rất dễ gây nhầm lẫn.

Phân Biệt Ra Máu Sau Phá Thai Và Kinh Nguyệt Có Thể Bạn Chưa Biết
Phân Biệt Ra Máu Sau Phá Thai Và Kinh Nguyệt Có Thể Bạn Chưa Biết

Chảy máu âm đạo sau khi phá thai là hiện tượng bình thường và có thể giống như là hành kinh hàng tháng nhưng hai hiện tượng này là khác nhau.

Phân Biệt Kinh Nguyệt Và Sảy Thai
Phân Biệt Kinh Nguyệt Và Sảy Thai

Trong nhiều trường hợp, phụ nữ bị sảy thai từ trước khi biết mình có thai. Trong những trường hợp này thì các dấu hiệu sảy thai có thể bị nhầm lẫn với kỳ kinh nguyệt bình thường.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây