Nước tiểu có màu vàng tươi là do đâu?
Nước tiểu bình thường có màu sắc từ vàng nhạt cho đến màu hổ phách. Màu của nước tiểu chủ yếu do sắc tố urochrom, hay còn gọi là urobilin.
Độ đặc loãng của nước tiểu hay nói cách khác là lượng nước và nồng độ các chất trong nước tiểu sẽ quyết định độ đậm nhạt của sắc tố này. Càng uống nhiều nước thì nước tiểu càng loãng và có màu càng nhạt.
Các sắc tố cũng như hợp chất hóa học trong các loại thực phẩm và thuốc cũng có thể làm thay đổi màu sắc nước tiểu. Những thay đổi này đa phần không đáng ngại và thường không kéo dài lâu.
Tuy nhiên, một số thay đổi về màu sắc nước tiểu lại có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn.
Nước tiểu bình thường có màu gì?
Màu sắc nước tiểu của mỗi người là khác nhau nhưng nước tiểu thường có màu vàng.
Màu của nước tiểu dao động từ vàng nhạt cho đến màu hổ phách đậm, tùy vào lượng nước uống. Khi uống nhiều nước và cơ thể có đủ nước thì nước tiểu sẽ loãng hơn và nhạt màu hơn so với khi uống ít nước và bị mất nước.
Nếu nước tiểu có màu bất thường, chẳng hạn như nước tiểu đục hoặc có màu nâu thì nên đi khám. Bạn cũng nên đi khám nếu nước tiểu có màu đỏ, xanh dương hoặc xanh lá cây.
Các nguyên nhân làm thay đổi màu nước tiểu
Như đã nói ở trên, màu nước tiểu thay đổi theo lượng nước uống. Khi uống nhiều nước, nước tiểu sẽ có màu rất nhạt và thậm chí gần như không màu. Càng uống ít nước thì nước tiểu sẽ càng sẫm màu.
Chế độ ăn uống, vitamin và khoáng chất
Chế độ ăn uống cũng có ảnh hưởng đến màu nước tiểu. Sắc tố tự nhiên của các loại thực phẩm như củ dền, thanh long ruột đỏ hay quả mọng có thể tương tác với sắc tố trong nước tiểu và tạo ra một màu sắc khác. Phẩm màu trong các loại thực phẩm chế biến sẵn cũng có thể tương tác với sắc tố trong nước tiểu.
Các vitamin nhóm B, chẳng hạn như riboflavin (vitamin B2) và cobalamin (vitamin B12), có thể khiến nước tiểu có màu vàng xanh huỳnh quang. Dùng thực phẩm chức năng hay vitamin tổng hợp có thể là nguyên nhân khiến nước tiểu có màu tươi.
Thức uống dinh dưỡng thay thế bữa ăn thường được bổ sung vitamin B và những sản phẩm này cũng có thể làm thay đổi màu nước tiểu.
Tình trạng thừa beta caroten hoặc vitamin C có thể khiến nước tiểu có màu vàng đậm hoặc cam. Beta caroten – một chất hữu cơ được chuyển đổi thành vitamin A trong cơ thể - có trong các loại thực phẩm màu vàng và cam như cà rốt, đu đủ và khoai lang.
Ngoài trái cây họ cam chanh, vitamin C còn có trong các loại thực phẩm khác như cà chua, dâu tây, ổi, ớt chuông và bông cải xanh.
Tập thể dục
Nếu không uống đủ nước sau khi tập thể dục và các hoạt động ra nhiều mồ hôi khác, cơ thể sẽ bị mất nước và điều này sẽ khiến nước tiểu trở nên sẫm màu. Tập thể dục cường độ cao mà không uống đủ nước có thể gây ra một tình trạng nghiêm trọng dẫn đến phân hủy mô cơ.
Điều này gây đau cơ và nước tiểu có màu nâu sậm như nước coca. Khi nhận thấy điều này thì phải đến bệnh viện khám ngay lập tức.
Thuốc
Các loại thuốc kê đơn và không kê đơn cũng có thể làm cho nước tiểu có màu tươi hơn bình thường, gồm có thuốc kháng sinh, thuốc nhuận tràng và một số loại thuốc hóa trị được sử dụng để điều trị bệnh ung thư.
Một ví dụ là phenazopyridine (Pyryidium) – một loại thuốc thường được sử dụng để điều trị triệu chứng khó chịu do nhiễm trùng đường tiết niệu. Một tác dụng phụ phổ biến của phenazopyridine là nước tiểu có màu cam.
Các loại thuốc khác như rifampin cũng có thể làm cho nước tiểu có màu cam tươi nhưng đa phần điều này là vô hại.
Vấn đề sức khỏe
Những thay đổi về màu sắc của nước tiểu có thể là dấu hiệu của các vấn đề về chức năng thận, gan hoặc bàng quang. Nước tiểu đục hoặc có mùi nồng có thể là do nhiễm trùng bàng quang hoặc thận, đặc biệt là khi còn có các triệu chứng khác như đau khi đi tiểu, sốt, nôn mửa và đau lưng.
Mang thai
Ở phụ nữ, nước tiểu màu vàng tươi có thể là dấu hiệu mang thai.
Các yếu tố nguy cơ
Tuổi tác và giới tính có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề ảnh hưởng đến màu nước tiểu. Ví dụ, người lớn tuổi có nguy cơ bị u thận hoặc u bàng quang cao hơn. Các vấn đề về thận hoặc bàng quang có thể gây chảy máu đường tiết niệu và điều này sẽ làm thay đổi màu nước tiểu.
Các bệnh lý nghiêm trọng hơn như ung thư cũng có thể gây chảy máu và khiến nước tiểu có màu hồng hoặc đỏ. Hãy đi khám ngay khi nhận thấy có máu trong nước tiểu để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Theo thống kê, có tới 60% phụ nữ bị nhiễm trùng đường tiết niệu ít nhất một lần trong đời. Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây triệu chứng tiểu ra máu và đổi màu nước tiểu. Nam giới có thể bị tiểu ra máu do phì đại tuyến tiền liệt.
Chảy máu đường tiết niệu ít gặp hơn ở trẻ em, mặc dù một số bệnh lý hiếm gặp có thể gây ra máu trong nước tiểu, ví dụ như ban xuất huyết Henoch-Schonlein, hội chứng ure huyết tán huyết và u nguyên bào thận (u Wilms).
Giống như ở người lớn, chảy máu đường tiết niệu ở trẻ em cũng có thể là dấu hiệu của một vấn đề nguy hiểm và cần phải đi khám ngay lập tức.
Chẩn đoán nguyên nhân khiến nước tiểu có màu bất thường
Hãy đi khám ngay khi nhận thấy nước tiểu có màu bất thường. Theo dõi và ghi lại các thông tin sau đây:
- Bắt đầu nhận thấy sự thay đổi màu nước tiểu từ khi nào?
- Gần đây có ăn loại thực phẩm nào có thể làm thay đổi màu nước tiểu không?
- Những loại thuốc hay thực phẩm chức năng đang dùng
- Gần đây có vận động quá sức không?
- Có thay đổi nào về chất lượng giấc ngủ không?
- Tiểu tiện và đại tiện có bình thường không?
- Có bị phát ban không?
- Gần đây có bị đau đầu không?
- Thị lực có gì thay đổi không?
- Có bị sụt cân không?
- Có hút thuốc không?
Những thông tin này sẽ giúp bác sĩ xác định nguyên nhân khiến nước tiểu có màu bất thường.
Bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử và khám lâm sàng. Dựa trên những thông tin về triệu chứng, bệnh sử và kết quả khám bước đầu, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm nước tiểu hoặc xét nghiệm máu.
- Xét nghiệm nước tiểu giúp phát hiện sự hiện diện của hồng cầu, đo nồng độ protein và xác định những chất thải bài tiết trong nước tiểu. Nếu phát hiện vi khuẩn trong mẫu nước tiểu thì sẽ phải cấy nước tiểu.
- Xét nghiệm máu giúp đánh giá chức năng thận và mức men gan. Kết quả xét nghiệm sẽ cung cấp thông tin về nguyên nhân gây ra sự thay đổi màu nước tiểu.
Điều trị nước tiểu có màu bất thường
Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân khiến nước tiểu có màu bất thường. Nếu nước tiểu có màu vàng sậm do mất nước thì chỉ cần uống nhiều nước là màu nước tiểu sẽ trở về bình thường. Còn nếu nguyên nhân là do vấn đề sức khỏe thì sẽ phải điều trị vấn đề đó.
Tóm tắt bài viết
Có nhiều nguyên nhân làm thay đổi màu nước tiểu, chẳng hạn như một số loại thực phẩm, thuốc men, thực phẩm chức năng, mang thai, hoạt động thể chất và vấn đề sức khỏe.
Nước tiểu màu vàng tươi có thể là do ăn một số loại rau củ quả có chứa sắc tố tự nhiên, uống bổ sung vitamin, dùng thuốc hay mang thai.
Nếu nước tiểu có màu vàng đậm thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị mất nước và cần phải uống nhiều nước hơn.
Uống đủ nước mỗi ngày là điều rất quan trọng. Uống đủ nước không chỉ có lợi cho các cơ quan trong đường tiết niệu mà còn giúp tăng cường sức khỏe tổng thể.
Màu nước tiểu có thể thay đổi do loại thuốc đang dùng. Điều này đa phần là vô hại và không cần thiết phải dừng thuốc.
Nước tiểu có mùi ngọt hoặc mùi trái cây có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng. Có nhiều nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi ngọt. Do cơ thể đào thải vi khuẩn, glucose, axit amin và nhiều chất khác vào nước tiểu nên mùi nước tiểu sẽ thay đổi theo tình trạng sức khỏe. Nếu đột nhiên nhận thấy nước tiểu có mùi ngọt thì bạn nên đi khám ngay.
Xét nghiệm nước tiểu là xét nghiệm giúp phát hiện hoặc theo dõi các vấn đề sức khỏe biểu hiện qua nước tiểu.
Chức năng chính của thận là lọc máu và duy trì cân bằng điện giải trong cơ thể. Xét nghiệm tỷ trọng nước tiểu là một cách nhanh chóng để đánh giá hoạt động của thận. Xét nghiệm tỷ trọng nước tiểu có thể giúp phát hiện nhiều vấn đề như mất nước hoặc thừa nước, suy tim, đái tháo nhạt, suy thận và nhiễm trùng thận.
Đo lượng nước tiểu 24 giờ là phương pháp đo thể tích nước tiểu mà cơ thể tạo ra trong vòng một ngày và phân tích những gì có trong nước tiểu. Đó là một quy trình không xâm lấn và cách thực hiện rất đơn giản nhưng có thể giúp chẩn đoán các vấn đề về chức năng thận.
Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm nồng độ nước tiểu nếu lượng tiểu quá nhiều hoặc quá ít. Xét nghiệm này giúp xác định các vấn đề về thận.