Nốt thấp khớp điều trị bằng cách nào?
Nốt thấp khớp là gì?
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn dịch xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể tấn công lớp màng bao phủ bên trong bao khớp gọi là màng hoạt dịch. Tình trạng này có thể gây hình thành các nốt sần cứng gọi là nốt thấp khớp ở nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể, chẳng hạn như:
- Bàn tay
- Bàn chân
- Cổ tay
- Khuỷu tay
- Mắt cá chân
Đôi khi, nốt thấp khớp còn hình thành ở phổi.
Nguyên nhân gây nốt thấp khớp
Các chuyên gia chưa lý giải được nguyên nhân chính xác gây hình thành nốt thấp khớp. Thông thường, nốt thấp khớp xuất hiện sau khi mắc bệnh viêm khớp dạng thấp được vài năm. Cấu tạo nốt thấp khớp gồm có các thành phần sau:
- Fibrin: loại protein đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông máu và có thể là kết quả của tổn thương mô.
- Tế bào viêm: bệnh viêm khớp dạng thấp gây viêm trong cơ thể và điều này dẫn đến sự hình thành các nốt sần.
- Tế bào da chết: các tế bào da chết từ protein trong cơ thể có thể tích tụ trong các nốt sần.
Các nốt thấp khớp có thể trông giống như triệu chứng của một số bệnh khác như u nang biểu bì hay hạt tophi do bệnh gút. Viêm bao hoạt dịch mỏm khuỷu có thể gây nổi cục đau đớn ở khuỷu tay nhưng các dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng này thường khác với nốt thấp khớp.
Nốt thấp khớp hình thành ở vị trí nào trên cơ thể?
Nốt thấp khớp có thể hình thành ở các vị trí như:
- Gót chân
- Mặt bên ngoài của khuỷu tay
- Ngón tay
- Khớp đốt ngón tay
Đây là những khu vực thường phải chịu áp lực trên cơ thể.
Trong một số trường hợp, nốt thấp khớp hình thành ở các khu vực khác như phổi hoặc dây thanh đới.
Mặc dù nghe có vẻ nguy hiểm nhưng nốt thấp khớp hình thành trong phổi thường vô hại, không gây ra triệu chứng và đa phần không cần điều trị. Tuy nhiên vẫn cần thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để loại trừ các vấn đề về phổi khác.
Ở những người bị giảm khả năng vận động và phải nằm trên giường trong thời gian dài, nốt thấp khớp có thể hình thành ở những vị trí như hông, chân, xương cùng và sau đầu.
Đặc điểm của nốt thấp khớp
Nốt thấp khớp có kích thước rất đa dạng, từ chỉ khoảng 2mm cho đến khoảng 5cm. Nốt thấp khớp thường có hình tròn nhưng đôi khi có rìa không đều.
Nốt thấp khớp thường cứng và có thể dịch chuyển nhưng đôi khi nốt thấp khớp liên kết với các mô hoặc gân bên dưới da và không dịch chuyển.
Nếu không đụng chạm, nốt thấp khớp thường không đau nhức nhưng có thể đau khi chạm tay lên. Điều này thường xảy ra vào các đợt bùng phát viêm khớp dạng thấp.
Ở một số khu vực nhất định, nốt thấp khớp có kích thước lớn có thể chèn lên các dây thần kinh đó. Điều này có thể gây đau, tê hoặc giảm khả năng cử động tay, chân.
Nốt thấp khớp có các kích thước, hình dạng và hình thành ở vị trí khác nhau trên cơ thể. Người bệnh có thể có một nốt thấp khớp hoặc có nhiều nốt thấp khớp cùng lúc.
Ai có nguy cơ bị nốt thấp khớp?
Bất cứ ai bị bệnh viêm khớp dạng thấp đều có thể bị nốt thấp khớp nhưng một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ hình thành các nốt sần này, gồm có:
- Viêm khớp dạng thấp nghiêm trọng: tình trạng viêm khớp dạng thấp càng nghiêm trọng thì càng có nhiều nốt thấp khớp.
- Yếu tố dạng thấp: Những người có nốt thấp khớp thường có yếu tố dạng thấp (RF) trong máu. Người bệnh có thể cần làm xét nghiệm máu để kiểm tra yếu tố dạng thấp.
- Kháng thể kháng CCP: Đây cũng là một yếu tố có thể phát hiện qua xét nghiệm máu. Những người có nốt thấp khớp thường có một loại kháng thể gọi là kháng thể kháng CCP (anti-CCP) trong máu.
- Hút thuốc: Những người hút thuốc lá có nguy cơ bị nốt thấp khớp cao hơn.
- Các biến chứng khác của viêm khớp dạng thấp: Nốt thấp khớp phổ biến hơn ở những người có các biến chứng khác của bệnh viêm khớp dạng thấp, chẳng hạn như bệnh phổi và viêm mạch máu.
Nốt thấp khớp do thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp
Một số bằng chứng cho thấy rằng methotrexate - một loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp phổ biến - có thể gây hình thành nốt thấp khớp.
Nốt thấp khớp do loại thuốc này gây ra thường có dạng các nốt sần nhỏ xuất hiện nhanh chóng, tạo thành cụm ở bàn tay, bàn chân hoặc tai. Nếu các nốt sần này gây ra vấn đề thì sẽ phải điều chỉnh thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp.
Nốt thấp khớp có tự biến mất không?
Ở một số người bị viêm khớp dạng thấp, các nốt thấp khớp tự biến mất nhưng cũng có nhiều trường hợp các nốt thấp khớp tăng kích thước. Không thể dự đoán được các nốt thấp khớp sẽ thay đổi như thế nào theo thời gian.
Nếu phát sinh vấn đề thì sẽ phải điều trị để thu nhỏ hoặc loại bỏ nốt thấp khớp.
Điều trị nốt thấp khớp
Đôi khi, nốt thấp khớp tự hết và nếu nốt thấp khớp không gây triệu chứng thì không cần phải điều trị. Nhưng nếu nốt thấp khớp gây đau hoặc hạn chế cử động thì sẽ cần phải can thiệp điều trị.
Dùng thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD) có thể giúp giảm kích thước của nốt thấp khớp.
Đôi khi cần sử dụng corticoid dạng tiêm liều thấp để thu nhỏ các nốt thấp khớp gây đau.
Một số trường hợp cần phẫu thuật để loại bỏ nốt thấp khớp, ví dụ như khi nốt thấp khớp gây ra biến chứng. Tuy nhiên, nốt thấp khớp có thể quay lại sau phẫu thuật.
Cách tự nhiên để điều trị nốt thấp khớp
Có một số biện pháp tự nhiên giúp giảm đau và các triệu chứng khác của bệnh viêm khớp dạng thấp. Mặc dù hiệu quả của nhiều biện pháp trong số này vẫn chưa được nghiên cứu khoa học chứng minh nhưng hầu hết đều an toàn nên người bệnh có thể thử xem sao.
Tuy nhiên, không có biện pháp điều trị tự nhiên nào được chứng minh là có tác dụng với nốt thấp khớp.
Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thử bất kỳ phương pháp điều trị tự nhiên nào.
Đặc biệt thận trọng khi sử dụng thảo dược hoặc thực phẩm chức năng để điều trị bệnh viêm khớp. Những sản phẩm này có thể gây ra tác dụng phụ hoặc tương tác với các loại thuốc đang dùng.
Nếu xuất hiện nốt thấp khớp ở các điểm chịu áp lực như khuỷu tay thì nên tránh đụng chạm và chèn ép lên các khu vực đó. Người bệnh nên chú ý khi thực hiện các hoạt động hàng ngày hoặc sử dụng đệm bảo vệ khớp.
Khi nào cần đi khám?
Đa phần thì nốt thấp khớp không nguy hiểm nhưng nếu phát sinh biến chứng thì sẽ cần phải điều trị. Các biến chứng phổ biến nhất là đau đớn và nhiễm trùng.
Ở những khu vực phải chịu áp lực lớn, chẳng hạn như bàn chân, vùng da trên các nốt thấp khớp có thể bị kích ứng hoặc nhiễm trùng với biểu hiện là tấy đỏ, đau và nóng.
Nốt thấp khớp bị nhiễm trùng cần phải điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Hãy đi khám ngay nếu bị đau đớn dữ dội ở vị trí có nốt thấp khớp hoặc nốt thấp khớp gây ảnh hưởng đến khả năng cử động.
Nốt thấp khớp ở lòng bàn chân có thể gây khó khăn khi đi lại, ảnh hưởng đến dáng đi hoặc làm tăng áp lực lên các khớp khác, điều này có thể dẫn đến đau đầu gối, hông hoặc thắt lưng.
Tóm tắt bài viết
Nốt thấp khớp là những nốt sần hình thành dưới da tại một số khu vực ở người bị bệnh viêm khớp dạng thấp. Nốt thấp khớp đa phần vô hại và không cần điều trị nhưng nếu gây đau, nhiễm trùng hoặc giảm khả năng cử động thì sẽ cần phải can thiệp điều trị. Các phương pháp điều trị gồm có dùng thuốc hoặc phẫu thuật.
Các đợt tái phát viêm khớp dạng thấp hay còn gọi là đợt viêm khớp dạng thấp cấp tính thường khó dự đoán và có thể kéo dài từ một ngày đến một năm nếu không được điều trị. Tuy rằng không có cách nào chữa khỏi được bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng có nhiều cách để làm giảm các triệu chứng khi bệnh tái phát, gồm có dùng thuốc và các biện pháp khắc phục tại nhà như chườm nóng và nghỉ ngơi.
Quá trình chẩn đoán viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) thường mất nhiều thời gian. Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng viêm khớp dạng thấp thường giống như triệu chứng của các bệnh khác như bệnh lupus hoặc các bệnh mô liên kết khác.
Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở đốt sống thứ nhất và thứ hai ở cổ. Tình trạng này gây đau, cứng khớp và mất vững cột sống.
Viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) là một bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch của cơ thể tấn công các khớp. Điều này gây ra tình trạng sưng, đau và cứng khớp. Ngoài ra, sự tấn công của hệ miễn dịch còn gây hình thành mô bất thường ở khớp, tạo thành những nốt sần cứng gọi là nốt dạng thấp.
Kháng thể đơn dòng là một loại thuốc sinh học được sử dụng để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp khi các loại thuốc khác không hiệu quả. Kháng thể đơn dòng giúp điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp thông qua nhiều cơ chế khác nhau.