1

Nốt dạng thấp là gì? Điều trị bằng cách nào?

Viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) là một bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch của cơ thể tấn công các khớp. Điều này gây ra tình trạng sưng, đau và cứng khớp. Ngoài ra, sự tấn công của hệ miễn dịch còn gây hình thành mô bất thường ở khớp, tạo thành những nốt sần cứng gọi là nốt dạng thấp.
Nốt dạng thấp là gì? Điều trị bằng cách nào? Nốt dạng thấp là gì? Điều trị bằng cách nào?

Nốt dạng thấp có thể lan đến xương và sụn, phá hỏng sụn, mất xương, gây viêm và đau.

Mặc dù có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trong cơ thể nhưng bệnh viêm khớp dạng thấp chủ yếu xảy ra ở khớp bàn tay, cổ tay và ngón tay.

Nốt dạng thấp hình thành như thế nào?

Các tế bào do hệ miễn dịch gửi đến không chỉ tấn công khớp mà còn tấn công cả các mô xung quanh khớp. Lớp mô bao phủ mặt trong của bao khớp là màng hoạt dịch hay túi hoạt dịch (bên trong chứa chất nhầy giúp bôi trơn khớp). Màng hoạt dịch có độ dày chỉ bằng vài tế bào máu.

Ở người bị viêm khớp dạng thấp, các tế bào bạch cầu tấn công màng hoạt dịch, điều này làm giải phóng các protein kích thích sự hình thành mạch máu mới trong màng hoạt dịch, dẫn đến tăng lưu lượng máu đến màng hoạt dịch. Điều này thúc đẩy mô phát triển với tốc độ nhanh.

Màng hoạt dịch sẽ dày lên và lấp khoảng trống nhỏ giữa khớp và xương. Nốt dạng thấp có thể thô ráp và hình dạng không đều, cuối cùng sẽ bao phủ xương và sụn.

Ở giai đoạn đầu của bệnh viêm khớp dạng thấp, nốt dạng thấp thường hình thành ở các khớp nhỏ, chẳng hạn như cổ tay, bàn tay và bàn chân.

Nốt dạng thấp cũng có thể hình thành ở giác mạc, van tim nhân tạo và bụng. Theo thời gian, nốt dạng thấp có thể trông giống như khối u và hình thành ở các khớp lớn hơn ở giai đoạn sau của bệnh viêm khớp dạng thấp, bao gồm cả khớp gối và khớp vai.

Biến chứng của nốt dạng thấp

Nốt dạng thấp có thể phá hỏng xương và sụn theo thời gian. Nếu không được điều trị, các nốt dạng thấp có thể gây:

  • đau đớn
  • tổn thương gân không thể phục hồi
  • tổn thương tủy xương
  • mất xương
  • biến dạng khớp vĩnh viễn

Màng hoạt dịch tạo ra một lượng nhỏ chất nhầy để bôi trơn khớp. Sự hình thành nốt dạng thấp có thể khiến màng hoạt dịch tạo ra quá nhiều chất nhầy và điều này có thể gây viêm, sưng khớp cũng như phá hỏng các cấu trúc trong khớp.

Điều trị viêm khớp dạng thấp

Việc điều trị viêm khớp dạng thấp phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) là những giải pháp điều trị phổ biến để giảm viêm và đau. Các loại thuốc này có dạng viên uống, miếng dán ngoài da và thuốc bôi.

Bác sĩ có thể kê thuốc corticoid để giảm viêm và làm chậm sự phát triển của nốt dạng thấp. Một số loại corticoid được sử dụng phổ biến trong điều trị viêm khớp dạng thấp gồm có:

  • prednisone
  • prednisolone
  • methylprednisolone

Những loại thuốc này chỉ được dùng trong thời gian ngắn. Mặc dù có hiệu quả nhưng corticoid có thể gây ra một số tác dụng phụ nếu dùng lâu dài, chẳng hạn như:

  • Tăng nhãn áp
  • Sưng phù chân
  • Cao huyết áp
  • Tăng cân
  • Suy giảm nhận thức
  • Tăng đường huyết
  • Loãng xương
  • Dễ bầm tím

Các loại thuốc khác

Bên cạnh thuốc chống viêm không steroid và corticoid để giảm viêm và đau, người bệnh có thể cần dùng các loại thuốc nhắm trực tiếp đến bệnh viêm khớp dạng thấp, gồm có thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD) và thuốc sinh học. Những loại thuốc này giúp ngăn chặn sự phá hủy khớp.

DMARD được sử dụng để ngăn chặn phản ứng viêm và ngăn khớp bị tổn thương thêm. Có nhiều loại DMARD và mỗi loại có cơ chế tác dụng khác nhau.

Hydroxychloroquine là một loại DMARD ban đầu vốn được sử dụng để điều trị bệnh sốt rét nhưng hiện nay được dùng để điều trị bệnh lupus, bệnh Sjogren và viêm khớp dạng thấp. Thuốc này được dùng qua đường uống, có tác dụng giảm sưng do viêm khớp dạng thấp và còn giúp ngăn ngừa tổn thương khớp.

Cơ chế tác dụng của hydroxychloroquine là làm giảm các protein gây viêm (cytokine) và ức chế các bước kích hoạt sớm trong phản ứng miễn dịch. Nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu thêm về cơ chế tác dụng của loại thuốc này.

Methotrexate là một trong những loại DMARD được sử dụng sớm nhất và hiện vẫn được coi là “tiêu chuẩn vàng” trong điều trị viêm khớp dạng thấp. Khi vào cơ thể, loại thuốc này sẽ chuyển đổi thành methotrexate polyglutamate giúp giảm sưng và viêm.

Các DMARD khác còn có:

  • azathioprine (Imuran)
  • cyclophosphamide
  • leflunomide (Arava)
  • mycophenolate mofetil
  • sulfasalazine (Azulfidine)
  • apremilast (Otezla)
  • tofacitinib (Xeljanz)
  • baricitinib (Olumiant)

Một nhóm DMARD khác là thuốc sinh học. Các loại thuốc sinh học được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp gồm có:

  • etanercept (Enbrel)
  • infliximab (Remicade)
  • adalimumab (Humira)
  • golimumab (Simponi)
  • certolizumab pegol (Cimzia)
  • anakinra (Kineret)
  • tocilizumab (Actemra)
  • rituximab (Rituxan)
  • abatacept (Orencia)

Steroid đôi khi cũng được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp. Steroid được tiêm trực tiếp vào khớp, giúp làm giảm triệu chứng một cách nhanh chóng. Steroid thường được sử dụng khi mới bắt đầu điều trị vì hầu hết các loại thuốc trị viêm khớp dạng thấp đều phải mất vài tuần mới phát huy tác dụng.

Steroid giúp giảm đau hiệu quả cho các khớp được tiêm với tác dụng phụ ngắn hạn ở mức tối thiểu. Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp tiêm steroid thường giảm dần theo thời gian và việc dùng steroid liên tục trong thời gian dài có thể gây hại.

Trong những trường hợp viêm khớp dạng thấp nghiêm trọng, người bệnh có thể phải phẫu thuật thay khớp hoặc cắt bỏ màng hoạt dịch nhằm phục hồi khả năng vận động và giảm đau. Trong ca phẫu thuật thay khớp, khớp bị hỏng sẽ được thay thế bằng khớp nhân tạo bằng kim loại và nhựa.

Các phương pháp điều trị không dùng thuốc

Có một số cách giúp giảm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp.

Điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống là một điều cần thiết để kiểm soát bệnh viêm khớp dạng thấp. Theo một nghiên cứu vào năm 2017, 24% người bị viêm khớp dạng thấp cho biết chế độ ăn uống có tác động đáng kể đến các triệu chứng bệnh.

Người bị viêm khớp dạng thấp nên ăn nhiều loại thực phẩm có tác dụng chống viêm và thường xuyên tập các bài tập tác động thấp như đi bộ hoặc bơi lội. Một số nghiên cứu cho thấy rằng các hình thức tập luyện như yoga hoặc thái cực quyền có thể giúp giảm triệu chứng viêm khớp dạng thấp và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Chườm nóng hoặc lạnh lên khớp có thể giúp giảm đau, cứng và sưng khớp. Người bệnh cũng có thể cân nhắc các phương pháp điều trị như châm cứu và xoa bóp để giảm đau và cải thiện khả năng vận động.

Tóm tắt bài viết

Viêm khớp dạng thấp gây sưng đau, cứng khớp và hình thành nốt dạng thấp. Nốt dạng thấp làm hỏng sụn, xương, giảm chức năng khớp và khả năng vận động.

Các phương pháp điều trị gồm có thuốc chống viêm, thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm, steroid và phẫu thuật.

Bên cạnh dùng thuốc, người bệnh cũng nên điều chỉnh chế độ ăn uống và thói quen sống để kiểm soát tình trạng bệnh. Duy trì chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa có thể giúp giảm viêm khớp. chú ý đến các hoạt động hàng ngày và nghỉ ngơi hợp lý để tránh gây áp lực lên khớp và làm tăng nặng các triệu chứng.

Nếu thấy các triệu chứng nặng thêm hoặc khớp bị biến dạng thì cần đi khám để điều chỉnh phương pháp điều trị.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Viêm khớp dạng thấp được chẩn đoán bằng cách nào?
Viêm khớp dạng thấp được chẩn đoán bằng cách nào?

Quá trình chẩn đoán viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) thường mất nhiều thời gian. Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng viêm khớp dạng thấp thường giống như triệu chứng của các bệnh khác như bệnh lupus hoặc các bệnh mô liên kết khác.

Viêm khớp dạng thấp ở cổ: Triệu chứng và cách điều trị
Viêm khớp dạng thấp ở cổ: Triệu chứng và cách điều trị

Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở đốt sống thứ nhất và thứ hai ở cổ. Tình trạng này gây đau, cứng khớp và mất vững cột sống.

Điều trị viêm khớp dạng thấp bằng kháng thể đơn dòng
Điều trị viêm khớp dạng thấp bằng kháng thể đơn dòng

Kháng thể đơn dòng là một loại thuốc sinh học được sử dụng để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp khi các loại thuốc khác không hiệu quả. Kháng thể đơn dòng giúp điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp thông qua nhiều cơ chế khác nhau.

Viêm khớp dạng thấp ở đầu gối: Triệu chứng và cách điều trị
Viêm khớp dạng thấp ở đầu gối: Triệu chứng và cách điều trị

Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trong cơ thể, bao gồm cả khớp gối. Tuy rằng không có cách chữa khỏi bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng có nhiều phương pháp điều trị có thể giúp giảm bớt các triệu chứng.

Nốt thấp khớp điều trị bằng cách nào?
Nốt thấp khớp điều trị bằng cách nào?

Nốt thấp khớp là những nốt sần hình thành dưới da hoặc ở các khu vực khác ở người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Nốt thấp khớp thường vô hại nhưng có thể gây đau đớn. Đôi khi, nốt thấp khớp có thể dẫn đến biến chứng.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây