1

Những thực phẩm và đồ uống cần tránh khi bị viêm khớp

Một số loại thực phẩm và đồ uống có thể làm tăng nguy cơ viêm khớp hoặc làm cho các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống có đường.
Những thực phẩm và đồ uống cần tránh khi bị viêm khớp Những thực phẩm và đồ uống cần tránh khi bị viêm khớp

Nếu bạn bị viêm khớp, việc lựa chọn chế độ ăn uống phù hợp không chỉ giúp kiểm soát các triệu chứng mà còn có thể làm giảm nguy cơ biến chứng, tăng cường sức khỏe tổng thể và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Có hơn 100 loại viêm khớp nhưng thoái hóa khớp (osteoarthritis) là loại phổ biến nhất. Các loại viêm khớp khác gồm có viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis), viêm khớp vẩy nến (psoriatic arthritis) và bệnh gout.

Những gì bạn ăn và uống khi bị viêm khớp sẽ có ảnh hưởng đến các triệu chứng bệnh cũng như sức khỏe tổng thể. Vậy khi bị viêm khớp nên tránh những loại thực phẩm và đồ uống nào?

Những thực phẩm cần tránh khi bị viêm khớp

1. Đường bổ sung

Tất cả mọi người đều nên hạn chế tiêu thụ đường nhưng điều này đặc biệt quan trọng đối với những người bị viêm khớp. Đường bổ sung là đường được thêm và thực phẩm và đồ uống để tăng hương vị, kết cấu, hạn sử dụng hoặc các đặc tính khác. Đường bổ sung có trong rất nhiều loại đồ uống và thực phẩm chế biến sẵn như bánh kẹo, nước ngọt, kem và có trong cả những nguyên liệu nấu ăn như xốt salad, xốt ướp thịt nướng, tương cà chua… Ngay cả những sản phẩm mà bạn nghĩ là không có đường cũng có thể chứa một lượng nhỏ đường bổ sung.

Trong một nghiên cứu trên 217 người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, những người tham gia đã được phát một danh sách gồm hơn 20 loại thực phẩm khác nhau và được yêu cầu chọn ra những loại thực phẩm mà họ cho là có thể làm tăng nặng các triệu chứng. Nước ngọt có ga và đồ ngọt như bánh kẹo là hai loại thực phẩm và đồ uống được lựa chọn nhiều nhất.

2. Thịt đỏ và thịt chế biến sẵn

Một số nghiên cứu cho thấy ăn thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có thể làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể và làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm khớp.

Cụ thể, những người ăn nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có nồng độ interleukin-6 (IL-6), protein phản ứng C (CRP) và homocysteine cao hơn. Đây là những marker của phản ứng viêm.

Nghiên cứu trên 217 người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp được đề cập bên trên cũng cho thấy ăn thịt đỏ khiến cho các triệu chứng viêm khớp dạng thấp trở nên nghiêm trọng hơn.

Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2019 đã kết luận rằng chế độ ăn dựa trên thực vật không có thịt đỏ có thể giúp làm giảm các triệu chứng viêm khớp.

Trong khi đó, một nghiên cứu được công bố vào năm 2022 đã phát hiện ra rằng những người ăn nhiều thịt chế biến sẵn có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn so với những người ăn nhiều cá và hải sản. Tuy nhiên, các tác giả nghiên cứu chưa đánh giá được tác động của chế độ ăn nhiều thịt đỏ hoặc thịt gia cầm đến nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp.

3. Thực phẩm chứa gluten

Gluten là một nhóm protein có trong lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen và một số loại ngũ cốc khác. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn thực phẩm chứa gluten có thể làm tăng tình trạng viêm và việc kiêng gluten có thể làm giảm các triệu chứng viêm khớp.

Những người mắc bệnh celiac (không dung nạp gluten) có nguy cơ bị viêm khớp dạng thấp cao hơn những người không mắc bệnh celiac.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn thuần chay, không chứa gluten có thể làm giảm mức độ hoạt động của bệnh viêm khớp dạng thấp và cải thiện tình trạng viêm.

Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác nhận liệu chế độ ăn không chứa gluten có mang lại lợi ích cho người bị viêm khớp hay không.

4. Thực phẩm siêu chế biến

Thực phẩm siêu chế biến là những thực phẩm được chế biến công nghiệp, thường có từ 5 thành phần trở lên. Một số ví dụ về thực phẩm siêu chế biến là mì ăn liền, xúc xích, đồ hộp, bánh kẹo, đồ ăn vặt đóng gói, nước ngọt… Các loại thực phẩm siêu chế biến thường chứa nhiều carb tinh chế, đường bổ sung, chất bảo quản, fructose và các thành phần gây viêm khác. Tất cả đều có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh viêm khớp.

Nghiên cứu cho thấy ăn nhiều thực phẩm siêu chế biến làm tăng viêm trong cơ thể và làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Ăn nhiều thực phẩm siêu chế biến còn có thể dẫn đến béo phì và đây cũng là một yếu tố nguy cơ của bệnh viêm khớp dạng thấp.

Ngoài ra, theo một nghiên cứu trên 56 người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, ăn nhiều thực phẩm siêu chế biến đã làm gia tăng các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, gồm có tăng HbA1c, một chỉ số phản ánh lượng glucose trong máu gắn với hemoglobin trong ba tháng qua.

Như vậy, ăn nhiều thực phẩm siêu chế biến có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe tổng thể và làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý.

5. Một số loại dầu thực vật

Chế độ ăn nhiều axit béo omega-6 và ít axit béo omega-3 có thể làm trầm trọng thêm tình trạng đau đầu gối, một triệu chứng thường gặp của bệnh thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp.

Mặc dù những axit béo này đều cần thiết cho sức khỏe nhưng sự mất cân bằng giữa axit béo omega-6 và omega-3 trong chế độ ăn có thể làm tăng viêm trong cơ thể.

Axit béo omega-3 có trong các loại cá béo như cá hồi, các loại hạt có dầu như vừng và rau xanh, trong khi axit béo omega-6 có trong bơ thực vật, mỡ động vật và các loại dầu ăn như dầu ngô, dầu hướng dương và dầu đậu nành.

Chế độ ăn có lượng axit béo omega-6 và omega-3 cân bằng có thể cải thiện các triệu chứng viêm khớp.

Tỷ lệ axit béo omega-6/omega-3 lý tưởng trong chế độ ăn là 2:1 đến 1:1.

6. Thực phẩm chứa nhiều muối

Giảm ăn muối không chỉ cần thiết đối với những người mắc bệnh thận và tim mạch mà còn tốt cho những người bị viêm khớp.

Một số loại thực phẩm chứa nhiều muối gồm có hải sản, đồ hộp, thịt muối, rau củ muối chua, ô mai, mì ăn liền, đồ ăn vặt đóng gói,…

Một nghiên cứu trên chuột vào năm 2019 phát hiện ra rằng bệnh viêm khớp nghiêm trọng hơn ở những con chuột được cho ăn nhiều muối so với những con được cho ăn ít muối.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng tiêu thụ nhiều natri (thành phần chính trong muối ăn) có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp ở người. Điều này có thể một phần là do muối kích thích phản ứng miễn dịch và dẫn đến viêm.

Trong khi đó, một nghiên cứu vào năm 2015 đã tổng hợp thông tin của 18.555 người và nhận thấy chế độ ăn có hàm lượng natri cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.

7. Thực phẩm chứa nhiều AGE

Sản phẩm glycat hóa bền vững (advanced glycation end product - AGE) là các phân tử được tạo ra từ phản ứng giữa đường và protein hoặc chất béo. AGE có tự nhiên trong các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật và hình thành trong một số phương pháp nấu nướng nhất định.

Một số loại thực phẩm chứa nhiều AGE gồm có:

  • Thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt gà, bò, lợn. hàm lượng AGE trong những thực phẩm này sẽ tăng lên khi được chiên, quay, nướng hoặc áp chảo
  • Khoai tây chiên
  • Phô mai
  • Bơ thực vật
  • Mayonaise

Lượng AGE trong cơ thể ở mức cao sẽ dẫn đến tình trạng stress oxy hóa và viêm. Stress oxy hóa và sự hình thành AGE có thể đẩy nhanh tốc độ tiến triển của bệnh viêm khớp.

Những người bị viêm khớp, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp có thể có lượng AGE trong cơ thể cao hơn so với những người không bị viêm khớp. Sự tích lũy AGE trong xương và khớp có thể góp phần gây ra hoặc làm tăng tốc độ tiến triển của bệnh thoái hóa khớp.

Do đó, nên thay thực phẩm có lượng AGE cao bằng thực phẩm toàn phần như rau củ, trái cây, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt và cá để làm giảm lượng AGE trong cơ thể.

Những đồ uống cần tránh khi bị viêm khớp

1. Rượu vang đỏ và các loại rượu khác

Mặc dù rượu vang đỏ có chứa resveratrol, một chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe nhưng uống rượu, bất kể là loại nào, cũng có những tác hại nhất định.

Tuy rằng cần nghiên cứu thêm để xác định tác động của rượu đến bệnh viêm khớp nhưng các nhà khoa học không khuyến khích uống rượu để ngăn ngừa hay điều trị viêm khớp.

Dưới đây là một số phát hiện của các nghiên cứu:

  • Uống rượu từ một lần trở lên mỗi tuần có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp.
  • Uống rượu làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể và điều nàycó thể dẫn đến bệnh gout.
  • Một nghiên cứu vào năm 2019 cho thấy uống rượu có thể khiến cho cột sống bị hỏng nặng thêm ở những người bị viêm cột sống dính khớp thể trục.
  • Nghiên cứu vào năm 2021 đã phát hiện ra rằng những phụ nữ uống rượu có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn so với những người không uống.

Tóm lại, tốt nhất nên hạn chế uống rượu vì uống nhiều rượu có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm khớp.

2. Đồ uống có đường

Đồ uống có đường, ví dụ như nước ngọt, có thể làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh viêm khớp.

Trong một nghiên cứu trên 1.209 người trưởng thành ở độ tuổi 20 - 30, những người uống đồ uống chứa fructose từ 5 lần trở lên mỗi tuần có nguy cơ bị viêm khớp cao hơn gấp 3 lần so với những người uống ít hoặc không uống đồ uống chứa fructose.

Đồ uống chứa fructose còn làm tăng nồng độ axit uric và điều này có thể khiến cho bệnh gout trở nên trầm trọng hơn.

Nước ngọt và các loại đồ uống có đường khác có chứa aspartame và axit photphoric, những thành phần này làm giảm khả năng hấp thụ canxi của cơ thể và điều này sẽ gây hại cho sức khỏe xương.

3. Cà phê

Mặc dù cà phê chứa chất chống oxy hóa có thể giúp giảm viêm nhưng lại chứa caffeine và những người bị viêm khớp nên hạn chế tiêu thụ caffeine.

Không nhất thiết phải kiêng cà phê hoàn toàn nhưng chỉ nên uống 1 – 2 cốc mỗi ngày, không uống gần giờ đi ngủ và hạn chế thêm sữa đặc, đường hoặc kem béo vào cà phê.

4. Sữa

Ở những người không dung nạp lactose (đường tự nhiên trong sữa), uống sữa và các sản phẩm từ sữa có thể gây ra phản ứng viêm trong cơ thể và làm tăng các triệu chứng viêm khớp. Tuy nhiên, nếu bạn có thể dung nạp được lactose thì không cần kiêng các sản phẩm từ sữa. Đây là những nguồn cung cấp canxi dồi dào. Canxi là khoáng chất rất cần thiết cho sức khỏe xương.

Nên chọn các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc tách béo để tránh bị tăng cân và giảm lượng chất béo xấu trong chế độ ăn.

Câu hỏi thường gặp

Những loại thực phẩm nào có hại nhất cho người bị viêm khớp?

5 loại thực phẩm và thành phần thực phẩm có hại nhất cho người bị viêm khớp là:

  1. Chất béo chuyển hóa (trans fat), trong có các loại dầu thực vật hydro hóa một phần:loại chất béo này gây viêm và có hại cho sức khỏe tim mạch.
  2. Gluten: chế độ ăn không chứa gluten có thể giúp làm giảm triệu chứng viêm khớp
  3. Carbohydrate (carb) tinh chế: làm tăng tình trạng viêm.
  4. Đường tinh luyện: làm tăng tình trạng viêm. Hạn chế thêm đường tinh luyện vào đồ ăn, đồ uống và tránh thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều đường.
  5. Đồ chiên và thực phẩm chế biến sẵn, nhất là những sản phẩm chứa nhiều AGE, chẳng hạn như gà chiên, thịt xông khói, sốt mayonnaise và khoai tây chiên

Người bị viêm khớp cũng nên hạn chế hoặc kiêng các loại đồ uống có đường, rượu vang đỏ và các loại rượu khác. Ăn quá nhiều muối cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, đặc biệt ở những người hút thuốc.

Người bị viêm khớp nên ăn những thực phẩm nào?

Chế độ ăn uống cân bằng với đầy đủ các chất dinh dưỡng và nhiều chất chống oxy hóa sẽ rất có lợi cho người bị viêm khớp. Nên ăn nhiều trái cây, rau củ tươi, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và các loại dầu có lợi cho sức khỏe, chẳng hạn như dầu ô liu.

Người bị viêm khớp có được ăn chuối không?

Chuối rất tốt cho người bị bệnh viêm khớp vì chuối chứa chất chống oxy hóa, có thể giúp giảm viêm và ngoài ra còn chứa kali, một khoáng chất giúp xương chắc khỏe.

Người bị viêm khớp cần kiêng những loại trái cây và rau củ nào?

Một số người cho rằng cà tím, cà chua, khoai tây và ớt có thể làm tăng tình trạng viêm và đau khớp. Những loại quả và củ này đều thuộc họ Cà và chứa solanine. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng khoa học nào xác nhận người bị viêm khớp cần kiêng những thực phẩm kể trên. Hơn nữa, những loại củ quả này cung cấp nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu.

Cũng có ý kiến cho rằng các loại quả họ cam quýt như chanh, cam, bưởi không tốt cho người bị viêm khớp nhưng lại có bằng chứng cho thấy flavonoid trong các loại quả này có lợi cho người bị viêm khớp nhờ có đặc tính chống viêm. Cần nghiên cứu thêm để đánh giá tác động của các loại quả họ cam quýt đến bệnh viêm khớp.

Tóm tắt bài viết

Chế độ ăn uống cân bằng và lối sống lành mạnh có thể giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh viêm khớp.

Có một số loại thực phẩm và đồ uống mà người bị viêm khớp cần tránh, gồm có thực phẩm siêu chế biến, thịt đỏ, đồ chiên, rượu và đồ chứa đường bổ sung.

Bên cạnh điều chỉnh chế độ ăn uống, lối sống lành mạnh cũng là điều cần thiết để kiểm soát bệnh viêm khớp. Người bệnh nên tập thể dục đều đặn, duy trì cân nặng khỏe mạnh, ngủ đủ giấc, hạn chế căng thẳng và không hút thuốc.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Viêm khớp vảy nến: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm khớp vảy nến: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Viêm khớp vảy nến (Psoriatic arthritis - PsA) là một tình trạng kết hợp các triệu chứng sưng, đau khớp của bệnh viêm khớp với bệnh vảy nến. Bệnh vảy nến thường có các triệu chứng đặc trưng là các mảng đỏ, đóng vảy cứng, ngứa ở trên da và đầu.

Viêm khớp nhiễm khuẩn: triệu chứng và cách điều trị
Viêm khớp nhiễm khuẩn: triệu chứng và cách điều trị

Viêm khớp nhiễm khuẩn là một bệnh nhiễm trùng ở khớp, xảy ra khi tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus lây lan sang khớp hoặc chất dịch bao quanh khớp.

Viêm khớp phản ứng: Nguyên nhân và cách điều trị
Viêm khớp phản ứng: Nguyên nhân và cách điều trị

Viêm khớp phản ứng là một loại viêm khớp do nhiễm trùng ở một cơ quan, bộ phận khác trong cơ thể gây ra.

Viêm khớp tự phát thiếu niên là gì?
Viêm khớp tự phát thiếu niên là gì?

Viêm khớp tự phát thiếu niên, hay còn gọi là viêm khớp dạng thấp thiếu niên, là loại viêm khớp phổ biến nhất ở trẻ em. Viêm khớp là một tình trạng với các triệu chứng đặc trưng là cứng, sưng và đau ở các khớp.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây