1

Các biện pháp giảm đau do viêm khớp

Có rất nhiều cách để giảm đau nhức do viêm khớp, gồm có dùng thuốc, chườm, tập thể dục thường xuyên, vật lý trị liệu, thảo dược và thực phẩm chức năng. Bạn có thể kết hợp nhiều biện pháp với nhau để giảm đau một cách hiệu quả nhất.
Các biện pháp giảm đau do viêm khớp Các biện pháp giảm đau do viêm khớp

Viêm khớp là bệnh về khớp phổ biến nhất.

Viêm khớp gây ra nhiều triệu chứng ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày như đau đớn, sưng tấy, cứng khớp và giảm phạm vi chuyển động. Nếu không được điều trị, viêm khớp có thể dẫn đến biến dạng khớp và mất khả năng vận động.

Viêm khớp là bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn và việc phải sống chung với căn bệnh này là điều khó khăn. Tuy nhiên, có nhiều cách để kiểm soát các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Điều quan trọng là phát hiện và điều trị sớm trước khi khớp bị hỏng.

Phác đồ điều trị viêm khớp sẽ phụ thuộc vào:

  • loại viêm khớp
  • mức độ nghiêm trọng
  • viêm khớp có ảnh hưởng đến những bộ phận khác của cơ thể ngoài khớp hay không
  • tình trạng sức khỏe tổng thể

Lối sống ảnh hưởng đến bệnh viêm khớp như thế nào?

Lối sống lành mạnh có thể giúp giảm nguy cơ mắc một số loại viêm khớp, gồm có viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) và thoái hóa khớp (osteoarthritis). Lối sống lành mạnh còn giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

Khối lượng cơ thể quá lớn sẽ gây áp lực lên khớp. Theo một tổng quan nghiên cứu vào năm 2015, chỉ số khối cơ thể (BMI) tăng 5 điểm sẽ làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp gối lên 35%.

Thừa cân hoặc béo phì còn gây viêm khắp cơ thể. Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2016 về bệnh thoái hóa khớp cho thấy rằng giảm cân một cách lành mạnh có thể giúp giảm đau, giảm viêm và cải thiện khả năng vận động.

Thay đổi lối sống là bước đầu tiên cần thực hiện để kiểm soát các triệu chứng viêm khớp. Một số thay đổi mà người bệnh nên thực hiện là tập thể dục thường xuyên, giảm lượng chất béo bão hòa và tăng lượng chất béo không bão hòa trong chế độ ăn uống.

Tập thể dục thường xuyên rất có lợi cho người bị viêm khớp. Theo một tổng quan nghiên cứu về bệnh thoái hóa khớp gối, tập thể dục mang lại những lợi ích như:

  • Giảm đau và cứng khớp
  • Bảo vệ sụn ở khớp
  • Giảm viêm
  • Cải thiện khả năng cử động của khớp
  • Tăng cường sức mạnh của các cơ hỗ trợ khớp
  • Giảm cân khi thừa cân, nhờ đó giảm bớt áp lực lên khớp

Chườm nóng hoặc lạnh

Chườm nóng hoặc lạnh lên các khớp bị viêm sẽ giúp giảm đau, đặc biệt là đau do vk và tk.

Chườm nóng giúp làm giảm sự căng cứng các cơ xung quanh khớp bị đau. Nhiệt sẽ làm giãn các mạch máu và tăng cường lưu thông máu, điều này giúp làm tăng lượng máu và chất dinh dưỡng đến các mô đang bị tổn thương.

Bạn có thể đặt chai nước nóng, túi chườm, khăn nhúng nước ấm lên khớp bị viêm đau hoặc ngâm khu vực bị đau trong nước ấm.

Để tránh bị bỏng, hãy kiểm tra nhiệt độ trước khi chườm. Chỉ nên sử dụng nước ấm, không dùng nước quá nóng. Mỗi lần chỉ nên chườm trong 20 phút để tránh làm tổn thương da.

Chườm lạnh là cách tốt nhất để giảm đau nhức sau khi tập thể dục. Chườm lạnh thu hẹp các mạch máu, làm giảm chất lỏng tích tụ trong mô, nhờ đó giảm sưng và đau.

Bạn có thể dùng túi chườm hoặc bọc nước đá trong một chiếc khăn và đặt lên vùng bị đau nhức. Bạn có thể chườm lạnh nhiều lần trong ngày nhưng mỗi lần chỉ nên chườm trong tối đa 20 phút để tránh làm tổn thương da.

Có thể thực hiện luân phiên chườm nóng và chườm lạnh nhưng mỗi lần nên cách nhau vài giờ.

Thuốc không kê đơn

Có nhiều loại thuốc không kê đơn giúp giảm đau và viêm khớp. Các loại thuốc này thường được dùng trong những trường hợp viêm khớp nhẹ.

Các loại thuốc không kê đơn được sử dụng phổ biến nhất để điều trị viêm khớp là:

  • Thuốc giảm đau như acetaminophen
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như aspirin, buprofen và naproxen

Acetaminophen chỉ có tác dụng giảm đau còn NSAID vừa có tác dụng giảm đau và vừa giảm viêm.

Ngoài thuốc giảm đau và chống viêm đường uống, bạn cũng có thể dùng các loại thuốc bôi ngoài da. Những loại thuốc thường chứa hoạt chất menthol hoặc capsaicin.

Thuốc kê đơn

Nếu thuốc giảm đau hoặc chống viêm không kê đơn không có hiệu quả thì có thể bạn sẽ phải chuyển sang dùng thuốc kê đơn.

NSAID kê đơn

NSAID kê đơn cũng giúp giảm viêm và giảm đau giống như NSAID không kê đơn nhưng có tác dụng mạnh hơn.

Một số loại NSAID kê đơn gồm có:

  • celecoxib
  • nabumeton
  • piroxicam
  • naproxen và ibuprofen hàm lượng cao

Thuốc giảm đau opioid

Nhóm thuốc này được sử dụng cho những trường hợp viêm khớp nặng, đã dùng thuốc chống viêm và giảm đau thông thường mà không hiệu quả. Một số loại thuốc giảm đau opioid được dùng phổ biến gồm có:

  • codeine
  • meperidine
  • morphine
  • oxycodone
  • tramadol

Những loại thuốc này chỉ có tác dụng giảm đau do viêm khớp chứ không tác động đến nguyên nhân gốc rễ gây bệnh và không thể làm chậm sự tiến triển của bệnh. Thuốc giảm đau opioid có thể gây nghiện và cần thận trọng khi sử dụng.

Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm

Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (disease-modifying antirheumatic drug - DMARD) là nhóm thuốc được dùng để điều trị các loại viêm khớp tự miễn, gồm có vk, viêm khớp vảy nến và viêm cột sống dính khớp. Viêm khớp tự miễn là các loại viêm khớp xảy ra do hệ miễn dịch tấn công mô khớp.

Không giống như NSAID và thuốc giảm đau chỉ có tác dụng làm giảm triệu chứng, DMARD ngăn cản hệ miễn dịch tấn công khớp và có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh. Tuy nhiên, DMARD phát huy tác dụng chậm hơn thuốc giảm đau. Có thể phải dùng DMARD vài tuần đến vài tháng thì mới có sự cải thiện rõ rệt.

Mỗi loại DMARD có tác dụng phụ khác nhau. Ví dụ, hydroxychloroquine có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng trên da của bệnh vảy nến ở những người mắc viêm khớp vảy nến.

Thuốc sinh học

Thuốc sinh học là những loại thuốc được bào chế từ sinh vật sống thông qua một quá trình sản xuất phức tạp.

Một số loại thuốc sinh học trong nhóm DMARD gồm có:

  • abatacept
  • Anakinra
  • Rituximab
  • sarilumab
  • tocilizumab
  • ustekinumab

Thuốc ức chế yếu tố hoại tử khối u (thuốc ức chế TNF) là một nhóm thuốc sinh học. Các loại thuốc này ngăn chặn TNF, một loại protein gây viêm.

Ví dụ về các loại thuốc ức chế TNF gồm có:

  • adalimumab
  • certolizumab pegol
  • etanercept
  • golimumab
  • infliximab

Thuốc sinh học chỉ có dạng biệt dược chứ không có dạng thuốc gốc. Một số loại thuốc sinh học có phiên bản tương tự sinh học (biosimilar). Thuốc tương tự sinh học cũng có cơ chế tác dụng giống như thuốc sinh học và có hoạt chất giống nhau nhưng thường có giá thành rẻ hơn thuốc sinh học.

DMARD tổng hợp

DMARD tổng hợp hay DMARD không sinh học được bào chế từ các hợp chất hóa học do con người tạo ra. Các loại thuốc này làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch.

Có hai loại DMARD tổng hợp là DMARD tổng hợp thông thường và thuốc ức chế JAK.

Các DMARD tổng hợp thông thường gồm có:

  • azathioprine
  • hydroxychloroquine
  • leflunomide
  • methotrexate
  • sulfasalazine

Thuốc ức chế Janus kinase (JAK) là một loại DMARD tổng hợp mới, thuộc nhóm thuốc tên là thuốc phân tử nhỏ. Thuốc sinh học thuộc nhóm thuốc phân tử lớn.

Thuốc ức chế JAK tác động đến một phần cụ thể của hệ miễn dịch thay vì làm giảm hoạt động của toàn bộ hệ miễn dịch.

Các thuốc ức chế JAK gồm có:

  • baricitinib
  • tofacitinib
  • upadacitinib

Tiêm cortisone

Tiêm cortisone trực tiếp vào khớp sẽ giúp giảm viêm và giảm đau. Tuy nhiên, tiêm cortisone quá thường xuyên có thể làm tăng tốc độ mất xương.

Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu có tác dụng:

  • tăng cường sức mạnh của các cơ hỗ trợ khớp
  • cải thiện phạm vi chuyển động của khớp
  • giảm đau
  • giúp người bệnh vận động dễ dàng hơn

Kỹ thuật viên trị liệu sẽ hướng dẫn bạn các bài tập mà bạn có thể tự tập tại nhà và điều chỉnh tư thế thực hiện các hoạt động để giảm áp lực lên khớp và tránh chấn thương.

Phẫu thuật

Những trường hợp viêm khớp nặng có thể phải phẫu thuật để sửa chữa hoặc thay khớp bị hỏng. Các loại phẫu thuật để điều trị viêm khớp gồm có:

  • Nội soi khớp: tạo các đưởng rạch nhỏ trên da, sau đó đưa ống nội soi và dụng cụ phẫu thuật vào để sửa những phần bị hỏng. Phương pháp này thường được dùng cho khớp gối, vai và một số khớp khác trên cơ thể.
  • Cắt xương: cắt bỏ hoặc thêm một phần xương để khắc phục tình trạng lệch trục khớp.
  • Cắt màng hoạt dịch: loại bỏ đi phần bị hỏng của màng hoạt dịch, lớp đệm mỏng nằm ở phía trong bao khớp.
  • Kết hợp xương: gắn nẹp vít để giữ cố định các xương trong khớp với nhau để giảm đau. Phương pháp này thường được sử dụng cho những trường hợp viêm khớp cột sống, mắt cá chân hoặc ngón tay.
  • Thay khớp: thay một phần hoặc toàn bộ khớp bị hỏng bằng khớp nhân tạo làm bằng kim loại, nhựa hoặc polymer. Phương pháp này thường được sử dụng cho khớp gối, khớp háng hoặc khớp vai.
  • Tái tạo bề mặt khớp: thay một phần khớp gối hoặc khớp háng bằng bộ phận nhân tạo để giúp cho khớp chuyển động trơn tru.

Các phương pháp điều trị bổ sung

Bên cạnh các phương pháp điều trị chính thống còn có các biện pháp điều trị bổ sung để giảm đau do viêm khớp.

Châm cứu và bấm huyệt

Châm cứu và bấm huyệt là hai phương pháp chữa bệnh trong y học cổ truyền.

Châm cứu là phương pháp dùng kim mảnh đâm qua da ở những vị trí nhất định trên cơ thể (huyệt đạo). Bấm huyệt là phương pháp dùng tay tác động lực lên các huyệt đạo. Hai phương pháp này nhằm mục đích khôi phục sự cân bằng năng lượng trong cơ thể, nhờ đó điều trị các vấn đề về sức khỏe. Châm cứu và bấm huyệt có thể giúp giảm đau do viêm khớp bằng cách làm tăng lưu lượng máu đến khớp và kích hoạt sự giải phóng endorphin, một loại hormone giúp giảm đau tự nhiên.

Kích thích dây thần kinh bằng điện qua da (TENS)

Kích thích dây thần kinh bằng điện qua da (TENS) là phương pháp đưa dòng điện nhẹ vào các dây thần kinh nhất định trong cơ thể. Dòng điện này làm gián đoạn sự truyền tín hiệu thần kinh gây đau và kích hoạt sự giải phóng endorphin.

Hầu hết các nghiên cứu về TENS đều có kích thước mẫu nhỏ, có nghĩa là chỉ được thực hiện trên một nhóm nhỏ người tham gia. Do đó, chưa rõ phương pháp này có hiệu quả giảm đau do các bệnh lý mạn tính như viêm khớp hay không. Tuy nhiên, có một số bằng chứng cho thấy TENS có thể làm giảm mức độ đau và cải thiện khả năng đi lại cho người bị viêm khớp.

Thảo dược và thực phẩm chức năng

Nhiều loại thảo dược và thực phẩm chức năng có tác dụng giảm viêm và giảm đau khớp.

Capsaicin, hợp chất tạo nên vị cay cho quả ớt, có thể giúp làm giảm cảm giác đau. Vì thế nên capsaicin được dùng làm hoạt chất trong một số loại thuốc bôi giảm đau.

Củ nghệ có tác dụng giảm viêm và từ lâu đã được dùng để chữa nhiều chứng bệnh khác nhau, bao gồm cả viêm khớp.

Một số loại thảo dược và thực phẩm chức năng khác đã được nghiên cứu để điều trị chứng đau khớp gồm có:

  • Nhũ hương Ấn Độ (Boswellia serrata)
  • Cây vuốt mèo (Uncaria tomentosa)
  • Hoa cúc (chamomile)
  • Dầu cá
  • Gừng
  • Glucosamine và chondroitine
  • Cây tầm ma (Urtica dioica)
  • Dây thiên lôi hay lôi công đằng (Tripterygium wilfordii)
  • Chiết xuất vỏ cây liễu (willow bark), có tác dụng tương tự như aspirin

Bạn cần thận trọng khi dùng bất kỳ loại thảo dược hay thực phẩm chức năng nào. Không phải sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên nào cũng an toàn. Một số loại thảo dược có chứa hoạt chất tương tự như thuốc tây y và có thể gây ra tác dụng phụ. Ví dụ, gừng và vỏ cây liễu có thể làm loãng máu. Dây thiên lôi có thể làm yếu xương nếu sử dụng trong thời gian dài. Thảo dược và thực phẩm chức năng còn có thể tương tác với thuốc.

Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thảo dược hay thực phẩm chức năng nào.

Tóm tắt bài viết

Các phương pháp điều trị viêm khớp đã có nhiều cải tiến trong những năm qua. Ngày nay, có rất nhiều cách để giảm đau do viêm khớp.

Các phương pháp chính là dùng thuốc giảm đau, chống viêm, vật lý trị liệu và các biện pháp tự khắc phục tại nhà như chườm. Đối với các loại viêm khơp tự miễn như vk và viêm khớp vảy nến, DMARD có thể ngăn hệ miễn dịch tấn công khớp, nhờ đó làm giảm các triệu chứng và làm chậm sự tiến triển của bệnh. Những trường hợp viêm khớp nghiêm trọng có thể phải phẫu thuật để sữa hoặc thay khớp bị hỏng. Bên cạnh các phương pháp điều trị chính thống, người bệnh có thể kết hợp thêm các phương pháp điều trị bổ sung như châm cứu, bấm huyệt, dùng thảo dược hoặc thực phẩm chức năng.

Bạn có thể cần phải thử nhiều phương pháp khác nhau để tìm ra phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Viêm khớp nhiễm khuẩn: triệu chứng và cách điều trị
Viêm khớp nhiễm khuẩn: triệu chứng và cách điều trị

Viêm khớp nhiễm khuẩn là một bệnh nhiễm trùng ở khớp, xảy ra khi tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus lây lan sang khớp hoặc chất dịch bao quanh khớp.

Viêm khớp phản ứng: Nguyên nhân và cách điều trị
Viêm khớp phản ứng: Nguyên nhân và cách điều trị

Viêm khớp phản ứng là một loại viêm khớp do nhiễm trùng ở một cơ quan, bộ phận khác trong cơ thể gây ra.

Viêm khớp tự phát thiếu niên là gì?
Viêm khớp tự phát thiếu niên là gì?

Viêm khớp tự phát thiếu niên, hay còn gọi là viêm khớp dạng thấp thiếu niên, là loại viêm khớp phổ biến nhất ở trẻ em. Viêm khớp là một tình trạng với các triệu chứng đặc trưng là cứng, sưng và đau ở các khớp.

Điều Trị Viêm Khớp Bằng Dầu Cá Và Omega-3 (EPA Và DHA)
Điều Trị Viêm Khớp Bằng Dầu Cá Và Omega-3 (EPA Và DHA)

Điều trị viêm khớp bằng dầu cá và omega-3 (EPA và DHA). Nhờ tác dụng giảm viêm nên dầu cá có lợi cho những người bị bệnh viêm khớp.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây