Gluten có ảnh hưởng như thế nào đến bệnh viêm khớp?
Có nhiều loại viêm khớp nhưng hai loại phổ biến nhất là thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp. Thoái hóa khớp xảy ra do sự hao mòn sụn theo thời gian trong khi viêm khớp dạng thấp xảy ra do hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức và tấn công nhầm mô khớp.
Viêm khớp thường được điều trị bằng thuốc nhưng những trường hợp nghiêm trọng có thể phải phẫu thuật.
Ngoài ra, điều chỉnh chế độ ăn uống cũng là một điều quan trọng để kiểm soát bệnh viêm khớp. Một số loại thực phẩm có thể giúp giảm viêm và điều hòa hoạt động của hệ miễn dịch, nhờ đó giảm nhẹ các triệu chứng và làm chậm sự tiến triển của bệnh. Trong khi đó, một số loại thực phẩm và đồ uống, ví dụ như thực phẩm chứa nhiều đường và đồ uống có cồn lại có thể làm tăng viêm và khiến cho tình trạng viêm khớp trở nên nghiêm trọng hơn.
Gluten, một nhóm protein có trong các loại ngũ cốc như lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen, cũng có thể khiến cho các triệu chứng viêm khớp tái phát, đặc biệt là ở những người mắc viêm khớp tự miễn như viêm khớp dạng thấp.
Nguyên nhân gây viêm khớp tự miễn
Các loại viêm khớp tự miễn như viêm khớp dạng thấp xảy ra do hệ miễn dịch tấn công mô khớp, dẫn đến phản ứng viêm. Mặc dù nguyên nhân chính xác gây ra các bệnh tự miễn nói chung và viêm khớp tự miễn nói riêng vẫn chưa được xác định nhưng một số nghiên cứu chỉ ra rằng viêm khớp dạng thấp có thể là do sự kết hợp của yếu tố di truyền và yếu tố môi trường.
Ở những người bị viêm khớp dạng thấp, tình trạng viêm mạn tính sẽ dần dần làm hỏng xương và sụn. Và cũng giống như các bệnh tự miễn khác, tình trạng viêm sẽ ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể và dẫn đến các vấn đề khác.
Bệnh celiac và viêm khớp tự miễn
Bệnh celiac (không dung nạp gluten) cũng là một bệnh lý tự miễn, xảy ra do hệ miễn dịch phản ứng quá mức với gluten. Ở những người mắc bệnh celiac, ăn thực phẩm chứa gluten sẽ kích hoạt đáp ứng miễn dịch.
Điều này gây ra tình trạng viêm ở ruột non và ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng. Tình trạng viêm này thường gây ra các triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng và đầy hơi.
Vì gluten có thể đi vào máu nên những người mắc bệnh celiac có thể bị đau và viêm ở các vùng khác trên cơ thể, ví dụ như khớp. Trong những trường hợp bệnh celiac nặng, không được điều trị, người bệnh còn có thể gặp phải các vấn đề khác như:
- Thiếu máu
- Rối loạn chức năng túi mật
- Loãng xương
- Các bệnh tự miễn khác như bệnh đa xơ cứng
- Sụt cân
Tương tự như viêm khớp tự miễn, những người mắc bệnh celiac cũng có nguy cơ mắc các bệnh tự miễn khác. Càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc các bệnh tự miễn khác càng cao.
Theo Tổ chức Bệnh celiac Hoa Kỳ (the Celiac Disease Foundation), những trẻ mắc bệnh celiac có 1,5 đến 6,6% nguy cơ bị viêm khớp tự phát thiếu niên. Bệnh celiac còn có liên quan đến viêm khớp dạng thấp và viêm tuyến giáp tự miễn.
Đôi khi, bệnh celiac bị chẩn đoán nhầm là viêm khớp, đặc biệt là khi người bệnh chỉ có triệu chứng duy nhất là đau khớp.
Viêm khớp tự miễn, bệnh celiac và gluten
Gluten kích hoạt phản ứng viêm ở những người mắc bệnh celiac. Viêm khớp tự miễn cũng xảy ra do hệ miễn dịch hoạt động quá mức. Vậy ăn thực phẩm chứa gluten có ảnh hưởng gì đến người bị viêm khớp tự miễn không?
Hiện tại, các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ gluten có ảnh hưởng đến bệnh viêm khớp tự miễn hay không. Mặc dù một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn không có gluten có thể mang lại lợi ích cho những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp vì việc kiêng gluten giúp làm giảm viêm trong cơ thể nhưng vẫn cần phải nghiên cứu thêm trước khi đưa ra kết luận.
Người bị viêm khớp không cần theo bất kỳ chế đô ăn kiêng cụ thể nào nhưng nên ăn các loại thực phẩm sau đây để làm giảm mức độ hoạt động của bệnh:
- Trái cây
- Rau củ
- Cá
- Quả hạch
- Các loại đậu
Những thực phẩm này đều có tác dụng chống viêm. Ngoài ra, nên hạn chế hoặc tránh thực phẩm chế biến sẵn và chất béo bão hòa.
Người bị viêm khớp có cần kiêng gluten không?
Những người mắc bệnh celiac phải tuân theo chế độ ăn không có gluten một cách nghiêm ngặt để tránh tái phát các triệu chứng. Tuy nhiên, việc kiêng gluten là không cần thiết đối với người bị viêm khớp, trừ khi bị cả viêm khớp và bệnh celiac cùng lúc. Hiện chưa có đủ bằng chứng chứng minh ảnh hưởng của gluten đến bệnh viêm khớp.
Nhưng nếu bạn nhận thấy rằng các triệu chứng viêm khớp cải thiện khi hạn chế hoặc kiêng gluten thì có thể thực hiện chế độ ăn không có gluten để kiểm soát bệnh.
Tóm tắt bài viết
Viêm khớp dạng thấp và các loại viêm khớp tự miễn khác xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm mô khỏe mạnh của khớp. Bệnh celiac cũng là một bệnh tự miễn, xảy ra do hệ miễn dịch phản ứng quá mức với gluten. Chế độ ăn không có gluten là điều bắt buộc đối với những người bị bệnh celiac nhưng không cần thiết đối với người bị viêm khớp. Tuy nhiên, người bị viêm khớp nên thực hiện một số thay đổi khác trong chế độ ăn uống để kiểm soát các triệu chứng, gồm có ăn các loại thực phẩm chống viêm và tránh những thực phẩm làm tăng viêm.
Loãng xương là tình trạng khiến xương trở nên yếu và giòn hơn. Viêm khớp là tình trạng khớp bị viêm, gây đau đớn và sưng tấy. Đôi khi, chứng loãng xương có thể là kết quả của chứng viêm khớp do viêm khớp gây cản trở khả năng vận động và ít hoạt động thể chất sẽ khiến xương trở nên kém chắc khỏe. Tuy nhiên, một số loại viêm khớp trực tiếp làm tăng nguy cơ loãng xương.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn gây sưng, đau và cứng khớp. Mặc dù không có cách chữa trị khỏi hoàn toàn nhưng chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa tổn thương khớp vĩnh viễn.
Viêm khớp dạng thấp không được coi là một bệnh di truyền. Tuy nhiên, việc mang một số gen nhất định có thể làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này.
Viêm khớp là tình trạng tình trạng khớp bị sưng và đau. Tình trạng này có thể xảy ra ở một hoặc nhiều khớp trên cơ thể. Các triệu chứng của bệnh viêm khớp thường xảy ra từ từ theo thời gian nhưng cũng có thể xảy ra đột ngột.
Viêm khớp tự phát thiếu niên (juvenile idiopathic arthritis) là một loại bệnh viêm khớp khởi phát ở người dưới 16 tuổi. Loại bệnh viêm khớp này trước đây còn được gọi là viêm khớp dạng thấp thiếu niên.