Những thực phẩm nên ăn và nên tránh khi trẻ bắt đầu ăn dặm
Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy bối rối ở giai đoạn này vì không biết nên cho con ăn những gì để đảm bảo đủ dinh dưỡng và an toàn.
Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn một số điều cơ bản về việc ăn dặm, gồm có những loại thực phẩm trẻ có thể ăn và những thực phẩm cần tránh, thời điểm và cách cho trẻ ăn.
Những thực phẩm trẻ có thể ăn
Trước hết, cha mẹ cần lưu ý rằng ở thời điểm 6 tháng tuổi, sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính cho trẻ và các loại thức ăn khác chỉ là sự bổ sung để trẻ làm quen dần với đồ ăn dạng đặc.
Thông thường, loại thực phẩm đầu tiên nên cho trẻ ăn là bột ăn dặm nhưng nếu trẻ không ăn bột ăn dặm thì cũng không sao cả.
Nhiều bé bỏ qua giai đoạn ăn bột ăn dặm và chuyển thẳng sang ăn thực phẩm xay nhuyễn. Điều này là bình thường và không có hại gì nhưng các chuyên gia vẫn khuyên nên bắt đầu từ bột ăn dặm. Các sản phẩm bột ăn dặm thường được bổ sung thêm sắt – một chất mà trẻ rất cần ở giai đoạn này.
Hơn nữa, việc ăn bột ăn dặm giúp tạo sự chuyển tiếp dần dần từ chế độ ăn lỏng hoàn toàn (chỉ gồm sữa mẹ hoặc sữa công thức) sang ăn thức ăn đặc.
Pha bột ăn dặm cùng với sữa công thức hoặc nước theo đúng hướng dẫn và bón cho trẻ ăn bằng thìa. Không cho bột vào trong bình sữa.
Nếu trẻ bú sữa mẹ thì có thể pha bột ăn dặm với sữa mẹ nhưng không nên làm như vậy trong vài lần ăn đầu tiên. Khi chưa quen ăn dặm, trẻ thường sẽ phun thức ăn ra ngoài, hất đổ hoặc túm lấy thìa bột. Sữa mẹ rất quý giá nên đừng để lãng phí. Do đó, trước tiên mẹ nên pha bột ăn dặm với một ít nước. Khi trẻ đã quen ăn và không còn phun, nhè thì có thể pha với sữa mẹ.
Thời gian đầu nên pha bột loãng một chút để trẻ dễ nuốt hơn. Khi trẻ đã quen thì tăng dần độ đặc của bột lên.
Khi trẻ mới ăn dặm, mỗi lần chỉ bón cho trẻ ăn một vài thìa bột và nếu thấy trẻ có vẻ ăn được thì tăng thêm 3 đến 4 thìa mỗi lần.
Nên cho trẻ ăn bột một bữa/ngày trong 1 – 2 tuần đầu. Nếu nhận thấy trẻ ăn tốt thì tăng lên hai bữa một ngày. Sau đó 1 - 2 tuần thì có thể bắt đầu thử cho trẻ ăn thực phẩm xay nhuyễn.
Bố mẹ nên ưu tiên chọn các loại rau củ có màu cam và vàng nhưng ngoài ra cũng có thể thử cho trẻ ăn những loại thực phẩm khác như chuối hoặc quả bơ.
Khi chuyển sang một loại thực phẩm mới thì hãy cho trẻ ăn ít nhất ba ngày liên tục rồi mới thêm một loại thực phẩm khác vào chế độ ăn. Điều này sẽ giúp xác định loại thức ăn mà bé bị dị ứng hoặc không dung nạp được.
Ngoài ra, cần lưu ý rằng nhiều thói quen ăn uống sau này của trẻ bắt đầu hình thành ngay từ giai đoạn sơ sinh. Một nghiên cứu vào năm 2014 cho thấy rằng những trẻ không ăn nhiều trái cây hoặc rau củ trong giai đoạn từ 6 đến 12 tháng tuổi thường cũng sẽ ăn rất ít rau củ quả khi lớn lên. (1)
Những thực phẩm cần tránh
Chỉ có một số loại thực phẩm mà bố mẹ không nên cho bé ăn trong giai đoạn ăn dặm.
Mật ong
Mật ong có thể gây ngộ độc cho trẻ sơ sinh. Chỉ nên cho trẻ ăn mật ong khi đã đủ 12 tháng tuổi.
Sữa bò
Trẻ 6 tháng tuổi không nên uống sữa bò. Tuy nhiên, khi trẻ đã ăn dặm được một thời gian và quen với đồ ăn dạng đặc thì có thể cho trẻ ăn một ít sữa chua hoặc phô mai mềm.
Hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt nên trong thời gian đầu mới ăn những thực phẩm này có thể sẽ xảy ra hiện tượng phân có lẫn chút máu.
Đồ ăn cắt miếng to
Có thể cho trẻ ăn các loại rau củ nhưng phải xay nhuyễn hoặc nấu chín nhừ. Không nên cho trẻ ăn thức ăn cắt miếng to vì trẻ rất dễ bị hóc. Kể cả là các loại quả mềm như nho hay xoài thì cũng phải nghiền nhuyễn trước khi cho trẻ ăn.
Một số loại cá
Chỉ nên cho trẻ ăn các loại cá có chứa lượng thủy ngân cao như cá ngừ tối đa một lần/tháng.
Nếu là cá hồi hay các loại cá thịt trắng như cá chép thì có thể ăn thường xuyên hơn. Hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn những loại cá an toàn cho bé.
Những thực phẩm khác cần tránh
Tốt nhất không nên cho trẻ uống nước trái cây ở giai đoạn 6 tháng tuổi.
Kể cả nước ép trái cây tươi cũng có chứa rất nhiều đường. Ăn uống quá nhiều đường ở giai đoạn này có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh sau này. Theo nghiên cứu, việc cho trẻ sơ sinh uống đồ uống có đường sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ béo phì khi trẻ lên 6 tuổi. (2)
Đọc đến đây chắc chắn nhiều bố mẹ sẽ thắc mắc tại sao danh sách những thực phẩm cần tránh lại ít như vậy. Mọi người vẫn cho rằng có rất nhiều loại thực phẩm không nên cho trẻ ăn trong giai đoạn ăn dặm như trứng, đậu phộng…
Trước đây, ngay cả các bác sĩ nhi khoa cũng khuyến cáo không nên đưa những thực phẩm này vào chế độ ăn dặm nhằm ngăn ngừa dị ứng thực phẩm. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng việc cho trẻ ăn những thực phẩm này từ sớm có thể giúp ngăn ngừa dị ứng. (3)
Cần lưu ý, phải cho trẻ ăn thức ăn ở dạng an toàn, không gây hóc. Ví dụ, có thể cho trẻ ăn bơ đậu phộng nhưng đậu phộng nguyên hạt sẽ gây nguy hiểm.
Đưa trẻ đi khám bác sĩ nếu như bố mẹ lo lắng về nguy cơ dị ứng do tiền sử gia đình hoặc nhận thấy con có các dấu hiệu dị ứng như phát ban, nôn mửa hoặc tiêu chảy và phải đến bệnh viện khẩn cấp nếu trẻ có các triệu chứng nghiêm trọng như khó thở, tím tái.
Khi nào nên cho trẻ ăn dặm?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị chỉ nên bắt đầu cho trẻ ăn dặm khi đã đủ 6 tháng tuổi.
Việc bắt đầu ăn dặm trước 6 tháng tuổi có thể khiến trẻ bú ít đi và cơ thể mẹ hết sữa sớm hơn. Ăn dặm quá sớm còn có thể khiến trẻ có nguy cơ bị thiếu protein, chất béo và các chất dinh dưỡng khác.
Mặt khác cũng không nên cho trẻ ăn dặm quá muộn vì điều này có thể gây ra một số vấn đề về ăn uống.
Ở một số trẻ, việc duy trì chế độ ăn lỏng quá lâu khiến cho trẻ không thể tự ăn các loại thức ăn khác ngoài sữa mẹ hoặc sữa công thức khi chuyển sang giai đoạn ăn dặm và phải cần đến sự trợ giúp của chuyên gia trị liệu để giúp cho trẻ học cách ăn đồ ăn đặc.
Hãy nhớ rằng, mục đích của giai đoạn ăn dặm là để trẻ quen dần với các loại thức ăn dạng sệt và rắn nên cứ để trẻ có thời gian làm quen, không cần thiết phải ăn quá nhiều.
Trẻ thường bú sữa mẹ hoặc sữa công thức từ 6 đến 8 lần một ngày trong giai đoạn này và bố mẹ nên làm sao để đến khi 1 tuổi, trẻ có thể ăn khoảng 6 bữa một ngày, gồm có:
- Bữa sáng
- Bữa ăn nhẹ giữa buổi sáng
- Bữa trưa
- Bữa ăn nhẹ giữa buổi chiều
- Bữa tối
- Bữa ăn nhẹ trước khi đi ngủ
Ban đầu, bố mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn đặc vào buổi sáng và sau một thời gian thì thêm thức ăn đặc vào bữa tối. Nhưng tất nhiên, bố mẹ có thể cho bé ăn thức ăn đặc vào bất cứ thời điểm nào cảm thấy phù hợp.
Khi đưa một loại thực phẩm mới vào chế độ ăn của trẻ thì nên cho trẻ ăn sớm trong ngày để theo dõi phản ứng của cơ thể.
Không nên bắt đầu cho trẻ ăn dặm khi trẻ quá đói và quấy khóc. Khi ở trong những tình trạng này, hãy cho trẻ bú sữa mẹ hoặc sữa công thức nhưng đừng nên cho trẻ bú quá no để trẻ vẫn có thể ăn được một ít bột ăn dặm. Sau khi ăn bột thì mới cho trẻ tiếp tục bú sữa mẹ hoặc phần sữa công thức còn lại. Hoặc cũng có thể cho bé ăn một ít bột trước khi bú mẹ hoặc bú bình.
Không có quy định cụ thể về thời điểm cho trẻ ăn dặm nên hãy tự thử và tìm ra thời điểm phù hợp nhất với con mình.
Nên cho trẻ ăn dặm như thế nào?
Tốt nhất nên cho trẻ ngồi vào ghế ăn dặm, thắt đai cố định và giữ chắc đĩa bột để không bị trẻ hất đổ.
Xúc một ít bột và đặt thìa lên môi trẻ xem trẻ phản ứng ra sao. Không nên ép trẻ ăn nếu bé không muốn.
Thời gian đầu, trẻ sẽ ngậm không nuốt hoặc phun, nhè thức ăn. Đây đều là những phản ứng rất bình thường.
Nếu ban đầu trẻ không há miệng thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ chưa sẵn sàng ăn các loại thức ăn khác ngoài sữa.
Nếu trẻ đã ăn thức ăn đặc được một thời gian và khi thử một món mới trẻ lại không ăn thì có thể là do trẻ không thích loại thực phẩm đó. Bố mẹ nên cho trẻ thử các món khác.
Nói chuyện với bác sĩ nếu trẻ không thích ăn thức ăn đặc sau khi thử vài tuần hoặc nếu trẻ có vấn đề khi ăn như hóc hay nôn trớ.
Cố gắng để trẻ ăn cùng cả nhà vì điều này đã được chứng minh là có tác động tích cực đến sự phát triển của trẻ và giúp tạo sự gắn kết với các thành viên trong gia đình.
Xem thêm:
Trong khi một số loại thực phẩm chức năng có lợi cho phụ nữ mang thai thì một số loại khác lại có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm cho cả mẹ và em bé trong bụng.
Thực phẩm không chỉ giúp chúng ta no bụng mà còn cung cấp cho cơ thể các chất dinh dưỡng cần thiết để phát triển và hoạt động bình thường. Những gì chúng ta ăn hàng ngày sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe hiện tại và tình trạng sức khỏe trong nhiều năm tới.
Những người ăn chay và thuần chay có nguy cơ cao bị thiếu hụt vitamin B12. Đây là một loại vitamin rất quan trọng đối với sức khỏe.
Carrageenan có thể gây hại cho sức khỏe, ví dụ như làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể, gây đầu hơi, hội chứng ruột kích thích và thậm chí là làm tăng nguy cơ ung thư.
Một trong các biện pháp để điều trị thiếu máu là điều chỉnh lại chế độ ăn uống. Người bị thiếu máu cần ăn nhiều thực phẩm giàu sắt và các vitamin khác cần thiết cho quá trình sản xuất hemoglobin và hồng cầu.